5.6.17

Khí hậu: Các đại gia Mỹ thất vọng với sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận Paris



KHÍ HẬU: CÁC ĐẠI GIA MỸ THẤT VỌNG VỚI SỰ RÚT LUI CỦA HOA KỲ KHỎI THỎA THUẬN PARIS
Le Monde.fr với AFP
Các doanh nghiệp sản xuất ô-tô hoặc dầu hỏa đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận khí hậu Paris. CEO của Tesla và CEO của Disney cho biết họ đã rút lui khỏi khỏi hội đồng cố vấn của ông Trump.
Từ ngành công nghiệp dầu hỏa đến ngành công nghiệp ô-tô, nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, vào hôm Thứ năm 1 tháng 6, đã bày tỏ sự thất vọng của họ sau việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận Paris và sự quyết tâm của họ trong việc tiếp tục những nỗ lực làm giảm lượng khí thải CO2.
Elon Musk, người rất được lòng của các phương tiện thông tin đại chúng, CEO của nhà sản xuất xe ô-tô điện Tesla và là người ủng hộ mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo, đã thực thi lời đe dọa của mình. Ông từ bỏ ngay lập tức các chức vụ trong hội đồng cố vấn của Tổng thống Mỹ. Tôi rút lui khỏi hội đồng cố vấn của tổng thống. Biến đổi khí hậu là một điều gì đó có thực. Việc [Hoa Kỳ] rút khỏi [thỏa thuận] Paris là điều không tốt cho nước Mỹ và cho thế giới, ông đã viết trên trang tweet của ông.
Về nguyên tắc, tôi đã gửi đơn từ chức của tôi khỏi Hội đồng cố vấn của tổng thống sau việc Hoa Kỳ rút lui khỏi Hiệp định Paris, Bob Iger, CEO của Disney, đã tuyên bố, cũng trên Twitter, sau đó một chút; nên biết là Disney không chỉ sở hữu các hãng phim Walt Disney mà còn sở hữu các công viên giải trí nổi tiếng và các hãng truyền hình nổi tiếng như ABC và ESPN.
Lloyd Blankfein, tổng giám đốc của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, về phần mình đã cáo buộc, trên dòng tweet đầu tiên của ông được đăng trên mạng xã hội, [việc Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận Paris là] một bước lùi đối với môi trường và đối với vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới.
Hãng sản xuất ô-tô số một của Mỹ, General Motors, về phần mình, đã khẳng định lập trường không thay đổicủa họ về biến đổi khí hậu. Chúng tôi công khai bênh vực hành động và nhận thức về khí hậu, một phát ngôn viên của tập đoàn đã nói với AFP.
Jeff Immelt, CEO của tập đoàn công nghiệp Mỹ General Electric, trên Twitter, cũng đã lên án sáng kiến của Tổng thống Mỹ:
Tôi thất vọng bởi quyết định ngày hôm nay [thứ năm] về việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Paris. Biến đổi khí hậu là điều có thật. Giờ đây ngành công nghiệp phải nắm lấy vai trò dẫn dắt và không nên phụ thuộc vào chính phủ nữa.

ExxonMobil tiếp tục bảo vệ hiệp định

Nhóm giới chủ lớn nhất nước Mỹ, Business Roundtable [Hội nghị bàn tròn các doanh nghiệp] tránh chỉ trích trực tiếp quyết định của ông Trump, nhưng nhấn mạnh đến những hậu quả tiềm tàng của nạn biến đổi khí hậu là nghiêm trọng và có phạm vi ảnh hưởng rất rộng lớn.
Ngay cả những tập đoàn dầu hỏa lớn của Mỹ, mà một cách tiên nghiệm chịu thua thiệt nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng, cũng đã cho thấy sự phản đối của họ và ủng hộ thỏa thuận Paris, nhằm kiềm hãm hiện tượng khí hậu nóng lên.
Ví dụ, ExxonMobil tiếp tục bảo vệ thỏa thuận đã được 195 quốc gia ký kết vào năm 2015, như là một bước tiến quan trọng để giải quyết thách thức toàn cầu về việc làm giảm lượng khí thải, theo lời của một phát ngôn viên của công ty.
Doanh nghiệp số một của ngành công nghiệp này tại Hoa Kỳ cũng cho rằng thỏa hiệp trên rất quan trọng bởi vì nó bao gồm các nước lớn mới nổi như Trung Quốc hay Ấn Độ, để đáp lại lập luận của ông Trump theo đó thỏa thuận này trước hết có hại cho Hoa Kỳ.
Công ty Chevron, đối thủ của ExonMobil, cũng đồng quan điểm và cũng ủng hộ một thỏa thuận tạo ra bước đầu tiên hướng tới một khuôn khổ quốc tếlàm giảm lượng khí thải, theo lời của một nữ phát ngôn viên của họ, Melissa Ritchie.

“Một sự thất bại cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới”

Không ngạc nhiên khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, theo truyền thống có thái độ rất dấn thân về vấn đề khí hậu, cũng đã chỉ trích quyết định của ông Trump, cho rằng quyết định đó đã đóng dấu một sự thất bại cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, theo lời của Trung tâm Information Technology Industry Center [ITI, Trung tâm Công nghiệp Công nghệ Thông tin], trong đó đặc biệt có Apple, eBay hoặc Yahoo!
Sự chống đối gần như nhất trí này là điều không hề ngạc nhiên. Sau nhiều năm cản trở các cuộc đàm phán về hiện tượng khí hậu nóng lên, các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã dần dần quy theo cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu, trong mối quan tâm về hình ảnh thương hiệu cũng như khả năng sinh lời.
Tình hình kinh tế đã thay đổi một cách triệt để. Các nhà đầu tư lớn đang quay lưng lại với các nguồn năng lượng hóa thạch và các doanh nghiệp đã bị sức ép tứ bề để điều chỉnh mô hình tăng trưởng của họ theo hướng một thế giới cắt giảm khí carbon.
Tuy nhiên, sự đồng thuận không phải được giới “Corporate USA [công ty Hoa Kỳ]” chấp nhận hoàn toàn.
Là nhà phê bình dữ dội các quy định về môi trường dưới thời chính quyền Obama, thế lực vận động hành lang trong giới chủ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã có một phản ứng mang tính hòa giải sau công bố rút lui [khỏi hiệp định Paris] của Mỹ.
Chúng tôi mong muốn nhanh chóng làm việc với tổng thống, Quốc hội và tất cả các bên liên quan để đưa ra những đổi mới và những công nghệ cho phép nước Mỹ đạt được các mục tiêu về môi trường của mình, theo tuyên bố của một phát ngôn viên của nhóm người nói trên, nói rằng họ đại diện cho ba triệu doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

*
*    *
RÚT KHỎI THỎA THUẬN PARIS: CÁC DOANH NGHIỆP LỚN CỦA MỸ BỊ KINH HOÀNG
Nhiều nhóm ngay từ bây giờ đã tái khẳng định cam kết của họ về vấn đề môi trường.
Le Monde.fr với AFP02.06.2017 lúc 00h27 Cập nhật 03.06.2017 lúc 11h
Stéphane Lauer (phóng viên tại New York)

Lần này, Donald Trump đã thành công trong việc làm cho mọi người gần như nhất trí chống lại ông. Trong khi, kể từ cuộc bầu cử tổng thống, các doanh nghiệp lớn của Mỹ, bị nhử mồi bởi hứa hẹn cắt giảm thuế suất cho họ, đã quyết định áp dụng một thái độ mang tính xây dựng với vị tổng thống mới, thì quyết định rút khỏi thỏa thuận Paris về khí hậu, hôm thứ Năm 1 Tháng 6, đã gây ra một làn sóng phản đối thực sự từ đại đa số giới kinh doanh.
Hành động mang tính biểu tượng đầu tiên xuất phát từ Elon Musk, CEO của nhà sản xuất xe ô-tô điện Tesla, và từ Robert Iger, ông chủ của Disney, những người đã ngay lập tức từ chức khỏi nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp làm cố vấn cho ông Trump. Việc đứng bên lề là điều không tốt cho nước Mỹ và cho thế giới,” theo lời của Elon Musk, trong khi đối với Robert Iger, sự từ chức này là một vấn đề về nguyên tắc.
Quyết định của ông Trump cũng đã khiến Lloyd Blankfein, CEO của Goldman Sachs, viết lên những dòng Tweet đầu tiên của mình, sau bảy năm tham gia mạng xã hội. Quyết định [rút khỏi thỏa thuận Paris] ngày hôm nay là một bước lùi đối với môi trường và đối với vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới,ông viết.
Từ Microsoft đến General Electric qua Coca-Cola, Ford hoặc Apple, hầu hết các tập đoàn lớn đều bày tỏ sự kinh hoàng của mình. Ngay cả các nhà sản xuất dầu hỏa như Chevron và Exxon Mobil, thường bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích đích danh, cũng đứng về phía bảo vệ thỏa thuận Paris.
Các doanh nghiệp đều biết rằng sự biến đổi khí hậu có tác động trực tiếp đến mô hình kinh doanh của họ và đến các lợi ích trung hạn của họ, theo lời của Gerald Maradan, người sáng lập EcoAct, có trụ sở tại New York, một công ty tư vấn doanh nghiệp trên những chủ đề bất trắc này. Tại Hoa Kỳ, các lĩnh vực như công nghiệp chế biến thực phẩm, dệt may hoặc mỹ phẩm từ nay phải rất cảnh giác đối với những tác động có thể có từ hiện tượng nóng lên của hành tinh đối với việc cung ứng các nguyên liệu thô của họ, trong khi các làn sóng nhiệt hoặc lũ lụt có thể có những hậu quả kinh tế to lớn đến tất cả các doanh nghiệp.
Nếu công bố của ông Trump có một hiệu ứng tai hại đến hình ảnh của Hoa Kỳ, thì nó cũng sẽ gây ra một phản ứng bổ ích từ các doanh nghiệp, thấy cần phải có một trách nhiệm lớn hơn, ông cho biết điều ông muốn tin như vậy. Chẳng hạn, ngay lập tức, đã có nhiều tập đoàn tái khẳng định cam kết của họ về vấn đề môi trường. Ví dụ, IBM đã hứa sẽ “tiếp tục công trình đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ qua để làm giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính, trong khi Nike khẳng định sẽ không đi chệch khỏi mục tiêu chuyển hóa toàn bộ các nhà máy của họ để hoạt động với những năng lượng tái tạo được, từ nay đến năm 2025.
Có hay không có Trump, vẫn có một động thái đã được khởi động và điều này sẽ không dừng lại ngay trong một sớm một chiều, ông Maradan nói tiếp. Tuy nhiên, chúng ta có thể chứng kiến nguy cơ giảm tốc trong việc chuyển đổi sang những năng lượng tái tạo được.Vì vậy, quyết định của ông Trump sẽ dẫn đến một sự suy giảm trong các lĩnh vực công nghiệp nói trên, những ngành sử dụng hơn 780.000 người tại Hoa Kỳ và có tốc độ tăng trưởng cao hơn 17 lần so với phần còn lại của nền kinh tế.
Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng lo ngại rằng sự rút lui của Mỹ sẽ gây ra một phản ứng dây chuyền mà họ có thể bị ảnh hưởng. David MacLennan, ông chủ của Cargill, một đại gia của Mỹ chuyên cung cấp các thành phần thực phẩm và buôn bán các nguyên vật liệu thô đã nói đến một tác động tiêu cực đối với thương mại, đối với sức sống kinh tế (...) và đối với các mối quan hệ của chúng ta trong cộng đồng trên thế giới.

Điệp khúc phản đối

Stephen Harper, Giám đốc chính sách về môi trường và năng lượng tại hãng sản xuất các con chip Intel đã đi đến việc gợi lên những biện pháp trả đũa thương mại từ phía các đối tác của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo ông Maradan kịch bản này ít có khả năng thành hiện thực. Đúng là có một số người kêu gọi áp đặt các loại thuế carbon lên hàng nhập khẩu để trừng phạt Hoa Kỳ, nhưng chúng ta khó có thể tưởng tượng được việc các chính phủ châu Âu hoặc Trung Quốc đi đến hành động này.
Nốt lạc điệu duy nhất trong dàn hòa âm phản đối này xuất phát từ khu vực khai thác mỏ, những người, cùng với các nhà sản xuất xi măng và thép, là một trong những ngành hưởng lợi chính từ sự chệch hướng của ông Trump. Đây là trường hợp của các nhà sản xuất than như Peabody hoặc Murray Energy.
Bằng cách tôn trọng lời hứa của mình, tổng thống Trump đã ủng hộ các giá trị của nước Mỹ một cách không nhân nhượng, cứu vãn việc làm trong ngành sản xuất than và xúc tiến một ngành sản xuất điện với chi phí thấp và đáng tin cho người Mỹ và phần còn lại của thế giới, theo lời khẳng định của CEO của tập đoàn, Robert Murray, người vừa được lại quả khi nhiệt tình ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử của ông ấy.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF