7.4.21

Tranh luận: Thuốc, đối tượng khoa học, xã hội hay chính trị?

TRANH LUẬN: THUỐC, ĐỐI TƯỢNG KHOA HỌC, XÃ HỘI HAY CHÍNH TRỊ?

Régis Bordet[1]

Régis Bordet

Émile Durkheim (1858-1917)
Đối với nhiều người dân chúng ta, thuốc trước hết là một đối tượng khoa học trong tay các chuyên gia y tế, những người mà người dân mong đợi một kết quả mà không nhất thiết cần phải quan tâm đến sự sáng chế, cơ chế hoạt động hoặc đánh giá chúng, ngay cả khi những lo ngại về rủi ro tiềm tàng của chúng đã tăng lên trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, nó không chỉ là một công cụ cho việc sử dụng cá nhân. Đây là một sự kiện xã hội, theo định nghĩa của nhà xã hội học Émile Durkheim, được chứng minh ngày nay qua sự biến đổi trong việc tiêu thụ một số loại thuốc và những nguyên nhân của những biến đổi này. Trong số các yếu tố nhân quả này, có một phần có tính chuẩn tắc và quy định mang lại một chiều kích chính trị cho thuốc, phần đã phát triển và biến đổi trong những tháng gần đây. Vậy, thuốc là đối tượng khoa học, xã hội hay chính trị?

Từ nghệ thuật chữa bệnh đến khoa học

Thuốc trước hết là một đối tượng của khoa học luôn dao động giữa chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý. Ngay cả khi việc phát hiện ra các loài cây thuốc có những đặc tính chữa bệnh dựa trên sự quan sát của các đặc tính nói trên, các nhà dược học thời Cổ đại và Trung cổ đã cố gắng hợp lý hóa việc sử dụng chúng bằng cách khái niệm hóa chúng, giống như lý thuyết về chữ ký của Paracelsus [*], người đã coi rằng những cây có hình dáng của một triệu chứng chứa đựng một chất có thể chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, y học, bởi vì được coi là một nghệ thuật, trong một thời gian dài đã xa rời các cơ sở khoa học của sự sáng tạo và chứng minh. Có thể vì y học tự thỏa mãn trong chủ nghĩa giáo điều không biết đến bất kỳ sự tiến hóa nào - được Thomas Diafoirus minh họa rất rõ trong hình tượng của người bệnh nhân tưởng tượng - hoặc vì nó thực hiện các thí nghiệm, đôi khi mạo hiểm mà không cần đánh giá, chẳng hạn như cấy bệnh sốt rét trong khoa tâm thần.

Nhiều loại thuốc vẫn được sử dụng cho đến ngày nay đã được phát hiện một cách tình cờ, với công dụng chữa bệnh rộng rãi. Tuy nhiên, so với một vài thành công, có bao nhiêu thất bại không chỉ liên quan đến sự kém hiệu quả, mà còn thường đi kèm với rủi ro không tương xứng so với lợi ích bấp bênh. Chính trong bối cảnh đó, và bằng cách đi theo xu hướng chủ nghĩa thực chứng khoa học, y học dựa trên bằng chứng dần dần xuất hiện, với hệ quả của nó là thử nghiệm được kiểm soát và ngẫu nhiên hoá.

Khoa học đối đầu với Xã hội?

Các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên dựa trên hai nguyên tắc: so sánh và đối chiếu. Hai nguyên tắc này giúp thoát khỏi ảnh hưởng của diễn biến tự nhiên của một căn bệnh, đặc biệt là trong trường hợp bệnh truyền nhiễm, và của hiệu ứng giả dược (placebo), mà các nghiên cứu hình ảnh não hiện nay đã xác minh sự hiện thực. Nếu không tôn trọng hai nguyên tắc này, không thể thiết lập vai trò nhân quả của thuốc đối với các tác dụng lâm sàng được quan sát khi một phương pháp tiếp cận dược lý mới được thử nghiệm.

Một cách nghịch lý, sự chặt chẽ về phương pháp luận đồng nhất với các thử nghiệm được kiểm soát và vai trò của ngành dược trong việc quảng bá chúng rốt cuộc đã khiến một bộ phận dân chúng mất lòng tin đối với cách tiếp cận này, tuy đó là cách tốt nhất để thiết lập tác dụng đã được xác minh của một loại thuốc. Cơn sốt xung quanh hydroxychloroquine, dựa trên một nghiên cứu rất sơ bộ và một phân tích không có nhóm so sánh, trên quan điểm này, là biểu tượng của thực tế rằng niềm tin có thể nhanh chóng thay thế sự chứng minh. Điều này không có gì mới, vì các liệu pháp thay thế bác bỏ phương pháp luận của các thử nghiệm lâm sàng. Một thái độ đã chuyển thành cảm xúc và yêu sách trong bối cảnh của sự lo âu do đại dịch SARS-CoV-2 gây ra và nguy cơ gây chết người của nó.

William James (1842-1910)

William James (1842-1910)

Chủ nghĩa kinh nghiệm dường như muốn giành ưu thế trước cách tiếp cận hợp lý bị một số người cho là quá giáo điều, đặc biệt là trong những tình huống nguy kịch. Nhưng bởi vì có trường hợp khẩn cấp, chúng ta có nên từ bỏ tất cả các nguyên tắc đã dẫn đến sự tiến bộ điều trị không thể phủ nhận không? Tất nhiên là không. Điều này không có nghĩa là chúng ta không nên điều chỉnh kế hoạch các thử nghiệm, theo một cách tiếp cận gợi nhớ đến các nhà triết học người Mỹ Charles Peirce và William James đã lý thuyết hóa chủ nghĩa thực dụng như một đường lối thứ ba vượt qua sự đối lập của chủ nghĩa kinh nghiệm/chủ nghĩa duy lý.

Cách đây hơn 30 năm, các nhà dược học và nhà trị liệu người Pháp đã đóng góp vào phong trào quốc tế đa dạng hóa phương pháp, thông qua nhóm Ateliers de Giens, một tổ chức tư vấn tập hợp thế giới học thuật, công nghiệp và thể chế. Những công trình của nhóm này đã giúp đề xuất những đổi mới về phương pháp luận để làm cho khuôn khổ của các thử nghiệm được kiểm soát linh hoạt hơn và do đó đẩy nhanh hoặc cải thiện việc đánh giá thuốc, mà không từ bỏ các nguyên tắc cơ bản.

Sự bùng nổ này chống lại phương pháp luận, trên một số phương tiện truyền thông và trên mạng xã hội đụng chạm, một cách hợp lý, đến niềm tin của đại đa số các chuyên gia y tế. Những người có lẽ đã không nhận thức một cách đầy đủ rằng thuốc, thứ mà họ coi trước hết là một đối tượng khoa học và đặc quyền của họ, đã trở thành một vấn đề xã hội. Chủ yếu là thông qua rủi ro về thuốc – với những vụ việc thường là vang dội – mà xã hội đã sáp nhập như thế.

Thuốc: một đòi hỏi ngày càng tăng

Vụ Mediator[2] đã có một tác động đáng kể đến người dân Pháp, với nhận thức rằng thuốc có thể nguy hiểm, kể cả về lâu về dài. Một số tựa lớn trên trang đầu các phương tiện truyền thông dành cho loại thuốc này và những nguy cơ của nó đã tăng lên gấp bội, và cùng với điều này là những câu hỏi được gửi đến các Trung tâm Cảnh giác Dược các vùng. Các mạng xã hội cũng có tác động khuếch đại sự xuất hiện của thuốc như một vấn đề xã hội, bằng cách làm cho nó rời bỏ lĩnh vực y tế, vốn cho đến lúc đó được coi là lĩnh vực đc quyền của những người hiểu biết. Đặc biệt, một số tình tiết trong các tuyên bố về những hệ quả không được mong muốn gắn với những sự thay đổi trong công thức của các hormone tuyến giáp được tạo ra từ sự tiếp vận lan tràn trên các mạng xã hội này.

Nhu cầu xã hội có thể khiến các cơ quan điều tiết đánh giá lại các quan điểm, mặc dù chúng được xác lập một cách khoa học, hoặc đẩy nhanh hoạt động tiếp thị. Bộ phim 120 nhịp mỗi phút gần đây đã gợi lại những tương tác, đôi khi là bạo lực, giữa các hiệp hội bệnh nhân, ngành dược phẩm và các cơ quan điều tiết để vượt qua các quy tắc thông thường, vì tỷ lệ tử vong do HIV gây ra. Một tình huống khiến ta nghĩ đến trường hợp của thuốc baclofen, trong các rối loạn do tiêu thụ rượu, hoặc tình huống mà chúng ta hiện đang gặp phải với các phân tử được cho là có khả năng tiềm tàng chống lại SARS-CoV-2.

Mặc dù xã hội có thể yêu cầu các cơ quan công quyền và các chuyên gia y tế phản hồi liên quan đến sự cân bằng lợi ích/nguy cơ của thuốc, nhưng các sự kiện xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc về mặt y học hoặc sự lạm dụng thuốc, hoặc thậm chí đến đầu tư vào sự phát triển chúng. Chẳng hạn, sự sùng bái vóc dáng mảnh khảnh được ca tụng suốt nhiều năm qua trên các tạp chí, chắc chắn là yếu tố chính gây ra việc dùng sai thuốc Mediator, thay thế cho thuốc isomeride vốn đã bị rút khỏi thị trường vài năm trước đó do nguy cơ ảnh hưởng đến van tim.

Các xã hội hiện đại của chúng ta, dựa trên việc định giá quá đáng hiệu suất, tạo ra sự lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc có chất gây nghiện, với mục đích kích thích nhận thức. Nhưng sự lo âu do việc đánh mất các mốc xã hội hoặc do sự đau khổ trong công việc có liên quan đến việc chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, giải thích cho việc tiêu thụ quá nhiều thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm. Theo dữ liệu của nhóm Groupement d’interet scientifique (Nhóm lợi ích khoa hoc) Epi-Phare, thời kỳ bị phong tỏa được đánh dấu bằng sự tăng trưởng 8% trong việc tiêu thụ các loại thuốc này.

Bối cảnh xã hội do đó có thể giải thích sự xuất hiện của một phương thức sử dụng hoặc sự gia tăng trong việc kê đơn hoặc tiêu thụ một loại thuốc và như thế chúng sẽ thoát khỏi việc sử dụng hợp lý dựa trên bằng chứng, đòi hỏi các biện pháp quy định việc kê đơn hoặc việc cấp phát. Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đã làm nổi bật mối liên hệ trực tiếp giữa việc công bố kết quả sơ bộ hoặc giả định về hiệu quả của một loại thuốc nhất định đối với Coronavirus và việc phân phối, và thường là việc tiêu thụ nó, nằm ngoài bất kỳ khuôn khổ quy định nào.

Người Pháp muốn biết thêm thông tin

Tuy nhiên, việc tính đến khía cạnh xã hội của thuốc cho thấy sự mâu thuẫn trong nhu cầu của xã hội, vốn đã được khuếch đại trong cuộc khủng hoảng y tế. Một mặt, có sự kỳ vọng về thông tin được xác nhận một cách khoa học bởi các chuyên gia y tế. Tại Pháp, trang Pharmacovid, được thành lập vào ngày 21 tháng 3 năm 2020, đã được tra cứu ​​hơn 1 triệu lần trong thời gian một tháng, với nhiều câu hỏi được đặt ra bởi người sử dụng Internet.

Bộ phận thông tin về thuốc, đã có bản báo cáo với chính phủ cách đây vài tháng, đã đi theo hướng một cổng thông tin mở cho công chúng. Điều này làm nổi bật một phong trào sâu rộng nhằm tập hợp các hiệp hội bệnh nhân ủng hộ các mục tiêu điều trị của thuốc, phát triển khái niệm “bệnh nhân-chuyên gia”.

Đồng thời, có mong muốn có những sự đáp ứng dược lý và điều trị nhanh chóng, ngay cả khi chúng không có cơ sở về mặt khoa học. Việc tra cứu các mạng xã hội cũng là một minh chứng, với hàng loạt nghi ngờ về giá trị của y học dựa trên chứng cứ hoặc về năng lực của các chuyên gia y tế, chưa kể đến việc tố cáo sự thỏa hiệp của họ hoặc sự phục tùng của họ đối với các cuc vận động hành lang của công nghiệp dược phẩm.

Xu hướng sâu rộng này, đã phát triển từ hai mươi năm nay, càng bị kích động bởi nỗi sợ hãi liên quan đến nguy cơ lây nhiễm CoVID-19, và chính CoVID-19 được coi là một thiết kế giả tạo nhằm tăng khả năng chi phối của hệ thống. Nếu các chuyên gia về thuốc phải đáp ứng với mệnh lệnh đối nghịch này mà không có thái độ khinh thường, nhưng bằng phương pháp sư phạm và tính minh bạch, thì sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi giới chính trị cũng phải được cảnh báo bởi những kỳ vọng này của xã hội đối với thuốc.

Vấn đề về quyền lực sinh học

Michel Foucault (1926-1984)

Thuốc cũng là một vấn đề về quyền lực và rất phù hợp với khái niệm “quyền lực sinh học” do Michel Foucault đề xuất. Về mặt nhân học, trong xã hội luôn tồn tại những cá nhân sở hữu quyền lực kiểm soát các cơ thể đau khổ và bệnh tật. Quyền lực sinh học này trong một thời gian dài đã là một quyền lực gần như huyền bí khi nó được sử dụng bởi các pháp sư hoặc các phù thủy, trước khi dần trở thành khoa học, sau bước ngoặt Paracelsian[3] mở đường cho quy trình đánh giá các loại thuốc, được các chuyên gia y tế có kiến thức nắm vững. Nhưng quyền lực sinh học gắn kết với việc sử dụng thuốc cũng đã trở thành một quyền lực Nhà nước, với sự xuất hiện của các quy định về việc hành nghề y khoa hoặc về việc giới dược sĩ cấp toa thuốc.

Cũng chính các khủng hoảng, đặc biệt là do sự xuất hiện của các tác dụng không mong muốn, đã dẫn đến việc thành lập hoặc phát triển các cơ quan điều tiết, một công cụ của các Nhà nước để kiểm soát chính sách thuốc. Năm 1938, một vụ ngộ độc đã gây ra hàng trăm người chết do tiêu thụ chất sulfanilamide vì một sự sai lầm trong quá trình chế tạo, đã dẫn Franklin D. Roosevelt đến việc thành lập Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), cơ quan điều tiết đầu tiên. Mặc dù thuộc quyền lực nhà nước, các cơ quan như vậy dựa trên sự giám định khoa học và trên sự độc lập đối với quyền lực chính trị hoặc quyền lực kinh tế, mặc dù ở đây cũng vậy, xã hội cũng đặt câu hỏi về thực chất của sự độc lập này, nhân dịp những vụ tai tiếng được các phương tiện truyền thông quảng bá như là những vụ bê bối về y tế hay trong sự đối mặt với sự điều tiết còn thiếu sót đối với một số loại thuốc tác động đến tâm lý cho phép xoa dịu xã hội.

Thuốc, một đối tượng đa ngành

Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay có lẽ đang dẫn đến một bước ngoặt, thuốc trở thành đối tượng của trò chơi chính trị. Trước hết, nó là một đối tượng trong trò chơi địa chính trị quốc tế vì rõ ràng các quốc gia đã mất chủ quyền đối với việc sản xuất thuốc vốn, giống như các sản phẩm chế biến khác, đã trở thành một trong những hàng hóa của chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này đã khiến mọi người nhận ra rằng thuốc trên hết là một tài sản chung vì nó ảnh hưởng đến một trong những yếu tố cốt yếu cho nhân loại, đó là sức khỏe. Điều này không loại trừ ​​sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia để phát triển vắc-xin vốn đã trở thành vectơ của sự thống trị, trong sự kiểm soát nguồn cung ứng, như chuyện đã xảy ra với khẩu trang. Do đó, cán cân địa chính trị có thể bị thay đổi, với việc châu Âu và Trung Quốc tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia trong khu vực ảnh hưởng của họ, trong khi Hoa Kỳ dường như có lập trường thuần tuý quốc gia chủ nghĩa.

Liệu khả năng kiểm soát chính sách thuốc trong tất cả các khía cạnh của nó (sáng tạo, đánh giá nhanh, sản xuất) trong tương lai sẽ là một vũ khí ngoại giao hay thậm chí là vũ khí tuyên truyền đối ngoại hay đối nội? Bởi vì thuốc cũng đã trở thành một vấn đề của chính sách đối nội, như chúng ta đã thấy với chloroquine và hydroxychloroquine, với các cuộc xung đột giữa các đảng phái hoặc việc xác đnh lập trường mà không dựa trên cơ sở khoa học của một nguyên thủ quốc gia từng tuyên bố tin tưởng vào lợi ích của chloroquine, ở một quốc gia đã là quốc gia đầu tiên thành lập cơ quan điều tiết.

Sự cân bằng giữa quyền lực chính trị và các cơ quan điều tiết có thể đang thay đổi, như được chứng minh qua thông báo của chính Tổng thống Hoa Kỳ cho phép thuốc kháng vi-rút của FDA được tung ra thị trường, một loại thuốc được phát triển bởi một công ty Mỹ, mặc dù kết quả của các thử nghiệm lâm sàng vẫn trái ngược nhau. Liệu chúng ta sẽ thấy chính sách thuốc trở thành một chủ đề của cuộc tranh luận bầu cử, giống như chính sách thuế khóa hoặc giáo dục, và một lập luận ủng hộ chủ nghĩa dân tộc kinh tế? Nhưng trên hết, làm thế nào chúng ta có thể dung hòa sự đột nhập của nó (chính sách thuốc) trong cuộc tranh luận công khai hoặc chính trị và việc duy trì trình độ chuyên môn đủ để tránh rơi vào chủ nghĩa dân túy mà chúng ta biết trong các lĩnh vực khác, với hàng loạt những tin giả hay bị bóp méo?

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe giờ đây phải chấp nhận rằng, hơn cả những gì họ đã làm trong quá khứ, thuốc không chỉ là một đối tượng khoa học nữa. Cuộc khủng hoảng CoVID-19 đã bộc lộ một cách tàn nhẫn các khía cạnh chính trị và xã hội của thuốc. Điều này hẳn phải có hệ quả đối với việc giảng dạy về thuốc trong các ngành y tế, dược phẩm và cận y tế để trang bị cho các chuyên gia tương lai cách ứng phó tốt hơn với những thách thức xã hội và chính trị này.

Điều này bắt buộc phải tích hợp thuốc trong giáo dục ngay từ trường tiểu học và đẩy nhanh sự phát triển thông tin cho công chúng, giống như những gì đã được giới dược sĩ và nhà trị liệu khởi xướng trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhưng giới xã hội và chính trị không thể chiếm lĩnh lĩnh vực thuốc mà bỏ qua chiều kích khoa học của nó, với nguy cơ quay trở lại chủ nghĩa kinh nghiệm, cho dù rằng nó có thể thu hút một cách giả tạo trong thời kỳ khủng hoảng, điều chỉ có thể dẫn đến những sự mạo hiểm nguy hiểm trong sự cân bằng rủi ro/lợi ích của việc sử dụng thuốc, nếu không duy trì một đánh giá nghiêm ngặt.

Hơn hiện nay, việc nghiên cứu thuốc phải trở thành liên ngành, kết hợp các khoa học y tế, dược phẩm, chính trị, kinh tế, con người và xã hội.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Débat : Le médicament, objet scientifique, social ou politique?”, The Conversation, 25.02.2021.

----

Bài có liên quan: Giờ tốt nhất của Big Pharma?




Chú thích:

[1] Giáo sư Dược lý học tại Đại học Lille, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Hiệp hội Dược lý và Trị liệu Pháp, Tổng Giám đốc Sáng kiến Xuất sắc Châu Âu Lille-Nord, Đại học Lille.

[2] Vụ án Médiator là vụ án y tế và tư pháp quan trọng và kéo dài nhất ở Pháp. Bắt đầu vào tháng 6 năm 2010 với đơn kiện của bác sĩ chuyên khoa phổi Irène Frachon, tuy trước đó vào năm 1997 đã có những bài báo tố cáo những tác dụng phụ - đặc biệt là những nguy cơ về tim và van tim – của một số thành tố của thuốc Médiator, vụ án chỉ mới chấm dứt vào cuối tháng 3 năm 2021.
Được đưa vào thị trường năm 1976 với công dụng đầu tiên là giảm cholesterol, và sau đó là phụ trợ cho các thuốc chống đái tháo. Và còn được sử dụng như chất ngăn đói. Sau khi đã có nhiều công trình tố cáo những nguy cơ trong việc sử dụng Médiator, thuốc này đã bị cấm ở nhiều nước châu Âu (Ý, Tây Ban Nha), nhưng chỉ bị rút khỏi thị trường Pháp vào năm 2009. Tổng cộng nó đã gây ra cái chết của 500 đến 2000 người. Vụ án này đã tiết lộ các sơ hở và sai lầm của cơ quan phụ trách việc kiểm soát thuốc (cũng bị kết án và nộp phạt). Công ty Servier sản xuất Médiator bị kết án vì tội lừa dối trầm trọng, tội giết người và tội gây thương tích và phải nộp 2,7 triệu euro. Trước đó công ty Servier cũng đã đề nghị bồi thường 164,4 triệu euro cho những bệnh nhân được chính thức công nhận là nạn nhân của thuốc (ND).

[3] Paracelsius (1493-1541) là một bác sĩ, một nhà triết học đã xác lập cơ sở cho một nền y học hiện đại bằng cách tách hóa học và y học khỏi thuyết giả kim (alchimie) và nổ lực xác định chất tác động trong các loại thành tố của thuốc.

Print Friendly and PDF