21.10.16

Một cuộc trò chuyện với Jürgen Habermas về Brexit và cuộc khủng hoảng châu Âu



Phải chăng một khu vực châu Âu nòng cốt sẽ là giải pháp khả thi cho tình hình “châu Âu hậu Brexit”: Một cuộc trò chuyện với Jürgen Habermas về Brexit và cuộc khủng hoảng châu Âu
Jürgen Habermas & Thomas Assheuer
Jürgen Habermas (1929-)
Thưa ông Habermas, ông đã bao giờ nghĩ rằng Brexit [Tên gọi Brexit được ghép từ hai từ “Britain” (nước Anh) và exit (thoát ra) - ND] sẽ thành hiện thực? Ông cảm thấy thế nào khi biết tin chiến dịch “Rời khỏi” đã chiến thắng?
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chủ nghĩa dân túy có thể đánh bại chủ nghĩa tư bản ở ngay chính cái nôi của nó. Do tầm quan trọng mang tính sống còn của ngành ngân hàng ở Anh, sức mạnh truyền thông và ảnh hưởng chính trị của thành phố London, thật khó mà tin được rằng những vấn đề bản sắc (Identitätsfragen/identity questions) lại có thể thắng thế trước lợi ích.
Người dân ở nhiều nước khác đang đòi trưng cầu dân ý. Liệu một cuộc trưng cầu dân ý ở Đức sẽ có kết quả khác với ở Vương quốc Anh?
Angela Merkel (1954-)
Wolfgang Schäuble (1942-)
Vâng, tôi thật sự cho là như vậy. Sự thống nhất của châu Âu đã – và đang – là quyền lợi của Cộng hòa Liên bang Đức. Trong những thập niên đầu sau chiến tranh [thế giới thứ hai - ND], chính nhờ những hành động thận trọng dưới danh nghĩa “những công dân châu Âu tốt” mà nước Đức chúng ta mới có thể từng bước khôi phục danh tiếng dân tộc mình vốn bị phá hủy hoàn toàn. Suy cho cùng, nhờ vào sự hậu thuẫn của châu Âu mà nước Đức chúng ta mới có thể tái thống nhất. Nhìn lại quá khứ, nước Đức cũng là nước hưởng lợi lớn từ Liên minh Tiền tệ Châu Âu – đặc biệt là ngay trong chính cuộc khủng hoảng đồng euro. Cùng với đó, kể từ năm 2010, chính sách tiết kiệm của nước Đức đã thắng thế trước nước Pháp và các nước Nam Âu ở Hội đồng châu Âu nhờ những quan niệm của trường phái “Tự do trong trật tự” (ordoliberalen Vorstellungen / ordoliberal views)[1] tạo điều kiện dễ dàng cho bà Angela Merkel và ông Wolfgang Schäuble [Bộ trưởng tài chính Đức từ năm 2009] đóng vai người bảo vệ ý tưởng châu Âu tại quê nhà [tức tại nước Đức - ND]. Dĩ nhiên, đây là một góc nhìn sự việc mang đậm tính dân tộc. Nhưng chính phủ Đức không cần phải lo sợ đường lối độc lập với chính quyền của báo chí sẽ thông tin cho người dân những lý lẽ hay ho, trong khi ở các nước khác những lý lẽ này lại dẫn sự đánh giá tình hình hoàn toàn khác.
Ông cáo buộc báo chí quá tuân phục chính quyền? Thật ra, bà Merkel khó lòng mà phàn nàn về số lượng người chỉ trích mình. Ít nhất là về chính sách tị nạn mà bà đưa ra.
Phần này trích từ tờ Zeit số 29 ra ngày 07/07/2016.
Sigmar Gabriel (1959-)
Martin Schulz (1955-)
Đó không phải là chuyện chúng ta bàn ở đây. Nhưng tôi cũng muốn nói toẹt ý kiến của mình về nó. Chính sách tị nạn đã gây chia rẽ ý kiến trong dân chúng Đức và trong thái độ của báo chí. Nhờ vậy, sự tê liệt chưa từng có của các cuộc tranh luận trong không gian công cộng về chính trị đã kéo dài nhiều năm qua, nay đã chấm dứt. Tôi từng đề cập đến điều này trước đây, vào thời kì rất kích động về mặt chính trị gắn liền với cuộc khủng hoảng-đồng euro. Tại thời điểm đó, thậm chí đã dự kiến có một cuộc tranh luận cũng nảy lửa không kém về chính sách ứng phó với khủng hoảng của chính phủ liên bang trong công luận rộng rãi. Cách tiếp cận kĩ trị vốn chỉ có tác dụng trì hoãn tạm thời, gây tranh cãi vì đã phản tác dụng ở toàn châu Âu. Nhưng không phải như thế trong hai nhật báo và hai tuần báo mà tôi đọc thường xuyên. Nếu nhận xét này đúng thì bạn có thể, như một nhà xã hội học, đi tìm những lời giải thích. Phần tôi với cách nhìn của người siêng đọc báo, tôi không khỏi tự hỏi rằng nếu không có một sự an phận nào đó của giới báo chí thì chính sách ru ngủ kiểu hạ cánh mềm của bà Merkel liệu có thể lan truyền rộng khắp đến cả nước như thế không. Chân trời tư tưởng sẽ co lại nếu không còn được suy tưởng bằng những lựa chọn thay thế khác. Ngay lúc này đây, tôi thấy chính quyền lại cho thuốc an thần. Chẳng hạn, trong báo cáo mà tôi vừa đọc về hội nghị hoạch định chính sách mới nhất của SPD [“Đảng Xã hội Dân chủ Đức” trong liên minh cầm quyền - ND], thì thái độ của một đảng đang tham gia cầm quyền trước một sự kiện lớn như Brexit lẽ ra phải dành được sự quan tâm nóng bỏng của công chúng đã bị co rút lại thành tầm nhìn thiển cận - nói như [Georg Wilhelm Friedrich] Hegel - của một kẻ hầu phòng[2], đó chỉ là nghĩ đến cuộc tổng tuyển cử liên bang sắp tới và mối quan hệ cá nhân giữa ông [Sigmar] Gabriel [Phó thủ tướng Đức, Bộ trưởng kinh tế và năng lượng, Chủ tịch đảng SPD] và ông [Martin] Schulz [Chủ tịch nghị viện châu Âu].
Phải chăng người Anh đã mong muốn rời EU chỉ vì những lý do mang tính dân tộc và tự tạo ra trong nước? Hay đây là dấu hiệu báo trước của một cuộc khủng hoảng trong Liên minh châu Âu?
Margaret Thatcher (1925-2013)
Winston Churchill (1874-1965)
Tôi nghĩ là cả hai. Người Anh có một bề dầy lịch sử khác biệt với châu Âu lục địa. Họ có ý thức chính trị của cường quốc đã hai lần chiến thắng trong thế kỷ XX, nhưng đang trên đà suy thoái xét trên bình diện thế giới, không phải không ngần ngại khi phải tự thu xếp trước tình hình đã đổi thay. Với cảm thức dân tộc tự thân này, vương quốc Anh rơi vào một tình huống khó xử sau khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1973 vì những lý do thuần túy kinh tế. Đối với giới tinh hoa chính trị từ bà [Margaret] Thatcher qua ông [Tony] Blair tới ông [David] Cameron, bọn họ đều không có ý định từ bỏ cách nhìn xa cách với châu Âu lục địa. Điều đó vốn là nhãn quan của ông [Winston] Churchill trong bài phát biểu Zürich nổi tiếng của ông năm 1946, ông đã nhìn thấy Đế quốc Anh trong vai trò người cha đỡ đầu nhân từ một châu Âu thống nhất - nhưng chắc chắn đế quốc Anh không phải là một phần của nó. Ở Brüssel, người Anh luôn thi hành chính sách dè dặt như câu châm ngôn: "Wasch mich, aber mach mich nicht nass" (tạm dịch: “tắm rửa, nhưng không làm ướt mình”) [có nghĩa là quá tham lam, cái gì cũng muốn; nó đồng nghĩa với câu tục ngữ của Việt Nam: “con rô cũng tiếc, con giếc cũng muốn” - ND].
Ông đang ám chỉ chính sách kinh tế của người Anh?
Người Anh có quan niệm thị trường tự do rất kiên quyết về EU như là một khu vực thương mại tự do và điều này được thể hiện trong chính sách mở rộng EU nhưng không đồng thời đi sâu hợp tác. Không có thỏa ước Schengen, không có Euro. Thái độ đơn thuần công cụ của giới tinh hoa chính trị người Anh đối với EU vẫn còn được phản ánh trong chiến dịch tranh cử của phe ‘Ở lại’. Những người bảo vệ nửa vời cho thái độ ‘ở lại’ EU tự giới hạn mình trong chiến dịch ‘gieo rắc sợ hãi’ được hỗ trợ bởi những luận cứ kinh tế. Làm thế nào để thái độ thân thiện với châu Âu có thể thắng thế trong dân chúng đủ đảm bảo cho sự gắn kết trong một cộng đồng siêu quốc gia khi mà suốt nhiều thập niên những lãnh đạo chính trị đã theo đuổi chiến lược bất chấp tất cả chỉ vì lợi ích quốc gia mình? Nhìn từ xa, dễ dàng nhận thấy thất bại này của giới tinh hoa nước Anh ngày hôm nay hiện thân ngay trong những mẫu người vị-kỷ với nhiều sắc thái khác nhau như hai ông [David] Cameron và [Boris] Johnson [ngoại trưởng Anh].
Trong cuộc bầu cử này, không chỉ có cuộc xung đột già-trẻ mà còn có sự phân chia mạnh mẽ thành thị-nông thôn. Thành phố [London - ND] đa-văn hóa đã thua cuộc. Tại sao bản sắc dân tộc lại đột ngột chống lại sự hội nhập châu Âu? Phải chăng các chính trị gia châu Âu đã xem nhẹ sức công phá của tinh thần cố chấp dân tộc và văn hóa?
Anh nói đúng, cuộc bỏ phiếu của cử tri Anh phản ánh một điều gì đó về tình trạng chung của cuộc khủng hoảng trong EU và các nước thành viên. Trong các kết quả của việc phân tích cử tri, chúng tôi nhận thấy có cùng mô thức trong cuộc bầu cử tổng thống Áo và trong các cuộc bầu cử Nghị viện bang gần đây tại Đức. Số lượng cử tri đi bầu khá cao cho thấy phe chủ nghĩa dân túy đã thành công trong việc vận động một bộ phận không nhỏ nhóm cử tri không-đi bầu trước đó. Nhóm cử tri này phần lớn là từ những nhóm người bên lề xã hội luôn có cảm giác “bị bỏ rơi”. Điều này cũng phù hợp với một kết quả khác, đó là các nhóm người nghèo, yếu thế về mặt xã hội và ít học thì chọn phương án ‘Ra đi’ tương đối nhiều hơn. Vì vậy, không chỉ hành vi bỏ phiếu trái ngược nhau giữa nông thôn và thành thị mà cả sự phân bố về mặt địa lý của những phiếu bầu ‘Ra đi’, vốn đầy rẫy ở vùng trung du và nhiều phần của xứ Wales – bao gồm những vùng đất công nghiệp cũ bỏ hoang không đủ sức hồi phục về mặt kinh tế –, chính những khu vực này nói lên nguyên nhân kinh tế và xã hội của Brexit. Nhận thức về sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng mạnh mẽ và cảm giác bất lực, khi quyền lợi của mình không còn được đại diện về mặt chính trị, tất cả điều này là động cơ cho việc động viên chống lại người nhập cư, quay lưng với châu Âu, căm ghét Brüssel. Trong cuộc sống bấp bênh hàng ngày, chính “tinh thần cố chấp về dân tộc và văn hóa” thật sự trở thành những nhân tố ổn định, đúng như người Anh nói.
Chúng thực sự chỉ là những vấn đề xã hội? Có một xu hướng lịch sử rất mạnh về việc quốc gia tự lực và từ chối hợp tác. Tính siêu quốc gia (Supranationalität / Supranationality), đối với người dân bình thường, có nghĩa là mất kiểm soát. Họ nghĩ rằng: Chỉ có quốc gia mới là hòn đá tảng để xây dựng mọi sự. Điều này không minh chứng rằng sự chuyển đổi từ nền dân chủ quốc gia sang nền dân chủ xuyên quốc gia (transnationale / transnational) đã thất bại?
Jarosław Kaczyński (1949-)
Một nỗ lực chưa bắt đầu tiến hành thì không thể xem là thất bại. Chắc chắn, chính lời kêu gọi “Take back control” (“giành lại quyền kiểm soát”) vốn đóng vai trò trong chiến dịch vận động tranh cử của người Anh là một dấu hiệu cần được xem xét nghiêm túc. Đối với người quan sát thì sự phi lý rõ ràng không chỉ ở kết quả mà còn ở toàn bộ chiến dịch. Những chiến dịch thù ghét cũng đang gia tăng ở châu Âu lục địa. Các đặc điểm bệnh lý xã hội của tính xâm hấn không có giới hạn về mặt chính trị cho thấy một thực tế rằng những bó buộc mang tính hệ thống, thâm nhập vào xã hội toàn cầu vừa không được điều chỉnh về mặt kinh tế, lại vừa hợp nhất về mặt kĩ thuật số chỉ đơn giản là quá sức chịu đựng đối với các hình thức hội nhập xã hội diễn ra theo cách dân chủ trong nhà nước-dân tộc. Điều đó gây ra những sự thoái trào. Một ví dụ là những ảo tưởng kiểu Wilhelm [có tính khoa trương - ND] của một Jaroslav Kaczinski [chủ tịch đảng cánh hữu “luật pháp và công lý” của Ba Lan], cố vấn của chính phủ Ba Lan hiện nay. Sau cuộc trưng cầu dân ý của Anh, ông đề nghị một cách giải quyết là giải thể EU thành một liên minh lỏng lẻo gồm các quốc gia có chủ quyền để chúng ngay lập tức có thể hợp lại thành một lực lượng quân sự đáng gờm.
Ta có thể nói: ông [Jaroslav] Kaczinski chỉ đơn thuần phản ứng trước sự mất kiểm soát của các nhà nước-dân tộc.
Giống như mọi dấu hiệu khác, cảm giác mất kiểm soát có hạt nhân hiện thực đó là sự suy thoái của các nền dân chủ nhà nước-dân tộc, vốn từng cho người dân cơ hội lên tiếng về những vấn đề quan trọng của xã hội. Cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đã cung cấp bằng chứng sống động về từ khóa "hậu-dân chủ" (Postdemokratie / post-democracy). Rõ ràng, cơ sở hạ tầng, mà không có nó thì không gian chính trị công cộng không thể vận hành được, đã sụp đổ. Sau những phân tích ban đầu, truyền thông và các đảng phải cạnh tranh nhau đã không thể thông tin cho dân chúng biết về những vấn đề và dữ liệu cơ bản, chứ đừng nói tới việc đưa ra được những lập luận khác biệt để ủng hộ hay bác bỏ những quan điểm chính trị đối lập. Một thông tin cho ta biết nhiều điều: lượng cử tri trong độ tuổi 18 - 24, vốn thất thế so với những cử tri cao tuổi, tham gia bỏ phiếu cực kỳ ít ỏi.
Nghe có vẻ như truyền thông lại có lỗi lần nữa.
Không phải thế, nhưng hành vi của nhóm-tuổi này cho thấy rõ phương thức sử dụng phương tiện truyền thông của những người trẻ tuổi trong thời đại kỹ thuật số cũng như sự thay đổi thái độ đối với chính trị nói chung. Theo “hệ tư tưởng” của thung lũng Silicon [Hoa Kỳ], thì thị trường và công nghệ sẽ cứu vãn xã hội và do đó làm cho những thứ đã lỗi thời như nền dân chủ trở nên thừa thãi. Một nhân tố nguy hiểm cần được xem xét nghiêm túc trong bối cảnh này là xu thế chung hướng tới việc “nhà nước hóa” (Verstaatlichung) các đảng phái chính trị, [tức một sự tập hợp các đảng chính trị chặt chẽ hơn bao giờ hết nằm trong hệ thống phức hợp có tổ chức của nhà nước –[3]]. Và quả thật, không phải ngẫu nhiên khi mà nền chính trị Âu châu không bắt rễ từ xã hội dân sự (Bürgergesellschaft / civil society). Trong thực tế, nền chính trị ấy được tổ chức theo kiểu những vị trí then chốt về chính sách kinh tế liên quan đến toàn bộ xã hội bị tách rời khỏi tiến trình kiến tạo ý chí một cách dân chủ. Cách tiếp cận kĩ trị này làm rỗng ruột các chương trình nghị sự khiến người dân không theo dõi được nữa hẳn nhiên chẳng phải do số phận tự nhiên mà là hệ quả của sự thiết kế được quy định rõ trong các hiệp ước. Trong bối cảnh này, việc phân chia quyền lực chính trị có toan tính giữa các cấp độ quốc gia và châu Âu cũng đóng một vai trò: quyền lực của Liên minh được tập trung ở nơi mà các lợi ích của nhà nước-dân tộc có thể ngáng chân lẫn nhau. Một nền dân chủ xuyên quốc gia ắt sẽ là câu trả lời đúng đắn cho việc này. Làm cách khác thì không thể nào cân đối lại được sự mất kiểm soát thường bị than phiền và quả thực đã xảy ra nơi cảm nhận của người dân trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau đến cao độ này.
Nhưng hầu như không còn mấy ai tin vào nền dân chủ xuyên quốc gia nữa. Đối với nhà xã hội học Wolfgang Streeck, EU như là một bộ cỗ máy mất điều khiển. Cỗ máy ấy không thể bảo vệ các quốc gia trước một chủ nghĩa tư bản đang dần trở nên hoang dại, trái lại, đầu hàng trước nó. Bây giờ, các nhà nước-dân tộc cần phải nắm lại kiểm soát trong tay mình. Tại sao chúng ta không thể quay trở lại với chủ nghĩa tư bản nhà nước phúc lợi cũ?
Wolfgang Streeck (1946-)
Những phân tích về cuộc khủng hoảng của ông Streeck dựa trên những phân tích thực nghiệm có sức thuyết phục. Tôi cũng chia sẻ chẩn đoán của ông về tình trạng suy yếu của nền dân chủ thực chất vốn được thể chế hóa trong các nhà nước-dân tộc. Và tôi cũng chia sẻ nhiều chẩn đoán tương tự của các nhà khoa học chính trị và luật gia, đề cập đến những hậu quả của quá trình phi-dân chủ hóa trong những hình thức chính trị và pháp lý mới của "sự cai trị vượt trên nhà nước-dân tộc". Nhưng lời biện minh cho việc quay trở lại với mẫu hình nhà nước-dân tộc nhỏ bé thì chưa rõ ràng với tôi. Bởi như thế là phải lãnh đạo các nhà nước dân tộc trên các thị trường toàn cầu hóa theo cung cách của những tập đoàn kinh tế hỗn hợp toàn cầu. Điều này có nghĩa là một sự từ nhiệm hoàn toàn của chính trị trước các mệnh lệnh của thị trường không được kiểm soát.
Có một sự chia phe thú vị đang diễn ra. Với một bên, EU vẫn còn duy trì mục đích của mình như là dự án chính trị và Brexit là một tín hiệu cho thấy phải tái lập lại châu Âu. Với bên khác, chẳng hạn, ông Martin Schulz thì lại nói: không thể tiếp tục làm như thế nữa. Cuộc khủng hoảng của EU chính là do thiếu sự đi sâu hợp tác – đã có đồng euro, nhưng lại không có chính phủ châu Âu, không có chính sách kinh tế và xã hội. Vậy bên nào có lý?
Frank-Walter Steinmeier (1956-)
Viktor Orbán (1963-)
Khi ông Frank-Walter Steinmeier [Bộ trưởng ngoại giao Đức] có sáng kiến mời ngoại trưởng của 6 quốc gia sáng lập EU họp vào buổi sáng sau Brexit, thì bà Angela Merkel đã cảm nhận lập tức sự nguy hiểm. Từ cấu hình các ngoại trưởng này, không thể không nhận ra mong muốn thực sự tái tạo châu Âu từ nòng cốt của nó sau làn sóng đầy chấn động này. Phản ứng lại, bà [Merkel] kiên quyết tìm kiếm trước hết là một thỏa thuận giữa 27 nước thành viên còn lại. Ý thức được rằng một thỏa thuận mang tính xây dựng trong nhóm này và với những người quốc gia chủ nghĩa đầy quyền uy như [Viktor] Orbán [Thủ tướng Hungary] hoặc [Jaroslaw] Kaszyński [Thủ tướng Ba Lan] là việc không thể, bà Angela Merkel muốn bọp chết từ trong trứng nước bất kì tư tưởng nào muốn tiếp tục hội nhập. Tại Brüssel, bà đã kêu gọi hội đồng EU hãy giữ bình tĩnh. Bà có lẽ còn hy vọng vào việc vô hiệu hóa phần lớn những hậu quả của Brexit về thương mại và kinh tế hay thậm chí hy vọng Brexit được xét lại.
Lời chỉ trích của ông nghe có vẻ không có gì mới. Ông luôn cáo buộc bà Merkel theo đuổi chính sách “cứ thế làm tiếp”. Ít ra là ở trong chính sách về Châu Âu của bà ấy.
Alexander Kluge (1932-)
Tôi e rằng chính sách trấn an quen thuộc này sẽ hoặc đã giành ưu thế: làm ơn đừng mở ra viễn cảnh gì nữa! Lý lẽ là: hãy bình tĩnh, EU vẫn luôn cải biến mà! Thật ra, tình trạng lung tung thiếu tầm nhìn xa bằng cách tiếp tục cố kiềm chế sự khủng hoảng của đồng Euro dẫn đến hậu quả là EU – trong cách phản ứng để thích nghi của nó – không thể cứ tiếp tục “làm như trước nay” được nữa. Nhưng việc thích nghi vội vã với trạng thái bình thường của sự "bế tắc gia tốc" đang phải trả giá bằng việc từ bỏ sự định hình chính trị. Và chính bà Angela Merkel chứ không ai khác là người đã hai lần bác bỏ nỗ lực ấy một cách đầy ấn tượng, điều mà các nhà khoa học xã hội đã gọi là việc thiếu không gian hành động chính trị ở khắp nơi, đó là trong vụ biến đổi khí hậu và chấp nhận người tị nạn. Hiện nay trong nước, Sigmar Gabriel và Martin Schulz là hai tiếng nói duy nhất ở cấp cao còn cho thấy có phẩm chất chính trị và là những người không chịu an phận với việc chia tay chính trị một cách rụt rè, nhút nhát bằng cách chỉ tính trước đường đi nước bước trong vòng chỉ ba hay bốn năm. Không phải là dấu hiệu của chủ nghĩa hiện thực, khi mà sự lãnh đạo chính trị buông xuôi, nhường lại cho dòng chảy khắc nghiệt của lịch sử. “Trong tình trạng nguy hiểm và cực kì khẩn cấp, lựa chọn trung đạo chắc chắn dẫn đến cái chết” những ngày này, tôi thường phải nghĩ về bộ phim của bạn tôi Alexander Kluge [nhà làm phim nổi tiếng, một trong những đại diện của phòng trào Điện ảnh Đức mới - ND]. Tất nhiên, chỉ từ cái nhìn hồi cố, ta mới biết có con đường khác hay không. Nhưng trước khi bác bỏ một con đường thay thế chưa được thử nghiệm, ta hãy cố gắng thử hình dung về tình hình hiện tại của chúng ta như là quá khứ của hiện tại dưới lăng kính của một nhà sử học tương lai.
Làm sao có thể hình dung được sự hợp tác sâu sắc của Liên minh mà không khiến người công dân phải lo sợ trước sự tiếp tục mất dần khả năng kiểm soát dân chủ? Cho đến nay sự hợp tác sâu sắc nào cũng làm gia tăng sự hoài nghi đối với châu Âu. Nhiều năm về trước, hai ông Wolfgang Schäuble [Bộ trưởng tài chính Đức] và Karl Lamers [từ 1980, cùng với W. Schäuble soạn cương lĩnh cho chính sách châu Âu, chủ trương một châu Âu với hai tốc độ: các nước hạt nhân tham gia hiệp ước Schengen, liên hiệp kinh tế và tiền tệ; các nước ngoại vi tham gia từng bước. - ND] đã nói về một châu Âu hai-tốc độ, về một khu vực châu Âu nòng cốt (einem Kerneuropa / a core Europe).  Ông đã đồng ý với họ lúc đó. Phải hình dung sao đây? Có nên thay đổi các hiệp ước hay không?
Karl A. Lamers (1951-)
Việc triệu tập một hội nghị dẫn đến những thay đổi lớn về hiệp ước và trưng cầu dân ý sẽ chỉ hội đủ kiều kiện khi EU nhận thức rõ các vấn đề cấp bách nhất của mình và biết xử lý một cách thuyết phục. Cuộc khủng hoảng đồng euro vẫn chưa hề được giải quyết, những vấn đề dài-hạn về người tị nạn và các vấn đề an ninh hiện nay đang được coi là những vấn đề khẩn cấp. Nhưng ngay việc trình bày vấn đề đã không nhận được sự đồng thuận trong vòng 27 thành viên Hội đồng châu Âu không ăn ý với nhau. Thỏa hiệp chỉ có thể đạt được khi các đối tác sẵn sàng thỏa hiệp với nhau, và khi lợi ích của họ không quá cách xa nhau. Lượng nhỏ nhất của sự hội tụ lợi ích này cùng lắm chỉ được chờ đợi trong những thành viên khu vực đồng euro. Số phận của cuộc khủng hoảng đồng tiền chung, vốn được các chuyên gia phân tích nguyên nhân theo phương pháp khoa học, đã gắn kết các nước này chặt chẽ từ nhiều năm nay, cho dù bằng cách không đối xứng. Do đó, khu vực đồng tiền chung euro cung cấp một định nghĩa tự nhiên cho phạm vi sẵn có của một khu vực nòng cốt của châu Âu tương lai. Khi những nước này có ý chí chính trị, thì nguyên tắc cơ bản của "hợp tác chặt chẽ hơn" dự kiến trong các hiệp ước sẽ cho phép những bước đi đầu tiên để hướng tới phân biệt một khu vực nòng cốt như thế - và cùng với đó là sự hình thành lẽ ra đã phải có từ lâu của một đối trọng đối với nhóm các quốc gia Euro bên trong Hội đồng Nghị viện châu Âu.
Điều này sẽ chia rẽ EU.
Đúng thế, người ta dùng sự cáo buộc “chia rẽ” để chống lại kế hoạch này. Tuy nhiên, nếu định rằng, nói chung, ta muốn có một sự hợp nhất châu Âu thống nhất thì sự cáo buộc này là không có cơ sở. Bởi vì chỉ khi có một khu vực châu Âu nòng cốt hoạt động tốt thì mới có thể thuyết phục những người dân đang phân cực hiện nay của tất cả các quốc gia thành viên về ý nghĩa này. Chỉ với điều kiện tiên quyết này thì mới dần dần tranh thủ cả nhân dân các nước vẫn muốn giữ vững chủ quyền của mình, có thể (!) tham gia vào bất kỳ lúc nào. Trong viễn tượng này, ngay từ đầu phải nỗ lực tìm kiếm sự đồng ý của những chính phủ đang chờ đợi được gia nhập; bởi sẽ tránh được sự phản đối các dự án ngay từ đầu. Bước đi đầu tiên hướng đến sự thỏa hiệp trong khu vực đồng euro đang ở trước mắt. Cộng hòa Liên bang Đức sẽ phải từ bỏ việc chống đối sự hợp tác chặt chẽ hơn trong chính sách tài chính, kinh tế và xã hội, và Pháp cũng phải sẵn sàng từ bỏ chủ quyền trong các lĩnh vực tương ứng.
Và ai sẽ ngăn chặn điều này?
Từ lâu tôi đã có cảm tưởng rằng sự phản đối từ phía Pháp sẽ càng lúc càng lớn. Nhưng hiện giờ thì điều này không còn đúng nữa. Hiện nay, bất kỳ nỗ lực đào sâu sự hợp tác nào đều bị thất bại trước sự phản đối rất ngoan cố của đảng cầm quyền CDU / CSU [CDU là đảng Liên minh Dân chủ Kitô giáo Đức; CSU là đảng Đảng Liên minh Xã hội Kitô giáo Bayern. - ND] mà trong nhiều năm qua đã vận động cử tri của mình bỏ phiếu rất ít, khi cần bày tỏ sự đoàn kết với người dân ở các nước châu Âu khác. Trong khi thổi bùng tinh thần vị kỷ dân tộc về kinh tế để hướng đến cuộc bầu cử sắp tới, họ lại đánh giá sai một cách có hệ thống để biết đa số người dân CHLB Đức sẵn sàng chấp nhận những nhượng bộ nào vì lợi ích lâu dài của chính mình. Cần phải kiên quyết cung cấp cho người dân Đức một sự lựa chọn khác có tầm nhìn xa và có cơ sở vững vàng thay vì cứ tiếp tục đường lối và thực tiễn đầy tính tê liệt như trước nay.
Brexit sẽ làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Đức. Và từ lâu Đức đã được xem như bá chủ của Liên minh châu Âu. Tại sao lại dẫn đến một cảm nhận như thế được?
Sự phục hồi đầy ngộ nhận về một nhà nước-quốc gia "bình thường" đã dẫn đến một sự thay đổi não trạng ở nước ta [nước Đức], vốn đã hình thành ở Tây Đức (cũ) trước đây trong các thập niên dài xung đột. Điều này tương ứng với một phong cách ngày càng quyết đoán và kiên định của đường lối gọi là "thực tế" của nước Cộng hòa Berlin mới [Đức] đối với thế giới bên ngoài. Từ năm 2010, chúng ta đã nhìn thấy chính phủ Đức đã nhìn nhận vai trò lãnh đạo ngày càng gia tăng một cách bất đắc dĩ ở châu Âu như thế nào: không phải vì lợi ích chung cho bằng vì lợi ích riêng của mình. Ngay cả một bài xã luận của nhật báo FAZ (Frankfurter Allgemeine Zeitung) đã tố cáo sự phản tác dụng của chính sách Đức, “vì chính sách ấy ngày càng lẫn lộn giữa việc lãnh đạo châu Âu với việc thực thi những quan niệm của riêng mình về sự trật tự” (FAZ, 29.6.2016). Nước Đức là một anh bá chủ bất đắc dĩ, nhưng đồng thời lại vô cảm và bất lực, vừa lợi dụng vừa phủ nhận sự mất cân đối trong cán cân lực lượng ở châu Âu. Điều này khơi dậy sự oán giận đặc biệt ở các nước thuộc khu vực đồng euro. Người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Hy Lạp sẽ cảm nhận như thế nào khi anh ta bị mất việc làm trong bối cảnh Hội đồng châu Âu quyết định các chính sách cắt giảm chi tiêu? Anh ta chẳng làm gì được các quan chức của chính phủ Đức, những người đã thi hành chính sách này tại Brüssel. Bởi anh ta chẳng thể bầu chọn cho họ ở lại hay rời bỏ chức vụ. Thay vào đó, anh có thể đọc trên báo rằng, trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp, chính các chính trị gia này rất giận dữ, phủ nhận bất kỳ trách nhiệm nào về những hậu quả tai hại về mặt xã hội do họ đã áp đặt các biện pháp khắc khổ. Bao lâu cấu trúc phi dân chủ và sai lầm này không được dẹp bỏ, thì ta không cần phải ngạc nhiên về các chiến dịch tuyên truyền chống châu Âu. Không còn con đường nào khác để đạt được nền dân chủ ở châu Âu ngoài việc làm sâu sắc hơn sự hợp tác liên Âu.
Điều này có nghĩa rằng các phong trào cánh hữu chỉ biến mất khi có nhiều châu Âu hơn và EU sẽ làm cho nền dân chủ sâu sắc hơn?
Không, chúng chưa biến mất, nhưng chúng phải dần dần mất chỗ đứng. Nếu quan điểm của tôi đúng, thì hiện nay tất cả các bên đều cho rằng Liên minh phải lấy lại lòng tin để làm suy yếu chủ nghĩa dân túy cánh hữu bằng cách phá hủy nền móng dưới chân của họ. Một bên thì muốn chứng tỏ năng lực hành động để phô trương sức mạnh trước nhóm cảm tình viên viên cánh hữu. Khẩu hiệu là: “Đừng nêu tầm nhìn xa nữa, mà là năng lực giải quyết vấn đề!”. Từ cách nhìn ấy, Wolgang Schäuble [Bộ trưởng tài chính Đức, đảng CDU] nay đã công khai từ bỏ chính ý tưởng của ông ấy về một khu vực châu Âu nòng cốt. Ông ta đặt cược hoàn toàn vào một nền quản trị liên chính phủ, tức vào việc để cho các lãnh đạo nhà nước và chính phủ bàn tính công việc với nhau. Trước mắt, ông ta nhắm đến một sự hợp tác thành công giữa các quốc gia mạnh. Nhưng, những ví dụ mà ông ta nêu ra – liên minh kỹ thuật số Ottinger, Âu châu hóa ngân sách quốc phòng hay liên minh năng lượng – khó mà mang lại hiệu ứng sức mạnh được mong muốn. Còn đối với những vấn đề thực sự cấp bách – ông ấy gọi tên hẳn hoi: chính sách người tị nạn và việc xây dựng luật tị nạn châu Âu, gạt sang một bên nạn thất nghiệp thê thảm của giới trẻ ở các nước Nam Âu – thì phí tổn của sự hợp tác là quá cao như bao giờ cũng thế. Cho nên, phía khác lại khuyến cáo một lựa chọn khác là hợp tác chuyên sâu và mang tính cam kết trong phạm vi nhỏ hơn giữa những nước sẵn sàng hợp tác lâu bền. Một liên minh như thế không cần phải tìm ra những vấn đề chỉ để chứng minh năng lực hành động của mình. Trên con đường ấy, người dân cần nhận ra rằng phải xử lý bất kỳ vấn đề xã hội và kinh tế nào đã gây nên sự bất an, sự lo sợ trước tình trạng đi xuống về mặt xã hội cũng như cảm giác đánh mất sự kiểm soát. Nhà nước phúc lợi và nền dân chủ tạo nên một mối quan hệ nội tại, mà không một quốc gia riêng lẻ nào – trong một cộng đồng chung về tiền tệ - còn có thể đơn độc đảm bảo được nữa.
Về Jürgen Habermas
Jürgen Habermas, sinh năm 1929, là nhà xã hội học và là triết gia người Đức đương đại (còn sống) được quốc tế trích dẫn nhiều nhất. Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng mình say mê giải quyết thực trạng của Liên minh châu Âu và kêu gọi xây dựng nền dân chủ sâu sắc cho EU. Trong một cuộc phỏng vấn, Habermas đã phàn nàn về "tình trạng sa lầy vẫn đang diễn ra" ở châu Âu và chính sách "nỗ lực ổn định [tình hình]" của bà Angela Merkel.
Thomas Assheuer (1955-)
Về Thomas Assheuer
Phóng viên Thomas Assheuer của tờ Die Zeit thực hiện cuộc phỏng vấn này qua email. Bài phỏng vấn này ra mắt lần đầu bằng tiếng Đức trên tờ Die Zeit. Bản tiếng Anh (do David Gow dịch ra tiếng Anh với sự chấp thuận của tác giả) là sự đóng góp đầu tiên một dự án xã hội Châu Âu mới về "Châu Âu hậu Brexit” được tổ chức với sự hợp tác của hai ông Hans Böckler Stiftung và Bertelsmann Stiftung ở Viện nghiên cứu Chính sách Kinh tế Vĩ mô (IMK), một viện nghiên cứu độc lập trực thuộc Quỹ Hans-Böckler - một tổ chức phi lợi nhuận thúc đẩy hợp tác và nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu và học tập.
Nguyễn Thị Trà GiangNguyễn Việt Anh dịch từ bản dịch tiếng Anh
Bùi Thị Trạc Tuyền hiệu đính từ bản gốc tiếng Đức
Nguồn bản dịch tiếng Anh: Core Europe To The Rescue, socialeurope, July.12 2016.




[1] “Chủ nghĩa tự do trong trật tự” là một cơ cấu trong hệ thống của Đức nằm giữa “chủ nghĩa tự do xã hội” và “chủ nghĩa tân tự do” trong đó nhấn mạnh một chính quyền mạnh để thúc đẩy kinh tế thị trường, bảo đảm thị trường tự do sản xuất ra thành quả gần với tiềm năng lý thuyết của thị trường, khác với trường phái tân-tự do chủ trương một chính quyền tối thiểu. (ND)

[2] Hegel từng nói: “Không có bậc anh hùng nào trong mắt của kẻ hầu phòng cả, song không phải vì bậc anh hùng không phải là bậc anh hùng mà vì kẻ hầu phòng chỉ là kẻ hầu phòng.”

Câu “Không có bậc anh hùng nào trong mắt của kẻ hầu phòng cả” là câu nói được Johann Wolfgang Goethe mượn lại (xem: Goethe: Die Wahlverwandtschaften, 1809) và cũng là câu tục ngữ quen thuộc của Pháp (phát xuất từ câu nói của Madame Cornuel (1614-1694). (Xem: Lettres de Mademoiselle Assé à Madame C ... [Calandrini], Paris 1787).

(Trích G.W.F.Hegel, Hiện tượng học Tinh thần, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, §665, Tr. 1294, Nxb.Văn học, 2006.)

[3] David Gow giải thích thêm trong bản dịch tiếng Anh của mình.

Print Friendly and PDF