5.1.17

Dựa quá nhiều vào nền tài chính sẽ làm đồ vỡ sự tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng sự bất bình đẳng

DỰA QUÁ NHIỀU VÀO NỀN TÀI CHÍNH SẼ LÀM ĐỒ VỠ SỰ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ LÀM GIA TĂNG SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG
Các nhà giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Nền tài chính nuôi dưỡng sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập qua các mức thù lao thái quá được mời chào. © XINHUA/ZUMA-REA
Một hệ thống ngân hàng và tài chính phát triển tốt là một thành phần cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng đến một ngưỡng nào đó, một nền tài chính phát triển thái quá có những hiệu ứng tiêu cực đến hoạt động của nền kinh tế và góp phần làm gia tăng sự bất bình đẳng.
Những quan hệ giữa sự phát triển của nền tài chính và tình hình kinh tế là đối tượng của nhiều quan điểm của các nhà kinh tế. Một số nhà kinh tế có xu hướng làm nổi bật những lợi thế của một hệ thống ngân hàng và tài chính rộng mở: khả năng cung cấp tài chính cho các khoản đầu tư vượt ra ngoài một vòng tròn khép kín, một sự phân bổ tối ưu tiền tiết kiệm, khả năng sử dụng các khoản tín dụng để trải đều các khoản thu nhập, khả năng quản lý rủi ro dẫn đến việc khuyến khích đổi mới sản xuất, sự gia tăng năng suất trong lĩnh vực tài chính đang lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế, v.v..
Nhưng một số nhà kinh tế khác cũng chỉ ra những vấn đề của một hệ thống tài chính phát triển quá mạnh: từ tình trạng dư thừa tín dụng, các khoản trợ cấp công cộng ngầm ẩn đến hiện tượng của những ngân hàng quá quan trọng để bị phá sản, giới trẻ tốt nghiệp quá tập trung vào lãnh vực tài chính hơn là vào các lãnh vực khác, một sự lây lan các cuộc khủng hoảng tài chính sang phần còn lại của nền kinh tế, một sự vây bắt các nhà điều tiết, v.v..
Việc mở rộng nền tài chính có một hiệu ứng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế trong các nước phát triển

Trước những lập luận lý thuyết khác nhau, chỉ có các nghiên cứu thực nghiệm mới có thể mang đến những yếu tố cho phép giải quyết cuộc tranh luận. Những nghiên cứu đã được công bố về chủ đề nói trên trong những năm gần đây có xu hướng chỉ ra những hiệu ứng tiêu cực của một nền tài chính dư thừa. Đây còn là trường hợp với công trình được tổ chức OECD đề xuất vào đầu mùa hè này (Economic Co-operation and Development – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). Một nghiên cứu thực nghiệm về 50 năm gần đây cho thấy sự tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực tài chính chỉ mang tính tích cực cho những quốc gia kém phát triển. Đối với những quốc gia khác, việc mở rộng nền tài chính có những hiệu ứng tiêu cực đến sự tăng trưởng kinh tế. Đáng tiếc, các nhà kinh tế của tổ chức OECD đã không muốn kết luận và cho rằng không thể xác định ngưỡng không được vượt qua đối với từng quốc gia... Họ khẳng định rằng các kết quả của họ đứng vững ngay cả khi không kể đến những thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Phục vụ sự bất bình đẳng
Việc mở rộng quá nhiều các ngân hàng và thị trường tài chính thường đi kèm với một sự gia tăng bất bình đẳng. Các nhà kinh tế tranh luận để biết chiều hướng của quan hệ nhân quả: liệu quá nhiều tín dụng có dẫn đến sự bất bình đẳng nhiều hơn không, hoặc liệu sự gia tăng bất bình đẳng có gây ra sự gia tăng cầu tín dụng hay không?
Một tình trạng dư thừa tín dụng sẽ làm tăng sự bất bình đẳng, chứ không phải điều ngược lại

Đối với các chuyên gia của tổ chức OECD, cán cân nghiêng về phía ảnh hưởng của các khoản tín dụng dư thừa đến sự gia tăng bất bình đẳng. Một mặt, tại các nước châu Âu và tại các bang của Mỹ có những bất bình đẳng lớn nhất, các hộ gia đình có thu nhập dưới mức trung vị – thu nhập mà một nửa dân số kiếm được nhiều hơn và một nửa dân số khác kiếm được ít hơn mức trung vị này – không hiển thị sự gia tăng tỷ lệ nợ của họ. Phần nợ của họ trong tổng nợ hoặc so với thu nhập của họ đặc biệt không tiến triển. Mặt khác, nếu sự bất bình đẳng được phản ánh bằng một sự gia tăng nợ của những hộ gia đình nghèo nhất, thì ta sẽ ghi nhận được một liên kết mạnh hơn giữa tín dụng và nợ của các hộ gia đình so với tín dụng và nợ của các doanh nghiệp. Song, một nghiên cứu trong toàn bộ các nước thuộc tổ chức OECD theo mức độ bất bình đẳng lại cho thấy điều ngược lại.
Vai trò của những khoản tiền lương đáng kinh ngạc
Cuối cùng, nền tài chính thúc đẩy trực tiếp sự gia tăng bất bình đẳng bởi các mức thù lao quá đáng được chào mời. Một phân tích được tiến hành tại các nước châu Âu cho thấy các nhân viên ngành tài chính chiếm phân khúc các mức thu nhập cao nhất.
Điều này có thể được giải thích bởi thực tế là ngành tài chính đòi hỏi một trình độ kỹ thuật cao hơn và do đó cần một cấp độ đào tạo hoặc kinh nghiệm cao hơn. Nhưng, ngay cả khi xét đến các thông số đó, các nhân viên ngành tài chính vẫn có mức thu nhập trung bình cao hơn 28% so với các lĩnh vực ngành nghề khác. Và khoảng cách này ngày một tăng lên trong thang bậc tiền lương: 10% những người được trả lương cao nhất có được 40% mức thu nhập cao hơn so với những gì mà ta có thể chờ đợi.
Từ đâu ra các khoản tiền thêm đó trong thù lao? Tổ chức OECD gợi ra nhiều hướng giải thích khả dĩ. Các nhân viên ngành tài chính có thể làm thêm giờ, không được liệt kê trong các số liệu thống kê nhưng được tính trong thu nhập, hoặc có được những tài năng kỹ thuật đặc biệt không nằm trong danh sách những tài năng được xem là giải thích mức thù lao họ nhận. Hai vấn đề đo lường nói trên có thể tác động ở bên lề, nhưng dường như chưa đủ sức thuyết phục để giải thích một hiện tượng thường thấy tại rất nhiều nước.
10% những người được trả lương cao nhất có được 40% mức thu nhập cao hơn so với những gì có thể chờ đợi

Những cách giải thích khác dựa vào cơ cấu của thị trường việc làm: mức độ khó khăn trong việc tìm ra những chuyên gia rất giỏi, cho phép họ được trả lương cao. Các nhân viên ngành tài chính, qua tiền lương, cũng hưởng một phần trợ cấp công cộng ngầm ẩn gắn với hiện tượng “quá lớn để sụp đổ”, cho phép các ngân hàng thuộc diện đó tự tài trợ ít hơn, vì họ được đảm bảo một sự giải cứu công cộng trong trường hợp có vấn đề. Người ta cũng có thể bổ sung thêm một giải thích là tô tình thế mà các nhà giao dịch chứng khoán và các nhà quản lý cấp cao của các quỹ đầu tư nắm được, có khả năng mang theo với họ kiến thức chuyên môn và khách hàng, điều đó khuyến khích người sử dụng lao động chi trả thù lao cao để giữ chân họ.
Vì vậy, tổ chức OECD kết luận rằng các quốc gia có những hệ thống tài chính phát triển cần phải thận trọng. Nếu để cho nền tài chính phát triển quá mức, họ sẽ gây ra nguy cơ cho việc làm và sự gắn kết xã hội của họ.
Christian Chavagneux

Christian Chavagneux là cây bút viết xã luận của AlterEcoPlusAlternatives Economiques. Ông cũng từng là trưởng ban biên tập của L’économie politique trong 15 năm, một tạp chí mà ông đã tham gia vào năm 1999 trong Scop Alternatives Economiques.
Đỗ bằng Tiến sĩ Kinh tế và tốt nghiệp trường London School of Economics, ông là một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề kinh tế vĩ mô, toàn cầu hóa, đặc biệt là về các thiên đường thuế và sự điều tiết các ngân hàng và tài chính, những chủ đề mà ông đã viết trong nhiều cuốn sách. Ông đã nhận được Giải thưởng dành cho tác phẩm tài chính hay nhất vào năm 2012. Cuốn sách mới nhất của ông, đồng tác giả với Thierry Philipponnat có tựa đề là "La capture: où l'on verra comment les intérêts financiers ont pris le pas sur l'intérêt général – Sự vây bắt: nơi sẽ biết được làm thế nào các lợi ích tài chính được ưu tiên hơn các lợi ích công cộng và làm thế nào để kết thúc tình hình này (NXB La découverte, năm 2014). Ông là thành viên ban biên tập của tạp chí Esprit.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF