2.11.22

Vài suy nghĩ về một di sản

VÀI SUY NGHĨ VỀ MỘT DI SẢN

Gregor Johann Mendel, 'cha đẻ của di truyền học hiện đại', ra đời cách đây 200 năm, vào ngày 20 tháng 7 năm 1822. Để kỷ niệm cột mốc quan trọng này, trong ấn bản tháng 7, chúng tôi suy ngẫm về di sản của ông và trách nhiệm của lĩnh vực này xung quanh tiềm năng sử dụng và lạm dụng di truyền học và nghiên cứu bộ gien.

Tháng 7 năm 2022 tới đây là đã qua hai thế kỷ tính từ ngày sinh của Gregor Mendel. Để kỷ niệm cột mốc quan trọng này, hai bài viết trong mục Bình luận [1],[2] và Quan điểm[3] trong số tháng 7 của tạp chí Nature Reviews Genetics sẽ suy ngẫm về công trình của Mendel và một di sản khoa học đã định hình lĩnh vực của chúng ta.

Chân dung Gregor Johann Mendel.
(Do Tu viện Brno Cũ của Dòng Thánh Augustine cung cấp)

Ngoài việc được biết đến như là cha đẻ của di truyền học hiện đại, Mendel thường được coi như một hình mẫu của nhà đổi mới khoa học mà ít ai biết đến vì những ý tưởng của ông không được chấp nhận hoặc công nhận rộng rãi mãi cho đến đầu thế kỷ 20, khoảng 30 năm sau khi công trình của ông trên cây đậu Hà Lan được công bố. Việc khám phá lại các quy luật di truyền của Mendel vào đầu những năm 1900 trùng hợp với sự trỗi dậy của phong trào ưu sinh, phong trào này chiếm lĩnh di truyền học Mendel làm nền tảng khoa học mới, áp dụng sai các sơ đồ trội/lặn để giải thích những đặc điểm, hành vi và năng lực phức tạp của con người. Thuyết ưu sinh sẽ còn tiếp tục hỗ trợ sự phát triển vô số chương trình nghị sự về xã hội và chính trị, bao gồm luật triệt sản và nhập cư của Hoa Kỳ và các chính sách của Đức Quốc xã. Ví dụ, những người theo chủ nghĩa ưu sinh đã ủng hộ và thúc đẩy Đạo luật Nhập cư Johnson – Reed năm 1924, hạn chế đáng kể sự nhập cư vào Hoa Kỳ từ những quốc gia châu Âu đối với những người dân bị coi là người da màu[4].

Không chỉ là tàn tích của quá khứ, những chuyện hoang đường của thuyết ưu sinh và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khoa học, theo đó các phương pháp và tính hợp pháp của khoa học bị sử dụng sai để biện hộ cho tính ưu việt của người da trắng và sự kém cỏi của người da màu, vẫn lồ lộ cho đến ngày nay. Vào tháng 5 năm 2022, một người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng đã sát hại 10 người ở Buffalo, New York, trong một vụ phạm tội vì căm thù được mưu tính từ trước nhằm vào một khu dân cư chủ yếu là người da đen. Một bản tuyên ngôn do nghi phạm viết có chủ đích và đăng tải đề cập đến thuyết âm mưu thay thế người da trắng [white replacement conspiracy theory] chống người da đen, chống người Do Thái, có liên quan đến một số vụ giết người hàng loạt và các vụ tấn công khủng bố tàn bạo khác của người da trắng trong thập kỷ qua, bao gồm cả ở Mỹ, châu Âu và New Zealand. Tuyên ngôn của hắn được cho là đã xuyên tạc một cách rõ ràng hàng loạt bài báo khoa học để làm bằng chứng cho quyền tối cao về di truyền của người da trắng[5].

Như đại dịch COVID-19 đã thể hiện, sự hiểu sai và thông tin sai lệch về khoa học có thể gây ra tác hại cực kỳ lớn. Trong khi các nhà khoa học cần có nhận thức sâu sắc hơn về cách một số phát hiện của họ có thể bị bóp méo, họ nên được tự do theo đuổi nghiên cứu mà không sợ bị đàn áp hoặc kiểm duyệt. Khoa học, và đặc biệt là nghiên cứu về di truyền học của con người, không phải là đồng minh của các quan điểm phát xít và phân biệt chủng tộc. Chủng tộc là một kiến tạo của xã hội, chứ không phải một kiến tạo dựa trên sự di truyền. Tuy nhiên, ngay cả khoa học cơ bản nhất cũng có thể bị hiểu sai bởi những người có chương trình nghị sự về xã hội hoặc chính trị. Việc chiếm đoạt các khái niệm di truyền hoặc việc bóp méo chúng để thúc đẩy các hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc không phải là điều mới mẻ, và là một trong nhiều yếu tố làm cơ sở cho sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Các nhà nghiên cứu có trách nhiệm suy ngẫm về những tác động đạo đức và những hậu quả tiềm ẩn trong công việc của họ và xem xét cách họ trình bày nó với cộng đồng khoa học và công chúng. Nhưng ngoài quyết định của Hội đồng đánh giá đạo đức trực thuộc các định chế [Institutional Review Boards], những người xem xét và giám sát nghiên cứu y sinh liên quan đến cá nhân con người, ai là người xác định lợi ích tiềm năng và tác hại tiềm tàng? Ai có thể lường trước được tất cả các trường hợp sử dụng (và lạm dụng) nghiên cứu của họ trong tương lai? Điều gì sẽ xảy ra nếu những đánh giá ban đầu hóa ra là sai lầm? Liệu Mendel có thể đoán trước được những khái niệm được mô tả trong bài báo của mình sẽ tiếp tục thúc đẩy các hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc như thế nào không? Ông có nên tránh xuất bản tác phẩm của mình nếu biết là có?

Các nhà di truyền học có trách nhiệm đặc biệt tham gia vào lĩnh vực này và cộng đồng

Các nỗ lực có phối hợp cần được thực hiện để dự đoán và giải quyết các tác động đạo đức, luật pháp và xã hội, làm việc với các nhà đạo đức sinh học và các cộng đồng ít được đại diện, nếu có thể, để ngăn chặn các trình bày sai lệch có thể dự đoán được. Các biên tập viên cũng có vai trò tránh tác hại trong nghiên cứu, đó là lý do tại sao Springer Nature đang phát triển các nguyên tắc hướng dẫn về việc cân nhắc rủi ro và lợi ích để làm nền tảng cho quy trình biên tập tất cả các hình thức truyền thông học thuật trong các ấn phẩm của chúng tôi. Với lịch sử sử dụng sai các khái niệm di truyền trong hai thế kỷ qua, việc sử dụng các phạm trù chủng tộc và dân tộc cụ thể là trong nghiên cứu di truyền đòi hỏi phải được xem xét cẩn thận. 

Các nhà di truyền học có trách nhiệm đặc biệt trong việc cam kết với lĩnh vực và cộng đồng để xây dựng kiến ​​thức về di truyền, giải quyết những quan niệm sai lầm về chủng tộc, dân tộc và tổ tiên, để đảm bảo việc sử dụng có trách nhiệm thông tin di truyền và hệ gien ở hiện tại và trong tương lai.

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Thoughts on a legacy, Nature, June 7, 2022.


Tài liệu tham khảo

[1] Zschocke, J., Byers, P. H. & Wilkie, A. O. M. Gregor Mendel and the concepts of dominance and recessiveness. Nat. Rev. Genet. https://doi.org/10.1038/s41576-022-00495-4 (2022). Article PubMed Google Scholar

[2] Makani, J. et al. From Mendel to a Mendelian disorder: towards a cure for sickle cell disease. Nat. Rev. Genet. https://doi.org/10.1038/s41576-022-00498-1 (2022). Article PubMed Google Scholar

[3] Nasmyth, K. The magic and meaning of Mendel’s miracle. Nat. Rev. Genet. https://doi.org/10.1038/s41576-022-00497-2 (2022). Article PubMed Google Scholar

[4] National Human Genome Research Institute. Eugenics: Its Origin and Development (1883-Present)https://www.genome.gov/about-genomics/educational-resources/timelines/eugenics (2022).

[5] Stanley, J. Buffalo shooting: how white replacement theory keeps inspiring mass murderhttps://www.theguardian.com/commentisfree/2022/may/15/buffalo-shooting-white-replacement-theory-inspires-mass (2022).

Print Friendly and PDF