13.11.14

“Không nên xem cạnh tranh là một tôn giáo”

PTKT: Nhân dịp Jean Tirole trở thành chủ nhân giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, PTKT đăng lại dưới đây bài phỏng vấn của Xavier de la Vega trên Nguyệt san Sciences Humaines, số 189, tháng giêng 2008Ngoài ra, PTKT cũng đăng một bài phỏng vấn khác tại đây và một bài tóm tắt sự nghiệp của ông tại đây.
Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về các công trình của khôi nguyên giải năm nay tại: http://marginalrevolution.com/marginalrevolution/2014/10/2014-nobel-laureates-in-economics-are-jean-tirole.html

Kinh tế học công nghiệp mới nghiên cứu chiến lược các doanh nghiệp cũng như việc điều tiết sự cạnh tranh. Trò chuyện với Jean Tirole, nhà kinh tế, huy chương vàng của CNRS năm 2007.
Có thể cáo buộc công ti Microsoft đã lạm dụng vị thế khống chế không? Các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động có vi phạm những nguyên lí của cạnh tranh bằng những cách thực hành câu kết không? Cung cấp một khuôn khổ lí thuyết để trả lời kiểu câu hỏi trên chính là lí do tồn tại của kinh tế học công nghiệp mà Jean Tirole, huy chương vàng của CNRS năm 2007, là một trong những đại diện người Pháp nổi tiếng nhất. Tiếp nối những tác giả được giả Nobel 2007 là Leonid Hurwicz, Eric Maskin – người hướng dẫn luận án của ông ở MIT – và Roger Myerson[1], nhà kinh tế ở Toulouse đã góp phần đổi mới kinh tế học công nghiệp bằng cách du nhập lí thuyết trò chơi và lí thuyết thông tin. Những đổi mới này lật đổ hai tiên đề mấu chốt của lí thuyết kinh tế: cạnh tranh hoàn hảo và thông tin hoàn hảo. Làm được như thế, “kinh tế học công nghiệp mới” đã cho phép kéo lí thuyết đến gần với những được thua cụ thể nhất. Jean Tirole và các nhà kinh tế của TSE (Toulouse-Sciences Économiques), do ông lãnh đạo, và của IDEI (Viện kinh tế học công nghiệp), mà ông là giám đốc khoa học, quan tâm đến chiến lược các doanh nghiệp của nền kinh tế mới cũng như đến sự điều tiết cạnh tranh, những lĩnh vực mà họ được Ủy ban châu Âu thường xuyên tham khảo.
Tác giả của những đóng góp đáng kể trong những lĩnh vực đa dạng như tài chính, lí thuyết tổ chức hay truyền thông, Jean Tirole còn tham gia vào sự phát triển gần đây của tâm lí học kinh tế, một trường nghiên cứu xét lại một tiên đề khác nữa của lí thuyết kinh tế: Homo oeconomicus.   
Kinh tế học công nghiệp mới là gì?
Bộ môn này nghiên cứu những vấn đề đa dạng như sự thông đồng giữa các doanh nghiệp, việc “tập hợp các bằng sáng chế”, mô hình kinh tế của Google … Trên mỗi một vấn đề, chúng tôi nghiên cứu hai chiều kích. Một mặt, chúng tôi phân tích chiến lược của các doanh nghiệp: trên quan điểm của doanh nghiệp, đâu là những quyết định tốt nhất? Mặt khác, chúng tôi tiến hành phân tích bằng khái niệm “phúc lợi xã hội”: trong những điều kiện nào, các quyết định nào của các công ti dẫn đến một kết quả thỏa đáng cho người tiêu dùng. Chính quyền phải triển khai những quy tắc nào để đạt được mục đích trên?
Lấy một ví dụ. Đâu là điểm chung giữa Google, các nhật báo miễn phí và các tệp tin PDF? Đó là những hoạt động trong đó một trong các bên của thị trường – bên phía người tiêu dùng – được đặc trưng bằng sự miễn phí. Bạn không phải trả tiền để sử dụng công cụ tìm kiếm của Google, cũng như khi đọc một tờ báo miễn phí hay tham khảo một tệp tin PDF. Nhưng các dịch vụ này cũng hướng đến những khách hàng khác, và các công ti phải trả giá đắt để đăng một quảng cáo hay để tạo nên một tệp PDF. Một mặt của thị trường là miễn phí và mặt kia thì phải trả tiền: đó là đặc điểm của những “thị trường hai mặt”.
Trước những hoạt động như thế, nhà lí thuyết có thể làm nổi lên một khung để suy nghĩ, điều chúng tôi đã làm với Jean-Charles Rochet, bằng cách chỉ ra rằng các hoạt động này đều nằm trong một mô hình kinh tế chung. Tiếp đó, nhà lí thuyết có thể giúp các doanh nghiệp tìm ra chiến lược tốt trên các thị trường này. Các công ti học hỏi qua kinh nghiệm, dò dẫm, lựa chọn một mô hình kinh tế, thay đổi nó để hội tụ về mô hình nào đảm bảo tính sinh lời của hoạt động. Nhưng các công ti cũng có thể học từ lí thuyết. Ví dụ, một trong những bài học của các công trình chúng tôi là nên dành những điều kiện ưu đãi cho phía của thị trường mà, một mặt, nhạy cảm nhất với giá cả (những người sử dụng Google sẽ rời bỏ nó nếu phải trả tiền) và, mặt khác, mà sự hiện diện được phía bên kia của thị trường đánh giá cao (trong trường hợp này là bên đăng quảng cáo).
Nhà lí thuyết cũng hướng đến người ra quyết định công cộng, vốn đặt vấn đề quy định hóa sự cạnh tranh. Hai công ti sáp nhập với nhau: đâu là hệ quả trên giá bán sản phẩm và trên sự cách tân đổi mới? Công ti mới hợp nhất có xu hướng hãm lại việc đưa vào những sản phẩm mới, giảm bớt chi tiêu về nghiên cứu và triển khai không? Nếu như thế thì sự hợp nhất có nguy cơ gây bất lợi cho hiệu quả kinh tế. Ủy ban châu Âu đã giao cho IDEI làm rõ các vấn đề này nhằm giúp Ủy ban xác định trong trường hợp nào sự hợp nhất có nguy hiểm hay không. Kinh tế học không phải là một khoa học chính xác, nhưng có thể cung cấp những cột mốc vô cùng có ích cho các chính sách công cộng.

Ông đã nghiên cứu nhiều các “độc quyền tự nhiên”, như các ngành điện, viễn thông, bưu điện. Có nên đưa cạnh tranh vào các lĩnh vực này không?
Không nên xem cạnh tranh là một tôn giáo. Tôi ủng hộ sự cạnh tranh, nhưng đó là một phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Đưa cạnh tranh vào là một lợi thế khi nó kích thích sự xuất hiện của những sản phẩm mới, làm giảm giá, buộc người tác nghiệp lịch sử (opérateur historique) thoát khỏi cơn mê ngủ. Nhưng được quan niệm một cách tồi tệ, cạnh tranh cũng có thể có những hiệu ứng tai hại.

Ví dụ, việc tự do hóa khu vực điện ở California đã đã dẫn đến một tai họa thật sự: trong mùa hè năm 2001, kết quả của việc thiếu đầu tư sản xuất điện là sự thiếu hụt điện đưa đến việc cắt điện trên diện rộng …
Trường hợp của việc phi quy định hóa ngành điện ở California là một minh họa hoàn toàn chính xác, cho thấy cạnh tranh có thể nguy hiểm như thế nào khi trở thành một tôn giáo. Nhiều nhà kinh tế nổi tiếng đã được tham khảo để thực thi cuộc cải cách này, nhưng họ không được lắng nghe đầy đủ và cuộc cải cách đã được tiến hành bất chấp lí lẽ thông thường.
Nếu việc đưa cạnh tranh vào dễ đến thế trong các ngành công nghiệp mạng như ngành điện thì việc ấy đã được tiến hành cách đây một thế kỉ. Các ngành này đã được cố ý giao cho các công ti độc quyền. Trước khi tự do hóa những khu vực như thế, cần biết xem là điều ấy khả thi cho phân khúc nào, làm thế nào đưa cạnh tranh vào một cách hiệu quả, v.v... Có thể chỉ ra rằng cạnh tranh phát huy tốt tác dụng trong lĩnh vực sản xuất điện. Ngược lại, theo tôi (và đây là vấn đề còn tranh luận), nên để việc tải điện cho một doanh nghiệp duy nhất được quy định hóa đảm nhiệm, vì các quy luật của điện khiến cho các đường dây được thiết lập tạo ra nhiều ngoại ứng[2] giữa các đường dây với nhau: chẳng hạn, sẽ là mạo hiểm phòng tránh những “tắc nghẽn” của mạng khi không có một một nhà tác nghiệp trung ương duy nhất phụ trách giám sát cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ điện, điện thế của các đường dây, v.v…

Từ mười năm nay, ông có những công trình nằm ở đường biên giữa kinh tế học và những khoa học nhân văn khác. Đặc biệt, ông quan tâm đến tâm lí học xã hội, một bộ môn đặt lại vấn đề những tiên đề của Homo economicus …
Lí thuyết kinh tế thường cho rằng con người là duy lí, tối đa hóa lợi ích của mình, trong khi trong thực tiễn, không phải bao giờ cũng thế. Mặt khác, lí thuyết giả định là thông tin luôn có ích, trong lúc trong thực tiễn, người ta có thể từ chối sở đắc thông tin, có những tin tưởng hoàn toàn có chọn lọc và tự giam mình bảo lưu những tin tưởng sai trái về chính bản thân hay về xã hội.
Ví dụ, có những điều cấm kị thật sự trong đời sống kinh tế. Nên hay không tạo ra một thị trường cho nội tạng của con người? Một số người, như nhà kinh tế Gary Becker, nghĩ là nên. Ông cho rằng phải chăng là phi lí khi có người chết do thiếu nội tạng. Và nhiều mạng người sẽ được cứu sống khi chấp nhận là nội tạng được trao đổi trên thị trường? Tuy nhiên khi bảo vệ những đề xuất như thế, các nhà kinh tế thường bị xem là vô đạo đức. Nói như thế rồi, thì những điều cấm kị là có ích trong chừng mực là bao giờ chúng cũng chỉ báo những vấn đề nhạy cảm. Nhưng chúng cũng kéo theo một chi phí quan trọng. Một số cải cách kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho phúc lợi chung nhưng vấp phải những cản trở tâm lí.

Có phải ông muốn nói rằng các tin tưởng là những cứng nhắc ngăn cản các xã hội hay cá nhân đạt đến một thế tối ưu?
Không phải bao giờ cũng thế. Thường quyền lợi của các cá nhân là gìn giữ cho mình một hình ảnh tốt về bản thân bằng cách không để cho những thông tin đe dọa một niềm tin như thế lọt vào. Platon nghĩ rằng tự dối mình là một điều xấu. Từ thế kỉ XX, các nhà tâm lí học cho rằng trân trọng bản thân là một điều quan trọng. Roland Bénabou và tôi đã đề xuất một mô hình nắm bắt tác động của những niềm tin như thế. Xét một cá nhân muốn tiến hành một điều gì đó. Chúng tôi nhận thấy là muốn gìn giữ bằng mọi giá sự trân trọng đối với bản thân là một điều tốt cho những ai có xu hướng dời lại mọi việc cho ngày mai vì ước muốn này là động cơ giúp họ thoát ra khỏi chứng ù lì. Ngược lại, người nào không bị chứng này có nguy cơ tiến hành những hoạt động quá tham vọng khi mình quá lạc quan, trường hợp này tốt hơn là theo lời khuyên của Platon!    

Nhà kinh tế học mang lại được gì cho nhà tâm lí học?
Nhà kinh tế có thể góp phần tìm hiểu một số hành vi và giúp làm sản sinh những hành vi thuận xã hội. Nhà kinh tế cũng đóng góp hiểu biết của mình về những tương tác liên cá thể. Ví dụ, tôi đã cộng tác với Roland Bénabou về những hệ tư tưởng. Nếu bạn hỏi người Mĩ về nguồn gốc của sự thành công cá nhân thì họ nhất trí trả lời đó chính là nỗ lực. Người nghèo không phải là một ngoại lệ, vì trong các cuộc điều tra dư luận, khi hỏi họ có xứng đáng với hoàn cảnh của bản thân không thì đại đa số trả lời rằng có. Ta nhận thấy một độ chênh ngược lại ở châu Âu: sự thành công bao giờ cũng được giải thích bằng hoàn cảnh, may mắn, quan hệ, v.v… Roland Bénabou và tôi đã tìm cách hiểu vì sao [có sự khác biệt đó. ND]. Câu trả lời của chúng tôi là thường quyền lợi của thiên hạ là nên chọn những tin tưởng giống với tin tưởng của các thành viên khác của xã hội. Nếu thiên hạ tin rằng nỗ lực quyết định sự thành công thì họ thường không bầu cho các chính sách có tính chất tái phân phối vì các chính sách này có nguy cơ làm nản lòng nỗ lực cá nhân. Do các cá nhân không có một lưới an toàn để bấu víu nên họ tìm mọi cách để tự thuyết phục rằng đáng bõ công để nỗ lực, vì nếu không thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, nếu bạn sống trong một xã hội mà hầu hết mọi người nghĩ rằng may mắn mới là điều quan trọng, thì sự tái phân phối là cần thiết, nhưng trong trường hợp này, do có một lưới an toàn, bạn không bị buộc phải tự thuyết phục mình rằng nỗ lực là đáng bõ công.    

Trong một bài viết gần đây, ông kêu gọi trình bày lại mô hình lựa chọn duy lí bằng cách tính đến những đóng góp của tâm lí học kinh tế. Tuy nhiên các công trình của ông dường như đi vào hướng ngược lại: phân tích những vấn đề tâm lí hay xã hội học bằng cách áp dụng phương pháp lựa chọn duy lí?
Tôi tin chắc rằng các khoa học xã hội khác có nhiều điều để dạy cho nhà kinh tế, nhưng tôi cũng nghĩ là phương pháp luận kinh tế có thể làm phong phú các khoa học xã hội khác, bằng cách cung cấp một khuôn khổ tư duy. Phương pháp luận này đã từng làm như thế trong quá khứ, đối với khoa học chính trị hay với luật pháp kinh tế. Trong thực tế, các nhà nhân học, xã hội học, tâm lí học và kinh tế học đều xử lí cùng một chủ đề: những hành vi và quan hệ con người. Sẽ là một tai họa nếu không có sự trao đổi giữa các bộ môn. Đáng lí ra phải chỉ có một khoa học nhân văn duy nhất.

====================
Jean Tirole
Chính tại MIT (Massachusets Institute of Technology), một trong những trung tâm kinh tế đương đại mà Jean Tirole đã khởi đầu sự nghiệp kinh tế của mình. Sau một luận án bảo vệ năm 1981 dưới sự hướng dẫn của Eric Maskin, người đồng sở hữu giải Nobel kinh tế năm 2007, người cựu sinh viên trường Bách khoa Paris trở thành giáo sư tại MIT năm 1984. Chính tại đây, ông đã góp phần đặt nền móng cho “kinh tế học công nghiệp mới”. Năm 1992, nhà kinh tế quá cố Jean-Jacques Laffont ở Toulouse thuyết phục ông gia nhập Nhóm nghiên cứu kinh tế toán và kinh tế định lượng (Gremaq) thuộc CNRS và Viện kinh tế học công nghiệp (IDEI) mà ông mới thành lập tại thành phố hoa hồng. Ngày nay Jean Tirole đứng đầu IDEI, một trung tâm nghiên cứu không thể né tránh trong lĩnh vực kinh tế học công nghiệp và kinh tế học doanh nghiệp.

Một nhà bảo vệ thị trường
Ông không dấu diếm: Jean Tirole là một người kiên trì bảo vệ thị trường. Đưa cạnh tranh vào trong những khu vực do các độc quyền công cộng quản lí, thiết kế những thị trường mới để xử lí các vấn đề môi trường (thị trường “quyền gây ô nhiễm” hay “quyền phát thải mua bán được”), củng cố tự do sa thải, cho dù phải buộc các doanh nghiệp sa thải phải trả giá, đó là vài chủ đề yêu thích của nhà kinh tế trong hai mươi năm qua.
Tuy nhiên, thế có đủ để quy ông là một nhà tự do cực đoan, chỉ tin vào sự tự điều chỉnh của thị trường không? Tất nhiên là không. Nếu ông chia sẻ với những người bảo vệ trường phái Chicago, từ Milton Friedman đến Gary Becker, những tiền đề phương pháp luận giống nhau (các tiền đề của lí thuyết tân cổ điển) thì đúng hơn Jean Tirole thuộc về truyền thống các nhà kinh tế bên bờ biển đông Hoa Kì, dành những nghiên cứu của ông để trình bày, trong mỗi lĩnh vực được đề cập, những điều kiện cho một sự can thiệp tốt đẹp của Nhà nước. Dưới mắt ông, một khi rời khỏi hư cấu về một nền kinh tế trong đó không có bất kì tác nhân nào có quyền lực trên giá cả (giả thiết cạnh tranh hoàn hảo) và khi tất cả mọi người vào mọi lúc đều tiếp cận được cùng một thông tin (giả thiết thông tin hoàn hảo) thì hành động điều tiết của Nhà nước lấy lại các quyền của mình và trở lại chính đáng hơn.
Tuy nhiên, còn hơn cả một nhà phê phán lí thuyết tân cổ điển, Jean Tirole là một trong những người tiếp nối lí thuyết này, triển khai phân tích dưới những giả thiết thực tế hơn. Từ đó, một khi thông tin không còn được mở cho mọi người (thông tin không đối xứng) thì cân bằng kinh tế không tất yếu là một tối ưu xã hội nữa. Bằng cách nào có thể tái lập tối ưu này? Những quy định nào, chế độ động viên nào là cần thiết sao cho những quyết định của các doanh nghiệp tương thích với lợi ích của người tiêu dùng? Đó là những vấn đề mà nhà lí thuyết tự đặt cho mình. Về mặt này, cách đặt vấn đề của kinh tế học công nghiệp mới nằm trực tiếp trong dòng tư duy của Léon Walras (1824-1910), một trong những nhà sáng lập lí thuyết tân cổ điển, nếu không phải trên bình diện công cụ lí thuyết thì ít ra cũng là trên tinh thần lí thuyết này: một khi kinh tế học thuần túy đã xác lập cái chuẩn cho một nền kinh tế hoàn toàn cạnh tranh thì việc còn lại cho kinh tế học ứng dụng là đưa hiện thực đến gần nhất chuẩn này. Do đó, cũng giống như kinh tế học ứng dụng của Léon Walras, kinh tế học công nghiệp mới là một bộ môn phục vụ cho một Nhà nước mà nhiệm vụ là đặt cơ sở cho nền kinh tế thị trường và chăm lo cho nền kinh tế ấy vận hành tốt.
Xavier De La Vega
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn:"La concurrence ne doit pas être une religion", Nguyệt san Sciences Humaines, n0 189, Janvier, 2008






[1] Về ba tác giả này, có thể tham khảo Giải Nobel kinh tế của Jean-Édouard Colliard và Emmeline Travers, NXB Tri thức, Hà Nội, 2009, trang 185-192 (ND).

[2] Có thể tham khảo mục “Ngoại ứng” trong Từ điển phân tích kinh tế của Bernard Guerrien, NXB Tri thức, Hà Nội, 2007 (ND).

Print Friendly and PDF