8.1.25

Charles Pépin: “Làm thế nào để không trở thành một lão già bảo thủ?”

CHARLES PÉPIN: “LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG TRỞ THÀNH MỘT LÃO GIÀ BẢO THỦ?”

BIEN-ÊTRE. “Làm thế nào để không trở thành một lão già bảo thủ?” có thể là nhan đề phụ của tiểu luận của Charles Pépin. Triết gia này (cuối cùng) cũng kêu gọi sống hòa hợp với quá khứ của mình.

Julie Malaure ghi lại

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEi-XB8k-slsY7ji6nq0cyhf6CLUNV-aWBW_9QaYiUwAFC9vcOOZlPdhZieb_J3Q-S9zYXQ5fAMHe8Nxvur-cIYPDYcc_tMYmTINERGdg02o4goPIr3kdkeUpOn5PwmSvEkYMmrwZzt_pbk_UWlyHz8po0OePvi7Y51iXhEf-AUjaIBTEGTAQYGx1o44CATB/s1280/Charles%20P%C3%A9pin%20%20Comment%20ne%20pas%20devenir%20un%20vieux%20con.jpg

Trong một thời gian dài giáo sư triết học Charles Pépin đã dùng quá khứ làm xương sống cho việc giảng dạy của mình. Ông chất vấn cách suy nghĩ về ký ức, lịch sử, lịch sử của ông. Có cần dùng quá khứ làm công cụ để xây dựng tương lai, cùng lắm là lựa chọn các ký ức, như Nietzsche từng chủ trương?

Và rồi Charles Pépin, một triết gia thời thượng, được 50 tuổi. Khi ở nửa cuộc đời, ông luôn bận tâm về quá khứ, nhắc lại nhiều lần quá khứ vốn đe dọa tương lại của mình, vị giáo sư đồng thời là nhà văn tiểu luận, người nêu lên tiếng nói của mình trên đài Radio France trong chương trình Sous le soleil de Platon - Dưới mặt trời của Platon -, đã có tham vọng viết một quyển sách về “sống tốt đẹp với quá khứ của mình”. Làm thế nào để “chấp nhận quá khứ của mình, làm hòa với nó, chào đón nó”. Tóm lại là làm thế nào để già đi một cách tử tế, hay chính xác hơn, như ông nói với chúng ta: “Làm thế nào để không trở thành một lão già bảo thủ?”

Chính vì vậy mà sự khám phá của nhà triết học theo trường phái Freud-Lacan đã chuyển hướng. Dưới ánh sáng của những phát hiện mới đây trong lĩnh vực khoa học thần kinh, đối diện với những kết quả của các phương pháp trị liệu mới đối với 85 triệu nơ-ron của chúng ta, đã xuất hiện một hy vọng mới. “Quá khứ không còn là cố định, ta có thể xử lý lại nó, diễn giải lại, can thiệp vào nó từ bên trong”, ông giải thích với chúng ta như vậy. Trong tiểu luận của ông: Vivre avec son passé - Sống với quá khứ của mình - (Nhà xuất bản Allary, sẽ phát hành ngày 7 tháng 9), Charles Pépin, “theo trường phái Nietzsche trước đây, rồi trở thành người theo trường phái Spinoza và Freud”, đề nghị chúng ta, với quá khứ của cá nhân chúng ta, học cách làm động tác mà các vận động viên rugby (bóng bầu dục) thực hiện khi chuyền bóng về phía sau: “Tiến về phía trước đồng thời quay nhìn lui lại”. Gặp gỡ.

Le Point: Ông đã tìm thấy gì khi chú tâm tìm hiểu khoa học thần kinh?

Charles Pépin: Ba điều. Đầu tiên là tính mềm dẻo của não bộ, khiến ta tự hỏi tại sao ta phải “bám chặt” vào một biến cố gây sang chấn của quá khứ khi mà não bộ của chúng ta luôn luôn tiến triển. Điều thứ hai, trí nhớ là một điều tưởng tượng. Nghĩa là có những người bị sang chấn bởi những ký ức sai lệch. Một ký ức có thể xuất phát từ một câu chuyện mơ hồ bị méo mó bởi trí tưởng tượng và mang dáng vẻ của sự thật. Điều thứ ba liên quan đến sự vận hành của trí nhớ. Hồi tưởng là đi tìm một ký ức cũ, xử lý nó lại trong trí nhớ ngắn hạn để chuyển nó lại trong trí nhớ dài hạn.

Chúng ta làm điều đó hoài mà không nhận ra, nếu không, ta quên. Mỗi lần ta nhớ lại, ta “củng cố lại” ký ức, nghĩa là ta chuyển trả nó lại, không giống hệt mà đã thay đổi, cho trí nhớ dài hạn. Và chính ở đó, trong cơ chế này, tập trung các phương pháp trị liệu mới.

Khoa học thần kinh có giúp can thiệp vào quá khứ của chúng ta?

Tôi sẽ lấy ví dụ về một người đã đau khổ trong thời thơ ấu, có một người mẹ lạnh lùng và xa cách hay một người cha độc đoán và lơ đãng. Thực ra, điều làm cho người này đau khổ, không phải vì đã có cái quá khứ này mà là sự suy diễn từ quá khứ này một quy tắc sống gây trở ngại, nghĩa là cảm thấy không chính đáng, sợ bị bỏ rơi ngay khi được yêu thương, luôn luôn cầu xin tình thương, sợ bị sỉ nhục ngay khi ta có một ông chủ, v.v..

Mối tương quan có tính triết học với quá khứ, trước hết đó là chấp nhận các sự việc đã xảy ra, nhưng ta có thể xây dựng lại quy tắc sống, điều đó là phát hiện đến từ khoa học thần kinh. Những ký ức của quá khứ nằm trong trí nhớ về các sự kiện cá nhân và bối cảnh của chúng (mémoire épisodique), và ta không thể xóa các ký ức này. Ngược lại, điều hoàn toàn kỳ lạ là quy tắc sống thuộc về trí nhớ ngữ nghĩa (mémoire sémantique - kiến thức về từ ngữ, khái niệm, kiến thức và sự kiện dựa trên ngôn ngữ - ND), và về điều này, ta có thể thay đổi. Có những phương pháp cho việc thay đổi này. Như vậy, điều này khá mới và cần phải thận trọng, nhưng nó đem lại một niềm hy vọng thực sự. 

Đâu là những phương pháp trị liệu giúp thay đổi mối tương quan của chúng ta với các ký ức?

Tôi sẽ lấy một ví dụ trong cái mà người ta gọi là “reparentage” (đóng vai người cha mẹ) trong liệu pháp giản đồ (thérapie des schémas). Hãy lấy trường hợp một người trưởng thành, bị người cha sỉ nhục công khai lúc còn bé vì người đó đã tiểu dầm trên giường. Đó là một vết thương không phai nhạt được. Thực ra, trong trị liệu giản đồ, người ta sẽ cho tham gia vào sự việc được thuật lại này một nhân vật của hiện tại mà bệnh nhân tin cậy vào chính thời điểm của ký ức. Cần phải tập hợp được một số điều kiện, nhưng não bộ cảm xúc sẽ nhầm lẫn sự việc đã trải qua cách đấy bốn mươi năm và sự việc hư cấu, được làm sống lại trong phiên trị liệu. Lúc đó người này có thể được giải thoát khỏi cảm giác bị sỉ nhục và khỏi nỗi sợ là tình huống này sẽ tái diễn.

Cũng có phương pháp của nhà tâm lý học Brunet. Cũng là can thiệp vào quá khứ, nhưng với sự hỗ trợ của hóa học. Một nghiên cứu của AP-HP (Assistance Publique-Hôpitaux de Paris), về những người sống sót sau thảm họa khủng bố Bataclan và đặc biệt là sau những vụ tấn công ở Nice, cho thấy rằng trong khi kể về thảm kịch – trong trường hợp này là 6 lần –, các thuốc ức chế beta (bêtabloquants) có thể xóa tan cảm xúc trong a-mi-đan. Điều này có nghĩa là người ta quen với việc sống lại sang chấn mà không bị sang chấn. Thế thì, điều đó có vẻ hơi thần diệu khi kể qua như vậy, nhưng để cho các bạn thấy một lối nhỏ mới đầy hứa hẹn vừa được mở ra.

Phương pháp gọi là EMDR (Eye Movement Desensitization and Reprocessing - Giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt) về xử lý lại bởi những chuyển động của mắt có hoạt động trên cùng một nguyên tắc không?

Trong EMDR, không phải là một sự can thiệp vào quá khứ mà là một thói quen mất sự đáp trả. Đôi khi như ở những nhà khắc kỷ, một liệu pháp mới hiện đại hóa một sự minh triết của thời cổ đại, và ở đây là trường hợp này. Những nhà khắc kỷ đã nói một cách rõ ràng: bạn đã trải qua một biến cố gây sang chấn? Bạn hãy dựng nó lại và quen dần với nó thay vì trốn khỏi nó. Nếu tôi hỏi bạn nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của bạn là gì, và đó là chứng kiến con của bạn bị chết dưới bánh xe hơi khi cháu băng qua đường, tôi sẽ yêu cầu bạn, trong suốt mười ngày, vào lúc 13 giờ, nhìn thẳng vào ý tưởng này trong mười phút. Thật là dài, 10 phút. Thế nhưng sự việc vận hành rất nhanh chóng. Đại khái, thay vì có một nỗi lo lắng làm đông cứng sự kinh hãi làm bạn tê liệt, bạn sẽ sống với hình ảnh này, tất nhiên là kinh khủng, khó chịu, nhưng bạn sẽ có thể sống thoải mái với nó vì không còn gây sang chấn nữa.

Đó là một sự đảo lộn trong thế giới các liệu pháp

Thực ra là hơi sớm để nói về việc đó, chưa có nhiều nghiên cứu, nhưng được báo hiệu rất hứa hẹn bởi các nhà tâm lý học thực hành các liệu pháp này. Một số trước đây là chuyên gia tâm thần và họ nói rằng các kết quả thật là kỳ lạ. Và thành thật mà nói, lúc đầu những ý tưởng này làm tôi xa lánh chúng. Tôi, trước đây là một người theo trường phái Freud, và chỉ cần nghe nói phải ”mở các điểm tiếp hợp thần kinh (synapse)…” Trước đây tôi dị ứng với từ vựng này. Nhưng làm thế nào để không tin cậy vào niềm hy vọng này, khi ta thấy một số người hai mươi năm theo liệu pháp phân tâm học nằm trên divan, lặp đi lặp lại nhiều lần, nói về bác sĩ tâm lý của mình như nói về Thượng Đế, vậy mà họ luôn luôn bị loạn thần kinh?

Nhưng sẽ còn lại gì cho phân tâm học sau tất cả những việc này?

Phân tâm học đã luôn luôn là khung khái niệm của triết học của tôi và tôi đã trải qua một kinh nghiệm về trị liệu nằm trên divan rất phong phú. Tuy nhiên – và tôi sẽ không chỉ có những người bạn, các nhà phân tâm học sẽ nói rằng tôi trở mặt và các nhà nghiên cứu người Mỹ sẽ bị choáng vì tôi còn viện dẫn Freud “người nói dối” và Lacan “người điên” –, đối với tôi cách nhìn quá khứ của phân tâm học dường như phải được xem xét lại từ khi tôi phát hiện ra khoa học thần kinh.

Nghĩa là nơi mà cách tiếp cận phân tâm học có phần giới hạn, tuy rất bổ ích, chính là nó từ chối ý tưởng một sự can thiệp vào quá khứ là khả thi. Phân tâm học nói một cách tóm tắt là phải chấp nhận một quá khứ mà ta không thể thay đổi. Thế nhưng một số liệu pháp đề nghị chúng ta thay đổi quá khứ để chấp nhận nó tốt hơn. Và phần tôi, tôi đấu tranh để tích hợp cả hai hướng hầu đem lại liệu pháp tốt nhất. Không có lý do gì lại đối chọi những liệu pháp mới về củng cố trí nhớ, được gợi lên bởi khoa học thần kinh, với phân tâm học Freud.

Hy vọng, là sống tốt hơn?

Vâng, vì từ nay ta biết rằng quá khứ không những hiện diện, mà nhất là nó chuyển động. Quá khứ là một chất liệu mà ta có sẵn, ta có thể xử lý nó để đi tới phía trước và nhất là đi sâu tốt hơn vào bên trong. Thế thì vâng, chúng ta đang trong logic hướng đến có nhiều hạnh phúc hơn, nhưng điều đó đòi hỏi chúng ta phải tìm lại được mối tương quan với quá khứ cho phép chúng ta được hạnh phúc.

Vậy là phải gợi lại quá khứ của mình?

Phải quan tâm đến quá khứ của mình, nhìn thẳng vào nó, nói chuyện với nó, phân tích nó, chất vấn nó. Người quan tâm đến quá khứ của mình sẽ có thể hướng về tương lai cùng với quá khứ của mình, và tôi nhấn mạnh điểm này. Không phải là nhượng bộ để cứu vãn tình hình mà là mang nó theo cùng. Ta làm nhẹ bớt gánh nặng này vì ta mang nó theo cùng, vì ta chấp nhận như vậy. Nếu không, cái quá khứ không được chấp nhận sẽ tạo nên một lực cản trong tương lai.

“Con người càng già càng hay lặp đi lặp lại”

Khi gợi nhớ quá khứ, có phải ta có nguy cơ không thể dứt bỏ nó được nữa?

Đúng là tôi đã viết quyển sách này đề tránh hai trở ngại. Bởi vì ta thấy rõ con người càng già càng lặp đi lặp lại. Họ luôn lặp lại cùng một điều. Điều này thật là chán. Ta sẽ xa lánh họ, ta không chịu đựng được nữa, và họ không còn sống nữa, vì họ đang ở trong quá khứ - và tôi đã lo sợ mình thuộc về những người đó! Và mặt khác lại có những người không quan tâm đến quá khứ, tôi gọi đó là “ảo tưởng theo xu hướng hiện đại”. Điều đó chẳng khác gì nói, có lẽ, tôi đã bị cưỡng hiếp, có thể cha tôi đã bỏ rơi tôi, nhưng suy cho cùng, đó là quá khứ và tôi hướng về tương lai. Ta có thể nghĩ rằng vậy là ổn, như trong các trường hợp tấn công tính dục, khi những người phụ nữ im lặng trong 20 hay 30 năm, không chóng thì chầy, sự việc ấy lại bùng lên. Và nếu việc này không trở lại một cách trực tiếp, một cách chớp nhoáng, thì nó trở lại dưới dạng lo lắng, trầm cảm hay những rối loạn khác. Giữa việc nhắc nhớ được lặp đi lặp lại và ảo tưởng đã kết thúc, sang trang, tôi nghĩ có một triết học cần được đề nghị, đó là mang quá khứ cùng với mình trong vận động đưa chúng ta tiến về phía trước. Như trong chuyền bóng rugby về phía sau, phải ngoái đầu lại để tiến lên phía trước!

 “Tiến lên phía trước” mọi người đều muốn có bí quyết!

Với nhiều cố gắng không muốn bị rối ren bởi quá khứ của mình, có nguy cơ ta không biết ta là ai cũng như không biết điều gì là quan trọng đối với mình. Ta không nhớ được những khoảnh khắc ta quan tâm đến đời sống, những nghề nghiệp đã từng là gợi cảm đối với chúng ta, cũng như ngược lại những khoảnh khắc ta đã gian khổ. Và điều đó có nghĩa là ta sẽ thất bại! Bởi vì sẽ không có bản sắc nếu không có trí nhớ về quá khứ. Vậy sống với quá khứ của mình có nghĩa đơn giản là chính mình, trung thành với bản sắc của mình.

“Bergson nói ta tự do khi những hành động của ta giống ta”

Nhưng làm thế nào để biết được ta trung thành với chính mình?

Đây không phải là một câu hỏi dễ. Điểm thứ nhất, trí nhớ về quá khứ giúp ta một cách chính xác tìm thấy những điểm chung giữa lúc ta 8 tuổi và lúc ta 45 tuổi. Một điểm soi sáng khác, đó là kể từ khoảng giữa cuộc đời, vì ta không còn thời gian để mất nữa, phải làm những điều giống chúng ta, phù hợp với chúng ta. Nếu khác đi, ta sẽ kiệt sức, sẽ bị bấn loạn và đau khổ. Làm thế nào để biết được điều tôi thích? Bằng cách quay về quá khứ của tôi. Bởi vì chính ở đó ta có thể có khoảng cách giúp ta cân nhắc được điều gì đã làm cho ta vui. Quay nhìn trở lại quá khứ trở thành điều kiện để đi về phía trước. Bergson nói ta tự do khi những hành động của ta giống ta. Nghĩa là khi những hành động này biểu thị toàn bộ cá tính của chúng ta. Thế nhưng, cá tính này là kết quả của quá khứ của chúng ta. Nếu tôi không có ký ức, tôi không biết tôi là ai.

Làm thế nào để dò tìm điều gì thực sự là chúng ta?

Kim chỉ nam đầu tiên là niềm vui mà ta có. Niềm vui không nói dối. Điều thứ hai là lòng khoan dung. Điều mà quá khứ đã làm với tôi, nay thuộc quyền tôi làm nó trở thành cái khác. Chính như thế mà ta tránh được sự nhắc đi nhắc lại, nghiền ngẫm mọi điều quy về mình. Khi những người thoát khỏi các trại tù tử hình lên tiếng, tất nhiên, họ nói họ là những người con của các trại tù tử hình, nhưng họ cũng không chỉ quy giản về việc ấy. Cử chỉ khoan dung của họ là làm chứng để việc ấy không còn lặp lại nữa. Họ không chỉ bị ấn định bởi quá khứ của họ; lòng khoan dung cho phép họ đi về phía trước và đến với những người khác.

Vậy tôi xin nói là có hai thành phần quan trọng để sống hòa hợp với quá khứ của mình: niềm vui chỉ ra cái gì là quan trọng đối với chúng ta, và lòng khoan dung làm chúng ta quan tâm đến những điều ngoài chúng ta.

Ông cũng nhắc đến sự trợ giúp thường bị hạ thấp của các ký ức tốt đẹp của chúng ta?

Vâng, vì đối với tôi, quá khứ chính là điều đã thực sự xảy ra. Thế nhưng, ta sống trong hiện tại, với những lời cầu cạnh, những thông báo trên điện thoại thông minh, trong nỗi lo lắng về tương lai, đến nỗi ta có những ký ức tuyệt vời, nhưng ta quên sưởi ấm với ngọn lửa của chúng. Tệ hơn nữa, nếu ký ức tốt đẹp trở lại, ta trở nên u hoài hay buồn bã vì ta sẽ tự bảo ký ức này sẽ không trở lại! Tuy nhiên, tồn tại phong cách Proust, hay phong cách Épicure – cũng gần như nhau. Nghĩa là thay vì mê đắm bởi hoài niệm, thay vì để ký ức vui vẻ ra đi như nó đã đến, ta lại tiếp đón nó, ta bám giữ lấy nó. Nhưng hãy chú ý, Proust nói cần phải cố gắng. Hồi ức không diễn ra ngay trong vòng vài giây. Phải tiếp đón nó và nài nỉ, để được tràn ngập trong niềm hạnh phúc đã qua cho một hạnh phúc mới.

Vivre avec son passé, Charles Pépin (Allary, 21,90 euros), sẽ phát hành ngày 7 tháng 9.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: “Charles Pépin: “Comment ne pas devenir un vieux con””, Le Point, 3.9.2023.

Print Friendly and PDF