[1] Lý thuyết trò chơi hình thức hóa toán học những chiến lược mà nhiều người chơi khác nhau tạo ra những mục tiêu cho mình trong tình trạng phụ thuộc lẫn nhau.↩
[2] Lý thuyết thông tin phản ánh chiến lược sử dụng thông tin của những người chơi.↩
[3] Chúng ta nói về hiện tượng người đại diện khi một người hoặc tổ chức giao quyền ra quyết định cho một người đại diện. Người đại diện này sẽ hành động có phần khác với những gì mà người giao quyền mong muốn, gây ra sự thua lỗ hoặc "chi phí người đại diện."↩
[4] Phong trào những nhà kinh tế học chống lại tư duy độc tôn được hình thành năm 2000 để chỉ trích việc hình thức hóa toán học thái quá và hệ tư tưởng tự do của dòng kinh tế học thông trị.↩
[5] Báo cáo của các nhà kinh tế học người Anh Nicholas Stern chứng minh rằng con người có thể hành động một cách duy lý về mặt kinh tế ngay từ bây giờ để hạn chế cái giá của sự nóng lên toàn cầu.↩
[*] O. Blanchard et J. Tirole, Protection de l'emploi et procédures de licenciement, rapport du conseil d'analyse économique, La Documentation française, 2003.↩
13.11.14
Jean Tirole: "Kinh tế học để cải thiện phúc lợi chung"
PTKT: Nhân dịp Jean Tirole trở thành chủ nhân giải kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, PTKT đăng lại dưới đây bài phỏng vấn của Nicolas Chevassus-au-Louis trên nguyệt san La Recherche, năm 2007, số 414. Ngoài ra, PTKT cũng đăng một bài phỏng vấn khác tại đây và một bài tóm tắt sự nghiệp của ông tại đây.
Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về các công trình của khôi nguyên giải năm nay tại: http://marginalrevolution.com/marginalrevolution/2014/10/2014-nobel-laureates-in-economics-are-jean-tirole.html
Khi kinh tế học gặp tâm lý học, hẹn hò với khoa học thần kinh và nuôi dưỡng mình bằng xã hội học, thì đó là một môn học đã ra khơi. Đối với Jean Tirole, huy chương vàng CNRS (Trung tâm nghiên cứu quốc gia), đây là lúc để nắm sát hơn nữa hiện thực của "con người kinh tế" trong xã hội.
Kinh tế học công nghiệp, những quy định đối với các ngành công nghiệp mạng như viễn thông, hệ thống ngân hàng, kinh tế môi trường, thị trường lao động, sự hình thành các hiện tượng bong bóng đầu cơ ... Ông đã nghiên cứu rất nhiều chủ đề vô cùng khác nhau. Vậy điểm chung trong tất cả các nghiên cứu đó là gì?
Jean Tirole: Điểm chung nằm trong phương pháp, trong các khái niệm và những điểm quy chiếu lí thuyết tham khảo lý thuyết: một mặt đó là lý thuyết trò chơi[1]; và mặt kia đó là lý thuyết thông tin[2]. Trong 30 năm qua, hai lý thuyết đó đã làm thay đổi sâu sắc kinh tế học, cho phép mô hình hóa tinh tế hơn các lựa chọn của các tác nhân kinh tế. Từ cá nhân đến nhà nước, mỗi tác nhân đều có thể được coi là một đấu thủ trong một trò chơi, đưa ra quyết định trên cơ sở dự đoán quyết định của các đấu thủ khác và trên cơ sở thông tin mà mình có được. Và những quyết định đó có thể được hình thức hóa bằng các mô hình toán học.
Người ta thường phê bình kinh tế học rằng tất cả các mô hình của nó đều dựa trên giả thiết lựa chọn hoàn toàn duy lí của các tác nhân, điều mà thực tế dường như đã phủ nhận. Ông nghĩ gì về điều đó?
Jean Tirole: Mô hình lựa chọn duy lí chỉ là một phép xấp xỉ, hữu ích trong công việc phân tích lần đầu. Nó có thể được so sánh với ý tưởng về khí hoàn hảo trong vật lý. Người ta làm điều đó để đơn giản hóa vấn đề, và sau đó đưa ra, nếu cần thiết, những sai lệch so với tình huống lý tưởng đó. Rõ ràng việc lựa chọn của tác nhân không phải hoàn toàn dựa vào tính duy lí, ví dụ các tác nhân đó có thể hành động ngược lại với lợi ích của chính họ. Nhưng chúng tôi biết cách mô hình hóa ngày càng tốt hơn các hiện tượng đó thông qua đối thoại, đã có từ 20 năm trước, giữa kinh tế học và tâm lý học. Ví dụ, người ta có thể biết cách thức một người phân xử giữa một cái vui hiện tại và cái giá phải trả cho ngày mai. Ăn nhiều mỡ hoặc ăn ngọt, hút thuốc, lái xe quá tốc độ, tiêu tiền nhiều hơn là tiết kiệm: rất nhiều tình thế hằng ngày phát sinh từ giản đồ trên, với dấu ấn là thiếu tính chặt chẽ trong thời gian giữa những gì tôi làm hôm nay với những gì tôi muốn có ngày mai, điều mà các nhà tâm lý học đã mô tả chính xác. Về vấn đề đó, tôi trông chờ rất nhiều vào khoa học thần kinh, đặc biệt là hình ảnh não cho phép thấy được những vùng não được kích hoạt khi phải thực hiện một sự lựa chọn nào đó.
Những nghiên cứu đó, những khám phá đơn giản về cơ chế trong não bộ của những hiện tượng tâm lý vốn dĩ đã được mô tả rõ, có ích lợi gì cho kinh tế học?
Jean Tirole: Tôi đồng ý rằng việc đặt gần nhau kinh tế học và khoa học thần kinh là một thách thức, một cách để khám phá, nhưng chưa cho được những bước tiến đáng kể. Nhưng cuối cùng tôi cũng trông chờ rất nhiều vào các chuyên gia về não để giúp chúng tôi làm rõ trong những tình huống nào một cá nhân ứng xử một cách duy lí, hay ngược lại, hành xử theo những quy tắc khác. Tôi cũng trông chờ rất nhiều vào việc làm sáng tỏ các cơ chế khiến cho một cá nhân gửi niềm tin vào một người hay một thể chế nào đó, bởi vì niềm tin đóng vai trò rất quan trọng trong các hiện tượng kinh tế học. Những nghiên cứu đó sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện các mô hình, chỉ ra những lĩnh vực nào mà giả thuyết lựa chọn duy lí tỏ ra là xác đáng, và những lĩnh vực nào cần phải xét lại giả thuyết ấy.
Làm thế nào để chuyển từ một lựa chọn mang tính cá nhân, ở cấp độ vi mô, sang một hoạt động mang tính xã hội tổng thể, ở cấp độ vĩ mô?
Jean Tirole: Sự đối lập giữa kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô hiện nay đã lỗi thời. Đã có một sự đồng thuận xung quanh ý tưởng cho rằng các hiện tượng kinh tế vi mô đặt cơ sở trên các hiện tượng kinh tế vĩ mô. Ví dụ, việc một doanh nghiệp tiếp cận với tín dụng là một giao dịch mang tính kinh tế vi mô, được phân tích về mặt lý thuyết thông tin. Đó là vấn đề thông tin bất đối xứng giữa một bên là doanh nghiệp – hoặc cá nhân – tìm cách vay tiền ngân hàng, nhưng bên kia – ngân hàng – lại có ít thông tin về tình hình thực tế của con nợ tiềm năng. Một vấn đề kinh tế vĩ mô tổng quát, ví dụ như lãi suất tiết kiệm hoặc chính sách tín dụng công, được phân tích từ các hành vi kinh tế vi mô.
Người ta cũng phê bình rằng các mô hình kinh tế giả định các tác nhân luôn tìm cách tối đa hóa lợi ích vật chất của họ, trong khi trong thực tế, thì lại tồn tại nhiều động lực khác.
Jean Tirole: Một lần nữa, chúng tôi ngày càng biết tinh chỉnh tốt hơn các mô hình để giải thích những hiện tượng mà ông vừa đề cập. Điều đó đúng ở cấp độ doanh nghiệp, không phải lúc nào cũng tối đa hóa lợi nhuận do cái mà chúng tôi gọi, trong thuật ngữ kinh tế học, hiện tượng người đại diện[3]. Cụ thể, những người sở hữu doanh nghiệp – cổ đông – không có nhiều thông tin bằng những người quản lý doanh nghiệp – nhà quản lý. Nhờ có lý thuyết thông tin, chúng tôi biết mô hình hóa tốt hơn những hiện tượng đó. Các nghiên cứu đó tạo ra ngày nay lý thuyết điều hành doanh nghiệp. Nhưng nó cũng đúng ở cấp độ cá nhân. Cá nhân cũng tối đa hóa lợi ích của mình theo nghĩa rộng, không chỉ ở khía cạnh vật chất hay tiền tệ. Với đồng nghiệp của tôi, Roland Benabou, chúng tôi nhận diện được ba động lực liên quan đến tính hào phóng: tính vị tha đích thực, nội tại, được thúc đẩy ví dụ bởi một niềm tin triết lý; động lực về phần thưởng, tiền bạc hoặc biểu tượng, ví dụ như, ở một số nước, người hiến máu được trả tiền; và cuối cùng là ý muốn trưng bày một hình ảnh tốt của mình hay của người khác. Chúng tôi đã mô hình hóa ba thành phần đó và thiết kế một lý thuyết cho phép chúng tôi đưa ra những dự báo và kiểm tra chúng qua thực nghiệm. Ví dụ, chúng ta cư xử rộng lượng hơn khi biết rằng có ai đó quan sát mình, đặc biệt là những người mà mình muốn làm vừa lòng họ. Hoặc, thú vị hơn, đó là sự hào phóng về tiền bạc tỏ ra hiệu quả hơn ở chốn riêng tư khi không có ai quan sát, hơn là ở nơi công cộng. Và điều đó dường như đã được kiểm chứng qua những thí nghiệm gần đây về tâm lý học thực nghiệm.
Kinh tế học mà ông mô tả dường như vận hành giống như khoa học thực nghiệm, được tổ chức xung quanh một giản đồ cổ điển: quan sát / lý thuyết / giả thuyết / thử nghiệm và trở về lý thuyết. Điều đó có phải lúc nào cũng đúng không?
Jean Tirole: Ngày càng đúng. Kinh tế học thực nghiệm, nhắm đến việc tái tạo lại trong phòng thí nghiệm những tình huống thực tế với những con người thực – những người sẽ “diễn” như thể họ là những tác nhân kinh tế thực, đã có những công trình nghiên cứu đầu tiên từ những năm 1950, nhưng chỉ thực sự phổ biến rộng rãi từ những năm 1970. Cách lý luận của chúng tôi ngày càng đi từ một vấn đề cụ thể, mà chúng tôi nhận diện được hoặc nhận được từ một tác nhân kinh tế khác, công hoặc tư; sau đó tìm ra bản chất cốt lõi của vấn đề, có nghĩa là tiến hành mô hình hóa, bằng các công cụ của lý thuyết trò chơi và lý thuyết thông tin, các cơ chế hoạt động trong tình huống đó; và cuối cùng từ những mô hình đó suy ra những giả thuyết mà chúng tôi thử nghiệm hoặc bằng phương pháp kinh trắc nếu có thể, hoặc bằng các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm hay trong thực tế.
Trong một báo cáo năm 2003[*], ông đã chủ trương thích ứng đóng góp của doanh nghiệp vào quỹ thất nghiệp tùy theo thời gian thất nghiệp thực của người bị cho thôi việc, nghĩa là theo nguyên tắc người sa thải phải chi trả. Khuyến nghị này có được đón nhận không? Làm thế nào để một ý tưởng như vậy có thể được kiểm tra bằng thực nghiệm?
Jean Tirole: Vấn đề đó đã được bàn cãi, và, tôi hy vọng, một ngày nào đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ chấp nhận nó. Nói xong như vậy rồi, là một nhà kinh tế học, tôi tin rằng công việc của tôi là đưa ra ý tưởng để công chúng tranh luận, và sau đó tùy vào các nhà hoạch định chính sách có chấp nhận hay không. Điều bình thường là các ý tưởng đó phải được bàn luận và “tiêu hóa” trước khi đưa vào thực hiện. Về vấn đề kiểm định, có khả năng kiểm định ý tưởng ở một quy mô hạn chế, ví dụ trong một tỉnh, để xem là trong thực tế, có đạt được những kết quả như lí thuyết dự kiến hay không, trước khi có thể mở rộng ra trên quy mô cả nước.
Kinh tế học như ông mô tả có vẻ liên quan đến tất cả các khía cạnh của hoạt động ở người. Ông có đồng ý hay không với định nghĩa của Paul Samuelson, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1970, theo đó kinh tế học là “khoa học của sự lựa chọn”?
Jean Tirole: Tại sao không? Nhưng tôi do dự đưa ra một định nghĩa tổng quát. Tôi muốn nhận xét rằng các nhà kinh tế học ngày nay quan tâm nhiều đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người trong xã hội. Chúng tôi quay lại cách tiếp cận rộng đó của những người sáng lập môn kinh tế học, từ thế kỷ XVIII và XIX, trong khi ở thế kỷ XX này người ta đặc biệt quan tâm đến các cơ chế sáng tạo và trao đổi sản phẩm và giá trị.
Nhưng tầm nhìn rộng lớn đó bị dán nhãn là chủ nghĩa đế quốc, ví dụ bởi nhà xã hội học Pierre Bourdieu …
Jean Tirole: Phải hiểu rằng kinh tế học hiện tại có một món nợ lớn đối với các ngành khoa học xã hội khác. Kinh tế học không chỉ vay mượn từ tâm lý học mà còn từ các ngành luật học, chính trị học, xã hội học. Việc trao đổi mang tính hai chiều. Ví dụ, tâm lý học giúp kinh tế học tinh chỉnh giả thuyết về sự lựa chọn duy lí, mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm về chủ đề đó. Nhưng bù lại, kinh tế học cũng giúp khái niệm hóa theo nhiều cách khác nhau những vấn đề được nghiên cứu trong tâm lý học, xã hội học, chính trị học hay luật học. Ví dụ, khi chúng ta quên mất những thông tin xấu, hoặc khi kí ức chúng ta trở nên có tính chọn lọc, thì có thể xem đây là một trường hợp của lý thuyết trò chơi: phân xử giữa cái tôi hôm nay và cái tôi trong 1, 10 hoặc 30 năm nữa, bằng cách cố không cho cái tôi trong tương lai biết những thông tin xấu. Ngày nay, tất cả các khoa học xã hội đều đang hội tụ lại, mặc dù mỗi nhà nghiên cứu có một chuyên môn riêng. Những khác biệt mờ dần đi, và tôi thích lập luận với những khái niệm trao đổi tương tác và đối thoại hơn là với khái niệm đế quốc.
Ông nghĩ gì về những công trình của Gary Becker, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1992, muốn giải thích sự lựa chọn đời sống riêng tư – hôn nhân, có con hay không – từ những mô hình thuần túy kinh tế giả định, việc tối đa hóa lợi ích cá nhân?
Jean Tirole: Gary Becker đã có công lớn là một trong những người đầu tiên vào những năm 1960, nói rằng kinh tế học là một điều gì đó khác với việc nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng hoặc của một doanh nghiệp trên thị trường. Có thể trách ông làm điều đó đôi khi một cách thái quá, nhưng cũng cần thừa nhận công lao của ông khi mở ra cho kinh tế học con đường tiếp cận các ngành khoa học xã hội khác và các lĩnh vực nghiên cứu mới; đồng thời công kích một số điều cấm kỵ như cuộc sống là vô giá, trong lúc mọi tác nhân kinh tế, ví dụ như bệnh viện hằng ngày gán cho cuộc sống một giá ngầm ẩn thông qua các quyết định chăm sóc y tế.
Một phê bình khác của phong trào những nhà kinh tế học chống tư duy độc tôn[4], chống lại vai trò thái quá của hình thức hóa toán học. Theo họ, nó dẫn đến một sự cắt đứt với thực tế …
Jean Tirole: Tôi rất tiếc là phong trào đó đã hiểu sai kinh tế học như nó đang được thực hành ngày nay. Luận chứng cắt đứt với thực tế đối với tôi có vẻ hoàn toàn không có cơ sở: những vấn đề mà chúng tôi nghiên cứu là những vấn đề rất cụ thể, nhưng chỉ có thể được giải quyết bằng một đường vòng trừu tượng mới có thể triển khai các mô hình. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ xa rời khỏi hiện thực. Kinh tế học vừa là một khoa học thực chứng, mô tả hành vi của cá nhân và tập thể, và vừa có tính chuẩn tắc, đề xuất những biện pháp để cải thiện phúc lợi chung. Kinh tế học hướng đến việc ra quyết định công cộng, và chính điều đó lý giải cho sự thành công của nó. Chẳng hạn, đó là những gì xảy ra ngày nay về vấn đề trái đất nóng lên. Khi hiện tượng này được xác định là có thật, thì vấn đề là tìm ra những biện pháp cụ thể và xác đáng về mặt kinh tế để khắc phục nó. Còn không, thì chúng ta không làm gì cả. Báo cáo của Stern[5] là một bước tiến quan trọng theo hướng đó.
Khía cạnh chuẩn tắc của kinh tế học có trao cho nhà kinh tế học một trách nhiệm quá lớn khi chủ trương một chính sách nào đó không? Xã hội có quyền quy trách nhiệm cho ông ta không nếu chính sách đó tỏ ra không hiệu quả?
Jean Tirole: Nếu chính sách được một nhà kinh tế học chủ trương tỏ ra tai hại, thì danh tiếng của ông ta sẽ sụp đổ. Các chuyên gia, những người tất nhiên phải độc lập và trung thực, đưa ra ý kiến trên cơ sở hiểu biết của họ vào một thời điểm nhất định. Và ý kiến đó giúp cho việc ra quyết định công cộng. Về điểm này, chúng tôi không khác lắm các nhà khoa học khác.
Bài phỏng vấn của Nicolas Chevassus-au-Louis
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La Recherche, năm 2007, số 414
CHÚ THÍCH
01/12/2007
Tháng mười, Jean Tirole nhận được huy chương vàng của CNRS. Đỗ kỹ sư bách khoa và kỹ sư cầu đường, nhà kinh tế học này đã lập nghiệp ở Hoa Kỳ và Pháp, hiện nay là Giám đốc dự án chuyên đề nghiên cứu tiên tiến "Kinh tế học Toulouse" và là giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Kinh tế của Viện Công nghệ Massachusetts Institute of Technology.