7.7.21

Công ty GameStop: Chiến thắng hão huyền của Phố Main trước Phố Wall

CÔNG TY GAMESTOP: CHIẾN THẮNG HÃO HUYỀN CỦA PHỐ MAIN TRƯỚC PHỐ WALL

Ngày 17 tháng 2 năm 2021

Tác giả: Nicolas Mottis, giáo sư về Quản trị sự đổi mới và Tinh thần doanh nhân tại trường Đại học Bách khoa (IP Paris)

Nicolas Mottis

Tháng 1, giá cổ phiếu GameStop (công ty mẹ của nhà phân phối trò chơi điện tử Micromania) là đối tượng đầu cơ quy mô lớn từ các nhà cổ đông cá nhân. Giá cổ phiếu đã được nhân lên gấp 24 lần, trong vài ngày từ 20 US$ lên 482 US$ một cổ phiếu vào ngày 28 tháng 1 vào thời điểm giữa phiên giao dịch. Định giá cổ phiếu này đã đạt đến mức 20 tỷ euro, sau đó rớt xuống còn khoảng 3,5 tỷ. Nhiều quỹ đầu cơ, vốn đặt cược vào giá giảm, đã phải bảo vệ vị thế của họ và đã chịu lỗ rất nhiều tỷ US$ (Melvin Capital, Citron Research). Động thái chưa từng có tiền lệ này bắt nguồn từ mạng xã hội Reddit và diễn đàn Wallstreetbets của nó, nơi hàng triệu người đã gặp nhau để bàn luận về công ty GameStop.

Các quỹ đầu cơ đã thua lỗ rất lớn, nhưng liệu có thể thực sự nói đến chiến thắng của các nhà cổ đông cá nhân hay không?

Không hề! Đã có rất nhiều nhà giao dịch cổ phiếu nhỏ lẻ xuất hiện vào hồi kết của phong trào đầu cơ và đã bị thua lỗ đáng kể. Vả lại, chúng ta có thể thấy điều đó qua tin nhắn của họ trên các mạng xã hội. Họ không ngần ngại niêm yết hiệu suất kém cỏi của mình một cách hùng hồn, đôi khi số tiền thua lỗ lên đến hàng chục nghìn US$. Đó là chiều kích chính trị của công ty GameStop.

Giải thích hiện tượng này như thế nào?

Đó là sự tồn tại đồng thời của ba yếu tố. Yếu tố thứ nhất là lượng tiền mặt dồi dào, đặc biệt là các ngân phiếu của chính phủ liên bang Mỹ vốn được phát hành sau cuộc khủng hoảng Covid-19.

Yếu tố thứ hai là sự tồn tại đồng thời, có thể mang tính lâu dài, của hai tiến bộ kỹ thuật: sự phát triển các ứng dụng môi giới trực tuyến miễn phí, ví dụ như ứng dụng Robinhood, và việc sử dụng những mạng xã hội ủng hộ sự liên minh của đám đông các nhà đầu cơ cá nhân.

Cuối cùng, yếu tố thứ ba là chính trị. Một số nhà lãnh đạo đã muốn tái hiện cuộc chiến năm xưa của Mỹ: “Phố Main” chống lại “Phố Wall”, những công dân giao dịch cổ phiếu nhỏ lẻ chống lại các quỹ đầu cơ. Nhưng cách đọc chính trị này mâu thuẫn với thực tế; nói một cách nôm na hơn, là đã có nhiều cá nhân có nhiều tiền mặt, rảnh thì giờ và nghĩ rằng có thể kiếm được nhiều tiền một cách nhanh chóng, tham gia vào phong trào đầu cơ... và đã bị vặt lông. Bằng cách đặt cược vào cổ phiếu bất kể giá trị cơ bản của công ty, rốt cuộc họ đã áp dụng các phương pháp đầu cơ của những người mà họ tuyên bố là đang chống lại. Một trong những nhà xướng lĩnh đầu tiên của phong trào đầu cơ đã thực sự tin rằng GameStop đã bị định giá thấp và đã nói điều đó từ nhiều năm qua, nhưng ông đã bị hiệu ứng bỏ chạy qua mặt, trong đó người ta thậm chí còn thấy Elon Musk khuyến khích giao dịch mua hàng trên Twitter trên nền tảng văn hóa chống giới quyền uy!


Liệu điều này có làm đảo ngược cán cân quyền lực giữa các quỹ [đầu cơ] và các nhà giao dịch cổ phiếu nhỏ lẻ hay không?

Một số quỹ [đầu cơ] đã lỗ hàng tỷ US$ và có thể sẽ thận trọng hơn trong tương lai. Nhưng điều đó không làm thay đổi các nhân tố cơ bản. Sự nới lỏng sẽ củng cố các quy luật đầu cơ lớn.

Thứ nhất: để kinh doanh có lãi, điều tốt nhất là phải có “nhiều tiền” và có khả năng chịu đựng được những chuyển động mạnh mẽ; thứ hai: phải có thời gian để có khả năng giữ vững vị thế của mình và không bị cuốn đi bởi một vài chuyển động mạnh mẽ; và cuối cùng: cần có những thông tin chất lượng, tức là những phân tích thật chuyên sâu. Rất nhiều nhà giao dịch cổ phiếu nhỏ lẻ chỉ có thông tin rất sơ sài và không quan tâm đến các nhân tố cơ bản. Thất bại giả tạo do những nhà giao dịch cổ phiếu nhỏ lẻ này gây ra cho các quỹ đầu cơ có lẽ chỉ là một chiến thắng theo kiểu lửa rơm hơn là một chiến thắng thực sự.

Liệu điều này có thể xảy ra một lần nữa hay không?

Tất nhiên là có. Người ta đã đề cập đến những trường hợp khác, ví dụ như AMC (chuỗi rạp chiếu phim của Mỹ), trên các diễn đàn này, nhưng sự thành công của các nhà đầu cơ “mặc quần đùi”, trong tổng thể, không thuyết phục cho lắm. Như mọi khi, có một số ít người đã thắng, nhưng phần lớn đều thua. Thị trường chứng khoán không phải là một sòng bạc, trước hết đó là một cơ chế cung cấp tài chính cho nền kinh tế.

Làm thế nào để có thể dự phòng khỏi những giao dịch thái quá này?

Nó vận động theo cả hai chiều. Có những quỹ [đầu cơ] kền kền, tận dụng lợi thế của thị trường, chưa bao giờ bị trừng phạt và được giải cứu trong trường hợp khủng hoảng. Đó là một trong những chỉ trích lớn của Phố Main chống lại Phố Wall sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhưng cũng phải xem xét mặt trái của đồng xu: các nền tảng môi giới, vốn cho phép nhập xuất mà không cần một đảm bảo hoặc ma sát tối thiểu nào, đang tạo ra một tính biến động thất thường đáng kể, có thể khiến các nhà cổ đông cá nhân làm điều ngu xuẩn và kết cục là sự phá sản. Vả lại, giá cổ phiếu của GameStop lại lao dốc khi nền tảng Robinhood thắt chặt các điều kiện giao dịch, hạn chế đáng kể trên thực tế việc mua vào chứng khoán. Đó là một chủ đề điều tiết đang được bàn luận ở Hoa Kỳ. Vì vậy, cần phải đồng thời kiềm chế đám đông các nhà đầu cơ tư nhân, làm lệch lạc thiên hướng của một sàn giao dịch chứng khoán, và đưa vào những cơ chế ngăn chặn một số quỹ [đầu cơ] đang hoạt động muốn chặt chân chặt tay các công ty yếu kém bằng một giao dịch ngắn hạn đáng sợ. Trọng tâm của vụ GameStop, vấn đề bán khống (bán những chứng khoán mà mình không sở hữu bằng cách đầu cơ vào giá giảm của chúng) là một trong những điểm kỹ thuật then chốt cần được giải quyết. Một đáp án không hề dễ, và chúng ta đã thấy cuộc tranh luận này ở nhiều nước, trong đó có Pháp.

Các hedge funds [quỹ phòng hộ] hữu ích như thế nào?

Có hai cách nhìn nhận vấn đề. Cách thứ nhất là coi chúng như là những con chim săn mồi, giao dịch trên các biến động giá, mà họ kích động hoặc khuếch đại bằng cách khuấy động thị trường, để làm giàu nhanh mặc cho nền kinh tế thực bị thiệt hại.

Cách thứ hai là coi chúng có một phẩm hạnh chuyên môn thực sự trong thuật quản trị cổ đông cổ điển. Chúng nghiên cứu sâu rộng một số công ty, phân tích tài khoản và chiến lược, đồng thời xác định những điểm yếu thực sự của các công ty này, và xa hơn nữa là huy động mọi loại phương tiện (công ty luật, công ty tình báo kinh tế, v.v.) để thu thập những thông tin mang tính phê phán, sau đó liên hệ với các cơ quan truyền thông để vận động báo chí và tập hợp các cổ đông khác vào luận điểm của chúng. Ngay cả khi chỉ nắm giữ một phần vốn nhỏ, cuộc tấn công của chúng rốt cuộc sẽ làm cho các công ty bất ổn và làm chuyển hướng chiến lược của các công ty, hoặc thậm chí làm thay thế ban quản lý các công ty. Ngay cả khi không được đánh giá cao, những tác nhân của các quỹ đang hoạt động này là những người làm việc chăm chỉ, thường có trình độ kỹ thuật rất tốt, là những người thu thập dữ liệu chất lượng cao và không dễ buông tha con mồi của mình.

Chức năng “kỷ luật” này của thị trường cũng có thể có ý nghĩa đối với những ban quản lý công ty yếu kém hoặc lạm dụng chức vụ. Có rất nhiều ví dụ về những công ty có những điểm yếu đã bị những tác nhân [của các quỹ] này vạch trần. Đó là trường hợp gần đây của tập đoàn Casino ở Pháp, một tập đoàn mà người ta đã đặt ra những câu hỏi thực sự về các thỏa thuận tài chính phức tạp. Một ví dụ khác gần đây: công ty Wirecard của Đức trong ngành fintech [công nghệ tài chính], được định giá lên tới 17 tỷ euro ở Frankfurt, và đã lừa cơ quan quản lý tài chính Đức trong nhiều năm bằng những tài khoản sai lệch trên diện rộng. Kể từ đó, tập đoàn đã sụp đổ vì vụ lừa đảo này, đặc biệt nhờ vào công tác điều tra và áp lực từ một số quỹ.

Liệu có nên điều tiết giao dịch bán khống hay không?

Có, cần phải có một cơ chế kiểm soát tốt hơn, mang lại sự minh bạch và lành mạnh hóa một số cơ chế (về cho vay, thanh toán/giao nhận chứng khoán, thời hạn, v.v.). Mục tiêu là duy trì kỷ luật về tài chính, quản lý và kinh tế mà các quỹ đang hoạt động này mang lại, giống như các nhà cổ đông khác, bằng cách hạn chế giao dịch đầu cơ thuần túy. Một công ty có thể rơi vào một thời kỳ bấp bênh mà điều đó không biện minh được những cuộc tấn công mang tính hủy diệt về giá trị trong tổng thể.

Cuộc phỏng vấn do Clément Boulle thực hiện

Tác giả

Nicolas Mottis

Giáo sư về Quản lý sự đổi mới và Tinh thần doanh nhân tại trường Đại học Bách khoa (IP Paris)

Nicolas Mottis lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại trường Đại học Bách khoa (IP Paris). Các nghiên cứu của ông tập trung vào chủ đề kiểm soát chiến lược và quản lý sự đổi mới. Từ năm 2008, ông là thành viên ban giám khảo giải thưởng FIR-Eurosif và là thành viên ủy ban học thuật về các Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm - Sáng kiến tài chính của Liên hợp quốc từ năm 2010 đến năm 2017. Ông cũng là thành viên hội đồng chuyên gia của Nền tảng quốc gia CSR của Pháp và là thành viên Ủy ban Khoa học về Nhãn hiệu công cộng SRI của Pháp. Ông cũng là thành viên hội đồng quản trị trường Ecole de Paris du Management từ năm 2008 và của quỹ Fondation Médecins Sans Frontières từ năm 2019.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: GameStop: la victoire illusoire de Main Street sur Wall Street, Polytechnique Insights, ngày 17/2/2021

Print Friendly and PDF