14.6.17

Những hậu quả từ quyết định của Trump đối với các doanh nghiệp là gì?



NHỮNG HẬU QUẢ TỪ QUYẾT ĐỊNH CỦA TRUMP ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP LÀ GÌ?
Franck Aggeri, chuyên gia về quản trị doanh nghiệp và đổi mới, là giáo sư về quản trị tại Đại học MINES ParisTech, Đại học PSL Research University và là nhà nghiên cứu tại CGS, Viện liên ngành về Đổi mới (i3), UMR CNRS 9217.
Cuộc họp báo của Donald Trump về việc Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris, ngày 01 tháng 6 năm 2017. Ảnh: AL DRAGO/The New York Times-REDUX-REA?
Quyết định của Donald Trump rút khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu đã tạo ra một sự náo động đáng kể và những lời lên án nhận được sự nhất trí của quốc tế. Ngoài những tác động dây chuyền về mặt chính trị, hậu quả của quyết định này đối với các doanh nghiệp và đối với nền kinh tế là gì? Nó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế [sử dụng năng lượng] carbon thấp như thế nào?
Trước tiên, hãy lưu ý rằng một quyết định như thế không phải là không có tiền lệ. Năm 2001, [tổng thống] George Bush Jr. đã không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto mà người tiền nhiệm của ông, [tổng thống] Bill Clinton, đã ủng hộ. Lựa chọn này dựa vào những lý do tương tự với những lý do của Donald Trump: lo ngại cho khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ, bãi bỏ một thỏa thuận đa phương làm suy yếu chủ quyền quốc gia, các điều không chắc chắn về thực tế biến đổi khí hậu, các đe dọa về việc làm trong các ngành công nghiệp có sử dụng carbon.
Quá trình không thể đảo ngược
Vào thời đó, những chứng cứ khoa học về sự biến đổi khí hậu ít được xác lập rõ ràng bằng ngày hôm nay, và nhiều doanh nghiệp thuộc miền Bắc nước Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác dầu hỏa, đã thực hiện một cuộc vận động hành lang dữ dội, thông qua tổ chức Liên minh khí hậu toàn cầu (GCC), để phản đối bất kỳ hình thức điều tiết nào mang tính ràng buộc. Quyết định này đã tạo ra dấu chấm hết cho tiến trình chính trị được khởi động tại Kyoto, bởi vì cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu vẫn là một sự nghiệp mới nổi và mong manh.
Trong vòng chưa đầy mười năm, chi phí năng lượng mặt trời đã thấp hơn gấp 6 lần trên thế giới
Ngày nay, điều này đã khác khá nhiều. Việc chuyển đổi [sang ngành công nghiệp sử dụng] carbon thấp là một quá trình không thể đảo ngược, kể cả tại Hoa Kỳ, nơi mà các doanh nghiệp, các tiểu bang và các cộng đồng địa phương đã có những cam kết mạnh mẽ. Một vài con số để chứng minh điều nói trên: trong vòng chưa đầy 10 năm, chi phí năng lượng mặt trời đã thấp hơn gấp 6 lần trên thế giới; vào năm 2015, đầu tư vào các ngành năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 300 tỷ US$, trong đó có hơn 100 US$ tại Trung Quốc; lần đầu tiên, các nước mới nổi và các nước đang phát triển đã đầu tư nhiều hơn vào các công nghệ nói trên so với các nước phát triển; năm thứ hai liên tiếp, mức tiêu thụ và sản xuất than đã giảm ở Trung Quốc, nước đã công bố đóng cửa một ngàn mỏ than; nhiều thành phố trên thế giới như San Diego và Vancouver, đã tham gia vào một chính sách năng lượng tái tạo mới 100%; việc làm trong ngành công nghiệp các năng lượng tái tạo chiếm hơn 700.000 việc làm so với 50.000 việc làm trong ngành công nghiệp than. Những phản ứng tiêu cực của các doanh nghiệp lớn của Mỹ, kể cả các doanh nghiệp khai thác dầu hỏa, đối với thông báo về quyết định của Mỹ cho thấy tính mong manh của luận điểm cho rằng thỏa thuận Paris sẽ là một gánh nặng chi phí đối với khả năng cạnh tranh của đất nước.
Toàn cầu hóa cứu vãn môi trường
Về mặt kinh tế, những quyết định của các doanh nghiệp lớn trên thế giới đều dựa trên những tiến trình mang tính dài hạn hơn là dựa trên những lựa chọn mang tính ngẫu nhiên và có thể đảo ngược của quốc gia. Ví dụ, các nhà sản xuất xe ô-tô Mỹ dự kiến những kiểu xe ô-tô cho một thị trường toàn cầu, nơi mà các chuẩn mực khí thải ngày càng nghiêm ngặt được áp dụng cho tất cả các loại xe. Việc buông lỏng các nỗ lực về cắt giảm khí thải, đối với họ, có nghĩa là tự đóng cửa đối với việc tiếp cận các thị trường này. Lập luận này cũng thắng thế đối với tất cả các nhà xuất khẩu công nghiệp của Mỹ trên các thị trường thế giới, những nơi mà tính hiệu quả về mặt năng lượng từ nay đã trở thành một tiêu chí hàng đầu để mua.
Các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp than đang ngày càng bị coi là những “tài sản mục rửa”
Từ nay, các thị trường tài chính xem rủi ro khí hậu như là một rủi ro tài chính hoàn toàn. Về vấn đề này, phản ứng của những quỹ hưu trí lớn của Mỹ, như Calpers hoặc Black Rock, những quỹ đã lên án quyết định của Mỹ, là điều rõ ràng nhất. Vì vậy, các khoản đầu tư trong ngành công nghiệp than đang ngày càng bị coi là những “tài sản mục rửa” (stranded assets – những tài sản bị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không biết phải xoay sở như thế nào), sẽ có nguy cơ cao nhất từ các chính sách ràng buộc về khí hậu, khi chiếm đến 46% lượng khí thải CO2 của ngành công nghiệp năng lượng trên thế giới. Và điều này, bên cạnh các nhân tố thuần túy về mặt kinh tế, đã làm cho ngành công nghiệp than hiện nay đang bị đình trệ do phải chịu đựng trực tiếp khả năng cạnh tranh từ các ngành công nghiệp khí thiên nhiên và khí đá phiến với sản lượng dồi dào và giá cả giảm mạnh.
Một quá trình chuyển đổi được hỗ trợ bởi các chính sách của địa phương
Nhưng liệu quyết định của Mỹ có thể gây thiệt hại cho sự phát triển của các năng lượng tái tạo hoặc các công nghệ cacbon thấp như xe điện không? Một lần nữa, kịch bản này rất khó xảy ra, bởi vì một cuộc khảo nghiệm tỉnh táo về tình hình kinh tế sẽ bắt buộc chính quyền Mỹ phải tính đến một chủ nghĩa thực dụng nào đó. Ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, như chúng ta đã thấy, tạo ra công ăn việc làm gấp 15 lần so với ngành công nghiệp than và đặc biệt là lực lượng lao động đó đã tăng từ 15 lên 20% mỗi năm. Nguyên nhân của mức tăng trưởng này trước hết là do các chính sách tại địa phương của các tiểu bang và các thành phố, mà qua phản ứng cho thấy họ có một nghị trình độc lập so với nghị trình của đất nước.
Các vụ kiện [về môi trường] là thanh gươm Damocles đối với chính quyền của Trump, nếu họ lao vào việc tháo bỏ các luật bảo vệ môi trường trên diện rộng
Thực vậy, Hoa Kỳ là một liên bang, nơi mà chính quyền trung ương có rất nhiều hạn chế so với nước Pháp. Các tiểu bang có khả năng thu thuế, triển khai các chính sách tài khóa, làm luật và thực thi các chính sách duy ý chí. Ví dụ, California đã luôn đóng một vai trò chủ đạo trong việc bảo vệ môi trường. Ngày nay cũng vậy, đó là tiểu bang tiên tiến nhất của Mỹ về mặt năng lượng tái tạo và phát triển những chiếc xe ô-tô [sử dụng năng lượng] sạch. Và việc các doanh nghiệp sáng tạo như Sun Power và Tesla đặt trụ sở chính ở đó không phải là một điều ngẫu nhiên.
Cuối cùng, đừng quên rằng Hoa Kỳ là quốc gia mà các hoạt động tư pháp thuộc loại phát triển bậc nhất trên thế giới. Các vụ kiện về môi trường đã không ngừng gia tăng trong những năm qua, đặt ra một mối đe dọa đáng kể đối với những doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật. Nhưng các hiệp hội bảo vệ môi trường và các bên dân sự khác cũng có thể kiện chính quyền, khi cho rằng chính quyền chưa làm đủ bổn phận kiểm soát của mình hoặc khi chính quyền có những hành động trái pháp luật hoặc trái với các hiệp ước. Thanh kiếm Damocles này có thể là một mối đe dọa nghiêm trọng, nếu chẳng may chính quyền của Trump có ý tưởng, như họ đã công bố, lao vào việc tháo bỏ tất cả các luật ủng hộ việc bảo vệ môi trường.
Một quyết định không có cơ sở kinh tế
Trên cơ sở các yếu tố nói trên, có nhiều khả năng là quyết định của Donald Trump sẽ không làm thay đổi đáng kể quá trình chuyển đổi [việc sử dụng năng lượng] carbon thấp đã được triển khai tại Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới. Cùng lắm là liệu quyết định này tiếp tục hỗ trợ – một cách tạm thời – một số những hoạt động trong tình trạng tồi tệ như ngành sản xuất than.
Vấn đề khí hậu chỉ là một cái cớ để tháo bỏ chủ nghĩa đa phương
Do đó, quyết định của Donald Trump trước hết là một quyết định mang tính ý thức hệ. Vấn đề khí hậu ở đây chỉ là một cái cớ. Vấn đề trước tiên là đánh bại chủ nghĩa đa phương, mà dưới con mắt của Donald Trump, là một bệnh ung thư cần phải chống lại bằng mọi cách để khôi phục chủ quyền quốc gia. Các động cơ mang tính kinh tế chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong quyết định này như đã được chứng minh qua các phê phán nhất trí của khu vực tư nhân. Phải nói rằng sự bất định của chính trị và các quy định bao giờ cũng không tương thích với quyết định quản trị vốn cần có những luật chơi ổn định và dự báo được.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF