21.4.16

Những người kế thừa mới của Keynes



Những người kế thừa mới của Keynes

Anh Quốc dẫn đầu một nỗ lực toàn cầu để tư duy lại cách thức kinh tế học được giảng dạy
Với các nhà kinh tế, năm 2008 là một cơn ác mộng. Những người giảng dạy và nghiên cứu môn khoa học bị Thomas Carlyle, một cây bút chiến ở thế kỷ 19, chế nhạo như “khoa học buồn thảm”, không chỉ thất bại trong việc phát hiện ra vực thẳm, mà nhiều người còn dự báo chính điều ngược lại – một sự ổn định thanh bình mà họ gọi là “sự điều độ lớn” (“great moderation”). Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ từ, môn học này vẫn ở trong tình trạng thay đổi liên tục, với các sinh viên háo hức tìm hiểu những điều sai trái gì đã xảy ra, nhưng bị vỡ mộng bởi những gì họ được dạy. Vài dự án táo bạo mới để chỉnh sửa kinh tế học nhằm thay đổi điều này.
John R. Hicks (1904-1989)
Thomas Carlyle (1795-1881)
Anh Quốc đã định hình ở đây. Những năm đầu thập niên 1930, kinh tế học đã ở trong một tình trạng tồi tệ. Nền kinh tế toàn cầu đã bị sa lầy theo lối mòn và các kinh tế gia không thể giải thích tại sao. Hai người Anh đã thay đổi mọi sự. Năm 1933, John Maynard Keynes, một nhà kinh tế tại Đại học Cambridge, cung cấp những thành phần thô sơ: một lý thuyết mới giải thích cầu thấp và yếu có thể dẫn đến những cuộc khủng hoảng kinh tế dai dẳng và tình trạng thất nghiệp dài hạn. Những ý tưởng căn bản nhưng lại quá kỹ thuật. Chúng thực sự cất cánh khi John Hicks, về sau cũng làm việc tại Cambridge, chắt lọc những ý tưởng của Keynes thành một mô hình đơn giản mà nó nhanh chóng trở thành xương sống cho chương trình giảng dạy bậc đại học.
Friedrich Hayek (1899-1992)
John M. Keynes (1883-1946)
Bây giờ, một lần nữa, những điều kiện cho sự thay đổi đã chín muồi, Anh Quốc lại ở vào vị thế để có vai trò lãnh đạo. Cho một khởi đầu, có dòng máu nóng đến với khoa học này. Số lượng học sinh đăng ký học kinh tế tại chương trình Cấp độ A – hơn 26.000 tại tháng Sáu năm 2013 – là cao nhất mọi thời điểm. Tuy nhiên, nhiều sinh viên đại học, đang rất thất vọng bởi những gì họ theo đuổi. Tại Đại học Manchester, một hội sinh viên đã được thành lập nhằm thách thức đề cương học tập hiện hành. Trong số những yêu cầu là ít bài giảng bị sa lầy vào những chi tiết toán học hơn và nhiều thời gian thảo luận về các nhà tư tưởng quan trọng trong lịch sử (kinh tế học). 
Đây không chỉ là sự cằn nhằn của sinh viên. Nhiều trợ giảng than phiền trước thực tế là lịch sử học thuyết kinh tế bây giờ hiếm khi được dạy. Điều này không có nghĩa là sự chuyển dịch sang tả hướng về chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx hay sang hữu ủng hộ chủ nghĩa tự do triệt để của Hayek, nhưng là trang bị cho các sinh viên những công cụ để sử dụng các nhà tư tưởng lịch sử như một nguồn cho những ý tưởng mới.
Irving Fisher (1867-1947)
Milton Friedman (1912-2006)
Để thấy tại sao những vấn đề này là quan trọng, hãy xét trường hợp của ngân hàng. Cả Irving Fisher lẫn Milton Friedman đều hoài nghi đối với việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (thực tế là các khoản tiền gửi tại ngân hàng đều trở thành khoản tín dụng, chứ không phải những tài sản an toàn) và viết rất nhiều về chủ đề này. Với một số ít người biết về họ, những đề xuất của hai tác giả trên đã rất có ích khi thiết kế “khoản dự trữ đảm bảo” được sử dụng để bảo vệ các khoản tiền gửi cá nhân hiện nay. Nếu nhiều nhà điều tiết được giảng dạy các công trình của họ tại trường đại học, có lẽ ý tưởng trên đã đến trước khi sự sụp đổ xảy ra, thay vì đến sau.
Ben S. Bernanke (1953-)
Stanley Fischer (1943-)
Không chỉ các sinh viên mới không thỏa mãn với kinh tế học. Các kinh tế gia chuyên nghiệp cũng có thể nhận thấy những chiến thắng dễ dàng. Nhiều người nghĩ rằng lịch sử kinh tế nên được giảng dạy rộng rãi hơn, viện dẫn một thực tế là Cục dự trữ liên bang của Ben Bernanke, được ảnh hưởng bởi hiểu biết của ông ấy về cuộc Đại khủng hoảng và về sự suy thoái của Nhật Bản thập niên những năm 1990, đã hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn những đồng nghiệp khác của ông trong các nước giàu có. Không chỉ là lịch sử tài chính Hoa Kỳ mới quan trọng. Stanley Fischer, thống đốc của Ngân hàng Trung ương Israel từ 2005 đến 2013, nói rằng ông ấy đã phát hiện ra lịch sử kinh tế (bao gồm cả định luật nổi tiếng của Walter Bagehot – cung cấp những số lượng tiền mặt hào phóng cho các ngân hàng gặp trục trặc nhưng ghi sổ nợ cho nó) có ích khi chống lại cuộc khủng hoảng năm 2008. Tài liệu này đã bị rút ra khỏi đề cương tại hầu hết các trường đại học rất lâu trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra.
Wendy Carlin
Walter Bagehot (1826-1877)
Một nhóm mới các giảng viên bây giờ đang lắng nghe. Lãnh đạo bởi Wendy Carlin, một nhà kinh tế học tại Đại học College London, họ đang thiết kế một chương trình giảng dạy mới ở cấp độ đại học. Dự án, nhằm để triển khai cho năm học 2014-2015, sẽ thay đổi nhiều thứ theo một số cách. Những ý kiến của các sinh viên đang được lưu tâm, với các nhóm như Rethingking Economics (Tư duy lại Kinh tế học), một nhóm sinh viên đặt ở Luân Đôn, tạo cơ hội để bình luận về chương trình giảng dạy mới. Nó cũng được kết nối vào thế giới chính sách. Một hội nghị để khai trương dự án của Cô Carlin, được tổ chức vào ngày 11 tháng 11, tại Kho bạc Hoàng gia và có sự tham dự của cả những nhà kinh tế học từ Ngân hàng (Trung ương) Anh.
Từ Bloolsbury đến Bangalore
Dự án cũng sẽ mang tính quốc tế nhiều hơn. Trước khủng hoảng, sinh viên có thể tốt nghiệp với ít hiểu biết về bất kỳ nền kinh tế nào khác hơn nền kinh tế Mĩ. Những học giả đóng góp vào dự án của Cô Carlin đến từ chín quốc gia, bao gồm những thị trường mới nổi như Chile, Colombia, Ấn Độ và Nga. Họ học những kiến thức của Hicks trên trình chiếu, với những tài liệu trực tuyến trông rất thông minh được thiết kế bởi Đại học Azim Premji ở Bangalore. Không ai theo đuổi khóa học sẽ phải mua những cuốn giáo trình đắt đỏ: các tài liệu sẽ được phân phối miễn phí tới các khoa của trường đại học.
Douglas Gale
Franklin Allen (1956-)
Tất cả những điều trên là khả thi vì có sự thay đổi lớn lao khác nữa của kinh tế học Anh Quốc. Kể từ thời hoàng kim của kinh tế học hậu Keynes ở Anh thập niên 1950, một dòng các nhà kinh tế học đều đặn dịch chuyển đến Hoa Kỳ, một phần bị quyến rũ bởi các mức lương cao hơn tại đó. Nhưng sự giới hạn về tiền bạc đang được giải phóng bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm bung tiền vào môn học này. Brevan Howard, một quỹ đầu tư mạo hiểm với các tài sản trị giá 40 tỷ USD, vừa sáng lập một trung tâm mới nghiên cứu sự ổn định tài chính tại Đại học Hoàng gia. Vào ngày 11 tháng 11, nó đã công bố rằng Franklin Allen và Douglas Gale, theo thứ tự là giáo sư tại Trường kinh doanh Wharton và Đại học New York, sẽ cùng đứng đầu trung tâm này. Dòng chảy máu chất xám có lẻ bắt đầu được đảo chiều.
Dự án của Cô Carlin cũng hưởng lợi tiền bạc từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, với dòng tiền đến từ Institute for New Economic Thingking (INET- Viện Tư tưởng kinh tế mới), một “think tank” được George Soros, một nhà đầu tư, năm 2009 thành lập. INET bây giờ cung cấp 4 triệu USD cho những dự án về kinh tế học hằng năm, bao gồm cả một trung tâm nghiên cứu mới tại Đại học Oxford. Keynes cũng đã từng là một nhà đầu tư tích cực và nghĩ rằng vai trò của kinh tế học là bảo vệ những điều tốt đẹp trong cuộc sống – âm nhạc, nghệ thuật và đời sống tri thức. Ông ấy hẳn sẽ tán thành hoàn toàn dự án này.
Nguyễn Vũ Hoàng dịch
Nguồn: “Keynes’s new heirs”, The Economist, Nov 23, 2013
Print Friendly and PDF