TÔI TỪNG LÀ MỘT NHÀ KHOA HỌC VỀ KHÍ HẬU ĐƯỢC EXXON TÀI TRỢ
Những nỗ lực có chủ đích của ExxonMobil nhằm gieo rắc
sự ngờ vực về tính xác thực và cấp thiết của biến đổi khí hậu cùng các khoản
đóng góp của họ cho các hội nhóm “bình phong” để phổ biến thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu là
chuyện ai cũng biết từ lâu.
Các báo
cáo điều tra vào năm 2015 tiết lộ rằng Exxon đã có nhóm khoa học gia để xây dựng mô hình khí hậu riêng cho mình từ những năm
1970: khoa học và mô hình này không chỉ chính xác mà còn được sử dụng để lên kế hoạch cho tương lai
của công ty.
Hiện nay, một nghiên cứu
được bình duyệt công bố vào ngày 23 tháng 8 đã xác
nhận rằng những gì Exxon nói nội bộ về biến đổi khí hậu khác hẳn về mặt định lượng
so với các tuyên bố công khai của họ. Cụ thể,
các nhà nghiên cứu Geoffrey
Supran và Naomi Oreskes phát hiện ra rằng ít nhất 80% các tài liệu nội bộ và ấn phẩm có bình duyệt mà họ nghiên cứu từ năm 1977 đến năm 2014 phù hợp với thực trạng khoa học – thừa nhận rằng biến đổi khí hậu là
có thật và (tình trạng này là) do con người gây ra, và xác định "những bất trắc có lý" mà bất
kỳ nhà khoa học khí hậu nào cũng sẽ đồng ý vào thời điểm đó. Tuy nhiên, nghiên cứu
phát hiện ra rằng hơn 80% các quảng
cáo trả tiền theo phong cách biên tập của Exxon trong cùng
giai đoạn đó lại tập trung cụ thể vào
sự bất trắc và
ngờ vực.
Sự tương phản rõ rệt giữa việc thảo luận nội bộ về nghiên cứu khí hậu tiên tiến
trong khi mặt ngoài thì tiến hành chiến dịch thông tin sai lệch về khí hậu đủ khiến rất nhiều người kinh ngạc. Chuyện gì đang xảy ra ở Exxon chứ?
Tôi có một góc nhìn độc đáo – vì tôi đã từng ở đó.
Từ năm 1995 đến năm 1997, Exxon đã hỗ trợ một phần
tài chính cho luận văn thạc sĩ của tôi, tập trung vào hóa học
metan (CH4) và các khí thải. Năm 1996, tôi đã dành hàng tuần liền thực tập tại phòng nghiên cứu Annandale của họ ở New Jersey
và (sau đó là) nhiều năm
cộng tác nghiên
cứu để cho ra ba công trình đã được công bố được trích dẫn trong phân tích gần đây của Supran và Oreskes.
Nghiên cứu khí hậu tại Exxon
Một nhà khoa học vẫn là nhà khoa học bất kể họ làm việc ở đâu, và các đồng
nghiệp tại Exxon của tôi cũng không ngoại lệ.
Thấu đáo, thận
trọng và hoàn toàn đồng ý với sự đồng thuận khoa học về khí hậu – đây là những đặc
trưng mà nhà khoa học nào có được cũng phải lấy làm tự hào.
Exxon có mục đích riêng cho nghiên cứu của chúng tôi không? Dĩ nhiên là có – họ đâu phải tổ chức từ thiện. Nghiên cứu và phát triển của Exxon đều có chủ đích, và trong trường hợp của tôi, họ nhắm tới một thứ không đánh động giới hoạch định chính sách khí hậu: định lượng lợi ích của việc giảm phát thải khí metan.
![]() |
Cựu giám đốc điều hành Lee Raymond đã điều hành Exxon từ năm 1993 đến năm 2005, giai đoạn mà tập đoàn này được biết đến với việc tài trợ cho các nhà khoa học và nhà văn để nhấn mạnh sự bất trắc trong khoa học khí hậu. Yuri Gripas/Reuters |
Khí metan là sản phẩm thải ra từ hoạt động khai thác than và rò rỉ khí đốt tự
nhiên; nhà máy xử lý nước thải; tiếng ợ và xì hơi của bò, cừu, dê và bất kỳ động
vật nhai lại nào; rác thải hữu cơ đang phân hủy trong bãi rác; những gò mối khổng
lồ ở châu Phi;
và thậm chí, chỉ một lượng cực nhỏ, từ chính những thành viên không dung nạp được đường lactose
trong gia đình chúng ta.
Trên cơ sở khối lượng, metan hấp thụ nhiệt của Trái Đất nhiều gấp khoảng 35 lần so
với cacbon điôxít (CO2). Metan có tuổi thọ ngắn hơn nhiều so với khí CO2, và chúng ta cũng thải ra ít metan hơn hẳn, thế nên việc loại bỏ cacbon là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu lo ngại về tốc độ Trái đất đang nóng lên,
chúng ta có thể tối ưu hiệu suất bằng cách cắt giảm lượng khí thải metan càng sớm càng tốt, đồng thời tiếp tục giảm dần sự phụ thuộc vào
nhiên liệu gốc carbon về lâu dài.
Đối với ngành công nghiệp khí đốt và dầu mỏ, giảm phát thải khí metan đồng nghĩa với tiết kiệm năng
lượng. Thế nên, không có gì lạ khi trong suốt quá trình nghiên cứu, tôi không bị áp đặt định hướng hay can thiệp thô bạo nào vào những kết quả của mình. Không ai yêu cầu xem xét mã code hoặc gợi ý các cách để
"hiệu chỉnh"
các phát hiện của tôi. Đòi hỏi duy nhất là một bài báo khoa
học có đồng tác giả là Exxon phải vượt qua quá trình đánh
giá nội bộ trước khi được gửi đi bình duyệt, nhiều cơ
quan liên bang cũng có chính sách tương tự.
Liệu tôi có biết vào thời điểm
đó họ còn làm gì khác không? Tôi thậm
chí còn chẳng tưởng tượng nổi.
Vừa mới từ Canada sang, tôi không biết rằng có những người không chấp nhận khoa
học về khí hậu – đến mức phải gần nửa
năm sau tôi mới nhận ra mình đã kết hôn
với một người như thế – chứ đừng nói đến chuyện Exxon đang tài trợ cho một chiến dịch thông tin sai
lệch ngay tại thời điểm họ ủng hộ nghiên cứu của tôi về những cách thiết thực
nhất để giảm thiểu tác động của con người
lên khí hậu.
Tuy nhiên, các lựa chọn của Exxon đã góp phần trực tiếp dẫn đến tình huống chúng ta đang phải đối mặt ngày nay, dù nhìn từ góc độ nào cũng thật khó tin: rất nhiều đại diện dân cử phản đối hành động vì khí hậu, trong khi Trung Quốc
vượt qua Hoa Kỳ
về năng lượng
gió, năng lượng
mặt trời, đầu tư kinh
tế vào năng lượng sạch và thậm chí là có cả một chính sách
giới hạn và trao đổi khí thải quốc gia
tương tự như dự luật Waxman-Markey xấu số năm 2009.
Những quyết định cá nhân
Nghiên cứu mới nhất này nhấn mạnh lý do tại sao nhiều người kêu gọi Exxon phải
chịu trách
nhiệm vì cố tình đánh lừa công chúng về một vấn đề quan trọng đến vậy. Tuy nhiên, đối với
các nhà khoa học và học giả, sự việc này có thể khơi mào một cuộc tranh luận khác
cũng liên quan đến đạo đức.
Liệu chúng ta có sẵn lòng chấp nhận sự hỗ trợ tài chính được đưa ra chỉ để xoa dịu lương tâm
công chúng?
Khái niệm chuộc tội bằng tiền không còn xa lạ. Từ việc mua phép xá tội thời Trung cổ đến những chỉ trích nhằm vào các khoản bù đắp cacbon ngày nay, con người chúng ta luôn tìm cách né tránh hậu quả từ hành động của mình và xoa dịu lương tâm bằng những việc thiện, đặc biệt là bằng cách chi tiền. Ngày nay, nhiều nhóm ngành công nghiệp vẫn đi theo lối mòn này: một tay ủng hộ việc phủ nhận khoa học, trong khi tay kia ủng hộ khoa học và nghiên cứu tiên tiến.
![]() |
Là một học giả, ta nên cân nhắc các nguồn tài trợ như thế nào? Gabe Chmielewski cho Mays Communications, CC BY-NC-ND |
Dự án Khí hậu
và Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Stanford tiến hành nghiên
cứu cơ bản về các công nghệ năng lượng sạch và hiệu quả – với Exxon là nhà tài trợ
sáng lập. Nhà từ thiện và nhà tài trợ chính trị David Koch đã trao tặng số tiền kỷ lục
35 triệu USD (khoảng 888 tỷ đồng) cho Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian
vào năm 2015, sau đó, hơn ba mươi nhà khoa học đã kêu gọi bảo tàng cắt đứt
quan hệ với Koch vì đã tài trợ cho các nhóm vận động
hành lang “xuyên tạc” khoa học khí hậu. Shell đã tài trợ cho chương trình “Bầu khí quyển” của Bảo tàng
Khoa học London và sau đó sử dụng sức ảnh hưởng của mình để gây nhiễu loạn về những gì các nhà khoa học biết về khí hậu.
Chỉ trích người khác thì dễ, nhưng khi chuyện xảy ra
với chúng ta, lựa chọn dường như trở nên khó khăn. Đâu là cái quan trọng nhất – lợi ích của nghiên cứu và giáo dục, hay việc từ chối các khoản
tiền “bẩn”?
Phản ứng thích hợp trước những lễ vật bị ô uế về mặt đạo đức là một câu hỏi cổ xưa. Trong sách
Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô trả lời câu hỏi về việc phải làm gì
với thức ăn đã được dâng cho các vị thần – ăn (tương đương với công nhận sự tồn tại của các thần ngoại đạo – ND) hay bỏ?
Câu trả lời của sứ đồ minh họa
cho sự phức tạp của vấn đề này. Ông nói rằng thức ăn là thức ăn – và tương tự, chúng ta có thể nói
tiền là tiền ngày nay. Tuy nhiên, cả thức ăn lẫn tiền bạc đều có thể ngụ ý sự liên minh hoặc chấp nhận. Và nếu
nó ảnh hưởng đến người khác, có thể ta cần một phản ứng sáng suốt hơn.
Những học giả như chúng ta phải làm gì? Trong thế giới xuất bản mới cởi mở và
minh bạch hiện nay, lời tuyên bố về những người ủng hộ tài chính vừa quan trọng vừa cần thiết. Một số người lập luận rằng một nhà tài trợ, dù có mối quan hệ lỏng lẻo và
xa cách đến đâu, cũng sẽ để lại ảnh hưởng đáng ngờ lên kết quả nghiên cứu. Những người khác sẽ đáp trả rằng các khoản tiền có thể được dùng vào mục đích tốt. Cái nào quan trọng hơn?
Sau hai thập kỷ trong chiến hào khoa học khí hậu, tôi đã không còn ngây thơ như trước. Giờ đây, tôi đã quá rõ về những kẻ coi khoa học
khí hậu là "trò bịp của phe tự do". Mỗi ngày, họ tấn công tôi trên Facebook, phỉ báng tôi trên Twitter và thậm chí thỉnh thoảng gửi một lá thư gõ bằng máy
đánh chữ – điều khiến tôi thán
phục, nhưng về mặt nghệ thuật chứ không phải nội dung. Vậy thì bây giờ, nếu Exxon ngỏ lời mời (cộng tác), tôi
sẽ làm gì?
Không có đáp án đúng cho câu hỏi này. Riêng phần mình, tôi có thể yêu cầu họ trao số tiền đó cho các chính
trị gia ủng hộ chính sách khí hậu hợp lý – và cắt giảm tài trợ cho những người không
ủng hộ. Hoặc tôi ngưỡng mộ phản ứng thực tế của một đồng nghiệp: sử dụng tiền thù
lao do Koch tài trợ để mua tư cách thành viên trọn đời tại Sierra Club (một tổ chức môi trường phi lợi nhuận lâu đời – ND).
Mặc dù không có câu trả lời dễ dàng, nhưng đây là câu hỏi được đặt ra cho ngày
càng nhiều người trong chúng ta mỗi ngày, và ta không thể giữ thế trung lập mãi được. Là những học giả và nhà khoa học, chúng ta phải đưa ra một số lựa chọn khó
khăn; và chỉ khi nhận ra những hệ quả rộng hơn của những lựa chọn này, ta mới có thể đưa ra quyết định sáng suốt, thay vì như thầy bói xem voi.
Tác giả
![]() |
Katharine Hayhoe |
Katharine
Hayhoe
Giáo sư và Giám đốc, Trung tâm Khoa học Khí hậu, Đại học Texas Tech
Tuyên bố công
khai
Chương trình nghiên
cứu của Katharine Hayhoe tại Đại học Texas Tech được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ từ
Quỹ Khoa học Quốc gia, Bộ Nội vụ, Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia và
các cơ quan liên bang có liên quan khác. Bà cũng là Tổng giám đốc điều hành của
ATMOS Research, một công ty tư vấn giúp các thành phố, tiểu bang, tỉnh và khu vực
xây dựng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu.
Huỳnh
Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: I was an Exxon-funded climate scientist, The
Conversation, August 25, 2017.
