11.1.17

Kinh tế học là một mớ bòng bong cần cải tổ



KINH TẾ HỌC LÀ MỘT MỚ BÒNG BONG CẦN CẢI TỔ
Sắp xếp các trường phái tư tưởng kinh tế rối mù
Cameron Murray
Trong bài viết trước (“Reforming Economics: The Challenge” – Thách thức của cải cách Kinh Tế Học), tôi đã khẳng định việc kết hợp các trường phái tư tưởng kinh tế rối mù vào một đề cương mang tính đa nguyên mạch lạc phải đối diện với thách thức về mặt xã hội lẫn kỹ thuật. Ở mức độ nào đó, hai thách thức này đi song đôi với nhau, vì việc giảng dạy bất cứ một chuyên ngành nào cũng chủ yếu phản ánh quan điểm xã hội của những người đang phụ trách chuyên ngành đó. Các quy ước xã hội được phản ánh trong giảng dạy, và việc giảng dạy củng cố thêm các quy ước xã hội đó.
Trong kinh tế học, và trong các chương trình đào tạo bậc đại học nơi mà đại đa số sinh viên được đào tạo từ A đến Z về kinh tế học, thực trạng trên được cụ thể hóa bằng sự thống trị nhất quán của phương pháp tiếp cận tân cổ điển – trường phái này khẳng định sự thống trị của mình trên các tạp chí và các hoạt động nghiên cứu thuộc dòng chính. Ngay cả trường phái kinh tế học hành vi và thực nghiệm vốn đã ra đời hàng thập kỷ nay vẫn không được nhắc đến trong các quyển sách giáo khoa kinh tế học trọng yếu, điều này cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa trường phái hành vi với dòng chính và trường phái hành vi vẫn đang bị cho ra rìa.
Nhưng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan. Vòng luẩn quẩn trên có thể bị phá vỡ bằng cách đề xuất thay đổi phương pháp giảng dạy theo lối hấp dẫn hơn, cho phép trình bày một loạt các phương pháp tiếp cận khác nhau và tạo điều kiện người học nghiên cứu đồng thời các ý tưởng và các phương pháp trái chiều nhau. Sự thay đổi này đòi hỏi một sơ đồ khái niệm cực kỳ rộng bao trùm tất cả các trường phái tư tưởng, cũng như các công cụ giúp nắm bắt đầy đủ và đánh giá được sự đúng đắn của từng trường phái. Sơ đồ khái niệm như vậy có thể cho phép bố trí hợp lý các phương pháp cạnh tranh nhau thuộc mọi lĩnh vực của kinh tế học và có thể vạch rõ trong trường hợp nào và khi nào sự trùng lắp hay mâu thuẫn có khả năng xảy ra. Sơ đồ như vậy có thể tạo ra tiếng nói chung cho kinh tế học bằng cách tạo điều kiện cho các ý tưởng được trao đổi một cách chính xác giữa các trường phái.
Thiếu vắng sơ đồ như vậy, việc giảng dạy theo đề cương đa nguyên sẽ gặp rắc rối lớn về sự nhất quán. Một số người khác đã thử kết hợp các phương pháp hành vi vào các khóa kinh tế học trọng yếu một cách tương đối đơn giản. Họ biết mâu thuẫn về quan điểm là một trở ngại trong giảng dạy và người ta có xu hướng phân định thắng thua khi gặp mâu thuẫn.
“… tích hợp các quan điểm như vậy vào kinh tế học vi mô là điều không dễ dàng. Người thực hiện phải hết sức cẩn trọng giữa việc tích hợp cái mới và các kết quả quan trọng mà không khiến cho lý thuyết chuẩn trở nên hoàn toàn vô dụng trong mắt sinh viên. Vấn đề này thường được đẩy lên thành một luận điểm phản đối việc tích hợp các kết quả mới. Tôi không đồng ý với quan điểm này. Theo tôi, đó là giọng điệu kẻ cả khi cho rằng sinh viên không có khả năng tiếp thu hai trường phái tư tưởng trái ngược nhau.”
Độc giả có thể đồng ý rằng lý thuyết kinh tế học vi mô chuẩn là hoàn toàn vô dụng, nhưng việc giảng dạy cách tiếp cận đa nguyên đòi hỏi phải công nhận dòng chính khi có liên quan. Việc xác định sự liên quan cần một sơ đồ khái niệm.
Để minh họa, tôi đã phác họa một bản đồ lãnh thổ đơn giản về các phạm trù trong kinh tế học theo nghĩa rất rộng. Các khung chữ nhật trong bản đồ bên dưới thể hiện các phạm trù mà kinh tế học quan tâm, chúng có liên quan với nhau nhưng lại khác nhau về mặt khái niệm nên không thể kết hợp lại làm một. Đơn cử như trường hợp của tiền, tiền không phải là một nguồn lực thực, hay một tiện ích có thể mua bán, nhưng các mô hình tân cổ điển đã giả định rằng tiền mang những thuộc tính đó. Tiền có phạm trù riêng của mình. Các nguồn lực thực trong nền kinh tế cũng không phải là một tập hợp các quyền hợp pháp minh định ai sở hữu cái gì. Các quyền này hoàn toàn tách biệt. Cụ thể, tiền có thể được hiểu như là một loại quyền sở hữu, vì vậy phạm trù của tiền và phạm trù của các quyền sở hữu có chung nền ‘quyền sở hữu’, hoặc ‘quyền lực’ màu hồng trong sơ đồ. Phúc lợi là một phạm trù khác: riêng biệt nhưng có liên quan đến các nguồn lực thực, hệ thống các quyền hợp pháp và môi trường tiền tệ. Phạm trù này cung cấp nền tảng đạo đức cho nền kinh tế. Nó có chung nền màu vàng với các nguồn lực thực, vì cả hai đều có thể tiếp thu lý thuyết kinh tế học dòng chính, hiện đang được nối kết bởi các định lý phúc lợi khá khiếm khuyết.
Bên ngoài các phạm trù kinh tế học là đại dương bao la của môi trường xã hội và chính trị. Bất cứ phạm trù kinh tế học nào cũng đều được gắn với một môi trường xã hội, và bất cứ phân tích kinh tế nào cũng phụ thuộc đáng kể vào điều kiện của môi trường xã hội đó. Hãy xem phạm trù này như những chuẩn mực đang được hoàn thiện và các cấu trúc thể chế của xã hội.
Nổi trên mặt đại dương là ba công cụ, hay ba cách chất vấn các quan điểm, có thể được đưa vào các phạm trù kinh tế để kháo sát và đánh giá các phương pháp tiếp cận khác nhau, đồng thời định hướng việc học tập và thảo luận.
Công cụ đầu tiên là thời gian. Ai cũng biết thế giới biến đổi không ngừng, nên việc đặt ra vấn đề làm thế nào một phương pháp tiếp cận nào đó trong kinh tế học giải quyết vấn đề thời gian là rất quan trọng. Hầu hết các mô hình của dòng chính không đếm xỉa đến lịch sử, nhưng lại đưa ra dự báo như đinh đóng cột về tương lai (mặc dù có đôi khi mạo hiểm). Trạng thái cân bằng xuất hiện ngay tức thì mà không cần có sự điều chỉnh. Đặt ra vấn đề thời gian giúp xác định được những điều kiện quyết định giá trị của một phương pháp tiếp cận, và lý do thất bại của phương pháp tiếp cận đó. Sự thật phơi bày là nhiều phương pháp tiếp cận mang tính lý thuyết đều không xét đến yếu tố thời gian, trong khi các phương pháp tiếp cận khác (như kinh tế học tiến hóa) xem thời gian là một yếu tố hết sức quan trọng.
Công cụ thứ hai là sự tổng gộp. Tiến hành phân tích ở mức độ tổng gộp nào? Liệu khả năng không tương đồng giữa hành vi cá nhân và hành vi tổng gộp có quan trọng không? Công cụ này giúp chúng ta thay vì sa đà vào việc phân định giữa vi mô và vĩ mô mà thay vào đó là tập trung vào các vấn đề kinh tế xác đáng. Dù sao đi nữa thì một thị trường đơn lẻ đã là một nền kinh tế vĩ mô gồm những người mua và những người bán. Doanh nghiệp cũng là tổng gộp của nhiều cá nhân, và sự tồn tại của các doanh nghiệp cần được bàn trong phạm trù các quyền hợp pháp. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào và tại sao tổng gộp lại là một trong vài vấn đề quan trọng nhất trong bất kỳ phạm trù nào nhưng lại ít khi được nhắc đến nhất. Bằng cách nào chúng ta tổng gộp được phúc lợi hay vốn? Làm sao phân chia quyền giữa các nhóm cá thể và trong nội bộ một nhóm cá thể? Mức độ phân tích nào là quan trọng trong hệ thống tiền tệ?
Cuối cùng là công cụ dự báo. Công cụ này là hiện thân của câu hỏi ‘Rồi sao nữa?’ được đặt ra cho bất kỳ phương pháp phân tích nào được thực hiện trên bất kỳ phạm trù kinh tế nào. Ngay cả phương pháp phân tích có vẻ giải quyết thỏa đáng vấn đề thời gian và vấn đề tổng gộp, thì phương pháp đó cũng không được cho là có tính khoa học trừ khi đưa ra được các dự báo hữu ích. Nếu các trường phái tư tưởng khác nhau đưa ra kết quả dự báo khác nhau, người ta có thể truy ngược thông qua các vấn đề về thời gian và sự tổng gộp và (khi nắm rõ đang khảo sát những phạm trù nào và chúng được nối kết với nhau như thế nào) có thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong dự báo.
Đến đây, sẽ có ích khi chúng ta xem xét một ví dụ về cách thức mà bản đồ này có thể hỗ trợ việc giảng dạy các tư tưởng khác nhau trong kinh tế học và tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi giữa các trường phái. Bản đồ này có thể được sử dụng theo hai cách; cách thứ nhất dùng để tổ chức lại các khóa học, thông qua việc khảo sát các phạm trù và các công cụ, đồng thời kết hợp các phương pháp khác nhau khi phù hợp; cách thứ hai dùng để tổ chức lại nghiên cứu về các trường phái tư tưởng khác nhau trong đề cương giảng dạy.
Nếu sử dụng bản đồ để học các mô hình về chu trình tiền tệ của Godley và Lavoie, sinh viên sẽ học về sự thiết lập các thể chế sinh ra phạm trù tiền tệ trước tiên, bao gồm khái niệm chính xác của tiền là gì, và mối quan hệ giữa tiền với các quyền hợp pháp và các nguồn lực thực được hàm chứa như thế nào. Từ đó, sinh viên sẽ nhận biết vấn đề thời gian được xử lý như thế nào và bằng cách nào và tại sao doanh nghiệp, chính phủ, ngân hàng và các thành phần khác của nền kinh tế được tổng gộp thành một thể. Sau cùng, sinh viên sẽ khám phá ra các loại dự báo và các dự báo đó được nối kết với tiền, các quyền hợp pháp, các nguồn lực và phúc lợi như thế nào.
Về sau, khi học lý thuyết tăng trưởng của dòng chính, người ta sẽ hiểu rõ cách tiếp cận này nằm trong phạm trù của các nguồn lực thực, nơi mà thời gian được co lại thành một điểm đơn, trong khi đó tác nhân tiêu biểu (hay ‘người hoạch định xã hội’) của trường phái này xử lý vấn đề tổng gộp. Dự báo của các mô hình tăng trưởng như vậy không giống nhau, nhưng hầu hết chỉ tạo ra các kết quả cân bẳng tĩnh trừ khi bị tác động bởi cú sốc bên ngoài hệ thống. Cả phạm trù tiền tệ và phạm trù pháp lý đều được giả định để có thể chấp nhận kết quả của các mô hình. Trong thực tế, thuật ngữ vốn (capital) sử dụng trong các mô hình này thường bị nhầm lẫn với vốn (capital) trong phạm trù các quyền hợp pháp.
Chúng ta có thể đào sâu hơn quan điểm của trường phái tân cổ điển để nghiên cứu vấn đề còn gây tranh cãi về khái niệm vốn. Chúng ta sẽ thấy rằng trong các mô hình tăng trưởng chuẩn, vốn là một tập hợp các vật thể vật chất. Tuy nhiên, do chúng ta không thể tổng gộp các thước đo về lượng của nhiều loại vật thể vật chất, kết quả tự nhiên là chúng ta phải đo đếm giá trị của vốn bằng đơn vị tiền tệ thay cho các thước đo giá trị các quyền sở hữu có tính chất tương đối được hình thành từ các thể chế của chúng ta.
Bằng cách định vị hai cách tiếp cận này trên bản đồ, và xem xét sự khác biệt cũng như sự tổng gộp, thời gian và dự báo, chúng ta có thể thấy rõ trong điều kiện nào chúng tương ứng với nhau hay mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, theo cả hai cách tiếp cận thì việc đầu tư thêm vào vốn vật chất sẽ tạo ra tăng trưởng cao hơn, nhưng chúng ta chỉ có thể đề cập đến các quá trình điều chỉnh trong nền kinh tế khi sử dụng mô hình chu trình tiền tệ. Hơn nữa, cả hai cách tiếp cận đều xem môi trường xã hội và chính trị là yếu tố cho trước và chỉ có mối quan hệ gián tiếp với phạm trù phúc lợi thông qua một giả định ẩn về mối quan hệ giữa các nguồn lực tổng gộp và phúc lợi tổng gộp.
Ha–Joon Chang (1963-)

Kiểu tư duy có cấu trúc này có thể nhọc công một chút nhưng lại hữu ích.
Tôi không đơn độc trong việc cố gắng sắp xếp lại mớ bòng bong các trường phái tư tưởng kinh tế. Ha-Joon Chang đã sơ đồ hóa các trường phái tư tưởng kinh tế dựa trên các phạm trù đặc biệt mà kinh tế học quan tâm. Trong quyển sách mới nhất của ông Economics: The User’s Guide (Kinh tế học: Hướng dẫn sử dụng cho người dùng), có nhiều chủ đề khái quát tương tự về thời gian (Các nền kinh tế thay đổi thông qua …, Thế giới là …) và về tổng gộp (Nền kinh tế được hình thành từ …), và cũng có khuyến nghị các phương pháp tiếp cận khác nhau trong kinh tế học tập trung vào các mảng cụ thể của nền kinh tế, như mảng sản xuất hay mảng trao đổi.

Cameron Murray
Nếu chúng ta muốn có một bộ đề cương kinh tế học có tính đa nguyên và khả khi, việc tìm ra phương pháp sắp xếp các ý tưởng của các trường phái tư tưởng khác nhau là cực kỳ quan trọng, và tôi hy vọng rằng bản đồ lãnh thổ phân chia các phạm trù kinh tế có thể giữ vai trò xuất phát điểm. Sách giáo khoa và tư liệu giảng dạy đa nguyên mới được xây dựng dựa trên một yêu cầu mang tính cấu trúc có thể chứng tỏ được bằng cách nào nhiều ý tưởng khác nhau có thể được gom lại mà không phát sinh mâu thuẫn và không làm cho việc tổng hợp này hóa ra chỉ đơn thuần một quá trình chọn lọc ra một trường phái tư tưởng tương thích với ý thức hệ sẵn có của sinh viên. Tôi hy vọng rằng kết quả này có thể mở rộng nhờ sự chung tay nỗ lực của IDEA Economics, Evonomics, Rethinking Economics và những nhà cải cách khác.
Bài viết gốc được đăng ở đây.
Cameron Murray
Cameron K. Murray là kinh tế gia chuyên nghiên cứu kinh tế học môi trường, sự điều tiết của chính phủ, hành vi trục lợi, tham nhũng, và thị trường tài sản. Twitter: @rumplestatskin
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn:Economics Is a Mess and Needs to be Reformed”, evonomics.com, 1/4/2016.
Print Friendly and PDF