18.8.17

Các bất bình đẳng



CÁC BẤT BÌNH ĐẲNG

SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ SỨC KHỎE
Sự bất bình đẳng và sức khoẻ có mối liên hệ với nhau như thế nào? Càng ngày càng có nhiều bằng chứng từ các nhà khoa học trên thế giới cho thấy rằng nhiều kết quả về sức khỏe - mọi thứ từ tuổi thọ trung bình đến tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và béo phì - có thể có liên quan đến mức độ bất bình đẳng về kinh tế trong một cộng đồng nhất định. Sự bất bình đẳng về kinh tế lớn hơn dẫn đến những kết quả về sức khoẻ tồi tệ hơn.
Đối với các nhà dịch tễ học - những nhà khoa học nghiên cứu sức khoẻ của các cộng đồng, sự bất bình đẳng lớn hơn không chỉ có nghĩa là đói nghèo. Sức khỏe kém và sự nghèo đói đi đôi với nhau. Những nghiên cứu dịch tễ học cho thấy rằng sự bất bình đẳng ở mức cao ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của cả những người giàu có. Nguyên nhân chính mà các nhà nghiên cứu đưa ra để giải thích cho điều này là sự bất bình đẳng làm giảm sự gắn kết xã hội, một động lực dẫn đến tâm trạng căng thẳng hơn, sợ hãi hơn, và mất an toàn hơn cho mọi người.
SỰ SO SÁNH GIỮA CÁC NƯỚC
 
Hình 1: Tuổi thọ trung bình và bất bình đẳng của các nước trên thế giới, 2012
Các nhà kinh tế học và các chuyên gia về sức khoẻ đã biết từ nhiều năm nay rằng, những người sống trong các xã hội nghèo hơn có tuổi thọ thấp hơn. Nhưng nghiên cứu cũng chỉ ra một yếu tố bổ sung trong việc giải thích tuổi thọ: mức độ bất bình đẳng của một xã hội. Con người sống lâu hơn ở các quốc gia có mức bất bình đẳng thấp hơn - được đo bằng hệ số Gini, một tiêu chuẩn toàn cầu.
Hình 2: Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bất bình đẳng của các nước trên thế giới, 2012
Năm 2012, các quốc gia có sự chênh lệch thu nhập giữa các hộ gia đình ở bách phân vị 90 và bách phân vị 10 thấp nhất có tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp đáng kể so với các quốc gia khác. Một hộ gia đình ở bách phân vị 90 có thu nhập cao hơn 90 phần trăm các hộ gia đình.
Hình 3: Sức khỏe tinh thần và bất bình đẳng của các nước trên thế giới, 1975-2011
Các nhà nghiên cứu cũng đang nghiên cứu mối liên hệ giữa bất bình đẳng và sức khoẻ tinh thần. Các nước có sự chênh lệch giàu nghèo càng lớn, nguy cơ có tỷ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt càng cao. Nhìn chung, cứ hệ số Gini của một quốc giá tăng thêm 0,2 điểm thì sẽ làm tăng thêm 8 người mắc bệnh tâm thần phân liệt trên 100.000 người. Các nhà nghiên cứu tin rằng sự bất bình đẳng cao hơn làm giảm sự gắn kết và vốn xã hội, đồng thời làm tăng sự căng thẳng mãn tính.
Hình 4: Hạnh phúc và bất bình đẳng của các nước trên thế giới, 2006- 2012
Bất bình đẳng quá lớn dường như ảnh hưởng đến cách thức mọi người nhận thức sự khỏe mạnh của họ. Ở những quốc gia mà tốp 1% những người giàu nhất nắm giữ càng nhiều thu nhập quốc gia, thì người dân có xu hướng ít cảm thấy mình khỏe mạnh hơn.

BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ SỨC KHỎE Ở HOA KỲ

Cũng tìm thấy được ở Hoa Kỳ mối liên hệ tương tự giữa bất bình đẳng về kinh tế cao và sức khoẻ kém.
Hình 5: Tuổi thọ trung bình và bất bình đẳng ở Hoa Kỳ, 2010
Những điều đúng ở qui mô quốc tế cũng đúng ở Hoa Kỳ: Con người sống lâu hơn ở các bang bình đẳng hơn của quốc gia.
Hình 6: Mức độ căng thẳng theo mức thu nhập của hộ gia đình ở Hoa Kỳ
Các hộ gia đình Hoa Kỳ có thu nhập hàng năm dưới 50.000 USD cho thấy mức độ căng thẳng cao hơn các gia đình khác. Mức độ căng thẳng trung bình đã giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, nhưng khoảng cách về sự căng thẳng giữa các hộ gia đình giàu và nghèo ngày càng tăng.
Hình 7: Những người lao động ở Hoa Kỳ từ 58 tuổi trở lên làm những công việc đòi hỏi về thể chất theo ngũ phân vị lương trong năm 2009 và năm 2014
Những người lao động Mỹ nằm ở vị trí càng thấp trong thang đo kinh tế quốc gia, công việc của họ càng có khuynh hướng đòi hỏi về mặt thể chất. Những công việc như vậy có thể dẫn đến nhiều căng thẳng hơn về thể chất lẫn tinh thần - và chi phí y tế cao hơn. Những người lao động có công việc đòi hỏi cao về thể chất cũng thường nghỉ hưu sớm hơn, trước khi họ có thể đòi hỏi các trợ cấp An Sinh Xã Hội đầy đủ.
Hình 8: Độ tuổi mà những người cao tuổi ở Hoa Kỳ yêu cầu trợ cấp An sinh Xã hội theo mức thu nhập
Một phần ba công dân Hoa Kỳ - những người có thu nhập thấp nhất có khuynh hướng nghỉ hưu sớm hơn so những người Mỹ còn lại, một phần bởi vì công việc của họ thường đòi hỏi nhiều về thể chất. Bởi vì người lao động Mỹ không thể đòi hỏi đầy đủ các khoản trợ cấp hưu trí trước tuổi 66, nên khuynh hướng này làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về kinh tế giữa những người cao tuổi.
Hình 9: Khoản tiết kiệm hưu trí ở Hoa Kỳ
Hàng triệu gia đình Mỹ hiện đang đối mặt với những khó khăn về kinh tế trong những năm nghỉ hưu. Trong khi đó, các giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn của Mỹ lại đang ngồi trên tổ yến hưu trí khổng lồ. Trong năm 2015, khoản tiết kiệm hưu trí của chỉ 100 CEO hàng đầu là 4,9 tỉ USD, một khoản tiền tương đương với toàn bộ lượng tiết kiệm hưu trí của 41% gia đình Mỹ, tức 50 triệu người Mỹ.

BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ THU NHẬP

Thu nhập bao gồm các khoản thu từ tiền công, tiền lương, tiền lãi từ tài khoản tiết kiệm, cổ tức từ cổ phiếu, tiền thuê, và lợi nhuận từ việc bán một cái gì đó với giá cao hơn chi phí mà bạn phải bỏ ra để có nó. Sự bất bình đẳng về thu nhập phản ánh (đề cập) đến mức độ mà thu nhập được phân phối một cách không đồng đều giữa các thành phần trong cộng đồng. Ở Mỹ, bất bình đẳng về thu nhập, hay khoảng cách giữa những người giàu và những người khác, đã tăng lên đáng kể, theo mọi thước đo thống kê chính, trong khoảng 30 năm.
THU NHẬP HỘ GIA ĐÌNH
Hình 1: Thu nhập trung bình ở Hoa Kỳ, 2015
Nguồn: Emmanuel Saez UC Berkeley
Sự chênh lệch về thu nhập đã trở nên rõ nét đến mức thu nhập trung bình của tốp 10% người có thu nhập cao nhất ở Mỹ hiện nay gấp khoảng 9 lần so với thu nhập trung bình của tốp 90% người có thu nhập thấp nhất. Những người Mỹ thuộc tốp 1% người có thu nhập cao nhất có thu nhập vượt trội đến gây sốc. Thu nhập trung bình của họ gấp hơn 38 lần so với thu nhập trung bình của tốp 90% người có thu nhập thấp nhất. Tuy nhiên, khoảng cách đó trở nên lu mờ khi so sánh thu nhập của tốp 0,1% người có thu nhập cao nhất với thu nhập của những người thuộc tốp còn lại. Những người Mỹ thuộc tốp cao ngất ngưỡng này có thu nhập trung bình cao hơn 184 lần so với thu nhập trung bình của tốp 90% người có thu nhập thấp nhất.
Hình 2: Tỷ trọng thu nhập trong tổng thu nhập quốc gia của tốp 1% người có thu nhập cao nhất ở Hoa Kỳ, 1913- 2015
Nguồn: Emmanuel Saez UC Berkeley
Tỷ trọng thu nhập trong tổng thu nhập quốc gia của tốp 1% người có thu nhập cao nhất ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi so với giữa thế kỷ XX. Tỷ trọng thu nhập của tốp 1% người có thu nhập cao nhất ở Mỹ đã đạt mức cao nhất vào cuối những năm 1920, ngay trước khi bắt đầu cuộc Đại Suy thoái.
         
Hình 3: Tỷ trọng thu nhập trong tổng thu nhập quốc gia của tốp 0,01% người có thu nhập cao nhất ở Hoa Kỳ, 1913-2015
Bất bình đẳng ở Mỹ đang tăng lên, ngay cả ở tốp cao nhất. Trong những thập kỷ gần đây, thu nhập của tốp 0,01% người có thu nhập cao nhất nước tăng nhanh hơn nhiều so với phần còn lại của tốp 1% người có thu nhập cao nhất. Thu nhập của tốp 0,01% này đã tăng 7,5 lần trong giai đoạn từ năm 1973 đến năm 2007, từ mức 0,8% lên mức cao nhất mọi thời đại là 6%. Cuộc Đại suy thoái năm 2008 đã làm sụt giảm tỷ trọng thu nhập của tốp 0,01%, nhưng chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Tỷ trọng thu nhập của tốp 0,01% đã phục hồi.
Hình 4: Thu nhập trung bình của tốp 400 người có thu nhập cao nhất, 1992-2014
Thập niên 1990 chứng kiến sự tăng vọt trong thu nhập hàng năm của những người siêu giàu. Theo báo cáo của Sở thuế vụ (Internal Revenue Service), trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2002, thu nhập của 400 người có thu nhập cao nhất đã tăng hơn gấp đôi, ngay sau cả sự phát nổ của bong bóng dot.com vào năm 2000. Vào đầu thế kỷ XXI, sự bùng nổ về kinh tế do bong bóng bất động sản tạo ra làm cho thu nhập trung bình của tốp 400 người có thu nhập cao nhất tăng lên hơn 3 lần ngay trước cuộc suy thoái kinh tế năm 2008.
Hình 5: Thu nhập trước thuế theo ngũ phân vị, 2013
Văn phòng Ngân sách Quốc hội (The Congressional Budget Office) định nghĩa thu nhập trước thuế là “thu nhập thị trường cộng với khoản chuyển nhượng của chính phủ”, hay khá đơn giản là, khoản thu nhập mà một người kiếm được bao gồm cả trợ cấp xã hội từ chính phủ. Các nhà phân tích định nghĩa thu nhập theo một vài cách khác nhau. Nhưng tất cả chúng đều phản ảnh một câu chuyện: Tốp 1% người có thu nhập cao nhất ở Hoa Kỳ kiếm được một khoản thu nhập không cân xứng ngay cả khi so với những người thuộc phân vị cao nhất trong 5 phân vị.
Hình 6: Tốc độ tăng trưởng thu nhập trước thuế của hộ gia đình ở Hoa Kỳ, 1979-2013
Kể từ năm 1979, thu nhập trước thuế của tốp 1% hộ gia đình có thu nhập cao nhất ở Mỹ đã tăng nhanh hơn 4 lần so với thu nhập của tốp 20% hộ gia đình có thu nhập thấp nhất.
Hình 7: Tốc độ tăng trưởng thu nhập sau thuế của hộ gia đình ở Hoa Kỳ, 1979-2013
Văn phòng Ngân sách Quốc hội định nghĩa thu nhập sau thuế là “thu nhập trước thuế trừ các khoản thuế liên bang.” Sau thuế, thu nhập của tốp 1% thậm chí còn tăng nhanh hơn so với trước thuế. Thu nhập trước thuế của tốp 1% bình quân đã tăng 174,5% so với năm 1979. Trong khi, thu nhập sau thuế lại tăng 200,2%. Một hệ thống thuế lũy tiến có chức năng thu hẹp sự chênh lệch trong thu nhập giữa người giàu với người nghèo. Trong những thập kỷ gần đây, hệ thống thuế của Mỹ đã không thực hiện được chức năng thu hẹp này.
TIỀN LƯƠNG CỦA GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH
Hình 8: Tỷ lệ giữa lương của CEO ở các công ty lớn và người lao động tại Hoa Kỳ, 1980-2016
Nguồn: Institute for Policy Studies and AFL-CIO
Tại Hoa Kỳ ngày nay, các nghiệp đoàn có vai trò kinh tế nhỏ hơn nhiều so với các thập kỷ trước. Cùng với việc các nghiệp đoàn đóng một vai trò kinh tế nhỏ hơn, tỷ lệ giữa lương của CEO và người lao động năm 2015 đã tăng lên 8 lần so với năm 1980.

TIỀN LƯƠNG
Hình 9: Lương thực hàng tuần ở Hoa Kỳ, 1979-2016
Nguồn: Bureau of Labor Statistics
Lương ở Hoa Kỳ, sau khi loại bỏ lạm phát, đã bị trì trệ trong hơn ba thập kỷ qua. Mức lương thực hàng tuần của những người lao động Mỹ điển hình và những người lao động có mức lương thấp nhất nước đã tăng rất ít hoặc không tăng.
Hình 10: Lương thực hàng năm ở Hoa Kỳ, 1979-2015
Từ năm 1979 đến năm 2007, thu nhập từ lương của tốp 1% người có thu nhập cao nhất ở Hoa Kỳ đã tăng vọt trên 256%. Trong khi đó, tốp 90% người có thu nhập thấp nhất đã có sự thay đổi rất nhỏ trong thu nhập trung bình của họ, chỉ tăng 16,7% từ năm 1979 đến năm 2014.
Hình 11: Năng suất và thù lao thực theo giờ ở Hoa Kỳ, 1948-2015
Năng suất tăng với tốc độ tương đối ổn định kể từ năm 1948. Nhưng tiền lương của người lao động Mỹ, từ những năm 1970, đã không theo kịp đà tăng này của năng suất. Mức thù lao theo giờ của người lao động có dạng đường thẳng nằm ngang kể từ giữa những năm 1970, và chỉ tăng 15,5% từ năm 1979 đến năm 2013, trong khi năng suất lao động tăng 132,8% trong giai đoạn này.
Hình 12: Tỷ trọng thu nhập và người lao động tham gia nghiệp đoàn của tốp 10% người có thu nhập cao nhất ở Hoa Kỳ, 1917-2014
Một yếu tố khuếch đại sự phân tầng trong thu nhập chính là sự suy yếu của các nghiệp đoàn lao động ở Hoa Kỳ. Khi tỷ trọng người lao động tham gia nghiệp đoàn trong lực lượng lao động đã giảm xuống chỉ còn 11% kể từ thời điểm cao nhất trong những năm 1940 và những năm 1950, thì những người thuộc tốp cao nhất trong thang đo thu nhập đã gia tăng quyền thế của mình để thiết lập các quy tắc kinh tế nhằm có lợi cho mình, từ đó làm tăng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập.
Hình 13: Tỷ trọng phụ nữ trong lực lượng lao động ở Hoa Kỳ theo nhóm thu nhập của người lao động.
Nguồn: Piketty, Saez, and Zucman, 2016
Phụ nữ Mỹ ngày nay hầu như có khuynh hướng làm việc bên ngoài như nam giới, nhưng rào cản vô hình (ND: glass ceiling - rào cản vô hình/ trở ngại ngầm mà cản trở phụ nữ hay một nhóm người nào đó tiếp cận những công việc tốt nhất trong công ty hay bộ máy chính quyền… dẫu rằng không có một qui định chính thức nào cản trở họ tiếp cận các công việc đó) vẫn chưa bị phá vỡ. Tỷ trọng phụ nữ trong tốp 10% những người lao động có thu nhập cao nhất chỉ có 27%, và ở tốp thu nhập càng cao tỷ trọng phụ nữ càng thấp. Trong tốp 1% những người lao động có thu nhập cao nhất thì tỷ trọng phụ nữ là gần 17%, và đối với tốp 0,1% thì tỷ trọng phụ nữ chỉ là 11%.
Hình 14: Số tiền thưởng ở Phố Wall và thu nhập của những người hưởng lương tối thiểu.
Trong năm 2016, các ngân hàng ở Phố Wall đã trao 24 tỉ USD tiền thưởng cho 177.000 nhân viên ở New York, số tiền này gấp 1,6 lần tổng thu nhập của 1.075.000 người Mỹ đang làm việc toàn thời gian tại mức lương tối thiểu hiện hành của liên bang là 7,25 USD/giờ.
Hình 15: Số tiền thưởng ở Phố Wall và chi phí lương tối thiểu, 21016
Số tiền thưởng năm 2016 của Phố Wall đủ nhiều để nâng thù lao cho toàn bộ 3,2 triệu nhân viên làm việc tại cơ sở thức ăn nhanh ở Hoa Kỳ, hoặc cho toàn bộ các nhân viên chăm sóc y tế tại nhà, hoặc cho toàn bộ các nhân viên phục vụ và nhân viên pha chế ở các nhà hàng lên thành 15 USD/ giờ. Tăng thu nhập cho những người lao động đang hưởng mức lương thấp tạo ra những tác động dây chuyền tốt cho kinh tế mạnh mẽ hơn so với tăng tiền thưởng cho những người giàu, bởi vì người nghèo có khuynh hướng phải chi tiêu hầu như mọi đồng mà họ kiếm được, trong khi những người giàu có thể đủ điều kiện để tiết kiệm phần thu nhập tăng thêm.

BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ TÀI SẢN

Chúng tôi đánh đồng tài sản với “giá trị tài sản ròng”, tổng toàn bộ tài sản của bạn trừ đi nợ của bạn. Tài sản có thể bao gồm tất cả mọi thứ từ nhà ở thuộc sở hữu tư nhân và tiền trong tài khoản tiết kiệm đến các khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, bất động sản, cùng với số dư trong các tài khoản hưu trí. Nợ bao gồm những khoản nợ của một hộ gia đình như: khoản vay mua ôtô, dư nợ trong thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên, khoản vay thế chấp bất động sản, hay bất kì hóa đơn nào khác chưa được thanh toán.
Ở Hoa Kỳ, bất bình đẳng về tài sản thậm chí còn rõ nét hơn bất bình đẳng về thu nhập.
400 NGƯỜI GIÀU NHẤT THEO TẠP CHÍ FORBES
Hình 1: Tài sản ròng của 400 người giàu nhất (tỉ USD)
Nguồn: Forbes
Chỉ báo dễ thấy nhất về sự bất bình đẳng trong tài sản ở Mỹ ngày nay có thể là danh sách 400 người giàu nhất nước của tạp chí Forbes. Năm 1982, người Mỹ “nghèo nhất” được ghi vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ đầu tiên do tạp chí Forbes bình chọn hàng năm có giá trị tài sản ròng là 80 triệu USD. Thành viên trung bình trong danh sách đầu tiên đó có giá trị tài sản ròng là 230 triệu USD. Năm 2015, người giàu ở Mỹ cần phải có 1,7 tỉ USD để được tham gia Forbes 400, và thành viên trung bình nắm giữ 5,8 tỉ USD, gấp 10 lần so với mức trung bình ở năm 1982 sau khi điều chỉnh lạm phát.
Hình 2: Tài sản ròng của 400 người giàu nhất (tỉ USD).
Nguồn: Forbes
Bất bình đẳng đang tăng vọt ngay cả trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của tạp chí Forbes. Giá trị tài sản ròng của thành viên giàu nhất trong danh sách Forbes 400 đã tăng vọt từ 2 tỉ USD năm 1982 lên 76 tỉ USD vào năm 2015, vượt xa ngưỡng gia nhập và mức trung bình của danh sách Forbes 400.
TÀI SẢN CỦA HỘ GIA ĐÌNH
Hình 3: Tài sản của các hộ gia đình ở Hoa kỳ tính theo nghìn tỉ USD của 2013
Nguồn: Congressional Budget Office, “Trends in Family Wealth, 1989-2013
Trong một phần tư sau cùng của thế kỷ vừa qua, chỉ có những gia đình giàu nhất nước Mỹ mới gia tăng thêm giá trị tài sản ròng của mình.
Hình 4: Tỷ trọng tài sản ở Hoa Kỳ, 1913- 2012
Trong thế kỷ vừa qua, tỷ trọng tài sản được những người giàu nhất nước nắm giữ trong tổng tài sản của người Mỹ đã thay đổi đáng kể. Tỷ trọng này đạt đỉnh vào cuối những năm 1920, ngay trước cuộc Đại Suy thoái, sau đó sụt giảm hơn một nửa trong ba thập kỷ tiếp theo. Nhưng xu hướng “san bằng” vào giữa thế kỷ 20 đã hoàn toàn biến mất. Ở tốp cao nhất trong chóp kinh tế Mỹ, những người giàu nhất nước hiện nay chiếm tỷ trọng tài sản lớn như trong những năm 1920.
Hình 5: Giá trị tài sản ròng trung vị của hộ gia đình ở Hoa Kỳ năm 2000 và năm 2011.
Thế kỷ 21 đã không được “tốt lành” đối với các gia đình Mỹ bình thường. Giá trị tài sản ròng -tổng tài sản trừ đi các khoản nợ- của hầu hết các hộ gia đình Mỹ đều sụt giảm trong giai đoạn 2000-2011. Chỉ có hai phân vị cao nhất trong ngũ phân vị của phân phối tài sản quốc gia cho thấy sự gia tăng ròng trong giá trị tài sản ròng trung vị ở giai đoạn đó.
Hình 6: Tỷ trọng tài sản theo doanh mục tài sản ở Hoa Kỳ năm 2013
Người giàu không chỉ có nhiều tài sản hơn người khác. Tài sản của họ tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau nhưng chủ yếu dưới dạng các tài sản có khả năng sinh lời cao. Ví dụ, Tốp 1% người giàu nhất nắm giữ gần một nửa tài sản quốc gia dưới dạng các khoản đầu tư vào cổ phiếu và quỹ tương hỗ. Phần lớn tài sản của người Mỹ thuộc tốp 90% người nghèo nhất tồn tại dưới dạng nhà ở chính của họ, loại tài sản bị tổn thương nhiều nhất trong thời kỳ Đại Suy thoái. Những người Mỹ này cũng gánh chịu gần ba phần tư nợ của người Mỹ.

SỰ PHÂN CHIA TÀI SẢN THEO SẮC TỘC, CHỦNG TỘC
Hình 7: Tài sản ròng của 400 người giàu nhất so với tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ gốc Phi và gốc La tinh, 2015.
Các tỉ phú thuộc danh sách 400 người Mỹ giàu nhất hiện nay theo tạp chí Forbes có khối tài sản bằng khối tài sản của tất cả các hộ gia đình người Mỹ gốc Phi và của một phần ba người Mỹ gốc La tinh cộng lại. Nói cách khác, chỉ 400 cá nhân cực giàu đã có khối tài sản bằng khối tài sản của 16 triệu gia đình người Mỹ gốc Phi và 5 triệu gia đình người Mỹ gốc La tinh cộng lại.
Hình 8: Tỷ số giữa tài sản trung bình của hộ gia đình người Mỹ da trắng với tài sản trung bình của hộ gia đình người Mỹ da đen, 1983- 2013
Cuộc Đại Suy thoái đã khiến cho tỷ số tài sản theo chủng tộc và sắc tộc vốn tồn tại lâu đời ở Hoa Kỳ trở nên trầm trọng hơn. Cuối thế kỷ XX, gia đình người Mỹ da trắng điển hình nắm giữ lượng giá trị tài sản ròng gấp 6 lần so với gia đình người Mỹ da đen điển hình. Ngày nay, tỷ số đó đã tăng gấp đôi. Chênh lệch tài sản giữa các hộ gia đình người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Tây Ban Nha cũng đã tăng lên.

BẤT BÌNH ĐẲNG TRÊN TOÀN CẦU

Theo dõi sự bất bình đẳng ở quy mô toàn thế giới có thể đặt ra nhiều thách thức về mặt thống kê cho các nhà nghiên cứu. Trước hết, các nước khác nhau kiểm đếm thu nhập và tài sản theo những cách khác nhau, và một số nước kiểm đếm số liệu thống kê hầu như không đáng tin cậy chút nào. Nhưng các nhà nghiên cứu trên thế giới đang ngày càng đối phó với những thách thức này. Chúng tôi giới thiệu một số kết quả chính từ nghiên cứu của họ và nhận dạng các nguồn nghiên cứu chủ chốt như bên dưới.
Hình 1: Dân số toàn cầu theo nhóm thu nhập
Tỷ lệ dân số toàn cầu được định nghĩa là “nghèo” - những người kiếm được ít hơn 2 USD/ngày - đã giảm gần phân nửa so với năm 2001, xuống còn 15%. Nhìn chung, thế giới trở nên “giàu có” hơn so với đầu thiên niên kỷ. Đáng chú ý là, những người có thu nhập trung bình (từ 10 đến 20 USD/ngày) trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi, từ 7 lên 13%.
Hình 2: Người trưởng thành trên toàn cầu và tỉ trọng tài sản trong tổng tài sản toàn cầu theo nhóm tài sản, 2015
Nguồn: Credit Suisse Research Institute, Global Wealth Report 2015
Gần ba phần tư người trưởng thành trên thế giới sở hữu khối tài sản dưới 10.000 USD. 71% người trưởng thành trên thế giới ở trên chỉ nắm giữ 3% tài sản toàn cầu. Những người giàu nhất thế giới, những người mà sở hữu khối tài sản trên 100.000 USD, chỉ chiếm 8,1% dân số toàn cầu, nhưng lại nắm giữ 84,6% tài sản toàn cầu.
Hình 3: Phần trăm triệu phú thế giới theo nước, 2015
Nguồn: Credit Suisse Research Institute, Global Wealth Report 2015
Các nước phương Tây và các nước châu Âu chiếm phần lớn triệu phú của thế giới. Khoảng 78% triệu phú của thế giới sống ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, với gần phân nửa số triệu phú “gọi Hoa Kỳ là nhà”. Chỉ một số nước không thuộc phương Tây nhưng chiếm tỷ lệ triệu phú đáng kể: các cường quốc công nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan.
Hình 4: Những người sở hữu tài sản cao theo dân số toàn cầu và tỉ trọng tài sản toàn cầu, 2014
“Những người sở hữu giá trị tài sản ròng cực cao” -thuật ngữ nghệ thuật chỉ những người giàu sở hữu khối tài sản có giá trị hơn 30 triệu USD của ngành quản lý tài sản- nắm giữ một tỷ trọng tài sản toàn cầu không cân xứng đến kinh ngạc. Những chủ sở hữu tài sản này sở hữu đến 12,8% tổng tài sản toàn cầu, nhưng chỉ chiếm một tỷ lệ vô cùng nhỏ trong dân số thế giới.
Hình 5: Giá trị tài sản của 10 tỉ phú giàu nhất thế giới và GDP của các nước, 2016
Nguồn: IPS analysis of Forbes’s 2016 Billionaire list and IMF 2016 GDP Projections
Theo tạp chí Forbes, 10 tỉ phú giàu nhất thế giới sở hữu tổng tài sản lên đến 505 tỉ USD, một khoản tiền lớn hơn tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ mà hầu hết các quốc gia sản xuất ra trong một năm.
Hình 6: Tỷ lệ giữa tài sản trung vị của tốp 5% người giàu nhất với tài sản trung vị theo nước, 2010
Nguồn: OECD Wealth Distribution Database, 2010 or latest available year
Sự chênh lệch trong sở hữu tài sản ở Hoa Kỳ rộng và nhiều gấp đôi so với sự chênh lệch trong sở hữu tài sản ở các nước công nghiệp còn lại.
Hình 7: Tài sản trung bình của tốp 1% người giàu nhất theo nước, 2010
Nguồn: OECD Wealth Distribution Database, 2010 or latest available year
Tốp 1% người giàu nhất Hoa Kỳ trung bình sở hữu khối tài sản có giá trị 15 triệu USD, con số này tương đương ở tiểu quốc thịnh vượng Luxembourg. Không có tốp 1% người giàu nhất của quốc gia nào sở hữu khối tài sản bằng phân nửa khối tài sản của tốp 1% người giàu nhất ở Hoa Kỳ hay Luxembourg.
Hình 8: Số người sở hữu giá trị tài sản ròng cao trên toàn cầu, 2014
Nguồn: Capgemini and RBC Wealth Management, World Wealth Report, 2015
Capgemini và Công ty quản lý tài sản RBC định nghĩa một “người sở hữu giá trị tài sản ròng cao” là người sở hữu khối tài sản ít nhất 1 triệu USD. Phần lớn triệu phú thế giới sở hữu ít hơn 5 triệu USD.
Hình 9: Tỷ trọng tài sản của những người sở hữu giá trị tài sản ròng cao trên toàn cầu, 2014
Nguồn: Capgemini and RBC Wealth Management, World Wealth Report, 2015
Một tỷ lệ nhỏ triệu phú thế giới chiếm đại đa số tài sản của giới triệu phú.
Hình 10: Số người sở hữu giá trị tài sản ròng cao theo nước, 2014
Nguồn: Capgemini and RBC Wealth Management, World Wealth Report, 2015
Hoa Kỳ thống trị số người sở hữu giá trị tài sản ròng cao trên toàn thế giới, với hơn 4,3 triệu người sở hữu ít nhất 1 triệu USD tài sản tài chính (không bao gồm nhà ở chính hay hàng tiêu dùng).
Hình 11: Số người trưởng thành sở hữu khối tài sản ròng ít nhất 50 triệu USD theo nước, 2015
Nguồn: Credit Suisse, Global Wealth Databook, 2015
Hoa Kỳ đã trở thành nước có số người trưởng thành sở hữu khối tài sản ít nhất 50 triệu cao hơn gấp đôi so với 5 nước nhiều tiếp theo cộng lại.
Hình 12: Tỷ trọng tài sản của tầng lớp trung lưu trong tổng tài sản quốc gia, 2015
Nguồn: Credit Suisse, Global Wealth Databook, 2015
Tỷ trọng tài sản (ND: trong tổng tài sản quốc gia) của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ chưa đầy phân nửa so với tỷ trọng tài sản của tầng lớp trung lưu ở nhiều nước phát triển khác.
Hình 13: Tài sản trung vị của mỗi người trưởng thành, 2015
Nguồn: Credit Suisse, Global Wealth Databook, 2015
Hoa Kỳ có nhiều tài sản hơn bất kỳ nước nào khác. Nhưng phân phối tài sản của người Mỹ lệch trái nhiều khiến cho người trưởng thành Mỹ điển hình sở hữu ít tài sản hơn so với người trưởng thành điển hình ở các nước công nghiệp khác.

CÁC NHÀ THEO DÕI TÀI SẢN TOÀN CẦU
Một số tổ chức và học giả hiện đang theo dõi việc phân phối của thu nhập và tài sản trên toàn thế giới.

OECD

Một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Paris được tài trợ bởi các nước phát triển trên thế giới, OECD phân tích các xu hướng bất bình đẳng và nghèo đói của các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi, đồng thời cung cấp dữ liệu cấp quốc gia về nhiều chỉ báo khác nhau, bao gồm bất bình đẳng trong thu nhập và tài sản. Tổ chức này cũng xem xét các động lực thúc đẩy sự bất bình đẳng, đồng thời đánh giá hiệu quả và hiệu năng của một loạt các chính sách trong việc giải quyết sự nghèo đói và thúc đẩy tăng trưởng cho mọi người hơn.

Nghiên cứu thu nhập ở Luxembourg

Các học giả liên quan đến Nghiên cứu Thu nhập ở Luxembourg đã tạo ra một kho dữ liệu xuyên quốc gia, về cả thu nhập và tài sản, nhằm giải quyết những thách thức trong việc thu thập dữ liệu có thể so sánh về sự bất bình đẳng trên thế giới. Nhưng dự án này vẫn là một nguồn thông tin cơ bản cho các nhà nghiên cứu hơn là một nguồn thông tin cho công chúng.

Cơ sở dữ liệu về thu nhập và tài sản thế giới

Nỗ lực trực tuyến có tính tương tác này, ban đầu được gọi là Cơ sở dữ liệu về thu nhập của những người giàu nhất thế giới (World Top Incomes Database), cung cấp cho các học giả và công chúng một cửa sổ để có thể truy cập vào thu nhập và tài sản của những người giàu nhất thế giới. Những người truy cập vào trang web có thể so sánh tỷ trọng về thu nhập và tài sản qua biểu đồ và theo thời gian của những người giàu có tại hơn hai mươi nước khác nhau. Và kết nối các so sánh có thể hoàn toàn thao tác để biết về 0,01% người giàu nhất.

Các định chế tài chính

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp ngành tài chính toàn cầu đã đưa ra các tính toán hàng năm của họ về mức độ tập trung tài sản trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp này bao gồm Capgemini và Công ty quản lý tài sản RBC, Tập đoàn Tư vấn Boston, Công ty Wealth-X tại Singapore, Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, Ngân hàng Allianz của Đức, và Tập đoàn quản lý tài sản Knight Frank.
Mỗi báo cáo mà các doanh nghiệp này đưa ra đều có một cách tiếp cận hơi khác trong việc đánh giá sự tập trung tài sản. Ví dụ, Capgemini và Công ty quản lý tài sản RBC tập trung vào “những người có giá trị tài sản ròng cao”, những người giàu có nắm giữ tài sản cá nhân trị giá ít nhất 1 triệu USD, không bao gồm nhà ở chính, các bộ sưu tập và hàng tiêu dùng. Tập đoàn Tư vấn Boston phân tích các hộ gia đình triệu phú. Các nhà nghiên cứu ở Wealth-X và UBS tập trung đến số liệu thống kê về những người giàu có sở hữu giá trị ít nhất là 30 triệu USD.
Báo cáo tài sản hàng năm có tham vọng nhất trong ngành tài chính là báo cáo của Viện Nghiên cứu Credit Suisse ở Zurich. Credit Suisse ước lượng giá trị tài sản ròng -cả tài sản tài chính và tài sản “thực” như nhà ở- của tất cả những người trưởng thành trên thế giới.

Các doanh nghiệp truyền thông

Chuỗi dữ liệu dài nhất và vẫn đang được cập nhật về các ước tính liên quan đến sự tập trung tài sản của những người giàu nhất trên thế giới được đưa ra bởi tạp chí Forbes. Forbes kiểm đếm hàng năm tài sản của các tỉ phú trên thế giới.
Tập đoàn xuất bản Bloomberg trong những năm gần đây đã cùng tham gia với Forbes trong không gian này. Chỉ số Bloomberg Billionaires hàng ngày xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Bức tranh lớn toàn cầu.
Branko Milanovic, một học giả cao cấp trong Khảo sát Thu nhập ở Luxembourg ngày nay thuộc Trung tâm sau đại học New York của Đại học Thành phố (the City University of New York’s Graduate Center), đã tiến hành nghiên cứu nghiêm ngặt nhất về bức tranh bất bình đẳng trong thu nhập toàn cầu. Nghiên cứu của ông đã cho thấy sự bất bình đẳng gia tăng trong các nước, nhưng giảm nhẹ đối với toàn cầu, các tầng lớp trung lưu mới nổi ở Trung Quốc và Ấn Độ, và thu nhập của các gia đình điển hình ở Hoa Kỳ cũng như các nước giàu khác cũng trì trệ và thậm chí giảm sau khi loại bỏ lạm phát. Tuy nhiên, Milanovich đã cảnh báo, sự sụt giảm nhẹ trong bất bình đẳng tổng thể trên toàn cầu này có thể là hão huyền, bởi vì dữ liệu quốc gia sẵn có thường định giá thấp thu nhập của tốp 1% những người có thu nhập cao nhất và có nhiều nơi trú ẩn thuế toàn cầu che giấu nhiều thu nhập của những người rất giàu. Năm 2016, Milanovich xuất bản cuốn bất bình đẳng trên toàn cầu: Một phương pháp tiếp cận mới cho thời đại toàn cầu hoá, cho thấy sự bất bình đẳng toàn cầu diễn tiến như thế nào trong chu kỳ, gây ra bởi chiến tranh và bệnh tật, sự gián đoạn công nghệ, tiếp cận với giáo dục và tái phân phối.

Liên hiệp quốc

Năm 2006, các học giả của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Thế giới thuộc Đại học Liên Hiệp Quốc (the United Nations University’s World Institute for Development Economics Research) đã công bố bài báo đầu tiên nhằm kiểm đếm, trên toàn thế giới, tất cả các thành phần chính trong tài sản của hộ gia đình, từ các tài sản tài chính và nợ đến đất đai, nhà cửa và các tài sản hữu hình khác. Dựa trên dữ liệu năm 2000, nghiên cứu này cho thấy rằng, tốp 1% những người trưởng thành giàu nhất thế giới, những người sở hữu giá trị tài sản ròng ít nhất 514.512 USD, nắm giữ 39,9% tài sản thuộc hộ gia đình trên thế giới, và tổng tài sản của tốp này lớn hơn tổng tài sản của tốp 95% những người nghèo nhất thế giới - những người sở hữu dưới 150.145 USD tài sản ròng.
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch
Nguồn: Inequality and Health, Inequality.Org
Print Friendly and PDF