10.1.18

Triết học đã bén rễ



Suy nghĩ nhân đọc Trò Chuyện Triết Học của Bùi Văn Nam Sơn

TRIẾT HỌC ĐÃ BÉN RỄ[1]

NGUYỄN XUÂN XANH
"Tư tưởng chúng ta là số phận chúng ta."[2]
Arthur Schopenhauer
"Con người càng thiếu hiểu biết về chính mình, càng hoang mang hơn trước tương lai đầy bất trắc."[3]
Bùi Văn Nam Sơn

(I)


Bùi Văn Nam Sơn
Thứ năm, ngày 28/6/2012, tác phẩm Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn được ra mắt chính thức cùng với đại diện Sài gòn Tiếp Thị, nơi đã chuyển tải các bài viết triết lý trong tập sách trên hai năm qua, cùng với đại diện của nxb Tri Thức và Cty Sách Thời Đại. Thành phần cử toạ không phải chỉ là những “nhà triết học tháp ngà”, mà đến từ nhiều thành phần xã hội: sinh viên, nhà giáo, giáo sư đại học, bác sĩ… Đó là một buổi trò truyện thú vị hơn hai tiếng đồng hồ rất sôi động, chứng tỏ sự quan tâm lớn của nhiều giới đến triết học.
Với sự tích luỹ tám năm qua và một chuỗi công bố những tác phẩm kinh điển của triết học cổ điển Đức, với những cố gắng và năng lực phi thường, bắt đầu từ quyển kinh điển Phê phán lý tính thuần tuý của Immanual Kant năm 2004, tác phẩm triết học thế giới đầu tiên ở Việt Nam đã đem lại cho Bùi Văn Nam Sơn giải Phan Châu Trinh rất xứng đáng, quyển sách Trò chuyện triết học bốn trăm trang được viết cho đại chúng của tác giả có thể nói đánh dấu một sự kiện có ý nghĩa trong sinh hoạt trí thức của thành phố: Triết học đã bén rễ trên mảnh đất này.
Đọc Trò chuyện triết học, người ta có cảm tưởng đang bước lên những bậc thang ngày càng cao của “tháp ngà triết học”, không phải để tách rời khỏi xã hội, mà để nhìn qua các cửa sổ thấy được thế giới nhiều hơn, xa hơn, và để trở lại hiểu xã hội nhiều hơn. Triết học phương Tây đã từng được đưa lên trời rồi kéo xuống đất, nay được Bùi Văn Nam Sơn đem về Việt Nam và đưa vào tờ báo thị trường cho công chúng. Quyển sách quá đẹp, quá hay, có tính học thuật cao mà lại bình dị, xen lẫn với những vần thơ Việt Nam tươi mát. Bùi Văn Nam Sơn với tri thức uyên bác đã rút ngắn được từ kho báu triết học phương Tây thành những mạch văn tài tình đượm chất nhận thức cho những người Việt Nam bình dị.

(II)

Triết học đã ngự trị trong văn minh phương Tây hơn 2000 năm. Nguồn gốc của nó là sự tò mò, đặt vấn đề, với một nỗi ưu tư nhất định, về sự tồn tại của con người và thế giới, với lòng yêu minh triết: “Sự ngạc nhiên (δαυμάζειν) là thái độ của một con người yêu mến minh triết đích thực, vâng, không có khởi nguồn nào khác của triết học hơn là sự khởi nguồn bằng sự ngạc nhiên này.” (Plato, Theaitetos) Hay: “Sự ngạc nhiên khiến trước tiên con người đi đến triết lý.” (Aristote, Metaphysik) Lúc đó triết học xuất hiện. Tò mò để rồi vươn lên nhận thức (epistime) và ý tưởng (idea), và mỗi nhận thức triết học là một bước sự giải phóng con người khỏi hang động vô minh (Plato). Có nhận thức thì mới có minh triết (wisdom).
Tò mò, ngạc nhiên là đòi hỏi tiên quyết của nhà khoa học. Nhưng tò mò và không mê tín mới là điều kiện để có khoa học. Người Babylon và Ai cập biết rất nhiều về các định luật của quỹ đạo các hành tinh, đặc biệt các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, nhưng họ xem đó là những điều thần bí tôn giáo, cho nên đã không đi tìm sự cắt nghĩa tự nhiên. Khác với các nhà khoa học Hy Lạp đầu tiên như Thales, Anaximander, Anaximenes của của thời kỳ Khai minh Ionia thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên (vừa là thế kỷ của sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca, Lão tử và Khổng tử ở phương Đông). Những nhà triết học đầu tiên này của Hy Lạp tin rằng thế giới xung quanh có thể hiểu được bằng lý trí nếu chúng ta có công quan sát, chứ không phải là nơi tụ hội của thần linh hay ma quỷ điều khiển nó một cách tuỳ tiện. Họ đã giải phóng mình ra khỏi mê tín và xem thế giới như một cơ chế phức tạp diễn biến theo những định luật bất tận nằm bên trong nó mà họ ham muốn tìm kiếm cho ra. Đó là tiền đề của khoa học. Đó là thái độ căn bản của khoa học cho đến ngày nay.[4]
Einstein có lẽ là một thí dụ điển hình là tiếng vọng của sự ngạc nhiên nguyên thuỷ và tinh anh vốn là bản chất của con người mà Plato và Aristote vừa nói. Ông có sức ngạc nhiên phi thường trước cái bí ẩn, vẻ đẹp của tạo hoá, và cho rằng nếu ai “không còn khả năng ngạc nhiên, sửng sốt trước nó, thì người đó coi như đã chết, ánh mắt đã tắt lịm đi.[5] Chính sự ngạc nhiên và ưu tư đã dẫn ông đến những khám phá kỳ diệu của thế kỷ.

(III)

Triết học dính gì với cuộc đời? Dính nhiều thứ chứ. Nó phục vụ cho “đa mục đích” của xã hội. Triết học có tham vọng là khoa học toàn cục. Wilhelm von Humboldt cũng cho rằng khoa học, Wissenschaft, phải là cái thống nhất, bao trùm, tức là triết học. Con người không bao giờ hài lòng với những tri thức bị phân mảnh, hay với những tri thức đang có. Lý thuyết dây, hay cuộc truy tìm hạt Higgs hiện tại cũng xuất phát từ sự tò mò vô hạn của con người về cái toàn thể.
Albert Einstein (1879-1955)

Einstein được xem là nhà triết học tự nhiên nổi bật trong các nhà khoa học của thế kỷ 20. Ông không phải chỉ biết làm toán bằng các công cụ toán học, mà bằng con mắt triết học trước tiên. Einstein thấy Triết học giống như một bà mẹ đã sinh ra và trang bị tất cả các ngành khoa học còn lại. Người ta vì thế không nên đánh giá thấp bà mẹ ấy trong sự nghèo khổ và trần truồng, mà phải hy vọng rằng cũng vẫn còn chút lý tưởng Don-Quichote hiện thân trong lũ con của bà để chúng không trở thành những kẻ nhỏ nhen[6].
Cái gì làm khác biệt nhà khoa học và người thợ đóng giầy, Einstein hỏi và trả lời: tư thế triết học ở nhà khoa học làm nên sự khác biệt; nhà khoa học phải nhắm tới nhận thức triết học, ý tưởng hơn là chỉ có tính chất cơ học, mechanical. Điều này cũng đúng với nhà kinh doanh.
Triết học như một cây cổ thụ sum xuê cành nhánh.
Cũng có thể nói tương tự về sự khác biệt giữa người thợ đóng giầy và nhà kinh doanh nói chung. Đây chính là điểm đã làm nổi bật vị trí của báo Sài gòn Tiếp Thị: kinh doanh bằng ý tưởng triết học khi đưa loạt bài trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn vào tờ báo mình. Dĩ nhiên không chỉ có thế.

(IV)

Fukuzawa Yukichi (1835-1901)
Triết học phương Tây bao hàm một môn học rất quan trọng, đó là tranh luận, disputationlogic vốn thấm nhuần trong các chương trình học. Thuật hùng biện, rhetoric, là một trong bảy môn học căn bản của giáo dục phương Tây[7]. Chân lý phải được luôn luôn thử thách. Và thực tế mọi chân lý trong xã hội phương Tây đều phải trải qua những cuộc thử thách của xã hội. Humboldt diễn tả điều này khi nói: “Chân lý là cái mãi mãi phải đi tìm”.
Những điều này thiếu vắng ở văn hoá phương Đông. Cái học phương Đông nặng về học tư liệu, documentary learning. Nhà khai sáng Nhật Bản Fukuzawa Yukichi khi tiếp xúc văn minh phương Tây mới ngạc nhiên thấy trong xã hội Nhật Bản không có chữ tranh luận, một thiếu sót lớn cho sự phát triển xã hội. Rồi ông tổ chức cho sinh viên tập tranh luận công khai.

(V)

Hẳn có lúc triết học cũng bị “lợi dụng” bởi quyền lực, như trường hợp nhà thờ công giáo La Mã một thời gian dài đã xem triết học là con ở của thần học, một loại ý thức hệ của nhà thờ. Nhưng theo Immanuel Kant, một cách châm biếm, con ở theo kiểu nào, con ở “cầm đèn đi trước cho phu nhân hay nâng đuôi áo váy phía sau cho bà, điều đó chưa biết được; miễn là người ta không đuổi nó đi hay bịt miệng nó lại”[8], nghĩa là cho nó đầy đủ tự do để hoạt động. Hẳn Kant muốn nói: thần học mà không có triết học dẫn đường thì có ngày vấp ngã u đầu! Thực tế đã diễn ra như thế.
Cho nên trong giáo dục đại học, Kant mới cần một khoa, là khoa triết học trong đại học, có đủ tự do học thuật để nghiên cứu, để “có đủ năng lực phán đoán chỉ theo các nguyên lý của tư duy”, mà “không lệ thuộc vào một mệnh lệnh từ phía trên làm kim chỉ nam nào”, vì “chân lý (điều kiện đầu tiên và chính yếu của học thuật) mới là cái quan trọng, mới giúp ích được chính quyền, trong khi tính hữu ích (của các ngành học ứng dụng) chỉ là yếu tố hàng thứ hai”. Kant nói tiếp: “Chỉ có một yêu cầu khiêm tốn là được tự do, và chỉ tự do thôi, để tìm ra chân lý, điều có lợi cho khoa học và cho các phân khoa khác (ứng dụng), và chân lý đó đối với chính quyền không có gì phải nghi ngờ và cũng không thể thiếu được.”[9] Thực tế, cùng với khoa học tự nhiên, triết học từ thế kỷ 17 rồi sang thời Khai Minh thế kỷ 18, đã giải phóng mình để trở thành chủ thể của một khoa học độc lập.
Francis Bacon (1561-1626)
Galileo Galilei (1564-1642)
Nhưng sự lạm dụng triết học vẫn chưa hết ở thế kỷ 20, vin vào việc Hegel đặt nhà nước như “Hệ thống của Đạo đức”[10], “Nhà nước của một bộ máy công chức hợp lý tính” làm trung tâm của triết học chính trị của ông và xem triết học là “triết học nhà nước”. Tại nhiều nơi, triết học được sử dụng như một “công cụ sang trọng” của quyền lực để biện minh, biến thành “ý thức hệ nhà nước” chi phối toàn xã hội, cả khoa học lẫn nhân sinh quan của con người.
Thế kỷ thứ 17 đã từng chứng kiến một cuộc đấu tranh cam go của giới khoa học chống lại “chủ nghĩa đế quốc triết học” (philosophical imperialism) mà đại biểu là Galileo Galilei và Francis Bacon nhằm giành lại sự độc lập cho khoa học và học thuật. Khoa học hiện đại đã hình thành và thoát khỏi sự bao biện của triết học cũ.

(VI)

Immanuel Kant (1724 - 1824)
W. von Humboldt (1767-1835)
Ở Đức (Phổ) vào cuối thế kỷ 18 đầu 19, triết học có vai trò trung tâm trong việc cải tổ nhà nước và giáo dục đứng trên mãnh đất của Kant. Chưa có đất nước nào trên thế giới chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết học như nước Đức trong sự phục hưng đất nước từ thảm hoạ lạc hậu và thất trận. Thời đó một loạt triết gia tên tuổi xuất hiện cùng một lúc: Kant, Fichte, Schelling, Hegel. Triết học Đức giành lại độc lập từ tay Pháp và lên ngôi. Triết học của “Chủ nghĩa duy tâm Đức” và Chủ nghĩa tân nhân văn của giới văn học ảnh hưởng lên sự hình thành ý tưởng giáo dục đặc thù của Đức mà Humboldt là người chấp bút thực hiện một cách dũng cảm: sự tự-phát triển, và hoàn thiện nhân cách con người trong sự chiếm lĩnh thế giới, vượt lên khỏi những lợi ích nghề nghiệp, kinh tế và chính trị. Con người không còn là phương tiện, bánh xe con trong bộ máy, mà là cứu cánh tự thân, tự chủ, tự quyết và tự lực. Giáo dục nhằm tinh luyện con người toàn diện và là điều kiện tiên quyết của xã hội mới. Nó cũng nhắm vào việc hình thành một xã hội mới chống lại thế giới cũ của đẳng cấp và quí tộc. Trong đại học cải cách Berlin (Humboldt) triết học không còn là môn học dự bị, mà là sự hiện thân của “vũ trụ tri thức”, và các nhà triết học lớn, khác hẳn trước đây và những nơi khác ở châu Âu thế kỷ 19, đều là những giáo sư đại học. Với những ý tưởng khai phóng và có tầm nhìn xa, đại học Đức đã làm một cuộc khai phá chưa từng thấy trong lịch sử. Một sự liên minh giữa triết học, khoa học và văn hoá chưa từng có. Nhà triết học cũng là nhà khoa học và văn hoá. Nhà văn hoá cũng là nhà triết học và khoa học. Nhà khoa học cũng là nhà triết học và văn hoá. Khác hơn Pháp nơi trí thức chấp nhận sự thay thế các đại học bằng Grand Ecoles và các khoa chuyên biệt trong chính sách của Napoleon, trí thức Đức đã nâng cao vị thế của đại học và các khoa triết học thành các trung tâm hàn lâm và học thuật. Tất cả phải biến thành khoa học trong tinh thần triết học.[11]
Francis Wayland (1796-1865)
Tại Hoa Kỳ vào thế kỷ 18, mục đích quan trọng nhất của giáo dục đại học là nhằm giáo dục thanh niên thành những con người có tư cách đạo đức, men of moral character. Để làm việc đó, Francis Wayland, chủ tịch Đại học Brown cũng như những nhà giáo dục hàng đầu khác như ông “đánh giá cao việc học triết học”. Giáo dục triết học có nhiều mục đích: hợp nhất tất cả tri thức vào một tổng thể mạch lạc, dễ hiểu; để hoà giải tôn giáo và khoa học (hay ít ra để phòng ngừa khoa học làm hại tôn giáo), và để khám phá những qui tắc đạo đức có thể truyền đến sinh viên để ứng dụng trong đời sống cá nhân và nghề nghiệp[12]. Chức danh Tiến sĩ triết học (Doctor of Philosophy, viết tắt Ph.D. ở Mỹ hay Dr. Phil. ở Đức) của thế kỷ 18, và thông dụng thế kỷ 19, hàm chứa hai yêu cầu: thứ nhất, hiểu biết chuyên sâu về một ngành học của giáo dục đại học, và thứ hai, năng lực hợp nhất sự tinh thông chuyên môn này vào tổng thể tri thức. Đòi hỏi sau nhấn mạnh đến triết học.[13]

(VII)

Cũng có lúc triết học cũng phải bất lực, chẳng hạn đối với những vấn đề vật lý hóc búa của nửa thế kỷ đầu 20 như thuyết tương đối hay vật lý lượng tử. Ở đây Einstein cho rằng “Nhà vật lý không thể đơn giản giao phó sự trăn trở về những vấn đề nền tảng có tính cách lý thuyết cho nhà triết học; bởi vì anh ta (nhà vật lý) biết tốt nhất và cảm thấy rõ nhất chiếc giầy bó chỗ nào ở dưới chân.[14] Dĩ nhiên khoa học và triết học bổ sung nhau.
Những nhà vật lý thế kỷ 20, trong chừng mực nào đó thực tế đã hoá thân thành những nhà triết học: Einstein, Planck, Bohr, Heisenberg, Schrödinger. Khi nghe những lời than phiền tại sao thế hệ chúng ta không có những nhà triết học lớn thì Adolf Harnack, một nhà thần học, giáo sư tại đại học Berlin và là chủ tịch đầu tiên Trung Tâm nghiên cứu Kaiser Wilhelm (sau này là Max Planck) bấy giờ trả lời: có chứ, họ bây giờ không ngồi trong phân khoa triết nữa mà ngồi trong phân khoa vật lý với những tên như Planck, Einstein.[15]

(VIII)

Trò chuyện triết học không chỉ là “bữa tiệc triết học” hoành tráng để thưởng lãm, mà quan trọng hơn nó có tác dụng như một thứ hoạt chất kích thích tư duy nói chung, trong bối cảnh đình trệ tư duy và tinh thần bế tắc của xã hội. Tư duy là điều kiện tiên quyết để có xã hội tri thức. Một xã hội không tư duy triết học là nghèo nàn, thiếu vắng linh hồn, như con thuyền thiếu bánh lái. Muốn làm toán phải học toán, thì cũng thế, ở đây muốn triết lý thì phải học triết học là điều căn bản. Triết học góp phần khai sáng đưa con người ra khỏi tình trạng “chưa trưởng thành tự chuốc lấy” của Kant. Trong một cảnh quang ngày càng bị hoang dã hoá thì triết học xuất hiện như nữ thần Athena của đức hạnh và trí tuệ, hay như ngọn đèn minh triết của Diogenes. Triết học tự nó bao hàm minh triết, nhân sinh quan. Một con người, hay một quốc gia, nếu không có minh triết, có nguy cơ lạc lối.
Plutarch, sống trong thế kỷ đầu sau công nguyên, nói rằng, thuốc men và thể dục phục vụ sức khoẻ con người khi đau ốm hoặc làm cho nó khoẻ thêm. Nhưng khi tâm hồn yếu đuối hay phiền não thì triết học là liều thuốc duy nhất cần phải được kê toa. Cho nên, theo ông, cần phải đặt triết học lên hàng đầu của mọi nền văn hoá. Một xã hội có nhiều “yếu đuối” và “phiền não” lại cần triết học hơn.

(IX)

J. G. Fichte (1762-1814)
Georg Hegel (1770-1831)
Ngày giới thiệu quyển sách Trò chuyện triết học, 28/6/2012, cũng rất tình cờ là ngày bá quyền phương bắc muốn đặt chân lên thềm biển Việt Nam để khai thác dầu khí. Bàn về triết học lúc này có phải là một điều xa xỉ không? Triết học có dính gì đến việc chống bá quyền không, có thể có người hỏi. Có chứ. Ngay đêm trước của trận đánh Jena 1806, nơi quân Phổ đại bại trước quân Napoleon, Hegel hoàn tất bản thảo Hiện tượng luận tinh thần[16]. Năm 1806/7 J. G. Fichte đọc một loạt bài Diễn văn gửi Quốc gia Đức[17] nổi tiếng để đổi mới và củng cố tinh thần quốc gia trong tình hình bại trận. Fichte muốn xây dựng quốc gia bằng cách Đổi mới tinh thần người Đức thông qua giáo dục để người Đức trở thành những con người đạo đức, độc lập, và tự lực. Hơn thế nữa, giáo dục nhắm mục đích làm cho người Đức trở thành “thành viên trong sợi chuỗi vĩnh hằng của một đời sống trí tuệ nói chung, dưới một trật tự xã hội cao hơn.” Giáo dục mới không chỉ rèn luyện con người về đạo đức, mà còn là nghệ thuật để “rèn luyện toàn bộ con người hoàn toàn và trọn vẹn thành con người”. Nó nhắm đến “sự sáng sủa của lý trí” và “sự tinh khiết của ý chí”. Vân vân.
Nguyễn Xuân Xanh
Trò chuyện triết học có thể hữu ích cho việc xây dựng những mục tiêu nói trên lắm. Nếu câu nói của Schopenhauer được đọc lại: tri thức chúng ta sẽ là định mệnh của chúng ta thì Trò truyện triết học có thể góp phần đem lại tri thức, sự “sáng sủa của lý trí”, từ đó “sự tinh khiết của ý chí”. Nếu “Giá trị của một nhà nước, xét dài hạn, là giá trị của các cá nhân cấu thành” (J. S. Mill) thì Trò chuyện triết học là tác phẩm góp phần tăng thêm giá trị cá nhân, và nhà nước. Chúng ta cần không phải một Trò chuyện triết học mà cần thêm nhiều tập trò chuyện như thế nữa để tăng thêm sức mạnh đề kháng của nhân dân.
NXX, TP Hồ Chí Minh, đầu tháng 7/2012




[1] Bài viết này đã được trích đăng trên một số tờ báo in và báo điện tử Việt Nam, trong đó có Tuổi Trẻ và Tia Sáng.

[2] Trích dẫn từ “Trò chuyện triết học”.

[3] Như trên.

[4] Erwin Schrödinger, Die Natur und die Griechen. Kosmos und Physik. Rowohltsche Deutsche Enzyklopädie, 1956. Ionia là vùng đất Hy Lạp cổ không phải được cai trị bởi một đế chế mạnh mà bởi các chính quyền tự quản nhỏ với những trí thức lãnh đạo. Đó là điều kiện cho phép các ý tưởng khoa học của khai minh phát triển thuận lợi mà không gặp cản trở nghiêm trọng.

[5] Trong sách EINSTEIN của Nguyễn Xuân Xanh, nxb Thành phố, 2011.

[6] Trong EINSTEIN sách đã dẫn.

[7] Artes liberales gồm các môn hùng biện, văn phạm, biện chứng, hình học, số học, thiên văn và âm nhạc.

[8] Trong khảo luận “Sự tranh cãi của các khoa” (Der Streit der Fakultäten) của Immanuel Kant; Chương 2.

[9] Như trên.

[10] System der Sittlichkeit.

[11] Joseph Ben-David, The Scientist’s Role in Society. The University of Chicago Press, 1984; chương 7.

[12] Derek Bok, Universities and the Future of America. Duke University Press, 1990; tr.63.

[13] John S. Bruhacher, On the Philosophy of Higher Education. Jossey-Bass Publishers, 1978; tr.120.

[14] Trong EINSTEIN sách đã dẫn.

[15] Như trên.

[16] BVNS dịch và chú giải được xuất bản năm 2006.

[17] Johann Gottlieb Fichte, Reden an die deutsche Nation. Các diễn văn thứ 3 và 4.

Print Friendly and PDF