8.1.20

Đẳng thức đối lại đồng nhất thức


ĐẲNG THỨC ĐỐI LẠI ĐỒNG NHẤT THỨC
Equality vs Identity
Jacques Lecaillon (1925-2014)
Trong kinh tế học, khái niệm đẳng thức gắn chặt với khái niệm cân bằng. Ví dụ, người ta nói là một thị trường ở thế cân bằng khi cung và cầu bằng nhau; trong trường hợp này không có dư cung lẫn dư cầu khiến cho có thể đạt đến một giá cân bằng; giá cân bằng là giá duy nhất có thể được duy trì lâu dài; ở giá này mỗi tác nhân trao đổi những lượng sản phẩm mình muốn. Ngược lại, mọi bất đẳng thức, trong chiều này hay chiều khác, giữa những lượng được cung và được cầu kéo theo sự hụt hẫng của một số tác nhân và việc khởi động của những lực, mà trên nguyên tắc, sẽ lập lại giá cân bằng. Quá trình này thường đòi hỏi thời gian cho nên các giá chênh lệch ít hay nhiều khỏi mức giá cân bằng của chúng.
Tuy nhiên, trong tất cả mọi trường hợp, nếu có diễn ra những cuộc trao đổi, tất yếu ta sẽ nhận thấy sự bằng nhau giữa giá trị những mua sắm và giá trị những bán buôn được thực hiện; người ta nói là có một đồng nhất thức và điều này không kéo theo sự tồn tại của một tình thế cân bằng của thị trường. Nói cách khác, khái niệm đồng nhất thức thể hiện một sự tương đương thường xuyên, đo được hay có tính kế toán, giữa hai đại lượng, trong lúc đẳng thức kinh tế của hai đại lượng này chỉ là kết quả của một quá trình điều chỉnh những sở thích hay những dự án của các tác nhân có liên quan. Sự phân biệt giữa đẳng thức và đồng nhất thức có nhiều ứng dụng quan trọng trong kinh tế học vi mô lẫn kinh tế học vĩ mô.
Léon Walras (1834-1910)
Lí thuyết walrasian về cân bằng chung dựa trên sự tương đương giữa giá trị của toàn bộ những mua sắm và giá trị của toàn bộ những bán buôn được hoàn thành, một tương đương được gọi một cách chính xác là đồng nhất thức Walras và nghiệm đúng với bất kì hệ thống giá cả nào, để chứng minh rằng nếu có cân bằng trên (N - 1) thị trường thì sẽ tự động có cân bằng trên thị trường thứ N. Do đó cân bằng chung được mô tả bởi (N - 1) phương trình, phương trình thứ N là dôi thừa. Về phần những ẩn số, số ẩn số có thể rút xuống còn (N - 1) bằng cách chia những N giá với giá của một trong những N sản phẩm được xem xét và được coi như sản phẩm thước đo. Những ẩn số là giá của (N - 1) sản phẩm chia cho giá của sản phẩm thước đo. Do giả định là không có cuộc trao đổi nào được tiến hành một khi những giá này chưa được xác định nên đồng nhất thức Walras được lồng trong một hệ thống mô tả việc thực hiện đồng thời của cân bằng trên một tập những thị trường phụ thuộc lẫn nhau.
Tuy nhiên, giả thiết cân bằng chỉ có tính thực tế khi giá cả là hoàn toàn linh hoạt, ví dụ như trên những thị trường chứng khoán. Khi không có bất kì tác nhân nào được giao nhiệm vụ tìm ra giá cân bằng thì hầu hết những giao dịch được tiến hành ở ngoài thế cân bằng; tất cả những trao đổi mong muốn không thể hoàn thành được và một số tác nhân sẽ bị hạn mức.
Lí thuyết kinh tế hiện đại nghiên cứu việc xác định những cung và cầu thực tế và việc lan truyền những mất cân bằng (những bất đẳng thức giữa cung và cầu mong muốn) từ thị trường này sang thị trường khác. Nhưng tất nhiên là những giao dịch thực hiện nghiệm đúng những đồng nhất thức kế toán truyền thống. Về phần mình lí thuyết keynesian xác định cân bằng kinh tế vĩ mô bằng đẳng thức tiết kiệm và đầu tư. Đẳng thức này giả định là số tiền đầu tư được các doanh nghiệp dự kiến khớp với số tiền tiết kiệm mà các hộ gia đình dự kiến tích luỹ để đầu tư. Nếu điều này không xảy ra thì các nhà đầu tư hay tiết kiệm thất vọng vì thấy sự hoàn thành không hoàn hảo của những kế hoạch của bản thân sẽ hành động sao cho họ khởi động một chuyển dịch trở về thế cân bằng; nhưng chuyển động này đòi hỏi thời gian.
Ngược lại, đẳng thức kế toán của tiết kiệm và đầu tư nghiệm đúng ở mọi thời điểm hay mọi thời kì. Nếu ta không tính đến tài chính công và những quan hệ với nước ngoài thì có một đồng nhất thức giữa giá trị của sản xuất theo giá hiện hành và tổng giá trị của những bán buôn sản phẩm tiêu dùng và sản phẩm đầu tư (miễn là phải xem việc tích luỹ có thể của tồn kho không bán được như một dạng đầu tư). Mặt khác có đồng nhất thức giữa giá trị của sản xuất và tổng những thu nhập được phân phối; những thu nhập này có thể được tiêu dùng bằng việc mua sắm sản phẩm tiêu dùng hay được tiết kiệm. Kết quả là có một đồng nhất thức giữa những thành tố của tổng cầu (tiêu dùng + đầu tư) và những phân bổ của tổng thu nhập (tiêu dùng + tiết kiệm) và do đó, giữa tiết kiệm và đầu tư. Đồng nhất thức này vẫn đúng ngay cả khi thu nhập không ở mức cân bằng vì, theo định nghĩa, tiết kiệm và đầu tư kế toán thật ra chỉ là hai biểu thức của cùng một đại lượng: hiệu giữa thu nhập và tiêu dùng.
Jacques LECAILLON
Giáo sư ưu tú đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Cân bằng; Kinh tế học vĩ mô; Hệ thống tài khoản quốc gia.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry (đồng chủ biên), PUF, Paris, 2001.
Print Friendly and PDF