3.4.16

Cuộc đại suy thoái năm 2008 và công cuộc cải cách kinh tế học

CUỘC ĐẠI SUY THOÁI NĂM 2008 VÀ CÔNG CUỘC CẢI CÁCH KINH TẾ HỌC

Geoffrey M. Hodgson
Cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 đã dẫn tới những thay đổi đáng kể trong quan điểm của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Liệu cuộc khủng hoảng này có tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải cách và đem lại sức sống mới cho kinh tế học - từ một ngành được thống trị bởi các kĩ thuật toán học sang một ngành quan tâm nhiều hơn đến việc hiểu được các thể chế và các chủ thể trong thế giới thực? Và tại sao những cảnh báo về sự sụp đổ tài chính đã không được chú ý? Những khiếm khuyết gần đây một phần liên quan đến chiến thắng toàn cầu của tư tưởng chủ nghĩa cá nhân thị trường (market individualist ideology) và một phần do việc phóng đại vai trò của việc mô hình hóa và lượng hóa. Những thất bại này của kinh tế học một phần mang tính đặc thù của ngành, một phần là kết quả của những tác động rộng hơn của thể chế và văn hóa.
1.  Giới thiệu
John M. Keynes (1883-1946)
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 báo hiệu một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Cũng như John Maynard Keynes được nhớ đến bởi sự phê phán của ông về các lý thuyết và các chính sách kinh tế trong thời kì của mình. Những người chỉ trích kinh tế học dòng chính có thể tự hỏi, cuộc khủng hoảng mới này sẽ giúp tái sinh ngành hay không thông qua việc phơi bày những hạn chế của lý thuyết và chính sách kinh tế hiện nay. Bài viết này đánh giá triển vọng của sự tái sinh đó. Có ý kiến cho rằng thoạt nhìn ít có khả năng chuyển hướng kinh tế học vào những kênh có tính xây dựng hơn và xác đáng hơn, bởi vì còn các rào cản chính về thể chế và văn hóa để cải cách của những người trong ngành. Trong số này có các ranh giới ngành lỗi thời, sự chuyên môn hóa sâu mất đi cái nhìn tổng thể, sự tôn sùng việc đo đạt và hình thức hóa.
Trong khi kinh tế học là một ngành tiến triển chậm chạp, thì bầu không khí ý thức hệ lại thay đổi nhanh chóng. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã dẫn tới sự hủy bỏ đáng chú ý các cam kết trước đó của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc quy định nhẹ nhàng các thị trường tài chính (lightly-regulated financial markets). Thị trường không còn được xem như giải pháp cho mọi vấn đề. Trái với truyền thống gia truyền của Đảng Cộng hòa, nguyên Tổng thống Mỹ George W. Bush, đã trở thành người tiêu biểu trong việc cứu vãn tài chính các ngân hàng bằng việc mở rộng khủng khiếp sở hữu nhà nước trong hệ thống tài chính.
Alan Greenspan (1926-)
Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tuyên bố muộn màng rằng ông đã “mắc một sai lầm khi quá tự tin cho rằng các tổ chức tư lợi (self-interest of organizations), đặc biệt là các ngân hàng, có thể bảo vệ các cổ đông và vốn cổ phần trong các doanh nghiệp”. Ông đã “phát hiện ra một lỗ hổng trong mô hình” tự do hóa và tự điều tiết[1].
Tất cả các Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính của Anh từ năm 1979 đều đã thúc đẩy sự tự do hóa thị trường. Cho đến tận ngày 8 tháng 11 năm 2005, Bộ trưởng Bộ Lao động, Gordon Brown, đã nói chuyện với Tổng Liên đoàn Công nghiệp Anh và đã giải thích chính sách của ông về quy định tài chính rằng - nó “không chỉ là một nét nhẹ nhàng mà còn có giới hạn nữa” (not just a light touch but a limited touch).[2]
Gordon Brown (1951-)
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thủ tướng Brown đã thông qua một gói các biện pháp bao gồm sở hữu nhà nước một phần ở các ngân hàng. Ngày 19 tháng 10 năm 2008 Bộ trưởng Bộ Tài chính, Alistair Darling, công bố rằng chính phủ vay rất lớn nhằm phục hồi nền kinh tế Anh. Ông còn cho rằng ý tưởng của Keynes thịnh hành trở lại.[3]
Những thay đổi trong tư tưởng của các chính trị gia trên thế giới tạo ra một môi trường khác cho các nhà kinh tế. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có sự thay đổi đủ lớn trong quan điểm hoặc hành động của các nhà lãnh đạo hàn lâm trong ngành của chúng ta. Chúng ta tìm kiếm sự “cải đạo” hay sự công khai từ bỏ sai lầm (conversions or recantations) tương tự trong vô vọng. Các dấu hiệu là “mọi việc đâu sẽ vào đấy” (Cohen, 2009).
Tiểu luận này bàn về mối quan hệ giữa giới kinh tế học và cuộc khủng hoảng năm 2008. Phần 2, xem xét một số nhà kinh tế đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng. Phần 3, so sánh tình cảm mới dành cho Keynes của một số chính trị gia và nhà báo với sự sụt giảm hứng thú của các nhà kinh tế học không chỉ đối với kinh tế học Keynes mà còn đối với các giáo trình kinh tế học kinh điển khác. Phần 4 và 5, xem xét thế thượng phong của kĩ thuật so với bản chất trong kinh tế học hiện đại, và xem liệu các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây có cung cấp bằng chứng rằng thế thượng phong này có thể bị đảo ngược. Phần 6 xem xét lý do tại sao những cảnh báo về cuộc khủng hoảng đã bị lờ đi. Phần 7 chẩn đoán các căn bệnh của việc “cắm chốt vào kĩ thuật” (technique- fixation) trong kinh tế học. Phần 8 là kết luận của bài viết.
2.  Các nhà tiên tri bi quan
Anirvan Banerji
Nouriel Roubini (1959-)
Những ai là nhà tiên tri của cuộc khủng hoảng năm 2008? Ngày 7 tháng 9 năm 2006, giáo sư kinh tế học Nouriel Roubini của Đại học New York đã nói với các nhà kinh tế học của Quỹ tiền tệ quốc tế rằng, Hoa Kì đang đối mặt với sự sụt giảm đột ngột trong giá nhà ở, sự giảm nhanh trong niềm tin của người tiêu dùng và sự suy thoái. Các chủ nhà sẽ không thể trả được các khoản vay thế chấp bằng bất động sản đúng hạn, thị trường chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp bất động sản (mortgage-backed securities market) sẽ bắt đầu sụp đổ (unravel) và hệ thống tài chính toàn cầu sẽ bị tê liệt (seize up). Những diễn biến này có thể phá hủy các quỹ phòng hộ, ngân hàng đầu tư và các định chế tài chính quan trọng khác. Nhà kinh tế học Anirvan Banerji cho rằng những dự báo của Roubini đã không sử dụng các mô hình toán học và đã bác bỏ cảnh báo của Roubini, xem Roubini như một người luôn bi quan.[4]
Laurie Taylor (1936-)
Nhà xã hội học người Anh Laurie Taylor đã yêu cầu thính giả của chương trình phát thanh hàng tuần BBC tìm một nhà kinh tế đã dự báo cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008. Ngày ngày 15 tháng 10 năm 2008, người dẫn chương trình phát thanh thông báo rằng nhà tiên tri đầu tiên tiên đoán về kết quả của sự phi quy định hóa tài chính quốc tế từ năm 1980 là một nhà kinh tế học tài chính người Anh ít được biết đến - đó là Richard S. Dale. Trong cuốn International Banking Deregulation (Phi quy định hóa trong hoạt động ngân hàng quốc tế), Dale (1992) lập luận rằng sự tham gia của các ngân hàng vào đầu cơ chứng khoán đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng năm 1929, và các ngân hàng đang tăng cường tham gia vào các hoạt động chứng khoán, do sự gia tăng trong việc phi quy định hóa kể từ năm 1980, có thể thúc đẩy một cuộc sụp đổ tài chính khác. Cuốn sách của Dale đã nhận được nhiều nhận xét trái chiều trên Journal of Finance (Tạp chí Tài chính) năm 1993 và trượt khỏi bảng xếp hạng trích dẫn.
Ben S. Bernanke (1953-)
David Blanchflower (1952-)
Vào đầu năm 2008, trong khi nhiều nhà kinh tế học hàng đầu nghĩ rằng những vấn đề của ngân hàng trong năm 2007 sẽ không dẫn đến một sự suy thoái, thì giáo sư David Blanchflower đi đến kết luận rằng, cuộc khủng hoảng tín dụng đang hé lộ và sẽ đẩy nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái. Cuối tháng 6 năm 2008, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben S. Bernanke tin rằng nguy cơ của một cuộc suy thoái của Mỹ đã giảm bớt.[5] Nhưng Blanchflower, một thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ Ngân hàng Anh, đã tranh luận trong nhiều tháng rằng, không chỉ có Hoa Kì bắt đầu chuyển sang tăng trưởng âm, mà Anh cũng rơi vào triển vọng đó. Quan điểm của ông đã không thuyết phục được Ủy ban này cho đến tháng 9 năm 2008. Dự báo của ông dựa trên căn cứ nào? Theo Blanchflower (2009) bằng chứng chính của một cuộc suy thoái sắp xảy ra ở cả Hoa Kì và Anh là "sự sụt giảm trong niềm tin của người tiêu dùng, và quan điểm của người dân về thị trường việc làm trong các cuộc khảo sát mềm (soft surveys)". Điều gì đã đã dẫn dắt ông đến dự báo của mình? Đó không phải là một mô hình toán học phức tạp mà là một sự suy đoán, một sự giải thích đầy kinh nghiệm về bằng chứng các cuộc điều tra chi tiết. Ông nhận xét: “Các mô hình dự báo phần lớn là vô dụng những người làm dự báo có xu hướng dự báo thấp về các cuộc suy thoái (underpredict recessons)”.
Hyman Minsky (1919-1996)
Sau khi Hyman Minsky qua đời (1996) vài năm, ông đã nhận được một số sự tán thành. Trong một loạt bài viết, Minsky (1982, 1985, 1992) lập luận rằng chủ nghĩa tư bản tài chính gắn liền với xu hướng bất ổn và khủng hoảng, do đầu cơ trong thời kì nợ gia tăng. Ông đã đưa ra một số cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của sự phi quy định hóa tài chính toàn cầu sau năm 1980. Ý kiến của ông chưa bao giờ được phổ biến trong kinh tế học dòng chính. Tuy nhiên, ngay từ ngày 4 tháng 2 năm 2008, tờ New Yorker lưu ý rằng việc tham khảo giả thiết bất ổn tài chính của ông đã trở nên “rất phổ biến trên các trang web tài chính và trong các báo cáo của các nhà phân tích của tờ Wall street. Giả thuyết của Minsky rất đáng để xem xét lại”.
Cũng có những người khác tiên tri về cuộc khủng hoảng. Từ thập niên 1980, các nhà kinh tế hậu Keynes và nhiều người khác đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc mở rộng thị trường phái sinh, phi quy định hóa tài chính và nợ quá mức. Nhưng chúng ta phải thận trọng trong việc kéo dài danh sách thêm nữa, ít nhất là cho đến khi các tiêu chuẩn có liên quan được xác định rõ ràng. Vì các nhà Marxist đã dự đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản từ năm 1848. Những người dự đoán thường xuyên sự sụp đổ thì chắc chắn sẽ đúng vào một ngày nào đó. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng họ là những người thông thái hơn.
Những nhà tiên tri nổi bật trong bối cảnh này là những người đã làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về các cơ chế thể chế mà qua đó việc mở rộng nợ ồ ạt được tài trợ, và những người thừa nhận quỹ đạo đi lên mạnh mẽ của nó, cũng như rủi ro tiềm ẩn và ngày càng lớn của nó. Về cơ bản, đây không phải là một vấn đề của việc dự báo thời gian của cuộc khủng hoảng, nhưng vấn đề là cải thiện sự hiểu biết của chúng ta về các cấu trúc và tác lực ngầm đã đẩy nền kinh tế vào một vách đá (over a cliff). Đó là sự nhận thức về cách thức mà các thị trường tài chính được tự do hóa khai hỏa quả bom nợ tạo ra các điều kiện tiên quyết cho sự sụp đổ đó.
3.  Nhưng có phải ai cũng đọc Keynes?
Bây giờ chúng ta quay sang kinh tế học đã được áp dụng ở các trường đại học. Các chính trị gia, các blogger, các tờ báo và các tạp chí có thể chú ý đến tính xác đáng của các nhà kinh tế học như Keynes và Minsky đối với bối cảnh hiện tại, nhưng các nhà kinh tế học này có được đánh giá cao hay tham khảo lại tại các bộ môn kinh tế học ở các trường đại học uy tín nhất?
Tôi đã cố gắng tìm, nhưng không thấy tác phẩm của Keynes hay Minsky trong bất kì danh mục sách tham khảo hiện có trên trang web của bất kì khóa học kinh tế vĩ mô hay khóa học lý thuyết kinh tế bắt buộc tại bất kì trường đại học hàng đầu nào trên thế giới. Thay vào đó, có nhiều bằng chứng cho thấy sinh viên được yêu cầu phải thành thạo về toán học.
Bằng cách lục soát lại những tạp chí hàng đầu sau năm 1950, chúng ta có thể xác định số lần mà các tác giả nói trên đã được trích dẫn trong mỗi thập kỷ. Hình 1 (Fig. 1) thể hiện những kết quả này. Keynes vẫn luôn được trích dẫn nhiều nhất trong bốn tác giả, nhưng sự nổi bật của ông trên các tạp chí hàng đầu đã giảm đáng kể. Các tác giả khác, những người đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc phi quy định hóa tài chính nhận được một mức độ trích dẫn thấp. Đáng chú ý, trong khi nhiều tác phẩm của Roubini là lan man, đa số các bài viết của ông trên các tạp chí hàng đầu về kinh tế chứa đựng các mô hình.
Dữ liệu của năm 2008 và 2009 là không có sẵn và đã được ngoại suy từ dữ liệu của những năm đầu của thập niên 2000. Tất nhiên khi dữ liệu này trở nên có sẵn, hai năm này có thể cho thấy một sự hồi sinh của các trích dẫn của Keynes và những tác giả khác, nhưng cho đến nay không có dấu hiệu này. Và trở lại mức những năm 1950 sẽ là một điều bất thường.
Friedrich von Hayek (1899-1992)
Gérard Debreu (1921-2004)
Các nhà kinh tế học hàn lâm có hoàn toàn trích dẫn sai người không? Một cảm nhận như thế có thể là một sai lầm. Thể theo thước đo trích dẫn, thì các đối thủ kinh điển của Keynes được trích dẫn ít hơn. Chẳng hạn, Milton Friedman: từ năm 1950, trung bình mỗi thập niên ông chỉ được 344 bài báo hoặc tạp chí, trong cùng một danh sách các tạp chí, trích dẫn. Friedrich Hayek cũng chỉ được 139 bài báo hoặc tạp chí trích dẫn trong mỗi thập niên. Gerard Debreu, một nhà kinh tế toán học và là người tiên phong trong lý thuyết cân bằng chung, chỉ được 24 bài báo hoặc tạp chí trích dẫn trong mỗi thập niên. Kinh tế dòng chính dường như không còn trích dẫn bất cứ ai, ngoại trừ những người tiên phong gần đây nhất trong kĩ thuật toán học.
Sự thờ ơ với các nguyên tác kinh điển được minh họa đầy kịch tính bởi số phận của chính những ý tưởng của Keynes. Sự uyên bác của Keynes đã nhanh chóng bị kiểm duyệt và bị buộc vào một mô hình chính thức (Robinson, 1965; Leijonhufvud, 1968; Davidson, 1972; Rotheim, 1998). Ngay cả khi công trình của Keynes đã được công nhận, nó thường là đáng ngờ vì đã qua sự diễn dịch của người thứ hai (second-hand and suspect terms).
Partha Dasgupta (1942-)
Đáng chú ý, thói quen lờ đi các nhà kinh tế vĩ đại trong quá khứ được ủng hộ bởi một giáo sư tại Đại học Cambridge, trên quê hương của Keynes. Partha Dasgupta (2002, trang 61) đã viết:
“Bạn có thể trở nên nổi bật từ các nghiên cứu sau đại học của mình trong kinh tế học mà không cần phải đọc bất kì tác phẩm kinh điển nào, hay thực sự, không có bất cứ điều gì khác hơn là một ý niệm mơ hồ về những gì mà các nhà tư tưởng vĩ đại trong quá khứ đã viết. Các nhà kinh tế học hiện đại thậm chí không cố gắng chính thống hóa câu hỏi của mình bằng cách liên kết nó với câu hỏi đã đề cập trong kinh điển; Họ thường bắt đầu bài báo của mình bằng cách tham khảo một cái gì đó trong các tài liệu chỉ mới phát hành được vài tháng.
Dasgupta lập luận rằng, nếu suy nghĩ cho kỹ thì điều này rõ ràng” không phải là một  thực trạng hoàn toàn xấu. Đối với ông, bỏ qua quá khứ cũng có những bù đắp tích cực quan trọng:
Để những công trình mang tính sáng tạo, sẽ có lợi thế hơn khi chúng ta không am hiểu về các kiến thức và những tranh luận của các thời kì trước; Rủi ro sẽ thấp hơn khi quá khứ thiết lập những vấn đề nghiên cứu hiện tại.
Mark Blaug (1927-2011)
Nhưng vấn đề nghiên cứu của chúng ta luôn luôn do quá khứ thiết lập, mặc dù nó có thể đề cập đến tương lai. Nhận thức và lý thuyết của chúng ta đến từ quá khứ. Đó có thể là con đường duy nhất. Việc nên am hiểu về các kiến thức và những tranh luận của các thời kì trước hay không phụ thuộc lớn vào việc chúng có liên quan đến những vấn đề của chúng ta hiện nay hay không? Đáng buồn là chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế với quy mô giống như cuộc Đại suy thoái, chúng ta phải học hỏi từ kinh nghiệm xa xôi đó, và chúng ta phải học hỏi từ các cuộc suy thoái khác - cái được gây ra bởi sự thất bại của ngân hàng, và học từ những phân tích và những chính sách của các nhà kinh tế học đã qua đời. Tuy nhiên Dasgupta mong muốn khép lại quá khứ. Minh triết được cho là có thời hạn sử dụng ngắn ngày, tri thức có giá trị bị xem nhẹ.
Mặc dù vậy, như Mark Blaug (1991, trang. x) chỉ ra rằng một vài người phát minh ra những ý tưởng mới trong kinh tế học có thể cưỡng lại sự cám dỗ để đề cử một hoặc hai người đi trước. Tuy nhiên, khi kiến thức chi tiết về lịch sử kinh tế học trở thành một sự khan hiếm lỗi thời thì những đề cử những người đi trước sẽ trở thành một nghi lễ hời hợt. Việc không coi trọng các nguyên bản trước đây làm xói mòn những thói quen nghiên cứu kĩ lưỡng các lý thuyết gia trước đây, những câu hỏi chi tiết về những thay đổi tinh tế trong ý nghĩa của từ, quan tâm đến bài viết súc tích và sự diễn đạt thanh thoát, và sự chú ý đến định nghĩa các khái niệm một cách chính xác và đầy đủ. Những ai quan tâm đọc Keynes sẽ tìm thấy một mẫu mực có tính sư phạm về những giá trị (mà chúng ta vô cùng cần trong ngày nay) bị cắt bỏ này.
4.  Sự thống trị của kĩ thuật
Arjo Klamer (1953-)
David Colander (1947-)
Ngày nay, để được công bố ở các tạp chí kinh tế học hàng đầu thì không nhất thiết phải đọc hay trích dẫn bất kì nhà kinh tế học nào quá xa trong quá khứ. Hầu hết các nhà kinh tế học đều quan tâm đến các mô hình toán học. Họ được dạy các công cụ để phân tích hơn là những bối cảnh của tri thức, lịch sử và thể chế mà ở đó các câu hỏi phân tích phát sinh. Khi toán học đã tràn ngập các chương trình giảng dạy ở các trường đại học hàng đầu và các trường sau đại học, các sinh viên ngành kinh tế học sẽ không được trang bị và cũng không được khuyến khích dành sự ưu tiên cho các nền kinh tế trong thế giới thực và các thể chế. Giải quyết những câu hỏi lớn như bản chất và nguồn gốc của sự giàu có và nghèo đói của các quốc gia không được tán thưởng, trừ khi người ta có thể quy các phân tích về một hình thức luận đáng kính.
Reiner Eichenberger (1961-)
Đã có những cảnh báo lặp đi lặp lại trong hơn 20 năm về vị thế thượng phong của kĩ thuật so với bản chất (substance), thậm chí trong các cấp bậc cao hơn của nghề nghiệp. Vấn đề đã trở nên trầm trọng từ thập niên 1980. Arjo Klamer và David Colander (1990, trang 18) báo cáo một cuộc khảo sát cho thấy rằng chỉ có 3% số sinh viên cao học của các chương trình kinh tế học hàng đầu của Mỹ ý thức được rằng có một kiến thức toàn diện về nền kinh tế là rất quan trọng cho sự thành công trong sự nghiệp, trong khi 65% nghĩ rằng tài tình trong khả năng giải quyết vấn đề là điều quan trọng và 57% tin tưởng rằng xuất sắc trong toán học là rất quan trọng. Bruno Frey và Reiner Eichenberger (1993, trang 190) cũng nhận xét tương tự rằng các học viên cao học được dạy theo một cách trừu tượng, mang định hướng lý thuyết và ít chú ý đến các sự kiện mang tính thể chế.
Alan Blinder (1945-)
Bruno S. Frey (1941-)
Năm 1988 Hiệp hội Kinh tế Mỹ thành lập một Ủy ban về thực trạng đào tạo sau đại học về kinh tế học ở Hoa Kỳ. Trong một bản cáo trạng nhức nhối, Ủy ban thể hiện nỗi lo sợ rằng các chương trình sau đại học có thể tạo ra một thế hệ với quá nhiều người ngốc nghếch thành thạo về kĩ thuật nhưng lại quá “ngây thơ” với các vấn đề kinh tế thực tế” (Krueger et al., 1991, trang.1044-5). Alan Blinder (1990, p.445), một thành viên của Ủy ban, nhận xét:
Cả sinh viên lẫn giảng viên trong khoa đều nhận thấy rằng kinh tế học bị ám ảnh bởi kĩ thuật nằm ở vị thế thượng phong so với bản chấtcác kỳ thi lý thuyết vĩ mô và vi mô được Ủy ban xem xét kiểm tra khả năng giải quyết các vấn toán học phức tạp, chứ không phải kiến thức nghiêm túc về kinh tế học Chỉ có 14% sinh viên báo cáo rằng các khóa học chính của họ đặt trọng tâm thực sự vào việc ứng dụng lý thuyết kinh tế để giải quyết các vấn đề của thế giới thực.
Donald McCloskey (1942-)
Kể từ năm 1988, Ủy ban có một danh sách phụ khá dài thể hiện những phàn nàn lặp đi lặp lại của các thành viên đầu ngành. Donald McCloskey (1991, trang 10-14) đã viết:
“Nói một cách nghiêm ngặt, các thủ tục về kinh tế học hiện đại còn hơn cả một cuộc tìm kiếm thông qua siêu không gian (hyperspace) của các giả định có thể tưởng tượng được Các bộ môn kinh tế học lần lượt bị nắm giữ bởi những người theo chủ nghĩa hình thức và buộc phải bước đến Quần đảo ngục tù (Gulag) của việc tìm kiếm siêu không gian. Một vài chương trình sau đại học về kinh tế học dạy kinh tế học, đặc biệt cho học viên năm nhất. Họ dạy các công cụ, mà các công cụ đó trở nên lỗi thời sau khoảng 5 năm.
Như Blaug (1997) một vài năm sau đó viết:
Wassily Leontief (1906-1999)
Kinh tế học hiện đại bị bệnh. Kinh tế học ngày càng trở thành một trò chơi trí tuệ, chơi vì mục đích riêng của mình và không vì những kết quả thực tiễn của nó đối với sự hiểu biết về thế giới kinh tế. Các nhà kinh tế học đã biến môn học thành một loại toán học xã hội, ở đó tính chặt chẽ trong phân tích (analytical rigour) là tất cả và sự liên quan đến thực tiễn thì không là gì.
Ít nhất ba người đoạt giải Nobel đã bày tỏ mối quan tâm của họ. Từ rất sớm, Wassily Leontief (1982) đã phản đối rằng các mô hình đã trở nên quan trọng hơn dữ liệu:
Hết trang này đến trang khác của tạp chí kinh tế chuyên ngành được phủ đầy với các công thức toán họcHết năm này đến năm khác các nhà lý luận kinh tế tiếp tục tạo ra rất nhiều mô hình toán học và tiếp tục khám phá rất chi tiết các đặc tính hình thức của chúng; và các nhà kinh trắc điều chỉnh các hàm đại số của tất cả các dạng có thể từ cùng một bộ dữ liệu cơ bản.
Ronald Coase (1910-2013)
Ronald Coase (1997) đã phàn nàn rằng: “Kinh tế học hiện tại là một hệ thống lý thuyết lơ lửng trong không trung và có liên quan chút ít đến những gì xảy ra trong thế giới thực”. Và Milton Friedman (1999, trang 137) nhận xét: “kinh tế học ngày càng trở thành một nhánh bí hiểm của toán học hơn là giải quyết các vấn đề kinh tế thực sự”.
Những gì đã xảy ra sau những phàn nàn đầy uy tín này? David Colander (2009) than vãn rằng không cảnh báo nào trong số những cảnh báo xuất chúng này “có bất kì tác dụng nào đến giáo dục kinh tế sau đại học của Hoa Kì”. Như Mark Blaug (1998, trang 45) đã viết một cách bi quan rằng: “Chúng ta đã tạo ra một con quái vật và rất khó khăn để ngăn chặn nó lại.
Vấn đề không nhất thiết là tự bản thân toán học, nhưng nỗi ám ảnh của kĩ thuật chiếm thế thượng phong so với bản chất. Người ta có thể biện luận rằng có một nơi thích hợp cho việc sử dụng hạn chế phương pháp phỏng đoán hữu hiệu (useful heuristics) hoặc các mô hình dữ liệu phong phú trong kinh tế học (Hodgson, 2006, chương 7). Nhưng điều quyết định việc áp dụng chúng không phải thẩm mỹ kĩ thuật của chúng, mà vì tính hữu dụng của chúng cho việc giúp đỡ để giải thích thế giới thực.[6]
Trước sự thống trị của kĩ thuật trong kinh tế học hiện đại, chúng ta cần phải xem xét xem điều này có thể đã tác động đến sự phán xét của các nhà kinh tế học và các lời khuyên mà họ đã cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách như thế nào. Câu hỏi này sẽ được giải quyết sau. Trước khi làm điều đó, chúng ta sẽ xem xét xem liệu cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có khả năng làm suy yếu hay củng cố xu hướng hình thức và kĩ thuật này, bằng cách nhìn vào những tiền lệ cuộc đại suy thoái những năm 1930.
5.  Có phải các cuộc khủng hoảng trước đã khiến các nhà kinh tế theo hướng bản chất (substance) hơn là kĩ thuật?
Kĩ thuật toán đã được chính thức hóa trong những thánh đường cao của kinh tế học trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Ngược lại, kinh tế học trong thập niên 1920 mang đậm tính suy luận và ít mang dáng dấp của một ngành bị ám ảnh bởi kĩ thuật. Các nhà kinh tế học được đào tạo về lịch sử của ngành mình và ý thức về những vấn đề lâu đời và về sự thay đổi phương pháp tiếp cận lý thuyết. Do đó nhiệm vụ của việc cải cách kinh tế học ngày nay khác hẳn với nhiệm vụ cải cách mà các nhà kinh tế học đã đối mặt sau cuộc đại suy thoái năm 1929.
Lập luận mang tính lý thuyết trọng tâm của Keynes (1936) là các giả định đằng sau kinh tế học tự do không thích hợp cho hệ thống kinh tế thế giới thực.[7] Đây căn bản không phải là một cuộc tranh luận về những mô hình kinh tế học hay những kĩ thuật kinh trắc. Nhưng trớ trêu thay cuộc đại suy thoái đã giúp cung cấp một động lực cho việc sử dụng rộng rãi hơn toán học trong kinh tế học.
Gunnar Myrdal (1898-1987)
Một thế hệ các nhà kinh tế học trẻ - những người thiếu kiên nhẫn trước sự thất bại của các nhà kinh tế học trước đó trong việc tìm ra giải pháp, đã chuyển sang mô hình toán học cũng như học thuyết của Keynes. Gunnar Myrdal có một thời ngẫm nghĩ về những kinh nghiệm của mình trong những năm 1930, khi ông đóng vai trò là người khởi xướng trong việc lập Hội kinh trắc học (Econometric Society) nhằm thúc đẩy các phương pháp hình thức chống lại sự bá quyền lúc bấy giờ của trường phái thể chế ở Hoa Kì, trước khi chính ông chuyển sang kinh tế học thể chế và trở thành một nhà phê phán dòng chính tân cổ điển. Myrdal (1972, trang 6-7) đã viết:
Đối mặt với thảm họa lớn này, các nhà kinh tế học theo trường phái lý thuyết (theoretical school) chúng tôi đã quen với lý luận với điều kiện của mô hình vĩ mô đơn giản, chúng tôi đã cảm thấy hoàn toàn làm chủ tình hình Ở giai đoạn này, các nhà kinh tế học theo dòng cuộc cách mạng Keynes đã điều chỉnh các mô hình lý thuyết của họ theo nhu cầu của thời đại, điều đó mang lại một thắng lợi toàn diện hơn cho cách tiếp cận theo lý thuyết của chúng tôi.
Các nhà bình luận khác cũng đi đến những phán quyết tương tự (Hodgson, 2004, trang 383-6).
Paul Samuelson (1915-2009)
“Cuộc cách mạng” này không chỉ hình thành một phiên bản tương đối đơn giản của chủ nghĩa Keynes, mà còn được dẫn dắt bởi một thế hệ các nhà kinh tế học trẻ hơn, bao gồm Samuelson và những người khác, những người đã đẩy mạnh các mô hình kinh tế hình thức. Họ chỉ nhấn mạnh những phần có thể mô hình hóa được của chủ nghĩa Keynes, và họ thiếu kiên nhẫn với những suy ngẫm dường như không rõ ràng của các nhà kinh tế học thế hệ trước, những người đã vùi mình vào các sự kiện lịch sử, vào nỗ lực của mình nhằm hiểu các quy luật vận động chủ nghĩa tư bản.
Sự hấp dẫn của cách tiếp cận đậm chất toán học này, một phần vì sự cám dỗ kĩ trị của nó, một phần vì nó đề xuất các các giải pháp rõ ràng cho các vấn đề cấp bách nhất thời. Nó biểu lộ rằng sự gia tăng của một biến gọi là G có thể làm giảm bớt vấn đề thất nghiệp. “Giải pháp” thì rõ ràng và quyến rũ và được bao phủ với vỏ bọc toán học và “khoa học”. Mặc dù chính Keynes cũng đã cảnh báo về những hạn chế của kĩ thuật toán học trong kinh tế (Moggridge, 1992, trang 621-3), ông đã được bênh vực bởi một thế hệ trẻ hơn xem toán học là giải pháp.
Một động lực quan trọng thứ hai đẩy đến việc hình thức hóa kinh tế học là chiến tranh thế giới thứ II. Việc quân sự hóa các hoạt động khoa học đã mang lại uy tín và nguồn lực để nghiên cứu liên quan đến các kĩ thuật toán học và thống kê cụ thể. Cuộc xung đột vũ trang lớn nhất của thế kỷ XX khuyến khích một chủ đề trọng tâm của kinh tế học tân cổ điển - việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm hướng tới tối đa hóa một hàm mục tiêu cố định với giả định là thể chế và công nghệ cho trước (Bernstein, 2001; Mirowski, 2002).
Tình trạng khẩn cấp của chiến tranh cuốn trôi bất kì sự dè dặt nào nhằm duy trì sự thâm hụt ngân sách của chính phủ. Cuộc Đại suy thoái đã thuyết phục nhiều người rằng vài chi tiêu công được tài trợ bằng thâm hụt ngân sách điều bắt buộc (Barber, 1988). Cuộc chiến tranh đã làm nhiều người “cải đạo” toàn diện. Bất kì người nào thuyết giảngcân đối ngân sách” trong tình trạng khẩn cấp của thời chiến đều có thể bị cáo buộc chống lại các nỗ lực chiến tranh. Nhu cầu về tài trợ công cho cuộc chiến đảm bảo sự thắng lợi của thuyết “Keynesian”. Samuelson đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn năm 1986 rằng: “Khi chiến tranh kết thúc, toàn bộ giới hàm lâm đều là Keynesian” (Colander và Landreth, 1996, trang 169).
Mặc dù cuộc Đại suy thoái đã thiết lập một Kinh tế Vĩ mô Keynesian, nhưng nó cũng tạo động lực cho quá trình hình thức hóa toán học đã dần dần tăng tốc trong thời kỳ hậu chiến tranh. Tốc độ và mức độ của sự thay đổi này có thể được tìm thấy trong các tạp chí hàng đầu như American Economic Review, Economic Journal, the Journal of Political EconomyQuarterly Journal of Economics. Trước thập niên 1920, sự trình bày bằng lời văn thống trị hơn 90% các bài báo được công bố trên các tạp chí này. Tuy nhiên, sự trình bày bằng lời văn không còn chiếm ưu thế kể từ sau năm 1940, và giảm đều đặn xuống còn khoảng 33% các bài báo trong thập kỉ 1960. Đến đầu thập kỉ 1990, trên 90% các bài báo trong các tạp chí hàng đầu và lâu đời được thống trị bởi đại số, giải tích và kinh trắc học (Stigler et al., 1995, trang 342).[8]
Myron Scholes (1941-)
Robert Merton (1910-2003)
Mặc dù Keynes trở thành lỗi thời trong giai đoạn 1975 - 2008, và đặc trưng của kinh tế học dòng chính đã thay đổi ở những khía cạnh khác trong những thập kỷ gần đây, nhưng nỗi ám ảnh của nó với khía cạnh kĩ thuật vẫn chiếm thế thượng phong so với khía cạnh bản chất. Câu hỏi cấp bách là liệu cuộc khủng hoảng năm 2008 đảo ngược chiều hướng này.
Chúng ta có thể nhắc nhở mình về một sự cố trước đây. Năm 1997 Robert C. Merton và Myron S. Scholes đã được trao giải Nobel Kinh tế học. Scholes đã giúp đưa ra phương trình Black-Scholes, cái mà một quỹ phòng hộ nổi bật (a prominent hedge fund) dựa vào. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Nga và Đông Á năm 1997, quỹ có đòn bẩy cao đã mất 4,6 tỷ USD trong vòng chưa đầy bốn tháng trong năm 1998 và bị phá sản.[9] Điều này có dẫn đến cuộc thảo luận quan trọng liên quan đến những hạn chế của các mô hình không? Than ôi, không.[10]
6. Tại sao những cảnh báo về cuộc khủng hoảng đã bị lờ đi?
Adair Turner (1955-)
Một vấn đề chính đòi hỏi phải giải thích không phải là sự thất bại trong dự báo, bởi vì (như đã nói ở trên) các loại dự báo về cuộc khủng hoảng đã được đưa ra. Sẽ xác đáng hơn để hỏi, tại sao những băn khoăn có đầy đủ căn cứ về tính chất và mức độ cho vay của ngân hàng trước cuộc khủng hoảng đã bị lờ đi.
Trong một bài phát biểu vào ngày 21/01/2009, Chủ tịch của Cơ quan Dịch vụ Tài chính (Financial Services Authority), huân tước Adair Turner, chỉ vào sự thất bại nghiêm trọng được góp phần bởi các chủ ngân hàng, các nhà quản lý, các ngân hàng trung ương, các Bộ trưởng tài chính và các học giả trên khắp thế giới trong việc xác định rằng toàn bộ hệ thống đầy rẫy rủi ro hệ thống.[11] Điều này lan truyền trách nhiệm một cách rộng rãi, bao gồm các học giả và ít nhiều một cách công bằng. Nhưng nó không giải thích được làm thế nào sự thiển cận lây lan đồng thời qua tất cả các định chế rất khác nhau của chính trị, tài chính và đại học.
Richard Posner - một nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng đã nêu câu hỏi “The Financial Crisis: Why Were Warnings Ignored?” (“Khủng hoảng tài chính: Tại sao những cảnh báo bị lờ đi) trên blog của mình.[12] Ông trích dẫn cuốn sách nổi tiếng Trân Châu Cảng: cảnh báo và quyết định (Pearl Harbor: Warning and Decision) của Roberta Wohlstetter. Wohlstetter (1962) cho thấy rằng thông tin chỉ ra khả năng của một cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng đã được quân đội Mỹ tiếp nhận, từ những nguồn khác nhau và ở cách xa nhau. Thật khó khăn để đối chiếu và tổng hợp các thông tin xác đáng, đặc biệt là khi có quá nhiều chi tiết và nhiễu. Do đó, các các mẫu tin riêng lẻ của cơ quan tình báo đã bị cho là có độ tin cậy hay sự ưu tiên thấp, và nó đã không đến được tai các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao. Bởi vậy Posner trích dẫn lời cảnh báo của Roubini về sự sụp đổ kinh tế và lập luận rằng những cảnh báo này cũng gặp phải những cản trở tương tự trong hệ thống chính trị và tài chính đầy quan liêu:
Richard Posner (1939-)
Trong số các yếu tố khiến cho các cảnh báo không được coi trọng, và cũng là những yếu tố có tính quyết định đối với sự thờ ơ về các cảnh báo trước khi cuộc khủng hoảng tài chính mà hiện nay chúng ta đối mặt là: những tiên kiến (nhận thức trước), chi phí và khó khăn trong việc dùng các biện pháp phòng vệ hiệu quả nhằm đối phó với một sự nguy hiểm không chắc chắn và sự thiếu vắng của một cơ chế cho việc tập hợp và phân tích thông tin cảnh báo từ nhiều nguồn khác nhau.
Lập luận này có cái nhìn sâu sắc về cách thức mà bộ máy quan liêu sàng lọc thông tin, nhưng nó bỏ qua một sự khác biệt cơ bản. Thông tin tình báo về những chuẩn bị cho cuộc tấn công không giống với sự thẩm định có tính chất nhận thức về khả năng của một cuộc khủng hoảng tiềm tàng nhưng chưa thật sự nổ ra. Hơn nữa, bất kỳ nhận thức gián tiếp nào, về một cuộc khủng hoảng tài chính có khả năng xảy ra- ít nhất đối với các bộ máy quan liêu hiện thời - phải đáp ứng nhu cầu của một đánh giá định lượng về rủi ro trong nguy cơ này. Nhưng với mức độ phức tạp và độ mở của các hệ thống liên quan, một sự đánh giá bằng xác xuất thường là khó khăn hoặc không thể. Với văn hóa quan liêu hiện nay, sự thiếu vắng của rủi ro được định lượng đã ngăn cản những lời cảnh báo được lưu tâm. Cũng như đã nói ở trên, cảnh báo của Roubini đã bị lờ đi một phần vì ông thiếu một mô hình hỗ trợ đủ tin cậy. Đây là sự khác biệt quan trọng giữa trường hợp của Trân Châu Cảng và cuộc khủng hoảng năm 2008. Ngay cả Posner cũng không phải là người biện hộ thẳng thắng. Ông chọn lọc các nhà kinh tế học để dành cho họ những lời chỉ trích đặc biệt:
Trong tất cả các câu hỏi khó hiểu về sự thất bại trong dự báo cuộc khủng hoảng tài chính, thì câu hỏi lớn nhất là sự thất bại trong dự báo của các giáo sư tài chính và kinh tế vĩ mô, với một vài trường hợp ngoại lệ như Roubini. Một số bài bình luận trên phương tiện truyền thông đại chúng đã quy trách nhiệm cho các giáo sư kinh tế học là quá phụ thuộc vào các mô hình toán học trừu tượng của nền kinh tế. Trong thực tế, chính các giáo sư tài chính, những người được tìm thấy chủ yếu trong các trường kinh doanh hơn là trong bộ môn kinh tế học, mới có xu hướng tham gia sâu vào thế giới thực của các thị trường tài chính. Họ không phải là những nhà lý luận suông. Họ tham gia vào các thị trường tài chính với tư cách là các nhà tư vấn, các nhà đầu tư, và đôi khi là các nhà quản lý tiền.
Điều này đưa đến một lập luận thứ hai về vai trò của các mô hình toán học trong việc đẩy các nhà kinh tế học chệch khỏi thực tiễn. Posner phủ nhận rằng họ đã có một ảnh hưởng bất lợi và lập luận rằng các nhà mô hình kinh tế tài chính trong các trường kinh doanh đã nhúng bàn tay bẩn thỉu của họ vào của thị trường tiền tệ hn độn. Những tuyên bố tiếp tục đặt ra thêm các câu hỏi khác. Tại sao các giáo sư khác trong bộ môn kinh tế học, ít có khuynh hướng tham gia vào các định chế thị trường hỗn độn? Có một phàn nàn phổ biến là chúng ta biết quá ít về cách thức mà cơ chế thị trường thực sự hoạt động (North, 1977, trang 710; Coase, 1988, trang 7; Hardle and Kirman, 1995).
Hơn nữa, liên quan không có nghĩa là người đó có dính líu đến toàn cảnh. Hầu hết các mô hình được thiết lập bởi các nhà kinh tế học tài chính là ít quan tâm đến sự hiểu biết về các cơ chế thể chế thị trường, hay thậm chí ít quan tâm đến việc dự đoán kết quả hệ thống, so với việc cung cấp đánh giá rủi ro và các thuật toán đầu tư cho các khách hàng - các nhà đầu tư. Sai lầm của các mô hình công cụ (instrumental models) được minh họa một cách ấn tượng bởi vụ xi-căng-đan của quỹ phòng hộ Black-Scholes. Posner không thừa nhận rằng trong khi các nhà kinh tế học tài chính nhúng tay bẩn thỉu vào, họ đã bỏ qua các trạng thái tới hạn của núi nợ, cái mà cuối cùng dẫn đến sụp đổ.
Các cảnh báo đã bị lờ đi cũng bởi vì một ý thức hệ của thị trường tự do kết hợp với các khẳng định lý thuyết như các giả thiết về thị trường hiệu quả và sự kỳ vọng duy lý. Nhiều người tin rằng các thị trường có thể tự điều tiết và kiểm soát nợ. việc cho vay quá mức có thể được thị trường phát hiện và giá cổ phiếu của các định chế cho vay thiếu thận trọng sẽ tự động giảm xuống. Do đó quy định của chính phủ là không cần thiết.
Lý thuyết thị trường hiệu quả tuyên bố rằng giá của các tài sản được giao dịch đã phản ánh tất cả các thông tin đã biết. Điều này hỗ trợ quy tắc điều tiết lỏng lẽo (light- touch) một cách tối đa.[13] Những giả thiết kỳ vọng duy lý “khẳng định rằng kết quả không khác nhau một cách hệ thống với những gì mà mọi người kỳ vọng nó sẽ xảy ra Trong những nỗ lực của mình nhằm dự báo giá, các nhà đầu tư lùng sục tất cả các nguồn thông tin” (Sargent, 2008). Khi các nhà kinh tế học tin vào sự hiệu quả thông tin của thị trường và tin vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường, thì các cảnh báo về sự sụp đổ bị lờ đi vì chúng đi ngược lại sự thông thái thông thường.[14]
Các giáo sư tài chính cũng bị thu hút vào “thế giới thực của thị trường tài chính” một phần vì các hợp đồng tư vấn béo bở có sẵn. Nhiều trường kinh doanh khuyến khích công việc tư vấn đó, và coi nó như là biểu hiện của sự thích đáng và uy tín cho chính nhà trường. Với sự tiến triển của các quyền lợi được đảm bảo như vậy, đặc biệt là với sự phát triển toàn cầu của các trường kinh doanh từ những năm 1980, các nhà kinh tế học tài chính có rất ít động cơ để yêu cầu sự điều tiết lớn hơn, yêu cầu có các quy định hạn chế đối với các quỹ phòng hộ, hay nâng mức báo động về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán phái sinh. Quyền lợi cục bộ này giúp duy trì hiện trạng của ý thức hệ và chính sách.
Cuối cùng, như đã nói ở trên, việc sùng bái của sự đo lường (metrication), đang chiếm ưu thế trong giới quan liêu ở lĩnh vực tư lẫn công hiện thời, đồng nghĩa với việc các nhà tư vấn bị áp lực để cung cấp một đánh giá định lượng của bất kỳ rủi ro nào. Tuy nhiên, toàn bộ điều này chỉ ra rằng thị trường tài chính phức tạp và có độ mở lớn, tức là các kết quả trong tương lai là bất trắc đúng hơn là sự rủi ro. Sự bất trắc, ít nhất là theo định nghĩa của Knight (1921) và Keynes (1937), áp dụng cho những trường hợp mà ở đó các phép tính toán định lượng về xác suất là không thể thực hiện. Nhưng ngày nay ít có nhà kinh tế học dòng chính nào cân nhắc thêm về sự khác biệt trên nữa, một phần vì khó khăn để đưa sự phi định lượng vào một mô hình. Nó là một khái niệm bị trục xuất khỏi lý thuyết kinh tế dòng chính.[15] Tuy nhiên, rất khó khăn để thấy cách thức mà các dự báo trước về những thảm họa tài chính có thể được đánh giá một cách có ý nghĩa với những xác suất được tính toán kĩ càng.
Do đó, khi chúng ta xem xét lý do tại sao những cảnh báo về cuộc khủng hoảng năm 2008 đã không được chú ý, chúng ta không phải đang đương đầu chủ yếu với một hội chứng Trân Châu Cảng về việc thông tin bị bỏ qua hay không được đối chiếu. Thay vào đó, những dự cảm về thảm họa đang đến gần của các nhà phân tích có kinh nghiệm đã bị lờ đi bởi ngành kinh tế học dòng chính, cũng như bởi các khách hàng tài chính, vì chúng không được lượng hóa dưới dạng xác suất, và cũng không có nguồn gốc từ các mô hình “đáng nể”.
7. Chuẩn đoán kinh tế học bệnh hoạn (sickonomics)
Tony Lawson (1944-)
Hiện nay có một kinh văn quan trọng về sự phát triển của chủ nghĩa hình thức trong kinh tế học. Tony Lawson (1997) cho rằng việc sử dụng các mô hình toán học giả định trước một bản thể luận “hệ thống khép kín” (‘closed system’ ontology) trong thực tế là “hiếm”. Các tiểu tiết của lập luận này gây tranh cãi (Hodgson, 2006, chương 7) nhưng chúng không liên quan đến vấn đề chính ở đây: các điều kiện thể chế hay các điều kiện văn hóa nào đã dẫn đến sự gia tăng toàn cầu của chủ nghĩa hình thức trong kinh tế học? Một nhiệm vụ quan trọng là nhận diện những giả thuyết cơ bản, nhưng một nhiệm vụ khác là giải thích xem làm thế nào chúng trở nên nổi bật.
Chứng bệnh ảnh hưởng đến kinh tế học có đặc trưng riêng, nhưng các ngành khác cũng bị tổn thương bởi những vấn đề nghiêm trọng. Ví dụ, sau nhiều thập kỷ khi xã hội học hậu Parsonian (post-Parsonian) đã thất bại trong việc thiết lập một sự đồng thuận về các giả định cốt lõi, thì danh tiếng của lý thuyết xã hội học đã sụt giảm và xã hội học đã bị gãy thành nhiều thiên kiến của các phe phái khác nhau, bao gồm chủ nghĩa hậu hiện đại (post-modernism), lý thuyết lựa chọn duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm ngây thơ (naıve empiricism) (Mouzelis, 1995; Somers, 1998).
Tôi ám chỉ rằng áp lực toàn cầu đã tác động đến các trường đại học hiện đại trong thế kỷ XX, và đã dẫn đến những thay đổi đáng kể, mang tính toàn diện trong bản chất của việc dạy và nghiên cứu. Nhưng những cách thức mà các ngành khác nhau đã tiến triển để đáp ứng với những áp lực này phản ánh lịch sử đa dạng và tính năng động của ngành. Cụ thể, với chủ nghĩa hình thức trong kinh tế học, có những yếu tố mạnh mẽ của ý kiến phản hồi tích cực và sự phụ thuộc vào lộ trình đã đi (path dependence). Nhưng chúng ta cũng phải hiểu bối cảnh học thuật tổng thể, mà ở đó những thay đổi này diễn ra.
Hãy xem xét những thay đổi mang tính toàn cầu trong bản chất của giáo dục đại học. Ở các nước phát triển, trước thế chiến thứ II, các trường đại học được dành riêng cho những người giàu có hoặc cho một bộ phận nhỏ những người thông minh. Bất chấp áp lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo, họ xoay sở để ban phát một nền giáo dục tương đối rộng và duy trì một tâm thế trong việc theo đuổi chân lý. Sau Chiến tranh Thế giới II, điều này đã từng thay đổi ở các nước phát triển nhất. Đặc biệt là từ những năm 1960, các trường đại học đã trở thành một tổ chức hướng nhiều hơn tới việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn dưới sự yêu cầu của các tập đoàn kinh doanh.
Thorstein Veblen (1857-1929)
Thorstein Veblen (1918) đã theo dõi những giai đoạn đầu của sự phát triển này ở các trường đại học lâu đời. Những tác giả khác (Callahan, 1962; Bloom, 1988; Lutz và Field, 1998; Kirp, 2003; Greenberg, 2007) đã lập biểu đồ sự sụt giảm sau thế chiến của cuộc điều tra rộng và mang tính tra vấn, và sự gia tăng của các hình thức hẹp hơn trong đào tạo nghiệp vụ. Sinh viên ít được khuyến khích để theo đuổi những câu hỏi lớn. Thay vào đó, họ được khuyến cáo mạnh mẽ và bị thuyết phục rằng cần phải trang bị phát được tín hiệu nhằm có thể được thuê trên thị trường.
Đằng sau quá trình này là sự mở rộng mạnh mẽ sau thế chiến của hệ thống giáo dục đại học ở các nước tư bản phát triển, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cường độ tri thức và sự chuyên môn hóa không ngừng trong lĩnh vực sản xuất (Rueschemeyer, 1986; Pryor, 1996). Chuyên môn hóa sâu có nghĩa là đào tạo ở bất kì một lĩnh vực nào đi nữa cũng phải mất nhiều thời gian hơn. Những tính cách của thời phục hưng với một khả năng cho sự khái quát hóa đầy đủ để nhìn xa trông rộng thì ít có khả năng nổi lên, thậm chí ít có khả năng được chấp nhận (Hodgson, 1999, pt. 3).
Việc mở rộng các trường đại học sau thế chiến có lợi ích quan trọng trong việc mang lại cơ hội học tập cao hơn cho một bộ phận rộng lớn hơn trong dân chúng. Nhưng nó đã được thúc đẩy bởi cảm nhận được nhu cầu kinh tế, và nó thúc đẩy việc thương mại hóa giáo dục đại học. Hơn nữa, mở rộng các hệ thống giáo dục đòi hỏi nhiều tiền hơn từ ngân sách nhà nước, và áp lực về dân chủ cũng như các áp lực khác buộc chính phủ phải biện minh bằng hiệu quả chi tiêu.
Các lực lượng này cùng nhau làm xói mòn “ốc đảo” của giáo dục khai phóng (liberal education) rộng lớn, việc mở rộng đào tạo nghiệp vụ chuyên môn mạnh mẽ, dẫn đến yêu cầu rõ ràng trong việc quan tâm đến giá trị kinh tế của nghiên cứu ở đại học, và thúc đẩy sự gia tăng sử dụng các bảng xếp hạng (league tables) và các đánh giá nghiên cứu chính thức hóa để gây áp lực trên các học giả để đăng các nghiên cứu trong các tạp chí được công nhận.
Sự sùng bái lượng hóa có nguồn gốc lịch sử (Crosby, 1998). Nhưng nó cũng đã nhận được một động lực thông qua các hệ tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân thị trường từ những năm 1970. Điều này đã chính thức hóa các nghĩa vụ theo hợp đồng của cá nhân và tổ chức, và nó đã làm gia tăng các nguy cơ kiện tụng trong trường hợp thất bại. Các tổ chức đã hưởng ứng về mặt đánh giá rủi ro thông thường và định lượng. Dưới những áp lực tương đối, thậm chí lớn hơn, ta thấy có sự phát triển tương tự trong các tổ chức kinh doanh bên ngoài trường đại học.[16]
Những tác lực trên nền tảng thể chế và văn hóa này tác động đến các ngành theo nhiều cách khác nhau. Kinh tế học phải chịu đựng theo một cách đặc biệt bởi vì nó đã thiết lập một loại hình và mức độ của chủ nghĩa hình thức, cho phép kết quả nghiên cứu được đánh giá chủ yếu về mặt sự tao nhã và sự liên quan đến toán học. Các nhà kinh tế học được đánh giá và được tuyển dụng dựa trên khả năng phân tích thống kê hay các mô hình dự báo.
Robert Shiller (1946-)
Có một xu hướng bảo thủ trong bất cứ ngành khoa học nào. Robert J. Shiller (2008) viết về tính bầy đàn của các nhà kinh tế học xung quanh những quan điểm thông thường vì sợ chống lại xu hướng. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành đơn khối vững chắc như kinh tế học, do bị tương đối ít mô hình và phương pháp tiếp cận lý thuyết thống trị, dưới sự kiểm soát của các tạp chí và các nguồn lực khác tập trung ở một số ít các định chế hàn lâm (Hodgson và Rothman, 1999). Sự phân phối quyền lực của độc quyền nhóm trong ngành ảnh hưởng đến sự xuất bản và tài trợ. Những bài báo ít có đặc trưng theo định hướng kĩ thuật rất khó khăn để được đăng trên các tạp chí có uy tín; lập hồ sơ tài trợ mà thiếu các mô hình thì ít có khả năng được các nhà kinh tế có quyền cầm cân nảy mực (refereeing economists) chấp thuận; và các ứng viên mà không có một danh sách mô hình tốt thì không thể được thăng tiến. Trong một quá trình tích tụ nguyên nhân, sự sùng bái kĩ thuật nuôi dưỡng chính bản thân nó.
Bởi vì họ không còn được đào tạo để xem những vấn đề một cách nghiêm túc, kinh tế học dòng chính ít quan tâm đến ý nghĩa sâu xa hay nguồn gốc lịch sử của các lý thuyết, các khái niệm, hay về các câu hỏi liên quan đến các nền kinh tế và xã hội.
8. Kết luận: sự cải cách kinh tế học
Các cuộc khủng hoảng và sự thất bại trong dự báo đều không thúc giục các nhà kinh tế học nhất thiết phải theo hướng hiện thực. Một phản ứng trong thời kì suy thoái hiện nay là chúng ta nên cố gắng hơn nữa để phát triển các mô hình tốt hơn. Có lẽ là chúng ta nên làm thế. Nhưng chúng ta cũng phải học bài học quan trọng là các mô hình bản thân chúng thì không bao giờ là đủ. Các nhà kinh tế học cần đánh giá những hạn chế của việc mô hình hóa. Những hạn chế này mang tính khái quát và do “căn bệnh khó chữa trị” (intractabilities) của sự bất trắc, sự phức tạp và hệ thống mở trong thế giới thực. Một sự hiểu biết tốt hơn về tình trạng khó khăn hiện tại của chúng ta cũng phải bắt nguồn từ một sự đánh giá đầy đủ hơn về cả lịch sử kinh tế và lịch sử các ý tưởng. Điều cần thiết là một sự tái sinh của văn hóa trong giới kinh tế học.
Colander (2000) và những người khác đã lập luận rằng sự thừa nhận đầy đủ hơn thực tại những hệ quả của tính phức tạp của hiện thực sẽ rất hữu ích cho kinh tế học. Nhưng diễn ngôn hiện nay về sự phức tạp không phải là phương thuốc chữa bách bệnh. Nội dung đa dạng của nó bao gồm từ mô phỏng khôi hài đến thuyết kiến tạo xã hội, và đôi khi nó đáng được phản bác về mặt nhất quán và giá trị (Horgan, 1995). Tuy nhiên, việc thừa nhận các hạn chế của việc mô hình hóa trước sự phức tạp là rất quan trọng. Ngay cả những mô hình phức tạp nhất cũng không đủ để đối phó với sự phức tạp của thế giới thực. Thay vì phải nhìn thẳng vào sự phức tạp của thế giới thực, các nhà kinh tế học lại quay sang một thế giới nhân tạo của các mô hình đơn giản hơn nhiều. Thay vì đánh giá nhiều mô hình về sự tinh tế trong bản chất kĩ thuật của chúng, các nhà kinh tế học nên đánh giá các mô hình về khả năng hay về mặt giúp chúng ta hiểu và gắn kết với thế giới thực.
Trong việc đối phó với tương lai bất định, một kĩ thuật trong kinh doanh được biết đến dưới tên hoạch định theo kịch bản phù hợp (Loasby, 1990; Van der Heijden, 1996; Fahey và Randall, 1998). Hoạch định theo kịch bản có vẻ thể hiện đúng các tình huống tương lai và các vấn đề. Nhưng không có nỗ lực được thực hiện để gán một xác suất cho mỗi kịch bản. Hoạch định theo kịch bản chuẩn bị chung cho các tổ chức các sự kiện kịch tính và không chắc chắn. Trước năm 2008, các ngân hàng và chính phủ các nước đã có thể hỏi: "Cái gì sẽ xảy ra nếu những người mua nhà không thể trả nợ và giá nhà ngừng tăng? Các nhà hoạch định kịch bản sau đó sẽ xem xét các chính sách hoặc tránh hoặc xử lý chính sách này.
Nhưng hoạch định theo kịch bản lại tạo ra những vấn đề cho các tổ chức. Các doanh nghiệp thường bị chi phối bởi thói quen và cảm thấy khó khăn để đối phó với tương lai bất định. Các tổ chức không xử lý tốt sự bất định, và vì lý do này mà hoạch định theo kịch bản với hình thức nguyên gốc của nó không được chấp nhận rộng rãi. Điều này làm cho nó càng quan trọng đối với các nhà kinh tế để chịu trách nhiệm về sự bất định, để hiểu ý nghĩa của nó, để thúc đẩy tầm quan trọng của nó đối với các tổ chức cũng như các chính phủ và giúp phát triển các chiến lược để đối phó với nó.
Chúng ta cũng đã xác định được vấn đề của quyền lợi cục bộ. Các nhà kinh tế tài chính ít có khả năng công khai ủng hộ các quy định khi họ có các hợp đồng tư vấn béo bở với các doanh nghiệp liên quan đến chứng khoán phái sinh, các quỹ phòng hộ và các vấn đề đổi mới tài chính đáng ngờ. Ý thức hệ của chủ nghĩa cá nhân thị trường đã tàn phá đạo đức nghề nghiệp của các nhà kinh tế học. Các nhà kinh tế học dòng chính cho rằng tất cả mọi người theo đuổi lợi ích cá nhân của mình, vì vậy không thể kì vọng họ sẽ cư xử có đạo đức trong bất kì ý nghĩa nào khác. Hậu quả là có một sự suy giảm trong vấn đề đạo đức của cam kết nghề nghiệp đối với sự thật và một số trường hợp đáng báo động về vấn đề đạo văn trong học thuật. Sự tán thành một điều lệ đạo đức cho các nhà kinh tế học có thể giúp đảo ngược tình trạng này và có thể tái sinh lại một văn hóa mà ở đó sự liêm chính và các cam kết nghề nghiệp được đánh giá cao hơn.[17]
Trong tháng 6 năm 2000 một số sinh viên kinh tế học trong những trường hàng đầu tại Paris lưu hành một bản kiến nghị kêu gọi cải cách chương trình giảng dạy kinh tế học cho họ. Họ phàn nàn về việc “xem nhẹ những thực tiễn cụ thể” trong cách tiếp cận, cách mà “được hỗ trợ để giải thích tất cả mọi thứ bằng phương tiện của một quá trình thuần túy là tiền đề, cứ như điều này là chân lý kinh tế”. Họ kêu gọi “một sự đa nguyên trong các phương pháp tiếp cận, thích ứng với sự phức tạp của các đối tượng và sự bất định bao quanh hầu hết những câu hỏi lớn trong kinh tế học”. Sự kháng nghị này đã thu hút sự chú ý toàn cầu một cách đáng kể và đã được theo sau bởi những khởi xướng tương tự tại Đại học Cambridge và các nơi khác.[18]
Những lo lắng này cũng thích đáng như trước. Có phải là dấu chấm hết cho việc sử dụng toán học như “tự nó đã là một cứu cánh” và phong cách giảng dạy giáo điều, không có chỗ cho tư duy phê phán và phản . Việc giảng dạy kinh tế học phải gắn kết với các thực tiễn kinh tế thực nghiệm và cụ thể và một phần đối sánh của các phương pháp tiếp cận lý thuyết.
Để hiểu được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, chúng ta phải nhìn vào cả lịch sử kinh tế lẫn lịch sử tư tưởng kinh tế. Để hiểu cách thức mà thị trường vận hành, chúng ta phải bỏ qua những tuyên ngôn sáo rỗng về sự duy lý và phải nghiên cứu sâu về tâm lý học cũng như các ngành khác. Để hiểu được cách thức mà kinh tế học đã thực hiện một ngã rẽ sai lầm chúng ta phải đánh giá cao các công trình triết học kinh tế và mối quan hệ giữa kinh tế học và hệ tư tưởng. Những diễn ngôn không hợp thời phải được đưa trở về trung tâm của các chương trình giảng dạy kinh tế và phải được phục hồi như các lĩnh vực quan trọng của cuộc điều tra. Kinh tế học dòng chính nếu không chú ý đến những lời cảnh báo và chứng minh sự thích đáng của nó đối với sự hiểu biết về cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của hệ thống tư bản kể từ năm 1930, thì nó sẽ tất yếu bị qui kết là không thích hợp.
Cần nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại giữa kinh tế học và các ngành khoa học xã hội khác. Điều này không những rất quan trọng mà còn mang tính cấp bách bởi vì cả kinh tế học và xã hội học đã mất sự đồng thuận trước đó giữa chúng liên quan đến các định nghĩa và các ranh giới lĩnh vực hai bộ môn này (Hodgson, 2008A). Điều này cũng cho thấy một nhu cầu cần phải tái cấu trúc lại các khoa học xã hội trong các trường đại học.
Những thay đổi về quan điểm của các chính trị gia và các nhà lãnh đạo khác như đã lưu ý ở phần đầu của bài viết này cung cấp một cơ hội để thu hút ngoài phạm vi của bản thân giới kinh tế học. Các nhà lãnh đạo dư luận nên nhận thức được các căn bệnh trong nghề của chúng ta và khẩn trương sử dụng ảnh hưởng của họ để tiến hành cải cách. Nếu điều này thất bại, thì kinh tế học thế giới thực với tư tưởng rộng lớn (broad-minded real-world economics) có thể phải tự tổ chức lại một cách tách biệt dưới nhãn mác khác như “kinh tế chính trị” hay trong một chương trình giảng dạy khoa học xã hội rộng lớn hơn.
Danh mục tham khảo
1.   Arrow, K. J. 1951. Alternative approaches to the theory of choice in risk-taking situations, Econometrica, vol. 19, no. 4, 404–37
2.   Barber, W. J. 1988. From New Era to New Deal: Herbert Hoover, the Economists, and American Economic Policy, 1921–1933, Cambridge, Cambridge University Press
3.   Bernstein, M. A. 2001. A Perilous Progress: Economists and Public Purpose in Twentieth-Century America, Princeton, NJ, Princeton University Press
4.   Blanchflower, D. G. 2009. Email to Geoffrey M. Hodgson of 23 April 2009
5.   Blaug, M. 1991. Introduction, in Blaug, M. (ed.), Historiography of Economics, Aldershot, Edward Elgar
6.   Blaug, M. 1997. Ugly currents in modern economics, Options Politiques, vol. 18, no. 17, 3–8 (reprinted in Ma ¨ki, U. (ed.) 2002, Fact and Fiction in Economics: Models, Realism and Social Construction, Cambridge and New York, Cambridge University Press)
7.   Blaug, M. 1998. The problems with formalism: interview with Mark Blaug, Challenge, vol. 41, no. 3, 35–45
8.   Blaug, M. 1999. The formalist revolution or what happened to orthodox economics after World War II? pp. 257–80, in Backhouse, R. E. and Creedy, J. (eds), From Classical Economics to the Theory of the Firm: Essays in Honour of D.P. O’Brien, Cheltenham, Edward Elgar
9.   Blaug, M. 2003. The formalist revolution of the 1950s, pp. 395–410, in Samuels, W. J. Biddle, J. E., and Davis, J. B. (eds), A Companion to the History of Economic Thought, Malden, MA and Oxford, UK, Blackwell
10.    Blinder, A. 1990. Discussion, American Economic Review, vol. 80, 445–7
11.    Bloom, A. 1988. The Closing of the American Mind, New York, Simon and Schuster
12.    Callahan, R. E. 1962. Education and the Cult of Efficiency, Chicago, University of Chicago Press
13.    Chan, K. C., Gup, B. E. and Pan, M.-S. 2003. International stock market efficiency andintegration: a study of eighteen nations, Journal of Business Finance and Accounting, vol. 24, no. 6, 803–13
14.    Coase, R. H. 1997. Interview with Ronald Coase, 17 September, available at http://www.coase.org/coaseinterview.htm (date last accessed 16 November 2008)
15.    Coase, R. H. 1988. The Firm, the Market, and the Law, Chicago, University of Chicago Press
16.    Cohen, P. 2009. Ivory tower unswayed by crashing economy, New York Times, 5 March, http://www.nytimes.com/2009/03/05/books/05deba.html?_r51&ref5arts (date last accessed 20 April 2009)
17.    Colander, D. C. (ed.) 2000. The Complexity Vision and the Teaching of Economics, Cheltenham, Edward Elgar
18.    Colander, D. C. 2009. The Making of a European Economist, Cheltenham, Edward Elgar, in press
19.    Colander, D. C., Landreth, H. (eds) 1996. The Coming of Keynesianism to America: Conversations with the Founders of Keynesian Economics, Aldershot, Edward Elgar
20.    Crosby, A. W. 1998. The Measure of Reality: Quantification and Western Society, 1250–1600, Cambridge, Cambridge University Press
21.    Dale, R. S. 1992. International Banking Deregulation: The Great Banking Experiment, Oxford, Blackwell
22.    Dasgupta, P. 2002. Modern economics and its critics, pp. 57–89, in Ma ¨ki, U. (ed.), Fact and Fiction in Economics: Models, Realism and Social Construction, Cambridge, Cambridge University Press
23.    Davidson, P. 1972. Money and the Real World, 1st edn. London, Macmillan
24.    Fahey, L., Randall, R. M. (eds) 1998. Learning from the Future: Competitive Foresight Scenarios, New York, Wiley
25.    Feldman, S. P. 2004. The culture of objectivity: quantification, uncertainty, and the evaluation of Risk at NASA, Human Relations, vol. 57, no. 6, 691–718
26.    Frey, B. S. and Eichenberger, R. 1993. American and European economics and economists, Journal of Economic Perspectives, vol. 7, no. 4, 185–93
27.    Friedman, M. 1999. Conversation with Milton Friedman, pp. 122–44, in Snowdon, B. and Vane, H. (eds), Conversations with Leading Economists: Interpreting Modern Macroeconomists, Cheltenham, Edward Elgar
28.    Froud, J., Haslam, C., Johal, S. and Williams, K. 2000. Shareholder value and financialization: consultancy promises, management moves, Economy and Society, vol. 29, no. 1, 80–110
29.    Greenberg, D. S. 2007. Science for Sale: The Perils, Rewards, and Delusions of Campus Capitalism, Chicago, University of Chicago Press
30.    Hardle,W. K. and Kirman, A. P. 1995. Nonclassical demand: a model-free examination of price quantity relations in the Marseille fish market, Journal of Econometrics, vol. 67, no. 1, 227–57
31.    Hodgson, G.M. 1999. Economics and Utopia: Why the Learning Economy is not the End of History, London and New York, Routledge
32.    Hodgson,G.M. 2004. The Evolution of Institutional Economics: Agency, Structure and Darwinism in American Institutionalism, London and New York, Routledge
33.    Hodgson, G. M. 2005. Knowledge at work: some neoliberal anachronisms, Review of Social Economy, vol. 63, no. 4, 547–65
34.    Hodgson, G. M. 2006. Economics in the Shadows of Darwin and Marx: Essays on Institutional and Evolutionary Themes, Cheltenham, Edward Elgar
35.    Hodgson, G. M. 2008A. Prospects for economic sociology, Philosophy of the Social Sciences, vol. 38, no. 1, 133–49
36.    Hodgson, G.M. 2008B. After 1929 economics changed: will economists wake up in 2009? Real- World Economics Review, no. 48, 6 December, 273–8, available at http://www.paecon.net/PAEReview/issue48/Hodgson48.pdf(date last accessed 31 July 2009)
37.    Hodgson, G. M. 2009. On the institutional foundations of law: the insufficiency of custom and private ordering, Journal of Economic Issues, vol. 43, no. 1, 143–66
38.    Hodgson, G.M. and Rothman, H. 1999. The editors and authors of economics journals: a case of institutional oligopoly? Economic Journal, vol. 109, no. 2, F165–86
39.    Horgan, J. 1995. From complexity to perplexity, Scientific American, vol. 272, no. 6, 104–9
40.    Hunt, B. 2003. The Timid Corporation: Why Business is Terrified of Taking Risk, New York, Wiley
41.    Ingham, G. 2004. The Nature of Money, Cambridge, Polity Press
42.    Keynes, J. M. 1936. The General Theory of Employment, Interest and Money, London, Macmillan
43.    Keynes, J.M. 1937. The General Theory of Employment, Quarterly Journal of Economics, vol. 51, no. 1, 209–23
44.    Kirp, D. L. 2003. Shakespeare, Einstein, and the Bottom Line: The Marketing of Higher Education, Cambridge, MA, Harvard University Press
45.    Knight, F. H. 1921. Risk, Uncertainty and Profit, New York, Houghton Mifflin
46.    Klamer, A. and Colander, D. 1990. The Making of an Economist, Boulder, Westview Press
47.    Kregel, J. A. 2009.Why don’t the bailouts work? Design of a new financial system versus a return to normalcy, Cambridge Journal of Economics, vol. 33, 653–63
48.    Krueger, A. O. et al. 1991. Report on the Commission on Graduate Education in Economics, Journal of Economic Literature, vol. 29, no. 3, 1035–53
49.    Lawson, T. 1997. Economics and Reality, London and New York, Routledge
50.    Leijonhufvud, A. 1968. On Keynesian Economics and the Economics of Keynes: A Study in Monetary Theory, London, Oxford University Press
51.    Leijonhufvud, A. 2009. Out of the corridoor: Keynes and the crisis, Cambridge Journal of Economics, vol. 33, 741–57
52.    Leontief, W. W. 1982. Letter in Science, no. 217, 9 July, 104–7
53.    Loasby, B. J. 1990. The use of scenarios in business planning, pp. 46–63, in Frowen, S. F. (ed.), Unknowledge and Choice in Economics, London, Macmillan
54.    Lucas, R. E., Jr 1981. Studies in Business Cycle Theory, Cambridge, MA and Oxford, UK, MIT Press and Basil Blackwell
55.    Lutz, F. W. and Field, R. W. 1998. Business Valuing in Academia: The American University as a Center for Profit or Inquiry? Higher Education, vol. 36, no. 4, 383–419
56.    MacKenzie, D. 2006. An Engine, Not a Camera, Cambridge, MA, MIT Press
57.    Ma ¨ki, U. 2001. The way the world works (www): towards an ontology of theory choice, pp. 369– 89, in Ma ¨ki, U. (ed.), The Economic World View: Studies in the Ontology of Economics, Cambridge, Cambridge University Press
58.    Ma ¨ki, U. 2005. Models are experiments, experiments are models, Journal of Economic Methodology, vol. 12, no. 2, 303–15
59.    Ma ¨ki, U. 2009.MISSing the world.Models as isolations and credible surrogate systems, Erkenn, vol. 70, no. 1, 29–43
60.    Minsky, H. P. 1982. Finance and profits: the changing nature of American business cycles, in HymanMinsky, H. P. (ed.), Can ‘It’ Happen Again?: Essays in Instability and Finance, Armonk, NY, M.E. Sharpe
61.    Minsky, H. P. 1985. The financial instability hypothesis: a restatement, in Arestis, P. and Skouras, T. (eds), Post Keynesian Economic Theory, Armonk, NY, M.E. Sharpe
62.    Minsky, H. P. 1992. ‘The Financial Instability Hypothesis’, Working Paper no. 74, Jerome Levy Economics Institute, (reprinted in Arestis, P. and Sawyer, M.C. (eds), Handbook of Radical Political Economy, Aldershot, Edward Elgar)
63.    Mirowski, P. 2002. Machine Dreams: Economics Becomes a Cyborg Science, Cambridge and New York, Cambridge University Press
64.    Moggridge, D. E. 1992. Maynard Keynes: An Economist’s Biography, London, Routledge
65.    Mouzelis, N. 1995. Sociological Theory: What Went Wrong? Diagnosis and Remedies, London and New York, Routledge
66.    Myrdal, G. 1972. Against the Stream: Critical Essays in Economics, New York, Pantheon Books
67.    Nelson, R. R. (ed.) 2005. The Limits ofMarket Organization, New York, Russell Sage Foundation
68.    North, D. C. 1977. Markets and other allocation systems in history: the challenge of Karl Polanyi, Journal of European Economic History, vol. 6, no. 3, 703–16
69.    Posner, R. A. 2009. A Failure of Capitalism: The Crisis of ‘08 and the Descent into Depression, Cambridge, MA, Harvard University Press
70.    Pryor, F. L. 1996. Economic Evolution and Structure: The Impact of Complexity on the U.S. Economic System, Cambridge and New York, Cambridge University Press
71.    Robinson, J. 1965. Collected Economic Papers, Volume Three, Oxford, Basil Blackwell
72.    Rotheim, R. J. (ed.) 1998. New Keynesian Economics/Post Keynesian Alternatives, London and New York, Routledge
73.    Rueschemeyer, D. 1986. Power and the Division of Labor, Stanford and Cambridge, Stanford University Press and Polity Press
74.    Sargent, T. J. 2008. Rational expectations, The Concise Encyclopedia of Economics, available at http://www.econlib.org/library/Enc/RationalExpectations.html (date last accessed 8 December 2008)
75.    Sened, I. 1997. The Political Institution of Private Property, Cambridge, Cambridge University Press
76.    Shiller, R. J. 2008. The Subprime Solution: How Today’s Global Financial Crisis Happened, and What to Do about It, Princeton, NJ, Princeton University Press
77.    Somers, M. R. 1998. Symposium on Historical Sociology and Rational Choice Theory ‘‘We’re no angels‘‘: realism, rational choice, and relationality in social science, American Journal of Sociology, vol. 104, no. 3, 722–84
78.    Stigler, G. J., Stigler, S. M. and Friedland, C. 1995. The journals of economics, Journal of Political Economy, vol. 105, no. 2, 331–59
79.    Sugden, R. 2000. Credible worlds: the status of theoretical models in economics, Journal of Economic Methodology, vol. 7, no. 1, 1–31
80.    Van der Heijden, K. 1996. Scenarios: The Art of Strategic Conversation, Chichester, Wiley
81.    Veblen, T. B. 1918. The Higher Learning in America: AMemorandum on the Conduct of Universities by Business Men, New York, Huebsch
82.    Weintraub, E. R. 2002. How Economics Became a Mathematical Science, Durham, NC, Duke University Press
83.    Wohlstetter, R. 1962. Pearl Harbor, Warning and Decision, Stanford, Stanford University Press
Geoffrey M. Hodgson*
Đại học Hertfordshire, Anh
Nguyễn Minh Cao Hoàng dịch
Nguồn: “The Great crash of 2008 and the reform of economics”, Cambridge Journal of Economics, 2009, 33, 12051 - 12221.
­­__________________
* Bài báo này sử dụng tài liệu từ một bài báo trước (Hodgson, 2008B) và những đoạn lịch sử từ một bái báo khác (Hodgson, 2004). Tác giả chân thành cảm ơn David Blanchflower, Robert Boyer, Alain Caillé, Gerry Epstein, Olivier Favereau, Deirdre McCloskey, Richard Nelson, Pascal Petit, những người góp ý ẩn danh và những người khác đã đưa những ý kiến đóng góp và những tranh luận hữu ích.




[1] Guardian, ngày 24 tháng 10 năm 2008.

[2] Xem: http://www.cbi.org.uk/ndbs/press.nsf/0363c1f07c6ca12a8025671c00381cc7/ee59d1c32ce4ec12802570c70041152c?OpenDocument (truy cập lần cuối vào ngày 22/01/2009).

[3] Điều này không có nghĩa rằng các chính sách của chính phủ thực hiện đúng theo ý tưởng Keynes (Kregel, 2009) hay quả thực nên làm như vậy (Leijonhufvud, 2009).

[4] New York Times, ngày 15 tháng 8 năm 2008. Thực tế, Roubini đã ứng dụng một số mô hình, cái mà sử dụng dữ liệu chuỗi thời gian về nợ của hộ gia đình và giá nhà đất.

[5] http://latimesblogs.latimes.com/money_co/2008/06/tuesday-is-sett.html (truy cập lần cuối vào ngày 23 tháng 4 năm 2009).

[6] Các cuộc thảo luận hữu ích về sự lựa chọn, thực trạng và vai trò giải thích của các mô hình có thể tham khảo Sugden (2000) và Maki (2001, 2005, 2009).

[7] Kregel (2009) lập luận rằng những ý tưởng của Keynes đã không được nắm bắt cho đến những năm cuối của thập niên 1930.

[8] Blaug (1999, 2003) và Weintraub (2002) cho rằng cuộc cách mạng của chủ nghĩa hình thức trong kinh tế học được củng cố trong những năm cuối của thập niên 1950.

[9] Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Myron_Scholes (truy cập lần cuối vào 20 tháng 10 năm 2008).

[10] Ở đây không có chỗ để thảo luận về ý tưởng rằng bản thân các mô hình toán học có thay đổi cách thức vận hành của thị trường tài chính như thế nào (MacKenzie, 2006). Nhưng có một ví dụ về một kết quả không mong đợi có thể xảy. Nhà kinh tế học toán (Mathematical economist) David X. Li đã đưa ra một công thức giúp các quỹ phòng hộ đánh giá những rủi ro liên kết với nhau đầy phức tạp. Công thức của ông dựa trên sự đánh giá thị trường hiệu quả và bỏ qua rủi ro không thể đo lường (radical uncertainty). Trong thời gian dẫn đến cuộc khủng hoảng, nó đi đến sự sai lầm nghiêm trọng. Xem ở http://www.wired.com/techbiz/it/magazine/17-03/wp_quant?currentPage = all (truy cập lần cuối vào 20 tháng 4 năm 2009).

[11] Nguồn: http://www.fsa.gov.uk/pages/Library/Communication/Speeches/2009/0121_at.shtml (truy cập lần cuối vào ngày 22 tháng 1 năm 2009)

[12] http://www.becker-posner-blog.com/archives/2008/10/the_financial_c_2.html (truy cập lần cuối vào ngày 18 tháng 2 năm 2009). Xem thêm Posner (2009).

[13] Nhưng sự miêu tả này là có thể bị bắt bẻ, một phần vì thực thi hợp đồng tốn kém và không thể cứu vãng thị trường không hoàn hảo bị lãng quên. Xem các bằng chứng thực nghiệm và tham khảo Chan cùng các cộng sự (2003) và sự phê phán mạnh mẽ của Willem Buiter trên www.voxeu.org%2findex.php3fq%3dnode%2f3210’’\t‘‘_%blank’’ (truy cập lần cuối vào ngày 20 tháng 4 năm 2009).

[14] Ngay cả bây giờ cũng rất dễ dàng để tìm thấy các blog và các trang web mà ở đó những người theo chủ nghĩa cá nhân thị trường (market individualists) đổ lỗi cho sự sụp đổ không phải vì sự phi quy định hóa, mà vì sự can thiệp quá mức của chính phủ vào thị trường, và vì sự yếu kém trong chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương. Chủ nghĩa cá nhân thị trường đề cập đến niềm tin về sự can thiệp tối thiểu (minimal state), sở hữu tư nhân, và thị trường tự do cạnh tranh. Tuy nhiên, nó cho rằng nhà nước là cần thiết thiết lập tiền và quyền sở hữu (Sened, 1997; Ingham, 2004; Hodgson, 2009), về mặt nguyên tắc, chúng ta có thể không bao giờ đạt được một nền kinh tế thị trường không tưởng mà ở đó nhà nước không có vai trò gì cả. Bởi vậy những tuyên bố mang tính chẩn đoán được thực hiện bởi những người theo chủ nghĩa cá nhân thị trường thì không thể bị bác bỏ. Sự sao lãng các tập đoàn lớn của họ cũng là một vấn đề cần quan tâm (Hodgson, 2005). Xem thêm Nelson (2005).

[15] Lucas (1981, trang 224) đã viết: “Trong những trường hợp bất định, lập luận kinh tế sẽ không có giá trị”. Điều này làm gợi nhớ lại nhận xét lúc đầu của Arrow (1951, p. 417) rằng "không có lý thuyết nào có thể được trình bày một cách chính xác trong trường hợp này". Cả hai tác giả này đều tán thành rằng “lý luận kinh tế” và “lý thuyết” nhất thiết phải được định lượng, mặc dù Arrow sau đó dường như thay đổi quan điểm của mình.

[16] Hunt (2003) lập luận rằng vì sự gia tăng trong áp lực kiện tụng và các phương tiện truyền thông đại chúng nghiên cứu kỹ lưỡng, các tập đoàn lớn cố gắng định lượng và giảm thiểu rủi ro. Xem thêm Froud và các cộng sự (2000) thảo luận về tài chính hóa doanh nghiệp (corporate financialisation), liên quan đến các nỗ lực để tối đa hóa giá trị cổ đông và việc triển khai của các chuyên gia tư vấn bảo hiểm để thuê ngoài tư vấn liên quan đến quyết định không chắc chắn.

[17] Hiệp hội dành cho nhà lãnh đạo liêm chính và có trách nhiệm trong kinh tế học và các ngành liên quan (AIRLEAP) đã được thành lập để vận động cho các vấn đề này. Xem ở trang: http://www.airleap.org/index.htm (truy cập lần cuối vào ngay 31 tháng 7 năm 2009)

[18] Xem ở: http://www.paecon.net/HistoryPAE.htm (truy cập lần cuối vào ngày 31 tháng 7 năm 2009).

Print Friendly and PDF