15.1.17

Sự khác biệt giữa Kinh tế học hành vi và Kinh tế học truyền thống

KINH TẾ HỌC HÀNH VI
Richard H. Thaler Sendhil Mullainathan

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KINH TẾ HỌC HÀNH VI VÀ KINH TẾ HỌC TRUYỀN THỐNG[1]

Toàn bộ kinh tế học đều liên quan đến hành vi con người. Vậy, kinh tế học hành vi là gì, và nó khác với phần còn lại của kinh tế học như thế nào?
Kinh tế học truyền thống quan niệm một thế giới được những sinh vật tối đa hóa một cách có tính toán, phi-cảm tính được gọi là “Con người kinh tế” (“Homo economicus) ngự trị. Bộ khung kinh tế học chuẩn làm ngơ hoặc bài trừ gần như tất cả hành vi được các nhà tâm lý học xã hội và nhận thức nghiên cứu. Nhánh kinh tế học “phi hành vi” này có nhiều căn cứ ủng hộ: một số tuyên bố rằng mô hình là “đúng”; trong khi phần đông số người khác chỉ tranh luận đơn giản rằng mô hình chuẩn dễ mô hình hóa hơn và phù hợp thực tiễn hơn. Kinh tế học hành vi nảy sinh từ việc nhận thức rằng cả hai quan điểm trên đều không chính xác.
Mô hình kinh tế học chuẩn về hành vi con người bao gồm ba khía cạnh phi thực tế: tính duy lí không hạn chế, sức mạnh ý chí không hạn chế, sự vị kỉ không hạn chế - tất cả khía cạnh này đều được kinh tế học hành vi điều chỉnh.
Herbert A. Simon (1916-2001)
Tác giả đạt giải thưởng [về khoa học kinh tế] để tưởng nhớ Nobel Herbert Simon (1955) là người phê phán sớm nhất ý tưởng con người có năng lực xử lý thông tin không hạn chế. Ông đề nghị sử dụng thuật ngữ “tính duy lí hạn chế” (“bounded rationality”) để miêu tả khái niệm thực tế về khả năng giải quyết vấn đề của con người. Kinh tế học mà thất bại trong việc kết hợp tính duy lí hạn chế vào các mô hình kinh tế thì chỉ là thứ kinh tế học vô dụng mà thôi - tương đương với giả định về sự tồn tại của bữa ăn trưa miễn phí. Bởi ta không có nhiều trí lực và cũng chẳng có nhiều thời gian, nên ta chẳng thể mong chờ gì hơn ở việc giải quyết theo cách tối ưu những vấn đề khó khăn. Việc con người áp dụng quy tắc ngón tay cái (rule of thumb) [còn gọi là quy tắc suy diễn cảm quan - ND] như một phương thức tiết kiệm năng lực nhận thức rõ ràng là có lý. Nhưng mô hình chuẩn làm ngơ những hạn chế này.
Sự chệch hướng khỏi lý trí nổi lên trên cả trong sự phán đoán (niềm tin) và trong các lựa chọn. Những phương cách có chứa sự bất nhất giữa phán đoán và lý trí thì khá phổ biến (xem Kahneman và các cộng sự, 1982). Một số ví dụ minh họa có thể kể đến là sự tự tin thái quá, chủ nghĩa tối ưu, và phép ngoại suy.
Colin Camerer (1959-)
Daniel Kahneman (1934-)
Một ví dụ về hành vi dưới điểm tối ưu bao gồm cả hai khái niệm về hành vi quan trọng là nỗi ngại mất mát [thua lỗ] (loss aversion) và kế toán tâm lý [theo cảm tính] (mental accounting) là một nghiên cứu về các tài xế taxi ở thành phố New York vào giữa những năm 1990 (Camerer và các cộng sự, 1997). Những tài xế này trả một khoản phí cố định để thuê xe trong 12 giờ và được giữ toàn bộ doanh thu. Họ phải quyết định lái xe mỗi ngày bao lâu. Chiến lược tối đa hóa lợi nhuận là làm việc nhiều giờ hơn vào những ngày tốt - những ngày mưa hoặc có sự kiện đặc biệt trong thành phố - và nghỉ sớm vào những ngày không tốt. Nhưng hãy giả định những tài xế này đặt một hạn mức kiếm tiền mỗi ngày và xem những khoản thiếu hụt so với mục tiêu đó là một mất mát. Khi đó, họ sẽ kết thúc ngày làm việc sớm vào những ngày tốt và làm việc nhiều giờ hơn vào những ngày không tốt. Các tác giả của nghiên cứu này phát hiện đó chính là điều mà các tài xế đã làm.
Liên quan đến nguyên lý dễ bị tổn thương thứ hai của kinh tế học chuẩn chính là giả thuyết về sự tự-kiểm-soát hoàn toàn. Thậm chí khi biết rõ điều gì là tốt nhất, con người vẫn có lúc mất khả năng tự-kiểm-soát. Hầu hết chúng ta ở phương diện nào đó đều ăn, uống, tiêu xài quá nhiều, tập thể dục, tiết kiệm, hay làm việc quá ít. Nhưng khi có những vấn đề về tự-kiểm-soát như vậy, con người ít ra cũng có chút ý thức nào đó về chúng: họ thực hiện các kế hoạch ăn kiêng và mua thuốc lá theo gói lẻ (vì có nguyên một cây thì thật sự quá cám dỗ). Họ cũng trả thuế lợi tức ngay từ đầu nguồn nhiều hơn cần thiết để đảm bảo sẽ được hoàn lại; năm 1997 gần 90 triệu khoản hoàn thuế đã được trả, trung bình khoảng 1.300 $.
Cuối cùng, con người có tính vị kỉ hạn chế. Dù các lý thuyết kinh tế không loại trừ lòng vị tha, nhưng các nhà kinh tế học theo sát thực tế thường nhấn mạnh tính tự tư tự lợi như động lực đầu tiên của con người. Ví dụ, vấn đề kẻ-ăn-không được thảo luận rộng rãi trong kinh tế học được tiên đoán sẽ xảy ra vì không thể mong chờ các cá nhân đóng góp vào hàng hóa công trừ phi phúc lợi tư của họ cũng được cải thiện, nhưng thực ra thì con người lại thường hành xử không vị kỷ. Chẳng hạn như năm 1988, 70,1% hộ gia đình đã quyên góp tiền cho từ thiện, số tiền trung bình chiếm khoảng 2,1% tổng thu nhập của hộ gia đình.[2] Tương tự, 55,5% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tham gia vào các hoạt động tình nguyện trong năm 1998, trung bình mỗi người đóng góp 3,5 giờ tình nguyện mỗi tuần.[3] Người ta cũng quan sát được những hành vi không vị kỷ tương tự trong các thí nghiệm được kiểm soát. Con người thường hợp tác trong các trò chơi thế lưỡng nan của người tù và từ chối các đề nghị thiếu công bằng trong các trò chơi “tối hậu thư”. (Trong một trò chơi tối hậu thư, những người làm thí nghiệm đưa cho người chơi - trong vai người đề xuất - một ít tiền, 10$ chẳng hạn. Người đề xuất sẽ đề nghị chia cho đối tác một số tiền x bằng hoặc thấp hơn 10$. Nếu đối tác chấp thuận, đối tác này sẽ được nhận số tiền x và người đề nghị nhận số tiền (10 − x). Nếu đối tác từ chối lời đề nghị, cả hai sẽ không có gì cả. Kinh tế học chuẩn tiên đoán rằng cho dù đề nghị một khoản nhỏ (như 25 xu chẳng hạn) thì đối tác vẫn sẽ chấp nhận vì 25 xu vẫn tốt hơn là không có gì cả. Nhưng thí nghiệm chỉ ra rằng đối tác thường từ chối khoản chia lại dưới 20% tổng số tiền (2$ như trong thí nghiệm này).

Tài chính hành vi

Vào giữa những năm 1980, nếu được hỏi về một quy luật trong kinh tế học mà khó áp dụng tính duy lí hạn chế nhất, hẳn cái tên được các nhà kinh tế học xướng danh nhiều nhất chính là tài chính. Một nhà kinh tế hàng đầu đã gọi giả thuyết thị trường hiệu quả (xem định nghĩa bên dưới), vốn tuân theo tư duy kinh tế học truyền thống, là cơ sở lập luận vững chắc nhất trong kinh tế học. Tuy nhiên, nhánh kinh tế học được kinh tế học hành vi đóng góp nhiều nhất có lẽ lại chính là tài chính. Làm thế nào mà điều này có thể xảy ra?
Có hai yếu tố đóng góp vào thành công đáng ngạc nhiên của tài chính hành vi. Thứ nhất, kinh tế học tài chính nói chung và giả thuyết thị trường hiệu quả nói riêng (xem những thị trường vốn hiệu quả - efficient capital markets) đã hình thành những dự báo rõ ràng, có thể kiểm chứng về các hiện tượng có thể quan sát được. Thứ hai, các dữ liệu chất lượng cao hiện giờ đã có thể truy cập để kiểm chứng các dự báo rõ ràng này.
Giả thuyết thị trường hiệu quả duy lí này chỉ ra giá cổ phiếu là “đúng” theo định nghĩa giá trị tài sản phản ánh giá thật hoặc hợp lý của cổ phiếu. Trong nhiều trường hợp, nguyên lý này của giả thuyết thị trường hiệu quả không thể kiểm chứng vì các giá trị nội tại không thể quan sát được. Tuy nhiên với một số trường hợp đặc biệt, giả thuyết này có thể kiểm chứng bằng cách so sánh hai tài sản mà giá trị nội tại của chúng đã được biết.
Hãy xem trường hợp các quỹ đầu tư tương hỗ [ở Việt Nam, quỹ này gọi là quỹ đại chúng, được quy định trong Luật Chứng khoán 2006 - ND] dạng-đóng (Lee và các cộng sự, 1991). Các quỹ này khá giống với loại quỹ đầu tư tương hỗ (dạng-mở) tiêu biểu, ngoại trừ việc nếu muốn lấy tiền ra khỏi quỹ, nhà đầu tư phải bán cổ phiếu trên thị trường mở. Điều này có nghĩa là giá thị trường của các quỹ dạng-đóng được cungcầu quyết định thay vì để các nhà quản lý quỹ thiết lập ngang giá với giá trị các tài sản của quỹ, như trong các quỹ dạng-mở. Vì các chủ sở hữu quỹ dạng-đóng được công khai, nên tính hiệu quả của thị trường ngụ ý rằng giá trị của quỹ nên tương ứng với giá của các chứng khoán cơ sở mà họ nắm trong tay (giá trị tài sản thuần - the net asset value hay NAV). Thay vào đó, các quỹ dạng-đóng chuyên kinh doanh các khoản chiết khấu đáng kể có liên quan đến NAV của mình và đôi khi với các khoản phí đáng kể. Điều hấp dẫn nhất ở khía cạnh hành vi là các khoản chiết khấu ở quỹ dạng-đóng có tương quan với một yếu tố khác và dường như phản ánh tình cảm của nhà đầu tư (chính các nhà đầu tư cá nhân chứ không phải là các định chế tài chính mới là chủ sở hữu ban đầu của các quỹ dạng-đóng). Lee và các cộng sự của mình phát hiện ra mức chiết khấu giảm trong những tháng cổ phiếu của các công ty nhỏ (các công ty này ban đầu cũng thuộc sở hữu cá nhân) tăng điểm và trong những tháng diễn ra nhiều hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), là dấu hiệu của thị trường “nóng”. Từ khi những phát hiện này được các lý thuyết tài chính hành vi dự đoán, họ chuyển hướng nghiên cứu bằng cách tránh xa việc chứng minh sự kiện gây lúng túng (giá không tương ứng với NAV) để hướng tới sự thấu hiểu mang tính xây dựng về cách thức hoạt động của thị trường.
Nguyên tắc thứ hai của giả thuyết thị trường hiệu quả là tính không thể dự đoán. Trong một thị trường hiệu quả, không thể dự đoán biến động giá cổ phiếu trong tương lai dựa trên các thông tin niêm yết. Nhiều sự việc vi phạm nguyên tắc này trước đây không có liên hệ rõ ràng đến hành vi. Vì thế cổ phiếu của các công ty nhỏ và “các công ty giá trị” (các công ty có tỷ suất giá-trên-lợi-nhuận P/E thấp) thu được lợi nhuận cao hơn các cổ phiếu khác có chung mức rủi ro. Tương tự, cổ phiếu nói chung và cổ phiếu của công ty nhỏ nói riêng tăng điểm vào tháng Một và ngày thứ Sáu (nhưng giảm điểm vào thứ Hai).
Werner De Bondt (1954-)
Một nghiên cứu trước đây của Werner De Bondt và Richard Thaler (1985) lấy cảm hứng từ một phát hiện tâm lý học rằng các cá nhân có khuynh hướng phản ứng thái quá với thông tin mới. Ví dụ, các bằng chứng thực nghiệm gợi ý rằng con người có khuynh hướng xem nhẹ dữ liệu lãi suất gốc (hoặc thông tin biết trước) trong việc tổng hợp dữ liệu mới. De Bondt và Thaler đưa ra giả thuyết rằng nếu nhà đầu tư hành xử theo cách này, cổ phiếu tăng điểm qua nhiều năm cuối cùng sẽ có giá quá cao do xu hướng phản ứng thái quá với các thông tin tốt sẽ đẩy giá lên. Tương tự, giá các cổ phiếu giảm điểm sau cùng sẽ có giá quá thấp. Điều này dẫn đến một dự đoán về lợi tức tương lai: “các mã tăng điểm” trước đó phải giảm điểm, trong khi “các mã giảm điểm” trước đây nay lại tăng điểm trên thị trường. Khi dùng thông tin cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán New York, De Bondt và Thaler phát hiện 35 cổ phiếu tệ nhất trong 5 năm qua (các mã giảm điểm) đã tăng điểm trong 5 năm kế tiếp, trong khi 35 cổ phiếu có giá trị lớn nhất thị trường trong 5 năm vừa qua lại giảm điểm. Những nghiên cứu tiếp-theo chỉ ra rằng những kết quả trước đó không thể quy cho rủi ro được, bởi một số thước đo danh mục đầu tư cổ phiếu của các mã giảm điểm thực sự ít rủi ro hơn danh mục đầu tư cổ phiếu của các mã tăng điểm.
Nhiều nghiên cứu gần đây nhận ra những vi phạm khác của tính không thể dự đoán có mô thức trái ngược với phát hiện của De Bondt và Thaler, cụ thể đó là phản ứng bất cập thay vì phản ứng thái quá. Trong ngắn hạn (chẳng hạn, từ sáu tháng đến một năm), cổ phiếu đi theo đà tăng điểm: cổ phiếu nào đã lên trong 6 tháng trước có khuynh hướng tiếp tục tăng. Tương tự, sau nhiều sự kiện trọng đại của tập đoàn như thay đổi lớn trong doanh thu, thông báo và chia cổ tức mua lại cổ phần và chia tách, thì giá cổ phiếu nhảy vọt trong ngày hôm đó và tăng dần trong khoảng một năm hoặc lâu hơn (xem Shleifer, 2000 để được giới thiệu rõ hơn về lĩnh vực này).
Hersh Shefrin (1948-)
Meir Statman
Các nhà kinh tế học hành vi cũng đưa ra giả thuyết rằng các nhà đầu tư miễn cưỡng nhận thức mình lỗ vốn bởi làm như thế có nghĩa rằng họ phải tự “khai báo” khoản lỗ cho mình. Hersh Shefrin và Meir Statman (1985) gọi giả thuyết này là “hiệu ứng thiên hướng” (“disposition effect”). Thú vị thay, luật thuế lại khuyến khích hành vi trái ngược với hành vi này. Tuy nhiên Terrance Odean (1998) lại phát hiện ra trong một mẫu khách hàng của một công ty môi giới chứng khoán, nhà đầu tư có khuynh hướng bán cổ phiếu có mã tăng điểm hơn là có mã giảm điểm. Trong khi người ta bán ra 15% trong tổng số mã chứng khoán lời vốn, thì chỉ bán đi 10% trong tổng số mã chứng khoán lỗ vốn. Hơn thế nữa, Odean chỉ ra việc giữ lại các mã chứng khoán giảm điểm không hiệu quả bằng việc bán ra các mã chứng khoán tăng điểm.
Terrance Odean (1950-)

Tiết kiệm

Nếu tài chính luôn, được mặc định, là lĩnh vực khó áp dụng thành công cách tiếp cận hành vi nhất, thì tiết kiệm là lĩnh vực hứa hẹn nhất. Mặc dầu mô hình tiết kiệm theo vòng-đời tiêu chuẩn tách bỏ cả tính duy lí hạn chế lẫn sức mạnh ý chí hạn chế, tuy nhưng tiết kiệm hưu trí vừa là một vấn đề nhận thức khó khăn, vừa là một vấn đề tự-kiểm-soát nan giải. Do đó, có lẽ không ngạc nhiên lắm khi cách tiếp cận hành vi có hiệu quả trong lĩnh vực này. Tương tự như trong tài chính, sự phát triển của cách tiếp cận hành vi cũng được trợ giúp bởi sự kết hợp của lý thuyết chuẩn có lựa chọn với các dự đoán có thể kiểm chứng và nhiều nguồn dữ liệu về hành vi tiết kiệm của hộ gia đình.
James Banks (1941-)
Richard Blundell (1952-)
Giả sử Tom là một vận động viên bóng rổ, cho nên anh đã kiếm được nhiều tiền nhất từ sớm, trong khi Ray là một nhà quản lý nên giai đoạn anh kiếm được tiền nhiều nhất diễn ra muộn hơn. Mô hình vòng-đời dự đoán rằng Tom nên tiết kiệm khoản tiền có được từ sớm của mình để tiêu dùng nhiều hơn cho sau này, trong khi Ray nên vay từ khoản thu nhập tương lai của mình để tiêu dùng nhiều hơn từ sớm. Dữ liệu về hành vi tiết kiệm của hộ gia đình không hỗ trợ cho dự đoán này, thay vào đó, chúng chỉ ra mức tiêu dùng ghi nhận thu nhập trong vòng-đời cá nhân còn chính xác hơn dự đoán từ mô hình vòng-đời tiêu chuẩn. Hơn nữa, sự chuyển hướng từ hành vi đã được dự đoán không thể giải thích chỉ bằng khả năng không thể vay mượn của con người. James Banks, Richard Blundell, và Sarah Tanner (1998) chỉ ra rằng mức tiêu dùng này giảm mạnh khi cá nhân về hưu và các khoản thu nhập của họ giảm do họ không tiết kiệm đủ cho lúc nghỉ hưu. Thực ra, nhiều gia đình có thu nhập từ thấp đến trung bình về cơ bản không có tiết kiệm. Nguyên nhân cơ bản của sự thiếu hụt này có lẽ là thiếu khả năng tự-kiểm-soát. Một dẫn chứng nhỏ cho kết luận này là gần như mọi khoản tiết kiệm của người Mỹ đều ở dưới dạng “tiết kiệm bắt buộc”, chẳng hạn như khoản tiền trả góp thuê nhà và đóng góp, tiết kiệm dành cho kế hoạch hưu trí. Nói một cách đầy đủ, các cá nhân có thể tự gánh một loại hình tiết kiệm “bắt buộc” khác - như thuế lợi tức cao - để khi được hoàn lại sẽ có thể mua được thứ nào đó mà đáng lẽ họ đã không có đủ sự quyết tâm để tiết kiệm nhằm mua nó.
Một trong những lĩnh vực nghiên cứu hấp dẫn nhất đã từng được dành cho việc đo lường tính hiệu quả của các chương trình tiết kiệm có ưu đãi thuế như các tài khoản hưu trí cá nhân (IRAs) và các kế hoạch 401(k). Hãy thử xét chương trình IRA nguyên thủy vào đầu những năm 1980. Chương trình này cung cấp các khoản ưu đãi thuế để tiết kiệm tới một ngưỡng nhất định, thường là 2.000$ một năm. Do không có khoản thuế ưu đãi nào nếu tiết kiệm trên 2.000$ mỗi năm, nên những người muốn tiết kiệm trên ngưỡng đó sẽ không thể nâng tổng số tiền tiết kiệm của mình lên được, nhưng thay vào đó đơn thuần chỉ nên chuyển một số tiền từ một tài khoản chịu thuế vào tài khoản IRA. Tuy nhiên, trên một số tài khoản, các chương trình này dường như đã tạo ra những khoản tiết kiệm mới đáng kể. Một số nhà nghiên cứu tranh luận rằng gần như cứ mỗi 1$ dành cho tiết kiệm trong các tài khoản IRA tương ứng với những khoản tiết kiệm mới. Nói cách khác, người ta không chỉ đơn giản chuyển các khoản tiết kiệm vào các tài khoản IRA mà không hề thay đổi hành vi của mình. Các kế hoạch 401(k) cũng cho kết quả tương tự. Sự giải thích bằng hành vi trong các phát hiện này là các tài khoản IRA và các kế hoạch 401(k) giúp giải quyết các vấn đề tự-kiểm-soát bằng cách thiết lập các tài khoản một cách duy lí được dành cho tiết kiệm hưu trí. Các hộ gia đình có khuynh hướng tôn trọng mục đích sử dụng được các tài khoản này quy định, và việc phải trả tiền phạt thuế nếu rút tiền khỏi quỹ trước thời hạn càng củng cố hành vi tự-kiểm-soát.[4]
Matthew Rabin (1963-)
Ted O’Donoghue
Mặt trái thú vị của các chương trình IRA và 401(k) là các chương trình này thu hút ít người tham gia hơn kì vọng. Nhiều người đủ điều kiện nhưng không tham gia hoặc từ bỏ, kết quả là nhà nước (và trong một số trường hợp là người sử dụng lao động) phải chuyển tiền đi. Ted O’Donoghue và Matthew Rabin (1999) đã trình bày một cách giải thích dựa trên sự trì hoãn và chiết khấu theo kiểu hyperbol. Các cá nhân thường rất thiếu kiên nhẫn với các quyết định trong tầm nhìn-gần nhưng lại kiên nhẫn hơn nhiều với những tầm nhìn xa. Hành vi này thường được gọi là chiết khấu theo kiểu hyperbol, trái ngược với giả định về chiết khấu lũy thừa, trong đó sự kiên nhẫn chính là sự độc lập của chân trời. Trong các mô hình lũy thừa, con người đều kiên nhẫn với những tầm nhìn xa và gần như nhau. O’Donoghue và Rabin tranh luận rằng các cá nhân theo kiểu hyperbol sẽ thể hiện chính xác mức độ tham gia vào chương trình IRA thấp mà ta quan sát được. Tuy nhiên, những người theo kiểu hyperbol nói cho cùng cũng muốn tham gia vào các chương trình IRA (do họ kiên nhẫn trong dài hạn), nhưng luôn có điều gì đó xảy ra trong ngắn hạn (nơi họ rất thiếu kiên nhẫn) mà đem lại cho họ phần thưởng lớn hơn ngay lập tức. Kết luận lại, họ nhất định sẽ trì hoãn việc tham gia một chương trình IRA.
Brigitte C. Madrian
Nếu người ta trì hoãn việc tham gia kế hoạch tiết kiệm, thì rất có thể tăng khả năng tăng các tỉ lệ tham gia đơn giản bằng cách là hạ các khoản phí tổn tinh thần khi tham gia. Một cách đơn giản để đạt được điều này là chuyển đổi các lựa chọn mặc định dành cho người lao động mới. Ở hầu hết công ty, người lao động đủ điều kiện cho kế hoạch 401(k) sẽ nhận được một biểu mẫu mời tham gia; nếu muốn tham gia, họ sẽ phải điền biểu mẫu, quyết định vài lựa chọn và gửi lại biểu mẫu. Cho nên, sự lựa chọn mặc định là không tham gia. Một số công ty khác đã có động thái dường như không quan trọng khi chuyển đổi tính mặc định: những người lao động mặc nhiên được đăng kí tham gia vào chương trình trừ phi chính họ quyết định không tham gia. Sự chuyển đổi này thường tạo ra các đợt tăng trong các mức tiết kiệm mạnh mẽ. Chẳng hạn như, trong một công ty mà Brigitte C. Madrian và Dennis F. Shea (2000) từng nghiên cứu, số người lao động có đủ khả năng tham gia sau khi lựa chọn mặc định được chuyển đổi thì nhiều hơn 50% so với số người lao động tham gia trong những năm trước khi chuyển đổi. Các tác giả cũng phát hiện sự phân bổ tài sản mặc định - tức là sự phân bổ của công ty đối với các cổ phiếu, các trái phiếu, v.v. nếu người lao động không có lựa chọn rõ ràng—đã có tác động mạnh lên các lựa chọn của người lao động. Công ty đã tạo ra mức phân bổ tài sản mặc định 100% trong một tài khoản thị trường tiền tệ, và tỷ lệ người lao động "chọn" mức phân bổ này tăng vọt.
Shlomo Benartzi
Có thể đi xa hơn nữa và thiết kế những thể chế giúp con người tạo ra các sự lựa chọn tốt hơn, như được chính con người lựa chọn, xác định. Một nỗ lực thành công theo hướng này là kế hoạch “Tiết kiệm nhiều hơn vào ngày mai” (“Save More Tomorrrow” - SMarT) của Richard Thaler và Shlomo Benartzi (2004). Trong kế hoạch SMarT, người sử dụng lao động mời người lao động của mình tham gia một kế hoạch trong đó các mức phí đóng góp của người lao động vào kế hoạch 401(k) tự động tăng lên hàng năm (chẳng hạn khoảng 2%). Các mức tăng này được lên lịch sao cho tương ứng với thời điểm tăng lương hàng năm, nên người lao động không bao giờ thấy tiền lương thực nhận [sau khi đã khấu trừ các khoản thuế, ...) - ND] bị giảm, nhờ đó mà tránh được ám ảnh mất mát [thua lỗ] (ít nhất là theo giá danh nghĩa). Ở công ty đầu tiên áp dụng kế hoạch SMarT, những người tham gia đã tăng các mức tiết kiệm từ 3.5% lên 13.6% sau 4 đợt tăng lương (Thaler và Benartzi 2004).

Về các tác giả

Richard Thaler (1945-)
Sendhil Mullainathan (1972-)
Richard H. Thaler là Giáo sư xuất sắc Ralph và Dorothy Keller về Kinh tế học và Khoa học Hành vi tại Trường Kinh doanh của Đại học Chicago, nơi ông giữ chức vụ giám đốc Trung tâm Nghiên cứu việc ra quyết định. Ông cũng là chuyên viên nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) Hoa Kỳ, tại đây ông đồng quản lý dự án kinh tế học hành vi (cùng với Robert Shiller).
Sendhil Mullainathan là giáo sư kinh tế học tại Đại học Harvard và cũng là chuyên viên nghiên cứu của NBER. Vào năm 2002, ông giành được một phần thưởng từ chương trình MacArthur Fellows.

Đọc thêm

·         Banks, James, Richard Blundell, and Sarah Tanner. “Is There a Retirement-Savings Puzzle?” American Economic Review 88, no. 4 (1998): 769–788.
·         Camerer, Colin, Linda Babcock, George Loewenstein, and Richard H. Thaler. “Labor Supply of New York City Cabdrivers: One Day at a Time.” Quarterly Journal of Economics 112, no. 2 (1997): 407–441.
·         Conlisk, John. “Why Bounded Rationality?” Journal of Economic Literature 34, no. 2 (1996): 669–700.
·         De Bondt, Werner F. M., and Richard H. Thaler. “Does the Stock Market Overreact?” Journal of Finance 40, no. 3 (1985): 793–805.
·         DeLong, Brad, Andrei Shleifer, Lawrence Summers, and Robert Waldman. “Noise Trader Risk in Financial Markets.” Journal of Political Economy 98, no. 4 (1990): 703–738.
·         Kahneman, Daniel, and Amos Tversky. “Judgement Under Uncertainty: Heuristics and Biases.” Science 185 (1974): 1124–1131.
·         Kahneman, Daniel, and Amos Tversky. “Prospect Theory: An Analysis of Decision Under Risk.” Econometrica 47, no. 2 (1979): 263–291.
·         Kahneman, Daniel, Paul Slovic, and Amos Tversky. Judgement Under Uncertainty: Heuristics and Biases. Cambridge: Cambridge University Press, 1982.
·         Laibson, David. “Golden Eggs and Hyperbolic Discounting.” Quarterly Journal of Economics 112, no. 2 (1997): 443–477.
·         Lee, Charles M. C., Andrei Shleifer, and Richard H. Thaler. “Investor Sentiment and the Closed-End Fund Puzzle.” Journal of Finance 46, no. 1 (1991): 75–109.
·         Madrian, Brigitte C., and Dennis F. Shea. “The Power of Suggestion: Inertia in 401(k) Participation and Savings Behavior.” Quarterly Journal of Economics 116, no. 4 (2000): 1149–1187.
·         Odean, Terrance. “Are Investors Reluctant to Realize Their Losses?” Journal of Finance 53, no. 5 (1998): 1775–1798.
·         O’Donoghue, Ted, and Matthew Rabin. “Procrastination in Preparing for Retirement.” In Henry Aaron, ed., Behavioral Dimensions of Retirement Economics. Washington, D.C.: Brookings Institution, 1999.
·         Shefrin, Hersh, and Meir Statman. “The Disposition to Sell Winners Too Early and Ride Losers Too Long: Theory and Evidence.” Journal of Finance 40, no. 3 (1985): 777–790.
·         Shleifer, Andrei. Inefficient Markets: An Introduction to Behavioral Finance. Clarendon Lectures. Oxford: Oxford University Press, 2000.
·         Shleifer, Andrei, and Robert Vishny. “The Limits of Arbitrage.” Journal of Finance 52, no. 1 (1997): 35–55.
·         Simon, Herbert A. “A Behavioral Model of Rational Choice.” Quarterly Journal of Economics 69 (February 1955): 99–118.
·         Thaler, Richard H. “Mental Accounting and Consumer Choice.” Marketing Science 4, no. 3 (1985): 199–214.
·         Thaler, Richard H., and Shlomo Benartzi. “Save More Tomorrow: Using Behavioral Economics to Increase Employee Saving.” Journal of Political Economy 112 (February 2004): S164–S187.
Nguyễn Thị Trà Giang, Nguyễn Việt Anh dịch




[1] Bài viết này được biên soạn lại từ bản thảo được viết cho phần nhập đề của quyển Bách khoa thư về các Khoa học Xã hội và Hành vi Quốc tế.

[2] Dữ liệu từ quyển Chronicle of Philanthropy (1999), xem trực tuyến tại:
http://philanthropy.com/free/articles/v12/i01/1201whodonated.htm.

[3] Dữ liệu từ quyển Independent Sector (2004), xem trực tuyến tại:
http://www.independentsector.org/programs/research/volunteer_time.html.

[4] Một số vấn đề vẫn còn đang được tranh luận. Xem cuộc tranh luận trên tờ Journal of Economic Perspectives số ra mùa thu năm 1996.

Print Friendly and PDF