13.1.17

Anthony Atkinson, một nhà kinh tế học và chuyên gia người Anh về bất bình đẳng, đã qua đời vào ngày 1 tháng 1



ANTHONY ATKINSON, MỘT NHÀ KINH TẾ HỌC VÀ CHUYÊN GIA NGƯỜI ANH VỀ BẤT BÌNH ĐẲNG, ĐÃ QUA ĐỜI VÀO NGÀY 1 THÁNG 1
Một chiến binh trí thức trong cuộc chiến chống lại đói nghèo
"THỜI GIAN là điều cốt yếu," Sir (Huân tước) Anthony Atkinson, nhà kinh tế học người Anh, đã viết trong một báo cáo về đo lường nạn đói nghèo trên thế giới, được công bố vào tháng 7 năm 2016. Ý nghĩa cấp bách của ông có thể đã bị ảnh hưởng bởi một sự thúc ép khác. Vào năm 2014, Sir Anthony đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư không thể chữa được. Một số người có thể đã tạm dừng làm việc; còn ông thì lại tăng tốc. Ông chủ trì một ủy ban của Ngân hàng Thế giới, nơi công bố bản báo cáo về nạn đói nghèo, và ông đã viết cuốn, "Inequality: What Can Be Done? [Bất bình đẳng: Những gì có thể làm được]", chỉ trong vòng ba tháng. Vào ngày 01 tháng 01, ông đã qua đời.

Lúc sinh thời, ông đã được đề cử cho giải thưởng Nobel. Ngày ông mất, giới kinh tế học đã đua nhau mô tả ông là "một trong những nhà kinh tế học vĩ đại nhất của mọi thời đại" và nhấn mạnh đến "tính đứng đắn, nhân văn và chính trực" phi thường của ông. Cả hai điều trên đều có quan hệ với nhau. Đối với ông, kinh tế học liên quan đến việc cải thiện đời sống của con người.
Thời gian làm việc tình nguyện sáu tháng như là một y tá tại một bệnh viện trong một khu phố cổ, nghèo và đông dân của thành phố Hamburg là một nguồn ảnh hưởng đầu tiên. Ông đã nhìn thấy cảnh đói nghèo, và đã tiếp tục dành cuộc đời của mình cho cuộc chiến chống lại đói nghèo. Ông đã chiến đấu một cách nhẹ nhàngbỏ qua một bên phong cách đối đầu đã từng trải nghiệm trong thời sinh viên tại Đại học Cambridge – nhưng với một mức độ chính xác nghiêm ngặt và một ý thức bền bỉ về công bằng xã hội.
Joseph Stiglitz (1943-)

Khi các nhà kinh tế học say đắm với các thị trường vào những năm 1980 và 1990, ông đã viết một cuốn sách giáo khoa hay nhất về những thất bại của họ, cùng với Joseph Stiglitz, một nhà kinh tế học khác. (Chữ viết nguệch ngoạc của ông Stiglitz là một nguồn an ủi đối với Sir Anthony, như là một bằng chứng về chữ viết tay thậm chí còn xấu tệ hơn chữ viết tay của mình.) Đối mặt với một thế giới không hoàn hảo, ông đã chỉ ra cách thức để đạt được một thỏa hiệp tối ưu cấp hai.
Lý thuyết làm ra vẻ không thể nào lầm lẫn của các nhà kinh tế chính trị thuộc thế kỷ 18 và thế kỷ 19 về phúc lợi và bất bình đẳng đã phần nào không còn hợp thời. Sir Anthony đã nhanh chóng nhận diện một trở ngại lớn để truyền đạt thông điệp: sự thiếu vắng một nguồn dữ liệu đúng đắn. Ông miệt mài nghiên cứu thông qua các nguồn lịch sử để tìm ra các xu hướng trong quá khứ về sự bất bình đẳng thu nhập. Ông đã tạo ra các tập hợp dữ liệu về các mức thu nhập cao nhất, những phát hiện mà từ đó sẽ hỗ trợ cho những khẩu hiệu trên băng-rôn của người biểu tình. Sir Anthony là cố vấn và là người cộng tác của Thomas Piketty, người nổi tiếng với cuốn, “Capital in the Twenty-First Century [Tư bản trong thế kỷ 21]". Ông Piketty nói rằng tất cả các công trình về các xu hướng trong thu nhập và sự bất bình đẳng về của cải bắt nguồn từ các công trình của Sir Anthony.
Thomas Piketty (1971-)

Trong suốt sự nghiệp của mình, Sir Anthony đã đóng góp trung bình gần một cuốn sách mỗi năm và đã tham gia rất nhiều ủy ban của chính phủ. Đóng góp trong bài viết của ông được trích dẫn nhiều nhất, được xuất bản vào năm 1970, là một chỉ số về sự bất bình đẳng mang tên ông. Ông đã chỉ ra rằng các thước đo hiện nay có vẻ như là những chỉ báo trung lập của sự mở rộng các nguồn thu nhập trong một quốc gia. Trong thực tế, chúng chứa những đánh giá ngầm ẩn về giá trị. Một số chỉ báo mang tính nhạy cảm nhiều hơn đối với các nguồn thu nhập đang sa sút của người nghèo; một số chỉ báo khác thì lại tương ứng nhiều hơn với các nguồn thu nhập đang tăng cao của tầng lớp trên. Luôn với tinh thần xây dựng, sau đó ông đã tạo ra một loại thước đo bất bình đẳng mới, làm rõ những gì đã bị ẩn đi. Ngày nay, các thước đo đó đã được Cục điều tra dân số Hoa Kỳ sử dụng.
Ông đã đi xa hơn khi phân tích thế giới để cố gắng sửa chữa nó theo những cách mà nhiều người đã bác bỏ. Niềm tin vào quyền lực của chính phủ để chỉnh đốn lại căn bệnh của thế giới đã dẫn đến những đề xuất mang tính cấp tiến. Cuốn sách cuối cùng của ông về sự bất bình đẳng biện hộ cho một thu nhập có đóng góp (một khoản chi cho tất cả những người có đóng góp cho xã hội) và một thuế suất trên tài sản để tài trợ một tài sản thừa kế cho mọi người đạt đến tuổi 18. Ông chống lại áp lực phải cắt giảm thuế và ưu tiên cho việc kiềm chế lạm phát qua việc giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp. Cuối cùng, ông đã chiến đấu suốt đời với các thách thức: dữ liệu không đầy đủ; làm thế nào để khai thác chính phủ vì những việc tốt; và những tư tưởng bảo thủ.
Bài viết này đã được đăng trong phần Tài chính và kinh tế học của trang dưới tựa đề: "For poorer, for richer [Đối với người nghèo hơn, đối với người giàu hơn]"
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Print Friendly and PDF