16.8.17

Habermas - Hướng đến sự phân cực dân chủ: Làm thế nào để hạ bệ Chủ nghĩa dân túy cánh hữu

HƯỚNG ĐẾN SỰ PHÂN CỰC DÂN CHỦ: LÀM THẾ NÀO ĐỂ HẠ BỆ CHỦ NGHĨA DÂN TÚY CÁNH HỮU
Biên tập viên của tờ Blätter: Sau năm 1989, người ta nói về “sự cáo chung của lịch sử” trong nền dân chủ và nền kinh tế thị trường, và ngày nay chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện một hiện tượng mới của sự lãnh đạo độc tài-dân túy – từ ông Putin qua ông Erdogan đến ông Donald Trump. Rõ ràng, một “quốc tế độc tài” (autoritären Internationale / authoritarian International) mới đang ngày càng thành công trong việc xác lập diễn ngôn chính trị. Liệu người đồng tuế Ralf Dahrendorf của ông [Habermas] đã đúng khi tiên đoán về một thế kỉ XXI độc tài? Liệu người ta có thể, hay phải nói về một bước ngoặt lịch sử?
Francis Fukuyama (1952-)
Ralf Dahrendorf (1929-2009)
Jürgen Habermas: Sau giai đoạn biến chuyển 1989 – 1990, khi [Francis] Fukuyama chộp lấy khẩu hiệu “hậu-lịch sử” bắt nguồn từ chủ nghĩa bảo thủ độc đoán, thì qua sự tái diễn giải của ông, cho thấy thái độ hân hoan chiến thắng (Triumphalismus / Triumphalism) thiển cận của giới tinh hoa phương Tây, những người ủng hộ niềm tin tự do vào sự hài hòa tiền lập giữa nền kinh tế thị trường và nền dân chủ. Cả hai yếu tố này tạo nên động lực của sự hiện đại hóa xã hội, nhưng lại kết hợp với các “mệnh lệnh chức năng”, những thứ luôn dẫn tới xung đột. Sự cân bằng giữa tăng trưởng tư bản chủ nghĩa và sự tham gia có vẻ như công bằng xã hội một cách nửa vời của người dân vào sự tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế sản xuất hàng hóa ở trình độ cao chỉ có thể có được nhờ một nhà nước dân chủ xứng đáng với tên gọi này. Một sự cân bằng như thế – để biện minh cho cái tên "nền dân chủ tư bản chủ nghĩa" – về mặt lịch sử, lại là một ngoại lệ hơn là một quy luật. Chính vì lí do đó mà ý tưởng về một sự củng cố "giấc mơ Mỹ" trên bình diện toàn cầu chỉ là một ảo tưởng mà thôi.
Recep Tayyip Erdogan (1954-)
Sự bất ổn mới của thế giới, sự bất lực của Mỹ và châu Âu trước những xung đột quốc tế thật đáng lo ngại, cũng như những thảm họa nhân đạo ở Syria hay Nam Sudan và hoạt động khủng bố của người Hồi giáo làm cho chúng ta căng thẳng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà anh đề cập tới, tôi không nhận thấy đó là một xu hướng thống nhất dẫn đến một chủ nghĩa độc tài mới, mà cho thấy những nguyên nhân có tính cấu trúc khác nhau và nhiều sự ngẫu nhiên. Cái liên kết ở đây là 'làn sóng' chủ nghĩa dân tộc, thứ cũng đang hiện diện trên nước Đức chúng ta. Nga và Thổ Nhĩ Kì trước thời ông Putin và ông Erdogan cũng chẳng phải là những “nền dân chủ hoàn hảo”. Nếu phương Tây có chính sách chính trị khôn khéo hơn đối với hai quốc gia trên, quan hệ có lẽ đã khác và các lực lượng tự do đã có thể được tăng cường trong nhân dân hai nước.
Blätter: Một cách hồi cố, phải chăng chúng ta đã đánh giá quá cao tiềm năng của phương Tây?
Abraham Lincoln (1809-1865)
Habermas: Dĩ nhiên, đối với "phương Tây", với sự đa dạng của những lợi ích khác biệt, sẽ không dễ dàng gì để chọn đúng thời điểm nhằm ứng phó hợp lí với những tham vọng địa chính trị của siêu cường Nga bị tụt hậu hay với những kì vọng chính trị đối với châu Âu của chính quyền Thổ Nhĩ Kì nóng nảy. Một trường hợp hoàn toàn khác khá tiêu biểu đối với toàn thể phương Tây là trường hợp của kẻ cực kì ngã mạn [Donald] Trump. Với chiến dịch tranh cử thảm họa của mình, ông ta đã đẩy sự phân cực vốn được tính toán kĩ và càng ngày càng lớn từ những năm 1990 đến cực điểm đến nỗi "Đảng Vĩ đại Kì cựu" ["Grand Old Party" – GOP – tên gọi thông dụng của đảng Cộng Hòa, Mỹ – ND], từng là đảng của ngài Abraham Lincoln, hoàn toàn mất kiểm soát trước phong trào này. Trong việc kích động sự phẫn hận này cũng thể hiện rõ những sự suy đồi xã hội của một siêu cường [Mỹ] đang đi xuống về chính trị và kinh tế.
Vì thế, điều mà tôi cho là có vấn đề, đó là việc suy yếu của sự ổn định chính trị ở các nước phương Tây chúng ta nói chung chứ không phải là một hình mẫu của một Quốc tế độc tài, như anh dự đoán. Trong khi đánh giá về việc Mỹ rút khỏi vai trò người luôn sẵn sàng can thiệp để giữ an ninh toàn cầu, ta nên chú ý đến bối cảnh mang tính cấu trúc cũng ảnh hưởng tương tự tới châu Âu.
Sự toàn cầu hóa về kinh tế mà Washington đã khởi đầu trong những năm 1970 bằng chương trình nghị sự tân tự do, đã dẫn đến một sự suy thoái tương đối của phương Tây trên phạm vi toàn cầu so với Trung Quốc và các nước phát triển khác trong nhóm BRICS[1]. Những xã hội của chúng ta phải xử lí về chính sách đối nội đối với nhận thức về sự suy thoái toàn cầu này, cùng với những sự phức tạp đang gia tăng tính bùng nổ do điều kiện công nghệ quy định trong sự trải nghiệm về đời sống thường nhật. Những phản ứng dân tộc chủ nghĩa ngày càng tăng đặc biệt trong những môi trường, chưa bao giờ hưởng lợi hoặc hưởng lợi không tương xứng trong mỗi lần gia tăng phúc lợi trung bình [tức gia tăng sự thịnh vượng] của các nền kinh tế quốc dân, bởi hiệu-ứng-thẩm-thấu” (trickle-down-Effekte / trickle-down effect) được hứa hẹn đã không trở thành hiện thực trong nhiều thập kỉ qua.
Jaroslaw Kaczyński (1949-)
Marine Le Pen (1968-)
Blätter: Ngay cả khi xu thế hướng đến chủ nghĩa độc tài mới chưa được nhận diện dứt khoát, thì rõ ràng là ta cũng đang trải qua một cuộc dịch chuyển vĩ đại hướng đến phía hữu, vâng, thực sự là một sự nổi dậy của cánh hữu. Và chiến dịch ủng-hộ-Brexit (Pro-Brexit) chỉ là ví dụ nổi bật nhất của xu thế này ở châu Âu. Bản thân ông, như ông vừa nói gần đây, “chưa bao giờ nghĩ rằng chủ nghĩa dân túy có thể đánh bại chủ nghĩa tư bản ở ngay chính cái nôi của nó [nước Anh]”. Đối với bất kì người quan sát duy lí nào thì sự phi lí rõ ràng không chỉ ở kết quả mà còn ở bản thân chiến dịch. Điều chắc chắn là: Châu Âu dường như ngày càng không thể cưỡng lại sự cám dỗ của chủ nghĩa dân túy, từ ông [Viktor] Orbán [Thủ tướng đương nhiệm Hungary] và ông [Jaroslaw] Kaczyński [chủ tịch đảng cánh hữu “luật pháp và công lí” của Ba Lan, cố vấn của chính phủ Ba Lan hiện nay] tới bà [Marine] Le Pen [chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (FN) của Pháp] và đảng AfD [Alternative für Deutschland – đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức]. Vì thế, phải chăng chúng ta đang chứng kiến một điều gì đó giống như là sự phi lí hóa về chính trị ở phương Tây? Một phần của cánh Tả thậm chí đã tuyên bố ủng hộ việc ứng phó với chủ nghĩa dân túy cánh hữu bằng một phiên bản chủ nghĩa dân túy cánh-tả.
Theresa May (1956-)
Viktor Orbán (1963-)
Habermas: Trước khi phản ứng thuần túy về chiến thuật, ta cần phải giải đáp vấn đề tại sao ‘chủ nghĩa dân túy cánh hữu đã đi đến chỗ chiếm dụng chính các chủ đề của phe cánh-tả?’ Về phương diện này, Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua [trong năm 2016] đã cho ta một “màn kịch nhớ đời”. Người ta đọc thấy được từ sự kích động trước “hiểm họa từ cánh hữu” của những nhà lãnh đạo đã tập trung ở đây, hiểm họa có thể dẫn đến việc các nhà-nước-dân-tộc đóng cửa khẩu, nâng cầu kéo và phá hỏng các thị trường toàn cầu hóa. Thích hợp với không khí chung này là sự thay đổi đáng ngạc nhiên trong các chính sách về xã hội và kinh tế, được bà Theresa May [tân thủ tướng Anh] đã công bố trong hội nghị gần đây [tháng 10/2016] của Đảng Bảo Thủ và đã gây ra làn sóng bất bình không ngoài dự đoán của giới báo chí ủng-hộ-doanh-nghiệp. Rõ ràng, thủ tướng Anh đã nghiên cứu thấu đáo những nguyên nhân xã hội của Brexit; dù sao đi nữa, bà ấy muốn giảm đà tiến của chủ nghĩa dân túy cánh hữu bằng cách đi ngược lại đường lối của đảng [Bảo thủ] trước nay, dựa vào chủ nghĩa can thiệp (Interventionismus / interventionist) của một "nhà nước mạnh" (starken Staates / strong state) để chống lại việc đẩy thành phần “phụ thuộc” của nhân dân ra bên lề xã hội và chống lại sự phân hóa ngày càng tăng của xã hội. Với sự đảo ngược đầy mỉa mai của cương lĩnh chính trị này, phe cánh-tả ở châu Âu phải tự hỏi mình rằng tại sao chủ nghĩa dân túy cánh hữu có thể thành công trong việc lấy lòng những người bất mãn và thiệt thòi bằng con đường sai lầm của chủ nghĩa quốc gia cô lập (nationalen Abschottung / national isolation).
Toàn cầu hóa mang tính khế ước xã hội thông qua sự hợp-tác siêu quốc gia
Blätter: Cánh-tả sẽ trả lời thế nào trước thách thức của cánh hữu?
Habermas: Ta có thể tự hỏi tại sao các đảng cánh-tả không còn muốn tranh đấu mạnh mẽ chống bất bình đẳng xã hội bằng con đường phối hợp siêu quốc gia để khống chế những thị trường chưa được điều tiết. Theo quan điểm của tôi, sự hợp tác siêu quốc gia chính là một sự lựa chọn hợp lí, không những cho tình trạng hiện tại của chủ nghĩa tư bản tài chính trở nên hoang dã cũng như cho các cương lĩnh thoái bộ mang tính “dân tộc [phát xít]” (“völkisch”)[2] hay dân tộc cánh-tả trong các quốc gia dân tộc (Nationalstaaten / nation state) rỗng tuếch từ lâu, để theo đuổi một cấu trúc chính trị được chấp nhận về mặt xã hội của quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Để đạt được mục đích đó thì chỉ với những hiệp ước quốc tế là chưa đủ; vì các quyết định chính trị về những vấn đề liên quan đến việc phân phối chỉ có thể được thực thi trong một khuôn khổ thể chế nghiêm ngặt, chưa xét đến sự chính đáng về dân chủ còn đáng ngờ. Vậy là, chỉ còn con đường 'sỏi đá' của việc củng cố và thiết định thể chế của một sự hợp-tác dân chủ chính thống xuyên biên giới quốc gia. Liên minh Châu Âu (EU) đã từng là một dự án như vậy – và Liên minh Chính trị của Khu vực đồng Euro (Eurozone) có thể vẫn còn là như thế. Nhưng thể chế này cũng gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình ra quyết định chính trị trong nội bộ.
Gerhard Schröder (1944-)
Tony Blair (1953-)
Các đảng dân chủ xã hội từ thời của các ông [Bill] Clinton, [Tony] Blair và [Gerhard Fritz Kurt] Schröder đã chuyển sang đường lối tuân phục hệ thống theo nghĩa kinh tế, bởi về mặt chính trị, chúng đã hay làm ra vẻ “tuân phục hệ thống”: trong “cuộc chiến giành tầng lớp trung gian” (Kampf um die Mitte / battle for the middle ground), những đảng phái chính trị này đã tin rằng họ chỉ có thể chiếm được đa số bằng con đường thích nghi với chính sách tân tự do. Để làm được điều đó thì họ đành phải dung túng cho sự bất bình đẳng xã hội về lâu dài và ngày một tăng. Trong khi đó, cái giá phải trả cho việc “những thành phần phụ thuộc” về kinh tế và văn hóa xã hội đang ngày càng chiếm phần lớn trong tỉ lệ dân chúng – đã tăng cao đến mức họ trút hết sự phản ứng sang phía cánh hữu. Chứ còn biết sang ở đâu nữa? Khi thiếu đi một viễn cảnh đáng tin cậy và tích cực, thì sự phản đối chỉ đơn giản là sự rút vào trong những hình thức tự thể hiện và phi lí tính.
François Hollande (1954-)
Blätter: Còn tồi tệ hơn vấn đề của những nhà dân túy cánh hữu, đó là dường như có các “nguy cơ lây lan” nơi các đảng phái cố hữu và quả thật, trên khắp châu Âu. Dưới áp lực từ cánh hữu, tân thủ tướng Anh [bà Theresa May] đã thắt chặt những chính sách phòng thủ cứng-rắn (harte Abwehr / hard-line) hay thậm chí là trục xuất những người lao động nước ngoài và người nhập cư; ở Áo, nhà cầm quyền dân chủ xã hội muốn hạn chế luật tị nạn bằng một sắc lệnh khẩn cấp, để định một mức trần cứng rắn hơn và ở Pháp, [tổng thống đương nhiệm lúc đó] ông François Hollande đã điều hành nhà nước trong “tình trạng khẩn cấp” suốt gần một năm, trước niềm hân hoan của đảng Mặt trận Dân tộc (Front National – FN). Liệu châu Âu có đứng vững trước làn sóng cánh hữu vẫn đang phát triển này hay không, hay việc xói mòn những thành tựu của nền cộng hòa [ở châu Âu] là không thể cứu vãn?
Alexander Gauland (1941-)
Nicolas Sarkozy (1955-)
Habermas: Theo đánh giá của tôi, các chính trị gia trong nước đã ứng xử sai lầm với chủ nghĩa dân túy cánh hữu ngay từ đầu. Sai lầm của các đảng đang nắm quyền là ở chỗ thừa nhận cái mặt trận được chủ nghĩa dân túy cánh hữu định nghĩa là: “chúng ta” chống lại cả hệ thống. Thế thì dường như những sai lầm này dù xuất hiện dưới hình thức của sự đồng hóa hoặc là đối đầu với “cánh hữu” chẳng còn quan trọng gì nữa. Không chỉ một kẻ ồn ào có tham vọng làm tổng thống là ông Nicolas Sarkozy, người đã nêu ra những đòi hỏi còn vượt xa hơn cả bà Marine Le Pen, mà cả ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp [Đức] ôn hòa Heiko Maas, tranh luận mạnh mẽ với ông Alexander [Eberhardt] Gauland [phó chủ tịch đảng cực hữu AfD], cả hai đều đang làm cho đối thủ mạnh hơn. Cả hai đều tỏ ra quá xem trọng đối thủ và làm cho họ [bà Marine Le Pen / ông Alexander Gauland] được chú ý. Sau một năm, mọi người [trên nước Đức] đều biết đến giọng cười mỉa của ông Frauke Petry (chủ tịch AfD) và phong thái của các lãnh đạo còn lại của băng nhóm khủng khiếp này. Chỉ có việc tước bỏ đề tài tranh cử của họ thì mới có thể dồn những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu vào đường cùng.
Heiko Maas (1966-)
Alfred Dregger (1920-2002)
Nhưng điều này đòi hỏi ta phải sẵn sàng mở ra một mặt trận hoàn toàn khác trong chính sách đối nội bằng cách đưa chính vấn đề được đề cập thành chủ đề thảo luận: Làm thế nào để ta, trong khi chống lại thế lực phá hoại của một quá trình toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa quá khích, có lại được sức mạnh hành động chính trị? Thay vào đó, tình hình chính trị đang rất ảm đạm, chẳng hạn, chương trình nghị sự quả có thân thiện với toàn cầu hóa theo nghĩa thiết kế chính trị cho một xã hội toàn cầu về mặt kinh tế và phát triển về mặt kĩ thuật số lại bị nhập nhằng và không phân biệt được với chương trình nghị sự của chủ nghĩa tân tự do, từ nhiệm về mặt chính trị trước sự uy hiếp của các ngân hàng và các thị trường không được điều tiết.
Người ta cũng phải làm rõ lại những sự đối lập chính trị, kể cả sự đối lập giữa việc phê phán toàn cầu hóa của cánh tả, cởi mở đối với thế giới – theo nghĩa chính trị và văn hóa của từ “tự do” – với sự phê phán sặc mùi dân tộc chủ nghĩa của cánh hữu. Tóm lại: sự phân cực chính trị phải một lần nữa kết tinh lại ở những mặt đối lập giữa các đảng phái cầm quyền. Những đảng dành sự quan tâm cho chủ nghĩa dân túy cánh hữu thay vì khinh bỉ nó thì xã hội dân sự đừng mong họ sẽ khước từ các khẩu hiệu và sự bạo động của phe cánh hữu. Vì thế, tôi cho rằng mối nguy lớn hơn chính là sự phân cực hoàn toàn khác kia, tức ở nơi thành phần ngoan cố của phía đối lập trong nội bộ đảng CDU (Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Đức) dường như đang nghiên về, khi họ đang liếc nhìn về thời kì “hậu Merkel”. Qua ông Alexander Gauland, họ nhận ra hình ảnh “một cốt một đồng” của phe Dregger của đảng CDU ở bang Hessen trước đây [Alfred Dregger (1920–2002) là cựu chủ tịch đảng CDU của bang Hessen những năm 1960-70, khét tiếng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa] một lần nữa, và đang ôm ấp ý tưởng giành lại những cử tri đã mất bằng cách liên minh với đảng [cực hữu] AfD.
Mảnh đất cho một chủ nghĩa phát xít mới
Frauke Petry (1975-)
Björn Höcke (1972-)
Blätter: Ngay cả về mặt ngôn từ, dường như hiện nay đã có nhiều bước trượt dài: các chính trị gia đang ngày càng thường bị quy kết là “phản bội nhân dân” và bị sỉ nhục công khai ngày càng thường xuyên hơn. Ông Alexander Gauland gọi bà Angela Merkel là "bà thủ tướng độc tài". Song song đó là việc các từ vựng phát xít (“Wörterbuch des Unmenschen”) đang dần dần được phục hồi: ví dụ, Frauke Petry muốn tái du nhập khái niệm “völkisch” (dân tộc) vào ngôn ngữ đời thường, còn Björn Höcke nói về “entartete Politik” (chính sách thoái hóa / suy đồi), và, ngay cả nữ dân biểu liên bang của đảng CDU thuộc tiểu bang Sachen cũng lại sử dụng cách nói rất tiêu biểu của thời Quốc xã về “Umvolkung” (cải tạo dân tộc [Đức]) bất chấp tất cả hệ quả của nó.
Habemas: Từ việc xử lí những người chạy theo các ngôn từ như vậy thì các đảng phái dân chủ thật ra chỉ có thể rút ra một bài học mà thôi: đối với những "công dân ưu tư" thì các đảng phái dân chủ có lẽ thay vì vuốt ve / o bế họ thì dứt khoát chỉ có thể vạch trần ngắn gọn đúng như bản chất của họ: đây là mảnh đất cho một chủ nghĩa phát xít mới. Trong khi đáng ra phải như vậy, ta lại luôn thấy một nghi thức rất khôi hài vốn từng có ở nước CHLB Đức cũ (trước năm 1990) về một sự đối xứng gượng ép / cưỡng bách, đó là: hễ mỗi khi nói về "chủ nghĩa cực đoan cánh hữu" thì lập tức các nhà chính trị vội vàng chỉ ra "chủ nghĩa cực đoan cánh tả" tương ứng để thoát khỏi sự lúng túng ấy.
Blätter: Ông giải thích như thế nào về việc chủ nghĩa dân túy cánh hữu của đảng AfD được các tiểu bang phía Đông nước Đức tiếp nhận nồng nhiệt và việc các tiểu bang này càng ngày càng nhiều tội phạm cực đoan cánh hữu (rechtsradikaler / Far Right)? Hay cuộc tranh luận hiện nay đã bỏ quên những vấn đề có thật như thế?
Angela Merkel (1954-)
Jörg Meuthen (1961-)
Habermas: Tất nhiên, người ta không nên có ảo tưởng gì về thắng lợi lớn của đảng AfD trong cuộc bầu cử ở bang Baden-Württemberg [thuộc phía Tây] – cho dù các hiệu ứng của Meuthen [thuộc đảng AfD] chống lại di sản cánh tả tự do của thế hệ những năm 1968 [tự do, cánh tả, chống phát xít, chống đế quốc] không cho thấy một xu hướng cực đoan cánh hữu (rechtsextreme / right-wing extremist) nào cả mà chỉ cho thấy một tâm lí chung rất quen thuộc bắt nguồn từ CHLB Đức cũ mà thôi. Vì ở phía Tây [nước Đức], dường như những thành kiến của cánh hữu nơi các cử tri bầu cho đảng AfD phần lớn đã được lọc bởi môi trường bảo thủ vốn đã không hề phát triển trong CHDC Đức trước kia. Thuộc về trách nhiệm của phía Tây đó là những đội quân cực đoan cánh hữu ngay sau bước ngoặt năm 1990 đã tràn sang phương Đông, mang theo những năng lực tổ chức cần thiết. Thế nhưng, nếu đánh giá theo những chỉ báo thống kê ta được biết thì ngày nay các tiểu bang phía Đông dễ dàng tiếp nhận / dễ bị tác động bởi các ý kiến cánh hữu có tính chất độc tài và những thành kiến cánh hữu truyền thống hơn. Xét bộ phận cử tri không đi bầu, ta không thấy dấu vết gì của họ mãi đến khi có chính sách nhập cư của bà Merkel: số cử tri này hoặc là được đảng CDU [Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Đức, cánh hữu] ở phía Đông lôi cuốn nhờ những nhận thức ôn hòa, hoặc là được phe cánh tả thâu nhận. Tình hình như thế là ổn. Nhưng tốt hơn cho một nền cộng đồng dân chủ như CHLB Đức hiện nay là đừng nên che giấu sự phân biệt những não trạng chính trị đáng ngờ.
Mặt khác, phía Tây là phe có tiếng nói quyết định trong việc thống nhất đất nước cũng như xây dựng lại đất nước và bây giờ phải chịu trách nhiệm cho tất cả hệ quả chính trị của việc làm đó, xét về mặt đánh giá lịch sử về sự kiện này thì thậm chí phía Tây đang chịu phần thua thiệt / xui xẻo. Vì trong khi nhân dân của CHLB Đức cũ nhờ có được điều kiện kinh tế thuận lợi hơn nên có cơ hội suốt hàng nhiều thập kỉ thảo luận công khai, do đó đã thoát khỏi di sản của thời kì quốc xã, thoát khỏi những não trạng đã bị nhiễm độc, và thoát khỏi cả tầng lớp tinh hoa đang cầm quyền, thì nhân dân ở CHDC Đức cũ sau 1990 hoàn toàn không ở trong tình thế để có thể tự phạm sai lầm do chính mình gây ra, từ đó buộc phải rút ra những kinh nghiệm xương máu từ quá khứ của Đức quốc xã.
Blätter: Trong chính sách liên bang, đảng AfD đã tác động rất lớn về mặt chiến lược lên Liên minh (CDU & CSU) đang cầm quyền. Vì thế, thời gian trước đây không xa lắm chính những chính trị gia của đảng CDU và CSU [đảng cánh hữu Tây Đức] đã từng soạn thảo một lời kêu gọi (Aufruf) về một nền văn hóa chủ đạo (Leitkultur)[3] và một nền văn hóa khung, để không nhường chủ nghĩa yêu nước lại cho những kẻ sai lầm [tức những kẻ không có tinh thần yêu nước chân chính]. Lời kêu gọi đó như sau: "Nước Đức có quyền xác định cái gì được xem là có giá trị một cách đương nhiên". Để khuyến khích việc đó thì [phe cánh hữu] chủ trương xây dựng một chủ nghĩa yêu nước sống động bắt nguồn từ tình yêu quê hương thật sự. Trong nước CHLB Đức, trong diễn trình ngày càng chấp nhận nền dân chủ nhiều hơn thì hiến pháp (luật cơ bản) ngày càng được chấp nhận như văn hóa chủ đạo và xem việc thừa nhận hiến pháp được xem như chuẩn mực của việc hội nhập thành công. Vậy phải chăng ngày nay ta đang chứng kiến một sự chuyển dịch từ nền văn hóa chủ đạo trung thành với hiến pháp trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước tôn trọng hiến pháp đó sang một nền văn hóa chủ đạo kiểu Đức mới bắt nguồn từ các phong tục tập quán, như nghĩa vụ khi chào hỏi thì phải bắt tay?
Habermas: Rõ ràng chúng ta đã quá vội vã khi xuất phát từ việc cho rằng đảng CDU của bà Merkel đã từ bỏ cuộc tranh luận cũ rích từ những năm 1990 đó [về việc đề ra nền văn hóa chủ đạo]. Chính chính sách nhập cư đã tạo ra sự đối lập nội tại tập hợp cả di sản của cánh dân tộc bảo thủ của cánh CDU / CSU của CHLB Đức cũ với những đảng viên của đảng CDU ở phía Đông. Chính lời kêu gọi nói trên đã đánh dấu điểm mà đảng CDU xét như một đảng phái có thể đổ vỡ nếu đảng CDU phải quyết định giữa hai lựa chọn: hoặc là khuyến khích xây dựng sự hội nhập của người nhập cư về mặt chính trị theo những chuẩn mực của nhà nước pháp quyền dân chủ, hoặc là dựa theo những hình dung về một nền văn hóa dân tộc đa số [dựa trên nền văn hóa của đa số]. Do đó, hiến pháp dân chủ của một xã hội đa nguyên phải dự kiến quyền hạn về văn hóa của những nhóm thiểu số để cho họ có được khả năng tiếp tục phát triển hình thức văn hóa trong cuộc sống của riêng họ. Vì thế, một sự hội nhập đúng nghĩa là nhà nước pháp quyền thì không thể tương thích với việc buộc những người nhập cư có nguồn gốc khác nhau phục tùng dưới một nền văn hóa đa số. Trái lại, nó đòi hỏi rằng nền văn hóa đa số vốn đã có lâu đời ở nơi này phải có sự dị biệt hóa thành một nền văn hóa chính trị công bằng đối với mọi công dân, được mọi công dân chấp nhận và đồng ý.
Navid Kermani (1967-)
Tuy nhiên, đối với nền văn hóa chính trị này, ta vẫn phải xét đến bối cảnh lịch sử quốc gia, từ đó rút ra bản sắc của công dân là gì, và diễn giải những nguyên tắc của hiến pháp. Xã hội dân sự phải chờ đợi ở những công dân nhập cư thật sự tham gia [tích cực] vào nền văn hóa chính trị này mà không phải cưỡng bách họ về mặt pháp lí. Một tường thuật của Navid Kermani, một công dân Đức gốc Iran khi đi thăm trại tập trung Auschwitz vừa xuất bản trên tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) cho ta một ví dụ rất cảm động và rõ ràng: trong tạp âm đủ thứ ngôn ngữ khác nhau của các du khách khắp nơi trên thế giới, tác giả làm thinh chọn đứng về phía những người Đức câm lặng vốn là hậu duệ của những người đã gây ra tội ác. Cái thứ tiếng Đức mà anh coi trọng hẳn không phải là lí do khiến anh làm như vậy.
Vì trong dòng chảy của một nền văn hóa tranh luận dân chủ sống động thì nền văn hóa chính trị không đứng yên, nên những công dân nhập cư cũng giống như những công dân chính gốc đều được hưởng quyền lên tiếng của riêng mình trong diễn trình xây dựng và phát triển nền văn hóa chính trị riêng này. Ví dụ điển hình cho lực lượng cất lên tiếng nói này là những nhà văn, nhà làm phim, diễn viên, nhà báo, nhà khoa học rất thành đạt đến từ giới "thợ khách" gốc Thổ Nhĩ Kì trước đây. Do đó việc cố duy trì về mặt pháp lí một nền văn hóa chủ đạo của nước Đức không những là vi hiến mà còn là không thực tế.
Sự nghiệp chính trị của thủ tướng Merkel như một ví dụ điển hình
Blätter: Trong cuộc phỏng vấn mới nhất của ông trên tuần báo Die Zeit (thời gian) số ra ngày 07 / 07 / 2016, từ tầm nhìn của một độc giả tích cực, ông có phê phán "sự tuân phục của báo chí" mà nếu như không có sự phục tùng đó thì chính sách ru ngủ của bà Merkel đã không lan tràn đến thế trên đất nước này. Nhưng rõ ràng từ khi có chính sách nhập cư của bà Merkel, ta thấy có một sự phân cực mới. Ông có thấy trong đó một cơ hội để ta suy nghĩ lại về một sự lựa chọn chính trị nào không?
Habermas: Do việc ta chỉ tập trung bàn mãi về AfD, tôi e ngại rằng ta đã cào bằng sự khác biệt giữa tất cả đảng phái còn lại. Tôi đã nói về chính sách ru ngủ liên quan đến chính sách với châu Âu, điều này từ vụ Brexit cho đến nay không có gì thay đổi. Chẳng hạn, ta không biết gì nhiều hơn về sự tăng cường xung đột giữa bộ trưởng tài chính Schäuble và IMF do ông Schäuble từ chối giải quyết khủng hoảng tài chính cho Hi Lạp. Nếu không có sáng kiến để thay đổi chính sách tiết kiệm làm tê liệt tất cả như thế thì châu Âu chắc chắn không thể tăng cường thêm sự sẵn sàng hợp tác kể cả trên những lĩnh vực chính trị khác.
Wolfgang Schäuble (1942-)
Karl A. Lamers (1951-)
Ông Wolfgang Schäuble, sau vụ Brexit, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Die Welt, đã công khai từ bỏ viễn cảnh về một châu Âu hạt nhân mà ông đã cùng phát triển với ông Karl Lamers vào đầu những năm 1990. Trong khi đó, bà Angela Merkel, như ta đã từng biết là một chính khách rất tỉnh táo, thực dụng nhưng cũng tỏ ra thiển cận và hành động theo kiểu cơ hội chủ nghĩa về mặt quyền lực, nhưng đã làm tôi ngạc nhiên với chính sách nhập cư rất tích cực / mang tính xây dựng do bà đề ra. Vì thế, chuyến đi gần đây của bà đến Châu Phi cho thấy bà [Merkel] có năng lực và sự sẵn sàng để có hành động chiến lược. Nhưng mặt khác, từ năm 2010, chính sách châu Âu của bà từ cái nhìn thiển cận hẹp hòi của chủ nghĩa ích kỉ dân tộc về mặt kinh tế là như thế nào? Dường như về mặt chính trị, bà đã suy nghĩ theo kiểu quốc gia dân tộc khi giao cho nước CHLB Đức nhiệm vụ trở thành động lực cho sự kiến tạo châu Âu, nên chính sách nghèo nàn thiển cận chỉ để duy trì hiện trạng đã cản trở những bước tiến cần thiết về phía trước và càng đào sâu hơn sự phân hóa trong lòng châu Âu.
Blätter: Nhưng chính ông từ lâu đã ủng hộ một nền dân chủ xuyên quốc gia, nói nôm na là tăng cường sức mạnh cho EU để có thể cân bằng với việc mỗi quốc gia riêng lẻ trong châu Âu mất đi một phần khả năng kiểm soát chủ quyền của mình trong một thế giới liên lập. Nhưng rõ ràng ta luôn thấy có một sự tiếc nuối rất phản động là ngày càng muốn quay trở lại phạm vi một quốc gia dân tộc mà thôi. Đối diện với một EU hiện thực và định chế của nó thì ông có thấy một cơ hội thực tế nào để tác động ngược lại xu hướng tái dân tộc hóa này không?
Habermas: Những cuộc thương thảo về Brexit chắc chắn sẽ làm cho chủ đề này trở lại là vấn đề thời sự. Trên thực tế, tôi trước sau vẫn cho rằng cần có một sự phân biệt nội tại giữa một bên là cộng đồng tiền Euro hợp tác với nhau một cách chặt chẽ về mặt chính trị (từ khóa: "[khu vực] châu Âu cốt lõi" [Kerneuropa / Core Europe]) và một bên là các quốc gia ngoại vi đang chờ đợi để tham gia vào khối Euro này. Có rất nhiều lí do chính trị và các sự kiện kinh tế khiến tôi cho rằng những chính trị gia nên tin vào khả năng học hỏi của con người hơn là cứ tìm cách biện hộ cho việc từ bỏ một sự nỗ lực xây dựng thiết chế chính trị bằng cách viện dẫn vào thuyết định mệnh của những thế lực mang tính hệ thống mà ta không thể tác động vào được. Chính sự nghiệp chính trị của bà Angela Merkel với việc bà dứt khoát từ bỏ chương trình năng lượng hạt nhân và thái độ mềm dẻo của bà với chính sách nhập cư rõ ràng là hai ví dụ điển hình chống lại luận điểm cho rằng người ta không có không gian hoạt động chính trị.
(Nguồn: “tờ Blätter” số ra tháng 11 / 2016, trang 35 – 42)
Về Jürgen Habermas
Jürgen Habermas, sinh năm 1929, là nhà xã hội học và cũng là triết gia người Đức đương đại (còn sống) được quốc tế trích dẫn nhiều nhất. Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng mình say mê giải quyết thực trạng của Liên minh châu Âu và kêu gọi xây dựng một nền dân chủ sâu sắc cho nó. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Habermas đã phàn nàn về "tình trạng sa lầy vẫn đang diễn ra" ở châu Âu và chính sách "nỗ lực ổn định tình hình" của bà Angela Merkel.
Bài phỏng vấn này được thực hiện và xuất bản trên trang Blätter für deutsche und internationale Politik. David Gow chuyển ngữ sang tiếng Anh.
Nguyễn Thị Trà Giang, Nguyễn Việt Anh dịch từ bản dịch tiếng Anh của David Gow.
Lưu Anh Trí góp ý từ bản gốc tiếng Đức.
Bùi Thị Trạc Tuyền hiệu đính từ bản gốc tiếng Đức.
---
(Các chú thích trong bài là của người dịch.)
Đọc thêm: Mười năm, một khái niệm vẫn chia rẽ nước Đức, thethaovanhoa, Jan.2 2010.
Nguồn bản dịch tiếng Anh: For A Democratic Polarisation, socialeurope, Nov.17 2016.
Nguồn bản gốc tiếng Đức: Für eine demokratische Polarisierung, blaetter, Nov. 2016.




[1] BRICS là một tổ chức bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi: Brasil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa).

[2] völkisch là một khái niệm cơ bản trong chủ nghĩa Quốc xã của nước Đức thời Hitler, bao hàm tính tự tôn của dân tộc trong sự phân biệt với các dân tộc khác.

[3] Leitkultur là một thuật ngữ ở Đức, có nghĩa là “nền văn hóa chủ đạo Đức”, hoặc là “nền văn hóa của dân tộc chính gốc Đức”. Nó được nhà chính trị học Bassam Tibi đưa ra đầu tiên vào năm 1998 trong một cuộc tranh luận chính trị để mô tả một tập hợp các niềm tin và thực tiễn văn hóa được đa số chấp nhận.

Print Friendly and PDF