24.1.18

Trung Quốc, đổi mới sáng tạo như là vec-tơ của sự thay đổi cấu trúc

TRUNG QUỐC: ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NHƯ LÀ VEC-TƠ CỦA SỰ THAY ĐỔI CẤU TRÚC

Một đội người Trung Quốc đang xếp các robot thành hàng để phá kỷ lục thế giới về số lượng các robot nhảy múa cùng lúc tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (Đông Bắc), vào ngày 30/7/2016. Kỷ lục bị phá vỡ với 1.007 robot đồng loạt nhảy múa trong một phút. (Ảnh bản quyền: Zhao Jianpeng/Imaginechina/via AFP)
Ngày nay, Trung Quốc đang trong giai đoạn hạ cánh kinh tế. Tốc độ tăng trưởng đã giảm đều đặn trong vòng mười năm qua. Sự thặng dư các đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị sản xuất từ nay đang gặp khó khăn trong việc thể hiện thành sự gia tăng năng suất. Tình trạng mất hiệu quả này kéo theo phải chuyển đổi từ một mô hình sản xuất tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp sang một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng và dịch vụ trong nước. Nhưng động cơ kinh tế Trung Quốc, được nuôi dưỡng bởi một nguồn lực lao động chi phí thấp trong nhiều thập niên qua, khó có thể làm thay đổi mô hình sản xuất của họ. Trung Quốc dường như đang bị sa lầy trong “chiếc bẫy thu nhập trung bình”.
Trong bối cảnh này, đổi mới sáng tạo xuất hiện như vec-tơ chính của sự chuyển đổi kinh tế, xã hội và sinh thái. Trong khi triều đại nhà Thanh, vào cuối thế kỷ XVIII đã thất bại trong việc tham gia vào con đường của cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, cuộc cách mạng của than đá và hơi nước, thì nước Trung Quốc đương đại có ý định đi xa hơn địa vị công xưởng của thế giới để trở thành một chất xúc tác cho sự đổi mới sáng tạo.
Cần phải quay trở lại chính ADN của mô hình vốn đã mang lại sự tăng trưởng cho Trung Quốc để hiểu toàn bộ quy mô của thách thức ở phía trước. Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã đi theo một kịch bản phổ biến ở nhiều quốc gia đang phát triển. Thay vì đối mặt với một bức tường công nghệ bất khả xâm phạm, Trung Quốc đã nhập khẩu bí quyết chuyên môn từ nước ngoài, và trái lại cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài một nguồn lực khổng lồ những người lao động nông nghiệp thiếu việc làm. Toàn bộ chính sách của Trung Quốc, trong những thập niên gần đây, là tạo điều kiện cho việc chuyển đổi lao động từ vùng trung tâm của đất nước vào các “đặc khu kinh tế”, nằm ở các vùng ven biển. Các không gian hạn chế này, được hưởng nhiều lợi thế về thuế, đã chứng kiến một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tiên vào lĩnh vực dệt may và rất nhanh sau đó vào lĩnh vực điện tử.
Trung Quốc đã thành công trong sự phân chia quốc tế các quá trình sản xuất quan trọng khi nhập những đầu vào công nghệ và lắp ráp chúng lại. Tuy nhiên, mặc cho sự thành công về mặt công nghiệp này, giá trị gia tăng của địa phương vẫn còn rất thấp. Sức mạnh công nghiệp vẫn dựa vào việc lắp ráp các mặt hàng tiêu dùng được tiêu chuẩn hóa, các mặt hàng đầu vào hoặc các mặt hàng thuộc tầm trung bình; nơi mà nguồn lao động chi phí thấp tạo nên lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất.
Thế nhưng khả năng cạnh tranh này có xu hướng biến mất do tiền lương tăng vọt. Từ năm 2005 đến năm 2013, mức lương bình quân tối thiểu đã tăng từ 44 USD lên 210 USD. Bối cảnh của lão hóa dân số cũng ngày càng ít tương hợp với ý tưởng đất nước công xưởng của thế giới.
Tiến trình này gây bất lợi cho xuất khẩu. Ngay cả khi đất nước đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới vào năm 2009, thì thặng dư thương mại đã giảm từ 9% GDP vào năm 2007 xuống còn 3% vào năm 2014. Các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giảm, trong khi những tiền đề của một động thái tái cấu trúc sản xuất đã được khởi động ở các nước phát triển.
Xu hướng giảm của tỷ lệ lợi nhuận ở Trung Quốc là một trong những triệu chứng của sự xuống cấp của mô hình phát triển kinh tế của họ. Điều này được giải thích bằng sự hụt hơi của quá trình đuổi bắt công nghệ và tư bản mà Trung Quốc đã được hưởng trong quá khứ. Sự sụt giảm năng suất của tư bản không còn được bù đắp bởi một sự gia tăng tương ứng về năng suất lao động – đó chính là điều khiến các nhà kinh tế nói đến chiếc bẫy thu nhập trung bình.

Đổi mới sáng tạo là một vec-tơ chuyển đổi kinh tế

Chính phủ Trung Quốc hiện đang đối mặt với một mệnh lệnh chuyển đổi lớn về mặt cấu trúc. Đó là việc chuyển từ một sự tăng trưởng hướng ngoại, dựa vào các doanh nghiệp công nghiệp được hưởng lợi từ nguồn lao động giá rẻ, sang một mô hình hướng nội, dựa vào sự đổi mới sáng tạo và tiêu thụ nội địa.
Thách thức là rất lớn bởi vì cần phải từng bước loại bỏ các hoạt động có giá trị gia tăng thấp khi đầu tư vào nền kinh tế tri thức. Thế nhưng, sự đổi mới sáng tạo vẫn phát sinh chủ yếu từ việc yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia của nước ngoài chuyển giao công nghệ của họ. Ngoài sự nắm bắt [công nghệ] này, các nhà hoạch định trung ương muốn làm cho Trung Quốc trở thành động cơ của thế giới về đổi mới sáng tạo. Các nguồn đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, đã tăng từ 0,5% vào năm 1995 lên 2% vào năm 2014. Mục tiêu là đạt được mức 2,5% vào năm 2020, một mức tương đương với mức của Liên minh châu Âu. Kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” của chính phủ, được công bố vào tháng 5 năm 2016, dự kiến ​​sẽ tập trung đầu tư vào mười lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có công nghệ thông tin, công nghệ robot, hàng không vũ trụ, đường sắt và xe ô-tô điện.
Việc robot hóa các dây chuyền sản xuất có vẻ như là một ưu tiên hàng đầu khi Trung Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh so với các nước Đông Nam Á có nguồn lao động sản xuất chi phí thấp. Nhưng ngay cả khi đất nước tự trang bị ồ ạt trong lĩnh vực khoa học robot công nghiệp mũi nhọn, thì sự chậm trễ trong việc bắt kịp công nghệ vẫn còn rất lớn: tỷ số robot/công nhân vào năm 2014 thấp hơn gấp 10 lần (36 robot trên 10.000 công nhân) so với Nhật Bản (314 trên 10.000 công nhân) và Hàn Quốc (478 trên 10.000 công nhân). Và ở đó, chỉ mới có 1/5 các đơn vị sản xuất được robot hóa hiện nay được thiết kế tại địa phương.
Ngoài những lợi ích về năng suất, sự đổi mới sáng tạo cũng có khả năng hạn chế các áp lực về môi trường. Chính phủ càng đặc biệt quan tâm khi các vấn đề về môi trường và sức khỏe đã có một chiều kích xã hội. Các vụ bê bối về thực phẩm và tình trạng sương mù các hạt gây ô nhiễm đang bao trùm các thành phố của Trung Quốc là những biểu hiện rõ ràng của áp lực về sinh thái. Trung Quốc dường như đã ý thức tính cấp bách, qua việc đầu tư vào các năng lượng có khả năng tái tạo gần gấp đôi so với Hoa Kỳ. Các năng lượng có khả năng tái tạo (trong đó có thủy điện), đã tăng từ 11% năng lượng hỗn hợp vào năm 2011 lên 18% vào năm 2015. Trung Quốc, nước gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh (27% lượng khí thải CO2 toàn cầu), đang trong giai đoạn khử cacbon. Trong khi tỷ lệ lượng khí thải CO2 [của Trung Quốc] đã tăng 6,7% mỗi năm trong 10 năm qua, thì tỷ lệ lượng khí thải đó đã giảm xuống còn 1,2% vào năm 2014. Và vào năm 2015, thậm chí tỷ lệ lượng khí thải đó phải là âm. Một yếu tố khác về mặt cấu trúc của sự nổi lên của thị trường nội địa: sự đổi mới sáng tạo về kỹ thuật số. Vec-tơ của tính lưu động, tính minh bạch và tính đơn giản, doanh số bán lẻ trên Internet dự kiến sẽ chiếm 40% các giao dịch bán lẻ, từ nay đến năm 2020.
Như vậy, Trung Quốc đang trên con đường chuyển đổi triệt để được thúc đẩy bởi sự đổi mới sáng tạo. Nhưng điều này sẽ chỉ hiệu quả với điều kiện là xem xét xã hội dân sự như là một lực lượng đưa ra đề xuất chứ không phải là một mối nguy cần kiềm chế. Chủ nghĩa độc đoán đã đi cùng với nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang đi tìm cơ sở để sản xuất với chi phí thấp. Ngược lại, việc xây dựng một nền kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo đòi hỏi một sự cởi mở về mặt chính trị. Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có biết khéo léo bước vào khúc ngoặt cải cách này không.
Bertrand Hartemann
Giới thiệu tác giả
 Giám đốc Marketing có trụ sở tại Bắc Kinh, là một chuyên gia về quản lý sự đổi mới sáng tạo, Bertrand Hartemann có niềm đam mê về các mô hình kinh doanh mới phát sinh từ sự đổi mới có tính đoạn tuyệt của kỹ thuật số. Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne và CNAM về pháp luật, tài chính và kinh tế, ông có hơn mười năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF