24.6.17

Ấn Độ, phòng thí nghiệm sinh thái của hành tinh



ẤN ĐỘ, PHÒNG THÍ NGHIỆM SINH THÁI CỦA HÀNH TINH
Antoine Ravignan
Ấn Độ, không bao lâu nữa là nước đông dân nhất thế giới, ngày nay đã 1,3 tỷ người, ngày càng có trọng lượng trong việc giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu. Ấn Độ bây giờ là nước phát thải khí nhà kính đứng hàng thứ 4 và các khí thải CO2 bùng nổ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Chắc chắn, Ấn Độ vẫn là một đất nước ở tình trạng cực nghèo, nghèo đói thường xuyên – một phần ba dân số sống dưới mức 1 euro một ngày – trong khi lượng khí thải bình quân đầu người của họ thì đang ở mức dưới cùng của thang đo. Đó là những lập luận mà các nhà lãnh đạo nước này tiếp tục giương cao không mệt mỏi trong hai thập kỷ qua để biện minh cho sự không hành động của họ trước cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu – với những cam kết ở mức rất thấp tại hội nghị COP 21 – và trước sự xuống cấp của môi trường ở tầm địa phương.
Một nước Ấn Độ đang chuyển động
Tuy nhiên, hình ảnh đáng thất vọng này đang che khuất một nước Ấn Độ ngày càng được huy động để bảo vệ môi trường và tài nguyên – đất, rừng, nước, chất lượng không khí, khí hậu... – mà họ phụ thuộc.
Vì thế, Ấn Độ đã trở thành một vườn ươm các giải pháp, không chỉ có giá trị đối với họ mà còn có giá trị đối với khá nhiều phần còn lại của hành tinh
Không phải một nước Ấn Độ nhìn từ thượng tầng, mà là một nước Ấn Độ nhìn từ hạ tầng, một nước Ấn Độ của những công dân làm gia tăng các sáng kiến tiềm tàng cho tương lai và, từ đó thành công trong việc triển khai các sáng kiến đó trên diện rộng. Đó là một nước Ấn Độ đang chuyển động, theo mô tả của nhà báo Bénédicte Manier, một chuyên gia về lục địa và đất nước này, trong cuốn sách mới nhất của được xuất bản vào tháng 4: Made in India. Le laboratoire écologique de la planète [Sản xuất tại Ấn Độ. Phòng thí nghiệm sinh thái của hành tinh] (Ed. Premier Parallèle). Vì thế, Ấn Độ đã trở thành một vườn ươm các giải pháp, không chỉ có giá trị đối với họ mà còn có giá trị đối với khá nhiều phần còn lại của hành tinh, trong tất cả các lĩnh vực, từ việc quản lý chất thải đến việc triển khai các năng lượng tái tạo thông qua việc bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Sẽ là điều rất khó, để đưa ra một cái nhìn tổng quan về sự phong phú này, để lựa chọn trong số hai mươi bài phóng sự của Bénédicte Manier và minh họa cho lời nói của bà: tất cả đều liên quan đến những thách thức được mất có tầm quan trọng như nhau. Nhưng trong bối cảnh của vụ “Dieselgate” [xì-căng-đan về động cơ diesel của hãng Volkswagen – ND] đang làm dư luận xôn xao mấy ngày nay, thì xin giữ lại ví dụ về các bếp đun bằng củi nhằm làm giảm lượng phát thải các hạt siêu nhỏ mang mầm móng ung thư trong các gia đình cũng như là lượng khí thải CO2.
Sức khỏe của chúng ta
Bạn sẽ nói đến mối quan hệ nào? Sức khỏe của chúng ta. Theo thứ tự ưu tiên, chúng ta quan tâm đến sức khỏe của chúng ta nhiều hơn đến lượng khí thải nhà kính, và đó là điều bình thường.
Những kỳ vọng của chúng ta về mặt sức khỏe là đòn bẩy của các chính sách tham vọng hơn về khí hậu
Thế mà những kỳ vọng của chúng ta về mặt sức khỏe là đòn bẩy của các chính sách nhiều tham vọng hơn về khí hậu. Tại châu Âu, những tác động về y tế liên quan đến khí thải của xe ô tô, ngày càng được biết đến nhiều hơn, là một động lực để phi các-bon hóa hệ thống giao thông của chúng ta mạnh hơn rất nhiều việc tuyên truyền về các mối đe dọa của hiện tượng biến đổi khí hậu trong dài hạn. Ở Trung Quốc, chủ yếu bởi vì các tầng lớp trung lưu và thượng lưu đang sống ngột ngạt trong những thành phố bị ô nhiễm mà đất nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất trên thế giới đã quyết định giải quyết các vấn đề về khí hậu một cách nghiêm túc.
Ankit Mathur
Neha Juneja
Điều gì sẽ xảy ra với Ấn Độ và với nhiều nước nghèo khác, nơi mà một phần lớn khí thải xuất phát từ việc các hộ gia đình sử dụng than và củi, trong khi các hạt siêu nhỏ được phát thải từ các bếp chất lượng kém là nguyên nhân gây ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cái chết của 4 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới? Nếu các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã không thực sự nhận thức được rằng sức khỏe của người dân họ và cuộc chiến chống lại thời tiết nóng lên toàn cầu có thể là một phương trình đôi bên cùng có lợi, thì trên thực địa, hàng triệu gia đình đã hiểu khá rõ thách thức được mất, như câu chuyện của Neha Juneja và người cộng tác của cô là Ankit Mathur, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh hưng thịnh về các loại bếp chất lượng lành mạnh và thân thiện với môi trường cho thấy, và như theo lời kể của Bénédicte Manier dưới đây.
Antoine Ravignan
Trích từ cuốn sách “Made in India [Sản xuất tại Ấn Độ]” của Bénédicte Manier (NXB Premier Parallèle)
Một bếp làm giảm lượng khí thải CO2 trong gia đình
Bénédicte Manier

Đó là vào một buổi xế chiều yên tĩnh trên một con đường nhỏ gần Gobindgarh, bang Punjab, vào thời điểm mà các công nhân trang trại đang trở về từ các công việc đồng án. Mặt trời màu cam từ từ khuất đi giữa các hàng cây, tỏa ra một ánh sáng mịn màng. Một chiếc xe bò lớn chất đầy rơm, có hai thiếu niên ngồi trên đó, lăn bánh chầm chậm, lắc lư nặng nề dưới mỗi cái xóc [trên đường gập ghềnh]. Trên vệ đường, ba người phụ nữ đang đi về phía các ngôi nhà nhỏ bằng gạch, có thể thấy được ở xa hơn một chút. Hai trong số ba người phụ nữ đội trên đầu một chiếc giỏ phẳng chất đầy phân bò khô theo hình kim tự tháp một cách ấn tượng, mà họ vừa lấy từ những phân bò được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, được phơi theo những hàng đều đặn, tại một cánh đồng gần đó. Người phụ nữ thứ ba đội trên đầu mình một giỏ đầy củi khô. Trong một vài phút nữa, họ sẽ về đến nhà và sẽ đun lửa trong chulha [bếp] để chuẩn bị bữa ăn.
Nấu ăn trên bếp chulha tương đương với việc hút 20 điếu thuốc lá một ngày
Bếp Chulha
Bếp truyền thống bằng đất sét này, đặt ngay trên sàn nhà và được đốt bằng củi hoặc phân khô, là phương pháp nấu ăn được 850 triệu người dân ở Ấn Độ sử dụng. Nhưng ở nông thôn, những vụ đốt bếp thường nhật này góp phần đáng kể vào việc phát thải khí nhà kính. Và khói từ các vụ đốt bếp này rất độc hại đến mức không khí của các bếp nông thôn, theo WHO, bị ô nhiễm gấp sáu lần nhiều hơn không khí tại New Delhi.Phụ nữ nấu ăn trung bình bốn giờ một ngày trên bếp chulha, đồng nghĩa với việc hút 20 điếu thuốc lá. Bây giờ họ có nhiều khả năng bị bệnh ung thư phổi, trong khi họ chưa bao giờ hút thuốc lá trong đời”, theo lời của Neha Juneja, một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi, người muốn giúp những phụ nữ trên bằng cách thiết kế một bếp chất lượng lành mạnh và thân thiện với môi trường.
Sau khi tốt nghiệp Trường Kinh doanh Mumbai vào năm 2007, Neha và người cộng tác của cô Ankit Mathur có thể làm việc trong một doanh nghiệp lớn. Nhưng họ đã chọn đi khắp các vùng nông thôn Rajasthan và Punjab.Ở Ấn Độ, người thành thị đã hoàn toàn quên mất cách sống ở nông thôn. Chúng tôi muốn làm một cái gì đó để làm giảm hố ngăn cách này. Chúng tôi đã tự hỏi làm thế nào để có thể đáp ứng nhu cầu của các gia đình nông thôn”, theo lời giải thích của Neha.Và điều đã đập vào mắt chúng tôi, là cho dù người ta đã có một máy truyền hình và một chiếc điện thoại di động, nhưng họ vẫn nấu bếp như cách đây một trăm năm. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng sẽ là điều hữu ích nếu phát minh ra một bếp thuận tiện hơn và ít độc hại hơn cho sức khỏe.”
Một bếp để giảm thiểu lao dịch lượm củi
Chúng tôi đã phát triển một nguyên mẫu bếp và vì chúng tôi không có phòng thí nghiệm, nên chúng tôi đã mang nguyên mẫu bếp đó đến các làng của Maharashtra, nơi chúng tôi đã yêu cầu các phụ nữ thử sử dụng nó và cho chúng tôi biết những gì cần thay đổi”, cô cho biết thêm.Sau một năm rưởi thử nghiệm, và với nhiều nguyên mẫu bếp, cuối cùng chúng tôi đã có được một kiểu bếp hình trụ bằng kim loại, đốt 70% nhiên liệu sinh khối ít hơn và còn làm giảm cùng một khối lượng phát thải khói.
Giờ đây, Neha và Ankit đã thương mại hóa kiểu bếp này thông qua doanh nghiệp khởi nghiệp xã hội của họ, Greenway Grameen Infra, trong khi vẫn tiếp tục thu thập ý kiến của những người sử dụng nữ.Tôi thường xuyên đi đến các làng để xem họ nghĩ gì,” Neha cho biết.Họ nói với tôi rằng bếp của họ ít ô nhiễm hơn và họ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn, bởi vì họ phải lượm củi ít hơn và công việc nấu ăn thì nhanh hơn gấp ba lần. Đối với họ, bất cứ điều gì làm giảm sự lao dịch thường nhật của họ đều tốt cả. Còn lợi ích về sức khỏe của họ sẽ chỉ được đo đạc sau nhiều năm nữa.”
Nhưng nếu phụ nữ nhanh chóng được thuyết phục bởi cái bếp này, thì chính những ông chồng mới là người cần thuyết phục”, Neha nhớ lại, “bởi vì chính họ là những người quyết định tất cả mọi thứ trong gia đình. Vì thế, chúng tôi đã thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức tín dụng vi mô và các tổ chức phi chính phủ để giúp các gia đình có được kiểu bếp này”, có giá từ 1.399 đến 2.499 ru-pi (20 đến 34 euro). Về phần các tổ chức đó, một số bang của Ấn Độ đã trợ cấp cho các bộ lạc mua kiểu bếp này.
20 triệu hộ gia đình được trang bị [bếp] trên thế giới
Hai người cộng tác đã nhận tám giải thưởng quốc tế vì sự đổi mới xã hội, đã bán được 280.000 bếp và tiêu thụ 30.000 bếp mỗi tháng, một khối lượng “họ nghĩ sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2015”. Với một nhà máy sử dụng 55 nhân công, họ còn có khách hàng ở Mexico, Uganda, Nam Phi và Bangladesh. Neha và Ankit cũng là những người đồng sáng lập Liên minh Bếp sạch Toàn cầu [Global Alliance for Clean Cookstoves], một mạng lưới quốc tế đã trang bị bếp cho 20 triệu gia đình ở tám quốc gia (Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Ghana, Guatemala, Kenya, Nigeria, Uganda). Tác động tích cực đến đời sống của phụ nữ và trẻ gái (ít cực nhọc hơn, có nhiều thời gian hơn để đến trường) là điều không thể chối cãi. Mạng lưới này muốn trang bị bếp cho 100 triệu hộ gia đình từ nay đến năm 2020, tuy nhiên, điều này cũng chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu.
Ba tỷ người trên thế giới vẫn còn sử dụng những bếp mở, góp phần phát thải khí CO2 và nạn phá rừng, nhưng đặc biệt chúng là nguyên nhân gây ra cái chết của 4 triệu người vì các bệnh lý về đường hô hấp mỗi năm, theo WHO.
Một kiểu bếp sạch khác cũng được tổ chức SEWA (Self Employed Women’s Association – Hội Phụ nữ Tự doanh), tổ chức NGO lớn nhất được thành lập bởi Ela Bhatt, phân phối ở Ấn Độ. Các bếp đó được phân phối bởi một mạng lưới những phụ nữ được trả thù lao trên doanh số bán hàng. Về phần mình, Neha và Ankit giờ đây đang làm việc về một dự án “tủ lạnh sinh thái và một thiết bị di động làm mát nước, cũng nhằm mục đích cải thiện đời sống sinh hoạt hàng ngày tại nông thôn.
Bénédicte Manier
ALTERECOPLUS
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Inde, laboratoire écologique de la planète, AlterecoPlus, 05/11/2015
Print Friendly and PDF