CON ĐƯỜNG ĐẾN MỘT
THỜI KỲ HOÀNG KIM CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA Ở CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN
The Path to a Golden Age of Industrialization in the
Developing World
Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu)
Nguyễn Xuân Xanh chuyển
ngữ và trình bày

Sự
mong muốn cải thiện tình trạng của chúng ta, một mong muốn… đến với chúng ta từ
trong bụng mẹ, và không bao giờ rời bỏ chúng ta cho đến khi chúng ta xuống mồ.
—Adam Smith
Hai
kinh nghiệm trên (của Đài Loan và Trung Quốc) đã thuyết phục tôi rằng nghèo đói
không phải là định mệnh. Mặc dù có thể bị mắc kẹt trong nghèo đói trong nhiều
thế kỷ, nhưng một quốc gia có thể thay đổi số phận mình và bắt đầu tiến bước
trên một con đường năng động hướng tới sự biến đổi. […] Và ở bất kể nơi nào tôi
từng đến trong phạm vi công việc của mình ở Ngân hàng Thế giới, tôi đều thấy những
người nông dân và công dân mà tôi lớn lên cùng ở Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Tất cả họ đều hi vọng có một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và cho thế hệ trẻ bằng
cách lao động chăm chỉ.
— Justin Yifu Lin (Lâm
Nghị Phu, trong sách Cuộc Truy cầu Sự Thịnh vượng, xi-xii)
Có rất
nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy các nền kinh tế tiên tiến nhất ngày nay phụ
thuộc rất nhiều vào sự can thiệp của chính phủ để kích thích và tạo điều kiện
thuận lợi cho quá trình cất cánh và bắt kịp của họ, cho phép họ xây dựng các cơ
sở công nghiệp vững chắc và duy trì đà tăng trưởng trong thời gian dài. List
(Friedrich, 1841), trong tập biên khảo nổi tiếng của ông về các chính sách
thương mại và công nghiệp dẫn đến những chuyển đổi kinh tế ban đầu ở thế giới
phương Tây, đã ghi lại nhiều công cụ chính sách mà các chính phủ sử dụng để hỗ
trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp cụ thể — mà nhiều công cụ trong số
đó đã trở nên thành công và cung cấp nền tảng ho sự phát triển công nghiệp quốc
gia.
Tương
tự như vậy, (kinh tế gia và học giả Hàn Quốc) Ha-Joon Chang đã xem xét sự phát
triển kinh tế trong thời kỳ mà hầu hết các nền kinh tế tiên tiến ngày nay trải
qua các cuộc cách mạng công nghiệp (từ khi kết thúc Chiến tranh Napoleon năm
1815 đến khi bắt đầu Thế chiến thứ Nhất năm 1914). Ông nhận thấy các mô hình
can thiệp khác nhau của nhà nước cho phép các quốc gia này thực hiện các chiến
lược bắt kịp của họ. Thành công công nghiệp của các nền kinh tế phương Tây cũng
là do việc sử dụng các chính sách công nghiệp, thương mại và công nghệ. Các biện
pháp can thiệp của chính phủ bao gồm từ việc thường xuyên sử dụng các chính
sách thuế nhập khẩu và thậm chị cấm nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp
non trẻ đền khuyến khích công nghiệp thông qua trợ cấp độc quyền và nguồn cung
cấp giá rẻ từ các nhà máy của chính phủ, các khoản trợ cấp khác nhau, quan hệ đối
tác các công tư và đầu tư trực tiếp của nhà nước, đặc biệt là ở Anh khi nước
này cố gắng bắt kịp Hà Lan và ở Mỹ khi nước này cố gắng bắt kịp Anh.
— Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu, trong sách Cuộc Truy cầu Sự Thịnh vượng, Chương 4)
![]() |
GS Justin Yifu Lin thuyết trình tại Đại học Fulbright chiều thứ Năm, ngày 17. 4. 2025 |
![]() |
Quyển sách “Quest for the prosperity. How developing economies can take-off” của GS Justin Yifu Lin ra mắt kịp lúc ông đến thăm Việt Nam. Quyển sách có 10 lời khen ngợi của các chuyên gia kinh tế thế giới, trong đó có bố vị được Giải Nobel (George A. Akerlof và Robert Fogel). Người viết lời tựa cho bản tiếng Việt là PGS.TS. Trần Đình Thiên. |
Một nước đang phát triển có lợi
thế đi sau trong đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp. Nó có khả năng tăng
trưởng nhanh hơn các nước tiên tiến và do đó tiến đến điểm hội tụ về mức năng
suất và thu nhập của các nước tiên tiến nếu quốc gia đó thành công trong việc bắt
chước, nhập khẩu hay nhận được sự chuyển giao về công nghệ và các ngành công
nghiệp từ các nước tiên tiến- những ngành này đã trưởng thành và có năng suất
cao hơn so với trong nước- từ đó đạt được chi phí thấp hơn, mức độ rủi ro thấp hơn và tốc độ đổi mới công
nghệ và nâng cấp công nghiệp nhanh hơn so với các nước tiên tiến. Sau Thế chiến
thứ Hai, hầu hết các nước đang phát triển đã giành được độc lập về chính trị và
bắt đầu công cuộc công nghiệp hóa dưới sự lãnh đạo của chính phủ các nước này.
Đáng tiếc là phần lớn các nước này bị mắc kẹt trong tình trạng nghèo đói hoặc
thu nhập trung bình bất chấp việc có lợi thế của người đi sau. Chỉ một số ít nền
kinh tế Đông Á tìm ra cách khai thác lợi thế của người đi sau, đạt được mức
tăng trưởng 8-10% trong nhiều thập kỷ và trở thành những nến kinh tế mới công
nghiệp hóa có thu nhập cao.
Cuốn sách Cuộc truy cầu sự
thịnh vượng, rút ra từ kinh nghiệm thành công và thất bại trong phát
triển kinh tế trong ba phần tư thế kỷ qua ở các nước đang phát triển, nhận thấy
rằng để một nước đang phát triển được hưởng lợi từ lợi thế của nước đi sau,
chính phủ nước đó cần phải đóng vai trò quan trọng, mang tính hỗ trợ trong nền
kinh tế thị trường, cung cấp các hình thức hỗ trợ cụ thể cho các ngành có tính
mục tiêu. Nhìn chung, một quốc gia đang phát triển gặp phải nhiều trở ngại về
cơ sở hạ tầng và thể chế đối với việc đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp.
Chính phủ ở một nước đang phát triển có các nguồn lực hạn chế. Do đó, chính phủ
cần ưu tiên sử dụng các nguồn lực hạn chế của mình, cung cấp cho các ngành công
nghiệp có lợi thế so sánh tiềm ẩn của đất nước, được xác định bởi cơ cấu tài
nguyên của đất nước và có chi phí yếu tố sản xuất thấp so với các nước khác, với
cơ sở hạ tầng và thể chế đầy đủ để biến chúng thành lợi thế so sánh thực tế của
đất nước bằng cách giảm chi phí giao dịch và tổng chi phí, khiến các ngành này
trở nên có khả năng cạnh tranh
trên thị trường trong nước và quốc tế. Nếu chính phủ ở một quốc gia đang phát
triển có thể đóng vai trò hỗ trợ như vậy trong nền kinh tế thị trường theo
nguyên tắc trên thì lợi thế của quốc gia đi sau có thể giúp quốc gia đó có được
tốc độ tăng trưởng nhanh, nhanh chóng tích lũy vốn và nâng cấp lợi thế so sánh
và đạt được mức tăng trưởng năng động trong vài thập kỷ. Một quốc gia
đang phát triển có thể chuyển mình từ nghèo đói sang thịnh vượng chỉ trong một
thế hệ. (Nghiêng được thêm vào)
Sau khi công cuộc Đổi mới được thực
hiện vào năm 1986, Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đầy ấn
tượng là 6,5%, so với mức 3,0% của thê’ giới và 2,3% của các nước thu nhập cao
trong cùng thời kỳ. Thành tích vượt trội này đã đưa Việt Nam từ một trong những
quốc gia nghèo nhất thế giới với GDP bình quần đầu người là 430 đô la năm 1986
trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao với GDP bình quân đầu người là
4.163 đô la vào năm 2022. Nếu tốc độ tăng trưởng năng động như trên được duy trì,
Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao trong vòng 20 năm tới. Tôi hi vọng rằng
phiên bản tiếng Việt của Cuộc truy cầu sự thịnh vượng, mà một
phần trong đó được rút ra từ kinh nghiệm thành công của Việt Nam sau thời kỳ Đổi
mới, sẽ củng cố niềm tin và sự sáng suốt về chính sách để hiện thực hóa khát vọng
trên ở Việt Nam.
(Trích từ Lời giới thiệu của Justin Yifu Lin cho bản tiếng Việt, 2025)
Xin xem thêm trên mạng rosetta
bài Nhà nước đổi mới sáng tạo và Cảm
nghĩ đầu Xuân (Ất Tỵ 2025): Năm mươi năm nhìn về phía trước
https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/cam-nghi-dau-xuan-at-ty-2025/
Con đường đến thịnh vượng (Justin Yifu Lin)
Lời nói đầu
Anh chị thân mến,
GS kinh tế hàng đầu Trung Quốc
Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu) vừa có một chuyến thăm nhiều ngày tại Việt Nam,
một tin mà cộng đồng trí thức có lẽ đã tiếp nhận như một tin vui. Ông nói chuyện
tại Tại Hội nghị do ban Chính sách Chiến lược Trung ương tổ chức với sự hỗ trợ
của ERIA, sau đó tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Thứ Sáu vừa rồi ngày 17. 4, ông
nói chuyện tại Đại học Fulbright TP Hồ Chí Minh. Đề tài chính của ông là Làm
thế nào Việt Nam có thể cất cánh trong thế kỷ 21. Ông trình bày dưới kinh
nghiệm Trung Quốc và nhiều quốc gia đi trước. Tại Hội nghị ở Hà Nội, ông cùng
GS Trần Văn Thọ (đề tài Khả năng tăng trưởng hai con số của Việt Nam) và GS
Keun Lee về kinh nghiệm Hàn Quốc. Lần đầu tiên, lãnh đạo Việt Nam lắng nghe
công khai các nhà kinh tế báo cáo về kinh nghiệm phát triển thần kỳ của Nhật Bản,
Hàn Quốc và Trung Quốc. “Con đường phát triển của Việt Nam không thể tách rời
xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại” là ý tưởng của TBT Tô Lâm
khi phát biểu tại Đại học Columbia tháng 9, 2024. Người Nhật Minh Trị
từng nói, họ đã học Trung Hoa một nghìn năm, nay học phương Tây thì cũng là
chuyện bình thường, không có gì là xấu hổ. Chỉ xấu hổ khi không học để mình bị
lạc hậu.
Anh Trần Văn Thọ có gửi tôi link
của hội nghị với nhiều hình ảnh thú vị, mời anh chị xem:
![]() |
GS Justin Yifu Lin và anh Trần Văn Thọ tại buổi hội thảo tại Hà Nội |
Buổi nói chuyện ở Đại học
Fulbright tôi có đi nghe. Nếu anh Trần Văn Thọ nói, “GS Lâm Nghi Phu rất hay, dễ
gần gũi, cởi mở” tôi hoàn toàn chia sẻ. Ông lúc nào cũng vui vẻ, miệng luôn sẵn
một nụ cười, nói năng hoạt bát, và có thể kể “1001 câu chuyện kinh tế” không ngừng
nghỉ. Ông luôn luôn lạc quan, tự tin và truyền cảm hứng cho người nghe. Những
việc làm của ông, theo thiển ý, là sự tiếp nối công việc của Adam Smith, hay gần
hơn, của Friedrich List, đặc biệt chú trọng vào những quốc gia phát triển sau,
và ông là một trong những người làm việc đó rất đáng ngưỡng mộ. Công trình của
ông, tôi nghĩ, khác với công trình của ba nhà kinh tế học được giải Nobel năm
2024 (Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson). Nó có tính bổ sung. Ông
là người chứng kiến sự vươn lên của các quốc gia Đông Á, và hiểu biết tình hình
phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển từ chức vụ Phó Chủ tịch cấp
cao và Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới từ 2008-2012. Nếu phải chọn một đại
biểu của trường phái “đối lập” (bổ sung) với trường phái Tân cổ điển với Đồng
thuận Washington, kết hợp hai mũi tên
— Tư tưởng bảo vệ một thị trường
có tính cạnh tranh tối đa (yêu cầu của Adam Smith),
và
— Nhà nước mà ông gọi là “tạo điều
kiện”, facilitating state, mà nội dung chính là nhà nước “kiến tạo
phát triển” (developmental state) như được thường gọi theo kinh nghiệm của các
quốc gia Đông Á,
để trao giải Nobel Kinh tế cho
tương lai, thì GS Justin Yifu Lin sẽ là một “ứng viên nặng ký”. Lý thuyết nhà
nước tạo điều kiện, hay kiến tạo phát triển, có nguồn gốc sâu xa từ những tư tưởng
của nhà kinh tế học kiến tạo các quốc gia latecomers thế kỷ XIX, đặc biệt của
Friedrich List là người tiên phong của thế kỷ XIX, được thực hiện tại nhiều quốc
gia, ở Đông Á từ Nhật Bản, đến Hàn Quốc, Đài Loan, và Trung Quốc. Joseph
Stiglitz, Giáo sư tại Đại học Columbia, Giải Nobel Kinh tế năm 2001, viết về
Justin Yifu Lin (liên quan đến quyển sách New Structural Economics):
Ngân hàng Thế giới từ lâu đã cam
kết thực hiện mục tiêu xây dựng một thế giới không còn đói nghèo. Trong tập
sách tuyệt vời này, Nhà kinh tế trưởng Justin Yifu Lin đã vạch ra chương trình
nghị sự kinh tế về cách biến giấc mơ này thành hiện thực. Ông lập luận rằng những
thành công của Trung Quốc có thể đạt được ở những nơi khác trên thế giới và giải
thích rõ ràng và mạnh mẽ về những chuyển đổi cơ cấu cần thiết cũng như vai trò
mà chính phủ có thể và phải đóng trong quá trình chuyển đổi đó. Cuốn sách sẽ là
một cột mốc trong việc tái thiết quá trình phát triển. Nó cung cấp một giải
pháp thay thế cho các chính sách Đồng thuận Washington hiện đã mất uy tín, vốn
đã hướng dẫn các Thể chế Bretton Woods trong nhiều năm. Những ý tưởng của
Justin Lin đã gây ra nhiều cuộc thảo luận và tranh luận. Cuốn sách này sẽ
đảm bảo rằng chúng sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong quá trình tái thẩm
định chính sách phát triển.
— Joseph Stiglitz
Trong
đoạn cuối của Dẫn nhập (Prologue) của quyển sách Cuộc
truy cầu sự thịnh vượng, cái tên nghe gần gủi với Một cuộc điều tra
về bản chất và nguyên nhân của sự giàu có của các quốc gia của Adam
Smith, Justin Yifu Lin viết:
Bắt tay vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, các nhà hoạch định
chính sách nên ghi nớ điều mà Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của cải cách và mở cửa
của Trung Quốc, đã nói với Tổng thống Ghana Jerry Rawlings vào năm 1985: “Xin đừng
cố bắt chước mô hình của chúng tôi. Nếu có bất kỳ kinh nghiệm nào từ phía chúng
tôi, thì đó là xây dựng các chính sách dựa trên điều kiện quốc gia của chính
mình.” Mục đích chính của cuốn sách này là vạch ra một lộ trình cho các chiến
lược phát triển lấy quốc gia làm trung tâm như vậy.
Tôi xin khép lại phần giới thiệu
và bàn luận thêm về GS Justin Yifu Lin ở đây và dành việc thảo luận cho một
dịp khác.
Dưới đây là nội dung bài viết của
GS Justin Yifu Lin trích từ sách New Structural Economics (NSE). A
Framework for Rethinking Development and Policy, mục Epilogue của
Justin Yifu Lin, World Bank 2012. Ông đi vào một số chi tiết căn bản không khó
hiểu lắm.
CON ĐƯỜNG ĐẾN MỘT
THỜI KỲ HOÀNG KIM CỦA CÔNG NGHIỆP HÓA Ở CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN
“Thời kỳ hoàng kim của tài chính
hiện đã kết thúc”, như Barry Eichengreen đã bình luận gần đây khi nhắc đến cuộc
Đại suy thoái. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, thời kỳ hoàng kim của công
nghiệp hóa ở các nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu
vẫn đang đe dọa châu Âu. Các tờ báo đưa tin hàng ngày về sự phục hồi yếu ớt, tỷ
lệ thất nghiệp
cao cố hữu, xếp hạng tín dụng quốc gia bị hạ cấp và các cuộc khủng hoảng nợ tái
diễn sau suy thoái ở các nước tiên tiến ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Các nhà lãnh
đạo chính trị trên toàn thế giới mới chỉ thức tỉnh trước thực tế rằng việc quá
phụ thuộc vào việc thực hiện các thỏa thuận tài chính để duy trì mức sống cao,
mà không xây dựng và tái thiết một cơ sở công nghiệp vững mạnh, chỉ là ảo tưởng.
Để phục hồi toàn cầu bền vững và
tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, thế giới cần nhìn xa hơn Khu vực đồng
Euro và nỗi lo về nợ công để thấy được sự hứa hẹn vốn chứa đựng trong quá trình
chuyển đổi cơ cấu, theo định nghĩa trong tập sách này, là quá trình các quốc
gia leo lên nấc thang công nghiệp và thay đổi cơ cấu việc làm và sản xuất của nền
kinh tế. Ngoại trừ một số ít quốc gia xuất khẩu dầu, không có quốc gia
nào trở nên giàu có mà không đạt được công nghiệp hóa trước tiên (Nghiêng
được thêm vào). Trong những chuyến công tác trong ba năm rưỡi qua với tư cách
là Nhà kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới, tôi đã bị ấn tượng bởi tiềm
năng của các quốc gia kém phát triển trong việc học hỏi từ các quốc gia Đông Á
công nghiệp hóa thành công hơn, chẳng hạn như Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản,
Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam, và cải thiện đáng kể hiệu suất
(performance) phát triển của họ.
Niềm tin của tôi vào thời kỳ
hoàng kim của công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển dựa trên tiềm năng mở
rộng nhanh chóng các ngành công nghiệp ở các nước đang phát triển, bao gồm các
nước ở Châu Phi cận Sahara, và sự dịch chuyển năng động của các ngành công nghiệp
trong một thế giới tăng trưởng đa cực.
Lực đầu tiên có thể được hình
dung thông qua sự hiểu biết sâu sắc hơn về cơ chế chuyển đổi kinh tế trong thời
hiện đại được mở đầu bằng Cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ
18. Ở các nước tiên tiến, đổi mới công nghệ và nâng cấp công nghiệp đòi hỏi đầu
tư tốn kém và rủi ro vào nghiên cứu và phát triển, vì các công nghệ và ngành
công nghiệp tiên phong của họ nằm ở biên giới toàn cầu. Ngược lại, một quốc gia
đi sau có thể vay mượn công nghệ từ các nước tiên tiến với rủi ro và chi phí thấp.
Do đó, nếu một quốc gia đang phát triển biết cách khai thác lợi thế của sự lạc
hậu, quá trình nâng cấp công nghiệp và tăng trưởng kinh
tế của quốc gia đó có thể diễn ra với tốc độ hàng năm gấp nhiều
lần tăng trưởng của các quốc gia có thu nhập cao trong nhiều thập kỷ khi quốc
gia này thu hẹp khoảng cách công nghiệp và thu nhập với các quốc gia tiên tiến.
Lực thứ hai là sự gia tăng nhanh chóng về tiền lương ở các nền kinh tế thị trường
mới nổi đang phát triển năng động và việc di dời không thể tránh khỏi các ngành
sản xuất thâm dụng lao động của họ sang các quốc gia có thu nhập thấp hơn khác.
Lấy Trung Quốc làm ví dụ: tiền lương hàng tháng của công nhân không có kỹ năng
là khoảng 350 đô la. Trung Quốc có khả năng duy trì tăng trưởng cao trong những
thập kỷ tới (Lin 2011a). Mức lương hàng tháng của lao động không có kỹ năng sẽ
đạt ít nhất 1.000 đô la trong 10 năm tới. Động thái tiền lương như vậy có nghĩa
là Trung Quốc sẽ cần nâng cấp lên các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, thâm dụng
vốn hơn, mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia khác có mức thu nhập thấp hơn Trung
Quốc tham gia vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động.
Trong bài giảng thường niên của
UNU-WIDER mà tôi đã trình bày tại Maputo, Mozambique, vào tháng 5 năm 2011, tôi
đã giải thích cách các nước đang phát triển có thể nắm bắt những cơ hội này để
đạt được quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Công thức
chiến thắng là họ phải phát triển các ngành công nghiệp có thể giao dịch được
đang mở rộng nhanh chóng ở các quốc gia đã phát triển năng động trong nhiều thập
kỷ và đem lại thu nhập cao hơn cùng cơ cấu trang bị (endowment) tương tự so với
họ.
Mô hình đàn sếu bay là một phép ẩn
dụ hữu ích để giải thích tầm nhìn của tôi. Kể từ thế kỷ 18, các quốc gia bắt kịp
thành công ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Á tất cả đều đi theo các quốc gia dẫn đầu
được lựa chọn cẩn thận có thu nhập bình quân đầu người cao gấp đôi so với họ và
bắt chước mô hình đàn sếu bay theo con dẫn đầu trong quá trình nâng cấp và đa dạng
hóa công nghiệp của họ trước khi chính họ trở thành các quốc gia tiên tiến (Lin
2011c).
Sự nổi lên của các nền kinh tế thị
trường lớn như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC) như các cực tăng trưởng
mới trong thế giới đa cực và khả năng tăng trưởng năng động liên tục của họ
trong thế giới hậu khủng hoảng mang đến một cơ hội chưa từng có cho tất cả các
nền kinh tế đang phát triển có mức thu nhập hiện đang thấp hơn mức của họ – bao
gồm cả những nền kinh tế ở Châu Phi cận Sahara – để phát triển sản xuất và thúc
đẩy công nghiệp hóa. Ví dụ, Trung Quốc, vốn là “con sếu đi sau” ở Đông Á, đang
trên đường ra khỏi các công việc sản xuất với kỹ năng thấp. Tuy nhiên, do quy
mô của mình, Trung Quốc có thể trở thành “con rồng dẫn đầu” đối với các nước
đang phát triển khác thay vì “con sếu dẫn đầu” trong mô hình đàn sếu bay truyền
thống của sự lan tỏa phát triển công nghiệp quốc tế. Trung Quốc sẽ giải phóng
85 triệu việc làm sản xuất thâm dụng lao động, so với 9,7 triệu việc làm của Nhật
Bản vào những năm 1960 và 2,3 triệu việc làm của Hàn Quốc vào những năm 1980
(Lin 2011c).
Lợi ích của việc phân bổ lại các
công việc sản xuất thâm dụng lao động từ Trung Quốc và các nền kinh tế thị trường
mới nổi đang phát triển năng động khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Brazil, sang các
nước thu nhập thấp, phần lớn nằm ở Châu Phi cận Sahara, có thể là rất lớn. Chỉ
riêng năm 2009, Trung Quốc đã xuất khẩu 107 tỷ đô la hàng may mặc ra thế giới,
so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Châu Phi cận Sahara là 2 tỷ đô
la (chiếm 2 phần trăm kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Trung Quốc). Nếu chỉ
1 phần trăm sản lượng hàng may mặc của Trung Quốc được chuyển sang các nước
Châu Phi có mức lương thấp hơn, thì sản lượng và xuất khẩu hàng may mặc của
Châu Phi sẽ tăng 47 phần trăm. Tương tự như vậy, mức tăng việc làm có thể rất
đáng kể. Dân số Châu Phi (phía bắc và phía nam Sahara) là 1 tỷ người, ít hơn một
chút so với 1,15 tỷ người của Ấn Độ. Năm 2009, giá trị gia tăng trong sản xuất
là 16 phần trăm GDP ở Ấn Độ, 13 phần trăm ở các nước Châu Phi cận Sahara và 16
phần trăm ở các nước Bắc Phi như Ai Cập, Morocco và Tunisia. Việc làm trong
ngành sản xuất của Ấn Độ là 8,7 triệu vào năm 2009. Do đó, dựa trên tính toán
sơ bộ, có thể giả định rằng tổng số việc làm trong ngành sản xuất ở Châu Phi là
khoảng 10 triệu (Lin 2011c). Điều này cho thấy rằng việc di dời ngay cả một phần
nhỏ trong số 85 triệu việc làm trong ngành sản xuất thâm dụng lao động của
Trung Quốc sang Châu Phi cũng sẽ mang lại những cơ hội chưa từng có cho Châu
Phi.
Nhưng tại sao các công ty Trung
Quốc và chính phủ các nước có thu nhập thấp vốn sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc
tái phân bổ các công ty từ Trung Quốc và các nền kinh tế thị trường mới nổi
khác vẫn chưa tự tổ chức để nắm bắt những cơ hội này? Từ những tương tác thường
xuyên của tôi trong ba năm qua với các nhà hoạch định chính sách ở các nước có
thu nhập thấp tại Châu Phi và Châu Á, cũng như với các doanh nhân và quan chức
chính phủ tại các nền kinh tế thị trường mới nổi, tôi biết rằng các nhà hoạch định
chính sách và cộng đồng doanh nghiệp sẽ quan tâm đến việc theo đuổi cơ hội này.
Một số công ty riêng lẻ từ các thị trường mới nổi đã liên kết với các doanh
nhân ở các nước có thu nhập thấp để phát triển nhiều ngành sản xuất thâm dụng
lao động. Tuy nhiên, nhiều nhà công nghiệp ở các thị trường mới nổi vẫn còn ngần
ngại chuyển ra nước ngoài, đặc biệt là đến Châu Phi. Họ nêu ra những lo ngại
sau: (i) bất ổn xã hội và chính trị; (ii) sự khác biệt về luật lao động và
trình độ chuyên môn; (iii) hậu cần kém; và (iv) thiếu cơ sở hạ tầng và điều kiện
kinh doanh đầy đủ. Những lo ngại về cơ sở hạ tầng cứng và mềm này làm tăng rủi
ro cho các khoản đầu tư của họ, làm tăng chi phí giao dịch trong hoạt động của
họ và vượt xa những lợi ích tiềm năng từ chi phí lao động thấp ở Châu Phi và
các quốc gia thu nhập thấp khác.
Làm thế nào để giải quyết những vấn
đề về cơ sở hạ tầng này? Hai vấn đề đầu tiên có thể được giảm nhẹ thông qua cam
kết và sự hỗ trợ rộng rãi của các chính phủ tiếp nhận; hai vấn đề sau có thể được
giải quyết hiệu quả thông qua việc phát triển các khu công nghiệp dựa trên cụm
và theo từng ngành cụ thể. Tại sao cách tiếp cận sau theo từng ngành cụ thể –
đôi khi được gọi là “chọn người chiến thắng”—lại được mong muốn?
Đầu tiên, những cải thiện cơ sở hạ
tầng cần thiết thường mang tính đặc thù của ngành. Ví dụ, ngành hoa cắt cành và
dệt may đòi hỏi cơ sở hạ tầng khác nhau cho hoạt động xuất khẩu của họ. Vì nguồn
lực tài chính và năng lực thực hiện của chính phủ ở một quốc gia đang phát triển
có hạn, nên chính phủ phải ưu tiên cải thiện cơ sở hạ tầng theo các ngành đã nhắm
thành mục tiêu.
Thứ hai, để cạnh tranh trong thế
giới toàn cầu hóa, một ngành công nghiệp mới không chỉ phải phù hợp với lợi thế
so sánh của quốc gia để yếu tố chi phí sản xuất có thể ở mức thấp nhất có thể,
mà ngành công nghiệp đó cũng cần có chi phí liên quan đến giao dịch thấp nhất
có thể. Giả sử cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh của một quốc gia tốt và
quá trình nâng cấp và đa dạng hóa công nghiệp diễn ra tự phát. Nếu không có sự
phối hợp của chính phủ, các công ty có thể tham gia vào quá nhiều ngành công
nghiệp khác nhau, tất cả đều phù hợp với lợi thế so sánh của quốc gia đó. Do
đó, hầu hết các ngành công nghiệp có thể không tạo thành đủ cụm lớn trong nước
và có thể không cạnh tranh được trên thị trường trong nước và quốc tế. Chỉ sau
nhiều lần thất bại, một số cụm mới có thể xuất hiện. Quá trình “thử và sai” như
vậy có thể là một quá trình dài và tốn kém, làm giảm lợi nhuận kỳ vọng và khích
lệ của từng công ty trong nước và nước ngoài khi tham gia vào các ngành công
nghiệp mới hoặc di dời đến các quốc gia khác. Điều này đến lượt nó có thể làm
chậm lại hoặc thậm chí đình trệ sự phát triển kinh tế của một quốc gia.
Nhưng có một danh sách dài của
các nỗ lực không thành công trong việc chọn ra người chiến thắng. Những thất bại
này, như đã thảo luận trong các chương trước, thường là kết quả của việc chính
phủ không đưa ra được các tiêu chí tốt để xác định các ngành công nghiệp phù hợp
với cơ cấu tài nguyên và mức độ phát triển của một quốc gia nhất định. Trên thực
tế, khuynh hướng của chính phủ nhắm vào các ngành công nghiệp quá tham vọng và
không phù hợp với lợi thế so sánh của một quốc gia phần lớn giải thích tại sao
các nỗ lực của họ nhằm “chọn người chiến thắng” lại dẫn đến “chọn kẻ thua cuộc”
(Lin, 2011d).
Do đó, công thức của thành công
kinh tế là công thức giúp các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát
triển xác định các ngành công nghiệp mà nền kinh tế của họ có thể có lợi thế so
sánh tiềm ẩn và loại bỏ các hạn chế ràng buộc để tạo điều kiện cho các công ty
tư nhân trong nước và nước ngoài tham gia và hoạt động trong các ngành công
nghiệp đó. Chương III của cuốn sách này cung cấp cho các chính phủ ở các nước
đang phát triển một khuôn khổ xác định và tạo điều kiện tăng trưởng mang tính
thực tế và dễ thực hiện để thực hiện điều đó.
Nhiều quốc gia có thu nhập thấp
có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Họ cũng có thể hưởng lợi từ cơ hội
công nghiệp hóa được tạo ra do quá trình nâng cấp công nghiệp tại các nền kinh
tế thị trường mới nổi đang phát triển năng động bằng cách đi theo mô hình “đàn
sếu bay”. Các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, chẳng hạn như khai thác,
cung cấp rất ít cơ hội việc làm. Trong chuyến thăm Papua New Guinea năm 2009,
tôi thấy rằng mỏ đồng OK Tedi nổi tiếng của nước này đã tạo ra 40 phần trăm
doanh thu công cộng và 80 phần trăm kim ngạch xuất khẩu của đất nước nhưng chỉ
cung cấp 2.000 việc làm vào năm 2009. Hầu hết trong số 6,6 triệu người dân
Papua New Guinea vẫn sống bằng nghề nông đủ sống. Mức lương của họ thấp và tiền
lương là phần chính của chi phí sản xuất chính cho các ngành công nghiệp thâm dụng
lao động. Do đó, các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, có mức lương thấp có
thể phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, tạo ra nhiều việc làm
cần thiết. Indonesia là một ví dụ điển hình cho thấy điều này là khả thi. Các
ngành sản xuất thâm dụng lao động không chỉ cung cấp tiềm năng hấp thụ lao động
dư thừa từ khu vực tự cung tự cấp (subsistence) ở nông thôn, mà sự phát triển của
các ngành công nghiệp như vậy cũng còn có thể mở đường cho việc nâng cấp liên tục
lên các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ, Nokia của Phần
Lan bắt đầu là một công ty khai thác gỗ và đa dạng hóa hoạt động của mình sang
ngành kinh doanh thâm dụng lao động là sản xuất giày ủng cao su; sau đó trở
thành nhà sản xuất thiết bị gốc của các thiết bị điện tử gia dụng cho Phillips
trước khi mạo hiểm vào điện thoại di động.
Tuy nhiên, các quốc gia giàu tài
nguyên thường mắc phải Căn bệnh Hà Lan, vì doanh thu xuất khẩu tài nguyên thiên
nhiên đẩy giá trị đồng tiền lên cao, do đó ảnh hưởng xấu đến khả năng cạnh
tranh của các mặt hàng xuất khẩu khác của họ.
Đôi khi, của cải từ tài nguyên
thiên nhiên cũng bị các nhóm quyền lực chiếm đoạt, biến sự giàu có về tài
nguyên thành một lời nguyền. Đồng thời, lợi nhuận (rent) từ tài nguyên thiên
nhiên có thể mang lại cơ hội lớn cho phát triển nếu được quản lý một cách minh
bạch và đầu tư thận trọng vào vốn con người và vật chất, chẳng hạn như cơ sở hạ
tầng, và được sử dụng để đa dạng hóa sang các lĩnh vực không phải tài nguyên
như được đề xuất trong khuôn khổ xác định và tạo điều kiện tăng trưởng. Những
khoản đầu tư này, nếu được lựa chọn tốt, có thể tăng năng suất lao động, giảm
chi phí sản xuất và giao dịch và cuối cùng là chữa khỏi Căn bệnh Hà Lan, và biến
sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên từ một lời nguyền thành một phước lành.
Điều này là do các quốc gia như vậy có cơ hội tích lũy vốn, nâng cấp trang thiết
bị (endowment), cải thiện cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp và sau
đó tăng thu nhập nhanh hơn các quốc gia dồi dào lao động nhưng nghèo tài nguyên
(Lin, 2011b).
Cho đến nay, cuộc thảo luận vẫn tập
trung vào cơ hội và cách thức đạt được công nghiệp hóa nhanh chóng ở các nước
thu nhập thấp. Kinh tế học cấu trúc mới cũng cung cấp những hiểu biết mới cho
các nước thu nhập trung bình về cách nâng cấp ngành công nghiệp của họ và đạt
được tăng trưởng năng động. Một đặc điểm độc đáo của các nước thu nhập trung
bình là một số ngành công nghiệp của họ vẫn sẽ nằm bên trong biên giới toàn cầu
và một số ngành công nghiệp của họ sẽ nằm trên biên giới do các nước thu nhập
cao hơn bỏ các ngành công nghiệp đó lại phía sau. Đối với các ngành công nghiệp
trước, chính phủ có thể tuân thủ khuôn khổ xác định tăng trưởng và tạo điều kiện
tăng trưởng để hỗ trợ các công ty tư nhân khai thác tiềm năng lợi thế của người
đi sau, và đối với các ngành công nghiệp sau, chính phủ nên áp dụng các biện
pháp tương tự như ở các nước tiên tiến để hỗ trợ đổi mới về công nghệ và ngành
công nghiệp. Các biện pháp thường được sử dụng bao gồm hỗ trợ nghiên cứu cơ bản,
cung cấp bảo vệ bằng sáng chế, bắt buộc sử dụng công nghệ/sản phẩm mới, và mua
sắm các sản phẩm mới trực tiếp từ phía chính phủ. Nếu một quốc gia có thu nhập
trung bình có thể thực hiện các biện pháp này để tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp tư nhân nâng cấp và đa dạng hóa công nghiệp, quốc gia đó không chỉ tránh
được bẫy thu nhập trung bình mà còn đạt được tăng trưởng năng động và bắt kịp
các nước tiên tiến chỉ trong một thế hệ.
Cuộc thảo luận cho đến nay vẫn
chưa đề cập đến đổi mới công nghệ và cải thiện năng suất trong nông nghiệp. Ở
các nước thu nhập thấp, nơi hầu hết mọi người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp,
việc cải thiện nông nghiệp sẽ không chỉ quan trọng để giảm nghèo mà còn tạo ra
thặng dư kinh tế để hỗ trợ công nghiệp hóa. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi
cho việc đổi mới và mở rộng công nghệ nông nghiệp và cải thiện cơ sở hạ tầng
cho sản xuất và thương mại hóa nông nghiệp.
Cuối cùng, như đã nêu trong phần
giới thiệu, tôi tin rằng mọi quốc gia đang phát triển, bao gồm cả những quốc
gia ở Châu Phi cận Sahara, đều có tiềm năng tăng trưởng liên tục ở mức 8 phần
trăm trở lên trong nhiều thập kỷ, giảm đáng kể tình trạng nghèo đói và trở
thành quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thậm chí là thu nhập cao trong vòng
một hoặc hai thế hệ, nếu chính phủ của quốc gia đó có khuôn khổ chính sách phù
hợp để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển theo hướng lợi thế so sánh
của mình và khai thác lợi thế của những quốc gia đến sau. Tôi hy vọng cuốn sách
này sẽ giúp các quốc gia đang phát triển nhận ra tiềm năng tăng trưởng của
mình. Một thế giới không có đói nghèo khi đó sẽ trở thành hiện thực thay vì chỉ
là một giấc mơ.
Justin Yifu Lin
References
Lin, Justin Yifu. 2011a.
“Demystifying the Chinese Economy,” Cambridge, UK: Cambridge University Press.
———. 2011b. “Economic Development
in Resource-Rich, Labor-Abundant Economies,” Feb. 28, 2011, Let’s Talk
Development Blog, http://blogs.worldbank.org/developmenttalk/economic-development-in-resource-rich-labor-abundant-economies.
———. 2011c. “From Flying Geese to
Leading Dragons—New Opportunities and Strategies for Structural Transformation
in Developing Countries,” WIDER Annual Lecture 15, Helsinki: UNU-WIDER. (A
shorter version of this paper is forthcoming in Global Policy.)
———. 2011d. “Picking Winners,”
Let’s Talk Development Blog, Oct. 18, 2011, http://blogs.worldbank.org/developmenttalk/node/670.
