Xét lại bài luận Tôi Là Cây Bút Chì. Vượt ra khỏi Chủ Nghĩa Thị Trường Bảo Căn
Vai trò hợp lý của chính phủ từ góc nhìn của một môn khoa học phức hợp
David Colander và Roland Kupers
David Colander là giáo sư kinh tế học tại trường Middlebury College. Roland Kupers là chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Smith về Doanh Nghiệp và Môi Trường thuộc trường Đại Học Oxford. Cả hai là đồng tác giả cuốn Complexity and the Art of Public Policy (Sự Phức Hợp và Tính Nghệ Thuật của Chính Sách Công)
Lời của biên tập viên: trong tác phẩm quan trọng của họ, cuốn Complexity and the Art of Public Policy, kinh tế gia David Colander và chuyên gia về sự phức hợp Roland Kupers đã viết tiếp bài luận truyền thống có tên “I, pencil” (Tôi là cây bút chì) nhằm minh họa vai trò thiết yếu của các chính phủ và các định chế khác trong việc thiết lập “cấu trúc kinh tế” cho các quá trình thị trường dẫn đến các kết cục xã hội tích cực. Họ gọi điều này là “tự do kinh doanh linh hoạt”, trái ngược với Chủ Nghĩa Thị Trường Bảo Căn cứ vin vào cái cớ cho rằng việc tự do chạy theo tư lợi (tự do thuần túy) chắc chắn sẽ bồi đắp cho lợi ích chung. Phần tiếp theo của bài luận “I, Pencil” mà họ viết sử dụng phương pháp tường thuật tương tự như phiên bản gốc nhưng lại đi đến một kết luận rất khác biệt. Được sự đồng ý của tác giả và nhà xuất bản, Princeton University Press, Evonomics.com hân hạnh giới thiệu toàn bộ Chương 3 trong tác phẩm của Colander và Kuper. Chúng tôi đánh giá bài luận I, Pencil Revisited là một bước quan trọng tiến tới việc dung hòa các phân cực trong cuộc tranh luận về kinh tế và chính trị, đồng thời thiết lập được tiếng nói chung hiệu quả mà theo đó “tính nghệ thuật” của chính sách công có thể được thực thi trong một thế giới phức tạp.
***
David Colander (1947-) |
Roland Kupers |
So với những người chủ yếu tin vào sự kiểm soát và hoạch định của chính phủ thì những người đặt niềm tin vào thị trường tự do nhìn chung là gần gũi với khung phức hợp nhiều hơn. Trong thực tế, sự phức hợp có thể rất thường bị đánh đồng với tự do kinh doanh thuần túy một cách thiếu cơ sở, tuy nhiên sự phức hợp bao hàm việc chính phủ không tự xem mình là một thế lực kiểm soát hay một chủ thể hoạch định mà là một đối tác tự nhiên của các định chế sẵn có cùng tìm kiếm các thông số hành động hữu ích. Chúng tôi gọi sự phối hợp tìm kiếm này là chính sách “tự do kinh doanh linh hoạt”. Tuy các thuật ngữ tự do kinh doanh linh hoạt và tự do kinh doanh có vẻ tương tự nhau trong khung chính sách chuẩn nhưng chúng rất khác nhau tùy theo cách hình dung vai trò của chính phủ. Vì vậy mà chúng tôi cần phân biệt khung phức hợp của chúng tôi với khung thị trường tự do được tán dương bởi những người ủng hộ chính sách giải điều tiết hoàn toàn.
Leonard Read (1898-1983) |
Để minh họa cho sự khác biệt nói trên, trong bài luận này chúng tôi dẫn lại một câu chuyện phổ biến về thị trường. I, pencil là một bài luận nổi tiếng ủng hộ thị trường tự do của Leonard Read, sáng lập viên của Foundation for Economic Education (FEE – Quỹ Giáo Dục Kinh Tế Học). Read đã viết bài luận này bằng quan điểm của một cây bút chì than. Bài luận mở đầu như sau:
Tôi là một cây bút chì than – loại bút chì làm bằng gỗ quen thuộc với tất cả trẻ em và người lớn biết đọc biết viết.
Viết là nghề và cũng là thú tiêu khiển của tôi; đó là tất cả những gì tôi làm.
Bạn có thể thắc mắc rằng tại sao tôi nên viết tiểu sử. Vâng, tôi xin mở đầu rằng câu chuyện của tôi rất thú vị …(toàn văn ở đây)
Bài viết ngắn này được đăng đi đăng lại trên các trang web tán dương thị trường và theo chúng tôi thì bài viết này đã làm sáng tỏ một cách tỉ mỉ quan điểm về thị trường của những người tuyệt đối tin vào thị trường. Về cơ bản, bài viết này đưa ra luận điểm cho rằng quá trình sản xuất quá phức tạp để có thể được thực hiện bằng việc kiểm soát từ trên xuống, và thay vào đó thì bàn tay vô hình của thị trường sẽ điều tiết tốt nhất quá trình sản xuất. Những người ủng hộ thị trường tự do lập luận rằng đặc tính này chứng tỏ thị trường được ưa chuộng hơn sự kiểm soát của chính phủ. Câu chuyện của chúng tôi là bản cập nhật của bài luận gốc, và được thuật lại bởi chính một trong các hậu duệ người Mỹ của I, Pencil – một trong những cây viết chì thời hiện đại:
Phiên bản cập nhật của câu chuyện I, Pencil (được kể cho David Colander và Roland Kupers)
Tôi là một hậu duệ của I Pencil nổi tiếng, tác giả của phiên bản tiểu sử rất được tôn sùng trong vai trò là kim chỉ nam của những người ủng hộ thị trường tự do. Cùng với sự phát triển của công nghệ mới, hiện tôi thua xa I Pencil về tầm mức quan trọng, nhưng tôi vẫn xoay sở để kiếm sống. Thật không may cho sự phi thường của tôi, tương lai của chúng tôi không được sáng sủa. Ngày nay, mọi người chỉ cần gõ bàn phím để viết và không còn kết hợp việc viết lách với gia đình Pencil nữa. Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng tôi có một câu chuyện quan trọng để kể ra đây.
Điều khiến cho câu chuyện của I Pencil có sức hấp dẫn chính là bằng cách nào, từ khi nào người ta soi mói sự kết hợp có vẻ đơn giản giữa gỗ, sơn, nhãn in, than chì, thép, keo, và gôm để tạo nên cây bút chì, điều mà người ta thấy thực sự là một bản giao hưởng của sự tinh tế, được diễn tấu mà không có người nhạc trưởng! Cho dù mỗi người liên quan chỉ biết được một phần nhỏ của toàn bộ qui trình, bàn tay vô hình của thị trường đã kết hợp hoạt động của hàng trăm hàng ngàn con người vào một qui trình tuyệt diệu để tạo ra cây bút chì, cũng như là tạo ra hàng triệu sản phẩm khác phức tạp hơn cây bút chì bằng các qui trình thậm chí còn rắc rối hơn. Câu chuyện của cây bút chì ca tụng năng lực sáng tạo của con người vốn là căn nguyên của hạnh phúc và sự giàu có của xã hội.
G. K. Chesterton (1874-1936) |
I Pencil đã viết về tiểu sử của mình để dẫn đến một bài học quan trọng được đúc kết từ quan sát của G. K. Chesterton cho rằng “Chúng ta bị diệt vong vì thiếu khát khao đối với điều mới lạ, chứ không chết vì thiếu những điều mới lạ.” Bài học về làm thế nào mà những điều có vẻ tầm thường lại có thể là, và thường chính là một tầm nhìn tuyệt diệu. Trong phần tiểu sử kiệt xuất của mình, I Pencil đã chỉ ra rằng một cây bút chì đơn giản như anh ta xứng đáng là một điều kỳ diệu bởi vì, mặc dù giản đơn, nhưng không một ai hiểu tường tận về sự phức hợp đã tạo nên anh ta.
Phiên bản tiểu sử cập nhật của tôi bám khá sát bản gốc của I Pencil. Cũng có việc đốn cây bạch dương, pha sơn và trộn đất sét cho phần lõi chì, cũng có vận chuyển, và nhiều công đoạn tương tự khác … Tuy câu chuyện nhìn chung vẫn tương tự, nhưng một vài chi tiết đã được thay đổi, một số tầm thường hơn, một số quan trọng hơn. Ví dụ, tiểu sử của I Pencil bắt đầu từ Northern California; còn của tôi là từ Malaysia, một phần là vì các qui định của chính phủ Mỹ yêu cầu việc khai thác gỗ phải được thực hiện một cách bền vững. Một thay đổi nhỏ nữa là I Pencil có sáu lớp sơn phủ, còn tôi thì chỉ có hai lớp. Nhưng e rằng bạn sẽ cho là tôi không tốt bằng I pencil về mặt này, tôi khẳng định rằng việc sơn phủ của tôi không hề thua kém của I pencil, bởi tôi được sơn bằng hệ thống sơn UV mới giúp cho hai lớp sơn phủ tốt như sáu lớp trước đây.
Bất chấp những khác biệt đó, câu chuyện của chúng tôi nhìn chung là tương tự nhau. Sự tồn tại của chúng tôi đều khởi thủy từ cái chết của một thân cây, từ hoạt động khai khoáng và từ quá trình sản xuất ra các nguyên liệu thô khác cấu thành nên chúng tôi. Tiểu sử có nhiều điểm chung của chúng tôi bao gồm tất cả những con người tạo ra chúng tôi, và những người làm ra công cụ và máy móc để tạo ra chúng tôi, và cả những người làm ra công cụ và máy móc để tạo ra công cụ và máy móc để tạo ra chúng tôi … Bạn có thể hình dung rằng tiểu sử của chúng tôi là một sự hồi quy vô tận chứa đựng vô số tập hợp.
So với bất cứ điều gì khác thì sự phức hợp của tôi thậm chí còn đáng kể hơn của I Pencil bởi vì ngày nay có khá ít người trực tiếp tham gia sản xuất ra tôi. Số lượng nhân công trực tiếp sản xuất đã giảm đi nhiều đến mức mà ngày nay người ta tưởng rằng tôi hầu như hoàn toàn được sản xuất bằng máy. Nhưng bạn đừng để bị đánh lừa – sự sáng tạo của con người bằng xương bằng thịt rốt cuộc ẩn đằng sau những máy móc đó, và điều nhiệm màu của việc sản xuất ra tôi có liên quan đến sự sáng tạo con người. Vì vậy mà sự phức hợp gia tăng của tôi chỉ đơn thuần củng cố thêm bài học của I Pencil.
Mặc dù người ta vẫn gọi tôi là một cây bút chì, nhưng tôi, tương tự như I Pencil, không có chì trong lõi – tôi sở hữu một hỗn hợp gồm than chì và đất sét được bọc bằng sáp giống như I Pencil. Nhưng thực ra thì tôi có chì – chỉ có điều là không phải ở trong lõi – mà ở trong lớp sơn phủ quanh tôi. Chất chì này làm xấu tiểu sử của gia đình tôi. Bạn biết rằng trước đây, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng chất chì trong lớp sơn phủ quanh I Pencil có thể gây ra các vấn đề về thính giác, đau đầu, và làm tổn hại các tế bào thần kinh cho những người tiếp xúc với nó. Chì đặc biệt có hại cho trẻ em khi chúng nhai gặm đuôi bút chì, mà con nít lại thường hay làm như vậy. Cho nên, gia đình Pencil của chúng tôi gây hại cho lũ trẻ mà I Pencil không biết. Cả gia đình tôi lấy làm ân hận về điều này và chúng tôi đã rất cố gắng để điều này không tái diễn.
Dưới đây là cách mà chúng tôi giải quyết vấn đề. Sau khi biết về vấn đề của chất chì, Ủy Ban An Toàn Các Sản Phẩm Tiêu Dùng đã thiết lập các tiêu chuẩn về hàm lượng chì sao cho các lớp sơn phủ được sử dụng trên các sản phẩm tiêu dùng không vượt quá mức 0,06% trọng lượng. Bất cứ ai vi phạm tiêu chuẩn trên sẽ bị xử phạt và chịu trách nhiệm pháp lý. Không chỉ có chính phủ can thiệp nhằm giải quyết vấn đề về chất chì. Cả hiệp hội ngành sản xuất bút chì cũng đã vào cuộc. Hiệp hội đã xây dựng các qui trình kiểm tra và chứng nhận nhằm đảm bảo rằng tôi, và các anh em của tôi, đạt tiêu chuẩn do chính phủ qui định về chất chì và các độc chất khác, và tôi tự hào khẳng định rằng mình đạt tiêu chuẩn. Đó là lý do tại sao tôi được đóng dấu ASTM D4236 lên thân mình. Nó phát ra một thông điệp trực quan rằng tôi an toàn, thậm chí đối với những đứa trẻ gặm tôi – mặc dù gặm viết chì vẫn là một ý tưởng không hay. Đó là một chương trình chứng nhận tự nguyện, và tôi vui mừng vì gia đình tôi đã tham gia.
“Vấn đề chất chì” tạo nên một phần khác trong câu chuyện về tiểu sử của chúng tôi mà I Pencil đã không nhắc đến. Nội dung phần này của câu chuyện giúp mở rộng tiểu sử của tôi rất đáng kể, đồng thời truyền tải câu chuyện về quá trình sản xuất ra tôi thậm chí còn phức tạp hơn so với những gì được truyền tải trong nội dung của I Pencil. Như bạn đã biết, I Pencil tập trung câu chuyện của mình vào những người có hậu duệ được trực tiếp tạo ra từ quá trình sản xuất, và mô tả làm thế nào mà một số người bị tách ra khỏi quá trình sản xuất trực tiếp – là những người tạo ra máy móc thiết bị để sản xuất ra máy móc thiết bị, v.v.. I Pencil đã không nhắc đến những người gián tiếp sản xuất ra các sản phẩm của I Pencil. Những người sản xuất gián tiếp này cung cấp và duy trì cơ chế giúp cho những người sản xuất trực tiếp có thể thực hiện công việc của mình.
Lý do mà những người sản xuất gián tiếp này có vai trò quan trọng là vì quá trình sản xuất hiện đại có liên quan đến vô số sự phối hợp gián tiếp chỉ nhằm duy trì cấu trúc thể chế. Nếu những người sản xuất gián tiếp không thể tạo ra một cấu trúc thể chế chấp nhận được, thì hệ thống sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn vì thiếu vắng sự phối hợp, hoặc trở nên quá xơ cứng đến mức ngáng chân các phương pháp mới trong việc cải tiến quá trình sản xuất ra tôi. Vậy nên, trong khi hàng trăm ngàn người phải phối hợp hành động trực tiếp của mình với nhau để sản xuất ra một cây bút chì, thì hàng trăm ngàn người khác đóng góp cho quá trình sản xuất bằng cách cung cấp các hỗ trợ nhằm đảm bảo cho những người có liên quan đến quá trình sản xuất thực hiện được công việc của họ.
Ví dụ, để có thể sản xuất ra tôi, ai đó phải có nhiệm vụ bảo vệ các quyền sở hữu vốn là nền tảng của thị trường, ai đó phải có nhiệm vụ đảm bảo thực thi các hợp đồng được ký kết giữa các cá nhân, và ai đó phải có nhiệm vụ giám sát chất chì, giám sát sự an toàn của máy móc, và những vấn đề tương tự mà nếu như không được quan tâm giải quyết thì rất có thể sẽ khiến cho xã hội phá hỏng cấu trúc thể chế sản xuất ra tôi. Chính phủ là một trong số các tổ chức quan trọng mà những con người sáng tạo đã tạo ra và thông qua chính phủ các quy tắc được hình thành và duy trì. Chính phủ vừa là trọng tài, vừa là ủy ban lập ra các quy tắc. Ở đất nước của chúng tôi, chính phủ chính là người chịu trách nhiệm vô hạn đối với vấn đề thực thi các quyền sở hữu, thiết lập các chuẩn mà xã hội có thể chấp nhận, đồng thời cung cấp hệ thống tòa án nhằm phân xử các quan điểm khác nhau vốn tồn tại một cách khách quan.
Về phương diện quốc tế, chúng ta không có chính phủ toàn cầu; thay vào đó, chúng ta có vô số các hiệp ước được thỏa thuận với nhau thông qua các chính phủ nhằm tạo điều kiện cho hoạt động hợp tác quốc tế được diễn ra. Không có sự hợp tác này, các quá trình sản xuất phức hợp mà bản thân tôi phụ thuộc vào có thể đã không được triển khai. Bàn tay vô hình được dẫn dắt bởi hàng triệu bàn tay nhỏ hữu hình cùng làm việc để giữ cho bàn tay vô hình vận động đúng hướng. Trong thực tế, không chỉ có vô số cá nhân thuộc thành phần tư nhân tham gia sản xuất ra một cây bút chì; mà còn có sự tham gia của cả hệ thống bao gồm chính phủ và các định chế phối hợp. Vì vậy, để có thể kể đầy đủ câu chuyện về quá trình sản xuất ra tôi, tôi cần nhắc đến chính phủ, và nhiều đoàn thể khác hỗ trợ chính phủ trong vai trò phối hợp, như Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Bút Chì mà gia đình tôi có tham gia.
Chính phủ không chỉ đóng vai trò thiết lập các quy tắc và các giới hạn trong tiểu sử của tôi. Đơn cử, chính phủ đã xây dựng và duy trì hệ thống đường giao thông, góp phần vào sự phát triển công nghệ. Với vai trò có liên quan đến công nghệ nói trên, chính phủ không chỉ có công trong việc sản xuất ra tôi; mà còn góp phần vào sự suy tàn của dòng sản phẩm bút chì. Chính cơ quan của chính phủ DARPA (Defense Advanced Research Project Agency - Cục Nghiên Cứu Dự Án Quốc Phòng Cấp Cao) đã cấp vốn mồi và cấp dưỡng cho sự phát triển của Internet ngay từ đầu, khiến cho những cây bút chì trở nên lỗi thời.
Khi nói rằng chính phủ có xuất hiện trong tiểu sử của tôi không có nghĩa là chính phủ trực tiếp kiểm soát quá trình sản xuất ra tôi. Trong thực tế, một trong những vai trò trọng yếu của chính phủ là ngăn cản không cho bất cứ ai, kể cả chính phủ, tìm cách kiểm soát quá trình sản xuất ra tôi. Tôi nghi ngờ rằng lý do mà I Pencil không đề cao vai trò của chính phủ là vì anh ta lo ngại rằng nếu đề cập đến sẽ khiến người ta mở rộng vai trò của chính phủ để giải quyết các vấn đề khách quan phát sinh trong quá trình phối hợp sản xuất. Việc này sẽ gây ra tình trạng xơ cứng mà tôi đã đề cập ở trên. Bạn thấy đó, chính phủ – tổ chức duy nhất mà chúng ta trao quyền cưỡng chế thu thuế, và cưỡng chế dân chúng thực hiện một số việc nhất định - có nhiều quyền lực đến mức chúng ta phải hết sức cẩn trọng về những gì mà chúng ta cho phép chính phủ thực hiện.
Có hai cách để phối hợp – từ trên xuống, nghĩa là có một định chế đã được thiết lập sẵn như chính phủ thực hiện phối hợp, và từ dưới lên, nghĩa là cho phép các tổ chức mới phát triển nhằm giải quyết các vấn đề tập thể phát sinh khi nhiều người tương tác với nhau. Khi chính phủ chịu trách nhiệm phối hợp thì vấn đề là chính phủ thường làm suy yếu năng lực sáng tạo của các cá nhân. Thay vì công nhận khả năng tự giải quyết vấn đề của cá nhân, các định chế được thiết lập sẵn, như chính phủ, có thể tìm cách giải quyết vấn đề sao cho có lợi cho họ và theo một quy trình thường kìm hãm sự sáng tạo. Các định chế được thiết lập sẵn có xu hướng bảo vệ bản thân họ và không tạo bất cứ cơ hội phát triển nào cho các định chế mới. Nhưng vì công nghệ không ngừng thay đổi, các định chế có liên quan cũng cần phải thay đổi. Điều này tạo ra căng thẳng thể chế - làm cách nào chúng ta thay đổi cấu trúc thể chế cũ vốn đã phát triển bằng cấu trúc thể chế mới mà hệ thống không rơi vào tình trạng hỗn loạn? Không có cách nào dễ dàng cả.
Phối hợp quan điểm của người này với một người khác là không dễ; phối hợp với hàng triệu người khác thì hầu như là bất khả. Nhưng xã hội chúng ta lại giao phó nhiệm vụ bất khả này cho chính phủ. Kết cục thực sự của đòi hỏi phi thực tế này chắc chắn là một mớ lộn xộn khiến cho bất cứ cây bút chì duy lý nào cũng cảm thấy chán nản sự ngu xuẩn và điên rồ của đòi hỏi đó. Vấn đề là ở chỗ nếu muốn cho bất cứ sự phối hợp nào phát huy hiệu quả, thì chúng ta phải giới hạn tự do của bản thân và đôi lúc chấp nhận các quy tắc mà chúng ta không ưa. Chẳng may, đây chính là sự thỏa hiệp mà chúng ta phải sống chung vì quá trình sản xuất cần một hệ thống vận hành có các quy tắc.
Hãy nhìn vào nghịch lý mà chính phủ phô bày ra. Các doanh nghiệp lớn và máy móc phức tạp tạo ra tôi cần một môi trường ổn định mà chỉ có thể được tạo ra từ sự thỏa hiệp và sự chấp thuận các quy tắc ứng xử bởi tất cả mọi người. Nếu dân chúng trong một xã hội không chấp nhận thỏa hiệp, thì phép màu của quá trình sản xuất hoặc là không thể xảy ra hoặc là khó trở thành hiện thực hơn và tốn chi phí hơn. Đó là lý do tại sao các doanh nghiệp cần có một chính phủ ổn định trước khi họ quyết định chuyển hoạt động sản xuất sang một quốc gia nào đó. Đây là nghịch lý của sản xuất – sự tự do mà quá trình sản xuất mang lại cho chúng ta được xây dựng trên các giới hạn chấp nhận sự tự do đó của chúng ta để đạt được sự phối hợp cần thiết của người khác. Do vậy, trong khi I Pencil không đề cập đến chính phủ trong tiểu sử của mình, tôi thì có vì nếu không có chính phủ, cả tôi và I pencil đều không hiện diện ở đây.
Chính việc nhìn nhận người bà con “bí mật” của tôi làm thay đổi bài học được rút ra từ tiểu sử có nhiều điểm chung của chúng tôi. Thay vì nhu cầu giải phóng tất cả các năng lực sáng tạo bằng cách giao phó mọi việc cho thị trường, là bài học rút ra từ tiểu sử của I Pencil, bài học phù hợp rút ra từ tiểu sử có nhiều điểm chung của chúng tôi là tất cả các năng lực sáng tạo cần phải được tự do nhiều nhất có thể, nhưng được bảo vệ trong một khung các quy tắc cấu trúc có tính cẩn trọng. Nói một cách khác, tất cả các năng lực sáng tạo, bao gồm các năng lực sáng tạo của doanh nghiệp và của các định chế như chính phủ, phải phối hợp với nhau để phát triển một khuôn khổ tạo ra nhiều tự do nhất cho hoạt động sản xuất và xã hội. Chúng ta cần sự can thiệp của chính phủ ở một mức độ nào đó nhằm đảm bảo thực thi các quy tắc, bởi vì nếu không có sự bảo hộ này thì thị trường sẽ không phát triển đầy đủ. Sự kỳ diệu của bản chất con người chúng ta ở trạng thái tiến hóa hiện tại là ở chỗ chúng ta có khả năng, thông qua cơ chế phối hợp từ dưới lên, tạo ra một cơ chế khuyến khích các năng lực sáng tạo và hoạt động sản xuất phát triển.
Không may, những gì chúng ta đã thấy trong lịch sử chính là dân chúng trong nền dân chủ luôn tạo sức ép nhằm buộc chính phủ phải làm nhiều hơn là chỉ tạo ra cơ chế cho sự phối hợp từ dưới lên được mô tả ở trên. Tồn tại sức ép buộc chính phủ thay thế sự phối hợp từ dưới lên bằng sự kiểm soát từ trên xuống, thay vì cho phép các cấu trúc phối hợp từ dưới lên mới có thời gian phát triển. Vì vậy, chính phủ và các định chế tương tự khác cùng một lúc vừa có vai trò thiết yếu vừa làm nảy sinh vấn đề. Vì vậy mà chúng ta không lấy làm lạ khi người ta tranh luận về vai trò của chính phủ nên như thế nào trong các trường hợp cụ thể. Than ôi, tôi càng muốn truyền tải thật nhiều bài học về sự chắc chắn của chính sách đến các bạn thông qua tiểu sử của tôi, thì tôi lại càng không thể. Trong một thế giới phức tạp, không có sự chắn chắn về chính sách, và chỉ bằng cách mổ xẻ mọi khía cạnh của vấn đề thì chúng ta mới có thể hy vọng tìm ra câu trả lời hợp lý. Nếu không có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các khía cạnh của vấn đề, điều duy nhất mà chúng ta có thể chắc chắn chính là câu trả lời cho hầu hết các câu hỏi dựa trên lý thuyết kinh tế học là “Còn tùy.”
Lối tư duy giản đơn và sâu sắc
Donald Boudreaux (1958-) |
Trong lời bạt viết về tiểu sử gốc của I, Pencil đăng trên trang web của Thư Viện Kinh Tế Học và Tự Do, Donald Boudreaux đã phân biệt hai lối tư duy: đơn giản và sâu sắc. Boudreaux là một nhân vật ủng hộ chủ nghĩa thị trường bảo căn, là người tin rằng thị trường càng tự do càng hiệu quả. Ông lý luận rằng những người có tư duy giản đơn không hiểu được làm thế nào mà một trật tự xã hội phức tạp và hữu dụng có thể hình thành từ bất kỳ nguồn lực nào ngoại trừ sự hoạch định có chủ đích, chẳng hạn như hoạch định của chính phủ. Ông đã xem I, Pencil là một người có tư duy sâu sắc và viết rằng: ”Ngược lại, những ai có tư duy sâu sắc hiểu rằng hành động của cá nhân thường diễn ra trong môi trường khuyến khích các cá nhân gắn kết hành động của mình với hành động của người khác mà không phụ thuộc vào một bất cứ một kế hoạch bao trùm nào cả.” Theo ông, người có tư duy sâu sắc nhận ra rằng “các nỗ lực nhằm cải thiện hay mô phỏng các trật tự của thị trường tự do phải nhận lãnh thất bại.” Ông theo đuổi thuyết minh chính sách chuẩn vốn xem chính phủ và thị trường có tính chất loại trừ nhau, với bất cứ hành động can thiệp bằng siêu chính sách nào của chính phủ cũng chỉ nhằm mô phỏng những gì mà thị trường có thể thực hiện hiệu quả hơn.
Theo như câu chuyện về tiểu sử được cập nhật của chúng tôi, việc Boudreaux phân chia hai lối tư duy, một lối gồm những người nghĩ rằng chính phủ có thể kiểm soát tất cả, và lối còn lại gồm những người cho rằng phải ngăn ngừa việc kiểm soát của chính phủ, sẽ đặt ra nhiều vấn đề. Khung chủ nghĩa thị trường bảo căn không giống với khung phức hợp mà chúng tôi sử dụng. Cả hai đều căn cứ vào sự phát triển từ dưới lên, nhưng lại có sự nhìn nhận khác biệt về vai trò của chính phủ. Cả hai khung nhìn nhận vai trò của chính phủ một cách khác nhau và cả hai phản ánh các quan điểm về sự phân cực có vấn đề của chính sách trong kinh tế học chuẩn. Sự phân cực thị trường và chính phủ là quá đơn giản để có thể đưa vào khung phức hợp mà theo đó chính phủ và thị trường cùng nhau phát triển. Vấn đề chính sách trọng tâm trong khung phức hợp là làm thế nào để tích hợp chính phủ vào thị trường một cách hiệu quả nhất. Đây không phải là vấn đề mà lý thuyết hay các mô hình có thể giải quyết được, ít nhất là chưa giải quyết được.
Friedrich Hayek (1899-1992) |
John M. Keynes (1883-1946) |
Như chúng tôi đã thảo luận trong các chương trước, khung chính sách phức hợp không phải là mới; khung phức hợp chỉ bị mờ nhạt đi khi chúng ta mãi mê với khung chính sách chuẩn chứa đựng sự đối cực giữa chính phủ và thị trường. Để thấy rõ điều này, chúng ta xem xét F. Hayek và J. M. Keynes, hai kinh tế gia nổi tiếng, đồng thời cũng là các chính khách xuất chúng. Họ đều biết rõ về khung phức hợp, và theo chúng tôi thì họ ít nhiều có sự khác biệt trong tầm nhìn chính sách, không như những gì người ta thường mô tả về họ. Sự khác biệt giữa họ về chính sách có liên quan đến các phán đoán mà những người duy lý có thể không tán thành. Sự khác biệt này không đòi hỏi phải có sự khác biệt về mặt khoa học hay hệ tư tưởng.
Quan điểm của họ về chính sách thay đổi theo thời gian, nhưng cả hai vẫn tuân thủ theo những quy tắc nhất định. Keynes dễ thích nghi hơn; nhìn chung ông ủng hộ chính sách chủ động từ dưới lên – một nền kinh tế nên hạn chế sự can thiệp trực tiếp của chính phủ càng nhiều càng tốt, nhưng đôi lúc nền kinh tế cũng cần một vài sự định hướng. Ông cũng tin rằng các giải pháp từ dưới lên cần nhiều thời gian, và đôi khi, đơn cử như trong cuộc Đại Khủng Hoảng, chính phủ đáng ra phải áp dụng chính sách từ trên xuống khi mà chính sách từ dưới lên không có tác dụng đủ nhanh nhằm giúp cho xã hội chấp nhận cơn đau đang phải đối mặt. Nhưng đối với Keynes, cuộc Đại Khủng Hoảng là sự kiện chỉ xảy ra một lần, không phải là một quy luật chung, và việc ông ủng hộ cho sự can thiệp của chính phủ vào cuộc Đại Khủng Hoảng không mang thông điệp ủng hộ cho chính sách tài chính thiết thực từ trên xuống vốn gắn liền với cái tên “chính sách Keynesian”.
Hayek có sự nhạy cảm khác biệt, Hayek chú trọng nhiều hơn vào sự cần thiết của các nguyên tắc và ủng hộ chính sách từ dưới lên thụ động hơn, theo đó chính phủ tập trung xây dựng các nguyên tắc hiến định và tránh sự can thiệp của chính phủ vào các định chế sẵn có bất cứ khi nào có thể. Cả hai đều chấp nhận lý luận cơ bản của chính sách từ dưới lên và không ủng hộ sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ ngoại trừ trường hợp can thiệp như là giải pháp cuối cùng. Họ chỉ khác nhau ở những phán đoán về tình huống cần đến giải pháp cuối cùng ấy.
Hãy xem xét bức thư của Keynes gửi cho Hayek chúc mừng ông về tác phẩm The Road to Serfdom (Đường Về Nô Lệ), cuốn sách nổi tiếng của Hayek chống chủ nghĩa xã hội và chính sách kế hoạch hóa từ trên xuống của chính phủ. Keynes viết rằng “đó là một quyển sách vĩ đại” và “về mặt đạo đức và triết lý, tôi tán đồng với hầu như toàn bộ nội dung quyển sách: và không chỉ tán đồng, mà là vô cùng tán đồng.” Ngày nay, nhiều người tự nhận mình là các nhà keynesian cho rằng quan điểm của Keynes tương phản với quan điểm của Hayek. Họ đã sai lầm.
Sau khi thể hiện sự tán đồng với Hayek về mặt đạo đức và triết lý, Keynes bày tỏ sự ưa thích của bản thân đối với chủ nghĩa tự do kinh doanh tích cực, ông viết rằng: “Do vậy, theo tôi, điều mà chúng ta cần không phải là một sự thay đổi trong các chương trình kinh tế của chúng ta, vốn sẽ chỉ dẫn đến sự vỡ mộng trong thực tế đối với các kết luận của triết lý của ông; mà có lẽ thậm chí còn trái ngược hoàn toàn, chính là, sự khuếch trương của các chương trình kinh tế. Mối nguy lớn nhất của ông chính là sự thất bại trong việc áp dụng triết lý của ông vào nước Mỹ có thể xảy ra trong thực tế.” Ông viết tiếp bằng lập luận của một người ủng hộ chính sách từ dưới lên của chính phủ: “Tôi nên … kết luận hơi khác một chút. Tôi không nên nói rằng điều chúng ta muốn là không kế hoạch hóa, hay thậm chí là ít kế hoạch hóa, thực ra tôi nên nói rằng chúng ta hầu như chắn chắc là muốn kế hoạch hóa nhiều hơn. Nhưng việc kế hoạch hóa nên diễn ra trong một cộng đồng có càng nhiều người càng tốt, cả người chỉ huy lẫn người nhận lệnh hoàn toàn chia sẻ lập trường đạo đức của ông.” Nói cách khác, việc kế hoạch hóa sẽ liên quan đến các kế hoạch nhằm thiết kế một hệ thống tối thiểu hóa sự can thiệp của chính phủ vào thị trường, nhưng vẫn đạt được các kết cục mà xã hội mong muốn. Ở đây, Keynes chủ yếu bên vực chính sách cấu trúc kinh tế từ dưới lên – theo đó chính phủ nhận ra sự bất lực của mình trong việc kiểm soát và tập trung kiến tạo một cấu trúc kinh tế giúp giảm thiểu vai trò trực tiếp của chính phủ.
Hayek cảm nhận các vấn đề mà các nước tư bản lúc bấy giờ đang đối mặt không nghiêm trọng như cách nhìn nhận của Keynes, và ông tin rằng loại chính sách mà Keynes ủng hộ sẽ khiến cho chính phủ ngày càng can thiệp nhiều hơn so với mức độ mà Keynes mường tượng. Do vậy, Hayek cật lực phản đối các chính sách đó. Thế nên, giữa Keynes và Hayek có sự khác biệt lớn về chính sách, nhưng những khác biệt đó không phải là về khoa học kinh tế hay về mong muốn đối với giải pháp từ dưới lên. Các khác biệt giữa họ đúng hơn là về các vấn đề chính sách thực tiễn đối phó với cuộc Đại Khủng Hoảng. Họ khác nhau ở chiến thuật, không phải mục tiêu.
William H. Hutt (1899-1988) |
Ngày nay, người ta chưa thống nhất về nguyên nhân gây nên cuộc Đại Khủng Hoảng, về việc liệu cuộc Đại Khủng Hoảng đã làm suy yếu cấu trúc nền kinh tế đến mức phải cần đến sự can thiệp từ trên xuống của chính phủ hay không, và về vai trò của chính phủ trong việc để xảy ra khủng hoảng. Hayek đổ lỗi cho chính phủ; Keynes thì không. Nhưng khi cuộc Đại Khủng Hoảng nổ ra, ngay cả những người sùng bái chủ nghĩa thị trường bảo căn cũng đồng ý rằng sự can thiệp của chính phủ là cần thiết. Như William Hutt, một tín đồ của chủ nghĩa thị trường bảo căn và là một người chỉ trích Keynes đã phát biểu rằng: “Một khi các quy tắc “cổ điển” liên tục bị phớt lờ kết tụ nên tình trạng hỗn loạn, và các rào cản chính trị không thể vượt qua không cho phép có được sự phục hồi không kèm theo lạm phát, thì chỉ những nhà mô phạm rởm mới phản đối tình trạng lạm phát.”
Phần ông, Hayek luôn hiểu rõ sự cần thiết phải có chính phủ thực hiện vai trò kiến tạo nên cấu trúc kinh tế thích hợp cho nền kinh tế. Trong khi trong những tác phẩm trước đó của mình, ông đã không nhấn mạnh điều này, có lẽ vì ông nghĩ rằng giới kinh tế gia ai cũng hiểu, ông đã dành các tác phẩm sau này của mình viết về các vấn đề pháp luật hiến pháp và ít viết về kinh tế học hơn. Tại trường Đại Học Chicago, ông chỉ huy dự án xây dựng một cấu trúc thể chế nhằm giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ, thừa nhận rằng đây cũng là một kế hoạch của chính phủ. Tuy nhiên, ông mong muốn xây dựng một kế hoạch sẽ kiến tạo nên cấu trúc kinh tế đề cao vai trò của chính sách từ dưới lên càng nhiều càng tốt. Chúng tôi cho rằng Keynes và Hayek nhắm đến siêu chính sách đúng đắn, và cuộc tranh luận hiệu quả nhất không chú trọng đến việc có kế hoạch hóa hay không, hoặc chính phủ có nên kiểm soát nền kinh tế hay không. Cuộc tranh luận hiệu quả nhất sẽ tập trung vào vấn đề làm thế nào mà tác động thường thấy do chính phủ gây ra đối với cấu trúc kinh tế sẽ đạt được các kết cục mà xã hội mong muốn một cách hoàn mỹ nhất. Đó là một cuộc tranh luận sâu sắc hơn nhiều so với cuộc tranh luận bó trong khung chính sách chuẩn.
Các vấn đề đạo đức, thị trường, và trật tự tổ chức đáng ra phải là trọng tâm của cuộc tranh luận về chính sách kinh tế vĩ mô. Nhưng thực tế lại không như vậy. Khung chính sách chuẩn đã không bàn đến các vấn đề trên, tạo nên thiếu sót lớn trong tranh luận về chính sách làm triệt tiêu khung phân tích cơ bản mà cả Keynes và Hayes đều tán thành. Các hậu duệ của Keynes miêu tả thiếu chính xác chân dung của những người theo chủ nghĩa thị trường bảo căn là máu lạnh và vô tâm đối với người nghèo. Các hậu duệ của Hayek miêu tả thiếu chính xác chân dung của những nhà keynesian là những người ủng hộ một chính phủ lớn mạnh. Không có chân dung nào khắc họa được sự sâu sắc trong quan điểm của Hayek và Keynes. Không may, theo thời gian chỉ có những biểu trưng của các quan điểm trên được hiện thực hóa, trong khi đó cách hiểu về những khác biệt tinh tế trong quan điểm của Keynes và của Hayek bị loại bỏ do các ý tưởng của họ bị ép đưa vào khung chính sách chuẩn không phù hợp.
Đạt được điều mình muốn: kiến tạo cấu trúc kinh tế đúng đắn
Trong khi mối quan hệ giữa các giải pháp từ dưới lên và những can thiệp từ trên xuống trong khung phức hợp dường như phản ánh sự khác biệt giữa giải pháp thị trường bảo căn và giải pháp kiểm soát, thì trong thực tế sự khác biệt là sự đối cực rất khác. Keynes và Hayek hiểu điều này, nhưng nhiều hậu duệ của họ lại không hiểu. Sự phát triển của khoa học phức hợp cho phép chúng ta xét lại các tư tưởng của họ và điều chỉnh cho chính xác hơn. Họ là những người ủng hộ các giải pháp từ dưới lên bất cứ khi nào có thể. Đó chính là ý của Keynes khi ông nói rằng thế giới nên có nhiều người đồng quan điểm đạo đức của Hayek. Quan điểm đạo đức đó xem quyền lực của chính phủ là hủ bại; nó tạo điều kiện cho thành phần có quyền lực chính trị dựng nên các quy tắc nhằm mang lại lợi ích cho chính họ và củng cố quyền lực, lập trường của họ. Những nhận định này dựa vào lịch sử; khung phức hợp thừa nhận rằng bất cứ sự can thiệp nào của chính phủ cũng sẽ gây ra vấn đề. Keynes và Hayek khác nhau ở cách lý giải mức độ mà chính phủ có thể thành công khi áp dụng các giải pháp từ dưới lên hữu ích. Những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh linh động cho rằng chính phủ có thể đóng vai trò chủ động hữu ích khi tìm cách tác động đến những hiện tượng mới xuất hiện, trong khi những người ủng hộ chính sách tự do kinh doanh bị động cho rằng khi chính phủ tìm cách dẫn dắt hầu như sẽ dẫn đến các giải pháp tệ hơn so với khi không có sự định hướng của chính phủ. Cả hai đều là những quan điểm phải chăng mà lý thuyết xã hội không giải quyết.
Điều khiến cho chính sách quá phức tạp trong khung phức hợp chính là các mục tiêu cụ thể của chính sách không được xác định trước; các mục tiêu này phát triển nội sinh trong các giải pháp từ dưới lên, và không thể được cụ thể hóa đầy đủ ngay từ đầu một cách tiên nghiệm. Không một ai, kể cả chính phủ, có thể biết chắc các mục tiêu cụ thể của chính sách. Các cá nhân có thể biết mục tiêu của mình đối với xã hội, nhưng các mục tiêu của xã hội là sự pha trộn các mục tiêu của cá nhân. Các mục tiêu cụ thể của xã hội hiện dần ra khi hệ thống vận hành. Trong khung phức hợp, mục tiêu quan trọng của chính phủ là tạo ra môi trường giúp cá nhân thể hiện mục tiêu của mình cho xã hội, để từ đó các mục tiêu xã hội thực sự của cá nhân có thể hiển lộ, chứ không phải áp đặt bất cứ mục tiêu cụ thể nào lên các cá nhân.
Trong ví dụ về không gian giao thông chung của chúng tôi, các mục tiêu được hiển lộ rất rõ ràng, cụ thể là băng qua giao lộ một cách nhanh chóng và an toàn. Trong hầu hết các tình huống xã hội, mục tiêu không được rõ ràng bằng và các nhà hoạch định chính sách cuối cùng cũng đưa ra các giả định hết sức giản đơn về động cơ của con người và về mục tiêu của họ. Đối với chính sách từ dưới lên, mục tiêu xã hội hiển lộ từ trong quá trình. Cá nhân được tự do lựa chọn cả mục tiêu cá nhân lẫn mục tiêu chung, đồng thời được lựa chọn cách thức đạt được mục tiêu đó.
Một khi bạn nhận ra được các mục tiêu này có liên quan đến sự phối hợp xung quanh một lợi ích chung và một hành động tập thể, thì chính sách càng có vấn đề. Lấy một ví dụ về sự dư dật thực phẩm trên thế giới và sự bất lực trong việc nuôi sống mọi người, cho dù là thông qua thị trường hay bằng sự kiểm soát của chính phủ. Đẩy các vấn đề lợi ích chung cho “xã hội”, theo đó xã hội có liên quan đến hàng loạt các nhóm đa trung tâm là các đối chọn của thị trường và chính phủ, có thể là một trong hai, và theo quan điểm chúng tôi là một đối chọn hấp dẫn. Nhưng người ta chỉ có thể thử nghiệm điều này nếu cá nhân có được môi trường ủng hộ các nhóm đa trung tâm. Hiện tại, các nhóm tập thể hiệu quả như vậy cùng với các mục tiêu xã hội không có nhiều như trong hệ thống từ dưới lên thân thiện; hệ thống kinh tế chúng ta phát triển không thân thiện với họ. Vì vậy, việc ủng hộ các giải pháp phức hợp có thể liên quan đến việc ủng hộ chính sách cấu trúc kinh tế được thiết kế nhằm khuyến khích sự phát triển của các nhóm đa trung tâm có tính chất đối chọn này.
Nhìn về phía trước
Ở Phần III chúng ta sẽ xem xét một số ví dụ về việc làm thế nào mà cấu trúc kinh tế có thể được hình thành nhằm kích thích sự xuất hiện của các tổ chức có thể giữ vai trò này. Trong tất cả mọi trường hợp, cấu trúc kinh tế có liên quan đến việc chính phủ khuyến khích các giải pháp từ dưới lên. Trong khung chuẩn, mà theo đó sự can thiệp của chính phủ cùng với các giải pháp kiểm soát từ trên xuống liên kết với hoạt động thị trường từ dưới lên với chủ nghĩa thị trường bảo căn, điều này có vẻ kỳ quặc. Trong khung phức hợp thì lại không kỳ quặc. Chính phủ không kiểm soát, nhưng chính phủ tác động vào cách thức mà các mục tiêu hình thành và hiển lộ. Chính phủ tìm cách khiến cho tác động đó càng tích cực càng tốt. Làm sao để thực hiện tốt nhất điều này chính là nội dung của cuộc tranh luận về siêu chính sách, và cuộc tranh luận này rất khác với cuộc tranh luận về chính sách trong khung kiểm soát chuẩn.
Chính sách phức hợp có liên quan đến việc khuyến khích sự phát triển môi trường thể chế thân thiện với các giải pháp chính sách từ dưới lên. Môi trường thể chế này không ủng hộ chính sách kiểm soát từ trên xuống truyền thống vì lý do tương đồng với quan điểm của những người theo chủ nghĩa thị trường bảo căn – vì chính phủ không giỏi giải quyết các vấn đề xã hội, và chính phủ từ trên xuống áp đặt các giải pháp có xu hướng làm suy yếu sự phát triển của các giải pháp từ dưới lên vốn cần nhiều thời gian để phát triển. Thay vào đó, chính sách phức hợp ủng hộ một chính sách xem chính phủ và doanh nghiệp tư nhân là các đối tác theo đó các hình thức thể chế mới có thể phát triển.
Trần Thị Minh Ngọc dịch