9.5.18

Một ảnh hưởng tri thức lâu dài

Karl Marx (1818-1883)

MỘT ẢNH HƯỞNG TRI THỨC LÂU DÀI

Anselm Jappe
Vượt lên trên những hệ quả lịch sử và chính trị mà nó đã tạo ra, sự nghiệp của Karl Marx và sự dấn thân của ông vẫn tiếp tục tác động đến các khoa học nhân văn và triết học.
Không một nhà tư tưởng hiện đại nào lại có một ảnh hưởng lớn như Karl Marx, đặc biệt là vì sự đan xen của sự nghiệp của ông với chính trị và lịch sử. Trong nhiều thập niên, tư tưởng của ông đã trở thành học thuyết chính thức của những nước trong đó một phần ba nhân loại sống. Đã có nhiều đảng phái chính trị lớn khắp thế giới phổ biến tư tưởng của ông, và trong những nước như Pháp và Ý, chủ nghĩa Marx đã là một chặng đường bắt buộc đối với một số đông trí thức. Năm 1960, Jean-Paul Sartre đã từng tuyên bố chủ nghĩa Mác Xít là “triết học của thời đại của chúng ta: nó không thể bị vượt qua vì những điều kiện đã sản sinh ra nó vẫn chưa bị xóa bỏ”. Những năm 1970 đã cho thấy sự suy yếu đầu tiên của ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác Xít ở phương Tây. Sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh đã được những ai chống đối Marx xem như là sự phủ định dứt khoát chủ nghĩa này. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên mà người ta tuyên bố là người đàn ông râu xồm của thành phố Trèves đã chết để rồi sau đó lại hồi sinh. Chúng ta hãy thử điểm lại ảnh hưởng hiện nay của Karl Marx, đặc biệt là ở Pháp.
Chủ nghĩa Lênin và chủ nghĩa công nhân
Những cách tiếp cận tự cho là “thuần mác xít” và thường đa phần là dựa vào cách diễn giải của Lê Nin vẫn tiếp tục thu hút các nhà nghiên cứu và các nhà hoạt động chính trị. Đó là những phân tích của các nhà nghiên cứu Antonio Gramsci (Ý), Georg Lukacs (Hungary) và Louis Althusser (Pháp), những người đã từng hoạt động ở bên rìa của chủ nghĩa Mác Xít “chính thống”. Công trình nghiên cứu của Louis Althusser – được gọi là “cấu trúc” – được những tác giả như Etienne Balibar, Jacques Rancière và Alain Badiou tiếp nối. Những cách tiếp cận này dành một vị trí trung tâm cho khái niệm “đấu tranh giai cấp” – cho dù rằng đây không còn là giai cấp vô sản trong những xí nghiệp cổ điển. Họ tìm kiềm một cách thể hiện chính trị cho những ý tưởng của họ, thường nhân danh một “nền dân chủ triệt để”. Chủ nghĩa operaisme[1] của Ý, mà người đại diện là Toni Negri, và những phát triển mới đây của nó (đặc biệt là lý thuyết về “chủ nghĩa tư bản dựa trên tri thức (capitalisme cognitif) được tạp chí Multitudes phổ biến ở Pháp) cũng được phân biệt bởi sự nhấn mạnh đến hành động chính trị khi nghĩ rằng đã tìm thấy nơi thành phần công nhân có những việc làm bấp bênh một chủ thể cách mạng mới.
Phê phán và khoa học nhân văn
Mặt khác, thuyết Mác Xít được gọi là “phê phán”, “không chính thống” hay “phương tây”, xuất hiện vào những năm 1920, vẫn còn hiện hữu, đặc biệt là trong giới trí thức và nghệ sĩ. Lịch sử của lý thuyết này được xây dựng trên trường phái Francfort - Theodor Adorno, Max Horkheimer, Herbert Marcuse -, Guy Debord và nhóm Quốc Tế Tình Huống, Henri Lefebvre, nhóm Xã hội Chủ Nghĩa hay Tình Trạng Dã Man của Pháp (mà Cornelius Castriadis là người đại diện được biết đến nhiều nhất), André Gorz và, mới đây nhất, thuyết “phê phán giá trị” (Robert Kurz, Moise Postone). Những cách tiếp cận này phối hợp việc sử dụng một phần trong nghiên cứu của Marx với một số kết quả nghiên cứu của các khoa học nhân văn. Nó cởi mở hơn với những khía cạnh ít “chính trị” nhất trong sự nghiệp của Marx. Trong một thời gian dài, khái niệm tha hóa đã giữ vị trí trung tâm mà khái niệm bóc lột đã có trong những cách tiếp cận chính thống hơn.
Ngày nay, thường là “bái vật giáo hàng hòa” đóng vai trò chính. Sự phê phán quảng cáo và việc thao tác sự ham muốn thường dựa vào ý tưởng đó. Một vài tác giả, như Pierre Dardot và Christian Laval, cố gắng thiết lập một cái cầu giữa các công trình nghiên cứu của Michel Foucault và của Karl Marx. Trong lãnh vực nhân học văn hóa lấy cảm hứng từ Marx, ta có thể kể đến đóng góp của Maurice Godelier.
Hộp dụng cụ của Marx
Pierre Bourdieu (1930-2002)
Jacques Le Goff (1924-2014)
Trong khoa học nhân văn, có khá nhiều người, tuy không phải là mác xít, cũng công nhận tầm quan trọng của tư tưởng của Marx đối với những công trình nghiên cứu của họ, như nhà nghiên cứu về thời Trung Cổ Jacques Le Goff. Những nhà xã hội học, như Pierre Bourdieu, và những nhà triết học, như Michel Foucault, và những trường phái mà họ đã thành lập, cũng đã vay mượn Marx một số công cụ mà họ sử dụng. Còn có những nhà tư tưởng khác thuộc những trào lưu tư tưởng rất xa với chủ nghĩa Mác Xít đã có những tác phẩm ca ngợi Marx, như Jacques Derrida, Jacques Ellul hay Michel Henry (hai người sau thuộc truyền thống thiên chúa giáo).
Những người mác xít tương đối hiếm trong giới những nhà kinh tế học chuyên nghiệp. “Cánh tả” của giới này chủ yếu gồm những tác giả theo xu hướng hậu Keynes. Nhưng ta cũng có thể tìm thấy một vài người mác xít công khai, như Francois Chesnais, Gerard Duménil và Dominique Lévy. Có nhiều nhà kinh tế học cho thấy một sự quan tâm rõ ràng đối với Marx. Chẳng hạn như nhà kinh tế học phi mác xít Joseph Schumpeter đã lấy lại thuyết về cuộc khủng hoảng nội sinh của chủ nghĩa tư bản hay trường phái điều tiết vốn đã du nhập lại lịch sử trong phân tích kinh tế.     
Tựa của công trính nghiên cứu của Thomas Piketty, Tư bản thế kỉ 21, vốn đã nhận được một thành công trên toàn thế giới, có vẻ như bày tỏ một sự kính trọng đối với Marx. Frédéric London, được xem như là một trong những người đã tạo cảm hứng cho phong trào Hãy Đứng Dậy Ban Đêm, và các thành viên khác của nhóm Các nhà kinh tế học rụng rời[2] (Andre Orléan, Jean-Marie Harribey, Michel Husson…), vốn chống đối các chính sách tân tự do, cũng như Hội Attac và các giới đấu tranh cho một toàn cầu hóa khác, cũng thường xem Marx như là một quy chiếu, tuy họ không tự nhận mình là mác xít. London và Negri đã có những nỗ lực để tạo một nền tảng bản thể học cho tư tưởng của Marx bằng cách nối kết nó với tư tưởng của Spinoza. Điều này giúp phân tích chủ nghĩa tư bản như là một hệ thống rộng lớn của những nhà tư bản để nắm bắt sự ham muốn của con người.
Michael Lowy (1938-)
Ngoài ra, những quy chiếu về Marx còn hiện diện trong ba xu hướng phân tích phê phán lớn về trật tự hiện nay: chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa sinh thái và chủ nghĩa hậu thực dân. Ta có thể ghi nhận những xu hướng đặc thù của chủ nghĩa nữ quyền mác xít (xem các phụ nữ, đặc biệt là các bà nội trợ như là một giai cấp bị bóc lột). Còn đối với xu hướng “xã hội chủ nghĩa sinh thái” vốn coi chế độ tư bản như kẻ chịu trách nhiệm chính của cơn khủng hoảng sinh thái, thì người đại diện chính ở Pháp là Michael Lowy. Sau cùng, trong xu hướng hậu thực dân, thì phải kể đến Những Công Trình Nghiên Cứu Thứ Yếu (Subaltern Studies) chịu ảnh hưởng của Gramsci. Nói chung, những tư tưởng này đều lấy cảm hứng, tuy không phải lúc nào cũng rõ ràng, từ một quan niệm về hiện thực của con người vốn là nét đặc thù của Marx: một chiến trường của những khát vọng đối lập nhau. Người ta cũng thường nói đến sự chồng chéo giữa chủng tộc, giai cấp và giới. Và từ đó, người ta cũng thường đề cập đến sự cần thiết “phải trở về với Marx”.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Une influence intellectuelle durable”, Alternatives économiques, 01/03/2018




Chú thích:
[1] Trường phái mác xít Ý xuất hiện vào năm 1961 nhấn mạnh đến vai trò chính trị trọng tâm của giai cấp công nhân

[2] Các nhà kinh tế học rụng rời (Les économistes attérés) là một nhóm được thành lập năm 2011 tại Pháp quy tụ những nhà kinh tế học cùng chia sẻ một sự chống đối triệt để đối với chính sách tân tự do được áp dụng khắp thế giới. Họ cho xuất bản “Tuyên ngôn của các nhà kinh tế học rụng rời” và tham dự những hội thảo để tố cáo các chính sách này bằng những công trình của họ (xem trang web http://www.atterres.org). “Rụng rời” ở đây là để chỉ cảm xúc của họ khi thấy các chính sách tân tự do chống lại quyền lợi của người dân lại được áp dụng khắp thế giới (ND).

Print Friendly and PDF