17.11.15

Những bất bình đẳng về giới làm tăng bất bình đẳng về thu nhập và kìm hãm tăng trưởng


Những bất bình đẳng về giới làm tăng bất bình đẳng về thu nhập và kìm hãm tăng trưởng
"Làm cho xã hội công bằng hơn và giảm thiểu sự bất bình đẳng giới là hai vấn đề đã nhận được rất nhiều sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nước. Người ta ngày càng nhận thức được rằng việc theo đuổi hai mục tiêu này không chỉ là điều mong ước từ một quan điểm công bằng xã hội, mà còn có những tác động có lợi ở cấp độ kinh tế vĩ mô. Vì vậy, đã có nhiều phân tích xem xét các mối liên hệ giữa bất bình đẳng thu nhập và tăng trưởng, cũng như giữa sự tham gia của lực lượng lao động nữ và hệ quả của điều đó với nền kinh tế toàn cầu. (...)
Bất bình đẳng thu nhập và bất bình đẳng giới: hai hiện tượng với những hậu quả sâu sắc về kinh tế vĩ mô
Bất bình đẳng thu nhập có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Kinh văn đã nêu bật nhiều kênh khác nhau qua đó sự bất bình đẳng thu nhập có thể tác động đến tăng trưởng: bất bình đẳng cao có thể dẫn đến việc đầu tư thấp vào vốn hữu hình và vốn con người (Galor và Zeira, 1993; Galor và Moeav 2004; Aghion và các đồng tác giả, 1999); các bất bình đẳng này gắn với các mức độ cơ động thấp hơn qua các thế hệ (Corak, 2013) và có thể làm giảm tổng cầu (Carvalho và Rezai, 2014). Mặt khác, các bất bình đẳng cũng có thể kích thích tăng trưởng bằng cách khuyến khích các tác nhân đầu tư và tham gia vào công việc kinh doanh (...) (Lazear và Rosen, 1981; Barro, 2000). Trong khi những tác động của sự bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng còn mơ hồ về mặt lý thuyết, thì hai nghiên cứu gần đây của IMF đã chứng minh về mặt thực nghiệm rằng một sự phân phối bất bình đẳng lớn về thu nhập sẽ làm giảm tăng trưởng. Đặc biệt, bất bình đẳng thu nhập ròng thấp luôn gắn chặt với sự tăng trưởng mạnh hơn và bền vững hơn (Ostry, và Tsangarides Berg, 2014). (...) Một gia tăng của tỉ trọng thu nhập của 20% những người khá giả nhất gắn với một tăng trưởng GDP thấp hơn trong trung hạn, trong khi sự gia tăng thu nhập của 20% những nghèo nhất sẽ gắn với một tăng trưởng GDP cao hơn (Dabla-Norris và các đồng tác giả, 2015). Sử dụng các dữ liệu của người Mỹ, van der Weide và Milanovic (2014) cho thấy rằng bất bình đẳng thu nhập làm giảm tăng trưởng thu nhập của người nghèo, chứ không làm giảm tăng trưởng thu nhập của người giàu.
Biểu đồ 1. Mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới và GDP bình quân đầu người
Những chiều kích khác nhau của bất bình đẳng giới cũng dẫn đến những hậu quả sâu sắc về mặt kinh tế vĩ mô và phát triển. Bất bình đẳng giới có thể ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thông qua nhiều kênh khác nhau (Elborgh-Woytek và các đồng tác giả, 2013):
Về mặt phát triển. Có một sự liên hệ tiêu cực giữa bất bình đẳng giới và GDP bình quân đầu người, giữa mức độ cạnh tranh và các chỉ số phát triển con người (WEF, 2014; Duflo, 2012, xem biểu đồ 1). Phụ nữ có khả năng đầu tư một phần lớn thu nhập của họ cho việc giáo dục con cái hơn nam giới; do đó sự tham gia của phụ nữ nhiều hơn vào đời sống kinh tế và sự gia tăng tiền lương của họ có thể dẫn đến một chi tiêu cao hơn trong việc giáo dục con cái họ (Aguirre và các đồng tác giả, 2012; Miller 2008; Rubalcava và các đồng tác giả, 2004; Thomas, 1990).
Tăng trưởng kinh tế. Bất bình đẳng giới trong hoạt động tham gia kinh tế sẽ hạn chế một lượng lớn người tài trên thị trường lao động. Qua đó, nó làm giảm hiệu quả của sự phân bổ nguồn lực và dẫn đến những thiệt hại cho tổng năng suất các nhân tố và một tăng trưởng GDP thấp hơn (Cuberes và Teignier, 2015; Esteve-Volart, 2004). Trong một nghiên cứu từ một loạt các nước, Klasen (1999) chỉ ra rằng có thể lý giải khoảng cách từ 0,4 đến 0,9 điểm về tỷ lệ tăng trưởng giữa các nước thuộc vùng Đông Nam Á, châu Phi cận Sahara, Nam Á và các nước thuộc vùng Trung Đông, bằng một cường độ mạnh hay yếu của bất bình đẳng giới trong giáo dục. Biểu đồ 2 (...) nêu bật rằng một mức độ bất bình đẳng giới cao hơn (được đo bằng chỉ số bất bình đẳng giới đa chiều) gắn với một tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Phát hiện này phù hợp với IMF (2015), tổ chức  này cho thấy rằng bất bình đẳng giới có tương quan tiêu cực với tăng trưởng, đặc biệt tại những nước có mức thu nhập thấp, và như vậy xác thực những phát hiện của Amin, Kuntchev và Schmidt (2015), được tiến hành trên cơ sở một loạt các nước.
n định kinh tế vĩ mô. Tại các nước đang đối mặt với một sự suy giảm của dân số hoạt động, việc gia tăng tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt đối với phụ nữ, có thể trực tiếp tạo ra tăng trưởng bằng cách giảm nhẹ tác động của một suy giảm của lực lượng lao động trên tiềm năng tăng trưởng và đảm bảo sự ổn định của hệ thống chi trả lương hưu (Steinberg và Nakane, 2012).
Biểu đồ 2. Mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới và tăng trưởng GDP bình quân đầu người
Hai mặt của một đồng xu: bất bình đẳng giới và bất bình đẳng thu nhập gắn với nhau như thế nào?
Mặc dù các khái niệm bất bình đẳng giới và bất bình đẳng thu nhập chủ yếu đã được nghiên cứu một cách riêng rẻ, nhưng chúng có thể tác động qua lại thông qua các kênh sau đây:
Bất bình đẳng về hoàn cảnh kinh tế. Bất bình đẳng giới về tiền lương góp phần trực tiếp vào bất bình đẳng thu nhập. Ngoài ra, sự khác biệt lớn về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam và nữ có nhiều khả năng được thể hiện bằng sự bất bình đẳng về tiền lương giữa nam và nữ, tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm bất bình đẳng thu nhập. Ngoài ra, việc phụ nữ có nhiều khả năng làm việc trong các khu vực phi chính thức, nơi có mức lương thấp hơn, càng đào sâu thêm khoảng cách về tiền lương giữa nam và nữ và làm gay gắt thêm sự bất bình đẳng thu nhập.
Bất bình đẳng về cơ hội. Bất bình đẳng về cơ hội, chẳng hạn như bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế, thị trường tài chính và các nguồn lực tài chính cũng như sự khác biệt về quyền tự chủ, có mối liên hệ rất chặt với sự bất bình đẳng thu nhập (Mincer 1958; Becker và Chiswick, 1966; Galor và Zeira, 1993; Brunori, Ferreira và Peragine, 2013; Murray, Lopez và Alvarado, 2013; Castello-Climent và Domenech, 2014). Chúng ta thấy rằng những bất bình đẳng này về cơ hội có mối liên hệ rất chặt với bất bình đẳng giới về mặt cơ hội. Vì vậy, sự khác biệt về mặt hoàn cảnh kinh tế cũng có thể dẫn đến những điều kiện bất bình đẳng về mặt năng lực đối với nam và nữ, cũng như đối với những đứa bé trai và bé gái. Cụ thể là:
Giáo dục. Bất bình đẳng giới trong giáo dục vẫn tồn tại, dẫn đến bất bình đẳng lớn hơn về cơ hội (khi những đứa bé trai và bé gái đến trường, thì cơ hội sẽ bình đẳng hơn khi chỉ có những đứa bé trai được đi học). Nếu một bộ phận dân cư không có được cơ hội để tiếp cận với giáo dục, thì mức thu nhập trong tương lai từ quần thể thứ cấp này sẽ thấp hơn so với phần còn lại của dân số, từ đó dẫn đến những bất bình đẳng thu nhập lớn hơn.
Sự tiếp cận tài chính và hòa nhập tài chính. Phụ nữ, tính trung bình, luôn có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính ít hơn so với nam giới, làm tăng thêm những khó khăn để họ trở thành nữ doanh nhân hoặc đầu tư vào giáo dục, từ đó làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về cơ hội và làm giảm các mức tiền lương và các khoản thu nhập khác đối với phụ nữ, khiến cho bất bình đẳng thu nhập thêm gay gắt.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng có nhiều chiều kích bất bình đẳng giới khác nhau liên quan đến bất bình đẳng thu nhập trong thời gian và không gian (...). Khi theo dõi các lập luận trên đây, phân tích thực nghiệm của chúng tôi xem xét những hiệu ứng khác biệt về hoàn cảnh kinh tế và cơ hội đối với nam và nữ trên sự bất bình đẳng thu nhập. Khi xem xét các động lực của những bất bình đẳng đã được kinh văn nêu bật trước đây qua các tài liệu, kết quả của chúng tôi chứng minh rằng bất bình đẳng giới có mối liên hệ rất chặt với bất bình đẳng thu nhập. Những kết quả này được quan sát trong những nước thuộc tất cả các cấp độ phát triển; tuy nhiên, các chiều kích xác đáng biến đổi tùy theo mức độ phát triển. Đối với những nước phát triển (khi bất bình đẳng giới đã hầu như biến mất trong giáo dục và các cơ hội kinh tế diễn ra bình đẳng hơn giữa các giới), bất bình đẳng thu nhập chủ yếu phát sinh từ những khoảng cách về giới trong tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế. Ở những nước đang phát triển và những nước có mức thu nhập thấp, bất bình đẳng về cơ hội, đặc biệt là khoảng cách về giới trong giáo dục, quyền tự chủ chính trị và y tế, có vẻ là trở ngại chính cho một sự phân phối công bằng hơn về thu nhập.
Những kết quả được rút ra từ nghiên cứu này gợi ý rằng giảm nhẹ mức độ bất bình đẳng giới, khi đặt nam và nữ ngang hàng nhau về mặt kinh tế, cũng có thể đi theo hướng làm giảm bất bình đẳng tổng thể về phân phối thu nhập. Nói cách khác, ngoài việc tự nó là một mục tiêu phát triển, làm giảm bất bình đẳng giới cũng gắn với một sự suy giảm về bất bình đẳng thu nhập. Khi giới thiệu một bình đẳng về cơ hội và giới, nghiên cứu của chúng tôi kêu gọi đặt nam và nữ ngang hàng nhau về mặt cơ hội và hoàn cảnh kinh tế. (...)"
Christian Gonzales, Sonali Jain-Chandra, Kalpana Kochhar, Monique Newiak et Tlek Zeinullayev (2015), trích toàn văn nghiên cứu Catalyst for change: Empowering women and tackling income inequality, FMI, staff discussion note, n° 15/20, octobre 2015. 
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF