4.11.22

Tăng trưởng kinh tế ở châu Á: Trung Quốc không còn là đầu tàu, Đông Nam Á và Ấn Độ tiếp nối vai trò đó

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ Ở CHÂU Á: TRUNG QUỐC KHÔNG CÒN LÀ ĐẦU TÀU, ĐÔNG NAM Á VÀ ẤN ĐỘ TIẾP NỐI VAI TRÒ ĐÓ

Hubert Testard

Một nữ công nhân Trung Quốc tại một xưởng dệt ở Hình Đài thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, gần Bắc Kinh. (Nguồn: Asia Times)

IMF và Ngân hàng Thế giới vừa công bố các dự báo kinh tế cho năm nay và năm sau. Ở châu Á, bức tranh được các định chế quốc tế vẽ ra là chưa từng có tiền lệ trong bốn mươi năm qua. Trung Quốc không còn là đầu tàu của nền kinh tế châu Á, Đông Nam Á và Ấn Độ đang tiếp nối vai trò đó một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự suy giảm kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng năng lượng đều có cái giá của chúng. Một số quốc gia ở ngoại vi lục địa châu Á đã không chống đỡ nổi và đang chìm trong khủng hoảng. Để đánh giá bức tranh mới này phải chăng chỉ mang tính tình thế, thì cần phải biết Tập Cận Bình suy nghĩ điều gì trong đầu, và liệu Trung Quốc có khả năng quay trở lại chủ nghĩa thực dụng hay không.

Lời phán của IMF và Ngân hàng Thế giới trong các ước tính của tháng 10 năm 2022 mang tính dứt khoát đối với Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 sẽ không vượt quá 3,2% hoặc 2,8% theo các dự báo tương ứng của hai định chế trên. Các số liệu của quý III vừa được công bố không đặt lại vấn đề về kịch bản này: các con số xác nhận mức tăng trưởng kinh tế ở mức 3% trong 9 tháng đầu năm. Đây là con số gần bằng với mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này có nghĩa là Trung Quốc không còn ở trong giai đoạn bắt kịp tăng trưởng trong năm 2022, một tình thế mà đế chế trung tâm chưa hề trải nghiệm kể từ năm 1976, dưới thời chủ tịch Mao Trạch Đông. Hai định chế trên dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho năm 2023 vẫn ở mức kém, khoảng 4,5%. Cùng lúc đó, Đông Nam Á và Ấn Độ đang thể hiện khả năng chịu đựng các cú sốc khi đối mặt với sự suy giảm kinh tế toàn cầu.

TRONG DÀI HẠN NỀN KINH TẾ TRUNG QUỐC VẪN TĂNG TRƯỞNG CHẬM

Mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Trung Quốc từ nay được IMF đánh giá là 4,5% cho đến năm 2027, thấp hơn nửa điểm % so với các ước tính trước đây. Đây không phải là điểm kết thúc của giai đoạn lấy lại nhịp tăng trưởng trước đây, nhưng còn không mấy xa để đạt đến thời điểm đó. Những lý do chính của sự bi quan này nằm ở vấn đề nội bộ. Trung Quốc đã tự bắn vào chân mình hai lần, khi thực hiện chính sách zero Covid-19 không khoan nhượng, khiến họ phải trả một cái giá rất đắt về mặt kinh tế – hiện tại có thể là từ một đến hai điểm % GDP –, và khi thắt chặt một cách thô bạo các điều kiện tài trợ cho lãnh vực kinh doanh bất động sản kể từ năm 2020. Một số công ty kinh doanh địa ốc đã không thể chống lại điều này và niềm tin của các hộ gia đình, từ nay, đã bị tổn hại một cách dài lâu: tất cả các chỉ số tham chiếu trong ngành đều tiếp tục xấu đi.

Chính phủ [Trung Quốc] có thể đảo ngược hai chính sách trên, dễ hơn đối với đại dịch, nhưng khó hơn đối với ngành bất động sản, vì sẽ mất nhiều thời gian để lấy lại niềm tin. Nhưng Tập Cận Bình không muốn điều đó, và quyền lực của ông trên đất nước hiện đang mạnh hơn bao giờ hết sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XX. Ông đã khẳng định rất rõ là, về mặt y tế, phải duy trì chính sách zero Covid không khoan nhượng, một chính sách được ông đánh giá là vẫn còn thích hợp. Ông cũng đã cho thấy điều tương tự đối với chính sách bất động sản, với ý tưởng phải tiêu trừ hiện tượng bong bóng trong lĩnh vực này (người ta còn nhớ công thức “căn hộ được xây dựng để ở, chứ không phải để đầu cơ”). Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này đều chủ yếu đến từ các chính quyền cấp tỉnh, và không có chuyện Bắc Kinh phải cứu trợ những công ty địa ốc gặp khó khăn. Vì thế, cuộc khủng hoảng bất động sản này sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nhiều năm.

Ngoài các vấn đề ngắn hạn, các đám mây đen khác đang tích tụ lại trong dài hạn. Sự suy giảm dân số đang gia tăng, sự cạnh tranh về công nghệ với phương Tây sẽ trở nên đắt đỏ hơn, và sự ưu tiên tuyệt đối dành cho khu vực công chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến năng suất (chênh lệch về năng suất giữa khu vực công và tư đã gia tăng rõ rệt ở Trung Quốc trong những năm gần đây). Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế không còn là ưu tiên duy nhất nữa: từ nay ưu tiên hàng đầu là vấn đề an ninh quốc gia và cuộc đấu tranh giành vị thế lãnh đạo thế giới.

ĐÔNG NAM Á TRONG TÌNH TRẠNG ỔN THỎA

Các quốc gia chính của Đông Nam Á đang ở trong giai đoạn bắt kịp tăng trưởng nhanh vào đầu năm nay, sau một năm 2021 đầy khó khăn được đánh dấu bởi sự bùng nổ đại dịch. Là những nước có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin tốt hơn, đặt cược vào việc dỡ bỏ các hạn chế về chăm sóc y tế, họ đã biết tận dụng lợi thế cầu thế giới không suy giảm trong quý I, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng nội địa và thu lợi từ sự trở lại một phần của du lịch quốc tế. Các nước xuất khẩu năng lượng ròng – đặc biệt là Indonesia và Malaysia – đã tận dụng tối đa tình trạng tăng giá năng lượng.

Cuộc chiến ở Ukraine và sự suy giảm của kinh tế thế giới, kể từ quý II đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của tiểu lục địa này vào khoảng trung bình một điểm % GDP, nhưng điều này không ngăn họ có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm phù hợp với nhịp độ tăng trưởng trong những năm trước. Theo Ngân hàng Thế giới, ba quốc gia hàng đầu có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2022 là Việt Nam (7,2%), Philippines (6,5%) và Malaysia (6,4%). Tiếp theo là Indonesia, với mức tăng trưởng 5,1%, đạt được điểm số phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế tiềm năng. Ngay cả tăng trưởng kinh tế của Thái Lan cũng đang khởi sắc lại (3,1%) nhờ sự xuất hiện trở lại, một cách khiêm tốn, của ngành du lịch quốc tế, ở mức 40% so với mức trước đại dịch. Các dự báo cho năm 2023 vẫn gần như tương đương với các dự báo cho năm 2022.

Hiệu ứng bắt kịp tăng trưởng tiếp tục diễn ra trong động thái của năm 2022. Ngân hàng Thế giới nhắc lại rằng nền kinh tế Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch vào năm 2020 và 2021. Indonesia và Malaysia đã đạt được mức GDP của thời kỳ trước khủng hoảng, vào cuối năm 2021. Điều này đang diễn ra trong năm nay ở Philippines, Thái Lan và Campuchia. Chỉ có Việt Nam là đạt mức tăng trưởng kinh tế yếu trong năm 2020 và 2021, trước khi quay trở lại nhịp độ tăng trưởng kinh tế lịch sử trong năm nay.

Trong số những tin tốt khác vào lúc này là tỷ lệ lạm phát, vẫn thấp hơn những gì mà phương Tây đang trải nghiệm. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức dưới ngưỡng 5% ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam, và vẫn thấp hơn mức ở khu vực đồng Euro đối với Thái Lan và Philippines. Kết quả đó một phần (giống như ở Pháp) là do tầm quan trọng của các khoản trợ cấp đối với các ngành tiêu dùng lương thực và năng lượng.

Các lĩnh vực bấp bênh khác chắc chắn liên quan đến lĩnh vực tài chính, với sự tăng giá đồng đô la và lãi suất của Mỹ, gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và các chính sách tiền tệ quốc gia. Nhưng nghịch lý là chính đồng tiền của các nước phát triển ở châu Á (đồng yên Nhật, won Hàn Quốc và đô la Đài Loan) mới chịu cú sốc lớn nhất, do mức chênh lệch ngày càng lớn giữa lãi suất chủ đạo của ngân hàng trung ương các nước đó với lãi suất chủ đạo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tỷ lệ mất giá tiền tệ so với đồng đô la đang ở mức dưới 10% ở hầu hết các nước ASEAN, thâm hụt cán cân thanh toán hiện hành là vừa phải, các nguồn dự trữ ngoại hối vẫn ở mức an toàn, và không ai nghĩ đến sự tái diễn của một cuộc khủng hoảng tài chính, giống như cuộc khủng hoảng tài chính vốn đã tàn phá Đông Nam Á vào năm 1997 và năm 1998.

SỨC BỀN CỦA ẤN ĐỘ

Bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch vào năm 2020, với GDP giảm 7,6%, nền kinh tế Ấn Độ đang trải nghiệm một sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 (+ 8,7%), và các dự báo vào đầu năm nay cũng hoàn toàn thuận lợi. Cú sốc cuộc chiến ở Ukraine đã trở nên nghiêm trọng đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng, và dự báo tăng trưởng kinh tế [Ấn Độ] của IMF trong báo cáo vào tháng 10 năm 2022 đã giảm xuống còn 6,8%. Bất chấp cú sốc hai điểm % này, mức tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vẫn năng động, và lần đầu tiên, ở mức gấp đôi so với mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, trong lịch sử kinh tế năm mươi năm qua. Ấn Độ đã phải hứng chịu các dòng vốn chảy ra vừa phải, đồng rupee Ấn Độ giảm 12% trong ba quý đầu năm, tức ít hơn một nửa so với đồng yên Nhật, nhưng với cái giá là nguồn dự trữ ngoại hối của nước này giảm đáng kể. Áp lực lạm phát ở Ấn Độ cao hơn ở Đông Nam Á (chỉ số giá tiêu dùng tăng 7%) và ảnh hưởng đặc biệt đến ngành lương thực thực phẩm, gây bất lợi cho các tầng lớp dân cư nghèo nhất.

Các dự báo cho năm 2023 vẫn khá lạc quan đối với Ấn Độ, với mức tăng trưởng vào khoảng từ 6 đến 7%. Chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” đạt được một số tiến bộ, với việc một số đầu tư, vốn ban đầu dành cho Trung Quốc, nay đang chuyển hướng đến Ấn Độ, được biểu trưng bởi quyết định gần đây của Foxconn về việc lắp ráp iPhone 14 ở Chennai. Sự đảo ngược của động thái kinh tế Ấn Độ-Trung Quốc, được chờ đợi trong vô vọng từ khá lâu, cuối cùng có vẻ như đã thành hình.

MỘT SỐ QUỐC GIA TRONG KHỦNG HOẢNG

Ngoại trừ Trung Quốc, động thái phát triển đáng khích lệ của châu Á vẫn để qua bên lề khoảng nửa tá quốc gia đang trong khủng hoảng. Đó là Sri Lanka và Pakistan ở Nam Á, Miến Điện và Lào ở Đông Nam Á, Mông Cổ ở Đông Á, Kazakhstan ở Trung Á. Tất cả các quốc gia này đều đang trải qua một thời kỳ lạm phát trên 15% vào năm 2022 (lên đến 60% ở Sri Lanka), tỷ giá hối đoái tăng nhanh so với đồng đô la (36% đối với đồng rupee Pakistan), và một chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh để đối phó, các tình thế suy thoái sâu, như trường hợp ở Sri Lanka (-8,7% vào năm 2022), hoặc tăng trưởng kinh tế rất yếu.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng này: quản lý yếu kém và hỗn loạn chính trị ở Sri Lanka, lũ lụt lớn ở Pakistan, nội chiến ở Miến Điện, cú sốc kép từ cuộc chiến ở Ukraine và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc cho Mông Cổ, khủng hoảng nợ và cú sốc lạm phát ở Lào, căng thẳng chính trị và hậu quả gián tiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế Nga ở Kazakhstan. Các quốc gia trong khủng hoảng này minh họa cho sự cân bằng bấp bênh dựa trên động thái tăng trưởng kinh tế của châu Á trong một bối cảnh toàn cầu đang xấu đi nghiêm trọng.

Nhìn chung, toàn cảnh kinh tế năm 2022 của các nước đang phát triển ở châu Á là chưa từng có tiền lệ. Việc Trung Quốc đánh mất vai trò đầu tàu không phá vỡ đà vươn lên của khu vực, và động thái nội tại của các dòng chảy giao thương đang trong quá trình tái định hình, vì những nguyên nhân vừa mang tính kinh tế lẫn địa chính trị. Sẽ cần phải đợi một vài năm nữa để có thể đánh giá tốt hơn khía cạnh mang tính tình thế và cấu trúc trong những biến đổi này.

Thông tin về tác giả

Hubert Testard

Hubert Testard

Hubert Testard là chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm tại các đại sứ quán Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã tham gia vào việc phát triển các chính sách của Châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù là trong WTO hay các cuộc đàm phán với các nước Châu Á. Từ bốn năm nay, Hubert Testard là giảng viên, tại trường Cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc Học viện chính trị [Sciences Po], về phân tích tương lai học của châu Á. Ông đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Pandémie, le basculement du monde [Đại dịch, sự chuyển hướng của thế giới]”, do nhà xuất bản Editions de l’Aube phát hành vào tháng 3 năm 2021. 

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Croissance en Asie : la Chine n’est plus le moteur, l’Asie du Sud-Est et l’Inde prennent le relais, Asialyst, ngày 29/10/2022.

Print Friendly and PDF