21.5.18

Ảnh hưởng của Karl Marx – một cách tiếp cận phản chứng

ẢNH HƯỞNG CỦA KARL MARX

MỘT CÁCH TIẾP CẬN PHẢN CHỨNG

Karl Marx (1818-1883)

Kỷ niệm hai trăm năm ngày sinh của Karl Marx đang dấy lên nhiều hội nghị chuyên đề về rất nhiều (và Chúa biết đã có rất nhiều) khía cạnh trong công trình cuộc đời của Marx. (Tôi sẽ tham dự một hội nghị như vậy ở Haifa.) Ngoài các hội nghị, còn có một lượng lớn hơn nữa các bài viết về sự nghiệp và ảnh hưởng của ông (Peter Singer vừa công bố một bài một vài ngày trước đây), những cuốn sách mới về cuộc đời của ông, một bộ phim về Young Marx [Thời trẻ của Karl Marx] và còn nhiều hoạt động khác nữa.
Trong bài viết này, tôi cũng sẽ xem xét ảnh hưởng trí tuệ của Marx – nhưng từ một góc độ rất khác. Tôi sẽ sử dụng cách tiếp cận phản chứng. Tôi sẽ hỏi ảnh hưởng của Marx là gì nếu không xảy ra ba sự kiện đáng chú ý. Cố nhiên, giống như tất cả các phản chứng, điều này dựa vào hiểu biết của cá nhân khi đọc lịch sử và phỏng đoán. Nó không thể được chứng minh là đúng. Tôi tin chắc rằng nhiều người khác cũng có thể làm việc này với nhiều phản chứng khác nhau – có lẽ còn tốt hơn những cái của tôi.
Friedrich Engels (1820-1895)
Sự kiện đầu tiên: nếu không có Engels. Đối chứng này đã được thảo luận nhưng đáng xem lại. Khi Karl Marx qua đời vào năm 1883, ông là đồng tác giả của Tuyên ngôn Cộng sản, nhiều nghiên cứu ngắn về chính trị và xã hội, các bài báo (được đăng trong New York Daily Tribune) và một cuốn sách dày nhưng không nổi tiếng hoặc được dịch nhiều, có tựa đề là Capital [Tư bản luận, tiếng Anh] (tập 1). Cuốn Capital được xuất bản 16 năm trước khi ông qua đời và suốt những năm đó ông viết rất nhiều nhưng xuất bản rất ít. Đến cuối đời, ông thậm chí còn viết ít hơn. Cũng không được xuất bản và trong một mớ hỗn độn là hàng trăm trang bản thảo của ông từ cuối những năm 1840, và những năm 1850 và 1860. Marx được biết đến trong một nhóm khá nhỏ những nhà hoạt động phong trào công nhân, và những người Đức, người Áo và ngày càng đông những người dân chủ xã hội Nga. Nếu cứ như vậy, có nghĩa là, nếu không có Engels, người đã dành hơn mười năm để sắp xếp lại các bài viết của Marx và sản xuất ra thêm hai tập của Das Capital [Tư bản luận, tiếng Đức], thì danh tiếng của Marx sẽ kết thúc ở thời điểm năm 1883. Sự kiện này khá nhỏ. Tôi nghi ngờ ngày nay có bất cứ ai nhớ đến sinh nhật của ông (ông sinh ngày 5 tháng 5).
Karl Kautsky (1854-1938)

Nhưng nhờ vào công trình và sự tận tuỵ vô vị lợi của Engels (và tầm quan trọng của bản thân Engels trong đảng dân chủ xã hội Đức), nên tầm quan trọng của Marx cũng tăng lên. Đảng dân chủ xã hội trở thành đảng lớn nhất ở Đức và điều này càng làm cho ảnh hưởng của Marx lớn hơn. Dưới thời Kautsky (người sáng lập tờ nguyệt san Die Neue Zeit – ND), The Theories of Surplus Value [Các lý thuyết về giá trị thặng dư] đã được xuất bản. Những quốc gia khác, trong một nhóm rất hẹp, mà ông có ảnh hưởng chỉ có Nga và Áo-Hungary.
Leszek Kolakowski (1927-2009)

Thập niên đầu của thế kỷ 20 chứng kiến ​​sự gia tăng ảnh hưởng của tư tưởng Mác-xít, mạnh đến mức Leszek Kolakowski trong tác phẩm hoành tráng của mình Main currents of Marxism [Các dòng chính của chủ nghĩa Mác] đúng đắn gọi thời kỳ đó là “thời hoàng kim”. Đó thực sự là thời hoàng kim của tư tưởng mác-xít về tầm cỡ của những tác giả theo mạch của chủ nghĩa mác-xít, nhưng không phải về mặt ảnh hưởng toàn cầu. Bởi vì tư tưởng của Marx không thâm nhập được vào thế giới Anglo-Saxon (bản dịch đầu tiên bằng tiếng Anh của cuốn Das Kapital – thật lạ, vẫn viện dẫn đến tên gọi bằng tiếng Đức của nó – đó là vào năm 1887, có nghĩa là hai mươi năm sau khi nguyên tác được xuất bản). Và ở miền Nam châu Âu, trong đó có Pháp, ông bị lu mờ trước những người theo chủ nghĩa vô chính phủ và “những người tiểu tư sản xã hội chủ nghĩa”.
Đây là nơi mà mọi thứ sẽ kết thúc nếu không có cuộc chiến tranh thế giới. Tôi cho rằng ảnh hưởng của Marx sẽ dần dần biến mất khi những người dân chủ xã hội ở Đức chuyển theo hướng chủ nghĩa cải cách và “xét lại”. Hình ảnh của ông gần như chắc chắn sẽ được hiển thị trong số các “nhà tư tưởng bậc thầy [maîtres à penser]” của lịch sử dân chủ xã hội Đức, nhưng ảnh hưởng của ông không có gì nhiều, trong chính sách (hầu như chắc chắn) cũng như trong các khoa học xã hội.
Nhưng rồi cuộc cách mạng tháng Mười nổ ra (sự kiện thứ hai). Điều này làm biến đổi hoàn toàn sấn khấu. Không chỉ vì ông được “chia phần” vinh quang, điều độc nhất trong số các nhà khoa học xã hội, người duy nhất chịu trách nhiệm về mặt ý thức hệ cho một sự thay đổi trọng yếu ở một quốc gia lớn và trong lịch sử thế giới, mà còn vì chủ nghĩa xã hội, do sức hấp dẫn trên toàn thế giới, đã là “bệ phóng” cho tư tưởng và sự nổi tiếng của Marx. Tư tưởng của ông, bất luận tốt hay xấu, đã trở thành điều không thể né tránh ở hầu hết các nước châu Âu, bất luận đó là các nhà trí thức, các nhà hoạt động chính trị, các nhà lãnh đạo phong trào lao động và các công nhân bình thường. Các nhà hoạt động công đoàn tổ chức những lớp học buổi tối để học tập những tác phẩm của ông; các nhà lãnh đạo chính trị, do bước chuyển giáo điều của các đảng Cộng sản, đã lên các kế hoạch hành động của mình và giải thích động thái đó bằng cách viện dẫn những bài viết lịch sử của Marx cho tới lúc bấy giờ ít được biết đến.
Leon Trotsky (1879-1940)
Joseph Stalin (1878-1953)
Sau đó, khi Comintern [Đệ Tam Quốc tế, hay còn được gọi là Quốc tế cộng sản – ND] bắt đầu từ bỏ tầm nhìn lấy châu Âu làm trung tâm và tham gia vào các cuộc đấu tranh chống đế quốc ở các nước thuộc Thế giới thứ ba, ảnh hưởng của Marx mở rộng đến những vùng mà không ai có thể tiên đoán được. Ông trở thành nhà tư tưởng của các phong trào đấu tranh mới vì cuộc cách mạng xã hội và giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Cho dù các nhà lãnh đạo chính trị có bám vào hay từ bỏ những giáo huấn của Marx (như trường hợp của Mao Trạch Đông khi lấy nông dân, chứ không phải là công nhân, trong vai trò của giai cấp cách mạng), Marx đã ảnh hưởng đến họ – và chính họ đã giải thích các chính sách của mình bằng cách viện dẫn đến Marx. Nhờ Trotsky và Stalin ở Nga đến những người cộng hòa thuộc cánh tả ở Tây Ban Nha, Mặt trận nhân dân ở Pháp, Mao ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Tito ở Nam Tư, Castro ở Cuba, Agostino Neto ở Angola, Nkrumah ở Ghana, Mandela ở Nam Phi, Marx đã trở thành “người gây ảnh hưởng” toàn cầu. Chưa bao giờ có một nhà khoa học xã hội nào tiếp cận được cấp độ toàn cầu như vậy. Ai có thể nghĩ rằng hai ông già râu dài người Đức của thế kỷ 19 sẽ được trang hoàng vào các dịp lễ đặc biệt ở cổng chính Thiên An Môn tại Bắc Kinh?
Và ông không chỉ có ảnh hưởng toàn cầu, mà ảnh hưởng của ông còn đi thẳng vào các tầng lớp giai cấp và nghề nghiệp. Tôi đã đề cập đến các nhà lãnh đạo cách mạng, các chính trị gia và các thành viên công đoàn. Nhưng ảnh hưởng đó còn lan rộng đến các học viện, các trường trung học; nó gây ảnh hưởng mạnh đến cả những người phản đối ông và những người tán dương ông. Ảnh hưởng đó phát sinh từ chủ nghĩa Mác-xít sơ đẳng, đã được giảng dạy cho các học sinh trung học đến các luận thuyết triết học phức tạp hay “học thuyết Mác phân tích” trong kinh tế học[1]. Việc xuất bản các bản thảo của Marx từ những năm 1844-46, đã dẫn dắt chúng ta biết đến một nhân vật Karl Marx trẻ tuổi vô danh và đã đưa cuộc thảo luận lên một mặt bằng cao hơn nữa: giờ đây đã nảy sinh một cuộc chiến triết học giữa một nhân vật Karl Marx thời trẻ và một Karl Marx cổ điển.
Những sự kiện trên sẽ không xảy ra nếu không có cuộc cách mạng tháng Mười và một bước ngoặt quyết định từ việc lấy châu Âu làm trung tâm sang hướng tới Thế giới thứ ba. Chính Thế giới thứ ba đã biến Marx từ một nhà tư tưởng người Đức và châu Âu thành một nhân vật toàn cầu.
Khi các tội ác của chủ nghĩa cộng sản được biết đến nhiều hơn, và dần dần hiện diện ngày càng nhiều ở trước cửa của Marx, và khi các chế độ cộng sản khựng lại và các nhà tư tưởng buồn thảm và kém văn hoá của các chế độ cộng sản nhai lại những cụm từ có thể tiên đoán được, thì tư tưởng của Marx cũng bị lu mờ. Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản đã kéo tư tưởng đó xuống mức thấp.

Nhưng rồi – sự kiện thứ ba – chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa phơi bày tất cả những điểm đặc trưng mà Marx đã từng mô tả một cách hùng hồn trong cuốn Das Capital, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã làm cho tư tưởng của ông một lần nữa trở nên thích đáng. Giờ đây, ông đã ngồi gọn lỏn một cách an toàn trong đền thờ các nhà triết học toàn cầu, người ta xuất bản mọi từ ngữ hiện còn của ông, sách của ông được dịch ra tất cả các thứ tiếng trên thế giới, và thân thế của ông đã an toàn, trong khi vẫn còn nhiều thay đổi thất thường của thời gian – ít nhất là theo nghĩa nó không bao giờ có thể rơi vào bóng tối và quên lãng.
Trong thực tế, ảnh hưởng của ông gắn chặt với chủ nghĩa tư bản. Khi nào chủ nghĩa tư bản còn tồn tại, thì người ta sẽ đọc Marx như là một nhà phân tích sắc sảo nhất. Nếu chủ nghĩa tư bản không còn tồn tại nữa, người ta sẽ đọc Marx như là một nhà phê bình giỏi nhất. Vì thế, dù có tin rằng trong 200 năm nữa, chủ nghĩa tư bản sẽ còn tồn tại hay không, thì chúng ta có thể chắc chắn một điều là Marx vẫn sẽ tồn tại.
Vị thế của ông giờ đây ngang hàng với vị thế của Plato và Aristotle, nhưng không phải vì ba sự kiện thuận lợi và khó xảy ra nói trên, chúng ta có thể khó nghe về một người di cư vô danh người Đức đã chết lâu rồi ở London, được tám người tiễn ông ra đến mộ.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: The influence of Karl Marx – a counterfactual, globalinequality, Wednesday, May 2, 2018.




Chú thích:
[1] Xem một trình bày “học thuyết Mác phân tích” trong bài “ Khái niệm bóc lột: từ học thuyết Marx sang học thuyết tân cổ điển
” của Trần Hải Hạc - ND

Print Friendly and PDF