5.7.21

Đá luân lưu: thủ môn, chiến lược gia không ai để ý đến, cầu thủ mà các nhà kinh tế học cần hết sức lưu ý

ĐÁ LUÂN LƯU: THỦ MÔN, CHIẾN LƯỢC GIA KHÔNG AI ĐỂ Ý ĐẾN, CẦU THỦ MÀ CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC CẦN HẾT SỨC LƯU Ý

Ngày 1 tháng 7 năm 2021

Angela Sutan Antoine Malézieux

Thủ môn Thụy Sĩ Yann Sommer bùng nổ niềm vui sau khi đánh bại Kylian Mbappé [ở loạt đá luân lưu]. Justin Stterfield / Pool / AFP
“(Kylian) Mbappé cảm thấy có lỗi nhưng anh ấy không cần phải như vậy,” huấn luyện viên đội tuyển Pháp Didier Deschamps đã cho biết trong cuộc họp báo sau thất bại của The Blues [đội tuyển Pháp] trên chấm phạt đền vào đêm thứ Hai trước Thụy Sĩ trong khuôn khổ vòng 1/8 Giải bóng đá Euro ở Bucharest, Romania. Một vài nhận xét bắt nguồn từ kinh tế học hành vi có xu hướng chứng minh nhận định trên đúng.
Didier Deschamps (1968-)
Kylian Mbappé (1998-)

Vì lý do hiển nhiên có vẻ như không phải là tiền đạo sút hỏng quả phạt đền mà chính thủ môn người Thụy Sĩ, Yann Sommer mới là người đã cản phá thành công quả phạt đền này. Thay vì lên án cầu thủ người Pháp, có vẻ sẽ thích đáng hơn khi nhìn vào thành tích của đối thủ người Thụy Sĩ. Quả thực, anh ấy đã có thể đoán được điều gì đó về hướng sút...

Khi bình luận về các loạt đá luân lưu, chúng ta thường có thói quen xem số liệu thống kê thành công của các cầu thủ [đá luân lưu]. Nhưng lại ít chú ý đến thành tích của các thủ môn, một điều sai lầm. Mbappe đã có hơn 80% cơ hội sút phạt đền thành công. Trong số 16 lần sút phạt đền trong sự nghiệp của mình, anh đã thành công 13 lần (một trong hai lần ở đội tuyển Pháp).

Với tỷ lệ 80% này, anh ấy gần như nằm trong mức thành công trung bình của giới cầu thủ chuyên nghiệp. Thật vậy, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các cầu thủ sút phạt đền có 79% cơ hội nhìn thấy bóng vào lưới, theo các số liệu thống kê.

Trong trường hợp nào, ít hơn, một cầu thủ có khả năng đá hỏng quả phạt đền? Các nghiên cứu về hoạt động của não bộ đã chỉ ra rằng, về phía cầu thủ sút phạt đền, tốt hơn là không nên tính toán quá mức về hậu quả cú sút của cầu thủ: cầu thủ càng căng thẳng, thì càng có ít cơ hội thành công. Tuy nhiên, các nghiên cứu này không xem xét đến những gì đang diễn ra trong đầu của thủ môn.

Lập luận bậc hai

Song, chính ở trong đầu của thủ môn mới là nơi bài toán chiến lược thực sự đang diễn ra: kết quả của một nỗ lực chỉ phụ thuộc vào năng lực của thủ môn, chứ không phải của người sút bóng, để thực thi điều được gọi là lập luận cấp hai. Khi thủ môn càng có nhiều khả năng đưa ra kiểu lập luận “Tôi biết điều bạn biết”, thì đội nhà càng có nhiều khả năng giành chiến thắng.

Về điểm này, hầu hết các thủ môn đều chịu áp lực của “độ chệch hành động khiến họ không sử dụng chiến lược tối ưu. Họ sẽ cố gắng ngả sang bên này hoặc bên kia để chứng tỏ mình đang hành động, trong khi về mặt thống kê, chiến lược tối ưu là đứng ở giữa cầu môn.

Tuy thế, đã có một số thủ môn chứng tỏ được nhiều trò tinh quái.

Hãy nhớ lại, ví dụ, thành tích của thủ môn Mickaël Landreau vào năm 2002, trong trận đấu thuộc vòng 1/16 Cúp Liên đoàn Bóng đá giữa hai đội PSG và FC Nantes, khi thủ môn này đối mặt với một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới lúc bấy giờ, cầu thủ người Brazil Ronaldinho.

“Tôi tự nói với bản thân, vì quả phạt đền mang tính quyết định, tôi phải tạo ra một chút gì đó có thể chạm vào cảm xúc hoặc tâm lý của Ronaldinho. Tôi tự nhủ anh ấy sút rất giỏi về phía cánh trái cầu môn tôi, và vì thế, tôi cần khiến anh ấy sút về phía cánh phải cầu môn tôi. Nhưng bằng cách nào? Đó là lý do tại sao tôi đứng ở vị thế trên, và tham gia vào trò chơi của anh ấy. Tôi biết anh ấy sẽ ngước đầu lên vào một thời khắc nhất định. Phải làm sao vào lúc anh ấy ngước đầu lên, anh ấy nghĩ rằng tôi sẽ ngả về hướng mạnh của anh ấy, để khi anh ấy cúi đầu xuống, tôi có thể ngả về hướng ngược lại.”

Trong một tình huống tương tự, vào tháng 5 năm 2021, thủ môn Gautier Larsonneur, của đội Brest, từ cách định vị của mình, đã khiến cho ngôi sao người Brazil Neymar sút bóng ra cạnh cầu môn. Thế mà, tiền đạo của đội Paris-Saint-Germain vẫn nằm trong số đứng đầu những số liệu thống kê tốt nhất ở châu Âu trong loạt đá phạt đền.

Còn nhớ, vào năm 1986, trận chung kết Cúp các câu lạc bộ vô địch châu Âu giữa hai đội Steaua Bucharest và FC Barcelona. Thủ môn của câu lạc bộ Romania, Helmuth Duckadam, đã đi vào lịch sử: không những không để lọt lưới bàn nào trong cả trận với một đối thủ được yêu thích nhất, mà hơn hết, trong loạt sút luân lưu, anh đã cản phá được liên tiếp 4 quả phạt đền.

Khi được hỏi về thành tích của mình, Helmuth Duckadam cho biết trong một cuộc phỏng vấn dành cho trang web của UEFA:

“Alexanko là người sút đầu tiên. Tôi đã chọn ngả sang cánh phải và anh ấy đã sút sang cánh phải, vì vậy tôi đã cản phá được cú sút đầu tiên. Quả phạt đền thứ hai ít đơn giản hơn. Tôi đã cố nghĩ giống như Pedraza. Anh ấy hẳn đã nghĩ vì tôi đã cản phá được cú sút bên cánh phải, nên tôi sẽ ngả sang cánh trái. Vì vậy, anh ấy sút sang cánh phải và tôi cũng cản phá được quả phạt đền thứ hai. Quả phạt đền thứ ba của Pichi Alonso dễ hơn. Một thủ môn đã cản phá được hai quả phạt đền bên cánh phải, thì chắc chắn sẽ ngả sang cánh trái trong loạt sút thứ ba. Anh ấy sút sang phải và tôi lại ngả sang cánh phải và tôi cũng đã cản phá được quả phạt đền thứ ba. Đối với quả phạt đền thứ 4, tôi có một chút vấn đề. Tôi thực sự tự hỏi Marcos sẽ làm điều gì – anh ấy sẽ sao chép ba người kia hay sút sang cánh trái. Tôi quyết định đổi bên và ngả sang cánh trái. Marcos cũng chọn sút cánh này”.

Và thế là Helmut Duckadam đã cản phá được bốn quả phạt đền.

Thông điệp đánh lừa và mang tính chiến lược

Lập luận ở đây thuộc loại bói toán (“dự đoán”): nó dẫn đến việc loại bỏ hết chiến lược này đến chiến lược khác, những chiến lược có ít cơ hội nhất để giành chiến thắng (trong kinh tế học, trong lý thuyết trò chơi được sử dụng nhiều trong kinh tế học vi mô, nói về các “chiến lược bị khống chế”). Nó cũng dựa trên việc thực thi một sự đồng cảm nhận thức: “Tôi tự đặt mình vào vị trí của bạn, trong khi vẫn nhớ rằng bạn cũng vậy, bạn sẽ tự đặt mình vào vị trí của tôi”. Hay nói cách khác: Tôi biết rằng bạn biết, bạn biết rằng tôi biết là bạn biết, v.v.”.

Nếu thủ môn biết được cầu thủ mà mình đối diện có nhiều khả năng sẽ chơi “ở cấp độ 0” trong loạt quy tắc “tôi biết” nói trên, vì anh ta đã thm mệt, đã phạm lỗi trong trận đấu, hoặc chỉ đá một quả phạt đền có hai lần với đội tuyển Pháp trước đây, như trường hợp của Mbappé, thì sẽ dễ cản phá hơn.

Vernon L. Smith (1927-)

Do đó, điều quan trọng và cần thiết là phân tích kỹ hơn các quyết định của thủ môn, những chiến lược gia không ai để ý đến. Họ có thể cho chúng ta những bài học rất quan trọng về sự đồng cảm nhận thức.

“Hành vi của một cá nhân trên thị trường mang tính duy lý trong chừng mực nó thích hợp với cấu trúc của môi trường”, theo lời của Vernon Smith, người được trao giải “Nobel” về kinh tế học năm 2002. Sự tồn tại của kiểu duy lý cụ thể này góp phần giải thích cách thức mà những con người có trí thông minh khác nhau thích ứng với tình huống. Điều đó có nghĩa là con người có khả năng khám phá trí tuệ nằm trong các quy tắc và cấu trúc của tình huống.

Vì thế, chúng ta hãy chào mừng màn trình diễn của Yann Sommer và ngưng làm cho Kylian Mbappé cảm thấy có lỗi!

Tác giả

Antoine Malézieux
Angela Sutan

Angela Sutan

Giáo sư về Kinh tế học Hành vi, Trường Kinh doanh Burgundy

Antoine Malézieux

Giáo sư về Kinh tế học Hành vi và Tiếp thị, Trường Kinh doanh Burgundy

Tuyên bố công khai

Angela Sutan có nhận tài trợ từ ANR thông qua chương trình Huấn luyện Quốc tế ISITE-BFC (ANR-15-IDEX-003, PI URI Gneezy).

Antoine Malézieux có nhận tài trợ từ ANR thông qua chương trình Huấn luyện Quốc tế ISITE-BFC (ANR-15-IDEX-003, PI URI Gneezy).

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Tirs au but : les gardiens, stratèges ignorés auxquels les économistes devraient s’intéresser de près, The Conversation, ngày 01/07/2021.

Print Friendly and PDF