COP 28: MỘT THỎA THUẬN LỊCH SỬ TUY VẪN KHÔNG ĐỦ
Chủ tịch UAE tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc đã thông qua chương trình khử cacbon toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử của COP.
Valéry Laramée de Tannenberg[*]
Sultan Al-Jaber vừa đạt được thành công lớn về mặt ngoại giao. Sau hai tuần đàm phán khó khăn, chủ tịch COP 28 và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đạt được sự hợp thức hóa chương trình khử cacbon cho nền kinh tế toàn cầu của gần 200 chính phủ.
Thứ Tư tuần này, ngày 13 tháng 12, khi kết thúc phiên họp toàn thể tương đối nhanh của COP, tất cả các đại biểu quốc gia đã thông qua dự thảo quyết định mới nhất liên quan đến “Bản Tổng Kết toàn cầu” (Global Stocktake/GST) do chủ tịch UAE trình bày. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, cả phòng đã đứng dậy hoan nghênh chủ tịch COP, người thường xuyên bị chỉ trích kể từ khi được bổ nhiệm vào đầu năm.
Làm thế nào diễn giải văn bản đôi khi khó hiểu này? Về mặt chính thức, đây là phản ứng mà các quốc gia tham gia Công ước Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và ký kết Thỏa thuận Paris 2015 gửi tới cộng đồng quốc tế trước bản tổng kết của chính sách khí hậu của họ do Liên hợp quốc công bố vào mùa thu năm ngoái.
Một cách không chính thức, nó không khác gì một chương trình toàn cầu nhằm khử cacbon trong nền kinh tế toàn cầu, nói cách khác là đường lối thoát khỏi (rất) tuần tự nhiên liệu hóa thạch.
Dài khoảng hai mươi trang, văn bản sẽ để lại ấn tượng - thậm chí cả không khí - với chương dành riêng cho năng lượng, lĩnh vực ở cội nguồn của 2/3 lượng khí thải carbon dioxide do con người tạo ra.
Do chủ tịch UAE soạn thảo, văn bản này lấy lại các mục tiêu được Cơ quan Năng lượng Quốc tế đề xuất từ nhiều tháng nay: đến năm 2030, tăng gấp ba lần năng lực sản xuất năng lượng tái tạo trên toàn cầu, tính chung tất cả các nguồn, và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, nói cách khác là lượng năng lượng được sử dụng để sản xuất một hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định, từ 2% hàng năm đến 4% tổng thể.
Mọi người đều hiểu rằng một chương trình như vậy là không thể tưởng tượng được nếu mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch vẫn ổn định. Thông điệp được Sultan Al-Jaber tiếp nhận một cách nghiêm túc.
Cam kết của các công ty dầu khí
Văn bản của ông đề xuất bắt đầu đóng cửa các nhà máy điện công nghiệp đốt than và nồi hơi không được trang bị hệ thống thu giữ và lưu trữ carbon dioxide (CCS). Một mục tiêu cực kỳ tham vọng. Than sản xuất gần 40% điện năng thế giới nhưng hầu như không có nhà máy điện nào được trang bị CCS.
Một đoạn khác kêu gọi đẩy nhanh quá trình khử cacbon trong toàn bộ hệ thống năng lượng để chúng đạt được trạng thái trung hòa cacbon vào khoảng năm 2050.
Những dòng này là chủ yếu. Chúng báo trước sự loại bỏ dần nhưng không thể tránh được cuả than, dầu và khí đốt. Hẳn là văn bản có nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia sẽ có thể khử cacbon theo tốc độ riêng, theo các điều khoản riêng và sử dụng các giải pháp của riêng mình. Nhưng đây là lần đầu tiên một nghị quyết COP đi xa đến vậy.
Văn bản báo trước sự loại bỏ dần nhưng không thể tránh được cuả than, dầu và khí đốt. Đây là lần đầu tiên một nghị quyết COP đi xa đến vậy |
Johan Rockström (1965-) |
Điều đó không có nghĩa là văn bản này đã đi đủ xa.
Johan Rockström, giám đốc viện nghiên cứu Potsdam về tác động của khí hậu, nhắc lại: “Để có cơ hội đạt được mục tiêu ổn định sự nóng lên ở mức +1,5°C, chúng ta rõ ràng phải tránh xa nhiên liệu hóa thạch với tốc độ được chỉ định bởi khoa học. Điều đó có nghĩa là sẽ cần nhiều hơn một lời hứa đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 để đạt được mục tiêu ấy”.
Các văn bản của COP đều dựa trên sự đồng thuận, mỗi nước cần giành được một ít thắng lợi. Và trong trò chơi này, phương Tây nói chung và người Pháp nói riêng tương đối thành công.
Quyết định đề xuất một danh sách nhỏ các công nghệ phù hợp để khử cacbon trong ngành điện: năng lượng tái tạo, hạt nhân (chính phủ Elisabeth Borne đã làm việc rất nhiều trong lĩnh vực này), thu hồi carbon và lưu trữ địa chất, hydro “carbon thấp”. Không biết về biện pháp sau, đó là hydro xanh (được sản xuất bằng năng lượng tái tạo) hay xanh lam (từ quá trình tinh chế dầu mỏ từ mê-tan, thu giữ CO2).
Cũng là lần đầu tiên: COP 28 là cơ hội để khoảng 50 công ty dầu khí đưa ra các cam kết về khí hậu. Một cách nhất quán, quyết định này yêu cầu các nhà sản xuất này đẩy nhanh việc giảm phát thải các khí gây hiệu ứng nhà kính khác hơn khí carbon và đặc biệt là khí mê-tan.
Điều này cũng nhằm vào các nhà hóa học, mà chất lỏng làm lạnh rất giàu HFC và SF6 khác, những loại khí nhà kính có sức nóng lên có thể lớn hơn hàng nghìn lần so với carbon dioxide.
Bằng cách kêu gọi các quốc gia điện khí hóa đội xe của họ càng nhanh càng tốt, văn bản do chủ tịch UAE đưa ra đã thực sự thông báo về việc khử cacbon trong giao thông đường bộ. Và do đó, sự giảm thiểu mức tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ được các nước sản xuất dầu thô xác nhận.
Sự nhiệt tình tương đối
Là một yêu sách lâu nay của các tổ chức phi chính phủ về môi trường, các trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch cũng không bị lãng quên. Phán quyết kêu gọi loại bỏ những trợ cấp không hiệu quả. Một công thức được các nước G7 và G20 chấp nhận từ vài năm nay. Vấn đề là phải xem trợ cấp không hiệu quả là gì... Trong mọi trường hợp, đó sẽ không phải là những trợ cấp hỗ trợ sức mua của những người bình dân yếu thế nhất, cũng không phải là những trợ cấp dành riêng cho quá trình chuyển đổi công bằng.
Công thức này có thể sẽ làm hài lòng các quốc gia sản xuất dầu vốn chi hàng trăm tỷ đô la mỗi năm (ví dụ như Iran) để duy trì nhiên liệu và nhiên liệu hóa thạch ở mức giá thấp nhất.
Nhằm vào nhiều quốc gia châu Phi (như Sénégal, Mauritania, Uganda, Gabon hoặc Congo) mong muốn phát triển dựa trên việc khai thác dầu thô hoặc khí đốt tự nhiên, văn bản này công nhận quyền của các nước này sử dụng năng lượng hoá thạch trong giai đoạn “quá độ”. Hơn nữa, người ta hiểu rằng những nguồn năng lượng này có thể tham gia vào… quá trình chuyển đổi khí hậu.
Một Bộ trưởng Bộ Năng lượng Châu Phi tóm tắt: “Để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, tôi cần có 7 tỷ đô la mỗi năm và doanh số bán dầu mang lại cho tôi 40 tỷ đô la mỗi năm”.
Nội dung của bản tổng kết toàn cầu muốn đạt được sự nhất quán với các quyết định khác mà, tại thời điểm viết bài này, vẫn chưa là hiện thực. Đầu tiên liên quan đến Mục tiêu Thích ứng Toàn cầu (GGA).
Về phần mình, các nước phương Tây đang được yêu cầu tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất |
Trên thực tế, văn bản được biểu quyết vào thứ Tư tuần này kêu gọi các Quốc gia xây dựng các kế hoạch thích ứng quốc gia từ nay đến năm 2030, khi chỉ có 25% các bên đã soạn thảo một kế hoạch. Ưu tiên của chúng có thể là đảm bảo nguồn cung cấp nước, nền sản xuất nông nghiệp và sự tích hợp các tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu vào các chính sách y tế.
Về phần mình, các nước phương Tây đang được yêu cầu tăng cường hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Số tiền đóng góp cần thiết được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính là từ 200 đến 400 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030. Sau đó, sẽ còn tốn kém hơn nữa.
Nếu tất cả đại diện của các quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ văn bản này thì không phải tất cả đều làm như vậy với sự nhiệt tình như nhau.
“COP này sẽ được coi là một trong những cuộc họp mang tính lịch sử nhất. Chúng ta đã thành lập một quỹ tổn thất và thiệt hại, tái cấp vốn cho Quỹ Khí hậu Xanh và điều phối một hệ thống tài chính khí hậu quốc tế nhằm chuẩn bị các khoản thuế mới cùng với các ngân hàng phát triển và dòng vốn mới của khu vực tư nhân. Hôm nay, chúng ta cam kết tăng gấp ba lần khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo và đảm bảo sự chuyển đổi công bằng từ nhiên liệu hóa thạch. Một số nhà hoạt động thất vọng vì chúng ta không cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu không có thương mại, đầu tư và tài chính cần thiết để đạt được điều này, nó sẽ tác động nặng nề hơn đến các nước đang phát triển”, Avinash Persaud, một trong những nhà đàm phán của Barbados, giải thích.
“Văn bản đề cập đến đỉnh điểm phát thải cao nhất, mục tiêu giảm 43% lượng phát thải vào năm 2030. Nó dựa trên tất cả những nhận định của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Đó là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương về khí hậu có hiệu quả và chúng ta có khả năng tìm kiếm những thỏa hiệp đầy tham vọng buộc chúng ta phải cùng nhau rời khỏi vùng an toàn để đạt được mục tiêu của mình”, Agnès Pannier-Runacher, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng Pháp, chào mừng.
Agnès Pannier-Runacher (1974-) |
Nella Pepe Tavita-Levy |
Nella Pepe Tavita-Levy, chủ tịch Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) không có cùng sự nhiệt tình như trên: “Chỉ đề cập đến khoa học là chưa đủ trong khi vẫn bỏ qua những gì khoa học bảo chúng ta làm,” đại diện của Samoa bên cạnh LHQ khẳng định. Nhà ngoại giao đặc biệt tức giận với cách diễn đạt ở đoạn 39 của GST: “Các quốc gia không được có lựa chọn thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch, họ buộc phải làm điều đó,” bà tiếp tục.
Laurent Fabius, người chủ trì COP 21 năm 2015, nhắc lại vài ngày trước: “Sự đồng thuận không phải là sự nhất trí”. Một câu vẫn rất sát với thời cuộc.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “COP 28: un accord aussi historique qu’insuffisant”, Alternatives économiques, 13.12.2023.
Chú thích: [*] Valéry
Laramée de Tannenberg, tổng biên
tập Tạp chí môi trường, đặc biệt nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến năng lượng với biến đổi khí hậu. Ông
là tác giả của tác phẩm “Sự nóng lên toàn cầu, mối đe dọa đối với nền dân chủ?/Le
changement climatique: menace pour la democratie?” [ND]