28.4.21

Tự do mậu dịch hay sinh thái!

TỰ DO MẬU DỊCH HAY SINH THÁI!

Serge Halimi

Khi chiếm được 10% số ghế trong cuộc bầu cử Quốc hội châu Âu, những người thuộc chủ trương sinh thái đã đánh thức một cuộc tranh luận cũ về vị trí chính trị của phong trào của họ. Có phải đây là một phong trào cánh tả như gợi ý của phần lớn những đồng minh mà họ đã liên kết lâu nay, hay là thiên về xu hướng tự do, như đã cho thấy qua sự liên minh với Emmanuel Macron của nhiều cựu thủ lĩnh phong trào sinh thái (Daniel Cohn-Bendit, Pascal Canfin, Pascal Durand) và một vài liên minh ở Đức đã bao gồm cánh hữu và đảng Xanh?

Gary Becker (1930-2014)

Milton Friedman (1912-2006)

Một cách tiên nghiệm, chủ nghĩa tự do và bảo vệ môi trường phải tạo thành một cặp đối kháng dữ dội. Thực vậy, năm 2003, một nhà lý thuyết chính yếu thuộc xu hướng tự do như Milton Friedman đã kết luận: Môi trường là một vấn đề được đánh giá quá cao. (…) Khi chúng ta thở chúng ta đã gây ô nhiễm rồi. Ta sẽ không đóng cửa các nhà máy với cái cớ là loại trừ mọi phát thải khí cacbonic vào không khí. Cầm bằng tự treo cổ ngay tức khắc[1]!” Và trước ông mười năm, Gary Becker, một người công kích khác về điều mà lúc đó người ta chưa gọi là “sinh thái trừng phạt”, ông cũng đã được giải “Nobel kinh tế”, đã nhận định rằng “luật lao động và bảo vệ môi trường đã trở nên thái quá trong phần lớn các nước phát triển”. Nhưng ông đã hy vọng: Tự do mậu dịch sẽ kiềm chế một số điều thái quá này bằng cách buộc chúng phải giữ tính cạnh tranh trước những nhập khẩu từ các nước đang phát triển[2].

Marine Le Pen (1968-)

Do đó, ta hiểu rằng những lo lắng liên quan đến tương lai của hành tinh đã khôi phục uy tín cho thuật ngữ “chủ nghĩa bảo hộ” vốn đã bị chê bai từ lâu. Tại Pháp, trong một cuộc tranh luận của chiến dịch bầu cử (nghị viện - ND) châu Âu, những người đứng đầu danh sách các đảng xã hội và sinh thái cũng kêu đòi hầu như trong cùng một ngôn ngữ với bà Marine Le Pen, một chủ trương bảo hộ biên giới Liên minh châu Âu[3]”. Ta ước lượng hậu quả có thể xảy ra của một sự chuyển hướng như vậy ngay từ khi tự do mậu dịch tạo nên nguyên tắc nền tảng lịch sử của Liên minh, và đồng thời nó là động lực kinh tế của quốc gia hùng mạnh nhất trong Liên minh là nước Đức.

Từ nay về sau, mỗi người trong chúng ta biết rằng sự ca ngợi nay đã trở thành đồng thuận đối với các nhà sản xuất địa phương, những chu trình ngắn, xử lý chất thải tại chỗ là không tương thích với một phương thức sản xuất và trao đổi làm gia tăng các “chuỗi giá trị”, nghĩa là nó tổ chức các chuyến đi của các tàu thủy chở công-te-nơ trong đó những thành phần của cùng một sản phẩm sẽ băng qua Thái Bình Dương ba hoặc bốn lần trước khi nó đến được các quầy của một cửa hàng[4]”.

Sẽ không thiếu những cơ hội để xác nhận trong thực tế sự từ chối một kiểu tự do mậu dịch có tính chất tàn phá môi trường trong những tuần sắp tới. Thực vậy, các nghị viên của Liên minh châu Âu sẽ phải phê chuẩn - hay tốt hơn là bác bỏ, chúng ta hy vọng vậy một hiệp định về tự do hóa thương mại với bốn quốc gia của châu Mỹ La tinh, trong đó có Brazil và Argentina (EU - Mercosur), một hiệp định khác với Canada (CETA - The Comprehensive Economic and Trade Agreement), và một hiệp định thứ ba với Tunisia (Aleca). Lúc đó chúng ta sẽ xem có hay không một “làn sóng xanh” thực sự ồ ạt tràn qua Cựu Lục địa.

Serge Halimi

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Libre-échange ou écologie!”, Le Monde diplomatique, Tháng bảy 2019




Chú thích:

[1] Phỏng vấn Henri Lepage, Politique internationale, số 100, Paris, mùa hè 2003.

[2] Gary Becker, “Nafta: The pollution issue is just a smokescreen” - Nafta (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ): Vấn đề ô nhiễm chỉ là một hỏa mù -, Business Week, 9/8/1993.

[3] France 2, 22/5/2019.

[4] Ben Casselman, “Manufacturers adapt to trade war, but the cost could be steep” - Các nhà sản xuất thích nghi với chiến tranh thương mại, nhưng cái giá có thể quá cao, The New York Times, 31/5/2019.

Print Friendly and PDF