1.4.21

Điều gì sẽ diễn ra khi bạn đặt niềm tin vào Ayn Rand và Lý thuyết Kinh tế Hiện đại


Bản tính con người

ĐIỀU GÌ SẼ DIỄN RA KHI BẠN ĐẶT NIỀM TIN VÀO AYN RAND VÀ LÝ THUYẾT KINH TẾ HIỆN ĐẠI

Thực tế về tính tư lợi không giới hạn

Denise Cummins

“Ayn Rand là nữ anh hùng của em,” một sinh viên đã nói với tôi như vậy trong giờ học. “Những tác phẩm của bà ấy đã giải phóng đầu óc em. Chúng dạy em biết rằng không nên dựa dẫm vào một ai khác ngoài chính bản thân mình.”

Khi nhìn vào gương mặt nhã nhặn và vô cùng trẻ trung của bạn sinh viên nọ qua chiếc bàn làm việc của tôi, tôi tự hỏi tại sao tiếng tăm của Rand lại ngày một tăng lên trong giới trẻ như vậy. Ba mươi năm sau khi bà qua đời, doanh số bán sách của bà lên đến hàng trăm nghìn bản mỗi năm – và nó đã tiếp tục tăng lên gấp ba lần kể từ cuộc sụp đổ kinh tế năm 2008. Những người hâm mộ bà bao gồm những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng lớn, như Brad Pitt và Eva Mendes, các chính khách, như đương kim Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan và ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Ted Cruz.

Điểm cốt lõi trong triết lý của Rand – và cũng là điểm cấu thành nên chủ đề bao quát trong các tiểu thuyết của bà – là ở chỗ tính tư lợi không giới hạn thì tốt còn lòng vị tha thì chỉ phá hoại mà thôi. Bà tin rằng đây chính là biểu hiện sâu sắc nhất về bản tính con người, là nguyên tắc dẫn lối mà mỗi người nên sống trong cuộc đời của riêng mình. Trong cuốn “Chủ nghĩa tư bản: Lý tưởng Chưa biết” |Capitalism: The Unknown Ideal|, Rand đã thẳng thắn bày tỏ:

Chủ nghĩa tập thể |collectivism| là tiên đề trong quan niệm về bộ lạc của những người mông muội nguyên thủy, những người không thể nhận thức được các quyền cá nhân, tin rằng bộ lạc là một đấng cai trị tối cao, toàn năng, làm chủ cuộc sống của các thành viên bộ lạc và có thể hy sinh họ bất kỳ lúc nào.

Với logic như vậy, những kiểm soát về tôn giáo và chính trị mà cản trở các cá nhân theo đuổi tính tư lợi nên được loại bỏ. (Điều đáng chú ý ở đây có lẽ là cảnh quan hệ tình dục đầu tiên giữa các nhân vật chính trong cuốn “Suối nguồn” |The Fountainhead| của Rand là một vụ cưỡng hiếp, “cô chống trả như một con thú.”)

Điểm mù trong “chủ nghĩa khách quan” triết học |philosophical objectivism| của Rand là sự thật rõ ràng rằng loài người có xu hướng hợp tác và quan tâm lẫn nhau, như ghi nhận của nhiều nhà nhân học nghiên cứu về những người săn bắn-hái lượm. Với Rand, những “khuynh hướng ủng hộ xã hội” này là có vấn đề, bởi vì hành vi như vậy rõ ràng đã làm giảm tính tư lợi “tự nhiên” và vì thế chúng không nên tồn tại. Bà đã giải quyết mâu thuẫn này bằng cách tuyên bố rằng con người lúc mới sinh ra như một tabula rasa, một tấm bảng trắng, (mà nhiều người cùng thời của bà cũng tin như vậy) và những khuynh hướng ủng hộ xã hội, đặc biệt là lòng vị tha, chính là “các căn bệnh” mà xã hội đã áp đặt lên chúng ta, những sự dối trá xảo quyệt đó đã khiến chúng ta đi ngược lại với thực tiễn sinh học. Ví dụ, trong nhật ký ngày 9 tháng 5 năm 1934, Rand đã chiêm nghiệm rằng:

Chẳng hạn, khi thảo luận về bản năng xã hội - liệu nó có tồn tại trong thời kỳ mông muội ban sơ hay không? Giả sử con người lúc mới sinh đã có bản năng xã hội (và thậm chí đây vẫn còn là một câu hỏi) – thì liệu việc đó có đồng nghĩa với việc con người đó có giữ nguyên [bản tính ban đầu của mình] không? Nếu con người có xuất phát điểm là một loài động vật có bản năng xã hội – chẳng phải là tất cả những sự tiến bộ và tiến trình văn minh hóa đều hướng đến việc biến con người đó trở thành một con người cá biệt hay sao? Chẳng phải điều này là tiến trình duy nhất có thể diễn ra hay sao? Nếu loài người là loài có thứ bậc cao nhất trong các loài động vật, vậy thì chẳng phải con người [cá biệt] đó chính là bước tiến kế tiếp [của loài người] hay sao?

Người anh hùng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà, “Atlas vươn mình” |Atlas Shrugged|, là hiện thân của “loài có thứ bậc cao nhất trong các loài động vật” đó: John Galt là nhà lãnh đạo tàn nhẫn của một ngành công nghiệp, người đã đấu tranh chống lại các quy định hà khắc của Chính phủ cản trở hoạt động thương mại và tìm kiếm lợi nhuận. Trong một cuộc nổi dậy, ông và các nhà lãnh đạo của những ngành khác đã cho ngừng sản xuất các nhà máy của mình, khiến nền kinh tế thế giới suy yếu. Thông điệp của họ là “các người cần chúng tôi nhiều hơn chúng tôi cần các người”.

Đối với nhiều độc giả của Rand, một triết lý về khả năng tự lực cánh sinh cao nhất dành cho việc theo đuổi tính tư lợi lớn nhất dường như là một phiên bản lý tưởng hóa dành cho những lý tưởng cốt lõi của người Mỹ: tự do thoát khỏi sự chuyên chế, làm việc chăm chỉ và chủ nghĩa cá nhân |individualism|. Điều này hứa hẹn về một thế giới tốt đẹp hơn nếu mọi người đơn giản là được phép theo đuổi tính tư lợi của riêng mình mà chẳng phải bận tâm đến tác động của các hành động của họ đối với những người khác. Rốt cuộc, những người khác thực ra cũng chỉ đang theo đuổi tính tư lợi của riêng họ.

Vậy điều gì sẽ diễn ra nếu con người hành xử theo triết lý về “chủ nghĩa khách quan” của Rand? Điều gì sẽ diễn ra nếu chúng ta thực sự cho phép mình bàng quan với mọi thứ trừ tính tư lợi của riêng mình?

David Blanchflower (1952-)

Lý thuyết kinh tế hiện đại dựa trên chính xác những nguyên lý này. Một tác nhân duy lý được định nghĩa là một cá nhân có tính tư lợi. Thị trường là một tập hợp các tác nhân duy lý như vậy, mỗi người trong số họ đều có tính tư lợi. Sự công bằng không thể xâm nhập vào thị trường này. Trong một tập gần đây của chương trình Planet Money, David Blanchflower, giáo sư kinh tế học tại đại học Dartmouth và là cựu thành viên của Ngân hàng Trung ương Anh, đã bật cười khi được một trong những người dẫn chương trình hỏi, “Như vậy có công bằng không?”.

Ông nói: “Kinh tế học không có khía cạnh công bằng. Tôi không muốn bàn về điều đó.”

Các nhà kinh tế học lần lượt cảm thấy hoang mang và rồi thích thú trước một khối lượng khổng lồ các kết quả từ những nghiên cứu thực nghiệm cho thấy con người không hành xử theo lý thuyết lựa chọn duy lý. Chúng ta hợp tác và sẵn sàng tin tưởng nhiều hơn so với những điều mà lý thuyết trên tiên đoán, và chúng ta công kích kịch liệt khi những người khác hành xử theo cách ích kỷ. Trên thực tế, chúng ta đang sẵn sàng trả giá để có cơ hi trừng phạt những người mà có vẻ như họ đang vi phạm những quy tắc ngầm về tính công bằng trong những giao dịch kinh tế.

Vậy điều gì sẽ diễn ra nếu con người hành xử theo triết lý về “chủ nghĩa khách quan” của Rand? Điều gì sẽ diễn ra nếu chúng ta thực sự cho phép mình bàng quan với mọi thứ trừ tính tư lợi của riêng mình?

Một ví dụ từ ngành công nghiệp

Eddie Lampert (1962-)

Mina Kimes (1985-)

Năm 2008, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn bán lẻ Sears, Eddie Lampert, đã quyết định tái cấu trúc công ty theo các nguyên lý của Rand.

Lampert đã chia công ty thành hơn 30 đơn vị riêng lẻ, mỗi đơn vị có ban điều hành riêng và được tính toán lãi lỗ riêng. Ý tưởng là thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các đơn vị, điều mà Lampert cho rằng sẽ dẫn đến việc có được lợi nhuận cao hơn. Thay vì như vậy, đây là những điều đã diễn ra, theo như mô tả của Mina Kimes, một phóng viên của tờ Bloomberg Business:

Là một người thẳng thắn ủng hộ kinh tế thị trường tự do và cũng là người hâm mộ tiểu thuyết gia Ayn Rand, ông đã tạo ra mô hình này bởi vì ông kỳ vọng bàn tay vô hình của thị trường sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh tốt hơn. Ông lập luận, nếu những người lãnh đạo trong công ty hành xử ích kỷ, họ sẽ điều hành bộ phận của mình theo một lối hành xử duy lý, giúp thúc đẩy kết quả kinh doanh tổng thể tốt hơn.

Thay vì như vậy, các bộ phận lại quay lưng lại với nhau – khiến các thương hiệu Sears và Kmart, những thương hiệu bao trùm, chịu tổn thất. Những cuộc phỏng vấn với hơn 40 nhà cựu điều hành, nhiều người trong số họ đã ngồi lên những vị trí cao nhất của công ty, vẽ nên bức tranh về một doanh nghiệp bị tàn phá bởi những cuộc đấu đá nội bộ khi các bộ phận trong doanh nghiệp tranh giành lẫn nhau những nguồn lực ít ỏi.

Cận cảnh về sự thất bại này đã được Lynn Stuart mô tả trong một bài viết trên tạp chí Salon vào năm 2013 như sau:

Thật là điên rồ. Các nhà điều hành bắt đầu phá hoại những đơn vị khác bởi vì họ biết rằng tiền thưởng của họ gắn liền với kết quả kinh doanh riêng của mỗi đơn vị. Họ bắt đầu chỉ tập trung vào hoạt động kinh tế của đơn vị mình gây thiệt hại cho thương hiệu tổng Sears. Một đơn vị, là Kenmore, bắt đầu bán sản phẩm của các công ty khác và đặt các sản phẩm này nổi bật hơn cả sản phẩm của chính Sears. Các đơn vị cạnh tranh để giành không gian quảng cáo trong không gian của Sears. Các đơn vị không còn được khuyến khích hy sinh, như đưa ra các mã giảm giá, nhằm thu hút người mua sắm vào cửa hàng.

Sears trở thành một nơi thật khổ sở để làm việc, đầy rẫy những cuộc đấu đá nội bộ ồn ào. Các nhân viên, chỉ tập trung vào việc kiếm tiền trong đơn vị của họ, không còn lòng trung thành với công ty hoặc đóng góp vào sự tồn vong của công ty.

Tất cả chúng ta đều biết phần cuối của câu chuyện: Giá cổ phiếu Sears lao dốc và công ty dường như đi đến bờ vực phá sản. Đạo lý trong câu chuyện, theo lời của Parramore, là:

Điều mà Lampert không thấy được chính là con người thực sự có một thiên hướng tự nhiên để làm việc vì lợi ích chung của một tổ chức. Họ thích hợp tác và cộng tác, họ thường làm việc hiệu quả hơn khi có chung mục tiêu. Khi loại bỏ tất cả những điều đó, bạn sẽ tạo ra một công ty tự hủy diệt chính nó.

Một ví dụ từ Honduras

Năm 2009, Honduras trải qua một cuộc đảo chính khi Quân đội Honduras lật đổ Tổng thống Manuel Zelaya theo lệnh của Tòa án Tối cao Honduras. Những gì diễn ra tiếp theo đã được luật sư người Honduras Oscar Cruz tóm tắt ngắn gọn như sau:

Cuộc đảo chính năm 2009 đã mở đường cho lòng tham của các nhóm nắm quyền lực thực sự tại đất nước này. Sự kiện đó đã trao cho họ quyền tự do tiếp quản mọi thứ. Họ bắt đầu cải cách Hiến pháp và nhiều bộ luật - ZEDE ra đời trong bối cảnh này - và họ đã biến Hiến pháp thành công cụ để họ làm giàu.

Như một phần của tiến trình này, chính phủ Honduras đã thông qua một bộ luật vào năm 2013 nhằm tạo ra những khu vực tự do thương mại có quyền tự chủ bị các tập đoàn chi phối thay vì các quốc gia mà các khu vực này đang nằm trong đó. Vậy kết quả là gì? Nhà văn Edwin Lyngar đã mô tả kỳ nghỉ ở Honduras vào năm 2015, một trải nghiệm đã biến ông từ người ủng hộ Ayn Rand thành kẻ vạch trần Ayn Rand. Ông chia sẻ:

Những ví dụ tuyệt vời nhất của chủ nghĩa tự do vô chính phủ |libertarianism| trong thực tế là hàng trăm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang đứng dọc các con đường trên khắp Honduras. Chính phủ sẽ không sửa chữa những con đường ấy, vì vậy những kẻ làm ăn liều lĩnh này đi lấp đầy các ổ gà bằng những chiếc xẻng đất hoặc những mảnh vụn. Sau đó, họ đứng cạnh các ổ gà đã được lấp đầy và nài nỉ xin tiền típ từ những người tài xế đang cảm kích họ. Đó là giấc mơ ngọt ngào về sự đổi mới ở khu vực tư nhân theo chủ nghĩa tự do vô chính phủ.

Ông đã mô tả những điều kiện sống như thế này:

Trên đất liền, có hai loại khu vực lân cận, những khu ổ chuột dường như kéo dài mãi mãi và những khu trung lưu nơi mỗi ngôi nhà đều là thành trì của riêng nó. Ở San Pedro Sula, hầu hết các ngôi nhà được bao quanh bởi những bức tường đá cao mà ở trên cùng là hàng rào dây kẽm gai hoặc dây điện. Khi tôi đi dạo qua những công sự như tòa lâu đài này, tất cả những gì tôi có thể nghĩ là thành phố này sẽ to lớn như thế nào trong ngày tận thế của các xác sống.

Nếu không có nỗ lực tập thể, các dự án cơ sở hạ tầng lớn như xây dựng và sửa chữa đường sẽ phải chờ đợi mỏi mòn. Một cư dân “đã chỉ ra vị trí cho một sân bay mới mà có thể là sân bay lớn nhất Trung Mỹ, chỉ khi nó được xây dựng, nhưng không có một triển vọng nào từ khu vực tư nhân”.

Một chuyến đi đến một cửa hàng bánh pizza bản địa được mô tả như sau:

Chúng tôi đi bộ xuyên qua những bức tường có cổng và đi ngang một người đàn ông mặc quần thụng bình thường với một sợi dây nịt giắt tùy tiện một khẩu súng lục bao quanh thắt lưng ông ta. Chào mừng bạn đến với thiên đường theo chủ nghĩa tự do Ayn ​​Rand, nơi chiếc bánh pizza pepperoni cỡ bự của bạn cũng phải được bảo vệ bằng vũ khí.

Đây là kết quả không thể tránh khỏi của việc buông lỏng tính tư lợi không kiềm chế trong các thị trường không được điều tiết.

Tuy vậy, những người tôn sùng Ayn ​​Rand vẫn tranh luận rằng tính tư lợi không được điều tiết là cách thức của người Mỹ, rằng sự can thiệp của chính phủ đã đàn áp chủ nghĩa cá nhân và thương mại tự do. Người ta tự hỏi liệu những người này có ủng hộ ý tưởng loại bỏ tất cả trọng tài khỏi các sự kiện thể thao hay không. Người ta tự hỏi, các môn võ tổng hợp hay bóng bầu dục Mỹ (football) hay bóng bầu dục cổ điển (rugby) sẽ như thế nào, nếu không có những trọng tài khó tính liên tục cản trở sự ganh đua và tính tư lợi?

Có lẽ một cách khác để xem xét vấn đề này là đặt câu hỏi tại sao loài thuộc họ hominid của chúng ta là loài duy nhất còn tồn tại trên hành tinh này, mặc dù đã có nhiều loài khác thuộc họ hominid trong quá trình tiến hóa của chúng ta. Một lời giải thích đó là chúng ta khôn ngoan hơn, tàn nhẫn hơn và có tính cạnh tranh cao hơn những loài đã tuyệt chủng. Nhưng những cuộc khảo cổ bên ngành nhân học lại kể một câu chuyện khác. Sự tồn tại của chúng ta với tư cách là một loài phụ thuộc vào sự hợp tác, và loài người đã xuất sắc trong nỗ lực hợp tác. Thay vì tự mình lưu giữ tri ​​thức, kỹ năng và hàng hóa loài người nguyên thủy đã trao đổi chúng một cách tự do giữa các nhóm văn hóa.

Khi con người hành xử theo những cách vi phạm các tiên đề của lựa chọn duy lý, họ không hành xử một cách ngu ngốc đâu. Mà họ đang cung cấp cho các nhà nghiên cứu một ý niệm lờ mờ về các khuynh hướng ủng hộ xã hội đã giúp loài người của chúng ta có thể sinh tồn và phát triển … từ xưa đến nay.

Được tác giả cho phép [xuất bản] theo ấn bản đầu tiên ở đây.

Ngày 17 tháng 2 năm 2016

Denise D. Cummins, Tiến sĩ

Denise D. Cummins

Tiến sĩ Denise D. Cummins là nhà khoa học nhận thức, tác giả và được bầu làm hội viên của Hội Khoa học Tâm lý |Association for Psychological Science|. Bà đã từng đảm nhiệm các vị trí giảng viên và nghiên cứu tại Đại học Yale, Đại học California, Đại học Illinois, và Trung tâm nghiên cứu Hành vi Thích nghi tại Viện Max Planck ở Berlin. Trong các bài báo của bà trên các trang Psychology Today blog, trang Scientific American, và trang PBS NewHour, bà đã viết về những gì bà và các nhà khoa học nhận thức khác đang khám phá về cách con người nghĩ, giải quyết các vấn đề, và đưa ra những quyết định. Tiến sĩ Cummins cũng viết cuốn sách nói về các môn thể thao trên lưng ngựa với tên Người cưỡi ngựa đang nghĩ |The Thinking Equestrian|. Cuốn sách gần đây nhất của bà là Tư duy tốt: Bảy ý tưởng mạnh mẽ ảnh hưởng đến cách ta nghĩ |Good Thinking: Seven Powerful Ideas That Influence the Way We Think|.

Nguyễn Thị Thanh Trúc Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: What Happens When You Believe in Ayn Rand and Modern Economic Theory, Evonomics, ngày 17 tháng 2 năm 2016.

 

----

Bài liên quan:

·         “Cuộc đình công”, cuốn tiểu thuyết của chủ nghĩa tự do cực đoan

Print Friendly and PDF