17.6.17

R&D: khi châu Á nghiên cứu và triển khai thành công


R&D: KHI CHÂU Á NGHIÊN CỨU VÀ TRIỂN KHAI THÀNH CÔNG
Một khách tham quan người Hàn Quốc đang trải nghiệm một trò chơi thực tế ảo khi sử dụng sản phẩm Samsung Galaxy S7 Edge tại Hội chợ Hàng điện tử Hàn Quốc (KES2016) ở Seoul ngày 26/10/2016. (Ảnh: Seung-il Ryu/NurPhoto/via AFP)
Có những điệp khúc được hát để ru trẻ em ngủ, có những điệp khúc khác mà người lớn hát với nhau để tránh nhìn thẳng vào sự thật. Trong số những điệp khúc thuộc loại sau, có một điệp khúc liên quan đến Châu Á: người châu Á sao chép và không có khả năng phát minh. Điều đó ngụ ý nói đến người Nhật Bản, rồi đến người Hàn Quốc và giờ đây đến người Trung Quốc.
Ngoài chứng mất kí ức ở tâm điểm của những câu chuyện nói trên, người kể những câu chuyện đó quên rằng sao chép giúp tiến bộ khi bản thân có nhiều nỗ lực. Nếu không, bản sao là một đặc lợi phản tác dụng như một nghiên cứu về những hậu quả của hoạt động gián điệp công nghiệp của Stasi [Bộ An ninh Quốc gia Đức – ND] đã chứng minh: các gián điệp Đông Đức đã thành công trong việc thu thập được tất cả các công nghệ được Tây Đức sử dụng; thế mà, việc thu thập công nghệ đã không cho phép Đông Đức đuổi kịp Tây Đức, mà các bản sao còn có một hiệu ứng loại trừ R&D ở nước Cộng hòa Dân chủ Đức (DRG [Democratic Republic of Germany]). Đây không phải là trường hợp ở châu Á và càng không phải là trường hợp ở Trung Quốc. Như J. M. Howkins, tác giả của một cuốn sách về nền kinh tế sáng tạo[*], đã mỉa mai, nói rằng người Trung Quốc là người sao chép mới chỉ là một nửa sự thật: họ là những người sao chép xuất sắc! Nếu Baidu bắt đầu là một bản sao hoàn hảo của Google, thì công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đã tiến hóa. Sự quan tâm đến bản sao không che giấu được điều cốt lõi. Đồng thời với việc sao chép, các nước châu Á đang đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và triển khai (R&D).
Đầu tư hơn 4 điểm phần trăm GDP vào lĩnh vực R&D, Hàn Quốc là nước đã có những bước tiến nhiều nhất [về R&D] và gần đây đã vượt qua Israel từng đứng đầu trên thế giới. Hai nước này đã hợp tác với nhau từ năm 2001 và chính tại Israel mà tập đoàn Samsung đã thành lập trung tâm nghiên cứu đầu tiên của họ ở nước ngoài. Năm 1999, R&D của Hàn Quốc đã vượt quá 2% GDP, tỷ lệ trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD [Organization for Economic Co-operation and Development]), và mục tiêu của Seoul là đạt được 5% vào năm 2017. Một sự huy động phi thường mà vị thế cạnh tranh của họ đòi hỏi vì đất nước này đang nằm giữa hai gọng kìm. Trong nhiều thập niên qua, Hàn Quốc luôn chạy sau Nhật Bản – đôi khi cũng có vượt qua mặt họ – và kể từ những năm 2000, họ bị Trung Quốc bám sát gót, một nước có tiềm năng đầu tư những khoản tiền đáng kể và tham gia vào những lĩnh vực [R&D] tương tự. Gần ba phần tư các công trình R&D của Hàn Quốc là sản phẩm của khu vực tư nhân và các chaebol lớn nhất là những người thực hiện. Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và mục tiêu là tăng ngân sách lên hơn một nghìn tỉ won vào năm 2020. Mục tiêu: giải thưởng Nobel. Hai mươi mốt nhà khoa học Nhật Bản – trong đó có ba người nhập tịch Mỹ – và bốn người Trung Quốc – trong đó có ba người nhập tịch Mỹ – đã nhận giải thưởng Nobel. Không có người Hàn Quốc nào. Trong hành lang dẫn đến thư viện Kyobo, ở trung tâm Seoul, bên cạnh các bức ảnh của những người được giải thưởng Nobel, có một khung ảnh trống chờ đợi một nhà khoa học người Hàn Quốc sẽ được nhận giải thưởng này trong tương lai. Mỗi năm khi mùa thu đến, cộng đồng khoa học [người Hàn Quốc] lại hy vọng và sự căng thẳng này gây ra những thất vọng! Đó là mười năm trước, người Hàn Quốc đã hy vọng vào một giải thưởng Nobel về sinh học, cho đến khi người ta phát hiện ra rằng ứng viên đã ngụy tạo các kết quả của mình.
Với quy mô đất nước của họ, Trung Quốc có ngân sách nghiên cứu lớn nhất châu Á được đo bằng sức mua tương đương (phù hợp hơn bằng đồng đô la hiện hành) và đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ (lần lượt là 370 và 420 tỷ USD). Ngân sách [nghiên cứu] của họ là ngân sách đang gia tăng nhanh nhất, tỷ lệ trong GDP chuyển từ 1,8% vào năm 2011 lên 2,1% vào năm 2014 và mục tiêu là 2,5% vào năm 2020. Chiến lược của Trung Quốc đã được trình bày trong kế hoạch 2006-2020 được Hội đồng Nhà nước công bố vào năm 1996 và tham vọng của họ là tiến lên từ “Sản xuất tại Trung Quốc [made in China]” thành “được thiết kế tại Trung Quốc [designed in China]”, trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực như năng lượng, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sản xuất hàng không vũ trụ, môi trường hoặc phát triển bền vững. Các doanh nghiệp cung cấp hơn một nửa chi phí, phối hợp với các viện nghiên cứu và các trường đại học. Việc mở cửa cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chiều kích của chính sách này. Khác với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực này, Trung Quốc dựa vào sự hấp dẫn của thị trường của họ để áp đặt những chuyển giao công nghệ và xây dựng các trung tâm nghiên cứu R&D. Hàng trăm doanh nghiệp đã làm điều đó, khi còn do dự trong việc dấn thân vào các nghiên cứu ở một đất nước xem nhẹ vấn đề sở hữu trí tuệ, đã ưu tiên cho phần Triển khai trong nghiên cứu R&D. Đây là trường hợp của các tập đoàn dược phẩm bị thu hút bởi những cơ hội khổng lồ từ việc mở rộng thị trường bảo hiểm y tế. Các Nhà nước trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á huy động ít hơn nhiều: Ấn Độ và Singapore dành 2% GDP vào lĩnh vực R&D và các nước khác thì ít hơn 1%.
Để tránh những độ chênh ở cấp độ quốc gia, hãy thử đánh giá kết quả của những nỗ lực ấy bằng thước đo các bằng sáng chế được đăng ký tại Văn phòng Bằng sáng chế Hoa Kỳ, Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu hàng hóa Hoa Kỳ (USPTO). Từ năm 1995 đến năm 2000, Hàn Quốc đã đăng ký 12.000 bằng sáng chế, ít hơn Pháp (18.000) và ít hơn Nhật Bản mười lần. Từ năm 2010 đến năm 2016, Hàn Quốc đã đăng ký gần bằng với nước Đức và ít hơn Nhật Bản ba lần. Trong khi đó, số lượng bằng sáng chế của Trung Quốc đăng ký đã tăng gấp trăm lần, từ 577 đến gần 60.000, cao hơn Pháp và ít hơn Hàn Quốc một nửa. Ngược lại, số lượng bằng sáng chế của các nước Đông Nam Á vẫn thấp hơn rất nhiều – từ năm 2010 đến năm 2016, theo thứ tự với 200 đối với Indonesia, 880 đối với Thái Lan, 2.000 đối với Malaysia và 7.000 đối với Singapore.
Đăng ký các bằng sáng chế đôi khi cũng là để đáp ứng các mục tiêu chiến lược. Bởi thế, việc sử dụng chỉ báo này để đánh giá các nỗ lực nghiên cứu của các nước là đáng phê phán. Dù sao việc số lượng các bằng sáng chế tăng lên ít nhiều cũng cho thấy sự gia tăng trong lĩnh vực nghiên cứu. Chắc chắn, không phải Trung Quốc, cũng chẳng phải Hàn Quốc là xuất phát điểm của những đột phá công nghệ. Nhưng chớ có quên rằng những đất nước đó đang tiến hành một chiến lược đuổi bắt công nghệ.
Số lượng các bằng sáng chế được Đài Loan, Nhật Bản, Đức, Pháp, Trung Quốc và Hàn Quốc đăng ký tại Văn phòng USPTO (1995-2016)

Giới thiệu tác giả



Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông từng là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, năm 2014).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: R&D: quand l’Asie cherche et trouve, Asialyst, 8 Mars 2017.




[*] J. M. Howkins, tác giả của cuốn sách về nền kinh tế sáng tạo trong một bài viết trên tờ Financial Times, ngày 12/12/2013.

Print Friendly and PDF