NHÀ KINH TẾ HỌC ĐOẠT GIẢI NOBEL NÓI RẰNG, SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG Ở MỸ ĐÃ KHÔNG CHỈ XẢY RA TÌNH CỜ. NÓ ĐÃ ĐƯỢC TẠO RA.
Duy trì quyền lực của tốp trên cùng như thế nào?
Sự bất bình đẳng ở Mỹ đã không chỉ xảy ra tình cờ. Nó đã được tạo ra. Các tác lực thị trường đã đóng một vai trò, nhưng không phải chỉ có các tác lực thị trường. Ở một góc độ nào đó, nên được nói rõ ràng rằng: các qui luật kinh tế phổ quát, nhưng sự bất bình đẳng của chúng ta ngày càng tăng -đặc biệt là giá trị được nắm giữ bởi nhóm 1% người có thu nhập cao nhất- là một “thành tựu” nổi bật của Mỹ. Sự bất bình đẳng quá mức đó không phải là định mệnh và cung cấp lý do để hy vọng, nhưng trong thực tế nó có thể sẽ tồi tệ hơn. Các tác lực đóng vai trò trong việc tạo ra những kết quả này có khả năng tự củng cố.
Mức độ bất bình đẳng của Mỹ hiện nay không bình thường. So với các nước khác và thậm chí so với những gì xảy ra trong quá khứ ở Mỹ, nó lớn bất thường, và đang tăng nhanh bất thường. Người ta thường nói rằng theo dõi sự thay đổi trong bất bình đẳng giống như nhìn cỏ mọc: thật khó để nhìn thấy những thay đổi trong bất kỳ khoảng thời gian ngắn nào. Nhưng bây giờ điều đó không còn đúng nữa.
Joseph Stiglitz (1943-) |
Rõ ràng, như sự bất bình đẳng mà chúng ta đối mặt ngày nay, sự bất bình đẳng tự nó không phải là một cái gì mới. Việc tập trung quyền lực kinh tế và chính trị về nhiều mặt từng cực đoan hơn trong những xã hội tiền tư bản ở phương Tây. Lúc bấy giờ, tôn giáo vừa giải thích, vừa biện hộ cho sự bất bình đẳng: những người thuộc tốp trên cùng của xã hội bởi vì đó là Ý Chúa (divine right). Tra vấn điều này là tra vấn trật tự xã hội, thậm chí là tra vấn ý muốn của Chúa.
Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế học và các nhà khoa học chính trị hiện đại, cũng như những người Hy Lạp cổ đại, sự bất bình đẳng này không phải là vấn đề của một trật tự xã hội định sẵn. Sức mạnh -thường là sức mạnh quân sự- là nguồn gốc của những bất bình đẳng này. Chủ nghĩa quân phiệt tương tự kinh tế học: những kẻ xâm lược có quyền bòn rút nhiều đến mức họ có thể từ những thứ chiếm được. Trong thời cổ đại, nhìn chung triết học tự nhiên cho thấy không có sự bất công trong việc đối xử với người khác như những phương tiện nhằm đạt được các mục đích. Như một câu nói nổi tiếng của sử gia Hy Lạp cổ đại: “lẽ phải, thời buổi này, chỉ đặt ra cho những ai có quyền lực ngang bằng nhau, trong khi kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng cái họ phải gánh chịu”.
Những người có quyền lực sử dụng quyền lực đó để gia tăng địa vị kinh tế và chính trị của họ, hay ít nhất là để duy trì chúng. Họ cũng cố gắng để định hướng tư tưởng, cố gắng làm cho sự khác biệt trong thu nhập có thể chấp nhận được vì nếu không nó sẽ rất kinh tởm.
Karl Marx (1818-1883) |
Khi ý tưởng về Ý Chúa bị bác bỏ ở các nhà nước-dân tộc mới ra đời (early nation-states), những người có quyền lực tìm kiếm các căn cứ khác để bảo vệ vị thế của họ. Thời kỳ Phục hưng và Khai sáng (Renaissance and the Enlightenment) nhấn mạnh đến nhân phẩm của cá nhân, và cùng với thời kỳ cách mạng công nghiệp, đã dẫn đến sự xuất hiện của một tầng lớp đông đảo thị dân thấp thì điều cấp thiết là phải tìm những cách biện hộ mới cho sự bất bình đẳng, đặc biệt là khi các nhà phê phán chế độ, như Marx, nói về sự bóc lột.
Lý thuyết ra đời và thống trị từ nửa cuối thế kỷ XIX cho đến nay là “lý thuyết năng suất cận biên”; những người có năng suất cao hơn sẽ kiếm được thu nhập cao hơn, điều này phản ánh sự đóng góp lớn hơn của họ cho xã hội. Các thị trường cạnh tranh, vận hành thông qua các quy luật cung cầu, xác định giá trị đóng góp của mỗi cá nhân. Nếu ai đó có một kỹ năng hiếm có và có giá trị, thì thị trường sẽ tưởng thưởng cho người đó hậu hĩnh, bởi những đóng góp lớn của người đó đối với sản lượng. Nếu ai đó không có kỹ năng, thu nhập của người đó sẽ thấp.
Công nghệ và sự khan hiếm, vận hành thông qua các qui luật thông thường của cung và cầu, đóng một vai trò trong việc hình thành sự bất bình đẳng ngày nay, nhưng một số yếu tố khác cũng đóng một vai trò, và một số yếu tố khác đó chính là chính phủ.
Bất bình đẳng là kết quả của sức mạnh chính trị cũng nhiều như sức mạnh kinh tế. Trong một nền kinh tế hiện đại, chính phủ thiết lập và yêu cầu thực thi các quy tắc của trò chơi - cạnh tranh lành mạnh là gì, và những hành động nào được coi là phản cạnh tranh và bất hợp pháp, ai nhận được những gì trong trường hợp phá sản, khi một con nợ không thể trả tất cả khoản nợ của mình, những gì là hành vi lừa đảo và bị cấm. Thông qua việc cấp phát các nguồn lực (cả công khai và thiếu minh bạch), và thông qua các loại thuế cũng như chi tiêu xã hội, chính phủ làm thay đổi sự phân phối thu nhập nổi lên từ thị trường, như được định hình bởi công nghệ và chính trị.
Cuối cùng, chính phủ làm thay đổi các động lực của sự giàu có, ví dụ, bằng cách đánh thuế thừa kế và cung cấp giáo dục công miễn phí. Bất bình đẳng không chỉ được xác định thông qua việc thị trường trả bao nhiêu cho một lao động có kĩ năng so với một lao động không có kĩ năng, mà còn được xác định thông qua trình độ các kĩ năng mà một cá nhân đạt được. Trong trường hợp không có sự hỗ trợ của chính phủ, nhiều trẻ em nghèo có thể sẽ không nhận được sự chăm sóc y tế và chế độ dinh dưỡng tối thiểu, bỏ mặc sự giáo dục cần thiết để đạt được những kỹ năng cần thiết nhằm nâng cao năng suất và thu nhập. Chính phủ có thể tác động đến mức độ giáo dục và tài sản thừa kế từ cha mẹ của một cá nhân.
Cách thức Chính phủ Mỹ thực hiện những chức năng này xác định mức độ bất bình đẳng trong xã hội của chúng ta. Trên mỗi mặt trận, có những quyết định tinh vi, cái mà đem lại lợi cho một vài nhóm nào đó và gây bất lợi cho một vài nhóm khác. Tác động của mỗi quyết định có thể là nhỏ, nhưng tác động cộng dồn của một lượng lớn các quyết định, có thể mang lại lợi ích rất đáng kể cho những người thuộc tốp trên cùng của xã hội.
Các tác lực cạnh tranh nên hạn chế những lợi nhuận quá mức, nhưng nếu chính phủ không đảm bảo rằng các thị trường có tính cạnh tranh, thì có thể có lợi nhuận độc quyền lớn. Các tác lực cạnh tranh cũng nên hạn chế các khoản thù lao thiếu cân xứng của các nhà quản lý, nhưng trong các tập đoàn hiện đại, Giám đốc điều hành (CEO) có quyền lực rất lớn - bao gồm quyền xác lập thù lao cho chính mình, tất nhiên còn phụ thuộc vào Hội đồng quản trị - nhưng trong nhiều tập đoàn, CEO thậm chí còn có quyền lực đáng kể trong việc bổ nhiệm Hội đồng, và với một Hội đồng bị thao túng thì sẽ ít có sự kiểm soát. Các cổ đông có tiếng nói rất nhỏ. Một số nước có “luật quản trị doanh nghiệp” tốt hơn, các luật này giới hạn quyền lực của CEO, ví dụ, bằng cách yêu cầu có các thành viên độc lập trong Hội đồng quản trị hay các cổ đông có tiếng nói trong việc trả lương. Nếu nước không có luật quản trị doanh nghiệp tốt, và được thực thi một cách hiệu quả, các CEO có thể trả cho chính mình những khoản thưởng khổng lồ.
Các chính sách chi tiêu và thuế lũy tiến (đánh thuế người giàu nhiều hơn người nghèo và cung cấp các hệ thống bảo trợ xã hội tốt) có thể hạn chế mức độ bất bình đẳng. Ngược lại, các chương trình cấp phát nguồn lực quốc gia cho những người giàu và những người thuộc diện con ông cháu cha có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng.
Hệ thống chính trị của chúng ta ngày càng được vận hành theo cách thức làm gia tăng sự bất bình đẳng trong thu nhập và làm giảm sự bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội. Điều này không có gì ngạc nhiên: chúng ta có một hệ thống chính trị trao quyền lực quá mức cho những người ở tốp trên cùng, và tốp người này sử dụng quyền lực đó không chỉ để hạn chế mức độ tái phân phối mà còn để định hình các quy tắc của trò chơi theo hướng có lợi cho họ, và để bòn rút tài sản công, cái mà chỉ có thể được gọi là “những món quà” lớn. Các nhà kinh tế học gọi các hoạt động này là đặc quyền - đặc lợi (rent seeking), có được thu nhập không phải dưới dạng phần thưởng cho việc tạo ra sự thịnh vượng mà dưới dạng tước đoạt phần lớn của cải mà người khác tạo ra, trong khi không có bất cứ sự đóng góp nào. Những người ở tốp trên cùng đã học được cách thức để rút tiền ra từ những người còn lại theo những cách mà những người còn lại hầu như không nhận thức được - đó là sự đổi mới thực sự của họ.
Thật vậy, một vài trong những sáng kiến quan trọng nhất trong kinh doanh trong ba thập kỷ qua đã không tập trung vào việc làm thế nào để cho nền kinh tế hiệu quả hơn. Thay vào đó nó tập trung vào việc làm thế nào để đảm bảo tốt hơn sức mạnh độc quyền hay làm thế nào để vô hiệu hóa tốt hơn những qui định của chính phủ nhằm gắn kết lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân.
Đặc quyền- đặc lợi (Rent Seeking)
Đặc quyền - đặc lợi có nhiều hình thức như: sự chuyển nhượng và trợ cấp minh bạch cũng như thiếu minh bạch, những luật làm giảm sự cạnh tranh của thị trường, sự thực thi lỏng lẻo các luật cạnh tranh hiện hành, và các đạo luật cho phép các tập đoàn tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp khác hay chuyển chi phí cho các chủ thể còn lại trong xã hội. Thuật ngữ “tiền thuê - rent” nguyên thủy được dùng để mô tả tiền tô thu từ đất, vì chủ sở hữu đất nhận được các khoản thanh toán này nhờ quyền sở hữu của họ mà không phải làm gì. Điều này trái ngược với trường hợp của người lao động, ví dụ, tiền lương của họ là khoảng thù lao cho những nỗ lực mà họ cung cấp. Thuật ngữ “tiền thuê - rent”, sau đó đã được mở rộng để bao gồm lợi ích độc quyền hay đặc lợi độc quyền (monopoly profits or monopoly rents), thu nhập mà một người nhận được chỉ đơn thuần từ sự chi phối một sự độc quyền. Sau đó, thuật ngữ này tiếp tục được mở rộng để bao gồm lợi ích tương tự từ quyền sở hữu. Nếu chính phủ đã trao cho một doanh nghiệp nào đó độc quyền nhập khẩu một số lượng hạn chế một hàng hóa nào đấy, chẳng hạn như đường, thì lợi nhuận phụ trội (extra return) được tạo ra nhờ kết quả của quyền sở hữu các quyền đó được gọi là “đặc lợi hạn ngạch” (“quota-rent”).
Hành vi đặc quyền - đặc lợi không chỉ là đặc sản của những nước giàu tài nguyên ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh. Nó cũng đã trở nên đặc hữu trong các nền kinh tế hiện đại, bao gồm cả nền kinh tế chúng ta. Trong các nền kinh tế đó, nó tồn tại dưới nhiều hình thức, một vài hình thức phổ biến ở các nước giàu dầu mỏ như: mua được tài sản quốc gia (như dầu hay khoáng sản) ở mức giá thấp hơn giá thị trường hợp lý (fair-market prices).
Một hình thức khác của đặc quyền - đặc lợi ngược với trường hợp trên: bán các sản phẩm cho chính phủ với mức giá cao hơn mức giá thị trường (sự mua sắm thiếu cạnh tranh). Các công ty dược phẩm và các nhà thầu quân sự nổi trội trong hình thức đặc quyền - đặc lợi này. Trợ cấp của chính phủ một cách minh bạch (như trong nông nghiệp) hay thiếu minh bạch (như hạn chế thương mại cái mà làm giảm cạnh tranh hoặc trợ cấp thiếu minh bạch trong hệ thống thuế) là những cách thức khác để nhận được đặc quyền, đặc lợi từ khu vực công.
Không phải tất cả các đặc quyền - đặc lợi đều lợi dụng chính phủ để bòn rút tiền từ những công dân bình thường. Riêng bản thân khu vực tư nhân cũng có thể nổi trội trong việc bòn rút đặc lợi từ công chúng, ví dụ, thông qua các thủ đoạn độc quyền và bóc lột những người thiếu hiểu biết, một ví dụ cụ thể hơn là trường hợp cho vay cắt cổ của các ngân hàng. Các CEO có thể sử dụng quyền điều hành doanh nghiệp để độc chiếm một phần lớn doanh thu của doanh nghiêp. Tuy nhiên, ở đây, chính phủ cũng đóng một vai trò, khi không làm những việc nên làm như: không ngăn chặn các hoạt động này, hay không khiến cho chúng trở nên bất hợp pháp, hay không thực thi các luật hiện hành. Thực thi hiệu quả các luật cạnh tranh có thể hạn chế lợi nhuận độc quyền; các luật có hiệu quả về cho vay cắt cổ và lạm dụng thẻ tín dụng có thể hạn chế mức độ lợi dụng của ngân hàng; các luật quản trị doanh nghiệp được thiết kế tốt có thể hạn chế mức độ mà các nhân viên chiếm đoạt doanh thu của doanh nghiệp.
Alan Turing (1912-1954) |
Charles Townes (1915-2015) |
Bằng cách nhìn vào những người thuộc tốp trên cùng trong phân phối của cải, chúng ta có thể có cảm nhận được bản chất của khía cạnh này của sự bất bình đẳng ở Mỹ. Có rất ít nhà phát minh định hình lại công nghệ, hay các nhà khoa học định hình lại những hiểu biết của chúng ta về quy luật tự nhiên. Hãy nghĩ về Alan Turing, tài năng xuất chúng của ông đã xây dựng nền móng toán học cho máy tính hiện đại. Hay về Einstein. Hay những nhà khám phá ra laser (trong đó Charles Townes đã đóng một vai trò trung tâm) hay về John Bardeen, Walter Brattain và William Shockley, các nhà phát minh ra transistor. Hoặc về Watson và Crick, đã làm sáng tỏ những bí ẩn của ADN, mà y học hiện đại dựa trên đó rất nhiều. Không ai trong số họ, những người đã đóng góp rất lớn cho sự thịnh vượng của chúng ta, là người được hệ thống kinh tế của chúng ta trọng thưởng nhất.
Tim Berners-Lee (1955-) |
Steve Jobs (1955-2011) |
Thay vào đó, rất nhiều người thuộc tốp trên cùng trong phân phối của cải, theo cách này hay cách khác, là những bậc kì tài trong kinh doanh. Một số người có thể khẳng định, ví dụ, Steve Jobs hoặc những nhà sáng tạo ra các công cụ tìm kiếm hay các phương tiện truyền thông xã hội theo cách của họ là những thiên tài. Jobs (trước khi mất) đã đứng thứ 110 trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes, và Mark Zuckerberg đã đứng thứ 52. Tuy nhiên, nhiều “bậc kì tài” trong số này đã xây dựng đế chế kinh doanh của mình trên vai những người khổng lồ, như Tim Berners-Lee, người phát minh World Wide Web, người mà chưa một lần có tên trong danh sách của tạp chí Forbes. Berners-Lee đã có thể trở thành một tỷ phú nhưng quyết định không - ông cung cấp ý tưởng sẵn có của mình một cách miễn phí, điều này giúp cho Internet phát triển rất nhanh.
Một cái nhìn sâu hơn về những thành công của những người thuộc tốp trên cùng trong phân phối của cải cho thấy rằng, nhiều hơn một phần nhỏ của tài năng của họ tập trung vào việc tìm ra những cách tốt hơn để khai thác sức mạnh thị trường và các khoản không hoàn hảo khác của thị trường - và trong nhiều trường hợp, việc tìm kiếm những cách tốt hơn để chính trị phục vụ cho họ hơn là cho xã hội nói chung.
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch
Trích từ Cái giá của sự bất bình đẳng: Sự phân tầng xã hội ngày nay gây nguy hiểm cho tương lai chúng ta như thế nào (The Price of Inequality: How Today’s Divided Society Endangers Our Future) của Joseph E. Stiglitz
Nguồn: “Nobel Laureate Economist Says American Inequality Didn’t Just Happen. It Was Created.”, blog Evonomics