11.4.16

Hồ sơ Panama. Vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử báo chí



Hồ sơ Panama. Vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử báo chí

Hình vẽ của Morales.
Trong vòng một năm, đã có hơn 370 phóng viên điều tra trên thế giới tham gia vào việc phân tích 11,5 triệu tài liệu nội bộ của công ty Mossack Fonseca của Panama. Đây là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất cho đến nay được giới truyền thông khai thác.
Những cấp so sánh cao nhất được dùng để mô tả Hồ sơ. Tờ Le Soir cho biết, "Đây là vụ rò rỉ các tài liệu giao dịch tài chính lớn nhất chưa từng được giới báo chí khai thác. Nó lớn hơn gấp tám lần vụ rò rỉ thông tin của OffshoreLeaks vào năm 2013 (xem dưới đây: Từ vụ UBS đến hồ sơ Panama: một thập niên những vụ bê bối tài chính (và điều mà chúng đã làm thay đổi) – ND), gấp 1.500 lần so với vụ Cablegate của Wikileaks (rò rỉ tài liệu mật là các điện văn ngoại giao giữa Mỹ và các đồng mình – ND) vào năm 2010."
Hồ sơ Panama, là 11,5 triệu tài liệu trong kho lưu trữ của văn phòng luật Mossack Fonseca tại Panama, một trong những nhà cung cấp dịch vụ tài khoản offshore lớn nhất thế giới. Đằng sau những tiết lộ dồn dập về những tài sản ngầm của hàng trăm nhân vật đã sử dụng dịch vụ của công ty Mossack Fonseca là một cuộc điều tra khổng lồ của giới báo chí, đặc trưng cho một hình thái xử lý thông tin ngày càng quan trọng hơn: báo chí dữ liệu (datajournalism).
Edward Snowden (1983-)
"Vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử của báo chí dữ liệu đã xuất hiện, và nó liên quan đến vấn đề tham nhũng," Edward Snowden đã nhận xét như vậy trên Twitter, người cảnh báo chính các hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu từ hơn một năm qua, khi một nguồn tin giấu tên liên lạc với tờ Süddeutsche Zeitung của Đức và cung cấp các tài liệu nội bộ của công ty Mossack Fonseca. Trong những tháng tiếp theo, lượng tài liệu được cung cấp tăng lên, tờ Süddeutsche Zeitung kể lại, đến 2,6 terabyte dữ liệu. Điều chưa bao giờ xảy ra.
Các tài liệu được cung cấp thuộc mọi hình thức – bảng tính, email, bản ghi chú, bản PDF, bản sao các fax, v.v.. Theo tờ báo của Đức, người cung cấp thông tin nặc danh, không đòi hỏi bất kỳ khoản thù lao tài chính nào hay bất cứ điều gì, ngoài các biện pháp được bảo vệ và an toàn.
Gerard Ryle
Làm thế nào để xử lý khối dữ liệu này? Tờ báo của Đức đã quyết định kết hợp với Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists, ICIJ), một tổ chức đã từng điều phối nhiều dự án tương tự (OffshoreLeaks, LuxLeaks, SwissLeaks). Trong vòng một năm, đã có hơn 370 nhà báo từ 107 phương tiện truyền thông tại 76 quốc gia tham gia chia sẻ các tài liệu, giải mã và phân tích chúng. Trong số các đối tác truyền thông, có các tờ báo như L'Espresso (Italia), The Guardian (Anh), Le Monde (cùng nhóm với Courrier international), Aftenposten (Na Uy), La Nación (Argentina), Asahi Shimbun (Nhật Bản), hoặc Ha’Aretz (Israel) và The Mail & Guardian (Nam Phi).
"Vụ rò rỉ thông tin này chắc chắn là cú đánh lớn nhất vào các thiên đường thuế, vì phạm vi rộng lớn của các tài liệu thu thập được," theo lời của Gerard Ryle, giám đốc của tổ chức ICIJ, được BBC dẫn lại, đài này cũng là một đối tác của dự án Hồ sơ Panama.
Lucie Geffroy
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La plus grande fuite de l’histoire du journalisme, Courrier International, 04/04/2016
Năm biểu đồ quan trọng nhất từ ​​v rò rỉ Hồ sơ Panama
Hồ sơ Panama được mô tả là “vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong lịch sử." Có hơn 11 triệu tài liệu mật đã bị thất thoát từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama, một công ty được mô tả là nhà cung cấp các dịch vụ ở nước ngoài lớn thứ tư trên thế giới.
Các tài liệu đã được thu thập từ một nguồn tin giấu tên, người đã liên lạc với tờ báo Süddeutsche Zeitung của Đức, tờ báo này đã phối hợp cùng với các tờ báo khác và Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) để phân tích các dữ liệu. Vụ rò rỉ cho thấy cách thức công ty luật có trụ sở tại Panama đã giúp khách hàng của họ rửa tiền và trốn thuế.
Hồ sơ Panama tiết lộ tên của 12 vị nguyên thủ hoặc cựu nguyên thủ Nhà nước và 61 người liên quan đến các nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo thế giới, trong đó có bố của Thủ tướng Anh David Cameron, ít nhất tám quan chức hàng đầu của Trung Quốc, và các ngôi sao nổi tiếng nhất của Bollywood.
Dưới đây là năm biểu đồ quan trọng nhất từ ​​cái gi là "H sơ Panama":
Hồ sơ Panama: Top 10 thiên đường trốn thuế phổ biến nhất
Hồ sơ Panama cho thấy top 10 thiên đường trốn thuế phổ biến nhất cho những người siêu giàu. Có hơn 113.000 công ty—bình quân một trên hai công ty—có tên trong các tài liệu của công ty Mossack Fonseca đã được đăng ký thành lập tại quần đảo British Virgin Islands.
Hồ sơ Panama: Top 10 nước có sự hoạt động của các trung gian
Hồng Kông đứng đầu danh sách những nước có nhiều trung gian—ngân hàng, công ty luật, công ty kế toán, và các công ty có liên quanhoạt động với hơn 2.200 công ty có đăng ký kinh doanh. Công ty Mossack Fonseca có hơn 14.000 khách hàng.
Hồ sơ Panama: Những nước có nhiều trung gian hoạt động tích cực nhất

Hồng Kông cũng đứng đầu danh sách với những trung gian hoạt động tích cực nhất, với 37.675 công ty offshore.
Top 10 ngân hàng đã giúp khách hàng thành lập nhiều công ty ở nước ngoài nhất

Vụ rò rỉ cũng phanh phui những ngân hàng đã giúp khách hàng thành lập nhiều công ty offshore nhất. Experta Corporate & Trust Services là ngân hàng đứng đầu danh sách. (Xin lưu ý là các ngân hàng HSBC, UBS, Credit Suisse và British queen’s bank cũng có tên trong danh sách.)
Vụ rò rỉ thông tin lớn nhất cho đến nay

Hồ sơ Panama lớn hơn rất nhiều về quy mô tài liệu so với một số vụ rò rỉ khác trong thập niên qua. Nguồn tin giấu tên đã gửi hơn 2,6 terabyte tài liệu của công ty Mossack Fonseca.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Từ vụ UBS đến "Hồ sơ Panama", một thập niên những vụ bê bối tài chính (và những gì mà chúng đã làm thay đổi)
Những tiết lộ từ các tài liệu của Panama vừa được bổ sung thêm vào danh sách các vụ bê bối tài chính kéo dài từ châu Âu đến Trung Quốc, qua Hoa Kỳ. Quentin Hugon/Le Monde
"Hồ sơ Panama" theo tiết lộ của tờ Le Monde và các đối tác quốc tế của họ là vụ bê bối mới nhất trong một chuỗi dài các vụ bê bối đã từng vén lên, theo cách riêng của từng vụ, một phần của bức màn phủ lên trên thế giới mờ ám của các thiên đường thuế, trốn thuế và rửa tiền.
"Hồ sơ Panama" theo ba điểm 
  • Tờ Le Monde và 108 tòa soạn khác tại 76 quốc gia, với sự điều phối của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), đã tiếp cận được một khối lượng thông tin chưa từng được công bố, vạch trần một thế giới mờ ám các giao dịch tài chính ở nước ngoài và các thiên đường thuế.
  • 11,5 triệu tệp tin được lấy từ kho lưu trữ của công ty Mossack Fonseca tại Panama, một công ty chuyên thành lập các công ty ở nước ngoài, từ năm 1977 đến năm 2015. Đây là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất chưa từng được các phương tiện truyền thông khai thác. 
  • "Hồ sơ Panama" tiết lộ, ngoài hàng ngàn người vô danh, tên của nhiều nguyên thủ quốc gia, của những nhà tỷ phú, những tên tuổi lớn trong ngành thể thao, những người nổi tiếng hay những nhân vật trong diện bị quốc tế trừng phạt đã nhờ đến những công ty bình phong ở nước ngoài để che giấu tài sản của họ.
1. Vụ bê bối của ngân hàng UBS (2008)
Vào năm 2008, Ngân hàng Thụy Sĩ UBS bị vướng vào tâm điểm một vụ bê bối, do đã giúp cho những người Mỹ giàu có trốn thuế. AFP
Bradley Birkenfeld (1965-)
Ai là người phát hiện? Các nhà chức trách Mỹ, qua lời chứng của người cảnh báo Bradley Birkenfeld.
Điều gì đã xảy ra? Vào tháng 11 năm 2008, tòa án Mỹ cáo buộc ngân hàng Thụy Sĩ UBS, từ năm 2000 đến năm 2007, đã thu hút hàng chục ngàn người Mỹ giàu có đầu tư vào ngân hàng này khoảng 20 tỷ USD (14,7 tỷ euro). Ngân hàng UBS không chỉ giúp những người này trốn thuế, mà còn tiến hành giao dịch xuyên biên giới bất hợp pháp, vì hoạt động không có giấy phép và không kê khai thuế.
Chúng ta học được điều gì? Rằng Thụy Sĩ vẫn là một thiên đường thuế khổng lồ, do được bảo vệ bởi luật bí mật về giao dịch ngân hàng, nhiều khách hàng đã trốn thuế của nước họ bằng cách mở những tài khoản không khai báo. Và rằng các ngân hàng, ngoài việc chấp nhận những khách hàng này, đã tích cực vận động họ vì những mục đích này.
Hậu quả là gì? Vào năm 2009, ngân hàng UBS đồng ý trả 780 triệu đô-la tiền phạt và chuyển cho Hoa Kỳ tên tuổi của khoảng 4.450 khách hàng người Mỹ, để tránh bị buộc tội và giữ gìn giấy phép hoạt động. Nhiều ngân hàng khác của Thụy Sĩ đã đồng ý hợp tác với các nhà chức trách Mỹ, được khuyến khích bởi một đạo luật mới của Thụy Sĩ cho phép bỏ qua bí mật về giao dịch ngân hàng.
Ở Pháp, tòa án đã thụ lý vụ án vào năm 2012, và vào năm sau đã cáo buộc ngân hàng UBS và chi nhánh của ngân hàng này tại Pháp do đã tích cực vận động các khách hàng người Pháp, bằng cách đề xuất họ mở tài khoản không khai báo tại Thụy Sĩ. Vào tháng Bảy năm 2015, tòa án Đức đã trao cho cơ quan thuế của Pháp một đĩa chứa 38.330 tài khoản của các khách hàng người Pháp, mà tờ Le Monde đã có thể tham khảo ​​được một phần trong số đó. Trong những tháng tiếp theo, ngân hàng còn bị đưa ra xét xử tại tòa tiểu hình của Paris. Họ phải đối mặt với khả năng bị phạt nhiều tỷ euro, bằng một nửa trong tổng giá trị tài sản được che giấu.
2. Vụ Offshore Leaks (2013)
Vào năm 2013, có ba mươi sáu phương tiện truyền thông là đối tác trong vụ điều tra quốc tế về những thiên đường thuế trong vụ "Offshore Leaks", phối hợp với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). ICIJ
Ai là người phát hiện? Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và 36 phương tiện truyền thông quốc tế, trong đó có tờ Le Monde.
Đối tượng là ai? Các nhà báo của chiến dịch Offshore Leaks đã tham khảo và điều tra một vụ "rò rỉ thông tin" từ 2,5 triệu tài liệu liên quan đến 122.000 công ty ở nước ngoài được quản lý bởi Portcullis TrustNet  (Singapore) và Commonwealth Trust Limited  (British Virgin Islands), những công ty chuyên đăng kí các công ty siêu lãnh thổ (offshore).
François Hollande (1954-)
Jean-Jacques Augier (1953-)
Chúng ta học được điều gì? Vụ Offshore Leaks, lần đầu tiên, đã giúp hiểu được, một cách chính xác và từ nội bộ bên trong, các cơ chế giao dịch tài chính siêu lãnh thổ và trốn thuế. Chiến dịch đã giúp làm rõ vai trò then chốt của một số ngân hàng Pháp, như ngân hàng BNP Paribas và Crédit Agricole, trong hệ thống này. Về phía các cá nhân có liên quan, người ta được biết có 130 người Pháp đã đầu tư vào những công ty ở nước ngoài này (chủ yếu là các doanh nhân và những người có địa vị ở tỉnh, mà còn có thủ quỹ chiến dịch tranh cử tổng thống của François Hollande, Jean-Jacques Augier).
Herbert Stepic (1946-)
Hậu quả là gì? Trên bình diện quốc tế, Tổng giám đốc của tập đoàn ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) của Áo, Herbert Stepic, đã từ chức khỏi Hội đồng quản trị của ngân hàng ông, sau thông báo mở một cuộc điều tra chính thức vào những khoản đầu tư cá nhân của ông tại các thiên đường thuế. Và một tháng sau khi vụ rò rỉ thông tin được công bố, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Úc đã nắm được những dữ liệu tương tự với những dữ liệu mà tổ chức ICIJ đã thu thập được, rồi chia sẻ những thông tin đó với các nước khác. Vụ Offshore Leaks đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống các thiên đường thuế của các tổ chức G20 và OECD (Organization for Economic Cooperation and Development – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), đặc biệt nhắm đến việc mở rộng việc trao đổi tự động các dữ liệu.
3. Vụ China Leaks của Trung Quốc (tháng 1 năm 2014)
Vụ China Leaks đã đưa ra ánh sáng tiền che giấu của giới tinh hoa Trung Quốc. ICIJ
Ai là người phát hiện? Tổ chức ICIJ và một nhóm nhỏ các phương tiện truyền thông quốc tế, trong đó có tờ Le Monde.
Thông tin rò rỉ là gì? Đây là phần quan trọng nhất của hồ sơ Offshore Leaks, đã được đặt sang một bên và dành lại cho sau này, do rào cản về ngôn ngữ (và những khác biệt trong dịch thuật khi chuyển các ký tự Trung Quốc sang chữ Latinh), một khó khăn trong việc phân tích các tài liệu này.
Chúng ta học được điều gì? Chiến dịch đã tiết lộ hơn 20.000 khách hàng từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông liên quan đến những công ty ở nước ngoài được thành lập tại các thiên đường thuế, trong đó có nhiều "thái tử đảng" gắn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (như anh rể của chủ tịch Tập Cận Bình, con trai và con gái của Thủ tướng Ôn Gia Bảo và những người thân tín của Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng, Bành Chân và Hồ Cẩm Đào).
Hậu quả là gì? Các nhà chức trách Trung Quốc đã kiểm duyệt phần lớn các thông tin liên quan đến vụ "rò rỉ thông tin", đặc biệt bằng cách ngăn chặn các trang web internet nước ngoài; những cáo buộc từ vụ rò rỉ thông tin không dẫn đến một cuộc truy tố nào cả.
4. Vụ Luxembourg Leaks (tháng 12 năm 2014)
Các "thỏa thuận điều tiết thuế" cho phép Luxembourg hợp pháp hóa việc trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia lớn, như Amazon. EMMANUEL DUNAND/AFP
Antoine Deltour
Edouard Perrin
Ai là người phát hiện? Thông qua nhiều người cảnh báo, trong đó có Antoine Deltour (cựu nhân viên của công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers), và nhà báo Pháp Edouard Perrin, tổ chức ICIJ và bốn mươi đối tác phương tiện truyền thông, trong đó có tờ Le Monde, đã tiết lộ 28.000 trang thỏa thuận thuế bí mật, từ năm 2002 đến năm 2010, giữa cơ quan thuế Luxembourg và các tập đoàn đa quốc gia (Apple, Amazon, Verizon, AIG, Heinz, Pepsi và Ikea).
Thông tin rò rỉ là gì? Đây không còn là một vụ trốn thuế của các cá nhân qua các tài khoản ngân hàng, mà là một vụ tối ưu hóa thuế của 340 tập đoàn đa quốc gia lớn với sự thông đồng của các nhà chức trách Luxembourg.
Chúng ta học được điều gì? Các "thỏa thuận điều tiết thuế" (tax ruling) này cho phép các doanh nghiệp vi phạm chế độ thuế thông thường để trả tiền thuế ít hơn. Các "thỏa thuận điều tiết thuế" này xuất phát từ công ty kiểm toán và tư vấn PricewaterhouseCoopers, đơn vị đã soạn thảo và đàm phán các điều khoản với chính quyền Luxembourg.
Jean-Claude Juncker (1954-)
Hậu quả là gì? Vụ Luxembourg Leaks đã làm suy yếu vị thế của vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu vừa mới được bổ nhiệm, Jean-Claude Juncker, cựu Thủ tướng của Đại công quốc Luxembourg khi các thỏa thuận đã được viết ra. Tháng 10 năm 2015, các nước châu Âu cũng đã phê duyệt, trong trong thời gian kỷ lục, Chỉ thị về việc lưu hành tự động các điều tiết thuế giữa các chính quyền với nhau. Và Ủy ban châu Âu chuẩn bị những chỉ thị mới để buộc các tập đoàn đa quốc gia cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động của họ, trong từng quốc gia, cho cơ quan thuế của đất nước của các tập đoàn này (doanh thu, lợi nhuận, nộp thuế ...). Brussels cũng muốn vô hiệu hóa hoạt động trốn thuế bằng cách ngăn chặn việc lạm dụng các điều khoản mang tính “giải thuế” (khoản vay nội bộ, khấu trừ lãi suất ...).
Một hậu quả tai hại hơn (đối với tự do ngôn luận), nhà báo Pháp Edouard Perrin đã bị truy tố ngày 23 tháng 4 2015 tại Luxembourg, với lí do "trộm tư gia" và "rửa tiền". Đây là trường hợp thứ ba tại Luxembourg, tiếp sau trường hợp của Antoine Deltour, trong tháng 12 năm 2014, và của một nhân viên khác của PwC trong tháng Giêng năm 2015.
5. Vụ Swiss Leaks, danh sách HSBC (2015)
Vụ Swiss Leaks xuất phát từ các tập tin của ngân hàng HSBC của Thụy Sĩ bị chuyên gia máy tính Hervé Falciani đánh cắp. Christian Hartmann/REUTERS
Ai là người phát hiện? Đây là những tài liệu bị cựu chuyên gia máy tính của ngân hàng HSBC Herve Falciani đánh cắp và nước Pháp đã thu hồi được. Le Monde đã tiếp cận và chia sẻ chúng với ICIJ và 55 phương tiện truyền thông.
Thông tin rò rỉ là gì? Về phía Pháp, đã có hai danh sách phù hợp, được thành lập bởi cơ quan thuế và tòa án từ cơ sở dữ liệu được ông Falciani cung cấp. Chúng chứa khoảng 3.000 tên công dân Pháp, những người từng có một tài khoản trong ngân hàng HSBC của Thụy Sĩ trong năm 2005-2006. Đối với phần còn lại của thế giới, Le Monde đã nhận được trong USB các dữ liệu chứa tên của hơn 100.000 khách hàng và 20.000 công ty offshore.
Alain Afflelou (1948-)
Christian Karembeu (1970-)
Chúng ta học được điều gì? Một số tên trong danh sách này có quy chế hợp pháp (như Christian Karembeu và Alain Afflelou, là thường trú nhân tại Thụy Sĩ), trong khi những người khác là bất hợp pháp như Arlette Ricci, thừa kế nhà thời trang Nina Ricci. Cuộc điều tra ở Pháp cũng đã chiếu một cái nhìn nghiêm khắc về cách thực hành của HSBC, ngân hàng đã tích cực giúp các khách hàng trốn thuế, đề xuất để ngân hàng tự thành lập công ty offshore cho khách hàng, và đôi khi cố gắng thuyết phục khách hàng đừng hợp thức hóa tình trạng của họ. Như vậy, theo tính toán của cơ quan thuế thì cho năm 2014, hơn 5,7 tỉ € đã bị người nộp thuế ở Pháp che giấu, ẩn đằng sau các công ty bình phong thiết lập ở Panama và British Virgin Islands.
Arlette Ricci (1941-)
Hervé Falciani (1972-)
Hậu quả là gì? Arlette Ricci lãnh án ba năm tù trong đó có hai năm là tù treo, và 1 triệu euro tiền phạt về hành vi trốn thuế (cô đã kháng án). Cuộc điều tra đối với HSBC tại Pháp đã tăng tốc: chi nhánh Thụy Sĩ, của ngân hàng, HSBC Private Bank, bị buộc tội "đồng lõa rửa tiền, càng thêm trầm trọng vì gian lận thuế" và "đồng lõa chào mời bất hợp pháp". Tại Anh, các dân biểu đã mở một cuộc điều tra hoạt động của HSBC. Tại Brazil, sau một cuộc điều tra của tư pháp, và khó khăn kinh tế cho toàn bộ nhóm, ngân hàng cuối cùng đã đóng cửa chi nhánh của nó. Ở các nước khác, ngân hàng thương lượng để nộp tiền phạt hơn là phải đối mặt với một bản án, như ở Thụy Sĩ, nơi mà ngân hàng đã thanh toán 38 triệu € tiền phạt, hoặc cố gắng làm như vậy (ở Bỉ). Chuyên gia máy tính Hervé Falciani bị Thụy Sĩ kết án làm gián điệp kinh tế. Trốn sang Tây Ban Nha, nước từ chối dẫn độ ông sau khi ông đã cộng tác với cơ quan thuế Tây Ban Nha, sau đó trở về Pháp, nơi ông không thể bị "dẫn độ", ông đã bị Thụy Sĩ kết án vắng mặt năm năm tù, cuối năm 2015.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF