21.11.15

Phỏng vấn Edmund Phelps



Edmund Phelps (1933-)

Phỏng vấn Edmund Phelps

Edmund Phelps sinh tại Evanston, Illinois năm 1933. Ông lần lượt lấy bằng BA tại Amherst College vào năm 1955 trước khi đỗ MA và PhD tại đại học Yale vào năm 1957 và 1959. Sau khi giảng dạy tại đại học Yale (1960-62), MIT (1963-65) và Pennsylvania (1966-71), ông về đại học Columbia và giữ ghế Mc Vickar kinh tế chính trị học.
Giáo sư Phelps là một trong những lí thuyết gia kinh tế vĩ mô hàng đầu của Hoa Kì và một trong những nhà thiết kế kinh tế học keynesian mới. Những nghiên cứu mới đây của ông là về những cứng nhắc cấu trúc của thị trường lao động. Những quyển sách nổi tiếng của ông gồm: Microeconomic Foundations of Employment and Inflation (W. W. Norton, 1970), Inflation Policy and Unemployment (W. W. Norton, 1972), Studies in Macroeconomic Theory: Employment and Inflation Individual Forecasting and Aggregate Outcomes: Rational Expectations Examined (Cambridge University Press, 1983), chủ biên cùng với Roman Frydman, Political Economy:  An Introductory Text (W. W. Norton, 1985) Seven Schools of Macroeconomics  (Oxford University Press, 1990).
Trong vô số những bài viết của ông, được biết đến nhiều nhất là: “Phillips Curves, Expectations of Inflation and Optimal Unemployment Over Time”, Economica (1967), “Money Wages Dynamics and Labour Market Equilibrium”, Journal of Political Economy (1968), “Stabilizing Powers of Monetary Policy Under Rational Expectations”, Journal of Political Economy (1977), viết chung với John Taylor, “Causes of the 1980s Slump in Europe”, Brooking Papers on Economic Activity (1986), viết chung với Jean Paul Fitoussi, “Testing Keynesian Unemployment Theory Against Structuralist Theory: Global Evidence of the Past Two Decades”, trong Issues in Contemporary Economics, Vol.2, do Mark Nerlove chủ biên (Macmillan, 1991).
Cuộc phỏng vấn giáo sư Phelps diễn ra trong văn phòng ông tại London, ở Ngân hàng tái kiến thiết và phát triển châu Âu ngày 8 tháng ba 1993.

Theo giáo sư, đâu là những bài/sách có ảnh hưởng nhất đến kinh tế học vĩ mô từ 1945 độc lập với chính đóng góp của giáo sư?
Tôi đã sẵn sàng kể đến sách của tôi: Microeconomic Foundations [1970] [Cười]. Nhưng tôi phải kể bài của Phillips [1958] vì với ông chúng ta thấy buổi khởi đầu của khái niệm mức thất nghiệp cân bằng dù cho cách diễn đạt còn yếu. Ẩn ngầm trong bài này là khái niệm thất nghiệp cân bằng với lạm phát bằng không vì khi thất nghiệp thấp hơn mức cân bằng này thì có lạm phát thật ra đó là lạm phát không dự kiến, song Phillips không nói đến điều này và khi thất nghiệp cao hơn mức cân bằng này thì có giảm phát. Cả một kinh văn khổng lồ đã theo sau, nhưng tôi cho rằng đây là bài chủ yếu đã cho phép chúng ta thấy, một cách xây dựng, cả một phần của những mô hình kinh tế vĩ mô xử lí cung.

Kinh văn nào, ngoài phần dính đến bài của Phillips đã ảnh hưởng đặc biệt đến những công trình riêng của giáo sư?
Abba Lerner (1903-1982)
Có hai trào lưu đã ảnh hưởng đến tôi. Một trào lưu liên quan đến vai trò của những dự kiến trong những lựa chọn của các tác nhân riêng lẻ. Ở đại học, tôi đã học với William Fellner, một nhà kinh tế lí thuyết người Hung tuyệt vời, người đã truyền lại cho tôi cả truyền thống lục địa châu Âu ưu tiên cho những dự kiến. Tôi đã ngạc nhiên nhận thấy rằng truyền thống này bắt đầu với Alfred Marshall, người định nghĩa cân bằng đối với những dự kiến đúng đắn, cũng như với Gunnar MyrdalHayek. Đến một lúc nào đó khái niệm này bị quên đi. Khi các nhà kinh trắc học và toán học tiếp nối truyền thống thì cân bằng trở thành một khái niệm trạng thái đều đặn. Nhưng những người như Fellner, Abba Lerner và một vài người khác đã nhớ đến khái niệm cân bằng xưa này và tiếp tục lưu truyền ngọn lửa. Những ảnh hưởng khác đến từ những bài viết, có trước kinh văn về đường Phillips, về kinh tế học lao động đề cập đến việc ấn định lương.

Theo giáo sư, đâu là thông điệp trung tâm của Lí thuyết tổng quát và thông điệp này còn có giá trị không?
Gunnar Myrdal (1898-1987)
Thiên hạ không bao giờ biết mệt khi đặt câu hỏi này, có lẽ vì những câu trả lời thay đổi từ thập niên này sang thập niên khác [Cười]. Một câu trả lời tốt là nếu khả năng sinh lợi dự kiến của tư bản là thấp thì nền kinh tế không thể hoạt động ở mức cân bằng, dù cho là xấp xỉ, vì điều này đòi hỏi một lãi suất âm. Gần như phần còn lại trong Keynes ngày hôm nay bị tranh cãi. Nhưng mệnh đề chủ yếu này của hạt nhân rắn vẫn còn sống sót.

Nếu Keynes còn sống đến 1969, ông ấy có nhận được giải Nobel kinh tế đầu tiên không?
À, nhất định rồi. Ông ấy có có nhiều trực giác về biết bao vấn đề liên quan đến cân bằng của hệ thống kinh tế. Ông đã xác lập rõ ràng là trong tình thế bất trắc và với những dự kiến bất ngờ và tùy tiện, rất là khó cho cơ chế ấn định giá và lương tìm ra mức cân bằng. Mà dù cho có tìm ra được đi nữa, rất có thể là cân bằng đã dịch chuyển đi chỗ khác. Đó là một trong những luận điểm lớn của Keyes, nhưng còn nhiều luận điểm nữa.

Giáo sư nghĩ là tổng hợp tân cổ điển đã xếp đặt lại một cách có trật tự hay ngược lại đã xói mòn đóng góp lí thuyết của Keynes?
Arthur Cecil Pigou (1877-1959)
Tổng hợp này đã đưa một số ràng buộc, hay qui tắc, vào trong học thuyết chính trị của Keynes. Nó đã đề nghị là quy mô của khu vực công cộng bị chi phối không phải bởi những nhận định về việc làm mà bởi mối quan tâm đến phúc lợi tập thể theo nghĩa của Pigou. Và những thâm hụt phải được quản lí với mối quan tâm đến tăng trưởng (ta gặp ảnh hưởng của Ramsey). Và cuối cùng là chính sách tiền tệ phải được dùng để làm giảm hoặc là thất nghiệp, hoặc là lạm phát. Mặc dù đây là một thay đổi lớn, những nhà keynesian mà tôi biết, phần lớn là những người ủng hộ tổng hợp tân cổ điển như Paul Samuelson và Jim Tobin, đều tin tưởng vào khả năng ổn định của nền kinh tế, và tự xem mình như những nhà hoạt động keynesian thật sự. Nhìn chung tổng hợp tân cổ điển là một sự cải thiện trong chừng mực mà nó đã làm rõ tư tưởng keynesian và những cách suy nghĩ cũ của Pigou và Ramsey. 

Paul Samuelson (1915-2009)
Phải chăng tổng hợp tân cổ điển là một cách kiến giải sai lầm về Keynes do đã không chú trọng đủ đến vấn đề bất trắc?
Tổng hợp đã chọn một quan điểm lạc quan theo đó có thể hội đủ những điều kiện của Pigou và Ramsey và rằng chính sách tiền tệ cho phép mang toàn dụng lao động trên một chiếc mâm mỗi ngày trong tuần. Những nhà bảo vệ cuộc tổng hợp quên mất những trực giác cơ bản Keynes đã mang đến, như sự bất trắc hay những khó khăn của dự báo. Chính ở đây mà Milton Friedman, trớ trêu thay, công nhận giá trị của Keynes bằng cách nghiên cứu vấn đề này. 

Trong giai đoạn 1967-68, Milton Friedman và giáo sư đã phê phán một cách cơ bản ý tưởng ổn định dài hạn của đường Phillips. Có hay không những khác biệt có ý nghĩa giữa phân tích của Friedman và phân tích của giáo sư?
Milton Friedman (1912-2006)
Vâng. Một trong những khác biệt là Milton Friedman đã không thực sự cung cấp một lí thuyết về tỉ suất thất nghiệp tự nhiên. Ông ấy nói về khuôn khổ tân cổ điển trong đó việc làm do cung và cầu lao động ấn định và cho rằng những người cung lao động, không biết rằng mức giá đã tăng cao hơn lương thực tế của họ, do đó đã cung nhiều lao động hơn là nếu họ biết được điều này. Như thế có một cân bằng giả về việc làm với lạm phát. Nhưng điều này không giải thích thất nghiệp. Tôi nghĩ rằng lí thuyết của tôi là tốt hơn vì nó có những khái niệm cơ sở của một lí thuyết thất nghiệp ngay cả trong tình thế cân bằng. Ý cơ bản là nếu thất nghiệp quá thấp thì các doanh nghiệp gặp phải một vấn đề lớn do sự luân chuyển việc làm có quá nhiều cuộc đổi việc tự nguyện. Mỗi doanh nghiệp tìm cách trả cho nhân viên của mình khá hơn các doanh nghiệp khác. Đó là một tình thế mất cân bằng trong nghĩa của những dự kiến, vì tất cả các doanh nghiệp đều thất vọng khi thấy là cuối cùng họ đã không trả cao hơn những doanh nghiệp khác. Cách duy nhất để có được một cân bằng với những dự kiến đúng về lương là tỉ suất thất nghiệp phải đủ cao để cho vấn đề đổi việc làm tự nguyện có thể kiểm soát được. Tôi nghĩ đấy là một cách tốt hơn để tư duy về tỉ suất tự nhiên. 

Giáo sư có nghĩ rằng phiên bản đường Phillips được những dự kiến tăng cường đã xói mòn một cách cơ bản quan điểm keynesian chính thống?
Guillemero Calvo (1941-)
Lúc bấy giờ tôi đã không nghĩ thế vì không tưởng tượng rằng mọi người lại đề nghị rằng những dự kiến là duy lí. Sau đó tôi đã thử làm rõ vì sao đây không phải là một điểm xuất phát tốt. Tôi đã thiết kế một lập luận trong bài viết năm 1970, đăng trong Microfoundations, theo đó những tỉ suất lương không được rà soát lại mỗi ngày. Tôi thích suy nghĩ theo một chu kì nhất định nào đó, chu kì tương ứng với việc xem xét lại nấc thang lương của một doanh nghiệp. Có một quá trình ấn định thang lương khiến cho nếu xảy ra một cú sốc đòi hỏi lương danh nghĩa phải giảm để đạt đến một cân bằng mới thì sẽ có vấn đề vì những lương danh nghĩa không thể giảm xuống mức đó dù cho những dự kiến là duy lí đi nữa. Ý này chủ yếu được phát triển ở Columbia với hai đồng nghiệp của tôi là John Taylor và Guillemero Calvo. Tiếp đấy tôi có cảm tưởng là đã không thừa nhận giá trị của công trình nguyên thủy của tôi, vì cớ gì lại chấp nhận câu chuyện dự kiến duy lí? Do đó, tôi bắt đầu cho rằng giá cả không thể nào tự điều chỉnh ngay tức khắc tới cân bằng mới, ngay cả khi mỗi cá nhân nghĩ rằng mình biết cân bằng này là gì. Do các cá nhân không biết là những người khác nghĩ đâu là cân bằng mới này, nên họ sẽ không giảm tỉ suất lương đúng như họ phải làm. Điều này đã dẫn tôi đến công trình về những dự kiến không duy lí, một phần với Roman Frydman [1983].

Roman Frydman (1948-)
Theo giáo sư đâu là tầm quan trọng của việc đặt lí thuyết kinh tế vĩ mô trên cơ sở lí thuyết tân cổ điển về những lựa chọn?
Đây là một câu hỏi tế nhị [Cười]. Hẳn là tôi thích có lí thuyết những lựa chọn làm cơ sở cho việc mô tả hành vi kinh tế vi mô vì tôi nghĩ rằng như thế mô tả sẽ được vững chắc hơn. Trước hết hãy thử đào sâu mô hình hành vi duy lí để xem chúng ta có thể đi đến đâu.

Dường như có nhiều điểm đồng ý trên những vấn đề kinh tế vi mô hơn là trên những vấn đề kinh tế vĩ mô. Theo giáo sư đó là vì sao?
Có thể đó chỉ là một ảo giác, vì những vấn đề thực sự tế nhị về mặt hành động trong kinh tế học vi mô không được xác lập một cách chắc chắn lắm. Một trong những vấn đề mà chúng tôi, trong ngân hàng này, quan tâm là loại thay đổi thể chế nào là cần thiết để những nước Đông Âu có được một tăng trưởng nhanh. Điều này đưa đến những câu hỏi cơ bản về chủ nghĩa tư bản, trên đấy sự bất đồng là rất lớn. Mô hình Đông Á có tốt không? Chính sách công nghiệp có ích không? Chúng ta có cần doanh nghiệp tư nhân không? Và tiếp tục như thế. Một khi ta gặp những loại vấn đề so sánh và thực tiễn, tôi không chắc là có một sự đồng ý cao về mặt kinh tế vi mô hơn là về mặt kinh tế vĩ mô.

Theo giáo sư đâu là vai trò của tác phẩm của giáo sư, Microfoundations [1970] trong sự phát triển của kinh tế học cổ điển mới?
Ngụ ngôn về các đảo tôi nói đến trong bài viết năm 1969 và được thiết kế lại trong phần dẫn nhập của quyển Microeconomic Foundations chắc chắn đã ảnh hưởng đến công trình của Bob Lucas và trên một số công trình sau này của Lucas và Prescott. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng nó đã có những ảnh hưởng sâu sắc hơn. Trước khi có những dự kiến duy lí trong kinh tế học vĩ mô, thì trước tiên phải có những dự kiến, và bài diễn thuyết ở đầu nguồn của quyển sách trên đã đưa khái niệm dự kiến vào phía cung của kinh tế học vĩ mô. Phong trào của những nhà cổ điển mới chỉ đơn giản chuyên về một loại dự kiến và đơn giản hoá phần cung nhằm đạt đến vài câu trả lời đặc biệt.

Giáo sư có nghĩ rằng đóng góp của các nhà cổ điển mới đã cho phép kinh tế học vĩ mô tiến hoá một cách tích cực?
Tôi nghĩ là họ đã có một ảnh hưởng rất bổ ích. Trong một nghĩa nào đó, họ đã cho thấy kinh tế học vĩ mô dưới một ánh sáng nào đấy, và bây giờ chúng ta biết là không nên nhìn nó dưới góc độ này [Cười]. Chúng ta phải thử rọi những ánh sáng khác [Cười].

Giáo sư nghĩ gì về những mô hình chu kì kinh doanh thực tế?
Chúng khác với phân tích của những nhà cổ điển mới phần lớn chúng đơn giản chỉ là những mô hình tân cổ điển. Tôi nghĩ đó là một hướng thật sự thú vị, nhưng nhất định đưa đến thất bại. Một trong những vấn đề là phân tích này không dành chỗ cho thất nghiệp. Thứ hai là có lẽ nó không ngang tầm những vấn đề liên quan đến lãi suất.

John Taylor (1946-)
Vào cuối thập niên 1970, những công trình của giáo sư và của Stanley Fischer và John Taylor đã cho thấy là những dự kiến duy lí không nhất thiết kéo theo tính vô hiệu của chính sách kinh tế. Khi nhìn lại, giáo sư có nghĩ là những bài này đánh dấu bước đầu của sự đổi mới keynesian sau một thập niên khủng hoảng không?
Chúng đã thử, và thành công, làm sống lại học thuyết keynesian. Tuy nhiên chúng không hâm nóng lại chủ nghĩa hoạt động tài khoá theo nghĩa keynesian. Tôi nghĩ là chúng chỉ giao chiến một ít với Milton Friedman về vấn đề chính sách tiền tệ. Ở Washington, ở Quĩ dự trữ liên bang, có nhiều người đua nhau coi trọng cách mô hình hoá này.

Tại sao lương danh nghĩa chậm tự điều chỉnh?
Stanley Fischer (1943-)
Câu trả lời mà Taylor, Calvo, Fischer và tôi đã đưa ra là đối với doanh nghiệp cá thể, lương danh nghĩa được ấn định chỉ một lần trong năm. Do đó, mức trung bình chậm điều chỉnh. Nó chỉ có thể điều chỉnh dần dần để đáp lại những biến thiên của mức cân bằng. Hiểu được tại sao lại như thế là một vấn đề phức tạp. Một trong những lí do là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có nhiều điều phải làm hơn là bỏ thì giờ vào việc chắp vá danh mục giá và thang bậc lương.

Trong sách của giáo sư, Seven Schools of Macroeconomic Thought [1990] bằng cách nào giáo sư đã đi đến con số bảy?
Thật ra tôi đơn giản liệt kê những trường phái mà tôi muốn nói đến và khi nhận thấy là có đến bảy tôi rất mừng vì đó là một con số dễ thương [Cười]. Nó gợi đến bảy cột đạo lí, và tiếp tục như thế. Tôi nghĩ là đã tìm được con số tốt [Cười].

Theo năm tháng, những công trình của giáo sư hình như đã tiến đến một quan điểm mà bây giờ được gọi là keynesian. Giáo sư có nhận mình là một người keynesian không?
Có và không. Tôi đang xa dần quan điểm này trong công việc tôi làm hiện nay và công việc này có một thông điệp quan trọng. Nhưng tôi có xu hướng nghĩ rằng chúng ta tự dối mình nếu chúng ta giả định là chúng ta vạch những chênh lệch bằng những sai biệt về thất nghiệp đối với một tỉ suất tự nhiên không đổi. Trong vòng năm hoặc sáu năm sau này tôi thử hoàn thành một họ những mô hình gộp chung tất cả những cú sốc khả dĩ làm dịch chuyển tỉ suất tự nhiên mà tôi có thể hình dung được

Ý kiến của giáo sư về kinh văn những chi phí thực đơn?
Cách nhìn vấn đề này không hấp dẫn tôi mấy. Cách này cạnh tranh với quan niệm chúng tôi đã lấy trong thập niên 1970, khi giá cả được ấn định một cách dự kiến nhưng không có định kì. Việc các doanh nghiệp không muốn liên tục kiểm soát và cứ nghĩ mãi đến lương dù cho lương là có cao hay thấp hơn lương cân bằng biện minh một phần cho quan niệm ấn định giá dự kiến nhưng không có định kì. Nhưng trong khuôn khổ một chính sách rượt đuổi từng đợt thường xuyên thì đó lại là điều họ làm các doanh nghiệp luôn nhìn đến sự chênh lệch giữa lương họ trả và ước lượng của họ về lương cân bằng. Đó là một quan niệm hoàn toàn không thực tế. Tất nhiên, nếu một doanh nghiệp bắt đầu nhận thấy rằng lương cân bằng rất khác với những lương doanh nghiệp đó trả, rất có thể là doanh nghiệp đó quyết định cập nhật tức khắc thang lương; song điều này không phải là chuẩn phổ biến.

Những bài học quan trọng nào giáo sư rút ra từ kinh nghiệm của những chính sách tiền tệ được tiến hành ở Vương quốc Anh lẫn ở Hoa Kì trong giai đoạn 1979-82?
Không có những bài học chắc chắn vì quá nhiều việc đã xảy ra trong giai đoạn đó. Có cú sốc dầu lửa thứ hai vào cuối thập niên 1970, và có cú kích ngân sách được quốc hội Mĩ thông qua vào tháng chín 1981, được chính quyền Reagan hưởng ứng. Có thể là trong nền kinh tế thế giới đã có nhiều việc xảy ra mà chúng ta không ý thức hết. Do đó đây không phải là một kinh nghiệm thuần túy. Tôi có cảm tưởng rằng giới kinh tế đã rút ra một bài học dở như sau: “ái chà, khi ta thực thi một chính sách siết chặt tiền tệ thì mất nhiều thời gian để trở về tỉ suất thất nghiệp tự nhiên!”. Tôi đã sai lầm khi ước lượng quá thấp thời gian cần thiết. Tôi nghĩ là cả giới chúng ta cũng đã sai lầm khi không thấy rằng chính tỉ suất tự nhiên trong những năm 1980 đã đạt đến một mức cao hơn. 

Tại sao khó đến thế để làm giảm lạm phát mà không phải chịu những giá đắt, tính bằng sản xuất bị mất và thất nghiệp cao hơn?
Vấn đề thực ra là: khó trong chừng mực nào? Từ kinh nghiệm những năm 1980, giới kinh tế rút ra kết luận rằng quả là rất khó. Tôi nghĩ là còn khó hơn nhiều mức mà những nhà trọng tiền chưa bao giờ thừa nhận. Và chắc là còn khó hơn mức bản thân tôi đã nghĩ lúc bấy giờ. Nhưng tôi nhấn mạnh, đó không phải là điều duy nhất quan trọng trong trường hợp những năm 1980. Một phần vấn đề là do gia tăng của tỉ suất tự nhiên. Việc ấn định lương và giá không thường xuyên đôi lúc có thể thành vấn đề khi ta muốn ổn định nền kinh tế. Vấn đề chung hơn là công chúng không coi trọng những giới chức tiền tệ đó là vấn đề tính đáng tin. Một hệ quả khác là tính đáng tin của những giới chức tiền tệ không được mọi người biết hết. Không ai có thể đoan chắc là những người khác lạc quan tin vào các giới chức tiền tệ. Đó là vấn đề nổi tiếng được Keynes nêu lên về cuộc thi hoa hậu.

Tại sao tính linh hoạt của giá lại khác nhau đến thế từ nước này sang nước khác?
Những thể chế khác nhau làm cho vận tốc tăng hoặc giảm của mức lương  khác nhau. Nếu có các nghiệp đoàn thì xu hướng có những hợp đồng dài hạn là đậm nét hơn. Cách xử lí thất nghiệp và việc làm đóng thuế trên lương khác nhau rất nhiều từ nước này sang nước khác, giống như mỗi nước dùng những đơn vị đo đạc khác nhau. Tỉ suất thất nghiệp ở Nhật biến thiên giống như ở các nước khác để phản ứng lại những cú sốc, nhưng mà biến thiên ít hơn.

Giáo sư có nghĩ rằng việc pha trộn chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá lấy cảm hứng từ chính sách trọng cung ở Hoa Kì là yếu tố chính gây nên những thâm hụt ngân sách cấu trúc?
Tôi nghĩ là chính sách trọng cung đã khoác một vẻ hợp pháp để nhượng bộ trước sức quyến rũ của việc cắt giảm thuế, ngay cả khi việc giảm chi tiêu không thực sự là một vấn đề thời sự.

Giáo sư nghĩ thế nào về cách tiếp cận ricardian những thâm hụt ngân sách?
Một trong những thứ phẩm của một vài nghiên cứu gần đây của tôi về việc ấn định những tỉ suất thất nghiệp quốc gia trên thế giới là nợ công của thế giới có ảnh hưởng có ý nghĩa đến lãi suất thực tế của thế giới. Đó là một kết luận phản ricardian.

Giáo sư có nghĩ là tổng thống Clinton đi đúng hướng trong việc xử lí vấn đề thâm hụt ngân sách không?
Tôi ngại là việc tăng nguồn thu thuế chỉ là tưởng tượng. Vì những lí do mà tôi sẵn sàng hiểu, họ muốn giảm bớt gia tăng của chi tiêu công cộng. Nhưng chắc là họ không thể giảm ngân sách quốc phòng nhiều như họ nghĩ. Do đó thật ra họ sẽ không tiến đến việc giảm thâm hụt ngân sách.

Đâu là tầm quan trọng của lí thuyết lương hiệu quả cũng như của lí thuyết người trong cuộc-người ngoài cuộc trong phân tích kinh tế vĩ mô hiện đại?
Tôi không tin là giới kinh tế rất coi trọng những lí thuyết về lương hiệu quả. Bạn có thể đọc cả một quyển sách kinh tế học vĩ mô và chỉ tìm được một độc thoại phiến diện về vấn đề trốn nhiệm vụ có thể là tôi tưởng tượng và thực ra chả có gì cả [Cười]. Nếu bạn đọc Hall và Taylor [1993] một quyển sách tương đối có tính phân tích ở trình độ trung gian thì có một cái gì đó về lí thuyết lương hiệu quả, nhưng có thể coi là một phần thêm vào, không có bình luận nhiều, một kiểu nhắc lại khái niệm tỉ suất tự nhiên. Tôi nghĩ là giới trong nghề sẽ nghĩ rằng tôi điên nếu tôi xem trọng tất cả những điều trên, nhưng tôi đã thử xem là, với những lí thuyết như lí thuyết tự nguyện chấm dứt việc làm, hay trốn tránh nhiệm vụ, bằng cách nào có thể giải thích những biến thiên của tỉ suất tự nhiên phản ứng trước những cú sốc ngoại sinh.

Hệ quả của những lí thuyết lương hiệu quả và người trong cuộc-người ngoài cuộc là như thế nào trên chính sách kinh tế?
Tôi tin chắc rằng ý trợ cấp cho lao động, hơn là cho việc không lao động là một ý tốt. Do đó chính tôi cũng bảo vệ ngày càng mạnh mẽ hơn một chương trình trợ cấp, đặc biệt là cho việc tuyển dụng những người lao động ăn lương thấp. Phần lớn thất nghiệp nằm ở đây. Cũng có thể là cần thiết phải giảm hoặc bỏ hầu hết những trợ cấp cho người thất nghiệp dưới dạng những trợ cấp thất nghiệp.

Giáo sư giải thích như thế nào tỉ suất thất nghiệp cao ở châu Âu từ 1980?
Jean Paul Fitoussi (1942-)
Lúc đầu, đó là do việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng tỉ suất thất nghiệp cao này ngày càng phản ảnh gia tăng của chính lãi suất tự nhiên. Một phần là do gia tăng của giá thực tế của dầu lửa vào đầu thập niên 1980. Một phần cũng là do gia tăng của lãi suất thực tế trên thế giới, gia tăng này là một yếu tố bên ngoài tác động đến châu Âu chủ yếu gia tăng của lãi suất thế giới là do tác động kích thích của thâm hụt ngân sách Mĩ đó là giả thiết Fitoussi-Phelps [1986]. Một trong những điều mà tôi phát hiện trong khi nghiên cứu gần đây là áp lực thuế có một vai trò rất quan trọng. Trong lúc ta nói đến cuộc cách mạng Thatcher-Reagan, một điều mà theo tôi hình dung có nghĩa là việc cắt giảm thuế, thì thuế khóa tiếp tục tăng, dù cho ít hơn lúc trước. Thuế trên việc làm và trên thu nhập từ lao động là rất tai hại cho thất nghiệp.

Những hệ quả của hiệu ứng hiện tượng trễ trên tỉ suất thất nghiệp tự nhiên là gì?
Nói rằng một suy thoái kéo dài tác động gần như thường xuyên trên tỉ suất thất nghiệp, tức là qui chiếu về tỉ suất tự nhiên. Nhưng không vì thế mà ý về hiện tượng trễ là không lí thú. Ngay từ bài của tôi năm 1968, tôi nhấn mạnh là những chi phí luân chuyển và tuyển dụng nhân viên có thể giải thích thất nghiệp. Những chi phí này đưa đến những ma sát khiến cho nếu ta bắt đầu với một tỉ lệ thất nghiệp cao thì sẽ rất lâu tỉ suất này mới giảm xuống mức bình thường hay mức cân bằng của nó. Tôi nghĩ rằng đó là điều được gọi là “tính dai dẳng” và được một số người khác định nghĩa như là hiện tượng trễ. Một số khác nữa cho đó là một điều gì thường trực hơn.

Sự phân biệt thất nghiệp tự nguyện và thất nghiệp không tự nguyện có quan trọng không trong kinh tế học vĩ mô?
Hiện nay nhiều người trong chúng ta sử dụng thuật ngữ “thất nghiệp không tự nguyện” để mô tả hiện tượng hạn mức gắn với những tỉ suất lương cao hơn mức lương cân bằng thị trường. Trong những phân tích của tôi, xảy ra hạn mức này là vì những tỉ suất lương được dùng như một rào chắn ngăn cản những cuộc ra đi tự nguyện và đổi sở làm (trong mô hình trốn tránh nhiệm vụ chúng được dùng để giảm sự lười biếng). Theo tôi đó là một cách tốt để mô hình hoá thất nghiệp. Tôi thích cách mô hình hoá sự vật sao cho chúng phù hợp với cách nhìn của tôi hơn một cách vòng vèo khiến tôi không nhận ra chúng nữa [Cười].

Giáo sư có đồng ý với Lucas [1978] là chúng ta phải coi thất nghiệp như một hoạt động tự nguyện không?
Lucas viết như thế vào thời mà ông ta hoàn toàn không tin rằng việc kích thích lao động tùy thuộc vào lương. Theo quan niệm của trường phái Chicago, lương không phải là một công cụ cho phép giới hạn những cuộc ra đi tự nguyện hay những hành vi cơ hội. Các nhà kinh tế Chicago nghĩ rằng các doanh nghiệp có những phương tiện hiệu quả hơn để xử lí những vấn đề này (bằng những cách trừng phạt nhân viên khác nhau). Họ nghĩ rằng không cần thiết đối xử một cách dễ chịu với nhân viên để tránh nhân viên bỏ đi hay chây lười. Điều này thể hiện sự ngoan cố của các nhà kinh tế Chicago chủ trương rằng tất cả thất nghiệp hiện hành đều là thất nghiệp tự nguyện. Tôi không hiểu sao họ vẫn còn nghĩ như thế, cuối cùng họ cũng phải thay đổi ý kiến thôi [Cười]. 

Giáo sư có tin vào một đồng thuận trong kinh tế học vĩ mô không?
Không, tôi nghĩ là chúng ta còn xa mới đạt đến đồng thuận. Tôi hi vọng là chúng ta đi về hướng những tư tưởng tân keynesian cộng với một tỉ suất tự nhiên thay đổi. Tôi nghĩ là nên đi về hướng này. Nhưng cũng có thể sự việc sẽ là khác.

Là một nhà kinh tế Mĩ hiện làm việc tại Vương quốc Anh, giáo sư nghĩ gì về xu hướng mới đây của chính sách kinh tế trong nước này?
Phải chăng là đáng ngạc nhiên khi thấy quá ít phân tích lí thuyết rõ ràng đằng sau những biểu hiện về sở thích và mục tiêu của chính phủ? Những điều này được trình bày như những điều hiển nhiên, không có thảo luận. Cách đây một hay hai tháng, thủ tướng Mayor coi dường như là tất cả những gì phải làm trong đất nước này là giảm lạm phát rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Đó là kiểu kinh tế gì vậy? Tôi nghĩ là điều này không ứng với bất kì trường phái nào trong số bảy trường phái của tôi [Cười]. Ở Hoa Kì, không nghi ngờ gì là chúng tôi có những kẻ điên, ở bên tả cũng như bên hữu, và ngay cả ở phía đâu đó nhưng ít nhất cũng có một tí tu từ học khiến cho bạn có một ý niệm là họ từ đâu đến, họ nhìn về đâu và nghĩ gì. Nếu bạn không đồng ý thì bạn có thể thảo luận với họ và xét lại những tiên đề của họ. Nhưng tôi không thấy cách nào có thể thảo luận với Mayor. Thật là kì lạ [Cười].

Thư mục
Fitoussi-Phelps [1986] ”Causes of the 1980s Slump in Europe”, Brookings Papers on Economic Activity
Frydman, R. and Phelps, E. S., (eds.) (1983), Individual Forecasting and Aggregate Outcomes: Rational Expectations Examined, Cambridge: Cambridge University Press Lucas, R. E. Jr. (1978), “Unemployment Policy”, American Economic Review, May
Hall, R. E. and Taylor, J. B. (1997), Macroeconomics, 5th edn, New York: W. W. Norton
Lucas, R. E. Jr. (1978), “Unemployment Policy”, American Economic Review, May
Brian Snowdon, Howard VanePeter Wynarczyk
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: La pensée économique moderne. Guide des grands courants de Keynes à nos jours, của Brian Snowdon, Howard Vane và Peter Wynarczyk, NXB Ediscience International, Paris, 1997.
Print Friendly and PDF