4.4.25

Các nhà khoa học nữ và nam: Hiệu ứng bất ngờ về giới của việc rút lại các bài báo

CÁC NHÀ KHOA HỌC NỮ VÀ NAM: HIỆU ỨNG BẤT NGỜ VỀ GIỚI CỦA VIỆC RÚT LẠI CÁC BÀI BÁO

Các tác giả: Catherine Guaspare, Abdelghani MaddiMichel Dubois

Việc có nhiều phụ nữ trong nhóm nghiên cứu có thể cải thiện kết quả nghiên cứu khoa học. NationalInstituteofAllergyandInfectiousDiseases/UnsplashCC BY

Không thiếu những lý do khiến ta quan tâm đến vị trí của phụ nữ trong khoa học: làm cho những cống hiến của họ cho tiến bộ khoa học được thừa nhận, mở rộng những viễn cảnh nghiên cứu, thúc đẩy bình đẳng về cơ hội tiếp cận nghề nghiệp, đề nghị những hình mẫu để khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ mới, v.v.. Tuy nhiên, một thách thức không kém phần quan trọng vẫn thường ít được quan tâm: tác động của sự công bình đối với chính chất lượng của sản phẩm khoa học.

-------------------------------

Được công bố gần đây trên tạp chí Quantitative Science Studies, nghiên cứu của chúng tôi, với sự hỗ trợ của Agence nationale de la recherche - Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp -, cho thấy rằng việc thúc đẩy sự công bình trong khoa học đi xa hơn rất nhiều công bằng xã hội hoặc sự mở rộng các viễn cảnh nghiên cứu: đó cũng là hành động một cách tích cực đối với độ tin cậy của công trình khoa học được công bố.

Thế thì khi khủng hoảng Covid-19 đã đưa ra ánh sáng tầm quan trọng của việc rút các bài báo để có những điều chỉnh khoa học, liệu ta có thể thiết lập mối quan hệ giữa giới tính của các tác giả và rủi ro bị rút các công bố? Hoặc rõ hơn, những công bố do phụ nữ hay nam giới đứng tên có bị rút vì những lý do giống nhau? Đôi lúc chúng tôi có những kết quả nghiên cứu bất ngờ. 

Chúng tôi đặc biệt nêu ra ở đây:

  • mức độ bị rút lại của những công bố chỉ do một tác giả đứng tên, bất kể thuộc giới tính nào, thấp hơn những công bố do nhiều tác giả đứng tên;
  • trong trường hợp những công bố của nhiều tác giả, ngày nay chiếm 8 trên 10 công bố, những công bố do các nhóm hỗn hợp (nam và nữ) ký tên và do một nam giới điều hành có nguy cơ bị rút lại cao hơn những công bố do các nhóm hỗn hợp ký tên và do một nữ điều hành;
  • đối với những công bố của nhiều tác giả (hỗn hợp hoặc không), những lý do giải thích việc rút lại những công bố của các nhóm do nữ giới điều hành là khác với những lý do rút lại các công bố của các nhóm do nam giới điều hành.

Rút một công bố để điều chỉnh khoa học

Thông thường nhất, việc phổ biến các kết quả nghiên cứu là thông qua các công bố khoa học, với những hình thức ngày càng đa dạng. Nội dung của các công bố này được khảo sát tỉ mỉ bởi các nhà khoa học khác, là chuyên gia của lĩnh vực, nhằm để bảo đảm độ tin cậy của công trình khoa học được phổ biến cho cộng đồng khoa học và rộng hơn là cho bất kỳ ai quan tâm. Đó là điều mà ta gọi là sự kiểm soát của những nhà khoa học ngang hàng.

Việc rút lại các công bố là một cơ chế cho phép sửa chữa công trình khoa học đã được công bố và do đó bảo đảm rằng những công bố phổ biến cho các nhà khoa học giữ được độ tin cậy. Về nguyên tắc chung, cơ chế này bao gồm rút lại từ khối dự trữ những công bố có sẵn một công bố đã được chứng minh là chứa đựng những sai lầm nghiêm trọng hoặc tác giả đã phạm phải một lỗi lầm khoa học hay vi phạm đạo đức.

Mặt khác, việc rút lại cũng có thể liên quan đến những công bố, chủ yếu là trong lĩnh vực y học, chứa đựng những dữ liệu đã lỗi thời phải được cập nhật.

Trong vòng mười lăm năm qua, lĩnh vực nghiên cứu việc rút lại các công bố đã phát triển với một mối quan tâm đặc biệt vì những lý do gắn với những công bố bị rút lại (sai lầm hoặc khiếm khuyết về phương pháp luận, xa rời đạo đức và tính liêm chính, v.v.) hay còn là liên quan đến những hậu quả tiềm tàng đối với uy tín của khoa học. Và do đó, việc rút lại các công bố đôi lúc được hiểu như một dấu ấn xấu ảnh hưởng đến danh tiếng của một tác giả hay một tổ chức.

Gần đây, một số ít các công trình tìm cách trình bày rõ những khác biệt có thể có giữa nam và nữ giới trong lĩnh vực các công bố bị rút lại. Một nghiên cứu mới đây gợi ý rằng những lý do làm cơ sở cho việc rút lại các công bố là khác nhau tuỳ theo giới tính của các tác giả. Nữ giới có tỷ lệ đại diện thấp trong số các gian lận khoa học, và có tỷ lệ đại diện cao trong số những lý do liên quan đến những sai lầm.

Nghiên cứu thăm dò này xuất hiện như một lời mời gọi đào sâu mối liên quan giữa giới tính và độ tin cậy của khoa học trên cơ sở một mẫu lớn hơn đồng thời có tính đến sự đa dạng của các loại tác giả có thể gắn với một công bố.

Khảo sát những hợp tác khoa học

Nhiều loại tác giả có thể tương ứng với một công bố. Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận các loại tác giả sau: tác giả đơn nhất là nam, tác giả đơn nhất là nữ, hợp tác chỉ giữa nam giới, hợp tác chỉ giữa nữ giới, hợp tác hỗn hợp do một nam điều hành và hợp tác hỗn hợp do một nữ điều hành. Sự phân loại này tái hiện cách tiếp cận nhị nguyên về giới, vốn đang được áp dụng trong thực tế thông thường của việc ký tên khoa học.

Để nghiên cứu ảnh hưởng của giới đối với việc rút lại các công bố, chúng tôi đã huy động hai cơ sở dữ liệu. Một mặt là OpenAlex, một danh mục truy cập mở các công bố khoa học, tác giả và cơ quan, bao gồm gần 70 triệu tham khảo, từ cơ sở này chúng tôi đã trích ra một mẫu ngẫu nhiên gồm một triệu công bố đại diện cho hơn 2,6 triệu tác giả.

Chúng tôi dùng mẫu này để xác định sự phân bố các loại tác giả hiện diện trong các công bố khoa học nói chung. Biểu đồ dưới đây mô tả trong mẫu của chúng tôi một vài chiều kích của diễn biến của sự phân bố này từ năm 2000 đến 2024, với sự sút giảm ngoạn mục các công bố của chỉ một tác giả, được quan sát từ năm 2010.

Mặt khác, Retraction Watch, thống kê một cách có hệ thống những công bố khoa học bị rút lại cùng những ghi chú. Chính trong những ghi chú này ta thường tìm thấy những lý do minh chứng cho việc rút lại công bố khoa học. Cơ sở dữ liệu của Retraction Watch cho phép chúng tôi xác định đặc điểm của sự phân bố giới tính của các tác giả trong ngần 40.000 công bố đã bị rút lại và đã được thống kê, nhưng đồng thời cho phép nhận diện những lý do khiến các công bố này bị rút lại.

Việc đối chiếu hai cơ sở dữ liệu này cho phép nhận diện những loại tác giả có tỷ lệ đại diện quá thấp hay quá cao trong số những công bố bị rút lại. Chúng tôi đã xây dựng một chỉ báo giúp so sánh phần của một loại tác giả của các công bố bị rút lại với phần của họ trong toàn bộ các công bố trong mẫu mà chúng tôi đã trích ra từ OpenAlex.

Một chỉ báo bằng 1 có nghĩa là một loại tác giả có cùng tỷ trọng trong các công bố bị rút lại và trong mẫu của chúng tôi. Một chỉ báo lớn hơn 1 cho thấy tỷ lệ đại diện cao của một loại tác giả trong các công bố bị rút lại, và do đó, có rủi ro bị rút lại cao, ở nơi có chỉ báo nhỏ hơn 1 cho thấy tỷ lệ đại diện thấp, và đo đó có rủi ro bị rút lại thấp.

Chúng tôi đã tìm cách tách riêng hiệu ứng của giới bằng cách kiểm tra những nhân tố khác có khả năng ảnh hưởng tới xác suất bị rút lại. Để làm việc này, chúng tôi đã thực hiện phép hồi quy logistic trên một tập hợp cân bằng 15.869 công bố bị rút lại và 15.869 công bố không bị rút lại. Phân tích thống kê này đã cho phép chúng tôi đánh giá tác động của cấu tạo các nhóm có tính đến yếu tố giới, đồng thời tích hợp những biến số kiểm soát chủ yếu: ngành khoa học, phương thức truy cập (truy cập mở hay không), có tài trợ, uy tín của các tạp chí (chỉ số impact factor – hệ số tác động) và quy mô của các nhóm nghiên cứu. Nhằm bảo đảm độ tin cậy của những xu hướng được quan sát, nhiều kiểm định vững mạnh đã được thực hiện.

Các loại tác giả, các hồ sơ bị rút lại

Thông tin thứ nhất: tần số các công bố bị rút lại với một tác giả duy nhất luôn luôn thấp hơn nhiều so với tần số các các công bố của nhiều tác giả, bất kể giới tính của tác giả liên quan. Nơi mà các công bố với nhiều tác giả đứng tên có một chỉ báo luôn luôn bằng hoặc lớn hơn 1, những công bố chỉ do một tác giả nam có chỉ báo 0,46, trong khi những công bố chỉ do một tác giả nữ có chỉ báo 0,44.

Những kết quả này cho thấy những bài báo của duy nhất một tác giả, dù là nam hay nữ, luôn luôn có một rủi ro bị rút lại rất nhỏ. Ta nhận thấy những biến đổi theo giới được quan sát là không có ý nghĩa thống kê (không đáng kể - ND).

Mức độ bị rút lại thấp của các công bố với một tác giả duy nhất xác nhận những nghiên cứu trước đây vốn gợi ý rằng loại công bố này, chủ yếu là những đóng góp về lý thuyết hay cho những tạp chí văn học, giảm bớt rủi ro sai lầm hay gian lận; và chính rủi ro này lại gia tăng cùng với số lượng tác giả của công bố, sự kiểm soát tính liêm chính của việc thực hiện và của các dữ liệu trong nội bộ các nhóm nghiên cứu trở nên bội phần phức tạp. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có một ngưỡng – những hợp tác có trên 10 thành viên – trên ngưỡng đó rủi ro này không gia tăng nữa, thậm chí còn giảm xuống. 

Thông tin thứ hai: đối với các công bố có nhiều tác giả, dù cấu hình như thế nào thì luôn luôn những nhóm hỗn hợp có nhiều công bố bị rút lại nhất. Những công bố tập thể chỉ do nữ giới ký tên có chỉ báo là 0,94 biểu thị một rủi ro bị rút lại tương đối thấp. Những công bố tập thể chỉ do nam giới ký tên có chỉ báo là 1,11 biểu thị rủi ro bị rút lại tương đối cao. Tuy vậy, những khác biệt có phần không lớn.

Ngược lại, nếu chúng ta chuyển từ những hợp tác không hỗn hợp sang hợp tác hỗn hợp, ta nhận thấy có một sự gia tăng rõ rệt rủi ro bị rút bài lại. Đối với các công bố hỗn hợp do một nam giới điều hành, chỉ báo là 1,92. Điều này có nghĩa là tỷ lệ đại diện các công bố bị rút lại là rất cao. Đối với các công bố hỗn hợp do một nữ giới điều hành, ta cũng thấy có một tỷ lệ đại diện cao, với chỉ báo 1,42, nhưng quy mô hạn chế hơn so với nam giới. Sự cách biệt này khiến chúng ta phải tính đến không những sự hiện diện của nam giới và nữ giới trong các hợp tác, mà còn là vị trí của hai giới này trong các hợp tác.

Cuối cùng, thông tin thứ ba: khi một công bố với nhiều tác giả bị rút lại, những lý do giải thích sự rút lại này khác nhau tuỳ theo giới tính của tác giả điều hành nhóm nghiên cứu. Như biểu đồ dưới đây nêu rõ, trình bày lại một số lý do được nêu trong cơ ở dữ liệu Retraction Watch, những nhóm do một nam giới điều hành có tỷ lệ đại diện cao trong những công bố bị rút lại vì lý do có những sai trái đặc trưng (1,29), thiếu sót về đạo đức (1,22), đạo hình ảnh (1,34), hoặc còn là sử dụng gian lận tên tác giả (1,29). Những nhóm do nữ giới điều hành có tỷ lệ đại diện cao trong những công bố bị rút lại vì lý do đạo văn được ngụy trang (1,31) hoặc không nguỵ trang (1,39) và vì sai lầm (1,47).

Thực hiện trách nhiệm trong các hợp tác

Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận những đặc điểm khác nhau của sự rút lại công bố tuỳ theo loại tác giả được xem xét. Đối với những công bố do các nhóm hỗn hợp ký tên, thì một công bố do một nam giới điều hành có rủi ro bị rút lại cao hơn so với một công bố do một nữ giới điều hành. Hơn nữa, nếu hai dạng công bố cùng có những thiếu sót về liêm chính (đạo văn, nguỵ tạo, thao túng hình ảnh hay văn bản), thì dạng bị rút lại của các công bố do một nam giới điều hành có tỷ lệ đại diện cao trong các khoảng cách đặc trưng xa rời sự liêm chính (những sai trái) và thiếu sót về đạo đức (không có sự cho phép về đạo đức), so với dạng các công bố bị rút lại do một nữ giới điều hành có tỷ lệ đại diện cao trong các sai lầm. 

Cần phải tránh gán một phẩm giá ít nhiều “bẩm sinh” cho nữ giới và cho nam giới, nhưng các kết quả nghiên cứu của chúng tôi đề nghị chú ý đến cách mà nam giới và nữ giới thực hiện trách nhiệm điều hành của họ trong các hợp tác khoa học.

Mặt khác, các kết quả này cho phép suy nghĩ đồng thời về hai ưu tiên về mặt thể chế: sự đa dạng về giới và sự liêm chính khoa học. Ta biết rất rõ rằng các cơ quan nghiên cứu đang thực hiện những chính sách tích cực chủ động để bảo đảm có nhiều nữ giới hơn trong các lĩnh vực như vật lý, toán học, kỹ sư và tin học; vốn là những lĩnh vực với sự hiện diện rất hạn chế của nữ giới.

Tương tự, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu phải thúc đẩy những phương pháp thực hiện tốt nhất để bảo đảm độ tin cậy của những kiến thức mà họ tạo ra. Hai ưu tiên này có thể tăng cường lẫn nhau, bằng cách sử dụng tác động tương hỗ giữa sự có mặt của nữ giới và việc cải thiện sự liêm chính của nghiên cứu.

Các tác giả

Catherine Guaspare

Nhà xã hội học, chuyên viên nghiên cứu

Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS)

Abdelghani Maddi 

Chuyên viên nghiên cứu về phân tích và xử lý dữ liệu

Trung tâm quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS)

Michel Dubois

Nhà xã hội học

Giám đốc nghiên cứu CNRS, Sorbonne Université

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Femmes et hommes scientifiques: l’effet inattendu du genre dans les rétractions d’articles”, The Conversation, 5.3.2025

Print Friendly and PDF