20.1.20

Trung Quốc: đặt cược vào Macao để tránh vết xe Hồng Kông, trò chơi ru-let Nga dành cho Đảng?

TRUNG QUỐC: ĐẶT CƯỢC VÀO MACAO ĐỂ TRÁNH VẾT XE HỒNG KÔNG, TRÒ CHƠI RU-LET NGA DÀNH CHO ĐẢNG?
Tại Venetian, một trong những sòng bạc lớn nhất ở Macao. (Nguồn: Culture Trip)
Đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông, Bắc Kinh đang tìm cách bảo vệ những tài sản tài chính của mình. Nhưng ý tưởng thành lập một sàn giao dịch chứng khoán hiệu quả ở Macao là một đặt cược rủi ro cao đối với một nền kinh tế Trung Quốc đang mắc nợ cao.
Ngày 12 tháng 12 vừa qua, hãng tin Reuters tường thuật mục tiêu chính trị của Bắc Kinh: chuyển đổi nền kinh tế Macao bằng cách làm cho nó ít phụ thuộc hơn vào ngành công nghiệp sòng bạc và du lịch. Các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước cũng được khuyến khích trợ giúp mạnh mẽ trong việc xây dựng những cơ sở hạ tầng mới nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập của cựu thuộc địa Bồ Đào Nha.
Trong số những chính sách mới cho khu vực cảng bán tự trị, có việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, tăng tốc việc thành lập một trung tâm thanh toán bằng tiền Trung Quốc và chính sách giao đất ở đại lục để Macao phát triển. Bất kể tín hiệu rõ ràng được gửi đến Hồng Kông và cộng đồng quốc tế, hãy thử lùi lại một bước và đánh giá xem liệu các chính sách nói trên có thận trọng hay không, trước khi ủng hộ ý tưởng này – một ý tưởng đang ngày càng có sức đẩy – để Macao thay thế vị thế của cựu thuộc địa Anh.
MACAO KHÔNG PHẢI LÀ HỒNG KÔNG
Việc sử dụng tình trạng hỗn loạn chính trị của Hồng Kông để lẩn tránh thành phố và tiếp theo sau là phát triển Macao, đó có vẻ, vào thời điểm hiện tại, là một nỗ lực không khôn ngoan từ phía ĐCSTQ. Macao sẽ không bao giờ là Hồng Kông, cũng không phải là một Hồng Kông thứ hai. Sự khác biệt giữa hai đặc khu hành chính này bén rễ sâu thẳm trong di sản chính trị, đôi khi bắt nguồn từ quá khứ thuộc địa của chúng.
Vì sao chính quyền trung ương không tập trung vào Thâm Quyến hay Thượng Hải, nơi mà cơ sở hạ tầng đã có sẵn? Nếu Đảng muốn chơi trò chơi này với Macao và Hồng Kông, thì cuối cùng Đảng có thể là bên thua cuộc. Ngoài ra, việc thành lập thêm một sàn giao dịch chứng khoán khác có vẻ như là điều không cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Không có gì bí mật khi việc chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng đã bão hòa ở sàn Thượng Hải cũng như ở sàn Thâm Quyến. Tuy nhiên, sự thật là các quy định ở đây đặt ra nhiều vấn đề hơn số lượng sàn giao dịch chứng khoán sẵn có để các công ty có thể niêm yết.
Cũng theo Reuters, sàn giao dịch chứng khoán mới này ở Macao sẽ cho phép các công ty ở đại lục phát hành những trái phiếu mới. Thế nhưng, tình trạng nợ của các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc, kể từ đầu những năm 2000, đang là một vấn đề quan trọng, không ngừng gia tăng. Việc cho phép các công ty nhà nước có được một lối thoát khác để gia tăng nguồn vốn có thể không phải là giải pháp tốt nhất. Ngoài ra, việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán khác cũng đồng nghĩa với việc dịch chuyển rủi ro, và tạo ra nhiều vấn đề tiềm tàng mang tính hệ thống hơn.
Đối với trung tâm thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, bản thân ý tưởng này không tệ. Nếu Trung Quốc thực sự muốn quốc tế hóa tiền tệ của mình, thì họ cần có nhiều trung tâm thanh toán hơn nữa. Nhưng cùng lúc, điều đó cũng đặt ra một câu hỏi khác: vì sao không đơn giản phân bổ thêm những nguồn lực ở Thượng Hải, Thâm Quyến hay thậm chí là Hồng Kông? Ba địa điểm nói trên đã có khả năng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đã được công nhận là những trung tâm tài chính. Vì sao Đảng lại sẵn sàng dành nhiều nguồn lực và thời gian hơn cho việc chuyển đổi Macao? Một sự chuyển đổi mà cuối cùng có thể chứng minh là phản tác dụng.
nguy cơ TỪ TÌNH TRẠNG NỢ NẦN
Tương tự như vậy, Đảng, như thường lệ, vẫn tin rằng những vấn đề gắn với công tác quản trị hoặc sự khéo léo trong công tác chính trị đều có thể được giải quyết bằng một sự phân bổ hợp lý về nguồn vốn. Điều không may là việc thành lập một sàn giao dịch chứng khoán ở Macao, không có một nhu cầu thực sự và thiếu vắng một cấu trúc tài chính và pháp lý tương đương với cấu trúc của Hồng Kông, có nhiều khả năng thất bại – ngoài ra còn làm bùng phát tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp Trung Quốc. Ví dụ như đối với những hợp đồng tương lai về dầu thô có mệnh giá bằng đồng nhân dân tệ và được ký kết tại Trung Quốc vào năm 2018. Sự háo hức ban đầu đã nhanh chóng mờ dần kể từ thời điểm các nhà quan sát nước ngoài nhận ra rằng khối lượng giao dịch cao là kết quả trao đổi giao dịch giữa các chủ thể tài chính địa phương, các doanh nghiệp nhà nước với nhau. Theo chiều hướng đó, việc đơn thuần thành lập một sàn giao dịch chứng khoán, một sản phẩm hoặc thậm chí một chính sách không làm cho nó trở thành một đối tượng mà quốc tế mong muốn, vốn là nền tảng của ngành tài chính. Vả lại, trong chừng mực mà nền kinh tế Hồng Kông chưa hoàn toàn sụp đổ, thì cộng đồng quốc tế sẽ thích chọn Hồng Kông hơn là Macao, và rất có thể là ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng vậy.
Đối với việc cấp đất ở đại lục cho Macao để phát triển, giải pháp này vấp phải một vấn đề tương tự như vấn đề bất động sản và xây dựng ở Trung Quốc đại lục. Chúng ta có thể dám nói rằng tài sản bất động sản cũng được coi là những tài sản an toàn như trái phiếu nhà nước ở Trung Quốc. Khi các thành phố cấp một và cấp hai đã quá bão hòa về phát triển bất động sản, thì nguồn vốn từ nay sẽ dịch chuyển sang các thành phố cấp thấp hơn. Kết quả: thị trường vẫn luôn đứng trước nguy cơ lớn hơn về sức nóng và những rủi ro mang tính hệ thống càng gia tăng đối với nền kinh tế Trung Quốc. Chắc chắn sẽ không có giải pháp nào dễ dàng cho vấn đề này, đặc biệt khi các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và phát triển bất động sản chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước. Tiền tệ phải được tiếp tục lưu thông. Tuy nhiên, điều đó không làm cho chính sách giao đất trở nên hợp lý hơn. Ngay khi những thửa đất được phân bổ được công bố, giá cả sẽ tăng vọt một cách chóng mặt. Một cách gián tiếp, giá trị các tài sản bất động sản sẽ vượt xa những gì mà thị trường địa phương cho là hợp lý. Điều tồi tệ hơn là nền kinh tế gần như đình trệ của Macao khó có thể hưởng lợi, đặc biệt khi không có những động lực kinh tế thực sự.
Cuối cùng, nền kinh tế của Macao sẽ đa dạng hóa theo cách của một thành phố cấp hai hoặc cấp ba của Trung Quốc. Nói cách khác là phát triển trên cơ sở một núi nợ nần của các doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương. Ngoài ra còn bổ sung thêm một thị trường nhà ở mà cư dân không có khả năng chi trả.
Giới thiệu tác giả
Alex Payette
Alex Payette (Phd) là đồng sáng lập và CEO của Tập đoàn Cercius, một công ty tư vấn về tình báo chiến lược và địa chính trị. Cựu nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ của Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Canada (SSHRC, Social Sciences and Humanities Research Council). Ông có bằng tiến sĩ về chính trị so sánh của Đại học Ottawa (2015). Nghiên cứu của ông tập trung vào các chiến lược về khả năng phục hồi của Nhà nước-Đảng Trung Quốc. Cụ thể hơn, những công trình gần đây nhất của ông tập trung vào sự tiến hóa của các quá trình thể chế cũng như vào việc chọn lọc và đào tạo giới tinh hoa ở Trung Quốc đương đại. Các công trình này đã được đăng trên tạp chí Journal Canadien de Science Politique [Khoa học Chính trị Canada] (2013), tạp chí International Journal of Chinese Studies [Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc] (2015/2016), tạp chí Journal of Contemporary Eastern Asia [Đông Á Đương đại] (2016), tạp chí ra hàng quý East Asia: An International Quarterly [Đông Á: Một báo cáo quốc tế hàng quý] (2017), tạp chí Issues and Studies [Vấn đề và Nghiên cứu] (2011) cũng như tạp chí Monde Chinois/Nouvelle Asie [Thế giới Trung Quốc/Châu Á mới] (2013/2015). Ông cũng đã xuất bản một bản ghi chép nghiên cứu điểm lại tình hình về những “ai” sẽ là ứng cử viên tiềm năng cho các chức danh của Bộ Chính trị [Trung Quốc] vào năm 2017 cho IRIS – mục Asia Focus #3.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF