31.3.21

Liên minh châu Âu đang trả giá cho sự ngây thơ và thiếu tính tiến công trong các hợp đồng vắc-xin

LIÊN MINH CHÂU ÂU ĐANG TRẢ GIÁ CHO SỰ NGÂY THƠ VÀ THIẾU TÍNH TIẾN CÔNG TRONG CÁC HỢP ĐỒNG VẮC-XIN

Không thể giải thích sự chậm trễ vắc-xin ở Liên minh châu Âu là do sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán về những hợp đồng mà Ủy ban châu Âu đã ký với các công ty dược phẩm. Chính khuôn khổ ký kết các hợp đồng đó mới tạo nên sự khác biệt: Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã ký những điều khoản hoặc quy định pháp luật đảm bảo quyền tiếp cận ưu tiên (hoặc thậm chí độc quyền) đối với các liều vắc-xin được sản xuất trên lãnh thổ của hai nước. Khi không có điều khoản “Châu Âu trước tiên”, thì Liên minh châu Âu đã mắc lỗi ngây thơ và đang phải trả giá.

TÁC GIẢ: Dave Keating

NGƯỜI DỊCH: Olivier Lenoir

Ngày 20 tháng 3 năm 2021

Câu “Liên minh châu Âu đang gặp vấn đề về vắc-xin vì quá chậm trong việc đàm phán các hợp đồng” được lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông của Anh và Mỹ. Cần phải quay trở lại diễn ngôn nói trên bởi vì nó không xem xét đến những sai lầm thực sự đã mắc phải ở cấp độ châu Âu.

AstraZeneca đã ký một thỏa thuận mua bán với Liên minh châu Âu một ngày trước khi công ty này ký thỏa thuận với Vương quốc Anh. Tại phiên điều trần trước Nghị viện Châu Âu vào tháng trước, Tổng giám đốc của AstraZeneca đã tuyên bố quyền ưu tiên [bán vắc-xin] dành cho Vương quốc Anh xuất phát từ một thỏa thuận tài trợ nghiên cứu mà Đại học Oxford đã ký với chính phủ Anh vào tháng 1/tháng 2 năm 2020, điều mà AstraZeneca đã thừa hưởng khi hợp tác liên doanh với Đại học Oxford vào tháng 5 năm 2020.

Tỷ lệ tổng dân số đã được tiêm ngừa ít nhất một liều vắc-xin (%)

Vắc-xin Johnson & Johnson là vắc-xin duy nhất chỉ yêu cầu tiêm ngừa một liều.

Dữ liệu được cập nhật ngày 28 tháng 3 năm 2021.

Đồ họa: Le Grand Continent. Nguồn: Our World in Data Récupérer les données và Datawrapper

Vương quốc Anh đã rất thông minh khi bắt đầu tài trợ cho việc nghiên cứu vắc-xin ngay cả trước khi virus Covid-19 tấn công châu Âu. Nhưng họ đã có một lựa chọn có nhiều hệ quả quan trọng bằng cách tài trợ có điều kiện (có vẻ như vậy) để người Anh có được đủ liều của bất kì vắc-xin nào được sản xuất từ các kết quả nghiên cứu. Về phần nước Đức, họ đã tài trợ cho BioNTech nhưng đã không đưa vào điều khoản ưu tiên dành cho Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, vào tháng 3 năm 2020, Tổng thống Trump đã không thành công trong nỗ lực đưa công ty dược phẩm Curevac của Đức đến Hoa Kỳ. Bất chấp cảnh báo đó, có vẻ như không nước nào trong Liên minh châu Âu đã nghĩ đến việc BioNTech liên doanh với Pfizer, một công ty của Mỹ, là một ý tưởng tồi. Cách tiếp cận này của Đức, vốn dựa trên cơ sở quốc tịch của các đối tác dược phẩm, không phải là cách tiếp cận mà nước Anh đã sử dụng. Ban đầu, Đại học Oxford phải hợp tác với công ty Merck của Mỹ. Nhưng chính phủ Anh đã hủy bỏ quyết định đó và đã vận động để Đại học Oxford liên doanh với công ty AstraZeneca của Anh.

Mối quan ngại của Vương quốc Anh đối với chủ nghĩa dân tộc vắc-xin của Hoa Kỳ đã được chứng minh là có cơ sở. Khi hợp đồng liên doanh BioNTech-Pfizer đã được ký, Trump có vẻ như không vội ký các hợp đồng mua vắc-xin của Pfizer. Vì sao? Bởi vì Trump biết rằng lệnh cấm xuất khẩu vắc-xin của Hoa Kỳ sẽ khiến bất kỳ hợp đồng vắc-xin nào khác cũng sẽ trở nên không cần thiết.

Pfizer có năng lực sản xuất rất lớn ở Hoa Kỳ. Nếu luật pháp Hoa Kỳ ngăn việc xuất khẩu các liều vắc-xin được sản xuất trên đất Mỹ, thì dù thế nào đi nữa các liều vắc-xin đó cũng sẽ được chuyển đến Hoa Kỳ. Có thể thấy rõ kết quả đó trong chuỗi cung ứng. Các nhà máy sản xuất dược phẩm của các Tiểu bang được dùng để cung cấp vắc-xin cho Hoa Kỳ, các nhà máy sản xuất dược phẩm của Liên minh châu Âu được dùng để cung cấp vắc-xin cho toàn thế giới.

Thật vậy, Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp vào tháng 12 năm 2020, ưu tiên để người Mỹ sử dụng tất cả các loại vắc-xin được sản xuất trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trên thực tế, nghị định này chủ yếu mang tính biểu tượng. Đúng hơn là Trump và Biden đã sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng làm cơ sở pháp lý cho lệnh cấm của họ.

Cũng trong tháng 12 năm 2020, trong khi Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã sử dụng quyền cấp phép sử dụng khẩn cấp để phê chuẩn [vắc-xin] Pfizer, thì Liên minh châu Âu đã chọn phương pháp thận trọng hơn khi chỉ cấp phép có điều kiện cho việc bán vắc-xin ra thị trường, dẫn đến sự phê chuẩn của Liên minh châu Âu chậm đến 2-3 tuần sau đó. Vương quốc Anh đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho AstraZeneca vào ngày 30 tháng 12.

Khi Liên minh châu Âu cấp phép bán vắc-xin ra thị trường có điều kiện cho AstraZeneca vào ngày 29 tháng 1, thì công ty đã thông báo cho Liên minh biết họ sẽ không tôn trọng lời hứa ban đầu về việc cung cấp vắc-xin, do các vấn đề sản xuất từ các nhà máy ở châu Âu. Có vẻ như các liều vắc-xin dành cho Liên minh châu Âu đã được xuất đến Vương quốc Anh. Thế là trận chiến giữa Liên minh châu Âu và AstraZeneca bắt đầu.

Ủy ban châu Âu cho biết họ đã ký với AstraZeneca một hợp đồng về việc công ty sẽ sử dụng bốn nhà máy sản xuất, hai ở Vương quốc Anh và hai ở Liên minh châu Âu, để cung cấp vắc-xin cho Liên minh châu Âu, cho nên có thể bù đắp lượng vắc-xin thâm hụt bằng các vắc-xin được xuất khẩu từ Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Tổng giám đốc của AstraZeneca đã tuyên bố không thể làm điều đó do điều khoản “Vương quốc Anh trước tiên”.

Trận chiến này đã diễn ra ác liệt một cách không nương tay. Theo Ủy ban châu Âu, AstraZeneca sẽ chỉ cung cấp 30 triệu liều vắc-xin trong số 80 triệu liều đã hứa trong quý I và 70 triệu liều khác trong số 180 triệu liều đã hứa trong quý II. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã xuất khẩu 10 triệu liều vắc-xin (chủ yếu là của Pfizer) sang Vương quốc Anh, trong khi điều khoản “Vương quốc Anh trước tiên” đã ngăn AstraZeneca giữ lời giao hàng vắc-xin cho Liên minh châu Âu, từ các nhà máy của Anh.

Bên kia bờ đại dương, lệnh cấm xuất khẩu [vắc-xin] của Hoa Kỳ đã buộc Canada, Mexico và Nhật Bản phải tìm các nguồn cung vắc-xin Pfizer từ các nhà máy dược phẩm của Liên minh châu Âu. (Liên minh châu Âu đã xuất khẩu 4,6 triệu liều vắc-xin cho Canada, 3,8 triệu liều cho Mexico, 4 triệu liều cho Nhật Bản). Tình huống ngớ ngẩn nhất là Canada, nước phải mua vắc-xin Pfizer ở tận nước Bỉ, chứ không phải ở nước Mỹ láng giềng, ở bang Michigan.

Ngay cả Hoa Kỳ cũng đã nhận được các lô xuất khẩu vắc-xin từ Liên minh châu Âu: 1 triệu liều vào tháng 2, và 3,9 triệu liều từ công ty Johnson & Johnson vài tuần trước, theo tờ New York Times. Các liều vắc-xin của Johnson & Johnson được sản xuất tại Hoa Kỳ sẽ không được xuất khẩu đến Liên minh châu Âu. Nói chung, có vẻ như Liên minh châu Âu đã xuất khẩu một nửa số liều vắc-xin được sản xuất trên lãnh thổ của mình.

Sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 theo từng nước

Đơn vị tính: triệu liều vắc-xin

Dữ liệu tính đến ngày 17 tháng 3 năm 2021

Bảng: Le Grand Continent. Nguồn: Airfinity, Axios Axios Récupérer les données và Datawrapper

Các con số xuất khẩu vắc-xin nói trên đã được tiết lộ vào tuần trước và người châu Âu đã rất tức giận. Chính trong bối cảnh đó mà bà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von Der Leyen đã tuyên bố vào hôm thứ Tư rằng Liên minh châu Âu đang xem xét việc cấm xuất khẩu vắc-xin sang những nước sản xuất vắc-xin nào không cho phép xuất khẩu. Đức, Pháp và Ý đang thúc đẩy ý tưởng này.

Liên minh châu Âu đã mắc những sai lầm gì? Có vẻ như đó là điều hiển nhiên. Liên minh châu Âu đã đưa ra các quyết định dựa trên giả thuyết về một thị trường tự do và thiện chí của các đối tác kinh doanh. Giới lãnh đạo châu Âu đã không nghĩ đến việc cần phải áp đặt một đối tác của Liên minh để liên doanh với BioNTech, hoặc giả các nhà máy [dược] của Liên minh châu Âu phải dành vắc-xin cho người châu Âu trước tiên. Từ nay, việc đó có vẻ thật ngây thơ.

Liên minh châu Âu đã có cách hành xử lịch sự. Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã dùng thủ đoạn để thao túng theo hướng có lợi cho họ. Nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu đã bỏ lỡ việc triển khai tiêm ngừa vắc-xin. Các cuộc đàm phán và phê chuẩn của Liên minh có thể đã mất quá nhiều thời gian. Nhưng điều đáng chú ý là, đối với rất nhiều người ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, có vẻ như có một bộ quy tắc dành riêng cho họ và một bộ quy tắc khác dành cho tất cả các nước khác.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: L’Union paye sa naïveté et son absence d’offensive sur les contrats vaccinaux, Le Grand Continent, ngày 20/03/2021.

Print Friendly and PDF