Marshall Steinbaum và Bernard Weisberger
Katherine Streeter cho tờ The Chronicle Review |
Vào ngày 1 tháng 5 năm 1886 – cùng ngày với việc tổ chức Knights of Labor [Các Hiệp sĩ lao động] kêu gọi cuộc tổng đình công dẫn đến cuộc bạo loạn Haymarket ở Chicago, một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về bạo lực lao động trong lịch sử nước Mỹ – một giáo sư trẻ về kinh tế chính trị tại Đại học Yale tên là Arthur Hadley đã gửi một lá thư cho đồng nghiệp Henry Carter Adams tại Đại học Michigan để bày tỏ sự miễn cưỡng gia nhập Hiệp hội Kinh tế nước Mỹ (AEA, American Economic Association) vừa mới được sáng lập, trong đó Adams là thành viên của ủy ban chấp hành.
AEA đã được quan niệm như là một thách thức mới nổi đối với giới kinh tế chính thống cổ điển. Cương lĩnh sáng lập của nó tuyên bố rằng, “Chúng tôi coi nhà nước là một cơ quan giáo dục và đạo đức mà sự hỗ trợ tích cực là một điều kiện không thể thiếu của sự tiến bộ của con người” – một quan điểm gây tranh cãi làm cho Hadley lo lắng. Ông viết cho Adams:
Việc cho rằng các nguyên lý là đúng, chỉ làm cho nguy cơ hiểu sai càng nghiêm trọng hơn. ... Sự thông cảm của tôi đã thể hiện rất mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh với phong trào. Những khuynh hướng của tôi đã dẫn tôi đến việc tham gia phong trào ngay từ đầu. Nhưng tôi sợ, và vẫn còn sợ, việc vướng vào một quan điểm có thể gây hại cho tôi và cả cho người khác, khi mà tôi có vẻ như bênh vực những biện pháp và châm ngôn mà tôi không thể không coi là cực đoan nguy hiểm.
Nói cách khác, sẽ không thành vấn đề nếu một mệnh đề là đúng đắn. Điều phải được xem xét là những hàm ý triệt để không hay có thể có – và cách thức mà chủ nghĩa cấp tiến đó có thể làm hoen ố phần còn lại của giới kinh tế khi tập hợp lại thành hiệp hội.
Hadley cuối cùng đã vượt qua được sự lo lắng và tham gia AEA. Ông thậm chí còn trở thành chủ tịch của hội vào năm 1898 (cũng như chủ tịch của Đại học Yale). Nhưng đến lúc đó, AEA đã chuyển hướng khỏi những khởi đầu cấp tiến của mình, để trở thành một tổ chức ít gây tranh cãi hơn cho các nhà kinh tế học chuyên nghiệp.
Các nhà kinh tế học dòng chính đã đạt được sự chấp thuận của giới tinh hoa, bằng cách hiến tế việc tìm câu trả lời cho những câu hỏi gây tranh cãi nhiều nhất.
Rất ít người, ngay cả trong số các thành viên hiện tại, biết rằng AEA được sáng lập trên các cơ sở cấp tiến. Nhưng ngay sau khi thành lập, nó đã rút lui an toàn theo hướng trung lập phi đảng phái, như là một dấu ấn của sự chuyên nghiệp. Việc tránh xa chủ nghĩa cấp tiến đảm bảo rằng một số câu hỏi gây tranh cãi nhiều nhất trong bộ môn sẽ không bao giờ có được một giải đáp thuyết phục, ít nhất là không phải bởi các nhà kinh tế học. Thật vậy, tư thế khách quan về mặt học thuật đã làm suy yếu hơn là thúc đẩy kiến thức sâu sắc – một thực tế mà giờ đây đã trở nên hiển nhiên khi những chỉ trích về cách mà kinh tế học đã được thực hành hàng thập niên qua đã trở nên nổi bật hơn.
Được thành lập vào năm 1885, AEA được sáng lập để tiến hành nghiên cứu khoa học và vận động cho cải cách, cả bên trong giới hàn lâm lẫn trong lĩnh vực công. Ngay từ đầu, hai nhiệm vụ này đã được liên kết chặt chẽ.
Kinh tế học cũ tuyên bố đã phát hiện ra các quy luật không thay đổi đang chi phối sự phân phối của cải, có nguồn gốc từ một kiến tạo lý thuyết về một nền kinh tế phi thực tế, được lý tưởng hóa. Mặt khác, những người sáng lập AEA trước tiên nghiên cứu các kết quả kinh tế như họ thấy. Xử lý vấn đề của cải, việc làm, tiền lương, suy thoái, thương mại, vân vân... như là những thực tế ngẫu nhiên, đối lập với những thực tế trừu tượng, một cách tự nhiên sẽ dẫn đến kết luận cho rằng chúng có thể bị các chính sách làm thay đổi. Hàm ý đó xung đột với tâm trạng bao trùm chống lại cái gọi là pháp chế giai cấp, cụ thể là mọi nỗ lực làm thay đổi hệ thống thứ bậc xã hội thông qua các hành động tập thể hoặc các chính sách công. Do đó, ở tất cả các cấp độ, cách tiếp cận ban đầu của AEA đã thách thức các nền tảng tri thức của kinh tế học cổ điển.
Bản thảo ban đầu của cương lĩnh sáng lập tổ chức cho biết mục tiêu của tổ chức là khuyến khích nghiên cứu kinh tế và “quyền tự do hoàn toàn trong các cuộc thảo luận về kinh tế”. Bản thảo viết tiếp:
Trong khi chúng tôi thừa nhận sự cần thiết của sáng kiến cá nhân trong cuộc sống công nghiệp, thì chúng tôi lại cho rằng học thuyết tự do kinh tế [laissez-faire] là không an toàn về mặt chính trị và không lành mạnh về mặt đạo đức; và rằng nó gợi ý một sự giải thích không đầy đủ về mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. ...
Chúng tôi không chấp nhận những tuyên ngôn sau cùng đặc trưng cho kinh tế học chính trị của thế hệ trước... Chúng tôi cho rằng cuộc xung đột giữa lao động và tư bản đã đưa lên mặt tiền một loạt các vấn đề xã hội mà giải pháp là điều bất khả nếu không có nỗ lực thống nhất của Giáo hội, nhà nước và khoa học.
Bản tuyên ngôn về cuộc nổi dậy chống lại sự chính thống kinh tế của Kỉ nguyên Vàng đã gây nên sự khó chịu của những nhà thuyết giảng lâu năm về “kinh tế học chính trị”. Nhà nước như là một “cơ quan đạo đức” mà sự hỗ trợ là “điều không thể thiếu”? “Xung đột giữa lao động và tư bản”? Ngay cả sau khi tố giác tự do kinh tế là “điều không an toàn về mặt chính trị và không lành mạnh về mặt đạo đức” đã được loại bỏ khỏi văn kiện cuối cùng, vì sợ rằng có vẻ như hiệp hội mới có mọi động lực ngoài sự tiến bộ khoa học, thì AEA vẫn được coi là một thách thức đối với hiện trạng.
Charles Dunbar (1830-1900) |
Richard T. Ely (1854-1943) |
Nhưng chủ nghĩa cấp tiến của AEA sẽ sớm bị bóp chết sau khi AEA ra đời. Vào tháng 12 năm 1887, ban chấp hành, trong đó có Henry Carter Adams, đã đồng ý từ bỏ hoàn toàn cương lĩnh đã được thông qua hai năm trước đó, với lý do là mọi cương lĩnh đều làm suy yếu quyền tự do nghiên cứu. Năm 1890, một ủy ban được chỉ định để thẩm định các bài viết cho các ấn phẩm của hiệp hội, thế chỗ của Richard Ely, người sáng lập cuộc vận động và là người có tầm ảnh hưởng lớn. Năm 1892, Ely đã cố nắm lại quyền kiểm soát tổ chức mà ông đã giúp sáng lập, nhưng ông đã thất bại; sau đó ông đã đồng ý từ chức. Charles Dunbar thuộc Đại học Harvard, một nhà kinh tế học của trường phái truyền thống, nhận chức chủ tịch. Từ đó, AEA không còn là cái mà Ely đã hy vọng từ ngày đầu sáng lập ra nó: Đó không còn là một lực lượng có ý thức hệ thống nhất chống lại tự do kinh tế, cũng không phải là một hiệp hội trên thực tế của các nhà kinh tế học yêu cầu các nhà tuyển dụng ở đại học hoặc chính phủ phải tôn trọng quyền tự do tri thức của các thành viên của mình. Thay vào đó, hiệp hội đã trở thành một hiệp hội học thuật chuyên nghiệp theo phương thức hiện đại: tài trợ các hội nghị và các ấn phẩm, tập hợp dữ liệu, áp đặt các tiêu chuẩn về tư cách thành viên của hội, và thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp.
Ban đầu, khi AEA được sáng lập, những người sáng lập coi sự bất bình đẳng là một chủ đề đáng để nghiên cứu nghiêm túc và là một vấn đề chính sách, thậm chí là một cuộc khủng hoảng, đòi hỏi phải có một giải pháp. Tuy nhiên, khi hiệp hội theo hướng ôn hòa, thì quan điểm đó dần dần biến mất. Vào giữa thế kỷ 20, quan điểm khách quan đang thống trị kinh tế học đã nói lên một câu chuyện đặc biệt về sự bất bình đẳng – đó không phải là vấn đề lớn, vì nó sẽ biến mất theo thời gian. Và thậm chí nếu đó là một vấn đề, thì không thể làm được gì nhiều mà không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của nền kinh tế.
Emmanuel Saez (1972-) |
Simon Kuznets (1901-1985) |
Trọng tâm của sự nổi lên những ý tưởng này là công trình mang tính đột phá của Simon Kuznets vào năm 1953, “Shares of Upper Income Groups in Income and Savings [Tỉ phần của các nhóm có thu nhập cao trong tổng thu nhập và tiết kiệm]”, nghiên cứu sự giảm bớt bất bình đẳng trong nửa đầu của thế kỷ 20. Kuznets đã sử dụng các dữ liệu thuế tương tự như các dữ liệu được Thomas Piketty và Emmanuel Saez sử dụng gần đây, và diễn giải những phát hiện này trong bài diễn văn của ông vào năm 1954 với tư cách chủ tịch AEA, hàm ý rằng sự bất bình đẳng đầu tiên sẽ tăng lên, rồi giảm xuống khi nền kinh tế phát triển. Điều này vạch ra cái được gọi là đường cong Kuznets, được ông gợi ý là do sự biến đổi “tự nhiên” từ khu vực nông nghiệp sang chế tạo sản xuất, và là do sự đô thị hóa đi kèm theo đó. Ông lập luận rằng sự biến đổi này có thể được lặp lại ở các nước khác khi các nước ấy phát triển. Lý thuyết của ông đưa ra một dự báo lạc quan đặc biệt đối với các nền kinh tế thuộc địa và hậu thuộc địa vẫn còn bị sa lầy trong cảnh nghèo đói. Có vẻ như ông gợi ý rằng chắc chắn, họ có thể là người thua cuộc trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, nhưng cuối cùng họ sẽ trở nên giàu hơn, miễn là họ tiếp tục đi theo con đường chủ nghĩa tư bản.
Thomas Piketty (1971-) |
Diễn giải lạc quan của Kuznets về mối quan hệ giữa sự bất bình đẳng và sự phát triển kinh tế xung đột với chính kinh nghiệm sống của ông – hai cuộc chiến tranh thế giới và cuộc Đại suy thoái đã gây thiệt hại cho các di sản thừa kế trong nửa đầu của thế kỷ 20, chứ không phải là sự biến đổi liên ngành. Trong cuốn Capital in the Twenty-First Century [Tư bản trong thế kỷ XXI] (Harvard University Press, 2014), bản thân Piketty đã có những lời lẻ nghiêm khắc dành cho Kuznets, về động lực của ông ta, và thái độ đối với sự bất bình đẳng mà ông ta đã sản sinh ra trong giới kinh tế học:
Khi trình bày một lý thuyết lạc quan như vậy trong bối cảnh của một “bài diễn văn với tư cách là chủ tịch” trước một hiệp hội chuyên nghiệp lớn của các nhà kinh tế học Hoa Kỳ, một cử tọa có xu hướng tin tưởng và phổ biến những tin tức tốt lành được phát biểu từ nhà lãnh đạo uy tín của họ, [Kuznets] biết rằng ông sẽ có sức ảnh hưởng đáng kể... Để đảm bảo mọi người hiểu rõ đâu là những được mất, ông cẩn thận nhắc nhở người nghe rằng những dự đoán lạc quan của ông chỉ đơn giản là duy trì các nước kém phát triển “trong quỹ đạo của thế giới tự do”. Sau đó, phần lớn lý thuyết về đường cong Kuznets là một sản phẩm của cuộc Chiến tranh Lạnh.
Kết luận của Kuznets có vẻ như biện minh cho việc loại bỏ chủ đề bất bình đẳng khỏi nghị trình nghiên cứu kinh tế học, như là một vấn đề sẽ tự thân giải quyết – và như thế ngày càng như vậy. Không có thách thức nghiêm trọng nào đối với dự đoán của đường cong Kuznets về việc sự bất bình đẳng nói chung đã đạt đến một mức tối thiểu vĩnh viễn. Tệ hơn nữa, nếu một lý thuyết như vậy nổi lên và hàm ý những hành động khả thi để đảo ngược sự bất bình đẳng, thì những người ủng hộ nó có nhiều khả năng đã sợ hãi và xa lánh nó, như Hadley, người đã khôn ngoan nhận ra điều đó khi ông kìm nén việc gia nhập AEA ngay từ đầu.
Hơn 125 năm kể từ khi AEA được thành lập, các cơ sở cấp tiến của nó dường như đang hồi sinh. Việc đánh giá lại kinh tế học cổ điển được tiến hành trong những năm gần đây, đã được nhấn mạnh trong tác phẩm của Piketty, Capital in the Twenty-First Century [Tư bản trong thế kỷ XXI], trong đó có nhiều lời khắc nghiệt đối với tính bảo thủ hạn hẹp về mặt phương pháp luận và tính tự hấp thu của kinh tế học và chi phí của chúng: sự thiếu vắng một lý thuyết có tính thuyết phục về sự bất bình đẳng đang gia tăng, tính cơ động xã hội theo chiều đi xuống và các bệnh lý phát sinh – và, khi thiếu một lý thuyết như vậy, thì người ta sẽ khăng khăng nhấn mạnh rằng những hiện tượng này hoặc không tồn tại hoặc không quan trọng.
Adam Smith (1723-1790) |
Cuốn sách của Piketty chỉ là tác phẩm gây nhiều tranh cãi nhất của sự dịch chuyển gần đây của kinh tế học khỏi những hạn chế và thành kiến được chấp nhận rộng rãi của lý thuyết. Xu hướng trí thức chung hơn trong lĩnh vực này là hướng tới thường nghiệm, với suy luận có tính thuyết phục về nhân quả, điều kiện thiết yếu của một nghiên cứu độc đáo và tốt. Cái gọi là cuộc cách mạng dữ liệu (hoặc, như hai môn đồ nổi tiếng nhất của nó, Joshua D. Angrist và Jörn-Steffen Pischke, đã gọi nó, “cuộc cách mạng đáng tin cậy”) được thực hiện bởi sự tính toán phức tạp và tính sẵn có của dữ liệu. Nhưng nó cũng được thúc đẩy bởi sự không tin ngày càng tăng vào cách làm cũ – bắt đầu từ cân bằng cạnh tranh, toán học hoá bàn tay vô hình của Adam Smith bằng cách tổng gộp sự ích kỷ cá nhân thành phúc lợi xã hội và tìm kiếm thực tế nhằm tìm ra những câu chuyện phù hợp làm bằng chứng cho thao tác hiền lành này của lý thuyết. Bước ngoặt mới trong kinh tế học cho thấy các nhà nghiên cứu tìm ra các thử nghiệm tự nhiên (hoặc tiến hành những thí nghiệm riêng của họ) như là những kiểm định của một lý thuyết này so với một lý thuyết khác.
Trường hợp đáng chú ý của phương pháp mới này bao gồm nghiên cứu mới về tiền lương tối thiểu, gieo sự ngờ vực đối với sự đồng thuận cũ cho rằng các mức lương tối thiểu sẽ làm giảm việc làm; các cuộc điều tra về hiệu ứng của tự do hóa thương mại, đặt trọng tâm vào các tác động của việc tự do hoá này trên thị trường lao động; và các cân nhắc thận trọng về những thay đổi trong chính sách thuế để ước tính hiệu ứng trên tổng sản phẩm, cung lao động, tích luỹ tài sản và đầu tư. Bằng nhiều cách, cuộc cách mạng dữ liệu lặp lại thách thức về tri thức mà thế hệ của AEA đã mang lại cho kinh tế học suy diễn như đã từng được thực hành: Các công cụ và cách tiếp cận mới dựa trên dữ liệu đã gieo sự ngờ vực đối với các cách làm cũ. Chính thực tế cho rằng một cuộc cách mạng tương tự về nhận thức luận đang được tiến hành tự thân nó là bằng chứng cho rằng thời kì đứt quãng là một thoái trào; hơn nữa, nó thách thức quan niệm bản thân của phần lớn các nhà kinh tế học cho rằng lĩnh vực kinh tế học đã có một tiến trình tiến bộ.
Việc những ý tưởng cấp tiến của Richard Ely bị đẩy ra ngoài lề là do những đồng nghiệp của ông, và cũng chính các nhà kinh tế học mới có thể đảo ngược sự đẩy ra ngoài lề các quan điểm thách thức của cải của những người đương nhiệm. Trái với các ngành khoa học xã hội khác, có thể nói là thiên về cánh tả, các nhà kinh tế học nổi tiếng về tính đa dạng của ý thức hệ, nếu không muốn nói là thiên về chủ nghĩa bảo thủ, khi chính xác là cách thức mà các nghiên cứu của họ được tài trợ một cách hào phóng tại các trường kinh doanh có uy tín và tại các phòng khoa hàng đầu. Thật khó để không thể kết luận rằng khi xua đuổi chủ nghĩa cấp tiến khỏi AEA và khỏi kinh tế học dòng chính, những ai làm việc này đã đạt được uy thế to lớn về tri thức và sự tán thành của giới tinh hoa bằng việc từ bỏ công cuộc tìm kiếm vô tư nhằm tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi gây tranh cãi nhiều nhất trong kinh tế học.
Việc họ từ bỏ “sự biện hộ” dưới chiêu bài “tính khách quan” chỉ đặt ra câu hỏi về sự khác biệt này thực sự có ý nghĩa gì trong thực tế. Có lẽ tính khách quan hiện tại không đòi hỏi giới học giả phải phủ nhận sự biện hộ một cách ồn ào. Trên thực tế, nó có thể đòi hỏi sự ngược lại.
Marshall Steinbaum |
Bernard Weisberger (1922-) |
Marshall Steinbaum là một nhà kinh tế học cao cấp và nghiên cứu sinh tại Viện Roosevelt. Ông là đồng biên tập viên của cuốn sách sắp ra mắt After Piketty: The Agenda for Economics and Inequality [Thời kỳ hậu Piketty: Nghị trình cho kinh tế học và bất bình đẳng] (Harvard University Press).
Bernard Weisberger là một nhà sử học đã tham gia giảng dạy tại Đại học Rochester và Đại học Chicago. Ông có nhiều công trình được xuất bản, trong đó có cuốn The La Follettes of Wisconsin: Love and Politics in Progressive America [La Follettes Wisconsin: Tình yêu và Chính trị trong một nước Mỹ tiến bộ] (Đại học Wisconsin Press, 1994). Các phần của tiểu luận này đã được đăng trước đó trong tờ Democracy: A Journal of Ideas [Dân chủ: Nhật báo của các ý tưởng].
Một phiên bản của bài viết này đã được đăng trong số ra ngày 09 tháng 12 năm 2016.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: When Economics Was Radical, THE CHRONICLE of HIGHER EDUCATION, December 04, 2016.