27.3.17

Tiền tệ, vector liên kết và phản bác xã hội



TIỀN TỆ, VECTOR LIÊN KẾT VÀ PHẢN BÁC XÃ HỘI

Pepita OULD AHMED
Tiền tệ không chỉ là một công cụ trao đổi; nó còn là và đặc biệt là một kiến trúc xã hội nổi lên từ một sự thỏa hiệp chính trị.
Đối với cách tiếp cận thống trị trong kinh tế học, thì tiền tệ không gì khác hơn là một phương tiện trung gian trao đổi mang tính chức năng và trung lập thuần túy, có nghĩa là không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh tế. Tuy vậy, tiền tệ là một phương tiện mang khá nhiều chiều kích khác – có tính xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức, đề chỉ nói đến những chiều kích chính mà thôi. Các ngành khoa học xã hội khác, đặc biệt là sử học, xã hội học và nhân học minh chứng cho điều này. Trào lưu (thiểu số) này của khoa học kinh tế được gọi là trào lưu phi chính thống, chủ trương một cách tiếp cận mang tính thể chế và đa ngành cho nền kinh tế. Từ các phương pháp và tra vấn bắt nguồn từ các chuyên ngành nguyên thủy của chúng, các cách tiếp cận đối chọn này gặp nhau ở điểm bác bỏ quan niệm về chế độ tiền tệ đang thống trị, trên ít nhất hai khía cạnh.
Những thực tiễn và lôgic không đồng nhất
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Ý tưởng đầu tiên bị công kích kịch liệt: các thực hành về tiền tệ, cũng như toàn bộ các thực hành về kinh tế, không theo một lôgic đồng nhất. Các hành vi tiết kiệm hay vay nợ đều rất khác nhau trong hình thức và lôgic của chúng, theo thời gian, địa điểm, giới tính, địa vị xã hội hay các giá trị đạo đức và giá trị biểu tượng của các tác nhân. Ví dụ, các hình thức vay nợ đều có yếu tố giới tính; chúng có tính đến sự phân chia xã hội về lao động có yếu tố giới tính, có nghĩa là sự phân chia xã hội về các vai trò giữa nam và nữ, như Pierre Bourdieu đã chứng minh từ những năm 1950 qua nghiên cứu của ông về các quần thể người Kabyle.
Thậm chí ngày nay, phụ nữ, đặc biệt ở một số vùng nông thôn nghèo, vẫn phải chịu phục vụ các nhu cầu hàng ngày của gia đình (về thực phẩm, y tế, giúp đỡ láng giềng, v.v.), nhưng không vì thế mà có được quyền kiểm soát thu nhập. Để làm được điều này, họ dùng đến các chiến lược tương trợ riêng của họ, chẳng hạn như các khoản vay bằng hiện vật (như bột hột, dầu, đường), các khoản vay từ người bán hàng tạp hóa (như ở Morocco, Algeria), hay các khoản chơi hụi (*) ở châu Á và châu Phi, và cả dưới các hình thức thị trường vay nợ, chẳng hạn như các khoản tín dụng nhỏ.
Ngành nhân học và xã hội học kinh tế cũng bác bỏ quan điểm quy giản về tiền tệ như là một phương tiện thanh toán vô tri vô giác và đồng nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy ngược lại là các hành vi sử dụng tiền tệ có tính khu biệt, nghĩa là con người sử dụng đồng tiền theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào phạm vi hay lĩnh vực mà đồng tiền đó đang vận hành (trong gia đình, theo nghi thức, theo thị trường, mang tính biểu tượng) và theo các tình huống xã hội.
Viviana Zelizer (1946-)
Các công trình nghiên cứu tiên phong của Viviana Zelizer trình bày tính không đồng nhất này trong việc sử dụng tiền tệ, qua sự tồn tại của nhiều công cụ thanh toán theo phân khúc, như tem phiếu thực phẩm, đồng tiền địa phương, thẻ tín dụng của một số cửa hàng, v.v., mà mục đích là báo hiệu tính chất đặc biệt của mối quan hệ giữa các bên liên quan trong việc trao đổi. Tính không đồng nhất này cũng gợi đến việc sắp xếp, trong giới bình dân, các món tiền trong nhiều hộp đựng tiền khác nhau, theo mục đích được sử dụng để chi trả cho việc mua sắm, thuê nhà hay giải trí. Sự chia nhỏ ngân sách gia đình này về mặt vật lý, mà bà đã quan sát được tại Hoa Kỳ từ năm 1870 đến năm 1930, và còn được tìm thấy ngày nay tại châu Mỹ Latin ở các nhà buôn đường phố, nhắm đến việc quản lý ngân sách gia đình một cách hợp lý, tôn trọng một hệ thống thứ bậc ưu tiên các chi tiêu. Do tiền là một biểu tượng, một ngôn ngữ cho cộng đồng sử dụng nó, nên ý nghĩa và cách sử dụng nó cũng khác biệt theo nguồn gốc vật lý hay xã hội của nó (tiền kiếm được hay tiền được thừa kế), theo bản chất các khoản nợ phải thanh toán (về mặt kinh tế, xã hội), theo vị trí xã hội và giới tính của người sở hữu nó và người tiếp nhận nó.
Tiền tệ, một kiến tạo xã hội
Carl Menger (1840-1921)
Stanley Jevons (1835-1882)
Rạn nứt lớn thứ hai với cách tiếp cận của kinh tế học thống trị: trào lưu phi chính thống trong kinh tế học đảo ngược quan điểm lý thuyết về nguyên gốc hình thành và bản chất của tiền tệ, cho thấy chiều kích xã hội và chính trị rất cao của tiền tệ. Theo kinh tế học truyền thống, tiền tệ đã được phát minh để khắc phục vấn đề nổi tiếng của sự trùng khớp nhu cầu (*) mà việc hàng đổi hàng đòi hỏi. Đây là cách giải thích cổ điển trong kinh tế học mà ta có thể tìm thấy ở Adam Smith, Stanley Jevons hay Carl Menger. Giải thích này về sự hình thành tiền tệ hoàn toàn phù hợp với quan niệm đã có trước của các tác giả trên về tiền tệ.
Nếu tiền tệ chỉ là một công cụ trao đổi, thì nguồn gốc hình thành nó đáp ứng một mô hình hoàn toàn mang tính chức năng luận: có một vấn đề tổ chức cần giải quyết, nếu muốn nói như vậy, phải phát minh ra thiết bị thích hợp. Nhưng mỗi quan niệm về tiền tệ và bản chất của nó xác định một ý tưởng nhất định về nguồn gốc hình thành nó.
André Orléan (1950-)

Không gì ngạc nhiên, khi trào lưu phi chính thống kinh tế có một ý tưởng hoàn toàn khác về nguồn gốc tiền tệ. Về vấn đề này, chúng ta có thể kể các công trình tạo lập của Michel Aglietta và Andre Orlean: ngay từ năm 1982, trong cuốn La violence de la monnaie (Bạo lực của tiền tệ), họ đi ngược với lý thuyết tiền tệ thống trị, khi chỉ ra rằng tiền tệ không phải là một sáng chế của nền kinh tế hàng hóa. Theo họ, tiền tệ ra đời trước và thậm chí còn tạo ra nền kinh tế hàng hóa, chứ không phải điều ngược lại. Lấy cảm hứng từ những tác giả như Karl Marx, Georg Simmel, François Simiand và Fernand Braudel, Michel Aglietta cho thấy tiền tệ là một kiến tạo xã hội, mà bản chất không liên quan gì đến hàng hóa. Quan niệm về tiền tệ như trên được khá nhiều nhà khoa học xã hội chia sẻ, coi tiền tệ như là một "sự kiện xã hội tổng thể", sử dụng lại thuật ngữ của nhà nhân học Marcel Mauss, có nghĩa là một thể chế chính trị, xã hội và đạo đức thực sự.
Michel Aglietta (1938-)

Về bản chất, tiền tệ đại diện cho giá trị – hay nói cách khác, nguyên tắc tương đương – và được coi là thước đo của mọi thứ trong các xã hội hàng hóa. Đó là "chức năng xã hội cụ thể", như Marx đã viết trong bộ Le capital (Tư bản). Theo Michel Aglietta, tiền tệ có thể được định nghĩa là "phương tiện trung gian chung mà thông qua đó cộng đồng hàng hóa trao lại cho mỗi thành viên, bằng hành động chi trả, điều mà cộng đồng cho là đã nhận được từ hoạt động của thành viên ấy”. Việc một thành viên của cộng đồng hàng hóa có được tiền tệ, bù lại cho một sản phẩm hay dịch vụ, đảm bảo cho thành viên có một sức mua xã hội trong cộng đồng, và việc sử dụng tiền tệ đảm bảo có sức trao đổi (kinh tế, xã hội) trong hiện tại và tương lai. Như vậy, tiền tệ giúp giải phóng khỏi những món nợ kinh tế và cả những món nợ xã hội mà bản chất vốn không trả được và có khả năng truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác. Những món nợ trên còn được các nhà nhân học gọi là "nợ đời", bởi vì nó ràng buộc con người từ khi sinh ra, từ việc phụ thuộc vào một tập thể (quan hệ cha mẹ, xã hội, v.v.), đến việc chấp hành các nghĩa vụ xã hội như đóng thuế.
Bản chất chính trị sâu xa
Marcel Mauss (1872-1950)
Fernand Braudel (1902-1985)
Tiền tệ là một kiến tạo xã hội phát sinh từ một thỏa hiệp chính trị (thường mang tính ràng buộc) trong một thời kì nhất định xung quanh một quan niệm nhất định về lợi ích chung và "sống chung". Tiền tệ có được tính chính đáng khi nhận được sự tán đồng của cộng đồng hàng hóa, hay nói cách khác sự tin tưởng tập thể. Thực vậy, qua việc sử dụng tiền tệ, cộng đồng hàng hóa thừa nhận hệ thống thanh toán và năng lực tổ chức của hệ thống để đảm bảo tính đều đặn và liên tục của các khoản thanh toán hàng ngày. Cộng đồng cũng thừa nhận cơ quan quản lý tiền tệ, chịu trách nhiệm phát hành tiền tệ, và tính phù hợp của hệ thống tiền tệ với các giá trị đạo đức của xã hội.
Đó là ba cấp độ tin tưởng vào tiền tệ theo Michel Aglietta và Andre Orlean, để từ đó có thể nắm bắt các cuộc khủng hoảng tiền tệ –về bản chất và mức độ nghiêm trọng– tùy theo cấp độ tin tưởng nào bị đặt thành vấn đề. Niềm tin vào tiền tệ không hề mang tính cố định: tính chính đáng của nó có thể bị tranh cãi khi mà thay vì đảm bảo một sự gắn kết xã hội nhất định, quy tắc tiền tệ thống trị chỉ làm lợi cho một tầng lớp tinh hoa thiểu số trong xã hội và chỉ làm trầm trọng thêm các bất bình đẳng xã hội và tình trạng nghèo đói của xã hội.
Georg Simmel (1858-1918)
Các thời kỳ hình thành tiền tệ và các cuộc khủng hoảng tiền tệ cho thấy rõ bản chất sâu xa mang tính chính trị của tiền tệ. Vì là đại diện của giá trị, tiền tệ là đối tượng của các cuộc xung đột và các nỗ lực chiếm hữu bởi các nhóm xã hội yêu cầu những điều kiện tiếp cận tiền tệ tốt hơn, có khả năng dẫn đến việc tạo ra những đồng tiền song song. Chẳng hạn như các hệ thống giao dịch thương mại địa phương (LETS, Local Exchange Trading System) – hay các creditos ở Argentina, nổi lên từ năm 1995 vì lý do khủng hoảng kinh tế và đã thu hút được hơn hai triệu người sử dụng tại nước này. Với việc sử dụng đồng tiền riêng của mình, các hệ thống thị trường và tiền tệ song song này tượng trưng cho những không gian phản bác quy tắc thống trị tiền tệ (xem Les monnaies alternatives pour transformer la société trong loạt bài này).
Lịch sử tiền tệ cho thấy những trường hợp phản bác tiền tệ triệt để hơn nhiều, khi mà đồng tiền chính thức bị bác bỏ hoàn toàn để nhường chỗ cho một đồng tiền khác. Về mặt này, trường hợp siêu lạm phát của nước Đức vào những năm 1920 có lẽ là một trong những trường hợp gây ấn tượng nhất: sự giảm giá mạnh của đồng mark Đức không chỉ dẫn đến việc sử dụng các phương tiện thanh toán mới của tư nhân được các doanh nghiệp lớn, các hợp tác xã, các ngân hàng địa phương và khu vực phát hành, mà còn dẫn đến việc sử dụng các phương tiện thanh toán bằng hiện vật như thuốc lá. Chỉ thoát khỏi được cuộc khủng hoảng này bằng cách tạo ra một đồng tiền quốc gia mới và một sự thay đổi các định chế chính trị và tiền tệ .
Pepita Ould Ahmed
Các giai đoạn cải cách lớn hay chuyển đổi cũng cho một bài học tương tự. Chẳng hạn như giai đoạn chuyển đổi dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô: kể từ năm 1986, việc tổ chức một trật tự tiền tệ mới là đối tượng của tất cả các cuộc đấu tranh giành quyền lực và gây ảnh hưởng của các giới tinh hoa trong xã hội. Thực vậy, các cuộc chuyển đổi tiền tệ và ngân hàng, đi cùng với các cuộc cải cách hành chính và kinh tế khác, đã giúp họ xác định vị trí của mình trên một sân khấu kinh tế mới đang trong quá trình xây dựng lại.
Do đó, còn hơn cả một công cụ trao đổi đơn giản, một công cụ quản trị trung lập đối với các sự vật kinh tế, tiền tệ từ bản chất đóng vai trò là một véc-tơ có tính liên kết lẫn tính phản bác xã hội.
Pepita Ould Ahmed là nhà nữ nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu vì sự phát triển và là thành viên của phòng thí nghiệm Cessma.
Tự vựng
Chơi hụi: một hình thức tiết kiệm lẫn nhau không chính thức, khá phổ biến ở châu Phi và châu Á.
Trùng khớp nhu cầu: chỉ điều kiện để diễn ra một cuộc trao đổi hàng hóa giữa hai bên, mỗi bên đều mong muốn có được cùng lúc hàng hóa hay dịch vụ do bên kia cung cấp.


Để tìm hiểu thêm
La signification sociale de l’argent (Ý nghĩa xã hội của tiền tệ), của Viviana Zelizer, coll. Liber, Le Seuil, 2005.
La monnaie souveraine (Đồng tiền có chủ quyền), của Michel Aglietta, André Orléan (chủ biên), Odile Jacob, 1998.
L’argent des anthropologues, la monnaie des économistes (Đồng tiền của những nhà nhân học, đồng tiền của những nhà kinh tế) của Eveline Baumann, Laurent Bazin, Pepita Ould Ahmed, Pascale Phelinas, Monique Selim (chủ biên), L'Harmattan, 2008.

La monnaie dévoilée par ses crises (Đồng tiền bị vạch trần bởi các cuộc khủng hoảng của nó), của Bruno Théret (chủ biên), EHESS, 2008.
Les pensées monétaires dans l’histoire. L’Europe, 1517-1776 (Những tư tưởng về tiền tệ trong lịch sử. Châu Âu, 1517–1776), của Jérôme Blanc, Ludovic Desmedt (chủ biên), Classiques Garnier, 2014.
Dette de qui, dette de quoi? Une économie anthropologique de la dette (Nợ của ai, nợ những gì? Kinh tế nhân học về nợ), của Bernard Hours và Pepita Ould Ahmed (chủ biên), coll. Questions contemporaines, série Globalisation et sciences sociales, L’Harmattan, 2013.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La monnaie, vecteur de lien et de contestation sociale, trong La monnaie et ses mystères, Alternatives Economiques HORS–SÉRIES no105, 04/2015.
Print Friendly and PDF