26.4.25

Con đường đến thịnh vượng (Justin Yifu Lin)

CON ĐƯỜNG ĐẾN THỊNH VƯỢNG:

SỰ CHUYỂN ĐỔI SANG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC TRONG BỐN THẬP NIÊN QUA

Path to prosperity: China’s transition to market economy in the last four decades

Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu)

Nguyễn Xuân Xanh chuyển ngữ và trình bày

“Nhưng các cơ hội và thách thức mà các nước phát triển phải đối mặt lại khác với các nước đang phát triển. Vì vậy, các lý thuyết được thiết kế riêng cho các nước phát triển không nhất thiết phải áp dụng cho các nước đang phát triển. Và vì các điều kiện và vấn đề kinh tế xã hội ở các nước phát triển không ngừng thay đổi, nên các lý thuyết thống trị của họ cũng thay đổi theo thời gian. Vì vậy, khi cố gắng áp dụng các lý thuyết từ các nước phát triển để định hướng cho các chính sách của mình, các nước đang phát triển có thể không biết nên chọn lý thuyết nào. Ngay cả khi họ chọn một lý thuyết, lý thuyết đó cũng có thể không phù hợp với điều kiện của họ.[…]

Do đó, các nhà trí thức ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác nên đào sâu hiểu biết về đất nước của họ ở mọi khía cạnh, bao gồm cả các khía cạnh chính trị, kinh tế và các khía cạnh xã hội khác. Thông qua đó, họ có thể xây dựng một cách sáng tạo một khuôn khổ lý thuyết nắm bắt được bản chất, thách thức và cơ hội của quá trình hiện đại hóa đất nước mình.”

– Justin Yifu Lin

GS Justin Yifu Lin 2025 (sinh năm 1952 tại Đài Loan) (Ảnh Wikipedia)

Lời nói đầu

Anh chị thân mến,

Gần đây tôi được tin GS Trung Quốc Justin Yifu Lin, người rất am hiểu sự chuyển đổi thần kỳ của kinh tế Trung Quốc từ kinh tế chỉ huy xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường, và là một học giả có tên tuổi thế giới, sắp đến Việt Nam để làm tham luận về kinh nghiệm của Trung Quốc tại một đại học Việt Nam. Tôi rất vui mừng trước tin đó. Cách đây khoảng mười năm tôi đã đọc sách ông, và làm một số nghiên cứu về Trung Quốc “Xưa và Nay”, nhưng rồi tôi phải xếp lại để làm chuyện khác, vì nghĩ làm sao công bố những nghiên cứu đó? Nhưng tình hình Việt Nam hiện nay có không khí cởi mỡ hơn trong việc tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, nên những kinh nghiệm về Trung Quốc là hữu ích và cần nêu lên.

GS Lin là nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (tên đầy đủ: Phó chủ tịch cấp cao về Kinh tế phát triển và Nhà kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới) và là nhà kinh tế cấp cao tại Nhóm Ngân hàng Thế giới, có nhiệm vụ cung cấp sự lãnh đạo và định hướng trí tuệ cho chiến lược phát triển quốc tế chung và chương trình nghiên cứu kinh tế của ngân hàng, ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, như Wikipedia viết. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ kinh tế tại Đại học Chicago (1986), và sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Yale, ông về Bắc Kinh và trở thành giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh vào năm 1987. Ông thành lập Trung tâm nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (hiện là Trường phát triển quốc gia của Đại học Bắc Kinh) và sau đó được bổ nhiệm làm Chuyên gia kinh tế trưởng và Phó chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới, nơi ông làm việc từ năm 2008 đến năm 2012. Sau đó, ông trở về Bắc Kinh và tiếp tục nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh.

Ông là người rất am hiểu lý thuyết kinh tế và cả thực hành. Trong một quyển sách (Quest for prosperity, quyển này được dịch sang tiếng Việt: Cuộc Truy Cầu Sự Thịnh Vượng), ông kể vui, rằng Albert Einstein đã từng nói đùa: “Lý thuyết là khi bạn biết mọi thứ nhưng không có gì hiệu quả. Thực hành là khi mọi thứ hiệu quả nhưng không ai biết tại sao. Chúng ta đã kết hợp lý thuyết và thực hành: không có gì hiệu quả… và không ai biết tại sao!” Nhưng đó là đùa. Chúng ta cần biết cả lý thuyết, lẫn thực hành sao cho công việc ăn khớp với cả hai. Và đó là điều Justin Lin muốn chuyển đạt đến giới tinh hoa của các quốc gia đang trên đường phát triển.

Bài của ông Justin Lin mà tôi dịch dưới đây đã được đăng trong quyển China and the West, do Jan Svejnar của Đại học Columbia và Justin Yifu Lin làm chủ biên, xuất bản năm 2021. Ông có khoảng chục quyển sách.

Tôi rất vui mừng được chia sẻ với anh chị về bài viết của GS Justin Yifu Lin. Cảm ơn sự quan tâm của anh chị. Tôi làm trong sự hối hã, chắc chắn còn có nhiều lỗi và còn nhiều thiếu sót. Xin thông cảm.

Dưới đây là nội dung.

Đừng quên tham khảo Trung Quốc đã trở thành nước tư bản thế nào:

https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/trung-quoc-da-tro-thanh-nuoc-tu-ban-the-nao/

Nguyễn Xuân Xanh Thứ Bảy 12/4/2025

Con đường đến thịnh vượng: Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua, 1978-2018

Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu)

Năm 2018, Trung Quốc đã kỷ niệm 40 năm chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường. Thành tựu kinh tế, tình từ lúc cuộc chuyển đổi đó bắt đầu, là một phép màu trong lịch sử loài người. Năm 1978, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người của nước này là $156, ít hơn một phần ba mức trung bình là $490 ở các nước Châu Phi cận Sahara. Giống như các quốc gia nghèo khác, 82 phần trăm dân số của nước này sống ở các vùng nông thôn, và 84 phần trăm sống dưới mức nghèo khổ quốc tế là 1,25 đô la một ngày. Trung Quốc cũng là một nền kinh tế “hướng nội” (inward-looking), với thương mại chỉ chiếm 9,7 phần trăm của GDP. Từ điểm khởi đầu khiêm tốn đó, Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm là 9,4 phần trăm và tốc độ tăng trưởng thương mại là 14,8 phần trăm trong giai đoạn 1978–2018. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất. Năm 2013, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới sau khi vượt qua Hoa Kỳ, và là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nếu được đo bằng sức mua tương đương (PPP), và năm 2014 một lần nữa khi vượt qua Hoa Kỳ. Hơn 700 triệu người dân Trung Quốc đã thoát khỏi đói nghèo, đóng góp hơn 70 phần trăm vào việc giảm nghèo toàn cầu trong giai đoạn này. Hơn nữa, Trung Quốc là nền kinh tế thị trường mới nổi duy nhất trên thế giới không phải chịu cuộc khủng hoảng tài chính trong nước. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt $10.400.

Rất có thể Trung Quốc sẽ vượt qua ngưỡng 12.700 đô la và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào khoảng năm 2025. Nếu dự đoán trên trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ là nước thứ ba, sau Hàn Quốc và Đài Loan, tăng trưởng thành công từ nền kinh tế thu nhập thấp lên thu nhập cao trong số gần 200 nền kinh tế đang phát triển sau Thế chiến thứ II.

Trong chương này, dựa trên Lin (2012a), tôi muốn khảo sát lý do tại sao Trung Quốc có thể đạt được thành tích xuất sắc như vậy sau quá sự chuyển đổi năm 1978, tại sao Trung quốc lại không thể có thành tích tương tự trước năm 1978, tại sao Trung Quốc có thể tránh được sự sụp đổ và trì trệ đã xảy ra ở các nền kinh tế chuyển đổi khác, Trung Quốc đã phải trả giá gì cho thành công của mình và các bài học gì cần được rút ra.

1. TẠI SAO TRUNG QUỐC PHÁT TRIỂN RẤT NHANH SAU NĂM 1978

Dòng chảy liên tục của đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp hiện hữu, và sự xuất hiện của các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, đó là cơ sở để cải thiện liên tục năng suất và thu nhập, do đó sự tăng trưởng bền vững trong mọi nền kinh tế, cả đối với các nước thu nhập cao và các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, có một số khác biệt quan trọng giữa các nước thu nhập cao và các nước đang phát triển. Ở các nước thu nhập cao, công nghệ và ngành công nghiệp đã nằm tại các biên giới công nghệ toàn cầu. Để nâng cấp, họ phải phát minh ra các công nghệ và ngành công nghiệp mới để đưa các biên giới này tiến lên phía trước. Phát minh đòi hỏi chi phí vốn lớn và cũng rất rủi ro. Kể từ cuối thế kỷ 19, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của năng suất lao động bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người ở các nước thu nhập cao là khoảng 2 phần trăm mỗi năm.

Đối với các nước đang phát triển, công nghệ và ngành công nghiệp của họ nằm bên trong ranh giới công nghệ và công nghiệp toàn cầu. Họ có thể tiếp thu hoặc bắt chước công nghệ và ngành công nghiệp từ các nước có thu nhập cao để đạt được những đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp. Theo cách này, những đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp ở các nước đang phát triển sẽ có chi phí và rủi ro thấp hơn so với các nước có thu nhập cao. Khả năng này được gọi là “lợi thế của người đến sau” hoặc “lợi thế của sự lạc hậu”. Nếu các nước đang phát triển có năng lực khai thác được lợi thế đó, họ có thể đạt được tốc độ đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp cao hơn, và do đó có một tốc độ tăng trưởng nhanh, một tốc độ nhanh của cải thiện năng suất lao động và của sự tăng trưởng thu nhập.

Kể từ Thế chiến II, 13 nền kinh tế trên thế giới đã tìm ra cách để hiện thực hóa tiềm năng của lợi thế của người đến sau và đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm liên tục là 7 phần trăm trở lên trong 25 năm trở lên (Ngân hàng Thế giới 2008). Ở các quốc gia có thu nhập cao, sản lượng bình quân đầu người và dân số tăng lên, mang lại tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trung bình trong khu vực là 3 phần trăm. Tốc độ tăng trưởng 7 phần trăm trở lên cao hơn gấp đôi so với các quốc gia có thu nhập cao. Nếu tốc độ này được duy trì trong 25 năm trở lên, khoảng cách giữa quốc gia liên quan và các quốc gia có thu nhập cao sẽ giảm xuống. Trung Quốc đã trở thành một trong 13 nền kinh tế sau khi quá trình chuyển đổi bắt đầu vào năm 1978.

2. TẠI SAO TRUNG QUỐC KHÔNG PHÁT TRIỂN SÔI ĐỘNG TRƯỚC NĂM 1978

Trung Quốc đã có lợi thế của người đến sau từ rất lâu trước khi có sự chuyển sang nền kinh tế thị trường vào năm 1978. Tại sao Trung Quốc không tận dụng được tiềm năng đó và đạt được tăng trưởng năng động trước năm 1979? Thất bại này là do Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược phát triển sai lầm sau cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa năm 1949.

Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo cách mạng khác của thế hệ đầu tiên ở Trung Quốc, giống như nhiều nhà lãnh đạo cách mạng ở các nước đang phát triển khác, đều lấy cảm hứng từ giấc mơ đạt được công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhanh để chóng bắt kịp các nước tiên tiến.

Việc thiếu các ngành công nghiệp nặng tiên tiến, thâm dụng vốn quy mô lớn vốn là nền tảng của sức mạnh quân sự và sức mạnh kinh tế được coi là nguyên nhân gốc rễ của sự lạc hậu của đất nước. Thật tự nhiên khi giới tinh hoa xã hội và chính trị ở Trung Quốc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp nặng, tiên tiến, lớn sau Cách mạng khi họ bắt đầu xây dựng đất nước. Bắt đầu từ năm 1953, Trung Quốc đã thông qua một loạt các Kế hoạch Năm năm đầy tham vọng để đẩy nhanh việc xây dựng các ngành công nghiệp tiên tiến hiện đại, với mục tiêu vượt qua Anh trong mười năm và bắt kịp Hoa Kỳ trong mười lăm năm. Nhưng Trung Quốc là một nền kinh tế nông nghiệp có thu nhập thấp vào thời điểm đó. Đất nước không có lợi thế so sánh trong các ngành công nghiệp tiên tiến hiện đại và các công ty Trung Quốc trong các ngành công nghiệp đó không sống được trong một thị trường cạnh tranh mở.

Để đạt được mục tiêu chiến lược của mình, chính phủ Trung Quốc cần bảo vệ các ngành công nghiệp ưu tiên bằng cách trao quyền độc quyền cho các công ty trong các lĩnh vực đó và trợ cấp cho họ thông qua nhiều biện pháp bóp méo giá, bao gồm cả việc kìm hãm lãi suất, định giá tỷ giá hối đoái quá cao và giảm giá đầu vào.

Sự bóp méo giá cả đã tạo ra tình trạng thiếu hụt và chính phủ buộc phải sử dụng các biện pháp hành chính để huy động và phân bổ nguồn lực trực tiếp cho các công ty không có sức sống trong các ngành công nghiệp ưu tiên đó (Lin 2009).

Những can thiệp này giúp Trung Quốc nhanh chóng thiết lập các ngành công nghiệp tiên tiến hiện đại[1], thử bom hạt nhân vào những năm 1960 và phóng vệ tinh vào những năm 1970. Nhưng các nguồn lực đã bị phân bổ sai, các kích thích (incentives) bị bóp méo và các ngành thâm dụng lao động mà Trung Quốc có lợi thế so sánh đã bị kìm hãm. Kết quả là, hiệu quả kinh tế thấp, tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu vào và người dân thì nghèo.

3. CÁCH TRUNG QUỐC TRÁNH CHUYỂN ĐỔI SỤP ĐỔ

Sau Thế chiến II, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa và hầu hết các nước đang phát triển khác, lấy cảm hứng từ giấc mơ hiện đại hóa và được định hướng bởi chủ nghĩa cấu trúc đang thịnh hành, cũng áp dụng một chiến lược và các can thiệp tương tự của chính phủ để đẩy nhanh sự phát triển của các ngành công nghiệp tiên tiến, thâm dụng vốn và có hiệu suất kinh tế kém tương tự như ở Trung Quốc.

Khi Trung Quốc bắt đầu sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, nhiều nước xã hội chủ nghĩa và đang phát triển khác cũng bắt đầu một sự chuyển đổi tương tự. Trung Quốc đạt được sự ổn định và tăng trưởng năng động, trong khi các nước khác phải chịu sự sụp đổ kinh tế, trì trệ và khủng hoảng thường xuyên (Easterly 2001). Có hai lý do và chúng liên quan đến sự khác biệt trong chiến lược chuyển đổi của họ.

Đầu tiên, các nước xã hội chủ nghĩa khác và nhiều nước đang phát triển đã đi theo Đồng thuận Washington về tư nhân hóa, thị trường hóa và tự do hóa , lấy cảm hứng từ chủ nghĩa tân tự do. Chiến lược này bắt nguồn từ lập luận rằng các nước xã hội chủ nghĩa và các nước đang phát triển khác đã không làm tốt vì sự can thiệp quá mức của chính phủ đã gây ra sự phân bổ sai lệch các nguồn lực. Lập luận này dẫn đến khuyến nghị rằng, để cải thiện hiệu quả kinh tế của mình, các nước xã hội chủ nghĩa và đang phát triển này nên ngay lập tức loại bỏ mọi sự bóp méo và chấm dứt sự can thiệp của chính phủ, để cho phép thị trường hoạt động. Tuy nhiên, mục đích của tất cả những sự bóp méo này là để bảo vệ các ngành công nghiệp thâm dụng vốn quy mô lớn. Nếu chính phủ loại bỏ những sự bóp méo đó ngay lập tức, các ngành công nghiệp quy mô lớn này sẽ phá sản và một lượng lớn công nhân sẽ mất việc làm, làm suy yếu sự ổn định xã hội và chính trị. Nếu không có sự ổn định xã hội và chính trị, phát triển kinh tế là không thể. Kết quả là, sau cải cách bằng trị liệu sốc theo Đồng thuận Washington, nhiều quốc gia đã đưa ra lại sự trợ cấp và bảo hộ nhằm mục đích duy trì việc làm.

Hơn nữa, nhiều ngành công nghiệp quy mô lớn này liên quan đến nhu cầu cơ bản hoặc quốc phòng. Ngay cả sau khi tư nhân hóa, chính phủ vẫn tiếp tục trợ cấp cho chúng để duy trì hoạt động. Kết quả là, cho dù vì lý do ổn định xã hội, nhu cầu cơ bản hay quốc phòng, sau khi tư nhân hóa, tự do hóa và thị trường hóa, chính phủ đã đưa ra lại các loại trợ cấp và bóp méo mới. Những bóp méo này tuy nhiên không phù hợp và thậm chí kém hiệu quả hơn so với các trợ cấp và bảo vệ rõ ràng trước đây đã bị xóa bỏ.

Trước khi tư nhân hóa, các nhà quản lý là nhân viên nhà nước. Nếu có khó khăn, họ sẽ yêu cầu chính phủ bảo vệ và trợ cấp. Nếu chính phủ hỗ trợ, các nhà quản lý nhiều nhất cũng chỉ có thể tăng mức tiêu dùng tại chỗ làm việc. Tuy nhiên, việc bỏ tiền vào túi riêng của họ là tham nhũng và đáng bị trừng phạt. Sau khi tư nhân hóa, chủ sở hữu mới của những doanh nghiệp lớn đó cũng yêu cầu trợ cấp. Trong trường hợp này, trợ cấp có thể dễ dàng biến thành của cải của riêng họ, và có động lực để yêu cầu trợ cấp và hỗ trợ cao hơn nữa. Kết quả là, cải cách trước tiên dẫn đến hỗn loạn, theo sau là sự trì trệ và những cuộc khủng hoảng thường xuyên.

Trung Quốc đã thành công duy trì được sự ổn định và tăng trưởng kinh tế năng động trong quá trình chuyển đổi. Lý do chính là Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận thực dụng. Chính phủ đã cung cấp sự bảo hộ và trợ cấp tạm thời trong giai đoạn chuyển đổi cho các ngành hiện hữu để duy trì sự ổn định. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng đã tự do hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập các ngành công nghiệp truyền thống mới thâm dụng lao động và quy mô nhỏ, phù hợp với lợi thế so sánh của Trung Quốc. Trước đây, chính phủ đã phân biệt đối xử và kềm hãm các ngành này. Để các ngành công nghiệp thâm dụng lao động này có khả năng cạnh tranh, Trung Quốc cũng cần cung cấp cơ sở hạ tầng thích hợp và một môi trường kinh doanh tốt. Cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc là cực kỳ kém khi quá trình chuyển đổi bắt đầu. Mặc dù mong muốn cải thiện cơ sở hạ tầng cho toàn bộ quốc gia, nhưng chính phủ Trung Quốc lại thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện, vì vậy họ đã thành lập các đặc khu kinh tế (SEZ), các khu công nghiệp và khu chế xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng ở một số hạn chế khu vực. Môi trường kinh doanh của Trung Quốc cũng rất kém do những biến dạng cần thiết để bảo vệ các ngành công nghiệp hiện có. Tuy nhiên, tại các SEZ và các khu kinh tế khác, chính phủ đã loại bỏ tất cả những biến dạng này. Ngoài ra, chính phủ còn cung cấp dịch vụ một cửa và các ưu đãi khác cho các công ty trong các khu kinh tế đặc biệt hoặc khu công nghiệp. Kết quả là, các ngành công nghiệp mới phù hợp với lợi thế so sánh của Trung Quốc nhanh chóng trở thành lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc.

Chính vì những lý do này mà Trung Quốc đã duy trì được sự ổn định, đạt được sự tăng trưởng năng động và xuất khẩu của Trung Quốc tăng nhanh trong bốn thập kỷ qua. Khi Trung Quốc tăng trưởng và tích lũy vốn, lợi thế so sánh của nước này dần được nâng cấp từ các ngành thâm dụng lao động lên các ngành thâm dụng vốn. Trong quá trình nâng cấp, Trung Quốc có thể hưởng lợi từ lợi thế của người đến sau.

4. TRUNG QUỐC ĐÃ TRẢ GIÁ NÀO CHO SỰ THÀNH CÔNG?

Mặc dù thành tựu kinh tế trong quá trình chuyển đổi trong bốn thập kỷ qua là phi thường, tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải trả giá rất đắt cho thành công của mình. Ngoài sự suy thoái môi trường và các vấn đề về an toàn thực phẩm, những cái đã thu hút nhiều than phiền của công chúng và là kết quả của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và thiếu các quy định phù hợp, vấn đề chính trong quá trình chuyển đổi là tham nhũng tràn lan và sự gia tăng chênh lệch thu nhập đến tồi tệ. Trước năm 1978, Trung Quốc có một hệ thống hành chánh khá kỷ luật và trong sạch và một xã hội bình đẳng. Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, Trung Quốc xếp thứ 79 trong số tất cả 176 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ vào năm 2016; và dựa trên ước tính của Cục Thống kê Quốc gia và nghiên cứu của nhiều học giả, hệ số GINI[2] của Trung Quốc đã vượt quá 0,45, cao hơn mức cảnh báo quốc tế, sau năm 2000 (Li và Sicular 2014).

Những vấn đề này liên quan đến chiến lược chuyển đổi thực dụng theo hai hướng của Trung Quốc.

Một mặt, chính phủ cung cấp sự bảo hộ và trợ cấp tạm thời cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) không khả thi trong các lĩnh vực thâm dụng vốn cũ để duy trì sự ổn định và mặt khác, tự do hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập các lĩnh vực thâm dụng lao động mới phù hợp với lợi thế so sánh của Trung Quốc để đạt được tăng trưởng năng động. Một trong những chi phí đầu tư và vận hành quan trọng nhất đối với các lĩnh vực thâm dụng vốn cũ là chi phí vốn. Trước khi chuyển đổi vào năm 1978, chính phủ đã sử dụng khoản phân bổ tài chính để trả cho các khoản đầu tư và trang trải vốn lưu động, do đó các SOE không phải chịu bất kỳ chi phí vốn nào. Sau khi chuyển đổi, khoản phân bổ tài chính đã được thay thế bằng các khoản vay ngân hàng. Chính phủ Trung Quốc thành lập bốn ngân hàng nhà nước lớn và một thị trường chứng khoán để đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp lớn. Để trợ cấp cho các SOE, lãi suất và chi phí vốn đã bị kìm hãm một cách giả tạo.

Khi quá trình chuyển đổi bắt đầu, hầu như tất cả các công ty ở Trung Quốc đều thuộc sở hữu nhà nước. Với quá trình chuyển đổi theo hướng kép, các công ty tư nhân phát triển và một số trong số họ trở nên đủ lớn để tiếp cận các khoản vay ngân hàng hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khi lãi suất và chi phí vốn bị kìm hãm một cách giả tạo, bất kỳ ai có thể vay tiền từ các ngân hàng hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán đều được trợ cấp. Các khoản trợ cấp này được trả bằng lợi nhuận thấp từ tiền tiết kiệm trong các ngân hàng hoặc trên thị trường chứng khoán do các hộ gia đình cá nhân tạo ra. Những người cung cấp tiền thì nghèo hơn chủ sở hữu của các công ty lớn mà họ tài trợ. Việc những người nghèo hơn trợ cấp cho hoạt động của các công ty của người giàu là một lý do khiến chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng. Hơn nữa, việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng và thị trường chứng khoán tạo ra tiền rent[3], dẫn đến hối lộ và tham nhũng của các quan chức kiểm soát việc tiếp cận.

Tương tự như vậy, trước năm 1979, hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên được các công ty khai khoáng nhà nước lớn vận hành miễn phí nhượng quyền và sản lượng được cung cấp cho các doanh nghiệp nhà nước khác với giá rất thấp. Chính phủ cho phép các công ty tư nhân tham gia vào lĩnh vực khai khoáng vào năm 1983 và tự do hóa việc kiểm soát giá sản lượng vào năm 1993. Phí nhượng quyền và thuế sản lượng được giữ ở mức thấp như một biện pháp bù đắp cho gánh nặng chính sách xã hội của các doanh nghiệp khai khoáng nhà nước khi tuyển dụng lao động dư thừa và chi trả lương hưu cho lao động đã nghỉ hưu (Lin và Tan 1999). Các công ty khai khoáng tư nhân mới không phải chịu những gánh nặng như vậy. Việc mua nhượng quyền hứa hẹn cho họ sự giàu có chỉ sau một đêm và trở thành nguồn gốc của bất bình đẳng thu nhập và tham nhũng.

Ngoài ra, một số ngành công nghiệp độc quyền tự nhiên, như điện lực và viễn thông, được điều hành bởi các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ đã tự do hóa việc gia nhập các ngành công nghiệp đó một cách dần dần. Các khoản tiền thuê (rent) cho độc quyền đó cũng là nguồn gốc của bất bình đẳng và tham nhũng.

Để đối phó với tham nhũng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng sau khi nhậm chức vào năm 2013. Tuy nhiên, gốc rễ của nạn tham nhũng lan rộng là tiền rent phát sinh từ sự bóp méo của quá trình chuyển đổi theo hai hướng, vốn bảo vệ và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước SOE quy mô lớn trong các ngành công nghiệp thâm dụng vốn, thách thức lợi thế so sánh. Vào những năm 1980 và 1990, Trung Quốc là một quốc gia nghèo và vốn khan hiếm.

Sau bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, vốn trở nên tương đối dồi dào và lợi thế so sánh ở Trung Quốc cũng phát triển theo. Nhiều ngành công nghiệp thâm dụng vốn đã chuyển từ việc thách thức lợi thế so sánh của Trung Quốc sang trở nên phù hợp với lợi thế so sánh của Trung Quốc. Kết quả là, các công ty trong những ngành công nghiệp đó trở nên sống được (viable) và đáng lẽ phải có khả năng cạnh tranh và có lợi nhuận trên thị trường trong nước và toàn cầu miễn là họ có quản lý tốt. Bản chất của trợ cấp và bảo vệ đối với các công ty nhận trợ cấp đã thay đổi từ nhu cầu sống còn sang tiền rent thuần túy.

Việc xóa bỏ mọi sự bóp méo và bảo vệ còn sót lại là điều cấp thiết và vẫn luôn cấp thiết, để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường vận hành tốt và xóa bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra tham nhũng và chênh lệch thu nhập. Thực ra, đây chính là mục đích của chương trình cải cách toàn diện được thông qua vào năm 2013 tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII.

5. BÀI HỌC CHO CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN KHÁC VÀ CHO KINH TẾ HỌC?

Cuối cùng, đâu là những hàm ý đối với các nước đang phát triển khác? Phân tích trong chương này cho thấy, trước tiên, mọi quốc gia đang phát triển đều có tiềm năng tăng trưởng năng động và liên tục trong 30 năm trở lên và xóa đói giảm nghèo và trở nên thịnh vượng, nếu họ phát triển nền kinh tế theo lợi thế so sánh của mình. Với sự tạo điều kiện của chính phủ trong nền kinh tế thị trường, các quốc gia có thể biến lợi thế so sánh của mình thành lợi thế cạnh tranh. Các ngành công nghiệp cạnh tranh có thể có lãi, tích lũy vốn và tham gia vào các quá trình nâng cấp công nghiệp khai thác lợi thế tiềm năng của sự lạc hậu, cho phép họ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các quốc gia có thu nhập cao, duy trì tốc độ tăng trưởng 7 phần trăm trở lên trong nhiều thập kỷ, như trường hợp của Trung Quốc trong bốn thập kỷ qua. Mặc dù mọi quốc gia đều có tiềm năng tăng trưởng, nhưng họ cần có chiến lược phát triển phù hợp để khai thác tiềm năng của mình.

Thứ hai, hầu hết các quốc gia đều mang trong mình nhiều sự bóp méo từ các can thiệp trước đó. Những sự bóp méo đó gây ra sự phân bổ sai lệch các nguồn lực và tìm kiếm lợi nhuận. Việc loại bỏ những sự bóp méo đó là điều mong muốn. Tuy nhiên, sự bóp méo tồn tại vì một số lý do nhất định và, xét về mặt kinh tế, phần lớn là nội sinh. Nếu nguyên nhân gây ra sự bóp méo không được loại bỏ trước, thì nỗ lực loại bỏ sự bóp méo có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Do đó, một quốc gia đang tiến hành cải cách nên thực dụng bằng cách sử dụng biện pháp bảo vệ tạm thời và chuyển tiếp như Trung Quốc đã làm trong 30 năm qua.

Một sự tự do hóa thận trọng đối với việc gia nhập các lĩnh vực mới, đối với những lợi thế so sánh của một quốc gia và sự tạo điều kiện thuận lợi từ phía chính phủ cho sự tăng trưởng trong các khu vực đó, có thể cho phép quốc gia đó tăng trưởng năng động và duy trì sự ổn định trong khi chuẩn bị nền tảng để loại bỏ các biến dạng. Một cách tiếp cận thực dụng cho sự phát triển từng bước, theo lợi thế so sánh đang phát triển của một quốc gia, có giá trị lớn đối với các nước đang phát triển.

Đồng thời, cần có chủ nghĩa thực dụng trong quá trình chuyển đổi. Mục tiêu cuối cùng là thiết lập một nền kinh tế thị trường hoạt động tốt, nhưng đó phải là một quá trình do chính phủ quản lý, chú ý đến nhu cầu của tất cả các khu vực và tạo cơ hội kinh doanh cho họ.

Phân tích trong chương này cho thấy điều quan trọng là phải xem xét thực tế tình hình ở các nước đang phát triển và phát triển các ý tưởng mới và hiểu biết lý thuyết dựa trên kinh nghiệm của họ. Trong những năm gần đây, phản ánh về sự yếu kém của chủ nghĩa cấu trúc và chủ nghĩa tân tự do, Tôi ủng hộ Kinh tế học cấu trúc mới (Lin 2012b), được khái quát từ những thành công và thất bại của quá trình phát triển và chuyển đổi của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác. Theo quan điểm của kinh tế học cấu trúc mới, bí quyết thành công của Trung Quốc là sử dụng cả “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu hình”, tạo thành sự tích hợp hữu cơ, bổ sung và cải thiện lẫn nhau của các chức năng của thị trường và nhà nước. Khả năng áp dụng của một lý thuyết khái quát từ quốc gia này sang quốc gia khác phụ thuộc vào sự tương đồng của các điều kiện tiên quyết ở các quốc gia đó.

Tôi hy vọng rằng Kinh tế học cấu trúc mới (New Structural Economics) sẽ cung cấp những hiểu biết hữu ích cho các nước đang phát triển trong việc vượt qua những thách thức phát triển trên con đường phía trước.

Justin Yifu Lin

Tài liệu tham khảo

Easterly, William, (2001). ‘The Lost Decades: Developing Countries’ Stagnation in Spite of Policy Reform 1980–1998’, Journal of Economic Growth. 6: 135–57.

Li, S. and T. Sicular, (2014). ‘The Distribution of Household Income in China: Inequality, Poverty and Policies’, China Quarterly. 217: 1–41.

Lin, Justin Yifu, (2009). Economic Development and Transition: Thought, Strategy, and Viability. Cambridge, UK: Cambridge University Press.

Lin, Justin Yifu, (2012a). Demystifying the Chinese Economy. Cambridge, UK: Cambridge University Press.

Lin, Justin Yifu, (2012b). New Structural Economics: A Framework for Rethinking Development and Policy. Washington, DC: World Bank.

Lin, Justin Yifu and Guofu Tan, (1999). ‘Policy Burdens, Accountability, and the Soft Budget Constraint’, American Economic Review: Papers and Proceedings. 89: 426–31.

World Bank (on behalf of the Commission on Growth and Development), (2008). The Growth Report: Strategies for Sustained Growth and Inclusive Development. Washington, DC: World Bank.

Ghi chú của người dịch


[1] Một số ngành công nghiệp tiến ưu tiên cho quân sự (ND)

[2] GINI là thước đo sự bất bình đẳng về thu nhập, của cải hoặc bất bình đẳng về tiêu dùng trong một quốc gia hoặc một nhóm xã hội.

[3] Rent = tiền “thù lao” cho một dịch vụ nào đó, như để được cấp vốn chẳng hạn, hay xin phép cho một hoạt động kinh tế

Bài có liên quan

Print Friendly and PDF