18.8.22

Hồng Kông: giải phẫu một sự biến mất, sự ra đời một Nhà nước cảnh sát (1/2)

HỒNG KÔNG: GIẢI PHẪU MỘT SỰ BIẾN MẤT, SỰ RA ĐỜI MỘT NHÀ NƯỚC CẢNH SÁT (1/2)

Tác giả: David Bartel

Bộ mặt mới của cảnh sát ở Hồng Kông. (Nguồn: VOI)

Bài viết dưới đây đã được đăng trên tạp chí The Economist, vào hôm 1 tháng 7 vừa qua, để “kỷ niệm” 25 năm ngày Hồng Kông trở về với đất mẹ, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Được đăng một cách ẩn danh, bài viết này được dành cho các tác nhân lỗi lạc để họ lên tiếng về những diễn biến mới nhất. Từ tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai, đang ở tù) đến nhà Hán học Perry Link (bị cấm ở Trung Quốc), cho đến tay trùm giàu có và quyền lực Thẩm Đống (Desmund Shum, sống lưu vong ở Hoa Kỳ), bài viết giúp hiểu rõ tầm quan trọng của Hồng Kông đối với nhà cầm quyền Trung Quốc, ngay từ khi chuẩn bị các cuộc đàm phán về việc bàn giao [Hồng Kông] vào năm 1984. Bài viết cung cấp một cái nhìn tổng quan hiếm có để được Asialyst dịch và đăng lên.

Một phần tư thế kỷ sau khi Hồng Kông được bàn giao cho Trung Quốc, kết cấu, âm thanh và ánh sáng của thành phố chỉ thay đổi chút ít. Ở các khu chợ có mái che, những con cá chép vẫn ở đó, dưới những ngọn đèn màu đỏ, mà người bán cá sử dụng để làm tăng vẻ tươi sống của chúng. Ở các trung tâm thương mại cao cấp, người mua sắm vẫn tôn sùng các vị thần của thị trường chứng khoán và điện thoại. Người công nhân vẫn đổ mồ hôi trên các công trường xây dựng, với tiếng đập của những chiếc máy búa khoan hòa cùng tiếng gầm của xe tàu điện.

Địa hình của hòn đảo tiếp tục khiến bao con tim đập nhanh hơn. Phía sau một trung tâm hội nghị nằm kẹp giữa một bên là bến cảng Victoria, và bên kia là đường phân thuỷ phủ đầy rừng rậm, dẫn đến Đỉnh núi (Peak) nổi tiếng, nơi lấp lánh ánh đèn của một số căn hộ đắt tiền nhất hành tinh. Một xe tàu điện đổ dốc vẫn còn chở theo khách du lịch trong ngày. Xa hơn phía dưới, chiếc phà Star Ferry mang tính biểu tượng tiếp tục băng qua bến cảng.

Trên phần đất liền của lãnh thổ, một ngọn núi hình quả táo, được gọi là Lion Rock (Sư tử Sơn), đứng canh từ bên trên khu vực liên thị Kowloon (Cửu Long) đông dân hơn và ít đặc quyền hơn. Thấp hơn Đỉnh núi (Peak) một chút, Lion Rock chiếm một vị trí quan trọng hơn trong trí tưởng tượng của người dân Hồng Kông. Một nhóm người tị nạn, đến lập nghiệp ở dưới chân núi, tạo cảnh cho Beneath Lion Rock, một bộ phim truyền hình nổi tiếng được phát sóng lần đầu vào những năm 1970. Bộ phim ca ngợi lòng dũng cảm của một thế hệ người dân Hồng Kông, mà hầu hết đều rời bỏ Trung Quốc để thoát cảnh bất hạnh và nghèo khó. Bộ phim kể câu chuyện về cuộc đấu tranh để nuôi sống gia đình mình và mang đến cho họ một tương lai mới trong một ngôi nhà mới. Thử bắt đầu cất tiếng ca điệp khúc của bộ phim cho một người dân Hồng Kông ở một độ tuổi nào đó, thì có nhiều khả năng người đó sẽ tiếp lời cùng bạn:

“Với một tâm hồn theo đuổi ước mơ

Đặt sang một bên tất cả những bất hòa,

Với một trái tim theo đuổi cùng một ước mơ sáng suốt ...

Chúng ta chung tay đi đến tận chân mây cuối trời.”

Chính những người dân này, dưới chân núi Sư Tử, từ những năm 1960, đã biến Hồng Kông thành một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng nhất thế giới. Sinh năm 1949, Trình Tường (Ching Cheong - ) lúc đó mới 5 tuổi, khi gia đình rời bỏ Lục địa để đến vùng đất của Anh lọt giữa đất đai của nước khác. Khi đó, Ching mơ được trở về Trung Quốc, khi lớn lên trong một nhà ở xã hội, được nuôi dưỡng bằng tiền quyên góp từ một nhà thờ.

Elizabeth Sinn (1948-)

Giấc mơ của anh bị dập tắt khi, đến tuổi thiếu niên, anh nhìn thấy những thi thể trôi bềnh từ Trung Quốc. Tay chân bị cùm, họ là nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động năm 1966. Anh nhớ lại, “Nhiều người trong chúng tôi còn nhớ đến cảnh cảnh sát đưa những thi thể vô hồn này lên khỏi mặt nước. Sau đó, không ai trong chúng tôi còn nghĩ đến việc quay trở lại sống ở Trung Quốc.” Thế nên, anh và gia đình đã tạo ra một bản sắc Hồng Kông mới dựa trên lao động, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào to lớn về cuộc sống mới mà họ đang xây dựng. Trong khi quay lưng lại với Trung Quốc, họ chưa bao giờ quên họ là người Trung Quốc, đặc biệt khi Hồng Kông còn bị cai trị bởi các viên chức quản lý người Anh. Kể từ khi chiếm giữ hòn đảo làm kho hàng thương mại (từ đó xuất khẩu trái phép nha phiến sang Trung Quốc), các nhà cai trị thuộc địa bao giờ cũng thích điều hành mọi thứ với “nỗ lực ít nhất, nhưng kinh tế lớn nhất”[*], như theo lời của nhà sử học Elizabeth Sinn. Họ không mấy quan tâm là cư dân của thuộc địa theo đuổi ước mơ thống nhất trong tim của mình.

Dưới một chế độ cai trị coi thường dân như thế, nhưng không hoàn toàn mang tính trấn áp, các cuộc phản đối là điều không thể tránh khỏi. Những cuộc phản đối bạo lực nhất diễn ra vào năm 1967, khi sự lộn xộn từ cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc vượt qua biên giới. Những người ủng hộ Mao, được đảng ngầm ủng hộ, đã khủng bố bằng bom, giết chết đặc biệt những đứa trẻ đang chơi trên đường phố. Vào tháng 9, đã có 51 người chết – trong đó có mười cảnh sát. Đa số người dân phản đối mạnh mẽ người biểu tình và nảy sinh một tình cảm mới với cảnh sát.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình này cũng khiến chính quyền trở nên nhạy cảm với các vấn đề xã hội và đặt nền móng cho các cuộc biểu tình kéo dài nhiều thập kỷ sau đó. Hầu hết các cuộc biểu tình đều nhắm đến mục đích làm xoay chuyển tình thế, không phải theo hướng hỗn độn của Trung Quốc, mà hướng tới một kiểu mẫu Hồng Kông mà người dân địa phương muốn thấy diễn ra. Họ đã chiến đấu để cải thiện giáo dục và các dịch vụ xã hội. Vào cuối những năm 1960 và trong những năm 1970, chính quyền đã giảm giờ làm việc, phát triển một hệ thống giáo dục miễn phí bắt buộc, xây dựng các khu nhà ở xã hội mới, và bắt đầu cung cấp các dịch vụ cơ bản về chăm sóc y tế và trợ giúp xã hội. Chính quyền cũng đã thiết lập một quy tắc mới yêu cầu có sự cho phép của cảnh sát đối với bất kỳ cuộc tụ tập công khai nào.

Leo Goodstadt (1938-2020)

Các yêu cầu [tụ tập] này hiếm khi bị từ chối. Leo Goodstadt, một học giả từng phục vụ trong chính quyền thuộc địa, ước tính trung bình có hơn 180 cuộc biểu tình phản đối mỗi năm từ năm 1975 đến 1995. “Các cuộc biểu tình phản đối của công chúng và phong trào hoạt động chính trị trong những năm 1970 đã làm [người dân] nhận thức được tính thích đáng của Nhà nước pháp quyền đối với quyền hội họp công cộng và quyền tự do ngôn luận”, ông viết vào năm 2005[**]. Hồng Kông, vốn chưa bao giờ là một nền dân chủ, trong những năm 1980, đã có một hệ thống luật pháp độc lập, một nền báo chí tự do và mạnh mẽ, và các quyền tự do công dân và kinh tế được đảm bảo. Đây là thế giới mà Trình Tường và các đồng nghiệp của anh được thừa hưởng.

Năm 1970, cùng với sự tự hào xứng đáng của cha mẹ, anh nhận được một suất học đáng mơ ước tại Đại học Hồng Kông. Sau khi tốt nghiệp, ông làm điều mà các bạn học cùng lớp, những người thuộc tầng lớp ưu tú, xem như là một chọn lựa kỳ quặc. Với mức lương không đáng kể, ông làm việc cho Văn Hối báo (Wen Wei Po - 文匯報, Wenhuibao), một tờ báo thân Bắc Kinh. Giáo viên thời trung học của ông đã khuyến khích tình yêu văn hóa Trung Quốc, và Trình Tường muốn góp phần tạo ra một nước Trung Quốc tốt đẹp hơn, không bị Đảng Cộng sản hoặc các quan lại người Anh cai trị một cách tàn bạo. Ông không quan tâm đến việc thúc đẩy các ý tưởng của Đảng, nhưng nhiệt tình với khả năng nhìn thấy phần còn lại của Trung Quốc.

Năm 1981, ông trở thành nhà báo Hồng Kông đầu tiên làm việc tại Bắc Kinh, nơi ông hít thở không khí sôi động của thời kỳ đất nước mở cửa. Năm 1989, khi trở thành phó tổng biên tập, Ching đã trải qua nhiều tuần cùng với những sinh viên chiếm đóng Quảng trường Thiên An Môn. Ông tường thuật – và thông cảm với – các yêu cầu của họ về cải cách dân chủ và giảm bớt nạn tham nhũng. Khi mọi thứ đều rõ ràng rằng cuộc đàn áp sẽ ập đến, ông được lệnh phải quay trở lại Hồng Kông. Ông trở về [Hồng Kông] vào ngày 3 tháng 6. Và vào ngày 4 tháng 6, lúc rạng đông, đã có hàng trăm, nếu không muốn nói hàng nghìn, người biểu tình bị chết xung quanh quảng trường.

Cuộc tàn sát ở Bắc Kinh gây nên một sự bùng nổ chính trị ở Hồng Kông. Năm 1984, người Anh đã ký thỏa thuận trao trả lãnh thổ cho Trung Quốc vào năm 1997, dựa trên công thức “một quốc gia, hai hệ thống”. Các cuộc đàm phán dẫn đến ý tưởng này, mà trong đó người dân Hồng Kông không được mời, đã hứa lãnh thổ có thể hưởng một “mức độ tự trị cao” trong năm mươi năm tới. Cuộc biểu tình làm kết tinh cảm giác cho rằng các quyền tự do từng giành được trong những thập kỷ trước thông qua một chính quyền ổn định, các thành quả thương mại, các cuộc biểu tình của công chúng, và Nhà nước pháp quyền, sẽ không kéo dài dưới chế độ cai trị của Bắc Kinh. Gần một triệu người dân Hồng Kông đã xuống đường tuần hành khi có tin đồn về sự can thiệp sắp xảy ra từ Bắc Kinh. Trình Tường và bốn mươi đồng nghiệp của ông đã từ chức khỏi Wei Wen Po. Các doanh nhân thân Bắc Kinh và các nhóm xã hội dân sự, nói chung có cảm tình với Đảng, đều lên án vụ tắm máu.

Các tác nhân của xã hội dân sự sau đó tiếp tục thúc đẩy người Anh hướng tới có nhiều đại diện hơn trong hệ thống chính trị sau thời kỳ chuyển giao.

Jimmy Lai Chee-ying (1947-)

Một trong những người trẻ tuổi tham gia cuộc tuần hành có tên là Jimmy Lai Chee-ying (Lê Trí Anh - 黎智英). Sinh năm 1947 ở bên kia biên giới, anh lên một chiếc thuyền rồi bí mật đến thuộc địa vào năm 1959. Là một lao động trẻ em trong ngành vải vụn, anh đã thăng cấp và trở thành giám đốc nhà máy, rồi thành lập công ty với thương hiệu quần áo riêng của anh – một sự hóa thân của tinh thần Lion Rock. Năm 1989, Jimmy Lai đã thiết kế những chiếc áo phông để ủng hộ các sinh viên Quảng trường Thiên An Môn và gửi tất cả số tiền thu được cho một nhóm ủng hộ dân chủ. Ông tuyên bố, “Tôi nghĩ đó là một bước ngoặt. Tất nhiên tôi đã sai, nhưng tôi rất lạc quan vào thời đó.” Khi đó, rất nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ không giữ lời về chế độ “hai hệ thống” trừ phi người dân Hồng Kông có những biện pháp rõ ràng để tự vệ. Vào năm 1995, Ching nói, “Tôi đã tiếp cận rất gần với Đảng, để hiểu khát vọng, cách thức hoạt động và những động cơ bí mật nhất của Đảng”. Ông viết một bài báo cho tờ Taipei Times, một tờ báo của Đài Loan, cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ không giữ lời hứa của họ.

Chris Patten (1944-)

Trước khi bàn giao, thống đốc cuối cùng của thuộc địa, Chris Patten, đã có nhiều băn khoăn về việc tôn trọng chữ tín mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra. Nhưng vào ngày 30 tháng 6 năm 1997, bài phát biểu của ông tại trung tâm hội nghị ở gần bến cảng đã thấm nhuần một sự lạc quan rất chuyên nghiệp về một “ngày lễ hội chứ không phải là một ngày buồn”. Ông tuyên bố, chưa có lãnh thổ phụ thuộc nào từng độc lập khỏi sự cai trị của Anh, lại có nhiều của cải, hay một “kết cấu và hệ thống xã hội dân sự phong phú như thế”. Ông kết luận, theo nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống, người dân Hồng Kông phải điều hành Hồng Kông. Đó là lời hứa. Và đó là số phận không thể lay chuyển của họ.”

Trên thực tế, dưới sự bảo hộ của Luật Cơ bản – hiến pháp thời hậu chuyển giao – người dân Hồng Kông có rất ít phương tiện để tham gia công việc quản lý thành phố. Dù có một cuộc cải cách vào phút chót để mở rộng phạm vi bầu cử, các vị trí chủ chốt vẫn cần phải có sự phê duyệt của Bắc Kinh. Hầu hết các nghị sĩ Quốc hội và “Đặc khu trưởng” mới của thành phố đều được bổ nhiệm bởi các cơ quan hiến định, do những người thân cận với Đảng kiểm soát, mà nhiều người trong số đó đều có lợi ích tài chính và kinh doanh ở Trung Quốc.

Năm 2008, khi Trình Tường trở về sau hơn hai năm ngồi tù vì những tội danh đáng ngờ làm gián điệp, ông thấy văn hóa phản bác đang nở rộ. Vào năm 2014, sau khi Đảng loại trừ khả năng phổ thông đầu phiếu [để bầu Đặc khu trưởng], các cuộc phản đối đã phát triển thành cái mà ngày nay được gọi là “Phong trào ô dù”. Khi người biểu tình giăng một biểu ngữ trên Lion Rock, người ta đọc thấy nội dung “Chúng tôi muốn có một quyền phổ thông đầu phiếu đích thực”, họ đang khơi dậy một lần nữa tinh thần yêu sách trong đầu ông.

Vào năm 2019, chính quyền tìm cách thông qua luật cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Người dân Hồng Kông hiểu ngay rằng, theo ý thích thất thường của Đảng, bất kỳ ai cũng có thể bị đưa đến Trung Quốc, nơi các tòa án xét xử không minh bạch và nơi không tồn tại sự suy đoán vô tội. Bắt đầu từ tháng 6, các cuộc biểu tình đã diễn ra ngày càng quan trọng hơn những gì thành phố từng chứng kiến.

Giới trẻ là bộ mặt của sự phản đối. Ngoài ra, giới luật sư cũng sẵn sàng cung cấp dịch vụ bào chữa miễn phí cho những người bị bắt, giới nhân viên kế toán tình nguyện tính toán nguồn thu từ các chiến dịch gây quỹ lên đến hàng triệu đô la. Người lao động bình thường mua thẻ trả trước để người biểu tình có thể mua thức ăn hoặc mua mặt nạ phòng độc một cách ẩn danh. Vào tháng 8 năm 2019, 200.000 người biểu tình Hồng Kông đã chung tay tạo thành một dòng người dài 50 km quanh cảng và lên đến đỉnh Lion Rock. Quy mô các cuộc biểu tình sẽ làm mệt mỏi bất kỳ chính phủ dân chủ nào – và cùng vài chế độ độc tài.

Carrie Lam (1957-)

Nhưng rất nhanh, cảnh sát đã đáp trả một cách không nương tay. Các cuộc biểu tình tăng lên về số lượng, và đôi khi biến thành bạo lực. Một cuộc biểu tình, xung quanh một khu vực cơ quan chính quyền, đã ngăn cản phiên tranh cãi và biểu quyết lần thứ hai đối với dự luật dẫn độ. Trước một sự phản đối như thế, dự luật đã bị rút lại. Nhưng Đặc khu trưởng ngoan cố Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Lin Zheng Yue'e, 鄭月娥, sinh năm 1957), được Đảng ủng hộ, vẫn giữ được chức vụ của bà. Không có cử chỉ hòa giải nào đối với người biểu tình.

Thay vào đó, Đảng Cộng sản làm rõ ẩn ý của những nỗ lực thay đổi trước đây: bản sắc Hồng Kông được tạo ra vào cuối thế kỷ XX và truyền thống tinh thần độc lập và phản đối đi kèm với nó là một mối đe dọa. Vào tháng 5 năm 2020, Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng một luật an ninh quốc gia mới trên lãnh thổ, thêm vào Luật Cơ bản một luật chống ly khai, chống lật đổ, chống khủng bố và chống thông đồng với các thế lực nước ngoài. Văn bản cuối cùng của luật được công bố chỉ vài giờ trước khi ban hành, vào lúc 11 giờ đêm ngày 30 tháng 6. Ngay cả Carrie Lam cũng không được thông báo chi tiết trước đó. Các cuộc bắt giữ bắt đầu diễn ra ngay sau đó.

Thế đó, “số phận không thể lay chuyển”!

Bài báo được đăng trên tạp chí The Economist, do David Bartel dịch từ tiếng Anh

Phần tiếp theo của bài báo sẽ sớm ra mắt trên trang Asialyst.

Thông tin về tác giả

David Bartel

David Bartel

David Bartel, là nhà nghiên cứu độc lập, sống ở Hồng Kông từ 10 năm nay. Đỗ bằng tiến sĩ vào năm 2017 tại EHESS [Trường Cao học về Khoa học xã hội], luận án của ông viết về đề tài Sự khai sáng của Trung Quốc trong thế kỷ XX và sự cấu hình lại thời đương đại của Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm đến các liên kết giữa lịch sử, chính trị và ngôn ngữ. Sự kết hợp các diễn ngôn lý thuyết hậu hiện đại và hậu thuộc địa – ở Trung Quốc và các nơi khác – qua thuật hùng biện mang tính dân tộc chủ nghĩa, và sự xóa bỏ văn hóa nhân danh văn hóa là những chủ đề trung tâm trong các nghiên cứu của ông.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Hong Kong : anatomie d’une disparition, naissance d'un État policier, Asialyst, ngày 14/07/2022.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

* Elizabeth Sinn, Power and Charity: A Chinese Merchant Elite in Colonial Hong Kong [Quyền lực và Nhân đức: Một nhóm thương gia ưu tú Trung Quốc ở thuộc địa Hồng Kông], HKU Press, Hong Kong, 2003, tr. 23.

** Leo F. Goodstadt, Uneasy Partners: The Conflict Between Public Interest and Private Profit in Hong Kong [Đối tác khó chịu: Xung đột giữa lợi ích công và lợi ích tư ở Hồng Kông], HKU Press, Hong Kong, 2005, tr. 88 (ấn bản epub).

Print Friendly and PDF