6.8.17

Kể từ hôm nay, nhân loại sống nhờ vào sự vay mượn



KỂ TỪ HÔM NAY, NHÂN LOẠI SỐNG NHỜ VÀO SỰ VAY MƯỢN
Hôm Thứ tư vừa qua, chúng ta đã tiêu thụ hết các tài nguyên thiên nhiên mà hành tinh có thể cung ứng trong một năm. “Ngày Trái đất sử dụng vượt mức tài nguyên” này luôn diễn ra sớm hơn.
Ngày tiền định, và luôn diễn ra sớm hơn. Kể từ thứ Tư 2 tháng 8, nhân loại sống nhờ vào sự vay mượn: nhân loại đã tiêu thụ hết, chỉ trong vòng bảy tháng, tất cả các tài nguyên mà Trái đất có thể cung ứng trong một năm. Vì vậy, từ nay cho đến cuối năm 2017, để tiếp tục uống, ăn, sưởi ấm hoặc di chuyển, chúng ta sẽ phải khai thác thêm các hệ sinh thái và gây tổn hại đến khả năng tái tạo của chúng.
Ngày Trái đất sử dụng vượt mức tài nguyên” (“Earth overshoot day”) này được tổ chức Global Footprint Network, một viện nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Oakland (California), tính toán hàng năm. Nhờ vào hơn 15.000 dữ liệu của Liên Hợp Quốc, họ so sánh dấu vết sinh thái của con người, đo lường mức độ khai thác các tài nguyên thiên nhiên của Trái Đất, với năng lực sinh học của hành tinh, có nghĩa là khả năng tái tạo các nguồn dự trữ [chất sinh học hữu dụng – ND] và hấp thụ các chất thải khí nhà kính [do con người tạo ra – ND]. Theo tính toán của họ, mức tiêu thụ của nhân loại đã vượt 70% các tài nguyên sẵn có. Nói cách khác, mức này tương đương với 1,7 hành tinh cần thiết để đáp ứng các nhu cầu của con người.
Chúng ta đang phải gánh khoản nợ này, bởi vì chúng ta phá rừng với một nhịp độ lớn hơn nhịp độ tăng trưởng của rừng, chúng ta đánh bắt cá ở biển nhiều hơn mức chúng được sinh sôi mỗi năm, và chúng ta thải ra chất carbon vào khí quyển nhiều hơn mức mà rừng và đại dương có thể hấp thụ. Hậu quả của sự tiêu thụ vượt mức này đã được cảm nhận: tình trạng phá rừng, giảm sút mức đa dạng sinh học, tình trạng thiếu nước, mức độ axit hóa của các đại dương, nạn xói mòn đất, sự tích tụ chất thải hoặc sự gia tăng nồng độ CO2 trong khí quyển đã tác động đến toàn bộ địa cầu.
Một thời điểm luôn diễn ra sớm hơn
Với nguồn tài nguyên vẫn còn dư thừa vào năm 1961, với một phần tư trữ lượng chưa được tiêu thụ, Trái đất đã sử dụng thâm hụt nguồn tài nguyên vào năm 1970. Và ngày sử dụng vượt mức tài nguyên luôn diễn ra sớm hơn. Ngày này rơi vào ngày 05 tháng 11 năm 1985, ngày 01 tháng 10 năm 1998, ngày 20 tháng 8 năm 2009. Tuy nhiên, kể từ đầu thập niên, sự tăng tốc của lịch thời gian ngày càng chậm hơn. Dù sao với nhịp độ này, chúng ta cũng phải cần đến hai hành tinh vào năm 2030. Nguyên nhân là sự tăng trưởng dân số thế giới, nhưng đặc biệt là các lối sống luôn thèm thuồng các nguồn tài nguyên và phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí đốt).
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều chịu trách nhiệm theo những tỷ lệ giống nhau. Với mức sống của người dân Úc hoặc Mỹ, thì phải cần đến hơn năm hành tinh để sống. Đối với người Pháp, họ cần đến ba hành tinh, người Trung Quốc cần đến 2,1 hành tinh, cao hơn nhiều so với người Ấn Độ đạm bạc (0,6 hành tinh). Tính theo tài nguyên của mỗi quốc gia, Nhật Bản sẽ cần đến bảy nước Nhật, Italia cần đến bốn nước Italia và Anh cần đến bốn nước Anh mới có thể đáp ứng sức tiêu thụ hiện nay của họ. Tổng cộng, dấu vết sinh thái của các nước phát triển là năm lần lớn hơn so với dấu vết sinh thái của các nước nghèo.
Mathis Wackernagel (1962-)
Hành tinh của chúng ta có giới hạn, nhưng khả năng của con người thì không. Sống với các nguồn lực mà hành tinh của chúng ta cung ứng là điều khả dĩ về mặt công nghệ, là điều có lợi về mặt tài chính và là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta vì một tương lai thịnh vượng, là lời cảnh báo của Mathis Wackernagel, Chủ tịch của tổ chức Global Footprint Network. Nếu chúng ta có thể đẩy lùi ngày thế giới sử dụng vượt mức [tài nguyên] xuống 4,5 ngày mỗi năm, theo tính toán của tổ chức phi chính phủ, thì chúng ta sẽ tìm lại được sự cân bằng của việc tiêu thụ các tài nguyên của một Trái Đất duy nhất từ nay đến năm 2030.
Chỉ báo không hoàn hảo nhưng xác đáng
Tuy có công nâng cao nhận thức của cộng đồng rộng rãi, nhưng chỉ báo của dấu vết sinh thái cũng bị chỉ trích. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chỉ báo đó đơn giản hoá thực tế và sử dụng những phương pháp tính toán và dữ liệu đôi khi không đầy đủ. Ví dụ, chỉ báo không xem xét mức độ phá hủy sự đa dạng sinh học và sự cạn kiệt của lòng đất và không hạch toán một cách trực tiếp mức độ tiêu thụ nước sinh hoạt.
Giống như tất cả các chỉ báo tổng gộp, nó có những hạn chế: đó cũng là trường hợp của tổng sản phẩm nội địa (GDP), như lời nhận xét của Dominique Bourg, nhà triết học và giảng viên tại Đại học Lausanne. Nhưng không vì thế mà tước đi tính chính đáng của dấu vết sinh thái: đó là một công cụ sư phạm chỉ cho thấy những xu hướng, cụ thể là chúng ta đang sống vượt mức các khả năng của chúng ta, và có thể hướng dẫn con người thay đổi.
Aurélien Boutaud

Công cụ này không hoàn hảo nhưng vẫn xác đáng. Nó thậm chí có xu hướng giảm thiểu thực tế, như lời khẳng định của Aurélien Boutaud, nhà tư vấn và là đồng tác giả của cuốn L’Empreinte écologique [Dấu vết sinh thái] (La Découverte, 2009). Theo ông, nó đã góp phần tạo ra nhận thức về các giới hạn của hành tinh và phổ cập một hình thức kế toán theo dấu vết – khí carbon, nước, nitơ hoặc sự đa dạng sinh học – quy trách nhiệm cho người tiêu dùng cuối cùng về tác động của môi trường. Nếu chúng ta chỉ xem mức phát thải khí nhà kính, ví dụ, thì chúng ta có thể có cảm tưởng là các nước giàu đã làm giảm chúng. Trên thực tế, họ đã chuyển một phần [lượng khí thải] sang các nước nghèo, ông giải thích. Ví dụ, dấu vết carbon của Pháp còn cao hơn khoảng 40% so với lượng khí thải carbon của họ.
Giảm dấu vết khí thải carbon và thực phẩm
Làm thế nào để đảo ngược xu hướng này? Trước tiên, bằng cách hạn chế lượng khí thải nhà kính, mà chỉ riêng đó không đã chiếm 60% dấu vết sinh thái của thế giới. Để thành công trong việc duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 2 °C – mục tiêu đã được nêu trong thỏa thuận Paris về khí hậu vào tháng 12 năm 2015 – nhân loại sẽ phải thoát khỏi các năng lượng hóa thạch trước năm 2050, theo lời của Mathis Wackernagel.
Pierre Cannet
Arnaud Gauffier
Thách thức được mất là đạt tới đỉnh cao khí thải vào năm 2020, theo lời của Pierre Cannet, người phụ trách chương trình khí hậu và năng lượng tại Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) của Pháp, một trong những đối tác của chiến dịch. Điểm chuyển hướng này không những phải được tìm thấy trong ngành sản xuất điện, mà còn trong việc tiêu thụ nhiên liệu của ngành vận tải và toàn bộ các hoạt động sản xuất công nghiệp. Chúng ta đã biết đến các biện pháp, cho dù đó là việc đạt mức trần và sau đó cắt giảm mức sản xuất của các nhà máy điện chạy bằng than, triển khai nhanh hơn các năng lượng tái tạo hoặc cải thiện hiệu quả năng lượng. Việc cắt giảm 50% lượng khí thải carbon sẽ cho phép đẩy lùi gần ba tháng ngày sử dụng vượt mức các tài nguyên.
Một đòn bẩy hành động khác: hạn chế dấu vết thực phẩm. Đối với điều này, điều cần thiết là phải ngăn chặn nạn phá rừng, cắt giảm mức tiêu thụ của chúng ta về các sản phẩm có xuất xứ từ động vật, chống lãng phí thực phẩm và lựa chọn các phương thức sản xuất bền vững hơn, chẳng hạn như canh tác hữu cơ, nông nghiệp sinh thái hoặc canh tác thuận theo thiên nhiên, theo lời của Arnaud Gauffier, người phụ trách chương trình nông nghiệp và thực phẩm tại tổ chức WWF.
Những dấu hiệu đáng khích lệ
Tổ chức Global Footprint Network cũng như tổ chức WWF đã ghi nhận những dấu hiệu đáng khích lệ. Ví dụ, dấu vết sinh thái bình quân trên đầu người tại Hoa Kỳ đã giảm gần 20% từ năm 2005 (điểm cao nhất) đến năm 2013 (số liệu mới nhất hiện có) nhờ vào việc cắt giảm lượng khí thải carbon, và họ đã làm được điều này mặc cho có sự phục hồi kinh tế. Tương tự như vậy, Trung Quốc, quốc gia có dấu vết sinh thái quốc gia lớn nhất, đã ồ ạt phát triển các năng lượng tái tạo, trong khi mức tiêu thụ than trong nước đã giảm xuống – mặc cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất điện mới.
Audrey Garric
Tại Pháp, việc mở rộng các diện tích canh tác hữu cơ (+17% vào năm 2016) và sự gia tăng mức tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ (+22% đối với hộ gia đình, ở nhà, trong một năm) là những tín hiệu tích cực”, đối với Arnaud Gauffier, ngay cả khi những nỗ lực này vẫn còn quá thấp.
Không có quốc gia nào tự nhận là nhà quán quân của cuộc cách mạng các phương thức sản xuất, theo nhận xét của Pierre Cannet. Nguy cơ là các nước đang phát triển thấy dấu vết sinh thái của họ gia tăng một cách nhanh chóng và sự gia tăng này không được bù đắp bằng một sự cắt giảm áp lực đủ sức từ các nước phát triển. Chúng ta cần phải đạt được một sự cân bằng.” Để có thể hy vọng sống lại, vào một ngày nào đó, trong giới hạn các tài nguyên của hành tinh chúng ta.
Audrey Garric
Nhà báo của trang Planète du Monde
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Depuis aujourd’hui, l’humanité vit à crédit, Le Monde, 02. 08. 2017.
Print Friendly and PDF