4.1.25

Doxa [Ý kiến/Dư luận/Công luận] và Doxosophes [Những người chạy theo Doxa]

DOXA

[Ý KIẾN/DƯ LUẬN/CÔNG LUẬN]

Trong triết học Hy Lạp, và đặc biệt là ở Platon, từ doxa (doxa dịch sang tiếng Pháp là “ý kiến/dư luận/công luận” – ND) chỉ một hình thức suy thoái của niềm tin đối lập với khoa học (epistêmê) mà triết gia là người nắm giữ lỗi lạc. Thuật ngữ này được Edmund Husserl dùng lại cho những mô tả hiện tượng học của ông về “thế giới cuộc sống” (Lebenswelt) nhưng được ông dùng theo một nghĩa rất khác: ông có ý định chỉ một phương thức trải nghiệm được ông phân biệt với các hình thức có chủ đích được nêu bật cho đến lúc bấy giờ. Doxa không thuộc lãnh vực phán xét, trong chừng mực doxa không liên quan đến các nội dung “theo chủ đề”: nó đúng hơn là một hình thức quan hệ với thế giới bao hàm một hậu cảnh làm nền bao gồm những điều hiển nhiên vừa có mặt khắp nơi vừa không được nhận thấy, những điều xác thực, những phán đoán ngầm, những kỳ vọng. Sau này thuật ngữ doxa không còn mang ý nghĩa tiêu cực như đã có trong truyền thống triết học trí thức luận nữa.

Chính nhờ Alfred Schütz, tác giả mà Pierre Bourdieu biết rõ, mà chúng ta có được một cách diễn giải lại mang tính xã hội học về cách đặt vấn đề này. Đối với Schütz, vấn đề là mô tả phần được xem như là hiển nhiên (cela-va-de-soi/taken for granted), đặc thù của sự trải nghiệm thông thường của chúng ta, hiếm khi bị tranh cãi và bị vạch rõ ngoại trừ trong các tình huống bỡ ngỡ hoặc khủng hoảng. Những điều xác thực này dựa trên thực tiễn và được cấu trúc bởi các thao tác phân loại nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và hành động. Schütz viết trong một văn bản được Bourdieu trích dẫn [Méditations pascaliennes/Suy tưởng về Pascal: 251]: “Trong thái độ tự nhiên, tôi cho rằng có một điều hiển nhiên là những người khác tồn tại, rằng họ tác động tới tôi cũng như tôi tác động tới họ, rằng sự giao tiếp và hiểu biết lẫn nhau có thể được thiết lập giữa chúng tôi […], tất cả là nhờ vào một hệ thống ký hiệu và biểu tượng, trong khuôn khổ một tổ chức và thể chế xã hội không phải là tác phẩm của tôi.”

Ngay cả khi dự án về một khoa học về kinh nghiệm thông thường xứng đáng được xem xét một cách nghiêm túc, Bourdieu cho rằng chúng ta cũng không thể hài lòng với “một vài nhận xét nhân học tổng quát và phi lịch sử này” [MP: 251] và ông đã nỗ lực hoàn thiện cách tiếp cận hiện tượng học này bằng một cảm hứng lấy từ trường phái khác của Durkheim. Lý lẽ thông thường của một tác nhân được xác định bởi sự nội tâm hóa những mặt đối lập khách quan của xã hội dưới dạng hệ thống phân loại (cao-thấp, ngày-đêm, nam-nữ). Sự gắn bó mang tính doxa (thông thường) với thế giới xã hội là kết quả của mối quan hệ hài hòa giữa hai loại sự vật, các cấu trúc được khách quan hóa và các cấu trúc được sáp nhập, các loại và các sự phân loại, các vị trí và các khuynh hướng luôn tồn tại, các xác suất khách quan và các kỳ vọng chủ quan: sự gắn gó này thể hiện thông qua cảm giác quen thuộc góp phần tái sản sinh một trật tự không thể tranh cãi của các sự vật (theo hình ảnh con cá trong nước). Một tình huống khủng hoảng thuận lợi cho việc đặt lại vấn đề cái doxa nhưng nó cũng có thể thuận lợi cho việc bảo vệ trật tự biểu tượng đang bị lung lay. Việc phân tích doxa tạo ra một hiệu ứng mất phương hướng/bỡ ngỡ và có thể dùng, giống như phân tâm học, để xác định những sự kháng cự và từ đó cung cấp phương tiện để vượt qua chúng.

Như vậy, doxa không chỉ dành riêng cho những người thiếu hiểu biết hoặc ngây thơ (không giống như “dư luận/ý kiến” của Platon). Do đó, các giới thông thái cũng có một dạng doxa đặc thù được chia sẻ bởi những thành viên của các giới này. Các giới thông thái bao hàm niềm tin vào giá trị của hoạt động và các được thua đặc trưng của họ. “Giống như trường nghệ thuật, mỗi vũ trụ thông thái đều có doxa đặc thù của nó, một tập hợp các giả định trước về sự đánh giá và nhận thức và không thể tách rời mà sự chấp nhận bắt nguồn từ chính sự thuộc về vũ trụ này của những thành viên đó” [MP: 145]. Mức độ điều chỉnh có thể được nắm bắt thông qua những trải nghiệm được phân bổ giữa các cực quen thuộc, thoải mái và vô cùng khó chịu, rối loạn. Tất nhiên, ranh giới giữa cái hiển nhiên và cái không thể hình dung được, không hề cố định, vẫn tiếp tục thay đổi dưới tác động của các cuộc đấu tranh và “các cuộc cách mạng mang tính biểu tượng” vốn cung cấp những công cụ nhận thức mới.

Khái niệm hệ tư tưởng, hiện diện rất mạnh ở thời cực thịnh của cấu trúc luận, không phải là khái niệm thích hợp nhất cho những gì Bourdieu tìm cách giải thích: “Nếu tôi đã phải loại bỏ dần việc sử dụng cụm từ “hệ tư tưởng”, đó không phải là do tính đa nghĩa của nó và những sự mơ hồ nảy sinh từ đó. Chủ yếu là bởi vì, bằng cách gợi lên trật tự của các ý tưởng và của hành động thông qua các ý tưởng và trên các ý tưởng, khái niệm hệ tư tưởng có xu hướng quên mất một trong những cơ chế mạnh mẽ nhất của sự duy trì trật tự biểu tượng, tức là sự thuần hóa kép bắt nguồn từ việc khắc ghi cái xã hội vào trong sự vật và trong cơ thể” [MP: 261]. Thay vì đề cập đến những “nhà tư tưởng” đánh lừa, Bourdieu nói về “những người chạy theo doxa/doxosophes” bị mắc bẫy trong cái doxa mà nguyên mẫu là các chuyên gia thăm dò dư luận. Không giống như doxa có trước nó, tính chính thống được xem như một chiến lược để thiết lập lại một trật tự mà cho đến lúc đó dường như không gây ra vấn đề gì: nó giả định sự đoạn tuyệt, không thể hình dung được cho đến lúc đó, gây ra bởi việc tính không chính thống đặt vấn đề về những gì được xem là không thể bị chất vấn. Việc đưa ra những sự giải thích rõ ràng sau đó được phản ánh trong việc tạo ra các hệ tư tưởng tương đối được cấu trúc hóa.

Như vậy, Bourdieu đã luân phiên sử dụng hai nghĩa (“theo Platon” và theo hiện tượng học) của từ doxa. Ngày nay thuật ngữ này là một phần của từ vựng thông thường được sử dụng ngay cả trên các phương tiện truyền thông (đây là một trong những dấu hiệu của sự phổ biến thuật ngữ của Bourdieu). Nhưng cái giá của sự thừa nhận này là sự suy yếu của khái niệm nay chỉ mang ý nghĩa thống kê (mức độ phổ biến cao) và luận chiến (gương bẫy chim): doxa chỉ còn là cái “tư tưởng có sẵn để được tiêu thụ” mà các “nhà bán khoa học”, các “nhà bán chuyên nghiệp” ra sức lên án trên các báo và trong các tiểu luận.

Louis Pinto

Giám đốc nghiên cứu danh dự CNRS (CESSP)

Phạm Như Hồ dịch

ADHÉSION, ART, CHAMP(S) DE PRODUCTION CULTURELLE, CLASSE(S), CORPS, CRISE, CROYANCE, DISPOSITION(S), DOXOSOPHES, DURKHEIM, HÉTÉRODOXIE, HUSSERL, IDÉOLOGIE, INCORPORATION, INSTITUTION(S), INTÉRIORISATION, LUTTE(S), MÉDIAS, MÉDITATIONS PASCALIENNES, NAÏF, NATURALISATION, OPINION(S), ORTHODOXIE, PERCEPTION, PHILOSOPHIE, PHÉNOMÉNOLOGIE, PLATON, POSITION(S), PROBABILITÉ(S), PSYCHANALYSE, RÉVOLUTION SYMBOLIQUE, SCHÜTZ, STRUCTURE(S), SYSTÈME

Thư mục:

1997 [MP: 251] Méditations pascaliennes, Paris, Seuil, rééd. « Points », 2003.

Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, CNRS Éditions, Paris, 2020.

* * *

DOXOSOPHES

[NHỮNG NGƯỜI CHẠY THEO DOXA]

Edmund Husserl (1859-1938)

Bằng thuật ngữ này, Pierre Bourdieu mỉa mai chỉ những “nhà tư tưởng dũng cảm” của khoa học chính trị phớt lờ nguyên tắc về tính hiệu quả của các câu hỏi về ý kiến mà họ đã đặt với các viện thăm dò ý kiến ​​và vốn, tư cách là những “chuyên gia về doxa, chỉ là những bác học bề ngoài”. Bác học về bề ngoài, họ chỉ đưa ra cái bề ngoài của một khoa học trên một thực địa mà vẻ bề ngoài luôn chỉ vì vẻ bề ngoài. Chính trong một bài báo năm 1972, đăng trên tạp chí Minuit số đầu tiên, Bourdieu đã tấn công rất dữ dội các nhà khoa học chính trị, “những người chỉ phản ánh lại cho giai cấp thống trị và các cán bộ chính trị của nó, khoa học chính trị tự phát của họ được tô điểm bằng bề ngoài của khoa học” [PB 1972b]. Chính ông đã mượn Platon từ “doxosophes” để chỉ các nhà khoa học chính trị thuộc một xu hướng nhất định trong khoa học chính trị, những người đã đầu tư đáng kể vào thực tiễn của các cuộc thăm dò dư luận và những người mà chúng ta có thể thấy, trong các đêm bầu cử, đưa ra ngay lập tức những lời giải thích và diễn giải. Từ này đề cập đến doxa và “trải nghiệm mang tính doxa về thế giới”, những khái niệm cũng được Bourdieu sử dụng, mà ông mượn từ tác phẩm của Edmund Husserl (người mà Bourdieu biết rõ) và chỉ rõ đặc tính gần như phổ quát này của trải nghiệm của con người, cụ thể là sự thật rằng thế giới quen thuộc có xu hướng được cảm nhận như là đương nhiên, nghĩa là được coi là hiển nhiên, không gây ra vấn đề gì, sự thống nhất giữa các cấu trúc khách quan và các cấu trúc được nội tại hóa trong tập tính khiến các cá nhân có một thế giới của lẽ thường, một thế giới dường như hiển nhiên. Tuy nhiên, khi phải hiểu được việc tạo ra các ý kiến ​​trong chính trị, lĩnh vực tiêu biểu của các nhà khoa học chính trị, điều quan trọng là phải phá vỡ doxa để phá vỡ sự lưu hành của các mô hình và các chủ đề của diễn ngôn chính trị chính đáng, một diễn ngôn thống trị ẩn giấu chính nó. Như vậy Bourdieu cho thấy rằng sự định nghĩa chính trị như là diễn ngôn, dựa trên nguyên tắc là khuyến khích sự phát biểu quan điểm hoặc đạt được các phán quyết về các quan điểm đã được nêu, loại trừ những người không có phương tiện ngôn ngữ này cũng như khả năng trả lời một cách chính trị cho một vấn đề chính trị. Những các Doxosophes, bị nhốt trong một cảm nhận về một sự hiển nhiên trực tiếp, không thấy rằng việc thẩm vấn logic-chính trị đòi hỏi một người trả lời không chỉ có khả năng giải mã và vận dụng các thuật ngữ đặc biệt của ngôn ngữ chính trị mà còn có khả năng đặt mình vào mức độ gần như trừu tượng nơi diễn ngôn chính trị thường được đặt.

Patrick Champagne

Nhà nghiên cứu INRA (CESSP)

Phạm Như Hồ dịch

CHAMP POLITIQUE, CIRCULATION, DISCOURS, DOXA, HABITUS, HUSSERL, INTÉRIORISATION, OPINION(S), OPINION PUBLIQUE, PLATON, SCHÈME(S), SCIENCE POLITIQUE, SENS COMMUN, STRUCTURE(S)

Thư mục:

[PB 1972b] « Les doxosophes », Minuit, no 1, p. 26-45.

Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, CNRS Éditions, Paris, 2020.

Print Friendly and PDF