14.8.17

Các con đường tơ lụa mới: những tiền lệ của dự án của Trung Quốc



CÁC CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI: NHỮNG TIỀN LỆ CỦA DỰ ÁN CỦA TRUNG QUỐC
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp hình chung với Tổng thống Nga Vladimir Poutine và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, với phía sau họ, cựu Thủ tướng Pháp Jean-Pierre Raffarin, tại hội nghị thượng đỉnh quốc tế "Một vành đai Một con đường" tại Bắc Kinh ngày 14 tháng 5 năm 2017. (Ảnh: Sergey Guneev/POOL/Sputnik/via AFP)
Hai mươi nguyên thủ quốc gia đã gặp nhau vào các ngày 14 và 15 tháng 5 tại Bắc Kinh để tham gia diễn đàn về "Vành đai kinh tế của con đường tơ lụa" và "Con đường tơ lụa hàng hải của thế kỷ XXI": chương trình "Một vành đai Một con đường"(OBOR). Diễn đàn này, sự kiện quốc tế lớn nhất được Tập Cận Bình tổ chức, diễn ra 5 tháng trước Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ quyết định việc tái tranh cử của ông [Tập Cận Bình] và có thể công bố việc ông ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba.
Sáng kiến OBOR xem xét việc xây dựng các hành lang đường bộ, sẽ nối với châu Âu qua Âu-Á hoặc qua Đông Nam Á và các tuyến đường biển. Đây không giống như một chương trình quy tụ các dự án được nhận diện một cách rõ ràng, mà nó giống nhiều hơn với một cái "nhãn" gắn với các dự án của 65 quốc gia, tất cả các dự án này đều mở rộng sang các lĩnh vực khác trong khi vẫn ưu tiên cho các cơ sở hạ tầng. Trong số các dự án này, có một đường cao tốc nối Tân Cương ở miền tây Trung Quốc với cảng Gwadar ở Pakistan, một đường sắt cao tốc giữa Moscow và Kazan, một đường sắt từ Côn Minh đến Singapore, một cảng [hàng hóa] khô từ Khorgos đến biên giới Trung Quốc và Kazakhstan, hoặc một đường ống dẫn dầu giữa cảng Kyaukphyu ở Miến Điện và Côn Minh. Trong khi sáng kiến OBOR đã được triển khai tại Trung Quốc, thì chương trình này đã có những bước tiến rất nhỏ tại các nước láng giềng, những nước tuy có hám “của ban cho” của thiên triều, nhưng lại đặt câu hỏi về tham vọng của Đế chế Trung Quốc.
Sáng kiến OBOR đáp ứng các mục tiêu về kinh tế (mở rộng tiêu trường của các doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong đầu tư, kích hoạt các tỉnh miền Tây, tạo một động lực cho thương mại thế giới), về tài chính (đưa các khoản dự trữ vào lại chu trình, khuyến khích việc sử dụng đồng nhân dân tệ) và về địa kinh tế (đảm bảo một nguồn cung cấp dầu khí, tránh tuyến đường qua eo biển Malacca). Được Tập Cận Bình giới thiệu vào năm 2013 tại Kazakhstan rồi tại Đông Nam Á và được lồng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13, sáng kiến OBOR muốn trở thành một đối chọn của Trung Quốc trong vấn đề toàn cầu hóa "theo quy tắc", được người Mỹ đề xuất trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đã bị Donald Trump bỏ rơi.
Trong khi đề cập đến những con đường tơ lụa được vay mượn trong Pax Mongolia [Hòa bình Mông Cổ] vào thế kỷ XII, sáng kiến OBOR có những tiền lệ khác và vay mượn trong mỗi một tiền lệ này một chiều kích.
Kế hoạch Marshall, cách nay 70 năm
George Marshall (1880-1959)
George Kennan (1904-2005)
Ngày 07 tháng 6 năm 1947, tại Đại học Harvard, George Marshall, Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Truman ông từng là Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ trong chiến tranh đã công bố bản kế hoạch cho châu Âu của ông: các nước châu Âu không có các phương tiện tài chính để mua những hàng hoá cơ bản mà họ cần, nước Mỹ xin được giúp đỡ họ để khôi phục niềm tin trong tương lai của họ. Kế hoạch này đáp ứng được những lo lắng tương tự như sáng kiến OBOR, về kinh tế (đối mặt với suy thoái kinh tế lần thứ nhất thời hậu chiến), về tài chính (tăng cường việc sử dụng đồng đô-la) và về địa chiến lược: bản kế hoạch đã được George Kennan viết, tác giả của "bức điện dài" được gửi từ Moscow vào tháng 5 năm 1946, mở đường cho cuộc chiến tranh lạnh và chính sách "kiềm hãm" (“containment”) Liên Xô.
Cả Kế hoạch Marshall lẫn sáng kiến OBOR đều rất tham vọng. Kế hoạch của Mỹ đã chi 13 tỷ US$ theo giá hiện hành, 5% GDP của Hoa Kỳ, trong vòng ba năm cho một nửa tá các nước châu Âu. Sáng kiến OBOR công bố một ngân sách gần 1000 tỷ US$, hay 10% GDP của Trung Quốc vào năm 2017 và 6% GDP của Mỹ hiện nay, được phân phối cho khoảng 60 quốc gia. Hai kế hoạch này khác nhau về cấu trúc chi tiêu. Trong khi người ta gắn kế hoạch Marshall với việc tái thiết châu Âu – một phần ba các khoản viện trợ và cho vay được dùng để tài trợ cho các dự án đầu tư và hai phần ba còn lại cho sản xuất – thì sáng kiến OBOR tài trợ cho các cơ sở hạ tầng.
Được đánh giá theo thước đo GDP của các nước hưởng lợi, “của ban cho” được Hoa Kỳ phân phối mang tính là khiêm tốn và bằng 2,5% GDP của họ từ năm 1947 đến năm 1950. Còn đối với sáng kiến OBOR thì sao? Các khoản tài trợ của sáng kiến OBOR sẽ được chuyển đến các nước nghèo nhất và ít đa dạng hơn so với các nước châu Âu thời hậu chiến. Còn quá sớm để đo lường trọng lượng của các khoản chi, tuy nhiên số tiền chi ra là rất lớn cho một số dự án đã được xác định: chi phí cho tuyến đường sắt chạy qua nước Lào chiếm một nửa GDP của đất nước nhỏ bé này và chi phí cho các công trình hạ tầng đã được lên kế hoạch cho Pakistan bằng một phần năm GDP của Pakistan.
Các khoản bồi thường của Nhật Bản
Hiệp ước hòa bình của Nhật Bản được ký kết ở San Francisco vào năm 1951 dự kiến những khoản bồi thường cho các quốc gia châu Á bị Nhật chiếm đóng, và Nhật Bản đã đề nghị chi ra 1,5 tỷ US$ cho 5 nước trong vòng mười năm. Nếu sáng kiến OBOR không có mục tiêu tương tự, thì việc triển khai các dự án của Trung Quốc gợi nhớ đến việc triển khai các dự án bồi thường. Thỏa thuận đầu tiên, được ký kết với Miến Điện vào năm 1954, đã không được trình bày như là việc sửa chữa một sai phạm, mà như là một sự tham gia vào phát triển kinh tế. Thỏa thuận đã tài trợ cho việc xây dựng con đập Balu Chuang, được chủ tịch một công ty của Nhật Bản nhận diện vào năm trước và được người Miến Điện đệ trình lên chính phủ Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã không thực hiện bất kỳ cuộc đấu thầu nào và việc triển khai dự án này đã được giao lại cho doanh nghiệp đã nhận diện ra nó. Thỏa thuận với Miến Điện đã được sử dụng làm tài liệu tham chiếu cho tất cả các cuộc đàm phán khác sau này với các chính phủ và với giới chủ Nhật Bản. Những dự án nào được các doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất và được các chính phủ châu Á chấp nhận sẽ được chính phủ Tokyo đảm bảo nguồn tài trợ, ưu tiên cho những dự án nào nằm trong các mục tiêu công nghiệp của MITI, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật Bản. Những thể thức này khá gần với những thể thức được sử dụng trong khuôn khổ của sáng kiến OBOR, tài trợ cho những dự án nào được các Nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đề xuất.
Khối thịnh vượng chung
Chiến lược "Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á" của đế quốc Nhật cũng xuất hiện trong phả hệ của sáng kiến OBOR. Một mặt, chiến lược đó là nỗ lực hội nhập đầu tiên châu Á và mặt khác, nó chia sẻ tính mơ hồ trong định nghĩa về dự án của Trung Quốc. Được công bố vào năm 1938, nó đã được định nghĩa vào năm 1941, và các nhà bình luận đã gợi lên khái niệm furoshiki, giống như miếng vải được sử dụng để vận chuyển quần áo hoặc quà tặng, nó có thể kéo dài từ Đông Á, Đông Dương, Thái Lan, Borneo, Đông Ấn Hòa Lan, đến nước Úc, New Zealand, Ấn Độ hoặc miền Viễn Đông nước Nga. Người Nhật muốn xây dựng một tập hợp độc lập lấy Nhật Bản làm trung tâm, trong khi sáng kiến OBOR được trình bày như là một tập hợp mở. Vào thời đó, các học giả Nhật Bản đã lưu ý rằng, đối với châu Á, thị trường Nhật Bản không thể là một đối chọn cho các thị trường châu Âu, chiến lược Khối thịnh vượng chung sẽ trở thành một khối cùng nghèo khổ.
Đó không phải là điều đe dọa sáng kiến OBOR. Tuy nhiên, có nhiều dự án của chương trình đầy tham vọng này có thể dẫn đến những thiệt hại để lại tiếng vang.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles) và là chủ tịch của Asia Centre [Trung tâm châu Á]. Ông là kinh tế gia tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, năm 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF