13.11.15

Một kinh tế học thích nghi với sự kiện



Barry Eichengreen (1952-)

Một kinh tế học thích nghi với sự kiện

CAMBRIDGE – Giới kinh tế học được cho là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008–2009. Suy cho cùng, các nhà thực hành kinh tế học đã thất bại trong việc lường trước tai họa, và nhiều người xem ra không thể nói được bất cứ điều gì hữu ích khi đến lúc phải đưa ra một phản ứng. Nhưng, cùng với nền kinh tế toàn cầu, có lý do để hy vọng rằng ngành học này đang dần hồi phục.
Cuộc khủng hoảng khiến cho các mô hình kinh tế chủ đạo bị mang tai tiếng đơn giản vì chúng không thừa nhận khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng đó. Và việc đào tạo ưu tiên cho kỹ thuật thay vì cho trực giác cũng như cho tính gọn gàng lý thuyết thay vì cho tính thích đáng với thế giới thực đã không chuẩn bị cho các nhà kinh tế có khả năng đưa ra kiểu tư vấn cần thiết về chính sách thực tế mà những trường hợp ngoại lệ đòi hỏi.
Một số người cho rằng giải pháp là trở về các mô hình kinh tế đơn giản trong quá khứ, đã từng đưa ra những đơn thuốc chính sách rõ ràng đủ để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng tương tự. Ngược lại, một số người khác thì cho rằng tính hiệu quả của các chính sách ngày nay đòi hỏi phải có những mô hình ngày càng phức tạp, có khả năng nắm bắt đầy đủ hơn sự năng động hỗn độn của nền kinh tế thế kỷ XXI.
Cuộc tranh luận này bỏ qua một vấn đề. Các mô hình đơn giản đều có vị trí của chúng. Chúng rất có ích trong việc đưa ra những luận cứ đơn giản nhưng phản trực giác, làm phân biệt kinh tế học vĩ mô với các lĩnh vực phân tích kinh tế khác. Chúng ta dựa vào những mô hình như vậy để giải thích, ví dụ "nghịch lý tiết kiệm", theo đó các quyết định tiết kiệm nhiều hơn của cá nhân có thể, qua việc làm trì trệ chi tiêu và sản lượng đầu ra, cuối cùng dẫn đến việc toàn thể dân chúng tiết kiệm ít hơn.
Đồng thời, các mô hình phức tạp cũng có thể hữu ích trong việc minh họa các trường hợp đặc biệt và nhắc nhở chúng ta rằng thế giới là một nơi lộn xộn.
Tuy nhiên, không có kiểu mô hình nào là hữu ích trong việc đưa ra những lời khuyên thực tế mà các nhà hoạch định chính sách cần đến trong thời khủng hoảng. Cả hai kiểu mô hình (đơn giản và phức tạp) đều quá cách điệu để có thể sử dụng khi phân tích trong một môi trường trừu tượng. Để cho chúng trở nên hữu ích, cần phải có chứng cứ.
Trong thực tế, không được đa số các nhân vật chính trong cuộc tranh luận này về các mô hình biết đến, một cuộc cách mạng về chứng cứ đã được khởi động. Trong khi các thành viên lớn tuổi thuộc giới quyền uy trong kinh tế học tiếp tục tranh luận về những giá trị của khung phân tích cạnh tranh, các nhà kinh tế trẻ đang mang lại những chứng cứ mới quan trọng về cách thức nền kinh tế vận hành.
Ví dụ, một cuộc tranh luận lâu đời trong kinh tế học vĩ mô tập trung vào việc làm thế nào giá cả đáp lại với tin thời sự kinh tế, và liệu các công ty có chuyển lại cho người tiêu dùng những thay đổi về giá nhập khẩu phát sinh từ các biến động tỷ giá hối đoái hay không. Ngày nay, "dữ liệu lớn" hứa hẹn sẽ nâng cao khả năng hiểu biết của chúng ta và thậm chí khả năng dự đoán những phản ứng như vậy. Một ứng dụng của cách tiếp cận này, dự án Billion Prices Project tại trường MIT, sử dụng hàng tỷ dữ liệu quan sát được từ các trang web bán lẻ trực tuyến để theo dõi lạm phát.
Cách tiếp cận thứ hai không dựa vào dữ liệu lớn, mà dựa vào dữ liệu mới. Các nhà kinh tế thường sử dụng chức năng tra cứu thông tin tự động, hay "bot", để tập hợp từ mạng Internet những mẩu thông tin mới liên quan đến các quyết định kinh tế. Các trang web, nơi các nghệ nhân thương mại giới thiệu các mẫu thiết kế logo công ty hay các nhà biên tập tự do giới thiệu dịch vụ cho các tác giả, là những hứa hẹn làm sáng tỏ những vấn đề như vấn đề các yếu tố quyết định của sự đổi mới.
Cách tiếp cận thứ ba sử dụng chứng cứ lịch sử. Một số nhà bình luận đã quan sát thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là điều tốt cho lịch sử kinh tế, bởi vì nó hướng sự chú ý đến các cuộc khủng hoảng trước đây và đến sự thấu hiểu có thể được thu lượm từ việc nghiên cứu chúng. Trong thực tế, lịch sử kinh tế chưa bao giờ ngưng giữ vai trò của nó trong nghiên cứu kinh tế. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính là một lời nhắc nhở hữu ích rằng lịch sử đầy dẫy những sự kiện tương tự và những chứng cứ liên quan đến các chính sách đối phó.
Sau đó sự thực thi này kết hợp với sự sẵn có của các dữ liệu lịch sử rộng lớn hơn về sự vận hành của nền kinh tế. Các nhà lịch sử kinh tế từ lâu đã thu thập thông tin từ các sổ sách lưu trữ của giáo xứ, từ các cuộc điều tra dân số, và từ các báo cáo tài chính của công ty. Nhưng cách làm việc trong các kho lưu trữ bụi bặm đã trở nên dễ dàng hơn với sự ra đời của nhiếp ảnh kỹ thuật số, nhận dạng ký tự cơ khí, và các dịch vụ nhập dữ liệu từ xa. Những tập hợp dữ liệu rộng lớn hơn cho phép các nhà lịch sử kinh tế giải quyết các câu hỏi then chốt – ví dụ, làm thế nào các điều kiện kinh tế tổng gộp tác động đến quyết định của các lực lượng lao động tham gia vào nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau – một cách hiệu quả hơn từ xưa đến nay.
Việc viện dẫn đến nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau này chỉ ra tâm điểm thứ tư và cuối cùng của nghiên cứu thực nghiệm mới: các thể chế. Các mô hình kinh tế vĩ mô có xu hướng bỏ qua vai trò của các thể chế, từ các nghiệp đoàn lao động và hiệp hội của người sử dụng lao động đến các chế độ về quyền sở hữu tài sản và các cơ chế về phân phối lại. Việc xem xét chúng một cách nghiêm túc có nghĩa là xem xét các khoảng cách thời gian lịch sử lâu dài, bởi vì các thể chế thay đổi một cách chậm chạp và chỉ thay đổi đáng kể theo thời gian. Vì vậy, việc cập nhật sự chú ý đến lịch sử cho phép các nhà kinh tế xem xét một cách có hệ thống hơn vai trò của các thể chế trong các kết quả kinh tế vĩ mô.
Những phát triển này dẫn tới một sự thay đổi lớn trong kinh tế học. Cho đến vài thập kỷ gần đây, phân tích thực nghiệm thu thập thông tin từ những tập hợp dữ liệu tương đối nhỏ bé và hạn chế. Tất nhiên, các khung phân tích vẫn còn cần thiết để giúp làm cho dữ liệu có ý nghĩa. Nhưng ngày nay chúng ta có lý do để hy vọng rằng, trong tương lai, các kết luận và tư vấn chính sách của các nhà kinh tế sẽ được định hình không phải bởi sự gọn gàng của những khung phân tích ấy, mà bởi khả năng thích nghi với các sự kiện.
Barry Eichengreen là giáo sư kinh tế tại Đại học California, Berkeley; là thành viên của Hiệp hội Giáo sư Pitt về Lịch sử và các Thể chế của Mỹ tại Đại học Cambrigde; và là cựu cố vấn chính sách cao cấp tại Quỹ tiền tệ quốc tế. Cuốn sách mới nhất của ông; Hall of Mirrors: The Great Depression, the Great Recession, and the Uses – and Misuses – of History (Hội trường của những chiếc gương: cuộc Đại khủng hoảng, cuộc Đại suy thoái, và sự vận dụng – và lạm dụng – lịch sử), vừa được NXB Oxford University Press xuất bản.
Barry Eichengreen
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: An Economics to Fit the Facts, Project Syndicate, May 14, 2015.
------

Bài có liên quan trên PTKT:

Print Friendly and PDF