12.4.16

"Hồ sơ Panama": Một đất nước phục vụ cho các dịch vụ giao dịch tài chính mù mờ



"Hồ sơ Panama": Một đất nước phục vụ cho các dịch vụ giao dịch tài chính mù mờ

Thành phố Panama City. Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế đã thu thập được 11,5 triệu tài liệu của một công ty luật có trụ sở tại Panama. © MAURICIO VALENZUELA/XINHUA-REA
Panama vẫn là một trong những nước cuối cùng từ chối tham gia các nỗ lực đấu tranh chống lại các thiên đường thuế, theo yêu cầu của G20. Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (International Consortium of Investigative Journalists, ICIJ) vừa giáng một đòn choáng váng với việc tiết lộ hàng ngàn tệp tin minh họa cho hành vi giao dịch mù mờ của đất nước nhỏ bé này.
Những thông tin quan trọng
Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế đã thu thập được 11,5 triệu tài liệu có nguồn gốc từ một công ty luật đặt trụ sở tại Panama, công ty Mossak Fonseca, một công ti chuyên thành lập các công ty bình phong. Đây là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất chưa từng xảy ra trong lĩnh vực này. Các dữ liệu bao phủ khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 2015.
Các thông tin thu thập làm rõ những mạng lưới giao dịch tài chính liên quan đến 21 thiên đường thuế khóa (Bahamas, Hồng Kông, Singapore, Jersey, Nevada ...) phục vụ cho khách hàng tại hơn 200 quốc gia sử dụng 14.000 trung gian! Trong số các trung gian này, ngân hàng đóng một vai trò then chốt: theo điều tra của tổ chức ICIJ, vụ này liên quan đến những ngân hàng có tên tuổi lớn (Deutsche Bank, UBS, Crédit Suisse, HSBC, BIL, Société générale..., tổng cộng có 511 định chế!) hoạt động chủ yếu thông qua các chi nhánh của họ đóng tại Luxembourg. Đây là nơi xuất phát phần lớn các yêu cầu thành lập công ty bình phong và chính đất nước này đặt thành vấn đề cho châu Âu. Ngoài ra, chúng ta còn biết rằng công ty luật của Panama còn soạn thảo một phần luật tại các đảo quốc Niue hay Samoa để có thể làm tăng thêm tính mù mờ trong các giao dịch thông qua các vùng lãnh thổ này.
Michel Platini (1955-)
Trong những khách hàng, người ta thấy có một số lớn các nhà lãnh đạo liên lụy trực tiếp hoặc thông qua gia đình của họ – tổng cộng có 140 chính trị gia – từ tổng thống Vladimir Putin, đến chủ tịch Tập Cận Bình, đến bố của Thủ tướng Anh David Cameron, vợ của Thủ tướng Iceland v.v.. Tất nhiên, người ta cũng tìm thấy tên của những nhân vật nổi tiếng như diễn viên Thành Long (Jackie Chan), cầu thủ bóng đá Lionel Messi hay Michel Platini. Theo dữ liệu được báo Le Monde cung cấp, có khoảng 1.000 người Pháp có liên quan, mà tờ báo này hứa sẽ tiết lộ trong tuần. Nghịch lý là đối với một đất nước mà đồng tiền được sử dụng trong nội địa, kể từ ngày đầu lập quốc, là đồng đô la, lại không có tên của một người Mỹ nào...
Không có gì ngạc nhiên khi Panama bị tố giác như vậy: đây là một trong những thiên đường thuế cuối cùng không muốn hướng tới việc thay đổi các thông lệ giao dịch theo yêu cầu của G20 và tiếp tục mong muốn cung cấp các dịch vụ giao dịch mù mờ trên quy mô rộng. Họ đã bị lịch sử đuổi kịp. Một lịch sử có từ đầu thế kỷ XX.
Một sự mù mờ được xây dựng từ lâu
Theo bản tóm tắt của các chuyên gia thuộc tổ chức Tax Justice Network (Mạng lưới công bằng thuế khóa), với 350.000 công ty bình phong, Panama đứng thứ ba trong ngành kinh doanh này, ngay sau Hồng Kông và quần đảo British Virgin. Ngoài ra còn có những quỹ và tập đoàn tài chánh khác cung cấp các dịch vụ giao dịch mù mờ về thuế. Hoạt động dưới cờ hiệu của nước khác với nước mà chủ nhân tàu thuyền là công dân, đất nước này đứng đầu trong lĩnh vực kinh doanh này với 20% thị phần các đội tàu buôn thế giới.
Panama, trước đây là một tỉnh của Colombia, đã giành độc lập vào năm 1904 sau khi được Hoa Kỳ ủng hộ theo hướng đó, nhằm mục đích kiểm soát lãnh thổ cho phép quản lý kênh đào trong tương lai. Kênh đào Panama này bắt đầu hoạt động và đặt dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ (Uncle Sam – Chú Sam), vào năm 1914.
Từ năm 1919, Panama đã cho phép công ty Standard Oil trốn các loại thuế và quy định của Hoa Kỳ bằng cách cung cấp quy chế cờ hiệu của nước khác. Từ năm 1927, đất nước này phát triển tất cả các đặc điểm thông thường của các thiên đường thuế: thuế thấp, công ty ảo, bí mật. Trong cuốn sách của mình về các thiên đường thuế được xuất bản vào năm 1968, nhà báo Alain Vernay đã chỉ rõ ra rằng "Panama có một hào quang đáng ngờ. Các công ty của họ đều đáng ngờ, nói chung và nói riêng"... Ông đặc biệt giải thích chính sách dung thứ của Hoa Kỳ đối với các thông lệ giao dịch đáng ngờ của nước này qua việc các nhà lãnh đạo của họ tiếp sức cho Lầu Năm Góc trong việc che giấu vũ khí hạt nhân. Điều này làm cho ông nói rằng Panama là một thiên đường thuế "dưới bóng của thanh kiếm."
Jeffrey Robinson (1945-)

Nhưng thị trường tài chính phát triển chủ yếu từ những năm 1970 và 1980, đặc biệt trong lãnh vực rửa tiền. Đường dây tài sản của nhiều nhà độc tài (Pinochet, Duvalier ...) đều qua Panama, như đường dây các công ty bình phong thuận lợi cho việc tổ chức các mạng lưới gian lận và trốn thuế quốc tế. Trong cuốn sách The Sink (Chậu rửa bát), chuyên gia về tiền bẩn Jeffrey Robinson đã viết: "Đất nước đầy ry những luật sư không lương thiện, những ngân hàng không lương thiện, những chuyên gia về thành lập công ty không lương thiện và những công ty không lương thiện đã được những luật sư không lương thiện giúp đăng ký thành lập công ty ở đó để có thể gửi tiền bẩn vào những ngân hàng không lương thiện của họ!".
Một thiên đường thuế nhỏ bé
Ngày nay, trung tâm tài chính của Panama, theo những dữ liệu chính thức, đóng vai trò là một tác nhân nhỏ bé trong sự toàn cầu hóa hoạt động giao dịch ngân hàng, với những khoản tiền gửi của nước ngoài được giới hạn ở mức 50 tỷ đô la và những khoản giải ngân ở mức 55 tỷ đô la, tương đương với một thị trường như đảo Isle of Man. Để so sánh, các con số này đối với Thụy Sĩ là hơn 2.200 tỷ đô la.
Trong lãnh vực rửa tiền, tổ chức FATF (Financial Action Task Force (on Money Laundering) – Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền), phụ trách việc giám sát những quốc gia trong lĩnh vực này, vừa gửi cho Panama một báo cáo khống chỉ vào tháng Hai, nhấn mạnh đến chất lượng những nỗ lực của họ... Trong lãnh vực hợp tác thuế khóa, Panama nằm trong danh sách những thiên đường thuế do Ủy ban châu Âu xác lập vào năm ngoái. Nước này không nằm trong danh sách "những vùng lãnh thổ bất hợp tác" của Pháp, nhưng cuối năm 2015 Bercy cho biết sẽ đưa Panama vào danh sách giám sát trong năm nay. Chúng ta hãy cược rằng Bộ Tài chính, cùng với các cơ quan quản lý thuế khác, có thể đã hưởng lợi từ những rò rỉ thông tin của vụ Panama Leaks từ nhiều tháng nay...
Vụ việc này cho thấy những yêu cầu cung cấp các hồ sơ về việc thành lập các công ty của quốc tế đối với mỗi nước là điều rất quan trọng. Và làm nổi bật rằng mức độ hiệu quả của cuộc đấu tranh chống lại các thiên đường thuế phải thông qua việc đặt thành vấn đề các trung gian, các chuyên gia pháp lý và kế toán, những tác nhân cung cấp các dịch vụ giao dịch tài chính mù mờ.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Un pays au service de l’opacité financière, Alterecoplus, 03/04/2016
Print Friendly and PDF