Tony Atkinson vào năm 2015 ©Niccolò Caranti |
TONY ATKINSON CHƯA BAO GIỜ NGỪNG TIN VÀO MỘT LỰA CHỌN THAY THẾ
Nhà kinh tế học vĩ đại, người đã mất ở tuổi 72, đã từ chối chấp nhận các
thuyết chính thống
Vào những ngày này ai cũng biết là chúng ta có vấn đề về sự bất bình
đẳng. Các nhà hành pháp nghiêm túc sẽ tiếp tục tán gẫu về cuốn Capital
in the 21st Century [Tư bản trong thế
kỷ 21] của Thomas
Piketty tại Davos, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ tiếp tục cảnh báo tất cả
chúng ta về khoảng cách giàu nghèo.
Tuy nhiên, điều khó khăn để có thể truyền đạt được đến những ai không liên
quan gì đến kinh tế học trước khi cuộc khủng hoảng nổ ra, mức độ thờ ơ đối với một
chuyên ngành nay đã trở thành câu hỏi "ai có được cái gì”. Như Robert Lucas,
nhà kinh tế học được trao giải Nobel, đã viết: "Trong số những xu hướng
phương hại đến kinh tế học đúng đắn, thì xu hướng có sức quyến rũ nhất, và theo
ý kiến của tôi mang tính độc hại nhất, là xu hướng tập trung vào các vấn đề về
phân phối”. Khi còn là một nhà nghiên cứu trẻ tuổi khởi đầu sự nghiệp vào những
năm 1990 nhìn vào khoảng cách thu nhập rất lớn ở Anh, tôi đã nhận thức rất
nhiều là mình phải hoạt động ở bên lề của "kinh tế học phải đạo."
![]() |
Joseph Stiglitz (1943-) |
![]() |
Robert Lucas (1937-) |
May mắn thay, tất cả sự hiểu biết về vấn đề đã không biến mất, bởi vì luôn
có một hoặc hai nhà kinh tế học đây đó, những người vẫn còn nhớ lần cuối khi bộ
môn quan tâm đến câu hỏi "ai có cái gì" như là trung tâm hoạt động
của mình. Tony Atkinson, người vừa mất ở tuổi 72, là người nổi tiếng nhất
trong số họ, và điều đó chính là vì tính chặt chẽ và khả năng làm chủ dữ liệu
của ông mà chưa có ai cáo buộc ông là đã đứng ở bên lề. Ông cũng là người
đặc biệt thân thiện, tự gắn chặt mình vào trung tâm của cộng đồng khoa học xã
hội như người giám sát của trường Nuffield College, Oxford và là một học giả
hoạt động tích cực tại Trường Kinh tế London (LSE). Không có gì ngạc nhiên khi
các lời cáo phó là rất ấm tình, và các lời ca tụng từ các
đồng nghiệp của ông tại trường LSE thậm chí còn ấm tình hơn. Mặc dù đã gặp
và nói chuyện với ông nhiều lần, gần đây nhất là khi tôi phỏng vấn Joseph Stiglitz, cựu cộng tác viên người Mỹ của ông, cho tạp chí Prospect,
tôi không thấy có điểm gì khiến tôi phải cố bổ sung những lời ai điếu của những
người đã biết ông nhiều hơn.
Nhưng khi nhắc đến cái chết của Atkinson, có hai điểm làm cho tôi rất thấm
thía. Đầu tiên là, rốt cuộc, chân lý lúc nào cũng đúng. Vào những
thời điểm kinh khủng khi "sự thật từ đáy lòng" (“truthiness”) có vẻ vượt trội (to trump) thời sự
trong các chiến dịch tranh cử, thì sẽ là điều có sức truyền cảm hứng lớn khi
phản ánh mức độ quan trọng mà Atkinson đã dành thời gian để thiết lập những sự
kiện quan trọng theo cách mà ông đã làm. Vào những năm 1980, ông đã nhận
thức được có một điều gì đó sâu sắc đã xảy ra với cách thức mà sự thịnh vượng
của nước Anh đã được chia sẻ – hay đúng hơn là đã ngừng được chia sẻ. Mặc cho tinh
thần của thời đại, theo cách nói của ngày nay, "ngừng bị ám ảnh về cách
thức chiếc bánh được cắt, và lo lắng về cách thức làm cho nó lớn hơn",
Atkinson đã dành thời gian để tìm kiếm qua các số liệu thống kê về thuế thu
nhập và vẽ ra hình thái thay đổi của sự phân phối thu nhập.
![]() |
Thomas Piketty (1971-) |
![]() |
Sau này, cùng với các nhà cộng tác quốc tế bao gồm cả người học trò cũ của
mình là Piketty, ông đã xây dựng một Cơ sở dữ liệu về của cải và thu nhập toàn
thế giới [World
Wealth and Income Database] để các nhà nghiên cứu có thể dễ
dàng so sánh mức độ thay đổi của sự bất bình đẳng qua thời gian và không gian. Ban
đầu, ít ai chú ý đến các số liệu đó ngoại trừ các chuyên gia, nhưng sau cuộc
khủng hoảng – và sự thành công rất nhanh của cuốn sách của Piketty – dữ liệu
bắt đầu len lỏi vào các cuộc tranh luận chính trị,
và thậm chí vào các khẩu hiệu chính trị ("chúng tôi là 99 phần
trăm!").
![]() |
Margaret Thatcher (1925-2013) |
![]() |
Điều thấm thía lớn thứ hai của tôi từ Atkinson là chống lại sự lừa dối
chán ngắt khẳng định rằng "Không có lựa chọn thay thế nào hết” (TINA hay “There Is No Alternative”, khẩu hiệu của bà cựu Thủ tướng
Anh Thatcher – ND). Cho dù các thuyết kinh tế học chính thống đã trở nên
mang tính tư lợi cố hữu đó được xác lập vững chắc cách mấy trong vài thập niên
gần đây, nhưng Atkinson không bao giờ chấp nhận điều đó. Các dữ liệu về
thu nhập trong một thế kỷ mà ông đã giúp thu thập từ khắp thế giới, cuối cùng,
đã khẳng định rằng có thể thay đổi những việc lớn. Chắc chắn rồi, người
giàu có thể giàu hơn – nhưng người nghèo cũng có thể như vậy. Và trong thời hậu
chiến họ quả đã giàu hơn. Trong cuốn
sách cuối cùng của ông [Inequality: What can be done? – Bất bình đẳng: Có thể làm được những gì?],
Atkinson đã chỉ ra – theo số học một cách kỹ lưỡng – bằng cách nào những lựa
chọn chính trị khác nhau có thể dễ dàng bắt đầu thu hẹp khoảng cách [giàu
nghèo] một lần nữa. Tăng thuế thu nhập mà bà Thatcher đã cắt giảm, và thúc
đẩy những lợi ích mà bà đã siết chặt có thể làm đảo ngược rất nhiều sự bất bình
đẳng mà bà đã gây ra.
![]() |
Theresa May (1956-) |
Tuy nhiên, đó mới chỉ là một yếu tố trong các lựa chọn thay thế của
Atkinson. Phần còn lại không chỉ đơn thuần dựa vào cơ chế cho và nhận của
Bộ tài chính, mà vào việc tinh chỉnh các chính sách về cạnh tranh, công nghệ và
việc làm với các mục tiêu bình đẳng rõ ràng. Chế độ dân
chủ công nghiệp –
mà bà thủ tướng Theresa May vừa ve vãn gần đây, trước khi từ bỏ
nó – có thể, ví dụ, giúp kiềm chế mức lương của các nhân viên cấp
cao. Các thương vụ sáp nhập doanh nghiệp sẽ không còn được thông qua một
cách nhanh chóng với giả định cho rằng giá cả thấp hơn là điều tốt duy nhất cho
người tiêu dùng: cũng cần phải xem xét nhu cầu của người lao động. Và thay
vì chạy theo trào lưu công nghệ, các chính sách công nên cố kiểm soát hướng đi
của trào lưu này. Trong tất cả những trường hợp đã xảy ra trong quá khứ,
theo cách nhìn của Atkinson, các lựa chọn thay thế cho kinh doanh đáng để được
tranh luận.
Tuy nhiên, kể từ những năm 1970, tất cả các lựa chọn thay thế này đều
không còn hợp thời. Câu thần chú "thị trường biết điều tốt nhất"
đã ăn sâu vào văn hóa của kinh tế học, từ sách giáo khoa đại học năm đầu tiên
đến báo cáo phân tích chi phí-lợi ích của chính phủ trên bàn làm việc của ngài
Bộ trưởng. Để thay đổi bầu không khí trí thức, thế hệ các nhà kinh tế học
bình đẳng tiếp theo sẽ cần phải viết lại ngay từ giờ những cuốn sách giáo khoa
đó mà không có sự giúp đỡ của chính Atkinson. Nhưng ít nhất ngay bây giờ họ có
thể thiết lập công việc từ cảm hứng về niềm tin không lay chuyển của ông, rằng,
cuối cùng, cũng phải có một lựa chọn thay thế.
Tom Clark là biên tập viên của tạp chí Prospect
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Tony
Atkinson never stopped believing in an alternative, Prospect Magazine, January 3, 2017.
