30.11.22

Kinh tế bóng đá bước vào một kỷ nguyên mới

KINH TẾ BÓNG ĐÁ BƯỚC VÀO MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Luc ArrondelRichard Duhautois

Tại Doha (Qatar), các tòa nhà đang được trang trí lại theo màu sắc của bóng đá. Giuseppe Cacace/AFP

Ý tưởng cho rằng bóng đá là “chiếc gương” của xã hội thường được đưa ra trong các phòng khánh tiết [của giới thượng lưu] và tỏ ra khá đúng, xét từ quan điểm kinh tế. Branko Milanovic, chuyên gia được công nhận về chủ đề bất bình đẳng và là nhà phân tích tinh tế của quả bóng tròn, đã có nhận xét khá rõ về điều này: “Bóng đá là chiếc gương của xã hội, nơi mà sự bất bình đẳng đã tăng lên theo cấp số nhân trong ba thập kỷ qua”, ông giải thích trong mục bình luận của tạp chí Forbes.

Branko Milanovic (1953-)
Richard Giulianotti

Vào thời điểm World Cup [Giải vô địch bóng đá thế giới] bị phê phán vì các điều kiện tổ chức về mặt xã hội và môi trường, bóng đá thế kỷ XXI cũng không tránh khỏi những cuộc tranh luận lớn hiện nay về kinh tế, đặc biệt là các cuộc tranh luận về vấn đề tăng trưởng kinh tếbất bình đẳng. Theo chúng tôi, tất cả những câu hỏi đó là dấu hiệu của một sự chuyển biến lịch sử và kinh tế của môn thể thao này.

Theo nhà xã hội học người Anh Richard Giulianotti, bóng đá đã trải qua bốn thời kỳ phát triển trong lịch sử. Thời kỳ truyền thống kéo dài từ khi thiết lập các quy tắc của luật chơi vào cuối thế kỷ XIX cho đến Thế Chiến thứ nhất; thời kỳ đầu hiện đại, tương ứng với thời kỳ giữa các hai cuộc thế chiến, khi sáng tạo ra các cuộc thi đấu; thời kỳ muộn hiện đại, chứng kiến sự xuất hiện của chuyên nghiệp hóa, kết thúc vào cuối những năm 1980; trong khi thời kỳ hậu hiện đại bắt đầu, thời kỳ của truyền thông hóa, tự do hóa thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế.

Luận cứ mà chúng tôi bảo vệ trong một công trình mới nhất là, ngày nay, chúng ta đang ở buổi bình minh của một kỷ nguyên mới được gọi là siêu hiện đại.

Các ngôi sao, các tập đoàn, thu nhập và khán giả

Có bốn đặc điểm cho phép chúng tôi định nghĩa tính siêu hiện đại nói trên. Đặc điểm thứ nhất liên quan đến sự bất bình đẳng kinh tế, vốn đã tăng mạnh trong những thập kỷ trước. Người ta quan sát thấy sự bất bình đẳng đó, một mặt, giữa các câu lạc bộ của cùng một giải đấu, và mặt khác giữa nhiều giải vô địch bóng đá khác nhau, và hệ quả là các cuộc thi đấu thể thao, ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế, bị chi phối bởi một số đội bóng giàu hơn các đội bóng khác. Sự bất bình đẳng cũng liên quan đến việc trả lương các cầu thủ bóng đá, với một sự phân khúc ngày càng lớn của thị trường lao động liên quan đến các ngôi sao, thậm chí là các siêu sao.

Người mua câu lạc bộ bóng đá Manchester City năm 2008, Phó Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất kể từ năm 2009, Mansour bin Zayed Al Nahyan đã giao quyền quản lý câu lạc bộ cho doanh nhân Khaldoon Al Mubarak, trong ảnh đang trò chuyện với [tổng thống Pháp] Nicolas Sarkozy trong một trận đấu ở Cúp C1 châu Âu. Frank Fife/AFP

Đặc điểm thứ hai đến từ sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới, cụ thể là các quỹ đầu tư công và tư nhân, thường là các quỹ của người Mỹ, vốn đã là chủ sở hữu của nhiều thương hiệu kinh doanh thể thao đồng đội bên kia bờ Đại Tây Dương. So với thời kỳ trước, sự thay đổi “quyền sở hữu” này có thể dẫn đến ít nhất hai hệ quả: bóng đá, từ nay, sẽ phải có khả năng sinh lãi về mặt tài chính, dù ở cấp câu lạc bộ hay giải đấu; ngoài ra, các dải “thiên hà” câu lạc bộ đã được hình thành xoay quanh cùng một chủ sở hữu. Ví dụ, giới tiểu vương giàu sụ, những người mua lại câu lạc bộ bóng đá Manchester City, đã dần dần đưa mười một câu lạc bộ khác vào “City Football Group [Tập đoàn Bóng đá Thành phố]” của họ kể từ năm 2008, trong đó có New York FC, Palermo và Troyes.

Đặc điểm thứ ba liên quan đến chiến lược toàn cầu hóa của các câu lạc bộ lớn và các giải đấu lớn, đảm bảo mang lại cho họ những nguồn thu thương mại và quyền phát sóng quốc tế ngày càng đáng kể. Cuối cùng, đặc điểm sau chót liên quan đến nhu cầu bóng đá, theo đúng nghĩa. Đó là kết quả của sự xuất hiện các chương trình phát sóng trực tuyến mới như Amazon Prime ở Pháp, sự gia tăng các nền tảng phát sóng và những phương thức mới để xem bóng đá, đặc biệt là ở các thế hệ trẻ.

Piketty trên chấm phạt đền

Thomas Piketty (1971-)

Thế nên, kinh tế bóng đá đã trở thành một lĩnh vực thú vị để ứng dụng lưới phân tích, lấy cảm hứng từ sự thành công trên toàn thế giới của cuốn Le Capital au XXI siècle [Tư bản thế kỉ XXI] của nhà kinh tế học Thomas Piketty, xuất bản lần đầu vào năm 2013. Tác giả đã chỉ ra rằng chủ đề phân phối của cải và bất bình đẳng là chủ đề trung tâm của xã hội ngày nay. Bóng đá có vẻ như cũng không thoát khỏi quy tắc này.

Kể từ những năm 1990, thế giới quả bóng tròn đã trải nghiệm một sự tăng trưởng rất mạnh ở các quốc gia chính tại châu Âu. Ngoài các vụ chuyển nhượng cầu thủ, thu nhập của câu lạc bộ đến từ bốn nguồn chính: bản quyền phát sóng, bán vé, vai trò nhà bảo trợ và các sản phẩm phái sinh từ bóng đá (ví dụ như bán áo thi đấu). Tất cả đều đã tăng lên đáng kể kể từ những năm 1970, nhưng ở nhiều quy mô khác nhau: bán vé, từng chiếm ưu thế cách đây năm mươi năm, đã dần chứng kiến tỷ trọng của nó giảm xuống để nhường chỗ cho bản quyền truyền hình và vai trò bảo trợ ở các câu lạc bộ lớn châu Âu.

Sự bùng nổ kinh tế này đã đi kèm với một sự gia tăng bất bình đẳng giữa các câu lạc bộ, ở cấp độ quốc gia và châu Âu. Như trong xã hội nói chung, sự gia tăng bất bình đẳng này liên quan chủ yếu đến thượng tầng của sự phân phối. Tỷ lệ thu nhập của các câu lạc bộ giàu nhất đã tăng lên về doanh thu trong các giải đấu, điều này đã dẫn đến sự gia tăng mức độ tập trung của các danh hiệu trong thể thao. Ví dụ, ở Giải bóng đá hạng nhất Đức, có chín câu lạc bộ thay nhau giành danh hiệu vô địch ở Giải hạng nhất vào những năm 1960, năm câu lạc bộ vào những năm 1990 và chỉ có hai câu lạc bộ kể từ năm 2010.

Dù doanh thu ngày càng tăng, nhưng kinh tế bóng đá vẫn là một “kinh tế nhỏ”, nhỏ hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ. Trên hết, cho đến gần đây, kinh tế bóng đá đã không tạo ra hoặc tạo ra rất ít lợi tức cho cổ đông các câu lạc bộ. Thực tế là nhiều chủ sở hữu, các nhà tỷ phú hoặc các quỹ đầu tư có chủ quyền, thường mua các đội bóng vì những lý do khác, ngoài khả năng sinh lợi tài chính đơn giản từ các khoản đầu tư của họ: “quyền lực mềm”, xây dựng thương hiệu quốc gia hoặc thậm chí là hoạt động từ thiện, là những từ khóa.

Ngôi sao đáng đồng tiền bát gạo?

Khi gắn bóng đá và bất bình đẳng, người ta nghĩ ngay đến vấn đề lương của cầu thủ. Ý tưởng cầu thủ được trả lương quá cao”, ở cấp độ cá nhân hoặc từ quỹ lương của câu lạc bộ, giao nhau với lĩnh vực chính trị. Cánh hữu đưa ra những chỉ trích về mặt xã hội, cánh tả đặt lại vấn đề về chủ nghĩa tự do vốn đang nuôi dưỡng các câu lạc bộ: trong mọi trường hợp, có một sự đồng thuận nhất định trong việc coi chế độ thù lao của cầu thủ là một trong những nguồn gốc gây ra những tệ nạn được cho là của kinh tế bóng đá ngày nay.

Xin lưu ý rằng chỉ có một phần rất nhỏ cầu thủ kiếm được hàng triệu đô la, trong khi phần lớn cầu thủ đều có sự nghiệp cực kỳ ngắn ngủi, trung bình khoảng bốn năm trong giới cầu thủ tài năng. Vả lại, có ít hơn một trong ba vụ chuyển nhượng cầu thủ là đối tượng của một giao dịch tiền tệ trong năm giải đấu lớn (Anh, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp) và khoảng một trên bảy vụ chuyển nhượng cầu thủ trên toàn thế giới.

Thực tế là vẫn tồn tại sự bất bình đẳng mạnh giữa các cầu thủ, và sự bất bình đẳng này cũng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc giảm lương cho các siêu sao bóng đá lại vấp phải một sự bế tắc về “đạo đức”. Các cầu thủ này có một tài năng vượt trội, cao hơn nhiều so với mặt bằng tài năng chung, nên cái giá mà các câu lạc bộ phải bỏ ra là rất cao: các đội bóng lớn sẵn sàng trả một cái giá rất cao cho “thiên tài” của các cầu thủ ngoại hạng này, tài năng độc nhất khó “thay thế”, so với tài năng của nhiều cầu thủ chơi ở mức “trung bình”.

Bằng cách gia hạn hợp đồng tại câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain đến năm 2025, Kylian Mbappé đã tự cấp cho mình mức lương khoảng 100 triệu euro mỗi năm. Frank Fife/AFP

John Rawls (1921-2002)

Ngoài ra, để được xem các cầu thủ ngoại hạng này thi đấu, người hâm mộ phải trả tiền để đến sân vận động, ngay cả khi điều đó có thể làm tổn hại đến cơ hội giành chiến thắng của đội bóng yêu thích của mình. Từ quan điểm này, nếu áp dụng các nguyên lý triết học của John Rawls, thì các cầu thủ siêu sao bóng đá “xứng đáng” với mức thù lao của họ: việc thể hiện tài năng của họ góp phần mang lại hạnh phúc cho “cộng đồng”, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Daniel Cohen, chủ nhiệm khoa kinh tế của đại học École Normale Supérieure (ENS) trên phố d’Ulm, trong một chuyên mục viết cho tờ Le Nouvel Obs, đã nói về điều trên như sau:

Bóng đá là trường hợp duy nhất mà những người trẻ tuổi, thường xuất thân từ các tầng lớp lao động, moi tiền các nhà tỷ phú với sự đồng thuận của những người này.

Như việc Kylian Mbappé gia hạn hợp đồng tại câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain làm người ta nghĩ rằng xu hướng tăng mức thù lao rất cao, có khả năng làm thay đổi sự vận hành của thị trường lao động của giới cầu thủ bóng đá. Có lẽ chúng ta đã chuyển từ một hệ thống hai phân khúc, các cầu thủ siêu sao và các cầu thủ khác, sang một hệ thống ba phân khúc: một vài cầu thủ siêu siêu sao, nhiều cầu thủ siêu sao và các cầu thủ khác.

Những khán đài trống vắng người xem

Liệu nhận xét về bất bình đẳng này có bảo vệ ý tưởng về một nền bóng đá đang khủng hoảng, trong bối cảnh hậu đại dịch? Trái ngược với tất cả những gì mà các tượng gỗ tiên tri đã công bố, những gì mà coronavirus đã làm thay đổi trong bóng đá, ngoài những khó khăn tài chính mà toàn bộ nền kinh tế phải gánh chịu, chẳng là gì hoặc là không nhiều, và chúng ta chắc chắn không thấy ngày tận thế!

Florentino Perez, chủ tịch câu lạc bộ bóng đá Real Madrid, không nản lòng khi cho ra đời dự án [giải đấu] Super League của ông. Frank Fife/AFP

“Khủng hoảng” dễ thấy nhất là cuộc khủng hoảng của các cổ động viên khi đóng cửa các sân bóng kể từ tháng 3 năm 2020 và suốt cả mùa giải 2020-2021. Ngoài các khía cạnh tài chính, sự vắng mặt của công chúng được cảm nhận ở hai cấp độ. Về mặt thể thao, nếu không có “cầu thủ thứ mười hai” này, người ta có thể tự hỏi liệu việc thi đấu trên sân nhà có mất đi lợi thế so với thường lệ hay không. Tận dụng “thử nghiệm tự nhiên” này, các nhà kinh tế đã đi đến những kết luận khôn khéo về những gì liên quan đến kết quả các trận đấu, chứ không phải về trọng tài. Những người mặc đồ đen [ý nói đến các trọng tài – ND] đã tỏ ra khoan dung hơn đối với đội khách đến thi đấu tại các sân vận động không có khán giả, cho thấy khá rõ vai trò của “áp lực xã hội” từ các cổ động viên.

Trên hết, điều đó khiến cho các chương trình truyền hình trực tiếp không có mùi vị của một bầu không khí hội hè. Bài học rút ra từ điều này là chiều kích “biểu diễn” mà các cổ động viên không xa lạ gì, vì thế phải được tính đến khi đo lường tầm quan trọng của bản quyền truyền hình trong ngân sách của các câu lạc bộ. Maradona đã từng nói “Thi đấu tại một sân vận động không có khán giả, giống như chơi bóng trong nghĩa địa”.

Luc Arrondel
Richard Duhautois

Gần đây, các cổ động viên cũng đã thất vọng trước đề xuất của một số chủ tịch các câu lạc bộ lớn về sự “ly khai” [tách khỏi các giải đấu châu Âu – ND], thông qua dự án (bị thất bại từ trong trứng nước) của một giải Super League ít nhiều mang tính khép kín. Theo ý kiến của chúng tôi, việc bàn luận trở lại và khởi động lại dự án này, trong những tuần gần đây, về một giải vô địch châu Âu cho thấy sự cần thiết về mặt kinh tế để cải cách các cuộc thi đấu, một sự tiến hóa mà chắc chắn là một trong những thách thức chính hiện nay của bóng đá chuyên nghiệp. Việc thành lập giải Super League, kết quả từ tất cả các yếu tố đặc trưng cho tính siêu hiện đại của bóng đá, khi đó sẽ tạo thành một “sự tôn sùng tột bực”.

Các tác giả:

Luc Arrondel, Nhà kinh tế học, giám đốc nghiên cứu tại CNRS, thành viên liên kết, Trường Kinh tế Paris – Đại học Kinh tế Paris

Richard Duhautois, Nhạc viện và Thủ công mỹ nghệ Quốc gia (CNAM)

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: L’économie du football entre dans une nouvelle ère, The Conversation, ngày 17/11/2022.

Print Friendly and PDF